Những Nhánh Sông Mất Biển

Tác giả: Nhà giáo Lưu Thu Thuyền

Cụ bà lẳng lặng ngồi chồm hổm giữa mảnh sân nhỏ. Trong cái lạnh sắc của mùa Thu Paris, cụ thu một tay vào túi áo, tay kia uể oải lượm những viên sỏi, vất vào cái rổ sứt cạp cạnh cụ. Bây giờ, cụ chỉ còn mỗi một công việc duy nhất là nhặt sỏi trong vườn cho sạch mắt!
Mới tháng trước, cụ bà có cả bầy gà vịt gần chục con. Nuôi lậu, chứ cụ làm gì biết luật mà xin phép ai. Lúc đó, cứ bước ra sân là chúng túa ra, kêu nháo nhác chào cụ. Nhờ bận làm nghề chủ trại chăn nuôi mà cụ vui hẳn ra! Thực phẩm gà vịt, đã có thằng Tây cụ làm quen được ở chợ trời, vẫn chở cả bao bố tới giao tận nhà cho cụ. Cụ chỉ nuôi bọn này béo núc béo ních lên, rồi chờ con cháu đến thăm là ngả ra đánh tiết canh, xáo măng, phở. Hễ ăn hết lứa nào, cụ lại được anh con rể lễ mễ đem tới biếu cụ lứa khác. Thật không ngờ thằng Tây thực dân phải dọn nhà đi xa, cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực duy nhất cho lứa gà vịt đang độ lớn. Giời hỡi! Như vậy, nghề tay phải của cụ coi như đi đứt. Cụ bà buồn đến xoặn ruột, Thế rồi, cuối cùng cụ cũng đành phải thịt hết lũ gia cầm còn lại. Giờ không còn gì để làm, cụ ra sân nhặt đá cho đỡ mụ người. Ngồi xem télé à? Ngấy lắm! Trồng rau cải thì cụ không còn sức đào lỗ, nói chi đến giơ cuốc. Cụ bà nay đã hơn 80 chứ ít ỏi gì?


– Thôi, cụ mẹ vào rửa tay rồi xơi cơm kẻo nguội! Người con gái út của cụ nói từ trong bếp ra.
– Tao không ăn gì sất. Không đói!
Cô út lại nài thêm câu nữa:
– Cụ ơi! Ngưng tay thôi. Không đói cũng phải ăn kẻo chết xuống địa ngục, quỷ Tây đen nó cũng chê gầy gò xấu xí đấy!
Mọi hôm nghe con đùa, cụ bà cũng bật chửi tiên sư cha mấy câu cho đỡ nhạt miệng. Nhưng lần này, cụ khoằm mặt xuống, vờ điếc không trả lời con. Một lát sau, cụ thò tay ra sau lưng đấm vỗ mấy cái cho đỡ rức mỏi, rồi ngồi dậy. Cụ chợt hoa mắt, lảo đảo. Từ khung cửa sổ, cô út đã để ý canh cụ bà, cô vội chạy vụt ra, đỡ lấy thân mẹ.
– Cụ ơi là cụ! Đã bảo cụ đừng nhặt sạn. Đúng là dã tràng xe cát biển Đông! Thôi, ngày mai không ra lượm liếc gì nữa. Ngã một cái, khổ cả mẹ lẫn con.
– Tao có cần mày đỡ đâu? Buông tay ra!
Mặc cụ bà nói cứng, cô út vẫn xốc nách dìu mẹ vào nhà.
Ở bàn cơm, cụ bà lơ đãng chọc đũa vào dĩa thịt kho tàu. Tự nhiên cụ thấy chán sống quá đỗi. Mấy bà bạn cùng lứa với cụ, hết bà Sửu đến bà Hợi, cứ tuần tự ra đi từng người một. Nhìn lại, chỉ còn mỗi thân mình: Một cục thịt thừa! Vậy thì ăn khoẻ để làm gì? Có bộ răng to và chắc hơn răng trong hàm ngựa ấy à? – Ở vào thời điểm chân đi chập choạng xuống lỗ huyệt này, bộ răng ấy thật vô duyên! Cụ bỗng thèm có một ngày nào đó, tất cả những đứa con của cụ tụ tập dưới mái nhà này, để cụ có dịp mắng đứa nọ, gắt đứa kia như thuở xưa. Nếu được vậy, có chết cụ cũng thoả lòng! Tám đứa con, hết một nửa lưu lạc bên xứ Mỹ xa tít xa tắp. Một đứa lấy chồng Anh Cát Lợi, giận cụ con yêu con ghét, thề không bao giờ trở về gặp lại mẹ. Hai đứa ở đây, đến thăm mẹ và em mỗi tuần, cũng làm cụ đỡ buồn. Những ngày còn lại trong tuần, cụ thấy cô đơn và nhớ các con đến lạnh
người. Nghĩ đến con cái, cụ nhói tim, lẩn thẩn hỏi cô út:
– Này, thằng Cả Vị chưa bao giờ qua đây thăm tao cả. Nó có nói chừng nào đi Pháp không?
– Cụ mẹ ơi, anh Vị có phòng mạch bên Mỹ, bỏ đi chơi ngày nào là mất kiếm tiền ngày đó. Lại còn hội đoàn này, tổ chức kia cầm chân. Mẹ biết rõ mà, anh Vị có muốn cũng không bao giờ đi được!
Cụ bà im lặng chan canh vào bát, cố dằn câu chửi đã đậu ngay trên lưỡi cụ. Tiên sư nó, nuôi cho ăn học thành tài, bây giờ báo hiếu như thế đấy! Lần sau cùng, cụ gặp thằng con cả của mình là lúc cụ lê thân qua Mỹ ăn đám cưới đứa út giai. Cụ dấu giọng bực tức hỏi tiếp:
– Còn thằng Quan, hè này nó có tính đưa vợ đi xem lâu đài bên đây không?
– Anh Quan mới lấy vợ được vài năm, đi đâu cũng muốn rủ vợ đi cùng. Cô vợ của anh ấy lại sợ ngồi tàu bay, kêu ngộp thở với cuồng chân, nên không chịu đi đâu cả. Cho vàng, anh Quan cũng không chịu bỏ vợ ở nhà một mình!
Cụ bà thở dài, nghĩ đến đứa con út giai. Cái thằng dễ chịu đến độ ngày xưa cụ chả bao giờ phải tốn tiền mua quần áo cho nó. Không hiểu lúc đó, nó đào đâu ra cái mặc? Chả bù những đứa con khác, cứ nhao lên vòi vĩnh cụ trăm thứ chi tiêu tốn kém. Nhà đông con, đứa nào to mồm, đứa ấy không bị thiệt. Đáng lý út giai được nuông nhất, lại hoá ra bị quên lãng nhiều nhất. Cụ hối hận, cứ nhắn vợ chồng nó qua để cụ đích thân nấu nướng săn sóc. Coi như một cách xin lỗi của cụ. Như thế là cụ xuống nước lắm đấy! Đi ra ngoài, cụ vẫn dèm các con của cụ dốt nát ngu ngốc. Nói vậy cho chúng bớt kiêu, cụ nghĩ thế. Cụ lại không có thói quen âu yếm con cháu và cũng chẳng cần đứa nào âu yếm cụ. Lời thừa thãi nghe nhược người lắm! Thế mà, lâu lâu cụ lại bị mâu thuẫn trong lòng. Nhất là những lúc hai đứa con dâu đến thăm cụ. Chúng nó hay tíu tít sà vào ngồi sát cạnh cụ, bóp tay bóp chân, hỏi han những câu ngây ngô đến buồn cười “Mẹ dạo này ốm đi nhiều, chắc lại ít ăn, mất ngủ?” hoặc “Cụ mẹ có nhớ con không?”. Cụ vừa ngượng vừa cảm động. Cụ bắt đầu quen dần với những cử chỉ âu yếm. Thôi chết, cụ lại để nỗi nhớ lang thang cả qua lũ con dâu dịu dàng!
Sau bữa cơm, cụ bà bóc một trái quít ăn, rồi vất vỏ vào xó nhà như thường lệ:
– Này, đừng quét mấy cái vỏ quít tao để cho thơm nhà nhé! Cụ dặn.
Cô út nhăn mặt, cằn nhằn:
– Cụ mẹ cái gì cũng giữ, rác cả nhà. Chốc nữa con quét tất!
Cha mày, thời buổi này nói cái gì cũng nhất định phải cãi cho được! Cụ bà bất mãn chửi thầm trong bụng, rồi đứng dậy thắp nhang ở bàn thờ cho anh con giai kế út. Hôm nay giỗ anh. Cụ vuốt ve tấm hình của một thanh niên có khuôn mặt đẹp giai thông minh, mà cụ đặc biệt yêu mến. Năm xưa, cụ xoay mãi mới được mảnh giấy miễn dịch cho con. Không ngờ anh nổi giận, vứt toẹt tờ giấy vô phước vào bếp lò đang cháy, bỏ nhà, đăng lính vào không quân. Lái máy bay dội bom vài chuyến, rồi anh gãy cánh. Mất tích. Mảnh vụn phi cơ được tìm thấy giữa đám rừng già nhiệt đới, mà xác người thì mịt mùng nơi nào? Cụ bà mòn mỏi tìm kiếm và chờ anh về từ hơn hai mươi lăm năm nay. Cụ đành lập bàn thờ, ghi ngày mất tích của con là ngày giỗ. Cứ mỗi lần nghĩ đầu bạc phải khóc tóc xanh, cụ vừa giận vừa thương con. Phải chi nó đừng khí khái đốt cháy tờ giấy miễn dịch, thì giờ này, tệ lắm cũng kỹ sư!
Mắt của cụ bà chợt nhoà lệ vì xót thương đứa con vắn số. Cụ vội lấy ống tay áo quẹt mắt, liếc nhanh về phía cô út. Cụ không muốn con bắt gặp mình đang yếu lòng. Sợ nước mắt lại trào ra, cụ uống vội một ngụm trà rồi hấp tấp bỏ lên lầu. Đi được nửa chừng, cụ lại hoa mắt. Chân lóng cóng, bước hụt một nhịp cầu thang.
Nhịp thang bước hụt ấy, đã lấy đi sinh mạng cụ bà!
Cái chết của cụ chẳng khác một phép lạ! Lần đầu tiên sau 25 năm dài, tất cả con cái tám người, mau mắn tụ về dưới một mái nhà. Anh Cả Vị hấp tấp bỏ mặc phòng mạch đương đông khách, cùng các hội đoàn bề bộn công việc của anh. Anh Quan hôn vội cô vợ mới cưới được vài năm, bước vào máy bay một mình. Chị Trâm dẹp nỗi giận mẹ đeo đẳng trong lòng, hối hả cùng chồng lái xe xuyên đường hầm từ Anh vào Pháp. Những đứa con từ tứ phương, không ai bảo ai, nhập lại như những nhánh sông cuồn cuộn nước lũ tìm về đại dương, chỉ để ngỡ
ngàng đau xót trước một vùng biển cằn khô trơ đáy!
Đưa mẹ ra nghĩa trang xong, buổi tối hôm ấy, bên bàn ăn, tám anh chị em cùng ngồi ngơ ngẩn không ai nói với ai câu nào. Cô út im lặng dọn cơm. Cô để ý tóc anh Vị dạo này bạc gần hết, đầu ai cũng thoang thoáng vài sợi trắng. Tất cả đã mất hẳn cái thói quen đùa nghịch ồn ào trong bữa cơm như thuở xưa. Trong một khoảng khắc bất ngờ, cô chợt thấy mẹ đang ngồi hớn hở giữa đàn con. Cô không khóc nhưng nước mắt tự nhiên rơi!
Chị Trâm ôm nhẹ vai em, giọng chị nghẹn ngào: “Phải chi có mẹ ngày hôm nay, em nhỉ? Cả nhà về đông đủ thì lại thiếu bóng mẹ!”
5-1999- LTT

Leave a Reply

Your email address will not be published.