Tác giả: Nguyễn Thị Tịnh Thy

Phụ nữ viết văn, bao giờ cũng vậy, dù dịu dàng đằm thắm hay dữ dội bạo liệt, chất nữ tính vẫn len lỏi nơi ngòi bút, tạo nên trong văn của họ một thứ “mùi hương” làm say đắm hồn người. Tôi không muốn gọi những gì họ viết là văn chương của phái yếu, mà muốn gọi đó là văn chương của phái đẹp. Bởi vì, bằng tư chất trời ban, họ đã làm đẹp văn chương theo cách của riêng mình. Và, khi vốn liếng trời ban đó được kết hợp nhuần nhuyễn với tình yêu thiết tha, cái nhìn tinh tế, cảm nhận sắc sảo, nghệ thuật tuyệt vời… nhà văn nữ sẽ xác lập được một phong cách riêng có của mình. Phong cách đó vừa mang đặc điểm chung của một nửa thế giới, vừa thể hiện đặc điểm riêng về tâm hồn và bút pháp của cái “duy nhất” – mùi hương duy nhất khiến người đọc có thể nhận ra ngay tác giả. Đó là trường hợp của Elena Pucillo Truong trong tập truyện Vàng trên biển đá đen([1]). Thiên tính nữ chính là mùi hương lạ mà Elena mang đến cho văn đàn qua tác phẩm này.
Vàng trên biển đá đen gồm 14 truyện ngắn và 10 tạp bút. Từ hệ thống nhân vật, đề tài, cốt truyện, người kể chuyện, điểm nhìn, ngôn ngữ cho đến giọng điệu tự sự của Vàng trên biển đá đen đều mang dấu ấn nữ lưu. Trong số 14 truyện ngắn, có đến 12 truyện viết về phụ nữ. Nhân vật nữ của Elena khá đa dạng về tuổi tác, giai tầng, nghề nghiệp, số phận: những cụ già bị con cháu hắt hủi; những người vợ bị góa chồng, bị phụ tình, bị coi thường; những người mẹ xem con cái là lẽ sống; những cô gái hoặc lẳng lơ gợi tình, hoặc đua chen đố kỵ, hoặc can đảm vượt lên nghịch cảnh; những bé gái bị tổn thương tinh thần từ cuộc hôn nhân nát vụn của cha mẹ hay bị kẻ ác cướp đi sinh mệnh măng non… Phần lớn các truyện có cốt truyện tâm lý, nhân vật suy tư, ngẫm ngợi, dằn vặt nhiều hơn là hành động. Chất nữ tính thể hiện rõ qua mỗi dòng tâm tưởng của họ. Và qua những dòng tâm tưởng đó, ta chạm được vào cõi sâu thẳm trong họ, dẫu đó là niềm hạnh phúc, kiêu hãnh hay nỗi buồn tủi, âu lo. Continue reading →