Quá trình hình thành và phát triển của trường Trung học TĂNG BẠT HỔ

Tác giả: Võ Xuân Đào


LTS: Ở vùng đất được mệnh danh “đất vỏ, trời văn” là Bình Định; trước đây, khi đề cập đến chuyện học, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai ngôi trường công lập nổi tiếng đó là Trung học Cường Để – Qui Nhơn và Trung học Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn. Một trường ở phía Nam và một trường ở phía Bắc tỉnh. Nó nổi tiếng không phải vì nguy nga tráng lệ hay cổ kính đài trang, mà vì để được vào học phải trải qua một kỳ thi tuyển nghiêm ngặt, gay cấn (thời bấy giờ, trúng tuyển vào trường không chỉ là niềm tự hào của cá nhân, mà còn là niềm vinh dự của cả gia đình, xóm làng); vì nơi đó có nhiều học sinh giỏi, chiếm tỷ lệ, vị thứ cao trong các kỳ thi (trung học đệ nhất cấp, tú tài); vì có nhiều thầy, cô dạy bằng cái tâm của mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò, mà còn dạy cho học trò của mình nhân cách sống, đạo lý làm người bằng chính cuộc sống thường nhật của bản thân; và vì đã góp phần trong việc đào tạo nên nhiều người giữ những trọng trách cao của đất nước cùng những công dân hữu ích cho xã hội. 

Để giúp các bạn có được những nét cơ bản nhất trong quá trình hình thành và phát triển của mái trường mình đã theo học trong những năm tháng ấu thơ, một ngôi trường mà chỉ cần nói ba tiếng TĂNG BẠT HỔ, người ta nghĩ đến BỒNG SƠN hoặc ngược lại nói đến Bồng Sơn, người ta nghĩ đến trường Tăng Bạt Hổ; chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Quá trình hình thành và phát triển của trường Trung học TĂNG BẠT HỔ” của bạn Võ Xuân Đào (khóa 68-75) và Nguyễn Ngọc Oanh (giáo viên của trường) dưới đây.

                                                                                                Ban Biên tập

Mặt trước trường Trung học TĂNG BẠT HỔ

Hình chụp năm 1963

Nguồn: Nguyễn Văn Nông, Trương Tín Dũng (khóa 1966 – 1973)

Đăng trên trang web: http://tangbatho.99k.org

 

Giai đoạn 1955-1975

Kể từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã thiết lập một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam cũng như cả Lào và Cao Miên (Campuchia). Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một vài sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, trong đó tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ (1). Và nhằm mục đích “truyền bá, mở mang và phát triển văn hóa mẫu quốc đến các nước thuộc địa” (chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Trung Quốc vì họ nhìn thấy quá khứ Việt Nam nặng về Hán học; mục đích chính là hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, và cũng để đào tạo lớp công chức làm việc cho bộ máy cai trị của chính phủ Pháp cùng chính phủ bảo hộ Nam triều) chính phủ Pháp đã cho thành lập các trường học trên khắp ba miền Nam – Trung – Bắc của đất nước ta. Cụ thể, ở Nam kỳ có trường Collège Indigène (trung học bản xứ), sau đổi thành Collège Chasseloup Laubat là tiền thân của Trường Trung học Lê Quí Đôn được thành lập vào năm 1874, Collège de My Tho (sau này đổi thành Trung học Nguyễn Đình Chiểu) vào năm 1879, trường Nữ sinh Gia Long, nay là phổ thông trung học Nguyễn Thị Minh Khai) vào năm 1913, trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong) được đưa vào hoạt động năm 1927. Ở Bắc kỳ có trường Bưởi (nay là phổ thông trung học Chu Văn An) được thành lập vào năm 1908; thì ở Trung kỳ, có trường Quốc học Huế được thành lập vào năm 1896, trường Nữ sinh Đồng KhánhCollège Dong Khanh (Huế) được thành lập vào năm 1917, đến năm 1920 chính phủ Pháp cho thành lập trường Collège de Vinh (năm 1943 đổi thành trường Nguyễn Công Trứ, đến năm 1950 lại đổi thành trường Huỳnh Thúc Kháng) và năm 1921 thì Ecole Elémentaire Franco – Annamite Cours Complémentaire tiền thân của trường Trung học Cường Để sau này và trường Quốc học Qui Nhơn hiện nay được hình thành. Còn các trường khác như trường Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng mãi đến năm 1952 mới được thành lập, Trung học Võ Tánh tại Nha Trang được ra đời vào năm 1953.

Không chỉ thời phong kiến, mà cả thời Pháp thuộc cũng thế, chuyện học hành của học sinh các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định chủ yếu chỉ có con em những gia đình khá giả mới đủ điều kiện theo học, thời ấy những người muốn đi học phải đùm túm vào ở trọ tại Qui Nhơn và theo học tại trường Ecole Elémentaire Franco – Annamite Cours Complémentaire (trường Tiểu học Pháp – Việt); trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số ít học sinh các quận Hoài Nhơn, Tam Quan, Hoài Ân, An Lão được nhận vào học tại trường “Trung học Nguyễn Huệ Bắc”(2) khi đất Hoài Nhơn là nơi trú ngụ cho trường này, nhưng chỉ đến năm 1951 trường này bị giải thể và những học sinh các huyện phía Bắc tỉnh trở nên thất học nếu không theo vào học tại trường “Trung học Nguyễn Huệ Nam” tạm trú đóng ở huyện An Nhơn.

Sau hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền độc lập, từ vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) trở ra thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Đứng trước nhu cầu đào tạo nhân lực, học tập của người dân các địa phương, năm 1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thành lập và xây dựng mới nhiều trường học ở khu vực miền Trung như Phú Yên, Quảng Ngãi v.v…; trong đó, tỉnh Bình Định có hai trường trung học lớn, một trường ở phía Bắc tỉnh mang tên TRUNG HỌC TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN và một trường phía Nam tỉnh có tên là TRUNG HỌC CƯỜNG ĐỂ – QUI NHƠN.

Trung học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn có nhiệm vụ tiếp nhận học sinh các nha, quận phía Bắc tỉnh như: Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, các xã phía Bắc quận Phù Mỹ. Tuy chỉ có nhiệm vụ tuyển chọn học sinh từ các quận nêu trên nhưng một số học sinh các quận Đức Phổ, Mộ Đức thuộc tỉnh Quãng Ngãi cũng được thu nhận vào học nếu trúng tuyển.

Khi mới thành lập (1955) trường có tên là “Trường TRUNG HỌC BỒNG SƠN” và người được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng là giáo sư Đoàn Nhật Tấn (quê Tài Lương, Hoài Thanh), nguyên là giáo sư của trường Trung học Cường Để – Qui Nhơn.

Trước nhu cầu bức thiết của sự nghiệp giáo dục, để kịp khai giảng và đi vào hoạt động ngay, nhà trường phải mượn tạm trại nuôi tằm (đang để trống) của gia đình ông bà Nguyễn Hối, Võ Thị Thực ở thôn An Tây làm văn phòng và lớp học; các lớp học được tổ chức học tạm trong các phòng học cũ rải rác tại khu sân vận động, các thôn, miếu như Miễu Chòm, Liên Nông, Phụ Đức, Cung Đường (thôn Liêm Bình), trại ươm tằm. Mặt khác, tiến hành xây dựng trường sở tại “khu đất đồn”(3) khá rộng nhưng ngổn ngang gạch đá do bị đập phá thời “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh, mặt sau trường (hướng Đông) giáp đường xe lửa xuyên Việt, mặt trước (hướng Tây) là Quốc lộ 1 chạy qua, phía Nam sát Chi Cảnh sát, phía Bắc là khu nhà thờ Cơ đốc giáo.

Niên khóa 1955 – 1956 trường có 6 lớp: 1 lớp đệ thất (lớp 6), 3 lớp đệ lục (lớp 7), 1 lớp đệ ngũ (lớp 8) và 1 đệ tứ (lớp 9). Mãi đến đầu tháng 10 năm 1955 hai dãy trường thô sơ (vách đất, tô vôi, mái tole, trần nhà bằng vĩ buồm) được xây dựng xong, trường chuyển văn phòng và các lớp học (có 6 phòng học) về đây, làm lễ khánh thành, khai giảng năm học và chính thức mang tên “Trường TRUNG HỌC TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN”.

Những tháng ngày các lớp phải học tạm rải rác khắp nơi nên mỗi lần đổi giờ giáo sư phải lội bộ từ lớp này sang lớp khác cách xa nhau ba bốn trăm mét thật vất vả nhưng cũng rất đặc thù. Thời kỳ sơ khai này, văn phòng nhà trường chỉ có hai người (GS. Đoàn Nhật Tấn, hiệu trưởng; thầy Phạm Khắc Thành, giám thị) và các giáo sư: Hoàng Đôn Trịnh, Lê Văn Thự, Lê Tú Vinh, Nguyễn Diễn, Trần Đình Cang (nhạc sĩ Phương Mai), Phạm Đức Bảo, Trần Đình Đàm, Phạm Văn Liển, Mai Song, Nguyễn Đức Dương, Trần Xuân Dưỡng. Giáo sư thiếu nên các thầy phải dạy nhiều môn như thầy Tấn là hiệu trưởng nhưng vẫn dạy các môn Toán, Lý – Hóa; thầy Bảo dạy Văn, Anh văn, Sử – Địa, Công dân, Vẽ … còn học sinh chưa có đồng phục, nam sinh mặc áo sơ mi, quần tây; nữ thì áo sơ mi, quần dài thường, và vào những buổi lao động vệ sinh dọn dẹp lần cho trường gọn gàng, quang đãng hơn (4).

Tháng 6 năm 1956, kỳ thi tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở hiện

nay) đầu tiên của học sinh các trường từ Quảng Ngãi đến Phú Yên được tổ chức ngay tại thị trấn Bồng Sơn. Hội đồng Giám thị được chia làm hai bộ phận: một ở Qui Nhơn dành cho thí sinh Qui Nhơn và Phú Yên, một ở Bồng Sơn dành cho thí sinh Hoài Nhơn và Quảng Ngãi. Hội đồng Giám khảo đặt tại Bồng Sơn và Chánh chủ khảo là GS. Trần Văn Việt (hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An – Sài Gòn), giám khảo là giáo sư của các trường Phan Bội Châu (Phan Thiết), Duy Tân (Phan Rang), Võ Tánh (Nha Trang). Thí sinh thi viết các môn: Văn, Anh văn, Pháp văn, Toán, Lý – Hóa, Sử – Địa; sau khi đậu thi viết, thí sinh phải trải qua kỳ thi vấn đáp các môn: Văn, Pháp văn, Vạn vật (Sinh vật bây giờ). Đậu kỳ thi vấn đáp mới được công nhận là tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp. Đây là kỳ thi được tổ chức lần đầu tiên và duy nhất tại Bồng Sơn vào lúc ấy, vì kể từ kỳ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp lần thứ 2 (tháng 8/1956) trở đi đều được tổ chức tại Qui Nhơn (5). Sau khi đậu trung học đệ nhất cấp, ai muốn tiếp tục học lên đệ tam (lớp 10) thì phải vào Nha Trang (trường Võ Tánh) hoặc ra Huế (trường Quốc Học hoặc trường Đồng Khánh – nếu là nữ), vì trường Cường Để – Qui Nhơn lúc này cũng chưa có các lớp đệ nhị cấp.

Từ năm học 1956 – 1957 trở đi, tùy thuộc vào đội ngũ giáo sư hiện hữu và phòng

ốc của trường, trường tổ chức thi tuyển vào lớp đệ thất cho những học sinh đã học xong bậc tiểu học ở các trường tiểu học trong quận và các vùng phụ cận như Hoài Ân, An Lão, Tam Quan, Phù Mỹ, Đức Phổ (Quảng Ngãi) với số lượng học sinh được tuyển dao động từ 100 – 180 người (6) mỗi năm. Những học sinh đủ điều kiện học lên trung học đệ nhị cấp, sau khi thi đậu trung học đệ nhất cấp phải vào Qui Nhơn học tại trường Trung học Cường Để.

Niên khóa 1958 – 1959 trường có 8 lớp: 3 lớp đệ thất, 2 lớp đệ lục, 2 lớp đệ ngũ và 1 lớp đệ tứ (7) và cũng từ năm học này nhà trường quy định học sinh đi học phải mặc đồng phục: nam áo sơ mi trắng, quần tây xanh, chân đi sandale hoặc dép có quai hậu; nữ áo dài trắng, quần dài trắng; trên ngực áo trái thêu phù hiệu với dòng đầu tiên là tên trường TH. Tăng Bạt Hổ màu đỏ, dòng giữa hoa thị màu xanh (một hoa thị: lớp đệ thất, hai hoa thị: lớp đệ lục, ba hoa thị: lớp đệ ngũ, bốn hoa thị: lớp đệ tứ – khi có trung học đệ nhị cấp thì qui định một hoa thị đỏ: lớp đệ tam, hai hoa thị đỏ: lớp đệ nhị, ba hoa thị đỏ: lớp đệ nhất), dòng cuối cùng thêu họ tên theo kiểu chữ in bằng chỉ màu xanh. Học sinh muốn học lên đệ nhị cấp vẫn phải tiếp tục chuyển vào học tại Qui Nhơn.

Năm 1959, trường tiến hành xây dựng kiên cố (tường gạch, mái ngói), ban đầu là hai dãy nhà ngang song song, mặt hướng ra Quốc lộ 1, dãy phía trước (đối diện Quốc lộ 1) dùng làm Văn phòng, phòng Hiệu trưởng, dãy ngang phía sau phân thành 3 phòng, 2 làm lớp học và 1 phòng thí nghiệm. Sau đó xây dựng tiếp hai dãy phòng dọc song song nằm hai bên dãy nhà ngang (một dãy phía khu nhà thờ, một dãy cạnh bên Chi Cảnh sát), mỗi dãy 5 phòng, tạo thành một khối hình hộp vuông, khoảng trống giữa các dãy là sân trường được trồng cây tạo bóng mát, giữa sân là cột cờ, mỗi sáng thứ hai hàng tuần, học sinh toàn trường tập trung sắp hàng theo lớp quay về cột về làm lễ chào cờ đầu tuần; gần với dãy ngang bên trong có một sân bóng rỗ; đối diện với dãy ngang trước và tường rào ngăn Quốc lộ 1 là sân để xe của học sinh và sân bóng chuyền, vũ cầu (cầu lông) gần với khu nhà ngang; đến khoảng cuối năm 1960 việc xây dựng hoàn tất, từ nay các lớp được học trong những phòng học khang trang, thơm mùi vôi mới. Và sau khi xây dựng xong cơ ngơi mới, với ưu tiên phòng học cho học sinh, cả văn phòng, phòng làm việc của Hiệu trưởng, Tổng Giám thị gộp chung một phòng, nhường phòng ngang còn lại làm lớp học (cho đến năm 1972)(8)

Niên khóa 1962 – 1963 GS. Đoàn Nhật Tấn được điều chuyển về dạy ở trường Sư

Phạm Qui Nhơn, GS. Hoàng Đôn Trịnh (quê Tam Quan) được cử làm Hiệu trưởng, Tổng Giám thị là GS. Huỳnh Ngọc Anh. Cũng vào năm học này trường mới có đủ sĩ số học sinh để mở được lớp đệ tam (lớp 10) và có Nghị định chuyển thành trường Trung học đệ nhị cấp và đến năm học 1963 – 1964 trường mở tiếp lớp đệ nhị (lớp 11). Giai đoạn này những học sinh sau khi thi đậu Tú tài 1 (tú tài bán phần) muốn học lên lớp đệ nhất phải chuyển vào học ở trường T.H. Cường Để, đến năm học 1969 – 1970 trường hội đủ điều kiện (giáo sư, học sinh) để tổ chức lớp đệ nhất (lớp 12) và học sinh không phải chuyển vào Qui Nhơn theo học ở trường T.H Cường Để năm cuối cấp nữa (7).

Cuối năm 1966 thầy Hoàng Đôn Trịnh chuyển về Sài Gòn, GS. Huỳnh Hữu Dụng (quê quận Bình Khê – nay là huyện Tây Sơn) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng cho đến cuối năm học 1968 – 1969 được chuyển về lại trường TH. Cường Để Qui Nhơn, Tổng Giám thị là thầy Huỳnh Ngọc Anh và sau đó là thầy Đặng Ngọc Anh.

Những năm học từ 1962 đến 1965 trường tuyển sinh vào lớp đệ thất cả hai sinh ngữ: Pháp văn (hai lớp) và Anh văn (hai lớp); nhưng đến năm học 1966 – 1967 chỉ tuyển được một lớp đệ thất học Pháp văn, ba lớp học Anh văn. Và từ năm học 1968 trở đi không có học sinh theo học tiếng Pháp nên toàn bộ học sinh học sinh ngữ chính là Anh

văn.

Khoảng giữa năm học 1968 – 1969 trường xây thêm hai dãy phòng học (mỗi dãy 3 phòng) bằng gỗ, mái tole nối với hai dãy phòng học chiều dọc cũ đến tiếp giáp với đường tàu lửa xuyên Việt, có số phòng học tăng thêm đó, năm học sau số học sinh thi vào lớp đệ thất được tuyển chọn nhiều hơn các khóa trước.

Niên khóa 1969 – 1970 trường có 22 lớp, gồm: 4 đệ thất, 4 đệ lục, 4 đệ ngũ, 4 đệ tứ, 3 đệ tam (2 lớp ban A, 1 lớp ban B) và 3 lớp đệ nhị (2 lớp ban A, 1 lớp ban B) và bắt đầu có Giám học là thầy Phạm Thành. Cuối năm học 1969 – 1970 nhà trường phân bổ lại học sinh 4 lớp đệ lục bằng cách chọn mỗi lớp 10 học sinh có vị thứ từ 1 đến 10 xếp vào lớp đệ ngũ 1, những người có vị thứ từ 11 – 20 xếp vào lớp đệ ngũ 2, v.v… và xếp thành 4 lớp đệ ngũ từ 1 đến 4, đây là một hình thức lớp chọn đầu tiên của trường và như vậy cả 4 lớp đều có nam, nữ (10 người) thay vì xếp học sinh nữ riêng một lớp.

Khi thầy Huỳnh Hữu Dụng chuyển vào Qui Nhơn, GS. Phạm Thành (cựu học sinh của trường khóa 1955 – 1956) là Giám học, Xử lý thường vụ cho đến đầu năm học 1970 – 1971 chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng.

Từ niên khóa 1970 – 1972, Ban Giám đốc trường bao gồm các thầy Phạm Thành (hiệu trưởng), Lê Ninh Hậu (Giám học), Đặng Ngọc Anh (Tổng Giám thị), chưa có phụ tá Giám học và phụ tá Tổng Giám thị. Thời kỳ này, niên khóa 1970 – 1971 trường có 26 lớp gồm: 6 lớp 6, 4 lớp 7, 4 lớp 8, 4 lớp 9, 3 lớp 10 (2 ban A, 1 ban B), 3 lớp 11 (2 ban A, 1 ban B) và 2 lớp 12 (1 ban A, 1 ban B), niên khóa 1971 – 1972 số lớp của trường được nâng tổng số lên thành 29, gồm: 7 lớp 6, 6 lớp 7, 4 lớp 8, 4 lớp 9, các lớp đệ nhị cấp

giống như niên khóa 1970 – 1971(9).

Tháng 3 năm 1972 (mùa hè đỏ lửa) các quận phía Bắc Bình Định: Tam Quan, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân trở thành vùng chiến sự ác liệt và là vùng “tạm giải phóng” của cách mạng, trường phải đóng cửa. Thời điểm ấy, ông Nguyễn Công Lượng (quê Hoài Đức, cựu học sinh của trường và đương nhiệm Phó Quận trưởng Hoài Nhơn – anh cũng được mời giảng dạy tại trường) cùng các ông: Lê Văn Quế (Chủ tịch Hội đồng Tỉnh), Lê Văn Diện (dân biểu Hạ viện) đều là người Hoài Nhơn, vận động đại tá Tỉnh trưởng và Tỉnh, Thị Hội Giáo giới Bình Định – Qui Nhơn chấp thuận cấp địa điểm, phòng ốc để các học sinh Hoài Nhơn “di tản” theo gia đình vào Qui Nhơn có nơi tiếp tục theo đuổi việc học tập. Sau khi nhận được sự đồng thuận của chính quyền tỉnh, anh Nguyễn Công Lượng mang hồ sơ (tờ trình của Trường, Sở Học chánh v.v…) yết kiến ông Ngô Khắc Tỉnh, Tổng trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên xin giấy phép cho trường được dời địa điểm vào hoạt động tại thị xã Qui Nhơn. Có được giấy phép, và nhờ sự hỗ trợ tình nguyện (bao gồm sửa chữa thành phòng học, đóng bổ sung bàn ghế v.v…) của Liên đoàn 6 Công binh kiến tạo; Trung tâm sinh hoạt giáo giới (trước đó có thời gian là Ký túc xá học sinh – dành cho con “cô nhi, tử sĩ”) trở thành Trường Trung học Tăng Bạt Hổ bên cạnh Trung tâm Văn hóa tỉnh (số 18 Nguyễn Huệ) và kịp khai giảng năm học mới 1972 – 1973 cùng các trường khác tại Qui Nhơn vào ngày 26/10/1972(10).

Năm học 1972 – 1973 trường khai giảng tại thị xã Qui Nhơn với tên gọi là “Trường Trung học Tăng Bạt Hổ” (không có hai từ BỒNG SƠN), ưu tiên tiếp nhận học sinh cũ của trường từ Bồng Sơn chuyển vào. Thành phần Ban Giám đốc gồm có Hiệu trưởng là GS. Lê Văn Minh (quê Hoài Ân, cựu học sinh của trường khóa 1955 – 1956), Giám học là thầy Lê Ninh Hậu, Tổng Giám thị là thầy Nguyễn Hữu Hồng và mặc nhiên trường trở thành trường trung học phổ thông công lập lớn thứ ba của thị xã Qui Nhơn (hai trường kia là TH. Cường Để và Nữ trung học Ngô Chi Lan – NV). Gần cuối năm học 1973, cả thầy Lê Văn Minh và thầy Lê Ninh Hậu được điều động sang dạy

trường khác, thầy Đào Văn A được cử xử lý thường vụ công việc của trường.

Kể từ khi thành lập trường (1955) mãi cho đến năm học 1973 – 1974 Ban Giám đốc của trường mới có đầy đủ nhân sự, gồm: Hiệu trưởng là GS. Hồ Sĩ Duy, quê An Nhơn (giáo sư trường Trung học Cường Để Qui Nhơn được điều chuyển qua); Giám học là thầy Nguyễn Ngọc Trân (giáo sư trường Nữ trung học Ngô Chi Lan – Qui Nhơn), phụ tá Giám học là thầy Nguyễn Cao Trợ; Tổng Giám thị là thầy Nguyễn Hữu Hồng, phụ tá Tổng giám thị là thầy Ngô Văn Lâu.

Theo thầy Hồ Sĩ Duy, khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, vào mỗi đầu năm học, ngoài việc chuẩn bị thi tuyển vào lớp 6 tại Qui Nhơn (ưu tiên cho con em những gia đình quê Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tam Quan, Phù Mỹ), nhà trường còn phối hợp với chính quyền quận Hoài Nhơn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 tại Bồng Sơn và đưa vào học ở Qui Nhơn (vì sau mùa hè đỏ lửa, trường TBH tại Bồng Sơn được chuyển thành Bệnh viện, chính quyền tỉnh, quận phải chỉnh trang nhiều nơi bị hư hại do chiến tranh nên chưa có kế hoạch xây

dựng lại trường tại Bồng Sơn.)

Tháng 3 năm 1975, Qui Nhơn được giải phóng, những học sinh của các trường tại

Qui Nhơn (không phân biệt công lập hay tư thục) được tập trung vào học tại trường Quang Trung (Cường Để cũ) và trường Trưng Vương (Nữ trung học Ngô Chi Lan cũ), cái tên Trung học Tăng Bạt Hổ (ở Qui Nhơn) cũng không còn nữa!

 

Cổng trường Trung học phổ thông Tăng Bạt Hổ hiện nay

Nguồn: trang web: Trường THPT Tăng Bạt Hổ – Hoài Nhơn Bình Định

Giai đoạn 1975 – nay

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, chính quyền tỉnh Bình Định (sau này là Nghĩa Bình) nói chung, huyện Hoài Nhơn nói riêng bắt tay ngay vào việc “trồng người” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; để bảo đảm việc học  của con em nhân dân các huyện phía Bắc tỉnh (Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định xây dựng và thành lập trường cấp III Hoài Nhơn tại khu vực hiện nay (94 đường Trần Phú) là sân vận động Bồng Sơn cũ vì cơ sở của trường Trung học Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn trước 1975 đã được chuyển thành Bệnh viện Hoài Nhơn sau mùa hè năm 1972.

Trường cấp III Hoài Nhơn khai giảng năm học đầu tiên (1975 – 1976) vào ngày 01/10/1975. Vì cơ sở vật chất chưa có nên trường phải mượn tạm của nhà thờ Công giáo (nằm giữa bệnh viện và trường TBH cũ) với một nhà 2 tầng, 6 phòng cho tất cả các hoạt động của trường (1 phòng vừa là nơi làm việc của Hiệu trưởng, văn thư, kế toán vừa là phòng sinh hoạt của Hội đồng giáo viên; 5 phòng còn lại là 5 lớp học (3 lớp 10, 2 lớp 11) và 10 cán bộ, giáo viên (được điều động từ Qui Nhơn và những nơi khác) làm công tác giảng dạy do ông Lê Kim Tri làm Hiệu trưởng.

Việc xây dựng cơ sở vật chất của trường hoàn tất, Trường Cấp III Hoài Nhơn chính

thức chuyển về nhà mới từ học kỳ II năm học 1978-1979, lúc đó chỉ có một dãy phòng học 2 tầng song song với đường Trần Phú gồm 12 phòng học và 2 phòng nhỏ chính giữa tầng trên và tầng dưới sử dụng làm phòng Ban giám hiệu và văn phòng Đoàn trường.

Để giảm áp lực nhiệm vụ giáo dục của huyện khi số học sinh ngày một tăng nhanh ở các xã phía Bắc huyện như Hoài Sơn, Hoài Châu, Tam Quan, Hoài Hảo…, tỉnh và huyện quyết định thành lập, xây dựng và chính thức đi vào hoạt động trường PTTH số 2 Hoài Nhơn tại thị trấn Tam Quan (nay là Trường THPT Nguyễn Trân). Lực lượng giáo viên của trường cấp III Hoài Nhơn cũng được chia sẻ cho Trường PTTH số 2. Và, sau 5 năm mang tên Trường cấp III Hoài Nhơn, học kỳ II năm học 1980 – 1981, Trường Cấp III Hoài Nhơn được đổi tên mới là Trường PTTH số 1 Hoài Nhơn.

Trường PTTH số 1 Hoài Nhơn là một trường cấp III, song vào năm học 1991 – 1992 do số lượng học sinh các trường cấp II và cấp III giảm nhiều nên đã nhập Trường PTCS Bồng Sơn vào Trường PTTH số 1 Hoài Nhơn. Năm học 1992 – 1993 tiếp tục sáp nhập với Trường PTCS Hoài Tiến vào Trường PTTH số 1 Hoài Nhơn. Như vậy, từ năm học 1991-1992, trường có dạy cả cấp II và cấp III.

Năm 1992, một sự kiện quan trọng có tác động đến quá trình sự nghiệp giáo dục ở Hoài Nhơn là UBND tỉnh Bình Định đã ra Quyết định số 2342/QĐ-UB, ngày 13 tháng 11 năm 1992 đổi tên Trường PTTH số 1 Hoài Nhơn thành Trường THPT Tăng Bạt Hổ và được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên trường cấp III mang tên Tăng Bạt Hổ có ý nghĩa tiếp nối và trở thành biểu trưng cho sự nghiệp giáo dục phía bắc Bình Định từ trước đến nay.

Từ năm học 1991 đến 2006, học sinh cấp II và cấp III ngày càng đông, từ 28 lớp năm học 1991-1992 đến 62 lớp năm học 2005-2006. Do cơ chế và áp lực về số lượng học sinh, năm học 1995 – 1996 Trường THPT Phan Bội Châu (hệ bán công) được thành lập do ông Nguyễn Văn Dẫy làm Hiệu trưởng. Trường này cũng nằm trên địa bàn thị trấn Bồng Sơn. Học sinh và giáo viên của trường THPT Phan Bội Châu chủ yếu từ Trường THPT Tăng Bạt Hổ chuyển qua; hệ bán công của trường THPT Tăng Bạt Hổ chính thức chấm dứt hoạt động. Năm 2006, trường tiếp tục tách cấp II, thành lập trường mới là Trường THCS Bồng Sơn. Năm học 2017-2018, trường chuyên phía bắc tỉnh Bình Định được thành lập toạ lạc tại thị trấn Bồng Sơn lấy tên là Trường chuyên Chu Văn An cũng chủ yếu lấy giáo viên cơ hữu từ Trường THPT Tăng Bạt Hổ để giảng dạy.

Hiện nay, biên chế của trường có 29 lớp, 1.200 học sinh và gần 70 giáo viên đang giảng dạy. Trường có 3 dãy phòng học, một dãy thí nghiệm thư viện và một khu hiệu bộ.

Truyền thống hiếu học và học giỏi của huyện Hoài Nhơn được thể hiện qua thành tích giáo dục của Trường THPT Tăng Bạt Hổ. Sau trường chuyên Lê Quí Đôn và Trường THPT Quốc học (Quy Nhơn) thì chất lượng từ tuyển sinh đầu vào lẫn tỉ lệ đậu tốt nghiệp, vào đại học thuộc về các trường THPT trên địa bàn Hoài Nhơn như THPT Nguyễn Trân, THPT Lý Tự Trọng, THPT Nguyễn Du, trong đó THPT Tăng Bạt Hổ được xem là anh cả. Hầu hết những kỳ tuyển sinh vào 10, các trường này chỉ đứng sau Trường THPT Quốc Học; tỉ lệ tốt nghiệp cũng thường xuyên nằm trong “top” đầu toàn tỉnh. Số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia cũng chiếm tỉ lệ cao so với các trường khác. Đặc biệt, năm 2008, học sinh Huỳnh Anh Vũ (niên khoá 2005-2008) đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Tính đến nay, đây là thành tích cao nhất và duy nhất của tỉnh Bình Định (tính đến thời đểm này) trên con đường chinh phục cuộc thi trí tuệ ngoài sự tự tin, thông minh, nhanh nhạy … đòi hỏi phải có sự uyên bác nhất định trong những môn học. Với những thành tích của mình trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo những công dân hữu dụng cho đất nước nói chung, Hoài Nhơn, Bình Định nói riêng từ năm 1989 đến nay trường đón nhận nhiều Cờ Thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định (1989, 2007, 2013, 2017, 2018), của Bộ Giáo dục – Đào tạo (1991), của Thủ tướng Chính phủ (2002, 2008, 2013, 2014, 2017, 2018) v.v… Đặc biệt nhất là năm 2012 trường được công nhận là Trường Chuẩn Quốc Gia (11).

Có được thành tích trên phần lớn là nhờ vào tinh thần hiếu học của người Hoài Nhơn và đội ngũ nhà giáo nhiều thế hệ tận tình với nghề. Tuy nhiên, từ khi thành lập Trường chuyên Chu Văn An (năm học 2017 – 2018) đóng tại Bồng Sơn thì phần lớn học sinh trên địa bàn có chất lượng đều thi tuyển vào trường chuyên nên chất lượng mũi nhọn của Trường THPT Tăng Bạt Hổ giảm hẳn.

Trải qua bao thăng trầm, thay đổi trong lịch sử nhưng sứ mệnh giáo dục ở Hoài Nhơn vẫn luôn được tiếp nối và biến thiên theo hướng kế thừa và phát huy. Sự nghiệp giáo dục phát triển thách thức mọi khó khăn để trở thành một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân Hoài Nhơn. Tinh thần đó, biểu tượng đó đã khắc dấu và viết nên trang sử cho tên trường Tăng Bạt Hổ.

                                                                      Võ Xuân Đào – Nguyễn Ngọc Oanh

Trong bài đã tham khảo, sử dụng các bài viết, tư liệu in trong “Lưu kỷ Xuân Tân Tỵ 2001” với các bài:

  • Vài nét về trường TH Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn (không rõ tác giả)
  • Những ngày tháng đã qua của GS Phạm Thành,
  • Vài điều ghi nhớ về trường Tăng Bạt Hổ của GS Trương Đình Du

Chú thích:

 (1) Theo “Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa” Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và Đông Hải với bài “Nền giáo dục miền Nam trước 1975” trong Vnisone.com

(2) Năm học 1948 – 1949 để tránh máy bay Pháp ném bom, trường “Collège Võ Tánh” ở Qui Nhơn đổi thành “Trung học Nguyễn Huệ” và chuyển một phần ra Hoài Nhơn (thôn Vạn Thắng, xã Hoài Xuân – sau lại chuyển lên thôn Phụ Đức, xã Bồng Sơn rồi lại chuyển về Hòa Trung và Vĩnh Nhơn, Hoài Xuân) gọi là “Trung học Nguyễn Huệ Bắc” rồi đổi thành “Trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Huệ” do ông Huỳnh Văn Gi và sau đó là ông Đinh Thành Chương làm Hiệu trưởng. Học sinh phải đi học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu dừa leo lét, lấy lều lá làm phòng học, ván dừa làm bàn, bầu và bẹ dừa làm bảng – NV.

(3) Gọi “Khu đất đồn” vì nơi trước đây là đồn lính của Pháp đã bị phá đi.

(4), (5) Theo GS Phạm Thành trong bài “Những tháng ngày đã qua!” in trong “Lưu kỷ Xuân Tân Tỵ – 2001”

(6) Năm 1963, trường tư thục Tân Bình ở Qui Nhơn được quốc hữu hóa và trở thành trường Nữ trung học Qui Nhơn. Nếu so sánh từ thời điểm này trở đi thì số lượng học sinh được tuyển vào lớp đệ thất công lập của phía Nam tỉnh (gồm trường Cường Để và Nữ trung học) gấp đôi số lượng học sinh được tuyển vào trường Tăng Bạt Hổ (trường CĐ, NTH mỗi trường từ 180 – 200 học sinh nam, nữ học riêng; còn trường TBH chỉ từ 160 – 180 học sinh cả nam lẫn nữ). Điều này chứng tỏ rằng tỷ lệ “chọi” của học sinh tiểu học phía Bắc tỉnh cao hơn phía Nam tỉnh – NV.

(7) Theo GS Trần Đình Du trong bài “Vài điều ghi nhớ về trường Tăng Bạt Hổ” in trong Lưu kỷ Xuân Tân Tỵ 2001”

 (8) Theo kể lại của các cựu học sinh các năm 1955 – 1960 như: Trần Đáng (cựu nhân viên Tòa Hành chánh Hoài Nhơn), Nguyễn Như Bình (em trai bác sĩ Nguyễn Minh), Phạm Kỵ (Giám thị trường Cường Để), Nguyễn Đức Tá (Giáo viên THPT Nguyễn Du Ban Mê Thuột) v.v… và ông Võ Xuân Dục -đã mất- (thông gia với thầy Đoàn Nhật Tấn)

(9) Theo Đào Đức Chương trong bài “Bình Định, những ngôi trường trong trí nhớ” đăng trong đặc san 2011 Cường Để – Nữ Trung học Qui Nhơn.

(10) Theo lời kể của anh Nguyễn Công Lượng cùng người viết (VXĐ) tại Fullerton, California, Mỹ (năm 2018)

(11) Theo trang Web: Trường THPT Tăng Bạt Hổ – Hoài Nhơn Bình Định.

Leave a Reply

Your email address will not be published.