Lia thia quen chậu…

 

Gò Quao, năm 198…
Ngày cuối tuần thiệt chẳng biết làm gì nơi đìu hiu hút gió nầy.  Trời ơi!  Gò Quao!  Nghe cái tên không đã thấy quao mỏ rồi !  Nướng cho đã cũng chỉ tới được sáu giờ là phải tung mền dậy.  Xứ thì lớn như cái móng tay, nhưng người ở đâu mà sáng ra là inh ỏi, om sòm.  Mấy con heo đói của Bà Tám chủ nhà cũng hè nhau bắt chước um trời đất.
Làm gì đây ?  Thôi thả lại đầu chợ làm ly cà-phê cho xong.  Ngôi nhà của Dì Tám mà tôi ở trọ nằm cặp con lộ chính của Thị Trấn Gò Quao.  Từ đây đi ngược hướng đông bắc khoảng ba cây số là Ngã Ba Gò Quao.  Đường quốc lộ 61 chạy ngang, nếu rẽ trái về hướng Tây ba chục cây số là Rạch Giá, còn rẽ phải về hướng đông chừng chục cây là Vị Thanh, một Thị trấn của tỉnh Hậu Giang.
Tôi mới lú ra khỏi nhà là đụng ngay hàng bún cá của chị Ba Thu kế bên nhà.  Quán mà tôi vẫn ăn ghi sổ đều đều mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi tính né vì nghĩ tới cái sổ nợ đầy ắp.

–          Thầy, ăn hủ tiếu thầy !

–          Dà…dà !

Tôi tính làm lơ thì đã thấy ngay Bân, em chị chủ quán đang ngồi múc nước lèo phụ chị.  “À! Cuối tuần mà, cô bé nghỉ học về phụ với chị đây “.  Bân đang trọ học lớp 12 ở Rạch Giá, vì ở đây không có trường cấp 3, cuối tuần mới về nhà.  Bân không đẹp lắm, nhưng dễ thương , hồn nhiên, nhí nhảnh của cái tuổi mới lớn.  Thỉnh thoảng, Bân lại xách tập qua bên nhà Dì Tám, nhờ ông thầy hàng xóm chỉ bài.  Nhiều phen Bân làm tôi phải “xuất mồ hôi hạn” vì “bí” ! Trời ơi , bài vở 12 đã năm sáu năm rồi ! Bây giờ phải làm thầy bất đắc dĩ thiệt là tôi muốn “gớt” nước mắt luôn.  Nhưng mà, một hai lần đầu thì tôi còn ráng hết sức bình sinh, vận bao nhiêu thành công lực ra để nghiền mấy cái giải tích nợ đời khốn nạn mà tôi thấy chẳng được cái tích sự gì cho tình yêu, lẽ sống, cuộc đời.  Nhưng rồi, tôi sớm nhận ra cái cô trò (mà không phải trò )của tôi nầy cũng không mấy quan tâm lắm đến kết quả bài giải (của tôi).  Ngược lại, cô lại hay hỏi những chuyện không ăn nhập gì vào bài vở cả.  Mới tuần trước, trước khi về cô xổ một câu xanh rờn khiến tôi ngẩn tò te luôn :

–          Thầy ơi !  Hồi xưa thầy trò không được cưới nhau phải không thầy ?  Chứ bây giờ em nghe thầy trò yêu nhau cũng bình thường thầy há !

Tôi thiệt gãi đầu !  Nửa khó xử, nửa tức cười vì không ngờ mình đường đường nam nhi thế nầy mà lại bị một cô học trò nhí dồn vào thế bí. “ Cùng tắc biến…” , tôi chỉ còn một chiêu …né :

–          Thầy không biết có trường hợp đó không.  Như thầy thì khỏi phải lo vì thầy dạy cấp 2, học trò còn nhỏ lắm !

Bân chu cặp môi vểnh dễ ghét lên :

–           Không dám nhỏ đâu thầy !  Mà…em… bộ em không phải học trò sao ?

Tới đây thì tôi cứng họng !  Tôi nhìn khuôn mặt còn ngây thơ của cô gái trẻ, đôi rèm mi long lanh, những giọt lệ nóng dường như chỉ chờ lời…phán của tôi để lăn xuống.

Vừa may, Dì Tám cũng vừa về tới để kịp thời cứu tôi khỏi cơn mưa mùa hạ.

Bân được cái siêng năng, tuy được gia đình cho đi học nhưng cái thiên chức đảm đang phụ nữ cô vẫn không quên. Cuối tuần về là nhảy xổ vô làm mọi chuyện với chị, mẹ cô không được khỏe lắm và tía cô thì lo việc ruộng đồng.
Nhìn Bân làm bún, múc nước lèo, bỏ giá hẹ, cánh tay trần trắng muốt thoăn thoắt, tôi nuốt nước miếng cái ực.
Ở cái miền Gò Quao nầy, món ăn dồi dào và đậm chất miền Nam.  Ngoài món hủ tiếu quen thuộc còn có bún cá, bún mắm.  Món bún cá phải nói là món đặc biệt trứ danh của Gò Quao cũng như của vùng đất Kiên Giang.  Bún cá nơi đây được nấu với cá lóc đồng, tôm tươi và nước lèo hầm xương cá, tôm khô nên ngọt thanh hấp dẫn.

Ai về xứ tẻ Gò Quao
Ăn tô bún cá làm sao quên người !

Tô bún cá thật ngon !  Tôi nhìn lên thì gặp ngay ánh mắt của Bân.  Ánh mắt nửa như thương mến, nửa như dỗi hờn làm tôi tự nhiên thấy khoan khoái trong lòng.  Tôi không có ý gì với Bân cả, nhưng có lẽ khi có cảm giác được một người nào đó để ý mình thì mình hẳn cũng cảm thấy sung sướng.

–          Bún chị Ba nấu ngon ghê !

–          Em nấu đó nha thầy !   –  Bân chu miệng, lườm tôi một cái dài sọc.

–          Giỏi quá à nhen !

Bân lại cười sung sướng trong ánh bình minh rạng ngời.  Rồi tôi cũng đứng lên sau khi nhìn Bân, thầm cảm ơn cô đã làm cho tôi tô bún “ưu đãi”, tôm cá thật nhiều.
No nê rồi, tôi vòng vòng vô chợ nhìn thiên hạ chút cho đỡ buồn.  Cái phận “độc thân vui tính” nó thế !  Chả bù với mấy thằng bạn đồng nghiệp, cuối tuần là vù về vui vẻ với vợ, sợ đi lâu vợ quên mặt.
Cái chợ lồng nhỏ như ngôi nhà ông Thiên Hộ nhộn nhịp người.  Dọc bên phải chợ là những hàng xén, rổ rá đồ nhựa.  Vòng một chút đã ra tới cuối chợ, đang muốn vòng lên thì thấy có hàng cá kiểng ngồ ngộ đập vô con mắt.  Hình như đây là một hàng cá lia thia thì phải, tôi đang ngắm những chú lia thia xanh biếc trong hũ thì một giọng trong trẻo cất lên :

–           Chào Thầy !
–          Í !  Hậu, em bán cá này à ?
Tôi bất ngờ nhận ra cô học trò giỏi lớp 9.

–          Dạ…dạ…em phụ với ba và chị.

Tôi nhìn cô bé học trò phổng phao, khuôn mặt bầu bĩnh, mắt đen láy.  Cô bé có vẻ mắc cỡ, nhìn xuống, cặp má hây hây đỏ.

–          Cá lia thia hả em ?  Đẹp quá hén !

–          Dạ !

–          Bán cho thầy một con nghe, thầy về nuôi chơi.   –  Tự nhiên tôi muốn có con cá lia thia làm bạn chơi, dù tôi cũng không rành rỏi gì .

–          Thầy thích thì để em cho thầy nuôi chơi , chứ mua gì thầy !

–          Thôi, để thầy mua mà.  Vì thầy còn mua nữa, em cho rồi thầy đâu dám tới mua nữa đâu.

Vừa lúc đó thì một người đàn ông từ phía sau hàng đi lên.

–          Xong rồi, bữa nay hút hàng nên nó lấy hết hổng chê khen gì , cũng đỡ !

–           Vậy hả ba.  Thầy Thiên, dạy toán con đó ba, thầy muốn mua cá .

Người đàn ông trạc gần năm mươi, da ngâm ngâm nhìn tôi rồi cười thân thiện :

–          Chào Thầy !  Tui có nghe tiếng thầy nay mới gặp.  Thầy thích lia thia hả ?  Để tui cho thầy một cặp về nuôi chơi chứ mua bán gì Thầy.  Của nhà mà !

–          Vậy tôi ngại lắm!  Mà cá nầy…chú cũng phải mua chứ đâu ra.

–          Không phải mua, ở nhà vớt không đó thầy .

–          Vậy à !  Đi vớt cá lia thia hả, thích quá há !

–          Nghe Thầy nói chuyện tui coi bộ thầy cũng có vẻ thích mấy thú vui đồng ruộng đó.  Thầy muốn coi cá không ?  Lại nhà tui chơi đi, ngay dưới bến nầy à.

Tôi theo ba của Hậu về nhà của ông ở bên con rạch nhỏ phía sau chợ vài trăm thước.  Căn nhà lá của ông Hinh coi cũng được .  Nhà khá rộng , nhưng coi được mắt nhờ khá ngăn nắp, sạch sẽ -là điều ít thấy ở những căn nhà kế bên sông nước.  Bước vô nhà, cái bàn tròn lớn ngay giữa phòng với cả chục cái ghế chung quanh.  Trên vách, có cả vài bức tranh cá màu mè đơn sơ nhưng cũng làm sống động căn phòng.  Tôi nhìn lên một cái kệ bên vách và ồ lên một tiếng : trên hai tầng kệ có rất nhiều hũ keo thủy tinh nuôi cá.  Các lọ cá được ngăn cách nhau bằng những miếng giấy bìa màu trắng.

–           Úi !  Nhiều cá quá há !  Chắc là chú rành cá lia thia lắm, khỏi nói phải không ?

–           Ấy !  Cũng không dám nói là rành đâu thầy, cũng biết vậy thôi.

–          Nói thiệt !  Tôi chẳng biết gì về cá lia thia hết.  Hồi đó ở trên thành phố thấy người ta bán thì mình cũng biết là cá lia thia để đá vậy thôi.  Mà lia thia cũng nhiều giống lắm phải không chú ?

–          Đúng rồi Thầy !  Lia thia thì nhiều giống, mà nhiều loại nữa.  Như lia thia Ruộng, lia thia Rạch, còn cá Xiêm, cá Phướng nữa.

–          Hay quá há.  Mà lia thia ruộng là sao mà rạch là sao hả chú ?

–          Lia thia ruộng là cá lia thia ở trong các đồng ruộng.  Cá Ruộng thì mơn mởn vì nước trong ngọt, không bị phèn nên cá mau lớn.  Còn cá Rạch là giống lia thia sinh ra trong các rừng tràm, rừng năng , đầm đìa hoang vu.  Thường mấy vùng nầy còn phèn, nước chát chua nên cá lâu lớn.  Khi một con cá rạch lớn bằng con cá ruộng thì tuổi đời của nó có khi đã xấp hai con kia rồi.

–          Ồ !  Mà nếu so về sức mạnh với nhau thì sao chú ?

–          Cá Rạch bao giờ cũng hơn cá Ruộng.  Cá Rạch sống trong môi trường khắc nghiệt hơn nên mình mẩy gân guốc hơn, mạnh hơn và cũng hung dữ hơn để sinh tồn.  Cá Rạch giống như anh nông dân cày sâu cuốc bẩm còn cá Ruộng giống như một anh công tử nhà giàu vậy.  Thường thường, dân chơi lia thia thì toàn là chơi cá Rạch.

Tôi và ông Tư Hinh vừa nói chuyện tới đó thì có người bước vô nhà.  Thì ra cô học trò của tôi cùng một cô gái nữa.

–           Hai đứa dọn về hả bây ?  Ừa thôi nay về nghỉ sớm đi, ít bữa nữa đi vớt với ba.

Tôi nhìn cô gái bước vô sau cô học trò mà con mắt tôi muốn đứng tròng.  Trời ơi !  Người đâu xinh quá vậy trời !  Khuôn mặt cô sáng trưng cả căn phòng, đôi mắt hạt nhãn long lanh, thêm cái má lúm đồng tiền nữa làm tôi muốn chết điếng.

–           Chào thầy !

–           Chào…em !   –  Tôi chào lại cô chị .

Hai chị em chào tôi xong rồi đi thẳng vô nhà sau mất hút.

–           Thầy coi cá nầy là cá tôi tuyển để cáp độ không đó .

Ông Tư Hinh lại tiếp tục câu chuyện cá.  Tôi có cảm tưởng là ông rất mê cá lia thia và nếu có ai nói về chuyện nầy thì kể như rà trúng đài, ông sẽ nói không biết mệt.  Nghĩ vậy nên tôi tiếp :

–           Tất cả là do chú vớt không đó à ?

–          Đúng rồi !  Tôi với hai đứa nhỏ đi vớt.  Đợt rồi, mới lúc nãy đó mối trên Sài Gòn xuống lấy hết, nên chắc vài ngày nữa tôi sẽ đi rạch nữa.  Lúc đầu, thì người ta còn lựa cá nhưng giờ quen rồi nên họ tin tưởng nhận hết không cần lựa chọn gì nữa.

–           Vậy thì chú có uy tín rồi.  Mà nếu lựa chọn thì lựa làm sao chú, theo tiêu chuẩn gì ?

–          Thầy xem mấy con xanh phớt đỏ nầy nè.  Thầy thấy cái miệng nó không ?  Cá đá trước tiên phải có cái mỏ ngắn, thì cái hàm răng nó mới chắc chắn, răng mới bén, cứng, cắn mới ép-phê địch thủ được.  Vây cũng phải đều, màu thì phải sậm chắc.  Tuy vậy lâu lâu cũng có con màu hồng dợt, nhìn thì yếu ớt lắm nhưng lại có đòn độc ra phết đấy !  Mà nói vậy thôi, chứ tùy theo cá vớt ở đâu nữa.

–          Thiệt tôi hồi giờ chưa coi được trận đá cá nào ra hồn nên không biết đòn cá ra sao hết.

–          Vậy à !  Ngày mai, tôi có bạn hẹn đem cá lại đá ở đây.  Mai thầy lại chơi nghe, xem cho biết, với lại cũng vui lắm !

–          Cám ơn chú, vậy thì mai tôi lại.

Rồi ông Tư Hinh kêu với ra sau :

–           Hương ơi ! Ba nhờ chút .

–           Dạ !  –  Cô gái đẹp lại xuất hiện làm tay chân tôi thừa thãi.

–          Con kiếm cho ba hai hũ keo đi, rồi lựa cho thầy cặp cá cho thầy nuôi chơi.

Chỉ loáng sau cô gái đã đem lên hai hũ keo thủy tinh có nước sẵn rồi nói :

–           Cá nầy chưa xổ nha thầy ?

Thấy cái vẻ ngao ngáo của tôi, cô nói tiếp :

–          Mà thầy có biết “xổ” cá không vậy thầy ?

Hương chớp đôi mắt đẹp, quay qua hỏi tôi trong lúc ông Tư xuống đâu nhà sau.  Tôi thiệt đúng là “Hai Lúa” mà không ra lúa chút nào, chẳng biết gì ráo !

–          “Xổ” là gì vậy…?  – Tôi gãi đầu .

–          Thấy chưa !  Em biết là thầy không biết mà.  “Xổ” cũng như là mình phải tập dợt cho con cá trước khi cho nó đá đó thầy.

–          Chà, vậy thầy đâu biết.  Em chỉ dùm cho được không ?  –  Tôi nhìn vào mắt nàng, hỏi nhỏ như một lời tình tự.

–          Dạ… được thầy.  Thầy cứ đem về, bữa nào em ghé chỉ cho.  Thầy ở nhà Cô Tám phải không thầy ?

–          Đúng rồi ! Bữa nào em lại nghen !

Hương mỉm cười gật đầu y như chấp thuận một lời hẹn hò.

Hôm đó, tôi đem hai con cá về, tưng tiu như vàng.  Hai con cá đẹp thật !  Một con màu xanh biển đậm, ửng đen phía bụng, vây lại có sọc xanh lam và đuôi lại viền đỏ.  Một con thì cũng xanh nhưng ửng đỏ gần nửa mình xéo lên từ giữa bụng đến đuôi.  Nhìn cặp cá, tôi ước gì mình và Hương được như một đôi cá bên nhau thì sung sướng biết mấy.  Nhưng rồi tôi lại nghĩ đây chỉ là cặp cá trống, không bao giờ được sống chung nhà.  Tôi lại thở dài, cười cho cái ý nghĩ vẩn vơ của mình.
Chiều tối, trời khá nóng.  Tôi vừa bước ra phía trước sân hóng gió thì Bân xuất hiện :

–          Nóng quá há thầy !  Đi ăn chè đá cho mát, em bao thầy đó .  –  Bân bữa nay thật sáng láng, nước da trắng nổi bật trong bộ đồ xanh biển.

Thấy tôi còn ngần ngừ, Bân lại giục :

–           Đi thầy !  Thầy giúp em hoài, cho em đền ơn chút xíu đi mà !

Thiệt tôi không biết nói sao nên đành nghĩ kế kêu thêm viện binh.

–          Vậy để kêu hai đứa nhỏ đi với .   –  Tôi chỉ tay vô nhà Bân, ý nói hai đứa con của chị Ba.

–          Tụi nó sửa ngủ rồi thầy.  Sụp tối cơm nước xong là vô mùng à.

Tôi …đành đi với Bân vậy.  Thật ra, một mình một thân như tôi, có một cô gái nhí nhảnh bên cạnh cũng thích lắm chứ.  Nhưng tôi cũng ngại !  Đây không phải là thành phố.  Ở đây, mọi người đều rất tự nhiên và dễ thương-cái dễ thương của dân quê mộc mạc.  Nhưng ngược lại, đôi khi chính cái mộc mạc đó cũng làm mình nhức đầu.  Việc gì xảy ra ở đây, người ta cũng biết ráo trọi.  Mà nhiều khi chuyện cái lông măng lại biến thành con gà mái chẳng mấy hồi !
Tôi sóng đôi cùng Bân bước về phía trường học, nơi có ánh điện sáng đằng xa.  Trời tối, những vì sao lấp lánh, dãy Ngân Hà mờ mờ trên cao.
Tối hôm đó cũng vui.  Tôi và Bân còn gặp nhiều cô cậu học trò khác cũng rủ nhau đi ăn chè.  Tôi cũng thấy mình như nhỏ lại giữa đám học trò lanh chanh xí xọn.  Có đứa lúc ra về còn chào tôi và Bân : “ Chào Thầy Cô em về !” .  Rồi chúng xúm nhau cuời rật rật, ôi cái đám “thứ ba” nầy tôi thiệt cũng thua chúng luôn!  Nhưng Bân không tỏ vẻ gì mắc cỡ hết mà nàng lại còn có vẻ như hãnh diện nữa chứ !
Trên đường về, dù chỉ mới hơn 8 giờ đêm nhưng ở đây đã là khuya lắm.  Chỉ còn tôi và Bân như đôi tình nhân trên con đường vắng.  Bân lên tiếng :

–              Trời sao đẹp quá, thầy thích không ?

Tôi ngạc nhiên vì ý nghĩ mơ mộng của Bân.  Chưa hết, nàng lại đưa tôi đến một bất ngờ khác :

–              Thầy biết vì sao kia không thầy ? Sao Thiên Lang ( Sirius )đó thầy !   –  Bân chỉ tay lên ngôi sao sáng nhất bầu trời.

–              Sao em biết hay vậy ?  –  Tôi thì biết ngôi sao nầy từ thời còn là Hướng Đạo Sinh.

–              Thiên Lang, tức là rể nhà trời, đã cưới sao Ngọc Nữ đó.  Nhưng rồi vợ chồng sao giận nhau, giờ mỗi người một nơi.  Buồn quá thầy há, em chỉ mong họ sum họp lại như mình bây giờ, thầy có mong vậy không ?

–              À…à… thầy cũng mong vậy.

Thật cô gái trẻ nầy lại đưa tôi vào thế kẹt với câu hỏi nửa con nít, nửa người lớn thế nầy.  Tôi bắt đầu nhận ra Bân không còn là một cô gái ngây thơ nữa mà dường như cô muốn nói với tôi điều chi đó.  Có thể là tình yêu lắm!  Trời ạ, tôi cũng đang khổ vì tình đây nè !  Tôi nhìn sang Bân và thấy thương cô gái trẻ vì tôi chỉ xem Bân như một cô em gái dễ thương mà thôi.

Đêm hôm đó, tự nhiên tôi khó ngủ.  Khuôn mặt khả ái của Hương luôn bềnh bồng quanh tôi.  Cái “tiếng sét” nầy coi bộ khó gỡ chứ chẳng chơi !  Tôi mơ màng thấy đi cùng Hương trên một chiếc thuyền rất đẹp, cả Hương cũng lộng lẫy xiêm y.  Tôi nhìn nàng say đắm, nhưng phía sau Hương, tôi thoáng thấy một đôi mắt dỗi hờn như hút tôi vào một vòng xoáy sâu thẳm…

Sáng hôm sau, sau khi được Bân đá cho mấy cái lông nheo cùng tô bánh canh nóng hổi, tôi thả lại nhà ông Tư Hinh để xem đá cá.
Vừa tới nhà thì đã gặp ngay Hương, cô vén tóc cao để lộ chiếc cổ trắng ngần trên chiếc áo bà ba trắng.

–          Thầy, thầy vô nhà uống cà-phê thầy, ba em chút về liền đó.   –  Hương mỉm cười vồn vã làm tôi thấy thật vui..

–          À! Còn mẹ em và Hậu chắc đi chợ rồi phải không, lúc nãy thầy có thấy.
–          Mẹ em với Hậu về Ngoại ở Rạch Giá rồi thầy, chiều mới về lại.

–          Bữa nay có đông người tới không vậy em ?

Hương bưng cho tôi ly cà-phê nóng, rồi nhẹ nhàng :

–          Chắc chừng năm bảy người gì đó đem cá lại đá.  Nhưng mà người ta lại xem thì nhiều đó thầy.

–          Cảm ơn em !  Em chắc cũng rành về cá lắm phải không ?

–          Cũng không rành lắm đâu thầy.  Em phụ với ba riết nên biết vậy thôi.

–          Mà em có đi vớt cá với ba em không vậy ?   –  Tôi nhìn Hương vừa sắp xếp những lọ cá vừa nói chuyện .

–          Dạ có !  Em đi theo ba từ vài năm trước, thấy thích nên giờ vẫn còn đi.

–          Ồ, vậy bữa nào ở nhà đi vớt cá, cho thầy đi theo với được không.  Thầy cũng thích lắm đó !

Hương lại chớp đôi mắt đẹp nhìn tôi, hai khóe môi nàng khẽ mím lại như làm nũng :

–          Dạ…thầy nói với ba em đi…

Câu nói của Hương như một lời hứa hẹn ngầm, hàm ý hẹn hò nếu được sự cho phép của cha nàng, làm tôi như mở cờ trong bụng.

–           Rồi !  Để thầy xin với ba em cho thầy đi với, nhưng mà em cũng đi nữa nghe.

–          Dạ !    –

Có tiếng xôn xao ngoài cửa rồi nhiều người bước vô nhà.  Ông Tư về tới cùng với mấy người nữa, ai cũng xách một cái xách lát đựng những keo cá lia thia.  Chào hỏi nhau xong rồi là mấy ông chủ cá bắt đầu cáp độ với nhau.  Các lọ cá của mỗi người của ai để theo nấy thành từng hàng trên chiếc bàn tròn giữa nhà.  Thường chủ nhà làm một độ mở màn trước gây không khí sôi nổi cho đúng với câu “Tiên chủ hậu khách”.  Ông Tư đem một keo cá ra để trên bàn, các người khác xúm vào coi.  Đây là một con xanh đen, tướng tá hùng dũng, chắc chắn, lượn tới luợn lui trong lọ.

–           Rồi, để tui ra độ nầy với anh Tư đi.

–          Ừ, được đó Chín Lành.  Mở màn đi cho xôm ! Tui theo chú một xị đó !

Chín Lành đem lọ cá của mình tới, để kế bên lọ cá của ông Tư.  Mọi người nhìn vào trầm trồ con cá của ông Chín.  Đó là một con xanh ửng đỏ thật đẹp, tướng tá lanh lẹn.  Hai chủ cá nhìn từ trên xuống để so cá của mình với cá đối thủ thật kỹ.
Tôi cũng hiểu đại khái là khi cáp độ đá thì phải so cá như gà so cựa vậy, nhưng không hiểu cá thì so ra sao nên thấy Hương đứng sớ rớ vòng ngoài, tôi lại gần hỏi nhỏ:

–           Hương à, hai người đang so cá phải không, mà so làm sao vậy ?

–          Dạ phải đó thầy.  Như vầy nè!

Hương dẫn tôi lại chỗ cái kệ có mấy lọ cá của ba nàng , rồi nói:
–           Trước tiên hai cái lọ đựng cá phải bằng nhau và nước cũng phải ngang nhau.  Rồi phải nhìn hai chiều.  Như mấy lọ nầy, mình nhìn ngang so sánh xem chiều dài hai con cá bằng nhau không.  Rồi còn nhìn chiều đứng , phía trên nhìn xuống nữa để nhìn bề dày của con cá.  Nói chung, phải ngang ngửa nhau thì mới công bằng.  Nhưng vì ba là chủ nhà, cá của ba ở tại chỗ, còn cá của khách phải đi đường mệt nhọc nên có khi cá của ba phải chắp, có nghĩa là nhỏ hơn một chút cũng được.

Hương giảng giải cho tôi nghe với vẻ dịu dàng làm tôi thẫn thờ, chỉ trông cho mấy ông kia cứ xúm vào mà đấm đá đi, để tôi với Hương bao vòng ngoài cũng không sao.
Trận cá đã bắt đầu.  Hai con cá đã được bỏ chung vào một lọ thủy tinh lớn đặt trên cái giàn gỗ chắc chắn giữa nhà.  Cái giàn nầy cao gần tới đầu người nên mọi người ai cũng có thể theo dõi được.

–          Xừng hết rồi đó !

Không khí trận đấu bắt đầu sôi động làm cho tôi cũng thấy ham, muốn coi thể nào.  Hai con cá đã phùng mang lên rồi thật.  Lúc nầy nhìn tướng chúng thật ngầu.  Nhìn con cá đen tôi lại liên tưởng tới cái vai Trương Phi phùng mang trợn mắt trong tuồng hát bội.

–           Con đỏ lên nước rồi !

Mọi người “Ồ” lên làm không khí sôi nổi thêm.  Tôi vội quay qua “quân sư” trẻ đứng bên :

–           Hương à, lên nước là gì vậy ?

–           Thầy để ý xem con cá đỏ, mình nó ửng đỏ hơn lúc mới thả vô nữa đó.

Tôi căng mắt nhìn.  Thật vậy, con cá đã ửng đỏ từ đầu đến chân trông thật đẹp mà cũng thật dữ tợn.

–           Rồi, rồi ! Nữa đi mầy !    –  Tiếng Chín Lành hét lên.

Hai con cá đã ra đòn.  Con đỏ có vẻ hung hăng, lanh lẹ hơn, tấn công con đen nhiều hơn.  Con đen lượn lờ né tránh và bình tĩnh phản đòn. Tiếng ồn, tiếng la lại nổi lên mỗi khi “gà”phe mình cắn địch thủ.  Quanh cảnh thật còn huyên náo hơn một trường gà mà tôi đã xem nữa.  Vì đá gà thì thường người ta im lặng xem nhưng đá cá thì mạnh ai nấy la mà không sợ ảnh hưởng đến trận đấu.

Tôi lại quay qua Hương tán chuyện :

–           …Em thấy con nào hơn, sao con đỏ có vẻ hơn vậy, phải không ?

Hương chớp chớp đôi rèm mi dài khi thấy tôi kêu nàng bằng em, rồi cô nói nhỏ :

–          Giờ thì con đỏ lấn lướt con đen, nhưng cũng chưa biết đâu thầy.  Có nhiều con cá lì đòn lắm chờ phản công lại giờ phút cuối đó thầy.

À, đúng rồi !  Câu nói của Hương làm tôi nhớ lại cái câu người ta hay nói “Đẹp trai không bằng chai mặt !”.  Chắc tôi cũng phải theo chiến thuật nầy mới được.  Tôi chợt cười lên với cái ý nghĩ mình là một “thầy giáo chai mặt “.

–          Thầy cười gì đó ?

–          Không, có gì đâu !  –  Hương làm tôi giật mình.

–          Em tưởng thầy cười em chứ ! Nghe em nói rồi cái thầy cười vậy à !  –  Giọng cô gái trẻ như hờn dỗi.

À, thì ra Hương đang dỗi đây mà.  Vậy là tôi có cơ rồi, vì có dỗi hờn tức là cũng có tình cảm chút chút gì đó.  Chứ khi mình nói chuyện dù có ý châm chọc đi nữa mà người ta cứ trơ trơ thì kể như không xong rồi.

–          À, tự nhiên nghe em nói thầy nhớ tới một chuyện kia nên cười vậy mà.

Hương tròn mắt :

–           Chuyện gì vậy thầy ?

–           Bữa nào rồi thầy kể cho em nghe vui lắm !  Bây giờ đông quá, kể không hay được.   –  Tôi được dịp kiếm thêm một cái hẹn.

–          Thầy nhớ nghen !

Rồi !  Ông thầy hăm mí cũng phải hơn cô gái mười tám chứ ! Tôi khoan khoái trong lòng.  Bỗng…

–          Trời ơi !

Tiếng la trong trường cá chứ không phải Hương kêu trời.  Tôi và Hương vội dán mắt vào đấu trường cá.
Con cá đen đang rượt con cá đỏ chạy cong đuôi.  Thì ra con cá đen chịu đòn và chờ đến khi cá đỏ mệt thì phản công và thắng luôn.

Tôi hỏi Hương :

–          Mấy ổng cáp với nhau toàn là là mấy xị với mấy dĩa, là rượu với đồ nhậu phải không em ?

–          Dạ !  Nhưng mà có khi cũng cáp tiền trong đó nữa đó thầy, nhưng mấy ổng nói tránh đi, mình nghe cũng không biết đâu.

–          Vậy em có thích vậy không ?  –  Tôi hỏi xem Hương trả lời thế nào.

–          Nói thiệt, em cũng không thích gì mấy đâu.  Em chỉ phụ với ba em vậy thôi, chứ chuyện đá cá cáp độ em không thích.  Em chỉ thích nuôi cá vì chúng đẹp, nhìn chúng lội nhởn nhơ trong lọ thấy thích lắm.  –  Hương nói nhỏ đủ mình tôi nghe.

À !  Thì ra cái nữ tánh đáng yêu vẫn tràn đầy trong người cô gái xinh đẹp.  Tôi khen Hương một câu :

–          Em dễ thương lắm !

Cái câu khen của tôi có nhiều nghĩa.  Có thể hiểu “dễ thương”  đây là “đẹp” mà cũng có thể hiểu “dễ thương” là tánh tình dễ thương hoặc là cả hai luôn.  Tôi không biết Hương hiểu như thế nào nhưng chỉ thấy khuôn mặt nàng ửng hồng, mắt chớp chớp nhìn xuống, tay vân vê tà áo.

Sau cái buổi đá cá đó, tôi và Hương đã khá thân nhau.  Vài hôm sau, tôi lại nhà rủ ông Tư đi uống cà-phê, nói chuyện.  Qua những lần nói chuyện với ông thì tôi được biết là gia đình ông chỉ có vài công ruộng nên cuộc sống cũng không thoải mái gì.  Cách đây hai năm, Hương học hết lớp 9 thì bà Tư lại bị bệnh mắt.  May mà ông kiếm được mối cá từ thành phố.  Nhưng rồi Hương đã phải nghỉ học để phụ với ông mọi việc, từ trong nhà cho tới việc đi vớt cá lia thia trong rừng.  Khi biết tôi muốn đi theo ông vớt cá cho biết thì ông Tư cũng vui vẻ bằng lòng.

–           Thầy biết không ?  “Nghề chơi cũng lắm công phu” mà.  Thiệt ra dân thành phố tuy cũng chơi cá lia thia nhưng không tận hưởng hết được cái hương vị của nó như tụi tui đâu.  Là vì, dân thành phố thì chỉ việc bỏ tiền ra mua cá đem về đá, đơn giản quá.  Như vậy thì đâu có nhiều hứng thú !  Nếu người nào rành chút thì còn biết dưỡng, biết xổ, nhưng cũng chỉ vậy thôi.  Còn như tui, trước tiên là cái thú đi vớt cá.  Bữa nào thầy đi với tôi rồi thầy biết à !  Tìm được những ổ cá hay, thích lắm thầy.

–          Mà sao mình biết được cá chỗ nào hay hả chú ?

–          Ấy !  Khó là chỗ đó, công phu cũng là chỗ đó!  Đó là cái khó thứ nhứt của người vớt cá lia thia.  Cái nầy đòi hỏi phải nhiều kinh nghiệm, cộng thêm chút may mắn nữa thì mới được.  Vì cá khó lắm, không có nguyên tắc nào nhứt định hết.  Năm trưóc, cá ở Rạch Năng hay nhưng năm nay vớt cá ở đó lại không hay nữa, hoặc có chỗ năm trước dở nhưng năm nay lại hay.

–          Chà cũng khó ăn há, vậy làm sao mà biết được trời !

Ông Tư cười :

–          Thầy theo tui vài bận là nắm được bí quyết à !

Ông Tư hẹn tôi chúa nhật tới đi vớt cá.  Thiệt tôi muốn hỏi xem Hương có đi với không, nhưng mà tôi dừng lại kịp.  “Chưa gì mà lộ tẩy ra mần chi, lỡ ổng biết ổng không cho đi ! “  Tôi nghĩ vậy nên im luôn.
Chỉ có vài bữa mà sao tôi thấy lâu vậy không biết nữa.  Thế mới biết thời gian chờ đợi bao giờ cũng dài.  Tôi đang ngồi ngắm hai con cá tung tăng trong hai hũ keo để nhớ tới Hương thì Bân bước vô ngay cửa:

–           Chào thầy !

Tôi giật mình như đang nhìn trộm ai mà bị bắt gặp vậy.  Tôi vội đứng dậy, bước ra :

–           Bân…em về hồi nào vậy ?

–           Dạ, em về lúc trưa thầy, học xong là em về đây luôn.  Thầy ơi !  Trưa mai, nhà em đám giỗ đó, thầy qua nha thầy.  Tối nay ba em sẽ qua mời thầy, nhưng giờ em cho thầy biết trước đó.

Tự nhiên tôi lại giật mình nữa, khổ ghê !  Ừ , mà không sao !  Ngày mai thì tôi qua được, chứ ngày mốt chắc tôi trốn quá .

–           Cám ơn em !

Ngày hôm sau, dù muốn dù không gì tôi cũng phải qua dự đám giỗ nhà Bân.  Đám giỗ ở quê thật là một dịp để anh em bà con và hàng xóm quây quần ăn nhậu.  Người nào người nấy hôm nay tự nhiên hoạt bát, ai cũng trở thành nhà thông thái, hay ít nhứt cũng là diễn giả với những tràng diễn văn xuất thần.
Tôi cũng không chạy đâu được và phải làm chắc cũng cả xị.  Tôi thấy không xong nên lo chuồn về trước, sau khi nháy vài người trong bàn thông cảm vì tửu lượng tôi dở lắm.
Vậy mà tôi về rồi nằm tới chiều, dậy không nổi.  Tới lúc Dì Tám kêu dậy ăn cơm, tôi dậy nhưng ăn không vô, mệt gì đâu !  Tôi ra gian nhà trước ngồi, cái đầu vẫn còn mơ mơ màng màng.  Một bóng người bước vô :
–          Thầy, ăn cháo nha thầy, ăn chút cho khỏe thầy .

Bân bưng tô cháo nóng đặt trên bàn, ngay trước mặt cho tôi. Trời ạ, cô học trò nầy làm như canh tôi từng chút một hay sao đó mà, tôi thật ái ngại !  Nhưng nhìn tô cháo thơm lên hơi nghi ngút, tôi nghe cái bụngcồn cào chịu không nổi.
Bân ngồi đó trông tôi ăn như cô vợ hiền chăm sóc chồng. Tôi nghĩ sao mà oái ăm thế này không biết !  Chắc là tôi phải tìm cách né tránh Bân mới được.  Nhưng tránh bằng cách nào ?  Chúng tôi là hàng xóm, lâu nay cũng đã thân mật dù là tôi không có ý chi, nhưng giờ làm sao né ?  Không khéo thì sẽ mích lòng to, tôi sẽ phải mang tiếng nữa.  Khó quá !  Tôi chưa biết tính sao đây ?

Sáng hôm sau, mờ sáng tôi thức dậy rồi đi một mạch lại chợ trong khi chị em Bân còn bận bịu dọn hàng.  Tôi đi thẳng lại nhà Hương, gặp ông Tư cũng đã thức, tôi rủ ông đi uống cà-phê, ăn sáng.  Ông Tư nói :

–           Mình đi sớm sớm cho mát .  Bữa nay vô Rạch Đưng gần trên Vĩnh Thạnh, Giồng Riềng, thấy vậy chứ vòng vo cũng phải hai tiếng mới tới nơi.

Khoảng gần bảy gìờ thì chúng tôi lên đường.  Hương hôm nay mặc bộ bà ba đen mát rợi.  Vẫn đôi mắt đẹp mê hồn, vẫn đôi má duyên tình bén ngọt, chắc tôi chết quá trời ơi !

Bữa nay tôi mới thấy Hương chèo ghe rất giỏi, đúng là gái miền sông nước.  Ông Tư, do cuộc nhậu đám giỗ hôm qua nên nay còn mệt, ông chun vô mui nằm ngủ.  Nhờ vậy, tôi lại được tự do nói chuyện với Hương.  Ghe len lỏi qua nhiều con rạch nhỏ, quẹo trái phải tùm lum bên những lùm bình bát rũ hai bên bờ.  Đường sông nước nầy tôi thấy còn khó nhớ hơn đường bộ nữa, nhưng đôi tay chèo của Hương vẫn nhịp nhàng.

–          Em chèo giỏi quá, mà sao em biết đường hay vậy ?

–          Ở sông mà thầy, chỗ nầy em với ba đi rồi nên em biết.

Tôi thiệt lắc đầu, cho tôi mà chèo-ví dụ có biết chèo đi nữa, chèo tới mai chắc có nước …hái bình bát ăn đỡ đói !

–          Ở chỗ Rạch Đưng gì đó bộ có nhiều cá hả em ?

–          Cũng nhiều chỗ có cá, nhưng chắc là ba em muốn thử cá ở đó xem sao.  Phải vớt rồi thử mới biết thầy, vì tuy là cùng chỗ nhưng mỗi năm mỗi khác, vì điều kiện thức ăn, sanh sống mỗi mùa mỗi thay đổi.

Nghe Hương nói, tôi nghĩ thiệt là mọi sự trên đời nầy không phải đơn giản.  Chỉ mới một chuyện mấy con cá lia thia, nếu đi sâu vào đã thấy nó “nhiêu khê”thế nào rồi, huống chi là cái chuyện tình yêu mà tôi đang ngấp nghé !

–          Thầy !

–          Sao em ?

–          Bữa trước thầy nói sẽ kể em nghe chuyện gì đó ?

–          À, à …đúng rồi.

Thật ra, hôm đó tôi chỉ nói đại vậy chứ có chuyện gì đâu.  Bây giờ tôi phải ráng nặn óc ra .  Được rồi !  Tôi bắt đầu :

–          Chuyện vầy nè.  Có một anh kia và cô đó quen nhau.  Cô gái nói : “ Anh!  Em nói với ba, anh là thầy giáo rồi đó nghe . “ .  Chàng trai hỏi lại : “ Em nói chi sớm vậy ?”.  Cô gái nói :” Vì lần trước, bạn trai cũ của em là một võ sĩ.  Lúc ba em muốn tống cổ anh ta đi thì bị gãy mất hai cái răng cửa nên lần nầy em phải lo nói trước cho ba yên tâm đó mà .”

Hương cười .  Tôi cũng cười.  Chúng tôi vừa cười vừa nhìn nhau nồng nàn qua những chùm bình bát chín vàng bên bờ rạch.

–          Ba em biết thầy là thầy giáo rồi mà !
Tự dưng tôi nghe như có luồng gió mát rợi thổi qua tâm hồn.  Khônng ngờ cái câu chuyện phiếm của tôi lại có ý nhị bất ngờ như vậy.
Mặt trời đã lên, ánh nắng ban mai chan hòa trên những cánh đồng lúa vàng mơ.  Tôi nghe lòng mình lâng lâng như đang cùng người yêu đi thưởng ngoạn cảnh đồng quê sông nước.  Tức cảnh sinh tình, huống chi “tình” của tôi đang ở một bên.

–          Hương ơi !

–          Dạ !

–          Ước gì được đi mãi như vầy !

Hương nhìn tôi như muốn dò ý :

–          Sao vậy thầy ?

–          Vì thấy lòng mình thật vui, cảm thấy như hạnh phúc lắm.

Hương chớp chớp mắt, chỉ còn tiếng mái chèo khua nhè nhẹ trên sông vắng.

Khi chiếc ghe đã rời những cánh đồng lúa và vào vùng năng sậy thì ông Tư cũng thức dậy và cầm lấy tay chèo.

–          Mình phải vô sâu trong đưng chút mới có cá hay.

Nói rồi ông cho chiếc ghe tiến vào rừng năng.  Đây không phải là sông mà là một vùng rừng ngập nước, những váng phèn có màu sắc như cầu vồng mấp mé gốc năng.  Lác đác vài lùm cây thấp nổi lên trên rừng nước, cảnh vật thật hoang sơ.

–          Cảnh ở đây lạ quá hén chú !

–          Đây là nước đã rút rồi đó.  Tháng trước chỉ toàn nước, nhìn như biển vậy.

–          Lia thia ở đây hay hả chú ?

–          Đây là rừng năng, nên lia thia thường là hay.  Nhưng cũng phải thử mới chắc được.  Thầy coi, nãy giờ tui đi theo ngược hướng ván phèn để tìm cá.  Nếu có được một chỗ vị trí nước đọng thì hy vọng là có cá hay.

Ông Tư chèo lòng vòng một lát thì ngưng tay chèo .  Ông cặm sào xuống nước rồi cột ghe lại .

–          Chỗ nầy được rồi.  Giờ mình phải lội xuống mới tìm lia thia hớt được.  Thầy có sợ ướt đồ không ?

–          Không, đi vớt cá mà còn sợ ướt đồ gì chú !  Mà sao chú không đậu ghe ngay cái lùm cây đó cho mát hả chú ?

–          Thầy biết sao không ?  Là vì cái lùm đó có thể có rắn.  Thường cũng chỉ là các thứ rắn nước, Ri Voi, Ri Cá không độc, nhưng mà lỡ có rắn hổ thì mệt, mình nên tránh đi là hơn.

Hèn chi !  Vậy mà nãy giờ tôi cứ thắc mắc khi thấy nắng đã lên.  Thật người kinh nghiệm có khác, gặp tôi thì tôi lủi vô lùm đó rồi.

–          Thầy đội nón cho khỏi nắng, thầy.

Hương đưa cho tôi chiếc nón tai bèo và nàng cũng vậy.  Hương đã mặc thêm một cái áo xanh có tay thật dài bên ngoài chiếc áo bà ba.  “Hi, con gái có khác, phải lo thủ không thì nắng háp !”.
Vũng rừng năng nầy là một cái eo nhỏ dài vài trăm thước, nước nơi đây khá lặng yên.

–          Lia thia chúng tìm chỗ nước đứng để làm ổ, như chỗ nầy.  Mà nước đọng thì lại phèn nhiều, là điều khổ cho chúng nhưng mà cũng chính vì vậy nên trong môi trường khó khăn chúng lại mạnh mẽ hơn.  Lại thêm, những vũng nước đọng nầy lại không lớn nên chúng thường phải đấu đá nhau giành đất sống, nên chúng đá hay là do vậy.   –  Ông Tư giảng giải cho tôi hiểu.

–          À, hay quá há !
Cả ba người cùng lội xuống nước.  Ông Tư cầm một chiếc vợt, tôi cũng được giao một cái, Hương thì cầm xách lát đựng những hũ keo thủy tinh.  Nước nơi đây cạn, chỉ săm sắp tới gối.  Lúc đầu thì đi còn gần nhau, nhưng vài phút sau thì ông Tư tách ra dần để tìm cá, khuất sau những lùm năng.  Tôi thì có biết làm sao tìm cá nên cứ kè kè bên Hương.

–          Hương à !  Cá ở đâu ?  Mình làm sao tìm ?

–          Thầy cứ đi với em đi rồi em chỉ cho, thầy để ý chỗ có bọt nước nha !
“Được lời như cởi tấc lòng “, trời ơi ! sao mà em dễ thương thế không biết !  Cứ cho tôi đi đến tối tôi cũng chả biết mệt là gì .  Ngày trước, tôi chỉ nghĩ là tôi chỉ có thể yêu một người có học thức, có những ý tưởng giống tôi hay ít nhất cũng phải biết thưởng thức văn chương, thơ nhạc thì mới cùng tôi hoà đồng được.  Nhưng bây giờ tôi mới thấy hình như tình yêu lại bắt đầu từ những cái đơn giản nhất trong đời sống, như khi ta nhặt dùm ai một cái nón bị rớt hay giữ giúp cho ai một cánh cửa khi người ta đang phải tay xách nách mang vậy.
Bỗng tôi nhìn thấy một đám bọt tròn nho nhỏ giữa một lùm năng.

–          Hương, có bọt nè, là gì vậy em ?

–          Cá đóng ổ đó thầy !

Rồi Hương nhìn kỹ và luồn tay từ ngoài vòng xuống dưới đám bọt rồi nâng lên, lấy tay xua lớp bọt nước.

–          Ồ !

Trên tay nàng là một nửa trái dừa khô màu nâu đen.  Hai con cá đang cuống quít trong trái dừa nhỏ.

–          Thầy để ý, thấy chỗ nào nổi bọt là cá làm ổ đó.  Thường là trong những hóc nước đọng, nhưng đôi khi cũng ở trong những trái dừa như vầy.  Mà thường những con cá dừa nầy đá hay lắm vì nó đã phải thắng nhiều con khác để chiếm giữ cái ổ chắc chắn nầy.  Thầy giữ dùm em đi.

Hương đưa trái dừa cho tôi rồi lấy ra một hũ keo múc nước vào.  Hương lại lấy cây vợt nhỏ vớt một con cá bỏ vào keo.

–          Được rồi thầy, để xuống lại chỗ cũ đi thầy.

–          Chỉ bắt một con thôi sao em ?

–          Dạ !  Chỉ bắt con cá trống thôi thầy, mình để lại con mái cho nó có bạn khác.

Hương nói một cách bình thường, như cuộc đời thì phải như vậy.  Tôi chợt thấy thương cho cặp vợ chồng cá lia thia, đang êm ấm thì bỗng dưng bị chia lìa.  Nhưng có lẽ Hương nói đúng.  Chắc cũng chẳng bao lâu, cô cá mái sẽ có một bạn tình khác.  Chỉ có con cá trống nầy không biết sẽ về đâu !  “  Lia thia quen chậu…”, không biết nó buồn lắm không ?

–          Thầy cầm dùm em hũ keo, em lấy nước thêm.

Hai chúng tôi chụm đầu vào nhau.  Cơn gió bất ngờ hất ngược vành nón làm tóc Hương vương lên mặt tôi.  Tôi nghe rõ hơi thở nhanh, mạnh của Hương và cảm nhận cả gò ngực phập phồng của nàng.  Tôi nhìn vào mắt Hương, đôi mắt nàng vời vợi.

–          Hương !

–          Thầy !

Tiếng ông Tư bỗng cất lên :

–          Hương, có cá không con ?

Tôi và Hương cùng giật mình, giang nhau ra , rôi lại tiếp tục…công việc bắt cá.
Đến trưa thì ba người chúng tôi đã vớt được hơn hai chục con cá.  Mỗi hũ keo đều có đánh số, như con cá dừa tôi vớt là số 1, như vậy những con đặc biệt sẽ được chú ý kỹ.
Trở lại ghe, Hương lại dọn cơm mắm ra cùng ăn.  Tôi cũng khá đói, lại có người đẹp kế bên, tôi ăn một bữa cơm ngon hết biết.  Hôm nay tôi hạnh phúc thật !
Ông Tư ngắm nghía con cá dừa trong hũ keo rồi nói :

–          Cái con cá của thầy vớt, tui nghĩ dám nó hạng nhứt trong đám cá nầy lắm !

–          Sao vậy chú ?

–          Tôi nhìn nó gân guốc, mình mẩy cứng, cái miệng lại chắc, nó lì đòn mà cắn cũng mạnh lắm đó.  Bởi vậy nó mới thủ được cái ổ dừa của nó.  Thầy vậy là có duyên với lia thia đó !

Tôi thì lại nghĩ, tôi chỉ cần có duyên với cô “chủ lia thia” của tôi là được, chứ tôi cũng chẳng cần duyên dùng gì với lia thia mần chi.

Hôm đó về rồi, ông Tư nói con cá dừa thì nhất thiết để cho tôi rồi, còn ngoài ra nếu tôi thích thì cứ việc lấy thêm mấy con cũng được, về nuôi chơi cho vui.  Nhưng tôi, phần thì biết đây là cá mới vớt, cần phải được dưỡng, rồi còn phải “xổ” nữa nếu muốn đem ra đá.  Phần thì tôi cũng chỉ muốn đi cho biết và nhất là để có dịp kề cận bên Hương, chứ thật ra tôi cũng không mê say gì lắm cái vụ đá cá, nên tôi nói :

–          Cá mới vớt mà, tôi có biết nuôi dưỡng gì đâu.  Thôi cho tôi gởi lại con cá dừa đây đi, nhờ Hương coi dùm.  Khi nào được rồi, chú có độ thì cho tôi xem với là được rồi mà, chú biết tôi có rành rỏi gì đâu.

Như vậy thì tôi mới có thêm được cái cớ để lui tới nhà ông Tư nhiều hơn nữa.

Xế chiều hôm đó, tôi vừa về đến nhà thì Bân đã xuất hiện :

–          Hôm nay thầy đi đâu mất tiêu sớm giờ.  Em có nấu xiêm- lo, tính múc cho thầy mà không thấy thầy đâu hết .

Tôi lại…gãi đầu :

–          Em nấu gì ?  Xiêm- lo là gì vậy ?

–          Thầy chưa biết hả ?  Là canh chua của người khmer đó thầy.  Đặc biệt lắm, lát em múc cho thầy ăn nghe.  Có nhiều thứ rau tập tàng, cả lá bình bát non, điên điển…thêm mắm bò hóc nữa, thầy ăn thử cho biết nha thầy !

Nữa rồi !  Bộ cô Bân nầy muốn chinh phục tình yêu bằng con đường tắt ngang cái bao tử của tôi hay sao đây mà.  Cái chiêu của Bân nầy tuy có vẻ đơn giản, không có chi là cao sâu.  “Miếng ăn là miếng tồi tàn “, nói thế chứ ai mà chẳng ăn, mà cũng chẳng ai thích ăn dở hết.  Bân lại nhè cái yếu huyệt của tôi mà điểm, có khi tôi dám chết lắm chứ chẳng chơi.  Một thân cô lữ như tôi, ăn uống thất thường.  Nhiều khi cơm nước tương hay mắm chua, khô sặc cả tháng, thì thử hỏi có đồ ăn ngon đưa ngay miệng mà biểu “cám treo heo hịn đói” sao được.  Nhưng mà cứ thế thì chắc sẽ có ngày “ăn xôi chùa ngọng miệng “, khổ là ở cái chỗ đó đó !  Một người mà vồn vã, lo cho mình từng chút như thế làm sao mình không động lòng được.  Nhưng tôi cũng vẫn chỉ luôn coi Bân là một cô em gái mà tôi rất mến chứ tôi không hề có tình ý gì với Bân cả.  Trái tim của tôi đã dành tất cả cho Hương rồi.  Dù là tôi với Hương cũng chưa thật sự là gì hết và tôi cũng chưa kịp tỏ tình cùng nàng.

Từ hôm đó, thỉnh thoảng tôi lại nhà Hương.  Lúc thì tôi rủ ông Tư đi uống cà-phê, nhưng nếu “may mắn” không có ông thì tôi được dịp la cà nói chuyện với Hương.  Mà mỗi lần như vậy, câu chuyện của chúng tôi đều bắt đầu bằng …lia thia.  Tôi và Hương đặt tên con cá trong gáo dừa là Cá Dừa và Hương đặc biệt chăm sóc nó.  Mỗi lần tôi lại là hai đứa tôi lại ngắm nhìn rồi kháo chuyện về nó.  Con cá Dừa cũng làm như quen chúng tôi.  Có mặt tôi và Hương là nó quẫy đuôi , lăng xăng như vui mừng lắm vậy !
Hôm nay tôi lại thì ông Tư cũng đã đi vắng.  Nắng nhạt nghiêng nghiêng qua con rạch nhỏ vắng người.  Tới nhà, tôi thấy Hương lui cui làm gì đó với mấy con cá thì phải.

–          Thầy !   –  Hương chào tôi.

Tôi thấy Hương đang ngồi trước một cái máng nước.

–          Em đang làm gì vậy ?

–          Em đang xổ cá đó thầy.

–          Ồ, vậy à !  Mà xổ làm sao vậy em ?

–          Có nhiều cách xổ.  Cách nầy là cho cá chạy ngược nước.  Đây là đồ do ba em chế ra đó.  Thầy thấy cái máng nưóc nầy được nước từ bồn dồn xuống và chảy bồn khác ra phía sau. Đầu cuối máng có lưới để cá không bơi ra sau được.  Vì nó biết đầu đó bị chận nên nó có khuynh hướng bơi ngược lại để thoát ra đầu kia, tức là bơi ngược nước.

–          À, hay quá !  Cũng như mình tập cho nó mạnh phải không em ?

–          Đúng rồi thầy !  Chạy ngược nước như vậy thì nó sẽ được tăng thêm sức mạnh nhiều lắm.  Rồi còn phải tập cho nó ham bóng nữa thầy .

–          “Ham bóng” là sao vậy em ?

–          Là tập cho cá thấy bóng cá khác là phùng mang muốn tấn công đó thầy.

–          À, tức là tập cho nó hung dữ đó.  Mà Hương à !  Em hiền vậy mà sao em tập cá dữ được há !

–          Thầy nữa !   –  Cặp môi nàng chu ra phụng phịu, rồi nhìn vào mắt tôi.

–          Coi chừng em hỏng hiền đâu nha thầy !

–          Vậy sao ?  Mà hỏi thiệt em nghe.  Em có ước mơ gì về sau không vậy ?

Hương nhìn tôi một giây, rồi đôi mắt nàng bỗng thoáng buồn :

–          Em chỉ ước sao có thể giúp được ba đỡ vất vả hơn, và nhất là có thể chữa được bệnh mắt của mẹ .

Một người con gái đẹp và hiếu thảo ! Tôi càng thấy yêu Hương nhiều hơn nữa, nhưng liệu tôi có thể làm được gì cho ước mơ của nàng ?  Tôi cũng chỉ là một anh giáo viên quèn, lương ba cọc ba đồng lây lất qua ngày.  Tôi cũng bất giác thở dài một tiếng nho nhỏ :

–          Em thật là đáng quý !

Một phút trầm của buổi chiều trôi qua trả mỗi người về suy tư riêng.

–          Em à, con cá Dừa ra sao rồi ?   –  Tôi phá đi cái không khí lặng lẽ.

–          Dạ, em cũng xổ rồi đó thầy, con cá của thầy coi bộ cứng lắm đó!  Cuối tuần nầy, em nghe ba nói có người trên Sài Gòn xuống mua cá rồi tổ chức đá cá ở đây luôn đó thầy.

–          Ồ !  Vui quá há, thầy phải lại xem mới được.

Hương bỗng giơ tay đập vào…bắp chân nàng, và cầm lên một con muỗi no máu.  Trước cặp mắt ngạc nhiên của tôi, Hương bỏ con muỗi vào trong lọ keo con cá Dừa.  Con cá đớp lấy mồi trong tích tắc.

–          Trước khi cho đá, nuôi nó bằng muỗi no máu như vậy nó mạnh lắm thầy.

Ôi giào !  Vậy là cho con cá Dừa của tôi thành Ma cà rồng hả trời !  Thiệt là “nghề chơi cũng lắm công phu”, không sai chút nào.

Thật !  Ngày chúa nhật, những người dân chung quanh cũng đã nghe tin nên đã kéo tới chờ xem hội cá từ lúc còn sớm.  Lúc tôi tới thì cũng đã khá đông người rồi.  Khoảng 10 giờ thì các tay chơi cá ở Sài Gòn xuống tới.

–           Chào anh Tư, xin giới thiệu anh, đây là anh Nghĩa, chủ vựa cá kiểng ở thành phố, lâu nay lấy cá của anh đó .

Một người đàn ông, có lẽ cũng xấp xỉ ông Tư nhưng có vẻ trẻ hơn, ăn mặc tề chỉnh, bắt tay ông Tư.
Thì ra đây là người lâu nay vẫn mua cá của ông Tư qua một người phụ việc.  Mọi người chào hỏi nhau xong thì trường cá cũng bắt đầu.
Hôm đó, con cá Dừa của tôi được ông Tư mang ra đá độ “xéo”, sau khi hỏi ý kiến tôi.  Tôi thì có biết trời trăng mây gió gì nên cứ việc ô-kê hết, sao cũng được.  Đã vậy, khi nghe độ “xéo”, tôi còn không hiểu là chi, may là vừa thấy Hương, tôi hỏi nhỏ :

–          Em, độ “xéo” là sao vậy ?

–          Vì mấy người ở Sài Gòn người ta có cá Xiêm.  Cá mình là cá Rạch, nếu đá với cá Xiêm thì gọi là “xéo”, có nghĩa là không cùng một loại.  Cá Xiêm lanh lẹn và hung dữ, dai sức hơn nên cá Xiêm phải chắp cá Rạch hai lai.

–          “Hai lai “ là sao ?

–          Là 20% đó thầy.  Tức là con cá Xiêm kia phải nhỏ hơn con cá của thầy một tám, một mười.

Thì ra là thế !  Hai con cá đã được thả vào trường đấu.  Cá Xiêm thật không hổ danh, nhỏ hơn nhưng thật lanh lẹ, dữ tợn.  Mới vào đã ra sức tấn công cá Dừa tới tấp.  Cá Dừa cũng không vừa, nó bình tĩnh tránh né và tìm cách đá lại.  Nhưng rồi, một lát sau tôi thấy con cá Dừa của tôi vây cánh tả tơi rất là thảm thương tội nghiệp.  Tôi chép miệng, lắc đầu, nhìn qua thì thấy Hương cũng đang buồn dàu dàu.  Dù gì thì đây cũng là con cá cưng, kỷ niệm của tôi với nàng mà !  Tôi nhìn vào đấu trường, cá Xiêm lại vừa mới đớp một phát vào đuôi cá Dừa và ngậm cứng như muốn dìm xuống.  Thôi hết ! Tôi không muốn xem con cá Dừa của tôi bại trận nữa, tôi quay mặt chỗ khác.  Nhưng…Hương bỗng bấm vào bàn tay tôi trong lúc mọi người “ồ” lên rần rần sôi nổi.

–          Thầy, nhìn kìa !

Tôi lại vội nhìn vào trận đấu.  Con cá Xiêm đang cắn đuôi cá Dừa nhưng không đủ sức dìm xuống.  Cá Dừa lại ngoi lên mặt nước đớp bóng trong khi cá Xiêm vẫn đeo bên dưới.  Một lát, cá Xiêm đành phải buông để lao lên đớp bóng.  Cá Dừa chỉ chờ có thế, ở trên bổ xuống cắn vào mắt cá Xiêm rất mạnh.  Cá Xiêm loạng choạng vì mắt đã bị thương lại bị ngôp nước.  Nhưng mỗi lần muốn lên đớp bóng thì lại bị cá Dừa canh sẵn, như chiếc phản lực cơ bổ xuống cắn vào mắt.  Tới nhát bổ thứ ba thì cá Xiêm đã hết thấy đường, đành đầu hàng,bị cá Dừa rượt chạy dài.  Tôi vui quá, bóp nhẹ vào tay Hương.  Hương đan tay nàng vào bàn tay tôi thật chặt như muốn trao nhau muôn ngàn lời yêu thương, trong khi mọi người còn say mê trong trường cá.
Trường cá ngày hôm đó tan sớm hơn thường lệ vì chủ gia bận tiếp đãi khách thành phố.

Chỉ vài ngày sau trận đấu với chiến thắng của con cá Dừa, Hương đưa con cá mình mẩy te tua cho tôi :

–          Thầy đem về dưỡng để giữ kỷ niệm nha thầy, vài tuần là nó lại sức à .

Tôi chẳng biết nói sao.  Mà thôi vậy cũng được, vì hàng ngày tôi như có thể thấy Hương khi tôi chăm sóc, ngắm nghía con cá Dừa nầy.
Hôm đó, tôi mang lọ cá về thì đụng ngay Bân.  Cô học trò nhìn tôi, rồi nhìn lọ cá, giọng cô như khóc :

–          Thầy, thầy…mê cá như vậy sao !

Khổ nữa rồi !  Thiệt là mệt cầm canh với cô bé nầy mà.  Chắc là Bân cũng đã nghe người ta đàm tiếu gì đó về tôi và Hương.  Ở cái xứ lớn như cái bàn tay nầy chuyện gì mà người ta không biết chứ !

***

Nhưng đã hai tuần nay, tôi chỉ nhìn con cá Dừa để đỡ nhớ Hương.  “Nàng đâu, nàng đâu ?”.  Tôi tới nhà cũng không thấy nàng.  Gặp ông Tư thì tôi ngại, không hỏi, mà hình như tôi cũng cảm giác điều gì đó khác lạ nơi nhà Hương.  Hương thì vắng mặt, ông Tư không còn thân mật với tôi như trước làm tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra ?  Cuộc đời thay đổi nhanh vậy sao, mới hôm đá cá, tôi và Hương còn nắm tay nhau !

Thật là tôi như kẻ thất tình, lang thang gìữa nẻo chiều để trông mong một hình bóng, rồi chợt thoáng một mình cô đơn…
Tháng Chạp đến, cuối năm rồi.  Lúc trước, tôi dự định sẽ ở lại đây ăn Tết vì tôi không muốn xa Hương.  Còn bây giờ, tình yêu có vẻ mịt mù như làn sương sớm trên con sông Cái Lớn phía sau nhà.  Tôi nhớ Hương quá, không biết làm sao nên tôi đành phải hỏi Hậu, cô học trò của tôi-em gái của Hương.  Hậu cho biết là Hương đã ra Rạch Giá phụ với Cô Hai buôn bán, thỉnh thoảng có về nhưng đi liền.
Hôm sau, lúc gọi Hậu lên kiểm tra bài tập, tôi nhét vào đó một bức thư, có ghi rõ là nhờ chuyển cho Hương.  Đến cuối giờ, cũng là lúc ra về tôi mới trả tập lại cho Hậu và cho Hậu đọc miếng giấy với dòng chữ cho Hậu hiểu việc tôi muốn nhờ em giúp.  Hậu xem rồi gật đầu ra vẻ hiểu và chào tôi về.

Vài hôm sau, buổi chiều tôi vòng ra chợ mua vài thứ, sẵn vòng qua chỗ hàng lia thia của Hậu xem có tin tức gì của Hương không.  Nhưng không thấy Hậu, có thể Hậu cũng không còn bán nữa.  Tôi chẳng biết làm sao, đành vòng về vì cũng không muốn lại nhà Hương .  Trong khi vòng trở ra, tôi thấy nhiều bà bán hàng nhìn tôi với ánh mắt khang khác, tôi nghe loáng thoáng cái gì “…thầy…Hậu…không phải…Hương đó…gởi thư cho em mà….chị đó, không phải em đâu …”.
Ý trời ơi !  Cái gì vậy trời !  Sao tôi có cảm giác như người ta đang bàn tán chuyện của tôi vậy hổng biết nữa.  Cái gì mà có thầy, rồi chị với em trỏng nữa vậy trời !
Tôi về nhà, lòng buồn héo hắt.  Tình yêu quả thật là trái đắng !
Nhưng tôi cũng chẳng kịp buồn cho nhiều.  Bân đã chận tôi ngay trước cửa nhà nàng, cô bé mếu máo :
–          … Vậy mà nói học trò nhỏ lắm !

Chắc tôi chết quá !  Vụ gì nữa đây ?  Tôi không biết chuyện gì nhưng không lẽ lại ở ngoài đường um sùm lên coi sao được, nên tôi đành bỏ nhỏ :

–           Chuyện gì vậy em, vô nhà rồi nói chuyện.   –  Tôi đi thẳng vô nhà.

–          Thầy, thầy thích…Hậu phải không ?  Vậy mà thầy nói học trò thầy nhỏ lắm…hèn gì hổm nay thầy mê mấy con cá…

Giọng của Bân nửa nức nở, nửa hờn oán, nửa chát chua…Thiệt cái cảnh nầy vừa làm tôi bực bội nhưng lại cũng vừa tức cười.

–          Ai nói với em vậy ?

–          Ai mà không biết thầy gởi thơ cho Hậu, có đứa nó thấy rõ ràng kìa !

Chết tổ tôi rồi !  Ánh mắt…lời bàn tán… của mấy bà bán hàng…Tôi chột dạ.  Vậy là có đứa học trò nào đó thấy tôi đưa thư cho Hậu, đồn ra và cả cái Thị trấn nhỏ nầy biết hết rồi.  Chuyện nầy rõ khổ cho tôi, vì cái chuyện thầy gởi thư cho trò là điều cấm kỵ mà nhất là cô học trò nầy mới chỉ mười sáu tuổi.  Tôi suy nghĩ, bây giờ chỉ còn một cách để cải chính cái tin nầy cũng bằng cái cách tạm gọi là “mượn hoa cúng phật “đi.  Nghĩa là tôi cũng nhờ Bân…đồn ra dùm cho tôi, là tôi không có ý gì với Hậu cả .

–          Làm gì có chuyện đó !  Thầy chỉ coi Hậu là cô học trò nhỏ.  Hậu còn nhỏ xíu mà, thầy chưa điên đâu mà lại đi thích như vậy !

Bân nhìn tôi nghi ngờ :

–           Thiệt không thầy ?

–          Chắc chắn là vậy mà.  Không có chuyện đó đâu !

–          Chắc hả thầy, móc ngoéo nghe !

Trời đất, cô bé nầy thiệt !  Nhưng mà…

–          Rồi, móc ngoéo luôn.

Tôi với Bân móc ngoéo tay.  Bân tươi cười liền :

–           Vậy là em tin rồi.  Mấy đứa kia ba chớp ba nháng nói tầm bậy không à !

Đầu tuần, tôi có giờ với lớp của Hậu.  Tôi lại kiểm tra bài tập, có cả Hậu.  Dở cuốn tập của Hậu ra, thật  tôi không tin vào mắt mình : một phong thư mỏng nằm đó !

Mấy tiết học hôm đó sao mà dài thế không biết !  Tôi chỉ trông đến giờ về để đọc thư của Hương.
Về nhà, chưa ăn uống gì là tôi vào phòng mở thư ra xem liền :

Thầy thân mến !
Em rất cảm ơn tấm lòng của thầy dành cho em và em sẽ không bao giờ quên !  Thầy biết không,  những ngày tháng vừa qua, những phút giây ngắn ngủi mà chúng ta gặp nhau nhưng thầy đã làm cho em biết trái tim rung động là như thế nào.  Có lẽ, em sẽ không bao giờ có thể tìm lại được những khoảnh khoắc tuyệt vời đó trong cuộc đời em nữa !
Thầy !  Thầy cũng biết là cuộc đời nhiều khi không như mình mong muốn, hay là người ta hay nói “được cái nầy thì mất cái kia “.  Như có lần thầy đã hỏi về ước mơ của em, thầy ơi !  Em cũng chỉ là một người con gái, ước mơ của em, em nghĩ cũng không khác gì với những người con gái khác-một mái nhà ấm cúng bên người thương và đàn con yêu dấu.  Nhưng em đã trả lời thầy một cách khác-gia đình của em, ba,mẹ nuôi em khôn lớn, em đã làm gì được cho hai người !
Giờ đây, em đang làm điều đó, cho dù cuộc đời của em, em không biết sẽ ra sao .
Quên em đi !  Nếu thầy vẫn dành cảm tình tốt đẹp cho em thì em chỉ mong rằng, sau nầy, em sẽ rất vui nếu biết được tin thầy đã tìm được hạnh phúc.
Mong thầy luôn giữ gìn sức khỏe.

Em.

Tôi tê tái, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn…Vậy là sao ?  Tôi đã mất Hương thật rồi sao khi mà tôi còn chưa kịp nói lên tiếng yêu thương với nàng !  Tôi gục đầu để cho con tim thổn thức lặng lẽ, âm thầm.  Hình ảnh Hương trên sông nước, nụ cười hiền dịu, cặp mắt long lanh…Lòng tôi tan vỡ, “Thôi rồi còn chi đâu em ơi.  Có còn lại chăng dư âm thôi…”, tôi đưa tay lên ôm ngực, thầm thì gọi tên em trong héo hắt.  Bên cạnh , con cá Dừa đã hồi phục, dương mắt nhìn lên như muốn chia sẻ nỗi buồn cùng tôi.

Vài hôm sau, nhà ông Tư Hinh rộn rịp.  Căn nhà lá đã được dỡ bỏ.  Gạch được chất thành đống trước nhà.  Cả cái Thị trấn nhỏ ai cũng nghe tin Hương sắp đám cưới.

–          Chồng con Hương là cái ông ở Sài Gòn, mối lấy cá lia thia của ba nó đấy, nghe nói góa vợ.

–          Vậy chắc cũng lớn tuổi rồi ?

–          Xấp xỉ tía nó mà.  Nhưng người ta có tiền, chưa gì đã xây nhà cho cha vợ thấy không !

–          Con nhỏ vậy mà khôn…

Trời chiều hôm nay buồn man mác.  Những cụm mây tím phủ chân trời mờ xa.  Tôi nhìn mấy con cá vẫn lặng lẽ bơi trong hũ keo.  Con Đỏ, con Đen là cặp mà nàng đã cho tôi để tôi có dịp làm quen với…cá và với nàng.  Con cá Dừa đang nghểnh mỏ nghe ngóng kìa.  Dừa ơi ! Mày có biết là tao đang buồn lắm không ?
Tôi tìm được cái bịch bóng, bỏ ba lọ cá vô rồi xách ra đường.  Vừa ngang nhà Bân thì Bân chạy vụt ra.  Bân nhìn tôi đi như không thấy nàng :

–          Thầy, thầy…xách cá đi đâu vậy thầy ?

Tôi như không nghe thấy, vẫn lầm lũi hướng về phía chợ.

–          Biết mà, hu…vậy mà ngoéo tay rồi…hu…hu.  Thầy giờ cũng thành dân…đá cá thiệt rồi mà !

Tôi vô chợ rồi đi thẳng xuống con rạch Bàng.  Xuôi theo con rạch mấy trăm thước, tôi dừng lại.  Đoạn nầy vắng người, chỉ còn vài tiếng chim gọi chiều đau đáu.  Tôi ngồi cạnh bờ rạch, cầm hai tay hai lọ cá Đen và cá Đỏ rồi trút nghiêng xuống nước.  Hai con cá ngẩn ngơ một chút rồi mới bơi ra ngoài.  Chúng còn đứng đó một lát rồi lượn lờ bơi đi mất dạng.  Bây giờ, chỉ còn con cá Dừa cùng tôi cô độc trên bờ rạch vắng.  Tôi nâng hũ keo ngang mắt, con cá Dừa vui mừng quẫy mạnh đuôi khi thấy tôi.
Mắt tôi như mờ dần khi hai tay tôi đặt hũ keo nghiêng xuống nước.
“Lia thia quen chậu…”
Con Dừa dường như không muốn bơi ra ngoài, tôi phải trút nó ra.  Con Dừa như chới với vì bất ngờ, nó đứng lặng yên nhìn tôi rồi chu mỏ ra như muốn nói lời vĩnh biệt cùng lúc với đôi môi của tôi thầm thì “ Hương ơi ! “.
Gió vi vu trên con kênh dần đen thẫm trong chiều vắng.

4/2014
{jcomments on}

0 thoughts on “Lia thia quen chậu…

  1. Tín Ngô

    Qua câu chuyện này mới biết rằng NĐD cũng lang bạc kỳ hồ dữ lắm . cuộc đời phải trải nghiệm mới có được những bài viết như thế này . Đoạn kết không Happy end là cho người đọc ngẩn ngơ nuối tiếc như chính bản thân mình . Cám ơn NĐD đã cho các bạn một chuyện tình hay

    Reply
    1. NĐD

      Thời đó ai mà không lang bạc, anh em mình chắc cũng như nhau thôi anh Tín ơi ! Cám ơn anh đã đọc và còm nghe.

      Reply
  2. camtucau

    Tôi tê tái, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn…Vậy là sao ? Tôi đã mất Hương thật rồi sao khi mà tôi còn chưa kịp nói lên tiếng yêu thương với nàng ! Tôi gục đầu để cho con tim thổn thức lặng lẽ, âm thầm. Hình ảnh Hương trên sông nước, nụ cười hiền dịu, cặp mắt long lanh…Lòng tôi tan vỡ, “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi…”, tôi đưa tay lên ôm ngực, thầm thì gọi tên em trong héo hắt. Bên cạnh , con cá Dừa đã hồi phục, dương mắt nhìn lên như muốn chia sẻ nỗi buồn cùng tôi.
    NDD viết hay quá

    Reply
  3. Trầm Tưởng

    Một chuyện tình đẹp nhưng kết thúc không có hậu. Hay lắm NĐDiêu ơi!

    “Lia thia quen chậu..” sao người không quen hơi?

    Reply
  4. nguyentiet

    Bằng cách viết dí dỏm ,viết như nói, đôi khi lại rất nhẹ nhàng duyên dáng , NĐD đã cho đọc một chuyện tình đẹp, lãng mạn đầy thơ mộng trên sông nước.Như anh Ngô Tín đã nhận xét “NĐD cũng lang bạc kỳ hồ dữ lắm . cuộc đời phải trải nghiệm mới có được những bài viết như thế này “, NT cũng thấy như vậy .Một tâm hồn đa cảm đa sầu nhưng rất tinh tế và nhạy bén về tâm lý.Với một cái kết buồn nhưng nhờ đó tình yêu sẽ đẹp mãi trong lòng hai người.Tựa đề truyện ngắn “Thia lia quen chậu…” gợi nhiều cảm xúc lắm . Cám ơn NĐD đã cho đọc một truyện ngắn với nhiều cảm xúc,buồn vui nhẹ nhàng, hay lắm!
    “Tôi tê tái, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn…Vậy là sao ? Tôi đã mất Hương thật rồi sao khi mà tôi còn chưa kịp nói lên tiếng yêu thương với nàng ! Tôi gục đầu để cho con tim thổn thức lặng lẽ, âm thầm. Hình ảnh Hương trên sông nước, nụ cười hiền dịu, cặp mắt long lanh…Lòng tôi tan vỡ, “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi…”, tôi đưa tay lên ôm ngực, thầm thì gọi tên em trong héo hắt. Bên cạnh , con cá Dừa đã hồi phục, dương mắt nhìn lên như muốn chia sẻ nỗi buồn cùng tôi.”

    Reply
    1. Tran kim Loan

      Nguyentiet bình hay quá cho chị ké luôn với nha ! một chuyện tình đẹp & rất hay NĐD ui…

      Reply
  5. Huỳnh Mộng Vân

    Truyện nào của Nguyễn Đức Diêu cũng làm cho người đọc phải đọc một mạch từ đầu đến cuối.Đó cũng là một thành công của tác giả.Một câu chuyện tình chân chất, dễ thương chỉ tiếc là tình yêu vừa chớm đã vội chia xa để lại trong lòng nhiều tiếc nuối…

    Reply
    1. NĐD

      Được như HMV nói thì cũng là một niềm vui cho người viết.
      Cám ơn HMV, chúc sức khỏe nhé !

      Reply
  6. ..Quốc Tuyên

    “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” nhưng sao vẫn thấy tiếc cho đôi bạn trẻ…
    Cám ơn Nguyễn Đức Diêu đã cho đọc một chuyện tình thật thơ mộng, hấp dẫn từ đầu đến cuối, rất hay!

    Reply
  7. lamcamai.

    Câu chuyện thật hay và dễ thương vô cùng, lời thoại trong trẻo chân tình, lôi cuốn .
    Chúc mừng thành công của Nguyễn đức Diêu khi viết truyện ngắn ( hấp dẫn quá ).

    Reply
  8. HN Tin

    Mình nhớ hồi đó NĐD đâu biết làm thơ viết văn gì đâu, chắc là do quá trình rèn luyện phải tìm chuyện để kể cho các nàng riết rồi quen.
    Đàn cũng vậy,lớp mình có Trần minh Kha, Nguyễn Lương Vũ biết đàn,Võ thanh Quang làm thơ còn Nguyễn Đức Diêu có biết gì đâu, vậy mà giờ làm thơ, phổ nhạc, viết truyện như người lớn, hay thiệt.
    Mình bận quá, khi nào rảnh rảnh mình cũng bắt chước Diêu xem sao, nhưng chắc không còn kịp nữa, già mất rồi.

    Reply
    1. RB

      Hahah anh ba Tin bat chuoc anh Dieu pho nhac bai tho ” Giot Khuya Roi (TKMK)”. Chuc anh Ba thanh cong. Cho RB goi loi tham Ban va chi Huong (Xua). Truyen viet hay qua anh NDD. Day la nhung gi RB muon gop y cung anh. Hay ra mot Tap truyen ngan va tho… nhu da de nghi luc truoc + mot CD bao gom: 3 truyen ngan duoc doc (tuy anh chon giong doc), 3 bai tho duoc ngam (boi SS), va 3 bai nhac duoc ca ( by NHang va DHien) voi gia 12USD/CD. RB se mua ung ho anh 10 CDs if available. Chuc anh vui, thanh cong va giau. Men! Chao anh Ba lau qua khong gap! Chuc anh luon vui khoe.. nha, cho RB goi loi tham chi Ba. Men!

      Reply
      1. H N Tín

        Lâu rồi Rong lạc mất Rêu
        Rong trôi ra biển lêu bêu mọt mình
        Trăm năm cũng một chữ tình
        Ngàn năm cũng một chữ mình với ta.

        Reply
        1. RB

          rong ơi, rêu đã có chàng
          mình như bầu bí cùng giàn mà thôi
          nghe qua rong thả cho trôi
          thong dong một kiếp biển trời cùng ai..

          Reply
          1. RB

            Thong dong nào chẳng được thung dung
            Phiêu bạt giang hồ tới biển Đông
            Rong thấy giặc Tàu cùng một lũ..
            Nên đành quay lại với non sông

          2. H N Tín

            Thong dong một kiếp biển trời mênh mông
            Rồi Rong trôi tới Biển đông
            Thấy Tàu lố nhố Rong buồn nhớ Rêu!

  9. NĐD

    Tín thân ! Diêu bắt đầu chơi đàn vào năm lớp 7, nhờ ông anh chỉ và sau này thì tự học thêm, lúc đó chỉ chơi vậy thôi, không nổi như VTQ hay NLV. Phải nói công nhận là cây đàn guitar có một giá trị tuyệt vời, nhất là cho người VN và vào những thời kỳ lang bạt, gian khổ, hoặc thời học sinh, sinh viên…mà những máy móc hiện đại chưa có (DVD, karaoke,computer…). Sau này dù có chơi thêm nhạc cụ khác nhưng cây guitar vẫn là thứ mình thích nhất, dù là moderne hay classic. Năm lớp 10, Diêu và Nguyễn Phước (HP)có trao đổi với nhau 2 tập thơ (con cóc) tự viết và đóng thành tập. Sau ra đời, D. có dịp đi, ở nhiều nơi và gặp nhiều bạn thích thơ văn như mình nên cũng hay làm thơ, rất tiếc là không giữ được.
    Nói chung mình làm vì thích vậy thôi, chứ chưa tới đâu là đâu cả. Cũng không sao phải không Tín, vui là được rồi.
    Chúc Tín vui, khỏe luôn nghe.

    Reply
  10. KIMCHI HOÀNG

    Cảm ơn Nguyễn Đức Diêu đã cho đọc một câu chuyện tình yêu thật dễ thương và hấp dẫn nhưng kết thúc hơi buồn!!!

    Reply
  11. Đặng Danh

    Hồi nhỏ tui cũng mê chơi cá cảnh, tiếc là không gặp được giai nhân như tác giả.

    Reply
  12. Thu Thủy.

    Không ngờ năng lực sáng tác của NĐD dễ nễ, thơ , văn, nhạc… thể loại nào cũng xuất sắc , ngưỡng mộ quá.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.