Đọc Thơ Khánh Trường

Tác giả: Song Thao

Tôi vừa nhận được cuốn “Thơ Khánh Trường” do tác giả gửi tặng. Khánh Trường họa, Khánh Trường văn, Khánh Trường báo, ít khi chúng ta nghĩ Khánh Trường thơ, vậy mà ông thần bị bệnh tật thăm hỏi nhiều nhất nước này đã làm thơ từ năm 16 tuổi. Ông lai rai làm chơi rồi để đó, cho bụi phủ. Ông đã phụ thơ để rong chơi nơi những bến bờ khác. Lý do làm ông trở lại với thơ vì ông bị trói tay. Ông viết: “Gần đây vì sức khỏe trở nên tồi tệ, tôi không thể ngồi lâu để gõ cho xong hai tiểu thuyết đang dang dở, buồn, tôi lục lại tập giấy và post lên Facebook, cốt cho có việc để làm, một cách giết thời giờ. Không ngờ lại được không ít bạn bè tán dương, kể cả những người làm thơ đã thành danh, tất cả đều khuyến khích tôi gom lại xuất bản”. Trong số người đẩy ông cho thơ góp mặt với đời có tôi, một tên chỉ biết đọc thơ, cả đời không dám vọc bút vào chốn chữ nghĩa tinh túy đó. Ông lính nhảy dù này chỗ nào cũng vọc. Thử đọc bài Vọc.
sắc
huyền
nặng
hỏi
ngã
chữ nghĩa bay lả tả
đã!

Thơ Khánh Trường ngắn ngủn, phần lớn chỉ bốn câu nhưng chuyên chở được nhiều. Văn Khánh Trường dữ dội, thơ cũng không hiền.
cái lưỡi không xương
nhiều đường lắt léo
em tròn hay méo
chấp!
Tập thơ in khổ vuông 8.5’ x 8.5’ rất mỹ thuật. Tranh bìa đẹp nhưng thuộc loại trừu tượng không cần hiểu làm chi cho mệt. Đẹp là đủ rồi. Ngay trang đầu có lời đề tặng: “Tặng cháu, Nina Hòa Bình Lê”.
Tập thơ có bề dày 249 trang gồm ba tiểu đề: ngẫu hứng, mai anh về miền Trung và những bài thơ khác và khổ lụy.
Phần “Ngẫu Hứng” là những đoạn thơ ngắn bất chợt nảy ra trong đầu trước mọi hoàn cảnh: mặc áo lính, giải ngũ, trong hospital “giữa bốn vách tường trắng đục, bên cạnh giường các bệnh nhân cùng cảnh ngộ, giữa bầu khí vắng lặng như nghĩa trang, đợi xe rước vào lọc thận tại dialysis center, trên ghế nằm chạy thận hoặc những việc tầm phào hàng ngày như “cắn một trái cà pháo, gắp một đũa rau luộc”.
măng chua đứng cạnh hũ cà
bỗng dưng nhớ quá hương nhà năm xưa
mười năm nữa liệu về chưa
hay quê người kiếp sống thừa kéo lê?
Rao nam rao bắc cho tiểu đoạn này, tác giả cho người đọc cảm tưởng như chuyện vặt hàng ngày nhưng thơ lại nặng ký. Nhìn trời nhìn đất cũng vẫn một dấu hỏi chình chịch trong lòng.
sáng nay nhìn giọt sương hồng
đậu trên một ngọn cỏ bồng đong đưa
hỏi lòng này đã vừa chưa
cái ta mãn cuộc dư thừa sân si?
Nhưng tuy tác giả không hài ra trong phần vào đề của phần này tôi thấy ông dành tới mười hai trang cho mười hai bài thơ bốn dòng để vẽ chân dung mười hai người bạn văn của tác giả: Nguyễn Tôn Nhan, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Quang Lộc, Nghiêu Đề, Trương Đình Quế, Cao Xuân Huy, Cao Đồng Khánh, Vũ Huy Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo, Phùng Nguyễn, Nghiêm Xuân Hồng. Tất cả những khuôn mặt này đã ra người thiên cổ. Phải chăng đây là một nghĩa trang bạn bè trong lòng Khánh Trường?
Tôi trích ra đây đoạn viết về Nguyễn Xuân Hoàng, người bạn chung của tôi và Khánh Trường, đã xuôi tay đúng 10 năm trước đây.
ngôi nhà ngói đỏ tịch liêu
về chưa hay vẫn phiêu diêu ta bà?
cuộc đời lắm nỗi phong ba
rồi ra tất thảy chỉ là huyễn như.
Tôi không thể nào không trích đoạn viết cho Mai Thảo, hàng xóm của Khánh Trường trong chung cư dành cho người già, một cái tên mà người yêu văn học Việt Nam đều nằm lòng, suốt đời cô đơn không gia đình “sớm ra đi sớm hoa không biết / đêm trở về đêm cành không hay”.
đèn lu, ngõ vắng, thân gầy
đông hàn sương giá trùng vây bốn bề
một mình đối bóng sầu tê
quán khuya, rượu cạn, nẻo về lạnh căm.
Tiểu mục “Mai anh về miền Trung và những bài thơ khác” là những u hoài về miền quê mẹ. Khánh Trường ra đời thời tiêu thổ kháng chiến, sanh rơi tại một ngôi trường tiểu học bỏ hoang tại xã Khánh Thọ, quận Tam Kỳ. Cái tên cúng cơm Nguyễn Khánh Trường là ghép chữ đầu của tên xã (Khánh) và ngôi trường sanh rơi (Trường). Sau thời gian lang bạt kỳ hồ khắp chốn, Khánh Trường trở về và…thơ. Vào đề của phần này, ông viết: “Tôi chỉ sống một thời gian ngắn ở đây rồi lang bạt khắp mọi miền đất nước. Mười mấy năm sau trở về, đi qua nhiều vùng đất suốt chiều dài từ Nam ra Trung, tôi võ vẽ những cái gọi là thơ mỗi lần dừng chân nơi nào đó. Trong tập bản thảo vàng ố, chữ nghĩa lem nhem cậu em đã trao lại, có những bài này, đã định vất sọt rác vì thấy non nớt, biểu diễn cơ bắp kệch cỡm. Nhưng không nỡ, dù gì cũng ghi dấu một thời”.
Miền Trung được Khánh Trường nhắc tới gồm những địa danh Phan Thiết, Ba Ngòi, Đại Lãnh, Nha Trang, Bình Định, Tam Quan, Bồng Sơn, Qui Nhơn, đèo Rù Rì, Quảng Ngãi tới Châu Ổ, Nam Phước, Điện Bàn, Tam Kỳ. Khánh Trường lang thang hơi kỹ!
Tiểu mục thứ ba: Khổ Lụy. Những bài thơ trong mục này “để nhớ những ngày cơ cực” sau khi bị thương và giải ngũ. “Tôi đi xin việc. Khổ nỗi việc nặng không kham nổi, việc nhẹ thì phải có chuyên môn hoặc học vị cao, tôi, chữ không hay cày không giỏi, lại thương tật cùng mình nên chả nơi nào nhận. Gia cảnh gồm hai vợ chồng và ba con nhỏ lâm vào khốn khó. Chùm thơ này khai sinh vào thời điểm đó, bây giờ đọc lại vừa cảm động vừa buồn cười. Cảm động vì khốn khó là điều có thực. Buồn cười vì do tuổi trẻ sốc nổi và mẫn cảm thái quá đã biến sự khốn khó chỉ một, đã bị tôi cường điệu thành ba bốn, thậm chí hơn nữa, khiến nỗi đau trở nên quằn quại đến phát khiếp! Đó là một trong những lý do khiến tôi không mặn mà với chùm thơ này. Song ngẫm sâu, thấy nếu về mặt văn học chưa đạt tiêu chuẩn như mong muốn thì với cá nhân tôi, dù thế nào nó cũng ghi khắc một dấu ấn khó quên”.
Cái nghèo đói hiển hiện nhất trong ngày tết. Cỗ bàn bánh mứt nhà người làm nổi bật cái thiếu thốn nơi nhà mình. Người xưa hình như về phe những người có của ăn của để khi đặt ra tiêu chuẩn đói no ngày tết: “đói quanh năm no ba ngày tết” hoặc “đói cho chết, ngày tết cũng phải no” hay “giàu hay nghèo, ba mươi tết thịt treo trong nhà”. Nhà nho Nguyễn Công Trứ cũng có lúc hụt chân vì tết: “Tết cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi / Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng”. Khánh Trường thơ thẩn cảnh nghèo ngày tết bằng những vần tỉnh rụi:
tối ba mươi xóm riềng hỉ hả
ta ngồi buồn bó gối sờ râu
vợ lặng lẽ loay hoay cúng vái
miệng lầm rầm mắt khép lim dim
…………
bên ngọn nến một bình hoa héo
ba cọng nhang thở khói mệt nhoài
ta hỏi vợ, bánh trà đâu nhỉ?
vợ cười buồn hết gạo hôm qua
Trẻ con sống theo bản năng, khát uống đói ăn. Gặp dịp được ăn là sà vào không suy nghĩ, không e ngại chi. Vợ chồng chịu đói được nhưng khổ nhất là nhìn con cái đói khổ. Đưa con tới chúc tết nhà người ta, cỗ bàn ê hề, con ăn mà cha mẹ cảm thấy xấu mặt.
nhìn con ngốn miếng chả giò
trong ba đỏ một hỏa lò lửa nung
giận con ba sắp nổi khùng
vuốt ve mẹ dỗ thôi Tùng chóng ngoan
……..
uống ăn từ tốn đường hoàng
đứng đi nghiêm chỉnh họ hàng khỏi khinh
cúi đầu ba gắng nín thinh
nghĩ sâu cũng tại nhà mình thiếu ăn
Khổ lụy làm người ta đổi lốt. Trò đời như vậy. Nghèo, thiếu ăn thiếu mặc, mặc cảm cùng mình khiến tính tình cục cằn, chửi rủa vung vít.
bảy năm trước ta hiền như đất
(hiền còn hơn bụt ở trong chùa)
cơm hai bữa mỗi ngày đúng cữ
ngủ tám giờ ngon giấc tròn đêm
nhưng từ buổi thế thời xoay đảo
ta tập tành xỏ lá ba que
ta quen mồm ăn gian nói dối
ta buồn tình chửi rủa lem nhem
“Thơ Khánh Trường” là thi phẩm thứ hai của Khánh Trường. Hơn bốn chục năm trước, khi Khánh Trường làm việc cho một nhà in nhỏ, nhà in ế, ông chủ hỏi có chi in cho có tiếng máy chạy. Vậy là tập thơ “Đoản Thi Khánh Trường” bất ngờ ra đời. Chừ là tập thơ thứ hai, ra đời vào lúc tay chân bất khiển dụng, không gõ được văn đành gõ thơ cho đỡ đau tay. Cả hai thi phẩm đều bị tác giả bộc bạch cho xuống cấp: “Không tìm kiếm cái mới lạ, tân kỳ trong vần, nhịp điệu. Không vật vã, tư duy. Không mang vác bất cứ sứ mệnh nào. Không mảy may tham vọng đi vào văn học sử. Nay, một lần nữa, và chắc chắn là lần cuối cùng, tôi in tập thi thứ hai này, trong tinh thần vui thôi mà. Đúng vậy, vui thôi mà!”.
Đọc tập thơ hai lần, một lần giúp bạn hoàn chỉnh chính tả, một lần cầm trong tay thi tập đã hoàn tất, mũ mãng đầy đủ, dù sao, cũng mừng cho ông bạn nay vác trên vai thêm một chữ “sĩ”. Chữ “sĩ” mới này cũng ngang ngửa sức nặng như những chữ “sĩ” khác trên vai. Thiệt tội cái thân đa tài và đa mang!
04/2024

Leave a Reply

Your email address will not be published.