“Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”

Tác giả: Hoài Nguyễn

Giới thiệu tác phẩm “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh” của Erich Maria Remarque
Nguyên tác tiếng Đức : Im Westen nichts Neues – bản dịch tiếng Anh: All Quiet on the Western Front

Thời còn đi học, hai tác giả viết về đề tài về tình yêu trong bối cảnh chiến tranh mà tôi yêu thích nhất là Ernest Hemingway (Mỹ) và Erich Maria Remarque (Đức) mà trong tủ sách truyện dịch của gia đình lúc nào cũng có đủ bộ sách của hai nhà văn này. Sau năm 1975, khi từ Sài Gòn trở về quê nhà thì lúc đó gia đình do yêu cầu của chính quyền mới, tất cả sách báo của miền Nam là thuộc loại … “văn hóa phẩm đồi trụy độc hại…” nên đã bị đốt sạch…Tiếc, nhưng mà gặp thời thế, thế thời phải thế…
Erich Maria Remarque có tên là Erich Paul Remark sinh ngày 22/6/1898 trong một gia đình theo dòng Công giáo La Mã tại Onasbruck, một thành phố thuộc tỉnh Westphalia nằm ở miền Tây nước Đức. Ngay từ nhỏ, Remarque đã luôn luôn ngưỡng mộ người mẹ – bà Anna Maria, trong khi luôn tỏ ra xa lánh người cha – ông Peter. Sau này khi người mẹ ông qua đời vào tháng 9/1917 và chiến tranh đã kết thúc, ông đã quyết định đổi tên thành Erich Maria Remarque như để luôn luôn nhớ về bà mẹ của mình.
Tháng 11/1916, khi mới 18 tuổi, Remarque đang là sinh viên năm thứ ba của trường sư phạm Onasbruck’s Lehresminar bị gọi quân dịch để tham gia vào Thế chiến I. Sau khóa huấn luyện tân binh tại Westerberg (chính là trại Klosterberg trong “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”), Remarque được phân vào một sư đoàn dự bị, tuy nhiên Remarque rất hay được về thăm nom bà mẹ đang ốm nặng. Tháng 6/1917, Remarque bị chuyển đến một đơn vị công binh ở mặt trận phía Tây. Remarque luôn tỏ ra rất điềm tĩnh, ngay cả khi người đồng đội Troske bị thương vì dính mảnh lựu đạn, Erich Paul vẫn đưa được Troske về phía sau an toàn. Nhưng cái chết của Troske – không phải vì vết thương mà do không được quan tâm đến đã khiến cho Remarque bị đổ vỡ hoàn toàn. Remarque vẫn tiếp tục cứu các đồng đội cho tới khi bản thân cũng bị thương vì mảnh đạn.
Suốt hai năm 1917-1918, Remarque nằm tại bệnh viện St-Vincenz ở Duisburg để chữa vết thương. Rời bệnh viện, ông trở về Onasbruck để dự khóa huấn luyện nâng cao trong nỗi đau buồn sau cái tang lớn. Ngày 11/11/1918 chấm dứt Thế chiến I. Đức ký một thỏa thuận đình chiến với quân Đồng minh. Thế chiến I đã làm 9 triệu binh sĩ chết, 21 triệu người bị thương, và hơn 5 triệu dân thường chết vì bệnh tật, đói khát. Những năm tiếp theo sau chiến tranh, nước Đức lâm vào tình trạng thiếu thốn, lạm phát, thất nghiệp đầy rẫy bọn đầu cơ trục lợi cùng bọn cực đoan chính trị.
Chiến tranh đã chấm dứt trước khi Remarque trở lại mặt trận và mặc dù chưa hề trải qua sự đối đầu tại chiến tuyến nhưng chiến tranh đã làm thay đổi suy nghĩ và thái độ của ông mãi mãi. Remarque tiếp tục quay lại trường sư phạm để hoàn thành việc học dở dang vì chiến tranh. Ông đã học một bài học cay đắng về giá trị mong manh thực sự của đời sống cá nhân sau khi đã hoàn toàn đổ vỡ khi nhận ra “chủ nghĩa yêu nước” của cái xã hội Đức đó có thể sẵn sàng bỏ qua bất cứ một cá nhân nào. Với ông và nhiều người bạn của mình, “trách nhiệm công dân Đức” chẳng còn một ý nghĩa gì nữa.
Sau khi tốt nghiệp sư phạm, Remarque được giới thiệu vào dạy thay cho một giáo viên trong vòng hai năm. Môi trường giáo dục không dính dáng đến chính trị và Remarque chuyển sự say mê sang các môn thể thao, nhất là đua ô tô. Hình ảnh về Remarque lúc bấy giờ là chàng thanh niên có mái tóc vàng, rất điển trai, ăn mặc trang nhã và những cơ bắp cuồn cuộn nổi. Tóm lại đó là hình ảnh về một con người hào hoa bất chấp thu nhập! Sau một thời gian, Remarque chán nản bỏ đi làm đủ thứ việc: chơi organ ở nhà thương điên, nhân viên một công ty sản xuất bia mộ, làm nhà phê bình sân khấu ở một thành phố nhỏ, viết quảng cáo cho một công ty ô tô. Ông lấy một nữ diễn viên tên là Zutta Ilse Zambona năm 1925, một thời gian ngắn sau khi được nhận vào làm biên tập ở tạp chí Sport im Bild ở Berlin.
Đầu năm 1920, với cái tên Erich Remark, ông xuất bản một cuốn tiểu thuyết và nó bị thiên hạ lạnh nhạt đến nỗi ông phải bỏ cả bút danh – vốn là tên của cụ nội. Lối viết báo của ông quá cứng, thậm chí tầm thường và đầy cảm tính. Chính vì thế, sự thành công của tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của Erich Maria Remarque lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Vossische Zeitung ở Đức vào ngày 10/11/1928. sau in thành sách xuất bản năm 1929 làm cho ông và bất cứ một người nào cũng phải ngạc nhiên. “Bóng ma của chiến tranh luôn ám ảnh chúng tôi – ông nói – nhất là khi chúng tôi cố gắng không nghĩ đến nó nữa”. Và kết quả là “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” đã làm cho tất cả những người ở hai bên bờ Thái Bình Dương xúc động sâu sắc trong khi trước đây, họ ra sức tìm kiếm ý nghĩa của chiến tranh.
Trong năm đầu tiên, riêng độc giả Đức đã mua tới hơn một triệu bản cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” và người Anh, Pháp, Mỹ thậm chí còn mua nhiều hơn. Cuốn tiểu thuyết còn thành công hơn nữa nhờ bộ phim do Lewis Milestone (Mỹ) làm đạo diễn với Lew Ayres và Lewis Wolheim đóng vai chính và giành luôn giải Oscar cùng năm đó. Đó là một trong những bộ phim nói đầu tiên và hiện nay vẫn là một phim kinh điển của thế giới. Năm 1932, “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” được dịch ra 29 thứ tiếng. Từ một anh nhà báo quèn hoàn toàn vô danh, Erich Maria Remarque đã trở thành nhà văn nổi tiếng trên khắp thế giới. Dù vậy, cuốn sách đã gây ra cuộc tranh luận ngay trong lòng nước Đức. Một số người cho rằng tác giả chỉ bịa đặt hư cấu để gây sốc và kiếm tiền. Bọn Quốc xã đang giai đoạn phát triển đã phao đủ thứ tin đồn để phá hoại sự nổi tiếng của Remarque. Nào là ông là một tên Pháp – Do Thái, hoặc là ông là một thằng già không biết gì về chiến trận… Remarque không bình luận gì, sau đó ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi chỉ bị hiểu lầm khi người ta cố tình hiểu lầm”.
Remarque ly dị vào đầu những năm 1930 khi chính quyền Quốc xã bắt đầu đày ải ông, nhưng rồi họ tái hôn ngay sau đó. Thế rồi hai vợ chồng lại sống ly thân và ly dị chính thức vào năm 1951.
Cuốn sách tiếp theo dựa trên câu chuyện mà Remarque và những người bạn trải qua sau khi từ mặt trận trở về được mang tên “Đường về” (The Road Back -1931). Khi đó thật ra Remarque vẫn chưa hề là người chống Quốc xã nhưng “Đường về” đã khiến cho chính quyền Quốc xã nổi giận.
Năm 1933, khi Hitler và Đức Quốc xã lên cầm quyền, “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” bị mang ra đốt cùng với “Giã từ vũ khí” (A Farewell to Arms) của Ernest Hemingway. Năm 1938, Remarque bị hủy quyền công dân Đức, buộc ông phải di cư sang Hoa Kỳ và nhập tịch Mỹ năm1947. Erich Maria Remarque qua đời năm 1970.
Tác phẩm “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của Erich Maria Remarque là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chống chiến tranh.
Tác phẩm được viết dưới dạng hồi ký của một người lính Đức kể về cuộc sống chiến đấu và những nỗi kinh hoàng mà anh và các đồng đội trải qua trong các chiến hào tại Mặt trận phía Tây của Thế chiến I và được xem là một trong số những tác phẩm hay nhất viết về thời kỳ này. Thậm chí, có người còn nhìn nhận đây là một cuốn truyện hay nhất mọi thời đại về đề tài phản chiến.
Cùng với tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” cũng có thể được xem như hai bộ tiểu thuyết tiêu biểu nhất về nỗi đau của con người thời Thế chiến I.
Đến nay, với tình cảm chống chiến tranh của Remarque, “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” vẫn còn phổ biến và có sức lôi cuốn rộng rãi. Đoạn cuối của truyện, miêu tả về cái chết của nhân vật chính, được xem là những đoạn hấp dẫn nhất của cả tác phẩm. “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” đã đi vào lịch sử văn chương thế giới như một trong những tác phẩm bán chạy nhất của châu Âu vào thế kỷ thứ XX.
Tác phẩm lấy bối cảnh của Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I. Nhân vật chính và cũng là người tường thuật câu chuyện theo ngôi thứ nhất là Paul Bäumer, một người lính Đức mới 19 tuổi. Anh và những người bạn học cùng lớp của mình đã bị thuyết phục bởi vị giáo sư của họ là Kantorek, nên gia nhập Quân đội Đế quốc Đức để tham gia chiến tranh. Họ được đưa ra Mặt trận phía Tây, nơi đang diễn ra những trận đánh ác liệt giữa liên quân Anh-Pháp và Đức. Tác phẩm đã miêu tả một cách chân thật cuộc sống chiến đấu gian khổ và tàn khốc của những người lính này trong những chiến hào của cuộc chiến tranh khi phải thường xuyên đối mặt với những trận pháo kích cường độ cao, hơi độc và cả xe tăng của đối phương. Có một lần khi được nhiệm vụ canh gác tù binh Nga, Paul đã nhận ra rằng những người lính Nga này cũng là con người như mình mà thôi, và anh cảm thấy anh không thể nào coi họ như kẻ thù được. Có một lần, Paul cùng với các đồng đội xung phong đi trinh sát trong bối cảnh Đức hoàng sắp đến thị sát mặt trận, và anh đã bị lạc trong đêm trường hỗn loạn, mãi mới tập hợp lại được. Quân Đức đã đánh tan một cuộc tấn công của đối phương, Paul đâm chết được một lính Pháp và đã chứng kiến cảnh hấp hối thật đau đớn của binh sĩ. Đây là kẻ địch đầu tiên bị chính tay Paul tiêu diệt. Song, anh cảm thấy đau xót và xin cái xác người lính Pháp ấy tha lỗi cho anh: “Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu….. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình…”.
Paul cảm thấy mình đáng lên án vì đã giết chết một người lính cũng chỉ giống như mình mà thôi. Nhiều người bạn của Paul lần lượt ngã xuống còn bản thân anh thì ngày càng tỏ ra chán ghét chiến tranh vì những nỗi kinh hoàng mà nó mang lại cũng như chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ và những người đồng đội của anh. Rốt cuộc, cuộc chiến tranh mà giáo sư Kantoreck đã nồng nhiệt kêu gọi nhóm bạn của Paul tham gia chiến đấu, không mang lại cho họ một niềm vinh quang nào.
Thế rồi, anh trở thành người duy nhất còn sống sót trong bảy thanh niên đã lên đường chiến đấu theo sự “kêu gọi” của Giáo sư Kantorek. Khi ấy, người ta chỉ còn nghĩ đến ngưng chiến và hòa bình mà thôi, và bản thân Paul cũng tin là hai bên sẽ sắp đình chiến. Cho là mình sắp được trở về quê nhà, Paul có cảm nghĩ: “Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng.”. Trong phần cuối của tác phẩm, Paul có lời tự sự: “Cuộc sống đã bắt tôi phải qua những năm tháng ấy, vẫn đang còn tồn tại trong hai bàn tay và cặp mắt của tôi có làm chủ được cuộc sống ấy không… Tôi không biết…”.
Kết thúc tác phẩm là cái chết của Paul Bäumer vào một ngày tháng 10/1918, một ngày mà tình hình tĩnh lặng trên suốt Mặt trận, tới mức các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu “Im Westen nichts Neues ” (Ở phía Tây, không có gì lạ) và nó đã được lấy làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết. Tác phẩm kết thúc bằng gương mặt yên bình của Bäumer khi chết và khi người ta lật người anh lên, anh vẫn yên lặng chứ không hề có một biểu hiện đau đớn gì cả. Có vẻ như anh sung sướng vì sự kết thúc đã đến.
Tác phẩm đã thể hiện chân thành tư tưởng của Remarque: “Dẫu họ dạy chúng ta rằng trọng trách với quốc gia là vĩ đại nhất, chúng ta thừa biết rằng sự giãy chết còn mạnh mẽ hơn.”
Bên cạnh sức lôi cuốn rất lớn của “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”, tiểu thuyết này cũng gây tranh cãi rất lớn.
Đảng Quốc xã Đức cho rằng tiểu thuyết này “có hại” cho niềm tự hào dân tộc Đức, và đảng này đã đốt sách tại Nhà hát Nhạc kịch (Opernpflatz) trong một buổi lễ đốt sách khét tiếng của Đức Quốc xã vào ngày 10/10/1933.
Đảng Quốc xã Đức còn tuyên bố như sau:
“Như một cuộc phản kích nhằm vào sự phản bội dưới hình thức văn chương đối với những người lính của cuộc Đại chiến, và trên tinh thần giáo dưỡng cho nhân dân về sức mạnh của sự thật, tôi quyết định bỏ các tác phẩm của Erich von Remarque vào đống lửa.”
Thực chất, phát xít Đức đọc truyện này chỉ với một mục đích duy nhất để lăng mạ tác giả. Theo sau vụ đốt sách này, rất nhiều người công kích, phỉ báng ông. Chính quyền phát xít tung ra những tin đồn vô căn cứ, theo đó ông là một người Pháp lai Do Thái, và sinh ra một gia đình triệu phú, lại chưa hề biết thế nào là xông pha trận mạc!
Tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của Remarque, cùng với tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” của Hemingway, đã trở thành hai tiểu thuyết hay nhất nói lên nỗi kinh hoàng về chiến tranh tổng lực trong cuộc Thế chiến I.
Hoài Nguyễn – 18/11/2018

2 thoughts on ““Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”

  1. Dal Sole

    Với tôi, cuốn này không phải là một tuyệt phẩm mà nó được biết đến (phát hành) đúng lúc khi tâm trạng chung trong một nước bị phân hóa trong chiến tranh do ý thức hệ giữa hiếu chiến cực đoan và tinh thần tự trọng. Vì người Phổ vốn tham lam nhưng lại ích kỷ. Phim cũng không hay…
    Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh cũng chỉ là tác phẩm rồi sẽ yên tĩnh sau một thời chinh chiến. Nó cũng như đã bị cuốn mất như Cuốn Theo Chiều Gió của một mùa gió mà thôi.
    Một quan niêm cá nhân xin miễn bàn.
    ds

    Reply
  2. Hương Xưa

    Dal Sole
    Cám ơn bạn đã thể hiện quan điểm của mình , chúc bạn sức khỏe .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.