Lan Man Trên Đường Đi Giẫy Mả.

Tác giả: Võ Đức Thọ

Cứ vào ngày 5 tháng Chạp hàng năm, mình về quê nhà giẫy mả. Mả ông bà, cha mẹ và anh chị mình nằm rải rác ở ven chân và lưng chừng núi. Nơi đây là một cụm núi với năm ngọn núi với hình dáng khác nhau. Trước mặt nhà mình là núi Đất với hai ngọn có dáng như hình Thổ. Thời nhỏ nghe người lớn kể chỉ cần leo lên đỉnh núi có những bụi cây rậm xanh ấy là được thấy Trời(!). Sau này, khi 14-15 tuổi gì đó, mình cùng đám bạn trong xóm leo lên đỉnh ngọn núi trước mặt nhà này. Trên đỉnh thật bằng phẳng, không có gì ngoài một tảng đá tròn như bánh xe. Nghe người lớn kể lại, vào thời xa xưa lắm, trên đỉnh núi này có ngôi tháp Chàm. Từ trên đỉnh núi này lần dò xuống hướng Đông, hồi đó bọn mình thấy lổn ngổn những viên gạch to nhỏ đủ loại và đá ong nữa. Còn nhớ cứ vào mùa lụt, cũng có người dân trong xóm bơi sõng qua đào cạy đá ong, gạch Hời về làm móng nhà, chuồng bò hoặc lối đi. Mình nhớ trong sân nhà mình cũng có khoảng trên chục viên đá ong mà chắc ngày xưa ông hoặc cha chú đã cạy chở về trong mùa lụt.

Xuống đến chân núi, rẽ qua phải, hồi trước mình thấy một bàu nước trông vuông vắn và nhớ nhất trên mặt nước thẫm đen ken dày ơi là những dây trái ấu. Người dân trong xóm thường ghé bàu nước này để hái trái ấu về nấu ăn chơi. Mình còn nhớ trái ấu có ba chiếc gai nhọn hoắc. Khi ăn cần cẩn thận chứ không đâm vào môi miệng. Trái ấu khi nấu chín ăn bùi bùi, beo béo vị na ná như đậu phộng luộc. Mình có ông chú bà con, có thể gọi là “trí thức” làng, vừa mới qua đời năm nay, có lần kể rằng, nếu dựng một cây cột vào giữa hòn đá bánh xe trên đỉnh núi, thì vào khoảng 3-4 giờ chiều, ánh nắng mặt trời chiếu nghiêng và lúc đó đỉnh cây cột ngã bóng giữa bàu nước. Bàu nước này dân xóm gọi là bàu Duông ( Vuông) . Cũng từ chân núi đó nhích qua một chút, có một bờ đất cao chạy dài gần giáp một bàu nước xanh leo lẻo dù trong những tháng khô hạn. Dân quê mình gọi là bàu Dài, rộng gấp nhiều lần bàu Vuông. Bàu Dài tích nước tự nhiên để chống úng và cũng là bàu nước để cứu hạn một vùng lúa. Dân bao đời vẫn trân trọng, gìn giữ như báu vật. Khoảng đầu những năm 80 thế kỷ trước, hai chiếc bàu này đã bị san lấp để cải tạo đồng ruộng, tăng diện tích cho cây lúa. Cũng những năm đó, mình cũng dần dà biết rằng những bàu Vuông, đồng Thành…là nơi mà một thời nhà Tây Sơn đóng quân ở đó. Sau này có dịp quan sát mình thấy cái điểm đóng quân này thật lợi hại: Gần như ba mặt có núi Choi Voi, núi Đất che chắn và giữa hai núi này có hẻm thông tiến ra bắc hay lùi phía nam đều thông thoáng. Vết tích thành còn lại giờ còn bờ đất và phía bên kia gò đất rộng tương truyền quân nhà Tây Sơn đóng trại. Gò này dân trong xóm chôn cất người thân nhiều đời và gọi là Gò Đồng. Chị và anh mình nằm ở đó. Nhớ năm 1984, hợp tác xã cho lấy cốt đưa đi nơi khác cải táng để dành cái gò này làm nơi sản xuất gạch ngói. Năm đó mình về nghỉ hè và lại đúng dịp đi dời mồ mả. Thế là mình gánh hai chiếc hòm gỗ nhỏ nhẹ hẫng “đưa” chị và anh lên triền núi, đào hai huyệt nho nhỏ, kề nhau rồi an táng.
Trong năm ngọn núi thì núi Choi Voi ngắm từ phía bắc trông gần giống hình thang cân, ngọn núi thẳng ngang như hình Thủy. Hồi chiến tranh, đây là nơi đồn trú của lính Đại Hàn. Từ điểm cao này có thể khống chế một vùng rộng lớn phía đông nam. Mình còn nhớ, khi rút quân, chiếc trực thăng có hai chong chóng to đùng , dòng dây treo khẩu pháo lủng lẳng dưới thân, bay ầm ầm qua phía trên nhà mình…Lúc đó mình mới biết rằng, hở trên núi nghe một tiếng nổ nhỏ thanh thì tức thì dưới đồng một đụn khói bùng lên kèm theo tiếng nổ to chát chúa.
Từ mộ anh chị, mình đi lên ngọn núi phía bên nam . Trên ngọn núi có vết tích còn lại của ngôi tháp Chàm với đống gạch vụn vỡ, trơ ra chắc cũng trên dưới nghìn năm. Như vậy trên hai ngọn núi này đã từng tồn tại hai tháp Chàm và để có đất xây tháp thì cư dân hồi đó phải đào đất dưới đồng đưa lên núi và hố này tạo nên bàu Vuông . Vài lần mình ghé lên phế tích và lan man nghĩ: Một số tháp còn sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” và đứng ở nơi này vẫn thấy được ngọn tháp xa xa mà hai cái tháp ở làng mình lại bị san phẳng là sao ta? Thôi… hãy để cho nhà khảo cổ họ khảo.
Từ ngọn núi này nếu đi len lỏi xuống hướng nam gặp ngôi miếu cổ. Hồi nhỏ run lắm khi đi qua ngôi miếu này và nghe lời má dặn không dám nhìn vào. Tương truyền khi Chúa Nguyễn Ánh thất trận bị quân Tây Sơn rượt đuổi đã đến ngôi miếu này tạm ngủ nghỉ giây lát. Nửa đêm trong giấc ngủ bỗng dưng như nghe tiếng ai kêu dậy, chạy đi. Chúa choàng tỉnh gọi thuộc hạ dậy rồi tức tốc lên đường. Sau này ngôi miếu được xây và ban sắc thần dưới thời Gia Long.
Lan man được ba ngọn núi. Còn lại ở phía đông nam liền kề núi Choi Voi là ngọn núi Dòng (Vòng). Nếu đứng ở phía tây ngắm thì hai ngọn núi rất giống cặp nhũ thanh nữ với những nét cong mềm mại, đầy đặn. Có một chiều tối mùa hè, mình thấy mặt trăng tròn từ từ nhô lên giữa đường cong của hai ngọn núi. Tiếc rằng, bao năm nay, một nhũ bị phá nát một bên để lấy đất làm đường, khu dân cư…
Trong làn gió bấc lạnh tiết tiểu hàn, người đi giẫy mả cũng cảm thấy lành lạnh khi đi qua biết bao nhiêu ngôi mộ của những người thân quen trong xóm thôn. Rồi đến ngôi mộ ông bà, cha mẹ, anh chị mình cảm thấy ấm áp hơn với biết bao thương nhớ cùng những ký ức tràn về. Ông bà quá vãng xa rồi ít người biết nhưng cha mẹ thì không. Cuộc đời cha mẹ đã trải qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc xảy ra trên vùng đất có năm ngọn núi. Giờ đây cũng đã gửi xác thân ven những ngọn núi quê hương.
Từ mộ mẹ mình trở về nhà . Bên đường, như năm ngoái, như năm kia và nhiều năm trước nữa, mấy cây rù rì vẫn vậy: Những cành cây cuối đông vươn lên như những cành đào xứ Bắc, chỉ chờ xuân về nảy lộc non.
VĐT

Leave a Reply

Your email address will not be published.