Phù Du

Tác giả: Võ Như Vũ

Tôi về lại Qui Nhơn sau thời gian ngắn xa nhà. Không ngờ thời gian ngắn ngủi sống trong bình yên này lại là những tháng ngày lê thê cho những ai sống trong nhọc nhằn, hoang mang và sợ hãi.

Những thân quen của con phố thân yêu đã nhanh chóng biến mất.

Tôi qua đường phố cũ nhưng như đang lạc lõng giữa lòng phố lạ. Đột nhiên, tôi không còn thấy chuyện Từ Thức là một cổ tích hoang đường nữa.

Từ lâu, không còn ai biết đến Từ Thức, có lẽ ông đã chết khô trước cữa hang số sáu của động Phi Lai từ đời nào nhưng Giáng Hương vẫn còn đó, vẫn xinh đẹp như lúc nàng xuất hiện tại chùa Hòa Châu và chưa vội tái giá vì năm nay nàng chỉ vừa tròn mười tám tuổi rưỡi.

Tôi liên tưởng đến ngoài khoảng không gian vô tận, đang bao quanh quả địa cầu kia, có Giáng Hương và có cả một loài sinh vật biết suy nghĩ nhưng chẳng lo âu, họ biết nhận xét nhưng chẳng nhọc tâm, thấu hiểu được thời gian đi không bao giờ ngừng nhưng lại chẳng hề hấp tấp và họ còn biết cả thưởng thức café sữa, hương vị của trần thế.

Họ thường cùng nhau tụ tập bên những ly café “phin”, chờ café nhỏ giọt, không nghe nhạc nhưng lại nhìn xuống trần gian để xem xét sinh hoạt của loài người đang diễn tiến như một cuốn phim quay cực nhanh.

Café của họ chưa kịp nhỏ giọt thứ nhì, một đời người qua đi, nhiều cuộc chiến tương tàn chấm dứt rồi lại tái diễn. Mặt trời lên xuống chớp sáng quả địa cầu giống như những đèn quẹo phải quẹo trái của chiếc xe hơi nhưng nhanh hơn gấp triệu lần.

Mỗi sáng, loài người bon chen tuôn ra khỏi nhà, xe cộ ngược xuôi tràn ngập đường sá như những “electron” của dòng điện chạy vun vút trong hệ thống dây “cáp” chằng chịt. Chiều về, “electron” lại di chuyển, yên tĩnh được khoảnh khắc rồi lại tiếp diễn chu kỳ vào ngày hôm sau và sau nữa.

Lúc những giọt café đen thơm ngát vừa che kín mặt sữa trắng đục thì cũng là lúc họ nhìn thấy loài người đã trải qua hàng trăm thế hệ.

Đời ông, phấn đấu rồi chết.

Đời cha, cạnh tranh nhau đến kiệt lực.

Đời con, lo lắng công danh tiền bạc rồi cũng biến thành cát bụi, để lại cho đời cháu chắt và cháu chắt của cháu chắt một thói quen cạnh tranh, cầu lợi.

Loài sinh vật không gian này chắc chắn sẽ vừa thưởng thức café vừa ngâm thơ Cao Bá Quát:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy.
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười!

Võ Như Vũ

3 thoughts on “Phù Du

  1. Phuong

    Cảm giác về lại quê cũ sau bao nhiêu năm cũng như bạn. Tìm mãi đường xưa nhà cũ, nhưng không còn, và không rõ nơi đâu. Người ta bảo trước đó là con đường thẳng bây giờ trở thành con hẻm nhỏ ngoằn nghèo trong khu nhà lao động. Đứng lớ ngớ như Từ Thức về trần. Thật là thất vọng.
    Café chưa kịp nhỏ giọt thứ nhì, một đời người qua đi. Mặt trời lên xuống chớp sáng quả địa cầu giống như những đèn quẹo phải quẹo trái của chiếc xe hơi người bon chen tuôn ra khỏi nhà, xe cộ ngược xuôi tràn ngập đường sá như những “electron” của dòng điện chạy vun vút trong hệ thống. Bạn ví von rất hay và lạ lùng. Đúng mọi thứ là Phù Du. Nhưng có còn hơn không ông bạn, hãy chớp lấy phút phù du này mà : Tiêu khiển một vài chung lếu láo. 🙂

    Reply
  2. Võ Như Vũ

    Happy 13th Birthday Hương Xưa!
    Cảm ơn bạn Phong đã đọc!
    Lần đầu tiên mình xa Qui Nhơn trốn đạn, vào Bình Tuy sống cùng với người anh vài tháng. Cứ tưởng là sẽ không có kỳ thì Tú Tài 1 năm đó, nhưng rồi Bộ Giáo Dục cũng tổ chức được kỳ thi lúc súng đạn Quảng Trị đang ngút trời. Sợ phải “đợi ngày đi” nên mình quay về QN để ôn bài. Về thấy phố phường thay đổi vì chiến tranh nhanh quá.
    Đó là “Mùa Hè 1972, nắng vẫn vàng nhưng sao tôi thấy có nhiều nóng cháy. Biển vẫn xanh nhưng lại gợn nhiều sóng bạc. Phượng vẫn nở trên hè phố như mọi năm, nhưng tôi không còn rộn rã nhìn hoa thắm trên nền lá xanh tươi, lại chỉ còn thấy một màu đỏ của lửa chiến tranh.
    Ngoài những xe nhà binh chạy qua lại, những đường phố cũ bình an tấp nập và vui vẻ đã không còn nữa. Phố xá như đang ngủ say dù trời chưa tối. Những cánh cữa sắt của nhà ở, tiệm buôn đều mở hờ, như đang sẳn sàng để đóng kín đề phòng nguy hiểm bất ngờ xảy ra. Âu lo hiện rõ trên khuôn mặt của từng người…”

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.