Trái Táo Làm Khổ Nhân Loại

Tác giả: Phạm Trường Lưu

* Từ Mỹ, bạn Phạm Trường Lưu vừa có chuyến công tác sang Hòa Lan. Đêm đầu tiên bạn ở khách sạn được cải tạo từ một nửa của nhà thờ( các bức tranh, phù điêu của nhà thờ vẫn giữ lại ở khách sạn ) nằm ngủ dưới bức tranh “Eva” bạn cảm tác đoản văn dí dỏm này. Hòa Lan là đất nước đặc biệt, khi các cha xứ & giáo dân không đủ tiền tu bổ nhà thờ họ có quyền bán lại cho tư nhân cả nhà thờ  rồi mua một mảnh đất khác xây dựng nhà thờ nhỏ hơn để thờ phụng Chúa, nhà thờ cũ thành chung cư hay khách sạn, trường hợp nầy nhà thờ chỉ bán một phần để xây khách sạn, các hoa văn họa tiết vẫn giữ nguyên để khi nào nhà thờ có tiền được chuộc lại . Việc chuyển chức năng của một di tích nhưng vẫn có thể trả lại chức năng đúng của nó trong tương lai cũng là một lựa chọn có hậu.HX

 

Hôm nay về lại khách sạn cũ, nơi ở thường kỳ của hơn 10 năm qua .  Đứng bên nầy nhìn qua bên kia ( khách sạn nhà thờ) cũng thấy nó hơi tội tội … mặc dù bên trong, họ trang hoàng rất đẹp. Tranh ảnh nghệ thuật vừa cổ điển, vừa hiện đại rất lạ.  Cửa chính của  khách sạn vừa bước vô là một cái khung tưởng niệm với một vài tượng thờ các Thánh.  Dưới chân các vị là cái ti -vi Philip đời một ngàn mấy năm lâu lắc rồi.  Không liên quan! Dạ có đấy. Philip là công ty điện tử hàng đầu của Châu Âu bao nhiều thập kỷ của xứ này, là niềm tự hào của dân tộc hoa tulip. Công ty này đóng góp hầu hết các công trình công cộng lớn nhỏ của các nơi. Các Thánh ở đây, kể cả ông Phillip ở đây như một phần của lời nói cảm ơn, Phillip đã đóng góp tiền tu sửa nhà thờ để bảo trì sự tồn tại của nó, thay vì phải giải tỏa cái di tích nhân bản của xã hội vì lợi ích quốc gia, hay đúng hơn là quyền lợi riêng tư của ai đó…!?

Các masoeur thì phục vụ rất tận tình nhưng khuôn mặt thì hơi nghiêm khắc và cũng có chút gì đó .. buồn buồn .. không buồn sao được khi nơi chốn linh thiêng thờ Phượng của người ta giờ phải thành nhà ở cho khách lai vãng. Hơn 1/2 tu viện vẫn còn giữ lại chưa khai thác. Phần “Chánh điện” được biến thành sân khấu của nhà hát giao hưởng rất sang trọng. Bên trái của khách sạn là dãy nhà ở của công nhân. Và hình như họ là những người đã sống và làm việc ở tu viện từ xưa. Thấy cung cách, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của họ giông giống nhau.

Phía sau khách sạn (Chánh điện) là một khoảng sân tĩnh tâm bằng gạch nâu sậm thật rộng với nhiều cảnh trí đơn giản nhưng rất hài hoà, sinh động, là một dãy nhà thấp, có vẻ kín đáo hơn, chưa thấy có vết “dao kéo” nào đáng kể. Có lẽ là nơi ở cuối còn lại cho các “Sơ”, những người yêu muôn thuở cuối cùng của Chúa còn sót lại ở cái tu viện lớn thứ 2 thành phố nầy. Phía sau khu nhà ở thầm kín ấy là một khu vườn, hay đúng hơn là một khu rừng nhỏ, biệt lập với thế giới bên ngoài. Phần đầu của khu rừng được dọn sạch cây cỏ để làm bãi đậu xe chính của nhà hát mỗi lần có trình diễn.  Bãi đậu xe cho phần khách sạn là phía trước, bên hông sảnh chính của nhà thờ .

Khu rừng thấy có ghi lối dạo bộ bên trong.  Định đi, nhưng thấy vắng vẻ, âm u quá nên … thôi.  Mình sợ vô đó, lỡ gặp Eva đứng làm dáng với cái táo, mình biết, mình ngây thơ lắm, mình sẽ chọn “cắn” thứ gì đó … mà có thể nàng sẽ cho lên trên luôn, hoặc đày ở lại trần gian luôn với nàng thì … chết. ! 🙂 Lại lo như là đang … “lạc mất thứ gì”. ==> Khổ.

Buổi tối thứ hai ở đó, sau một ngày làm việc căng thẳng với lũ người khi xưa đã lỡ cắn trái táo, trằn trọc cả đêm không ngủ được.  Thức giấc dậy uống nước lại thấy nàng trần trụi bên đầu giường, với quả táo nhưng đằng sau là con rắn, thôi, sợ quá , tắt đèn, nằm thụt xuống, xa nàng ra một chút. Trên trần nhà là hai cái cửa sổ kính với ánh trăng tuổi 13-14 mờ mờ ảo ảo . Cái kiểu ánh sáng không rõ ràng nào đó nhìn mình như cười diễu, như thách thức, cái kiểu ánh sáng không đẹp dịu hiền như chị Hằng mình đã từng lớn lên ở quê nhà. Thế là ngồi bật dậy, gọi về agent bên nhà, bảo ngày mai đổi dùm cho mình về lại mái nhà xưa( khách sạn cũ như của bao năm rồi).  Cái gì xưa cũ, không lạ, nhưng lúc nào cũng cho ta cái cảm giác bình an nhẹ nhàng cho dù lắm khi, nhàm chán.

Tạm biệt Em,  Eva, nhân một lần ghé thăm .

Phạm Trường Lưu

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.