Dòng Sông

Tôi đến hay tôi đi thì cô bé vẫn thế, chỉ một cái gật đầu chào thật nhẹ. Mua một gói thuốc jet xong tôi lại đi ra bờ kè sông Ngân Sơn ngồi nhìn dòng nước trôi. Quê ngoại tôi bao mùa lũ lụt, con nước hung tàn đã xóa biết bao công sức của người dân nơi đây. Cứ mùa lụt tới là chạy đôn chạy đáo, lơ láo chuẩn bị chờ con nước về như thác lũ. Bao nhiêu đồ đạc có giá trị đem gác lên chái nhà, lở nước có lên thì vẫn cứu vãn được. Hình như nó đã hình thành một thói quen bất di bất dịch trong mổi người dân ở chốn này. Bình yên được ngày nào hay ngày ấy. Bình thường trông con sông hiền hòa đến thế nhưng khi nó trở mình thì biết bao gian nan ập đến. Tôi vẫn hay lao mình vào nó bơi từ bờ này sang bờ kia vào những trưa oi bức. Bên nhà từ đường phía ngoại là bên lở, bên kia sông là bên bồi. Tôi mơn man với nó nhưng lòng vẫn len chút e ngại nào đó thật khó tả. Cô bé nhà cạnh sát bờ kè, bán thuốc lá và vài thứ vặt vãnh kẹo bánh đơn sơ… Tôi về đây thường ở năm mười ngày rồi đi, quen thì có quen nhưng vẫn là người lạ, người thành phố đối với cô bé này. Hiếm hoi lắm cô bé ban cho tôi một nụ cười tươi tắn khi tôi lóp ngóp từ dưới sông lên. Cô bé hay ném chiếc khăn cho tôi lau mình mẩy đẫm ứơt. Thế thôi, rồi lại hướng nhìn dòng sông trôi. Hình như cô bé chưa bao giờ chán, cứ đăm đăm chìm lỉm trong dòng nước xanh biếc kia.

Ông bà ngoại tôi mất lâu rồi, nhà từ đường ông trai lớn con cậu cả tôi trông nom hương khói. Anh hai Chương ở cách đó vài chục thước, chạy qua chạy lại trông nom dọn dẹp. Khi tôi về anh mang mùng mền chiếu gối cho tôi với căn nhà thênh thang trồng rổng, với bàn thờ hương khói buồn tênh. Tôi  khép cửa, ra bờ kè ngồi hóng gió ngắm mây trôi. Cô bé bán quán hỏi:

-Ở quê buồn quá phải không chú? Tôi cười trả lời:

-Không buồn đâu cháu, yên bình và đẹp lắm, chú thấy thoải mái khi về quê ngoại.

-Chú nói thì cháu nghe chứ cháu chán ngán ở đây quá rồi chú ơi.

-Sao lại ngán quê mình chứ cô bé? Có nơi nào bằng quê hương đâu?

-Lý thuyết suông…chú cứ thử về ở khoảng vài năm xem sao? Có chán không thì hảy hay…

Tôi im lặng và cười không trả lời, làm sao trả lời khi mình chưa chắc. Liệu tôi có sống nổi với những cơn lụt hay không? Bao nhiêu công sức cả năm chỉ cần một dòng nước lũ là xong. Tôi nảy ra ý tinh nghịch chọc cô bé:

-Chú không chán, cháu tin không?

-Tuyệt đối là không.

-Này nghe, cứ ở xong, tới mùa lụt vác đồ đạc lên núi A Man là được chứ gì?

-Ừ chú giỏi! -Cô bé lè lưỡi trả lời, tôi bật cười to, cô bé nói tiếp:-Chú đám cá không?

-Chắc là không…

Tôi ở Qui Nhơn cách đây 70 cây số,nên hể nhớ là tôi xách Hon Da vọt về chơi vài ngày là thường. Cứ mổi khi căng thẳng tôi lại về, nơi này gắn liền thời thơ ấu của tôi, mẹ, bà ngoại. Trong căn nhà từ đường như còn thơm mùi trầu cay của bà tôi. Nhìn bức ảnh bà móm mém cười trên bàn thờ, tôi luôn thương nhớ tháng ngày qua. Năm tháng chất chồng tôi càng ngày càng già đi, nhưng con sông Ngân Sơn trẻ mải,vẫn cuồn cuộn xuôi dòng không phút giây ngừng nghĩ. Cây cầu Lò Gốm, cầu tràn, hằng năm oằn mình đón những cơn lũ điên cuồng. Bây giờ người ta đang khởi công xây một cây cầu qui mô hơn cho dân đi lại. Tôi không hiểu đến bao giờ mới xong, vì tôi đã từng chứng kiến biết bao cây cầu,  qua năm này tháng khác làm mải vẫn không xong. Chắc là quê ngoại còn năm ba mùa lũ nữa phải đi đò trong mùa nước về.

-Chú nghĩ gì mà im lặng vậy?

-Chẳng có gì đâu cháu. Chẳng qua chú thấy tội cho quê ngoại mình quá đổi.

-Chú thấy đấy ở quê mà sướng ích gì đâu. Dải dầu mưa nắng quanh năm, đủ ăn là may lắm. Nếu gặp cơn lụt lớn có khi còn mất mạng chứ nói gì đến tài sản hở chú?

-Buồn thật, cháu nói cũng đúng, bao giờ quê ngoại của chú khá lên đây!

-Cháu không chờ đâu chú, cháu chỉ muốn ra đi khỏi đây cho đời bớt khổ.

-Kiếm một thằng chồng thành phố là xong.

-Tất cả là duyên số chú ơi, dễ gì muốn là có.

-Chú làm mai cho…

-Tha cho cháu đi chú.

-Không tin chú hả?

Cô bé không trả lời lại hướng mắt ra sông, đôi mắt đen to chơm chớp thoáng  nét vô vọng nào đó khiến tôi trĩu lòng. Cô bé cũng hơn hai mươi tuổi chứ ít gì, không đẹp không xấu. Nhưng nét duyên ẩn chứa thăm thẳm trong đôi mắt thắm đượm u buồn. Mơ ứơc sao mà đơn sơ nhưng thật khó thành bởi cái số mệnh như cô đã suy nghĩ. Có lẽ trai làng ở đây không phải là đối tượng mà cô ôm ấp kín kẽ trong hồn cô. Tâm hồn cô nằm ở đám mây xa vời nào đó, nó lơ đểnh như cơn mơ thời con gái. Tôi chỉ thấy một thoáng bâng khuâng phủ lấp hồn mình.Lỡ như không gặp một anh chàng thành phố thì ở vậy ư? Còn gặp thì sao? Tôi lẩm nhẩm như thì thầm đâu đó với hàng tre mổi ngày mổi xơ xác vì mưa lũ. Cả những hàng tre dày kín mà mọi người chăm chút vẫn không chịu được, thì tâm hồn của cô bé làm sao mà đúng vững được. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã gây cho bao người lao đao, nhưng họ vẫn cứ sống đấy thôi!

-Chú hỏi nhé, cháu có yêu nơi này không?

-Có chứ, nhưng mơ ứơc là mơ ứơc kia mà. Yêu thương nhưng mà cơ cực quá chú ơi!

-Nói theo cháu: chờ cái số vậy.

-Đành vậy, chờ cái số thôi…

-Mong sao cháu thỏa nguyện lòng mình. Nhưng có bao giờ cháu nghỉ nếu chờ đợi lâu cháu sẽ già đi thì sao?

-Thực tình mà nói cháu cũng không biết được.

-Vẫn cứ hoài vọng?

-Có lẽ thế…

Tôi dụi điếu thuốc tàn, sợi khói vương lên mắt cay cay. Ở thành phố tôi cũng chẳng dư dật gì, qua ngày đoạn tháng với cuộc mưu sinh nhiều mệt mỏi. Nhưng so với ở đây thi sao? Có lẽ dễ thở hơn nhiều, quê hương còn biết bao điều gian nan khốn khó. Ứơc mơ của cô bé làm tôi man mác nổi buồn. Sông thì vẫn trôi, người thì vẫn gian nan với ruộng đồng vườn tược. Thế mà có yên đâu, thiên nhiên nơi quê ngoại tôi luôn làm khổ dân. Vùng đất trũng sâu này là cái túi của lũ, bỏ không xong, thương giữ nó thì biết bao giọt mồ hôi mặn chát. Biết bao gian nguy đang chực chờ mổi mùa mưa lũ. Tuổi trẻ ở đây đăm đẵm nhìn sông nước như đón chờ như trách móc. Những đứa bé khoảng tám, chín tuổi đã bơi sông như rái… Chúng ứơc mơ gì?. Học hành thì xa xôi tận trên thị trấn Chí Thạnh, mùa lủ đi đò ngang chông chênh như chiếc lá bên dòng.

Tôi luôn đa sự với những gì trước mắt, nghe ứơc mơ cô bé bán hàng cũng mang trong lòng nổi bùi ngùi vô cớ. Nhìn con sông tuổi thơ tôi, tôi vẫn yêu thương nó như ngày thơ mẹ dắt tôi về thăm ngoại. Nước muôn thu trôi về biển rộng, con người ở quê ngoại tôi vẫn muôn đời sống với dòng chảy của nó như định số trăm năm…

Viết tại Tuy An Phú Yên{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.