Yanni

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Nhắc tới tên Yanni, người ta nghĩ đến nhà soạn nhạc có gương mặt chuẩn đàn ông, với hàng ria mép đậm, mái tóc bờm, bồng bềnh, cộng với nụ cười khả ái. Thường xuất hiện với chiếc áo sơ mi vải linen trắng sáng mềm mại, và phong thái chút khoa trương điệu nghệ. Nhạc sĩ người Mỹ gốc Hi Lạp đã cho trình diễn một loại nhạc mà người ta gọi là không giống ai. Có phong cách loại giao hưởng cổ điển của Ludwig Beethoven và Wolfgang Mozart, có chút nhịp nhàng của pop, có chút hard rock quyến rũ của Led Zeppelin (kiểu “Stairway to Heaven”) và dữ dội của Black Sabbath (kiểu “Paranoid”), có ngẫu hứng của Blue Jazz, có sôi động của disco, có âm giai đặc thù truyền thống của các dân tộc khác nhau. Người ta không biết nên xếp theo trường phái nào nên bỏ chúng vào một rọ gọi chung là thể loại New Wave. Nhưng ông không thích gọi thế, trong một cuộc phỏng vấn ông thích gọi chúng là “contemporary instrumental music”.

Lần đầu tôi tình cờ xem buổi hòa nhạc trên truyền hình, vào khoảng
những năm cuối thập niên 90, một chương trình nhạc giao hưởng khá lạ, lạ chỗ
hòa tấu nhạc giao hưởng mà có màn solo trống như nhạc rock, lại biểu diễn guitar
bass, rồi song tấu hợp bích đối đáp ngẫu hứng giữa hai tay chơi violin khá nhộn.
Ông nhạc trưởng với vest đen đuôi tôm thì cầm đũa khuấy đảo trước dàn violin.
Còn ông ‘host’ diện bộ đồ trắng kẻng thì múa máy đôi tay trên keyboard vừa chơi
vừa lắc mình, gập người, vung mái tóc bờm, lắc lư phụ họa theo tiết tấu điệu
nhạc. Lúc đầu tôi hơi phân vân ai là người chỉ huy dàn nhạc hợp xướng này? Ông
nhạc trưởng áo đen hay gã áo trắng múa may bung xung này. Dĩ nhiên chỉ dăm ba
phút sau là người xem có thể hiểu ngay. Nói chung, hình ảnh và âm thanh chương
trình giao hưởng lạ tác động rất ấn tượng với tôi. Nhưng xong chương trình buổi
hòa nhạc, rồi cũng quên đi.

Công việc mưu sinh hàng ngày làm tôi quên lãng chương trình này.
Cho đến khi, một cuối tuần shopping ở cửa hàng Circuit City, thấy có bán đĩa nhạc có hình ảnh gã nhạc sĩ có mái tóc bờm này. Tôi mua về bỏ vào dàn máy surround sound 5.1 (đầu tư cũng khá bộn xu) nghe thử âm thanh. Kể từ ấy tôi mê những giai điệu nhạc từ nhạc sĩ sáng tác, nhà soạn hòa âm, nghệ sĩ keyboard, nhà sản xuất, hay ông bầu ban nhạc, gọi thế nào cũng đúng, với gã tóc bờm Yanni này.
Cũng như những người thích âm nhạc và văn nghệ khác ở Sài Gòn
trước 75. Tôi rất thích loại nhạc hòa tấu, loại nhạc không lời này thường làm lắng
dịu cảm xúc, gây cảm giác êm đềm nơi đô thị náo nhiệt. Mà trong đó, nhạc hòa tấu của Paul Mauriat (composer and conductor) là số một. Ông phát hành nhiều album, trong số có một tựa tên là Paris by Night, đậm chất khiêu vũ với điệu valse cung đình. Nghe rất thích thú với valse đủ nhịp từ chậm, vừa, đến nhanh. Có lẽ cũng từ đó, một nhà làm băng nhạc ở kiosk đường Nguyễn Huệ (SG) trước kia, khi ra hải ngoại đã đặt tên cho chương trình nhạc tạp lục của mình là Paris by Night sau này.
Thời ấy có đĩa hòa tấu của ban nhạc The Venture (với Walk Don’t Run, Wipe Out)
và The Shadows (với Apache, Riders In The Sky) theo chân quân đội Mĩ, nhưng là
loại nhạc không lời đơn thuần của instrumental band (chỉ ba bốn người) chứ
không phải loại symphony orchestra (với vài ba chục người), có phổ biến, nhưng
không phổ cập như của Paul Mauriat. Nhạc hòa tấu của Paul Mauriat (loại
orchestra) nhẹ nhàng êm dịu, hợp với mọi khung cảnh nông thôn hay phố thị, mùa
hè hay mùa đông, giai điệu không đập mạnh vào tai mà cứ văng vẳng rỉ rả ở bên
khó dứt. Tôi mê nhiều bản nhạc hòa tấu của ông, bản hòa âm ‘love is blue’ của ông đứng đầu bảng xếp hạng, và được ưa chuộng ở Mĩ. Nhưng với bản ‘black is
black’ thì tôi thích nhất lúc ấy. Âm nhạc mà, mỗi người có ‘gu’ riêng, như cà phê
vậy thôi. Đến giờ vẫn còn mê nghe nó, bởi nó mang chất soul rock loại nhịp
“bebop”.

Từ giữa những năm 80 thì có thêm nhạc loại hòa tấu không lời với
cây piano chủ đạo của Richard Clayderman du nhập vào Sài Gòn. Pianist này có kĩ thuật tốt, trình diễn những bản nhạc đại chúng phổ biến, và tạo bản phối khí dễ
nghe cho các bài nhạc cổ điển. Đến giữa những năm 90 khi ra nước ngoài, tôi mới biết Richard Clayderman phổ biến ở Việt Nam và các quốc gia châu Á. Nhưng lại không phổ biến ở Mỹ. Nơi làm việc, tôi thường mở nhạc R Clayderman với những bản nhạc quen thuộc vang lên rỉ rả, nho nhỏ. Một người Mĩ quen lắng nghe theo, nghe xong một lúc lâu rồi hỏi tôi rằng, đã từng nghe Giovanni chưa? Tôi trả lời chưa, thế là hôm sau người bạn quen ấy mang đến tặng tôi một đĩa nhạc của Giovanni Marradi. Mang về, cho vào dàn máy lớn nghe thử. Cũng với cùng bản nhạc ấy, cũng với cây piano chủ đạo, nhưng Giovanni đã trình bày khác biệt, hòa âm có chiều sâu hơn, tinh tế hơn và âm thanh thanh thoát hơn. So ra Richard khá đơn giản. Theo tôi, phần tốt nhất của Richard là ngón đàn điêu luyện, còn hòa âmphối khí thì không thuyết phục những người nghe có căn bản nhạc lý. Có lẽ R Clayderman không phải là một composer như Giovanni chăng? Từ ấy, tôi thích nghe nhạc hòa tấu piano từ Giovanni. Và cũng từ ấy tôi lại có thêm một góc nhạc lui tới nữa. Tôi không từ bỏ nghe R Clayderman mà lại tăng thêm những bản hòa âm mới của Giovanni. Âm nhạc không phải là một đồ dùng, cũ tệ thì xếp xó, cái mới tốt hơn thì sử dụng. Vì âm nhạc có mang linh hồn của nó. Những giai điệu nhạc cũ mang theo bao kỉ niệm, nó gợi nhớ mỗi giai đoạn của đời người. Con người sống làm sao không kí ức. Đời sống tinh thần chỉ thêm không có bớt. Nếu bớt đi sao gọi là giàu có, phong phú.

Với Yanni thì một dạng khác, phức tạp hơn, loại dạng hòa âm của Paul Mauriat, hay của Ray Conniff. Cần một dàn hợp tấu đông người với nhiều nhạc cụ khác nhau mà ta gọi là dàn nhạc giao hưởng, symphony orchestra, ít thì vài chục, nhiều có thể lên tới trăm người, điểm này khá giống với các buổi giao hưởng của nghệ sĩ vĩ cầm thượng thặng André Rieu. Hình ảnh trích đoạn hòa nhạc tôi xem hôm ấy là từ đĩa “Yanni – Live At The Acropolis” quay năm 1993 phát hành vào năm sau đó. Để có được buổi hòa nhạc này Yanni đã mất một năm rưỡi lo việc tổ chức và tập dợt hòa hợp âm thanh nhạc cụ của 68 nghệ sĩ biểu diễn. Và anh vét sạch túi tích cóp gia tài được vài triệu đô la đánh cược rất lớn vào buổi trình diễn này, xong buổi trình diễn anh chỉ còn lại mấy chục ngàn trong túi. “Live  at the Acropolis” nhận được sự đón nhận tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc.
Nó thành công ngay lập tức về mặt thương mại, đạt vị trí số một trên bảng xếp
hạng Billboard New Age Albums.

Người ta nói “không thầy đố mầy làm nên”. Với Yanni thì ngược lại “có thầy đố mầy làm nên”. Nếu có thầy thì Yanni sẽ phải theo khuôn phép rõ ràng. Sẽ không kết hợp râu ông này cắm cằm bà nọ, không kết kết hợp dụng cụ nhạc điện tử chơi rock (gồm trống, organ, guitar, bass) với dụng cụ nhạc chơi giao hưởng (gồm violin, viola, cello, trumpet, bộ đồng, bộ gõ), và lại kết hợp nữa với những nhạc cụ truyền thống độc đáo của các dân tộc (như sáo trúc, tiêu duduk, guitar thùng, đàn harp) một cách tuyệt diệu đến thế. Và sáng tác những giai điệu nhạc vừa nhẹ nhàng vừa mạnh mẽ, vừa cổ điển vừa hiện đại, hòa quyện hài hòa. Gợi lên cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc đến thế. Năm sáu tuổi bố mẹ anh vét tiền mua cho con một cây piano, rồi thảy đó để mặc cho con vọc chơi, bởi gia đình không khá giả, không còn tiền để thuê thầy dạy. Nhưng những việc khác mẹ anh vẫn săn sóc chu đáo cho anh với tình thương vô bờ của bà. Đứa trẻ sáu tuổi đó tự học tự mày mò chơi với các phím đàn và hứng thú với âm thanh của nó.
Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là điều may cho Yanni bởi những gia đình khác bắt ép con
học, và luyện tập đàn đến phát sợ hãi với cây đàn, nếu vậy có thể đâu có một
Yanni bây giờ. Yanni đã chơi piano bản nhạc không lời ‘Felitsa’ trong đêm ấy với
âm thanh ấm áp như ru ngủ mang đầy yêu thương vỗ về. Tiếng piano ban đầu
thong thả như thủ thỉ rồi dần nhanh quyện hòa với dàn violin nâng lên bay cao dịu
dàng. Felitsa chính là tên của mẹ anh, anh sáng tác này dành riêng cho mẹ mình, bà cũng có mặt đêm ấy.

Từ đĩa nhạc đầu tiên ấy về sau, mỗi khi có đĩa nhạc mới phát hành nào của Yanni tôi cũng mua cả, cả cd lẫn băng ghi hình dvd. Người ta nói nhiều, phê bình khen ngợi nhiều, về kiểu loại nhạc của Yanni. Họ còn nói ngoài chất du dương, còn có chất hào hùng trầm lắng, như bài “Nostalgia” (hoài niệm, bản nhạc được kể là sáng tác từ thời con nít còn bé) đậm chất giao hưởng cổ điển. Có người nói nó còn có chất ‘thiền’ thư giãn của yoga, gợi nên cảm xúc tuyệt vời trong tâm hồn như bản “Nightingale” (chim sơn ca). Yanni đã sáng tác một giai điệu cho mẹ, anh cũng có một câu chuyện về cha mình. Cách ông dạy anh trân trọng sự tĩnh lặng tịch mịch của thiên nhiên và cách sống mỗi ngày trọn vẹn với nó. Anh nói, để cân bằng tâm thái, anh thường hay lắng nghe từ thiên nhiên. Đối với bản “Nightingale”, Yanni đã kể một giai thoại thú vị về một loài chim, những con chim sơn ca thường ghé thăm cửa sổ nhà anh mỗi chiều hoàng hôn ở Venice,và hót lên cho anh nghe những giai điệu đẹp đẽ của nó. Những giai điệu này đã mê
hoặc anh, gây cảm hứng và anh đã sáng tác ra bản nhạc “Nightingale”. Bản nhạc
này đúng thật là gây cảm xúc lớn cho mọi người nghe. Một cảm xúc êm đềm, sâu lắng, mênh mông quay quắt dâng lên khó tả. Nhưng với bản “Prelude – Love Is All” (“Khúc dạo đầu – Tình yêu là tất cả”, do Pamela Mcneill viết lời) thì chỉ có
thể diễn tả một từ thật là “feeling goosebumps”!

Một hôm đọc báo thấy có giới thiệu Yanni và ban nhạc của mình về
trình diễn ở Dallas vào tối chủ nhật cuối tuần. Thật là niềm vui khó tả. Muốn đi
xem nhưng có chút lo. Vì nơi trình diễn xa chỗ ở, khoảng bốn năm chục cây số
phía bên kia downtown. Ban ngày chạy xe qua downtown cũng khá vất vả, bởi tốc
độ chạy trên freeway cao (70 dặm giờ) vừa liếc thấy biển báo rẽ, thì xe đã tới, mà
downtown là nơi tụ hội nhiều giao lộ, xe phải rẽ liên tục trên cung đường ngắn.
Không kịp sang lane thì chạy luôn, thế là lạc đường. Lúc ấy chưa có smartphone,
chỉ có cách rời freeway đi xuống local tìm vào cây xăng mua bản đồ mà dò đường
thôi. Ban ngày đã thế mà ban đêm thì thôi mệt óc. Nhưng đã mê nhạc thì cũng liều.
Lên mạng đăng kí cả nhà cùng đi xem buổi trình diễn của Yanni. Đến nơi thấy
đông nghẹt người, rạp không còn chỗ trống. Có nghe loáng thoáng vài âm tiếng
Việt. Ngó quanh trong đám người Mĩ cũng thấy được vài ba cặp người Việt đi
xem. Chắc là họ mê nhạc lắm, bởi giá vé không thấp, và thứ bảy thức khuya thì
không sao, nhưng chủ nhật thì khác, sáng sớm phải vội vàng rời nhà đi làm rất là
mệt mỏi. Sân khấu mở màn đúng giờ, Yanni xuất hiện, tiếng ồn ào la hét chào đón nồng nhiệt vang lên. Những bản nhạc nối tiếp trình diễn, qua lời dẫn duyên dáng gây cười của Yanni. Yanni làm chủ không khí hội trường, mỗi lời nói, mỗi cái phất tay, ngay cả cái dậm chân cũng gây phấn khích nơi khán giả. Thật kì lạ, đây là buổi chơi nhạc hòa tấu chứ đâu phải buổi biểu diễn ca hát nhạc rock. Mấy ‘chị’ Mĩ sồn già quá lửa ở dãy ghế sau chúng tôi gào lên “I love you, I love you ” liên tục khi Yanni nói đùa với khán giả. Họ luôn mồm bình phẩm các bản nhạc đang diễn của anh. Cái hay đặc biệt là, chỉ với một vài nốt nhạc cất ngân lên, dù chưa giới thiệu, là họ nói ngay bài đó tên gì, rồi nhại theo giai điệu của nó, dường như họ đã thuộc nằm lòng, và họ đến đây chỉ là để xem mặt ban nhạc mà thôi. Tôi cầm sony camcorder xoay ngược ống kính ra sau, nhưng ánh đèn hội trường mờ quá cũng chẳng thấy được gì. Nhưng cảm giác mọi người rất vui vẻ, rất thân thiện, mọi người có cùng cảm giác gắn bó nhau, họ nói chuyện với người bên cạnh hay nói với qua dãy ghế khác như đã quen từ lâu. Tôi nghĩ, có lẽ loại nhạc hòa tấu này rất khá kén chọn người nghe, mà đã nghe, đã thích, và đã nghiện âm thanh và giai điệu của nó, thì thấy dễ cảm thông với những ai cùng sở thích, họ kết thành bạn bè ngay, trở nên thân thiết ngay, vì cùng hội cùng thuyền mà. Buổi biểu diễn kéo dài hơn hai giờ rưỡi, non ba tiếng. Yanni chào tạm biệt, ban nhạc đã rút vào trong. Cả khán phòng ngồi yên không ai đứng lên ra về. Giống như một bữa tiệc lớn, thực khác ngồi chờ tiêu hóa bớt lượng thực phẩm một chút rồi mới rời ghế. Ở đây cũng vậy, âm nhạc vang lên đầy ắp khán phòng, non ba giờ trình diễn tôi nghĩ khán giả đã bội thực âm nhạc. Nhưng không, nhiều ông nhiều bà đứng lên la lớn, yêu cầu Yanni cho thêm nữa đi, nhiều người la hét cười đùa phụ họa. Cuối cùng Yanni cũng chiều khán giả mến mộ cùng bạn nhạc trình bày thêm một bản hòa tấu nữa.
Trời đã khuya, chúng tôi rời bãi đậu xe ra về. Trên con đường về nhà hun hút trước mắt, đèn đường đủ sáng, xe chạy êm lao vút trên xa lộ. Xe không bật radio fm, bởi chúng tôi đang tiêu hóa buổi tiệc âm nhạc, cảm giác vừa lâng lâng vừa mệt mỏi vừa thỏa mãn. Nhưng chắc chắn nó sẽ nạp thêm năng lượng cho cuộc sống. Ngày mai đi làm sẽ là một ngày sảng khoái, tinh thần làm việc đầy tích cực. Chắc chắn là thế!

Leave a Reply

Your email address will not be published.