Đổi Phiên

Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển

Ông ngồi một mình ngoài bàn, bát cơm trộn thịt cá rau dưa còn nóng, ông múc từng thìa đưa vào mồm, cánh tay run rẩy làm thức ăn đổ vãi trên áo, trên quần, răng cỏ sứt gọng gãy càng, ông nhai lúng búng miếng được miếng mất, thịt chả ra thịt, rau chả ra rau, ngon lành gì đâu nhưng ông biết ông vẫn phải ăn để…có sức.
Người ta cần sức lực để đi làm, để thức khuya dậy sớm nuôi con nuôi cháu, để tỏ mắt, để đầu óc sáng suốt chế cái này cái kia, để nấu cơm dọn dẹp nhà cửa hay ít nhất có thể đến gặp bạn bè bù khú, chuyện vãn …Chả còn thứ nào trong mấy thứ kể trên chờ đợi ông. Ông cần sức lực cho con ông đỡ vất vả, thế thôi!
Tuổi này, mọi sinh hoạt, đi đứng, ăn uống…ông đều phải nhờ đến con. Tế bào não rơi rụng dần, khó suy nghĩ mạch lạc, ông chả buồn gặp ai để chuyện trò. Mà, bạn bằng lứa của ông, quy tiên gần hết. Ai còn, cũng lãng đãng yếu xìu bằng ông hoặc hơn, con cái chở các cụ đến chơi với nhau, lắm lúc họ cứ ngồi như phỗng, chả nói chả rằng, người tỉnh táo, thành độc thoại. Chục năm trước ông ngồi trên lầu nhìn xuống đường, chờ mấy chiếc xe quen thuộc của bạn bè đỗ xịch trước cửa, tới thăm ông cho ngày bớt dài, cho nhà cửa rộn tiếng nói cười, cho ông có dịp khoe ấm trà ngon, dù biết rõ bạn nào còn, đã mất khả năng lái xe, đã nằm trong viện dưỡng lão….Ông than, sống gì chán thế.
Bây giờ, chính ông cũng hết ngồi nổi trên ghế xích đu, ngóng ra đường. Thế giới của ông chỉ còn cái giường nệm, ra bàn ăn, khỏe lắm thì bật máy tính thật to nghe dăm điều bốn chuyện rồi lại vào giường ngủ suốt. Ông mệt, phải rồi. Ăn uống qua loa, không đi lại, không động tay động chân, người rệu rã chứ. Mà động thế nào khi thân thể cứ chực chờ ngã xuống, lắm lúc đang ngồi cũng ngã, dây thần kinh điều khiển mọi chức năng bị thoái hóa, không làm như ý mình nữa.
Cậu út nấu nướng hằng ngày, lựa món mềm mềm cho ông dễ nuốt, để ông tự xúc lúc đầu cho ông vui, sau cậu kéo ghế ngồi sát, đút từng thìa, dỗ dành “ Ngon không bố? Nhai được hả? Uống nước nha..” Dù đã nấu canh, lựa món mềm cắt nhỏ, ông vẫn dễ bị sặc, đã bảo dây thần kinh thoái hóa rồi, thêm cơ bắp, dây chằng nhão ra, thức ăn không rơi vào đúng thực quản, ông vừa ăn vừa sợ.
Con trai kiếm được món khoái khẩu cho bố: nước mía. Ngày nào ông cũng làm một ly cối, có khi hai. Hỏi, ông bảo ngon lắm. Cậu nói giờ cụ thích gì, mua cái đó, chả sợ bệnh hoạn cao đường cao mỡ.
Con thay đồ, tắm gội ông sạch sẽ. Nhiều hôm cụ yếu đến mức không trở mình được, con trai phải nhẹ nhàng nắm níu, lật bố qua bên này bên kia.
Xưa, cha mẹ nuôi con, cũng phải trở mình cho em đỡ mỏi, chặn cái gối, lót cái khăn, em nhỏ xíu làm dễ ẹc, còn người già nặng nề hơn, mình vẫn phải se sẽ, cụ đau hay gãy xương thì khốn.
Xưa mẹ hào hứng xay rau xay thịt nấu cháo, hân hoan khi con há cái mồm tí tẹo xin ăn.
Mẹ bỏ em vào chậu nước ấm, thả luôn cả vịt cả chó nhựa kêu chít chít cho em chơi, mẹ vừa tắm vừa dạy em hát:
“ Nếu hỏi rằng”
“ Em yêu ai”
…………..
“ Nhưng nhất là”
“ Yêu má cơ”
Trong chậu tắm xà bông nổi bọt, mẹ tập em nói:
“ Cái gì đây?Mắt nè”
“ Mắt để làm gì? Để nhìn”
“Tai để làm gì? Để nghe”
……..
Rồi bố nắm hai tay dìu con đi từng bước, thấy vững vững bố bỏ một tay, bỏ hai tay để con chạy ào ngã vào lòng bố.
Cha mẹ nào chả hào hứng khi nhìn con trẻ chập chững tập đi, tập nói.
Con lo cho cha mẹ cũng đầy đủ yêu thương, cũng thức đêm thức hôm, mặc nhiên coi đó là bổn phận không nề hà nhưng mục thị thế giới xa dần các cụ, thương quá. Chả ai tắm cha mẹ mà có thể hát hò, đùa giỡn. Chả ai đút cụ ăn mà vừa thổi vừa hà hà để cụ há miệng. Chả ai mừng khi hỏi cha mẹ “ Cái gì đây? Đứa nào đây?”
Đến cái muỗng đôi đũa cũng bỏ cụ, cái khăn kỳ cọ, cục xà bông xoa lên người cũng thành quá tầm, tiếng nói bị xóa nhòa…
Con rồi sẽ lớn khôn, khỏe mạnh, tự lập…còn cha mẹ…đuối dần, chìm dần cho đến khi…
04/04/23

Leave a Reply

Your email address will not be published.