Én Liệng Truông Mây

1] ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY

Hồi thứ ba mươi

Núi Linh Phong thiên sư phân thiên tượng

Bến My Lăng dị sĩ tặng binh thư

………………………..

Từ giã Phương Tích, Trần Lâm thả ngựa dạo khắp phủ lỵ Quy Nhơn. Đợi trăng lên, chàng dừng chân ghé thăm bến My Lăng huyền thoại, nơi mà hơn ba trăm năm trước đã có một chàng kiếm khách đất Thăng Long bỏ nước vào đất Chiêm, ẩn thân làm gã lái đò để bảo vệ cho Huyền Trân Công chúa. Cũng nhờ vào tấm tình si ấy mà chàng kiếm sĩ đã kịp thời báo về Thăng Long để triều đình nhà Trần có kế hoạch cứu Công chúa Huyền Trân thoát khỏi nạn bị hỏa thiêu theo chồng là Vua Chiêm Chế Mân. Bến cũ còn đây, người xưa đâu tá? Chỉ còn lại dòng nước Côn Giang lạnh lùng trôi dưới ánh trăng vàng, giữa đôi bờ cỏ cây hoang dại. Bên kia bờ, đò ai cắm giữa dòng sông như đang say giấc điệp. Lòng chàng dạt dào cảm khái bèn cất cao tiếng hát lồng lộng giữa đêm trăng:

Côn Giang hề! Giang thủy biếc! Giang nguyệt lung!

Chảy về đâu? Đâu hỡi bóng anh hùng?

Nguyệt mãn hề! Mộng xưa sao cứ khuyết?

Sóng gợn hề! Sao lửa dậy không trung?

Dạo Côn Giang, tuấn kiệt xưa mấy kẻ

Mà đêm nay thiếu vắng một tri âm

Đời loạn lạc ngoài kia dâu với bể

Dòng Côn Giang trôi mãi với thăng trầm.

 

Dịch nghĩa:

Ôi dòng Côn Giang nước xanh biếc, ánh trăng lung linh.

Nước chảy về đâu và đâu bóng anh hùng?

Vầng trăng đầy sao mộng xưa cứ khuyết?

Sóng Côn Giang vẫn gợn sao lửa khói điêu tàn dậy không trung?

Trên bờ Côn Giang xưa hào kiệt biết bao người đã từng dạo bước, mà đêm nay lại thiếu vắng một tri âm.

Đời vẫn còn loạn lạc, dòng Côn Giang đã chứng kiến biết bao cảnh thăng trầm.

Bỗng có tiếng ngâm vang lên từ chiếc thuyền con bên kia bờ sông:

Lạc hoa lưu thủy tự nhiên tình

Suy thịnh tồn vong tạo hóa sinh

Mạc vấn vô tâm chung đỉnh sự

My Lăng Điếu Tẩu mộng Trang Sinh.

Dịch nghĩa:

Hoa rơi, nước chảy là cái tình của tự nhiên

Suy thịnh còn mất là lẽ của tạo hóa khi sinh ra vạn vật

Đừng hỏi vì sao không lưu tâm đến chuyện chung đỉnh

Lão câu cá bến My Lăng mộng thấy Trang Sinh.

Trần Lâm nghe giọng ngâm thanh thản, ý thơ đượm mùi chính khí, thoát tục thì biết ngay đó là người dật sĩ lánh đời, trong lòng nảy sinh kính ngưỡng. Chàng cất tiếng gọi lớn:

– Cụ ơi, làm ơn ghé thuyền sang cho cháu hỏi thăm?

Trên thuyền vẫn im lặng không thấy trả lời, Trần Lâm cất tiếng gọi lớn hơn nữa:

– Cụ ơi! Cụ câu cá bến My Lăng! Làm ơn ghé thuyền sang cho cháu hỏi thăm chút việc có được không?

Vẫn không có tiếng đáp lại. Chiếc thuyền câu vẫn neo sào nằm yên trên bến vắng. Trần Lâm không nản chí, vận nội lực cất tiếng gọi lớn hơn:

– Cụ ơi! Cụ My Lăng Điếu Tẩu ơi! Làm ơn ghé thuyền sang cho cháu hỏi thăm chút việc có được không?

Nước động, ánh trăng trên mặt nước vỡ theo nhịp mái chèo khua. Chiếc thuyền câu từ từ tiến sang bờ Bắc. Chiếc thuyền câu khá lớn, khi thuyền đến gần bờ, có tiếng ông lão hỏi:

– Hiệp sĩ có việc gì cần kíp muốn hỏi mà đêm trăng thanh vắng lại làm rộn, phá tan giấc mộng của ta vậy?

Trần Lâm chắp tay lễ phép thưa:

– Dạ, xin lỗi đã quấy rầy giấc mộng Trang Sinh8 của cụ. Cháu chỉ muốn hỏi thăm bến này còn có con đò muộn nào đưa khách sang sông không?

– Giờ này đã muộn, chẳng còn đò dọc, đò ngang nào nữa cả.

Trần Lâm ngập ngừng một lúc rồi hỏi:

– Chỉ sợ làm phiền lòng người ẩn sĩ như cụ, nhưng cháu cần sang sông đêm nay nên đành mạo muội nhờ cụ đưa giúp cho có được chăng? Cháu xin hậu tạ.

– Hiệp sĩ sẽ hậu tạ ta bằng cách nào?

– Vàng bạc chỉ e làm bẩn đôi tay thanh bạch, tiếng cảm ơn lại sợ bẩn đôi tai cao sĩ, cháu chỉ còn biết cảm tạ cụ bằng một tấm lòng đơn bạc.

Ông lão cười ha hả nói:

– Hay lắm, hay lắm! Nhưng hiệp sĩ sang sông làm gì mà lại gấp đến vậy?

– Cường thần đại nghịch, bá tánh lầm than, không gấp làm sao được?

– Hiệp sĩ tay dắt Ô Truy, lưng đeo kiếm báu, gấp sang đò có phải muốn trở lại Giang Đông chăng?

– Cháu là người Đại Việt, không phải là Hạng Vương nên không trở lại Giang Đông.

– Vậy hiệp sĩ định về đâu?

– Tây Sơn linh khí tỏa đầy, cháu muốn đến đó để tìm cầu minh chúa.

Ông lão ngư phủ lại cất tiếng cười ha hả:

– Có tráng chí! Hay lắm! Nếu vậy ta sẽ chở giúp hiệp sĩ sang bờ. Nào lên đây, cả con Ô Truy thần mã kia nữa.

Ông lão khua nhẹ mái chèo, chiếc thuyền câu ghé vào gần bến rồi dừng lại nhưng không chịu cập sát bờ. Ông lão đưa mắt nhìn Trần Lâm có ý giục chàng xuống thuyền. Trần Lâm biết ông lão đang muốn thử tài mình bèn đưa tay phải luồn dưới bụng con Ô Truy rồi nói:

– Xin cụ ghìm thuyền cho vững giùm cháu nhé.

Nói xong chàng một tay nâng con Ô Truy lên, tung người nhảy nhẹ nhàng xuống đuôi thuyền, chiếc thuyền câu chỉ hơi tròng trành một chút. Chàng thản nhiên đặt con Ô Truy xuống sàn thuyền. Ông lão gật gù mỉm cười rồi khua mái chèo, con thuyền quay đầu bơi ra giữa dòng sông. Mùa này nước Côn Giang đầy bờ lại chảy khá xiết nhưng tay chèo của ông lão rất nhẹ nhàng. Dù vậy con thuyền bơi ngang chẳng thấy lệch mũi chút nào. Trần Lâm ngồi trước mặt ông lão và nhận ra ông có nét mặt phương phi, quắc thước, sắc da hồng hào không giống với người giăng câu kiếm sống. Mái tóc ông bạc phơ phơ càng tăng thêm vẻ tiêu sái, nhàn nhân. Biết ông lão này là cao nhân, chàng nói:

– Cụ để cháu chèo thế cho.

– Không cần đâu. Đã làm ơn thì tôi phải làm cho trót.

Thuyền gần đến chỗ lúc nãy cắm sào neo, ông lão hỏi:

– Hiệp sĩ có muốn cùng già này đối ẩm vài chung rượu nhạt chăng?

Trần Lâm hớn hở đáp:

– Đêm thanh, trăng nước hữu tình, được cùng cao nhân đối ẩm thì còn gì thú vị cho bằng? Cung kính bất như phụng mạng.

Ông lão ghìm thuyền nơi dòng nước cạn, rút cây sào cắm nhẹ nhàng xuống đáy sông neo thuyền lại. Ông giở tấm ván trên khoang thuyền lấy ra một hộp gỗ để lên chiếc bàn nhỏ. Sau đó lôi từ trong khoang ra bốn, năm bình rượu đủ cỡ lớn nhỏ, đủ kiểu cách mẫu mã. Ông cẩn thận mở chiếc hộp gỗ, lấy ra một chiếc bình đựng rượu và mười mấy chung rượu đủ loại, chiếc nào cũng sắc sảo tinh vi, có những chiếc nước men bóng loáng, chạm trổ cầu kỳ, lại có chiếc trông cũ kỹ, mộc mạc như màu đất sét nung nguyên thủy. Ông cụ chọn một bình rượu, sang ra chiếc bình sứ nhỏ, sau đó lấy hai chiếc chung có màu men trắng như ngà, trang trọng rót đầy rượu vào và nói:

– Mời hiệp sĩ! Lâu lắm rồi tôi mới có dịp cùng người đối ẩm. Hẳn chúng ta có chút duyên phận với nhau đây.

Trần Lâm lễ phép nói:

– Cháu tên Trần Lâm, xin cụ gọi tên cho dễ. Chẳng hay cháu sắp được uống chung rượu quí của ai đây?

Ông lão mỉm cười hỏi:

– Chưa uống sao đã biết là rượu quí?

– Nhìn cách bày rượu và rót rượu của cụ thôi cháu đã biết là rượu quí rồi.

– Hình thức chỉ là thứ yếu. Uống thử đi xem nó quí bậc nào?

– Xin mời cụ!

Trần Lâm nâng chung rượu lên môi, một cảm giác mát lạnh truyền qua những ngón tay, một mùi hương vừa thoảng vừa nồng bốc lên mũi thật khoan khoái. Chàng nhấm môi một chút, vị nồng nàn, lăn tăn tê nơi đầu lưỡi. Uống trọn chung hơi ấm đã theo chất rượu chạy dần xuống bao tử sau đó lan tỏa khắp châu thân. Chàng “khà” lên một tiếng và đặt chung xuống bàn. Ông lão chăm chú nhìn nét mặt của chàng như để theo dõi những diễn biến cảm giác khi uống chung rượu. Trần Lâm nói:

– Đây phải là loại Bàu Đá thượng hảo hạng, ủ lâu năm dưới đất trong chum đất Gò Sành. Bình rượu này hẳn phải là của một nhà cất rượu rất chuyên nghiệp cất lấy.

Ông cụ mỉm cười gật đầu tỏ vẻ tán thưởng:

– Hay lắm! Đúng là tay sành rượu. Uống tiếp chung thứ hai này nữa xem.

Ông rót đầy chung, Trần Lâm nâng chung mời rồi uống cạn. Chàng lại “khà” một tiếng nói:

– Chung này hương vị còn đậm đà hơn chung trước, có lẽ nhờ chung rượu trước đã tẩy rửa sạch miệng của mình.

– Giỏi! Đúng là bình rượu này do những nhà cất rượu chuyên nghiệp cất ra. Chúng tôi tự tay cất lấy nó đấy.

Trần Lâm ngạc nhiên hỏi:

– Ra cụ là nhà cất rượu Bàu Đá à?

– Tổ tiên chúng tôi là con cháu nhà Trần vì loạn Hồ Quý Ly nên bỏ xứ vào đây nương náu. Xứ lạ quê người, buồn nhớ cố hương nên cất rượu để uống giải sầu và mượn rượu để kết giao với người bản địa. Nhân trước mặt nhà có bàu nước khá lớn, trong một lần giếng nước bị khô, chúng tôi dùng nước trong bàu lược kỹ để chưng rượu. Rượu ra hương vị lại thơm ngon hơn nước giếng nhiều lần nên từ đó chúng tôi tiếp tục dùng nước bàu để cất rượu. Cái tên Bàu Đá là do bên cạnh bàu có một hòn đá rất lớn mà ra. Về sau, người Chiêm uống rượu thấy ngon quá nên cũng xin học cách nấu và qui tụ lại quanh bàu sinh sống. Họ chọn nghề nấu rượu làm kế sinh nhai. Lúc vua Lê Thánh Tông chiếm thành Đồ Bàn, người Chiêm bỏ chạy vào Thuận Thành, người Việt mình theo chân vua Lê vào đây lập nghiệp, rượu Bàu Đá càng được phát triển rộng rãi hơn và trở thành danh tửu của phủ nhà.

Trần Lâm nói:

– Nhưng rượu của họ Trần nhà cụ mới chính thống là rượu Bàu Đá nguyên thủy, do đó hương vị khác hơn hẳn những thứ Bàu Đá mà cháu đã từng uống qua.

– Rượu chúng tôi cất chỉ để cùng bạn tâm giao đối ẩm chứ không còn bán ra ngoài nữa.

Ông lần lượt giới thiệu qua các loại rượu trong những chiếc bình. Bình thứ hai là rượu Nanh Chồn, rượu này nấu bằng loại gạo Hỏa Mễ trồng trên những vùng đất cao. Bình thứ ba đựng loại rượu Sen Hồng nấu băng gạo Hồng Liên có hạt lớn, lông màu đỏ hồng. Bình thứ tư đựng loại rượu Tiên của Chiêm Thành được nấu bằng loại lúa Tiên thượng hạng chỉ để cho những bậc vua chúa Chiêm dùng. Mỗi thứ rượu, ông lão lại dùng một loại chén riêng để uống. Trần Lâm vừa thưởng thức những chung rượu hảo hạng vừa được nghe phân tích về nguồn gốc và tính chất của từng loại nên lòng cảm khoái vô cùng. Chàng ôm quyền lễ phép nói:

– Cháu vô cùng cảm kích sự ưu ái của Trần lão công. Thật là một cuộc rượu để đời, cháu xin tạc dạ.

– Trần hiệp sĩ tuổi trẻ, khí phái bất phàm, tráng chí rộng lớn. Những chung rượu này đã tìm đúng người thưởng thức nó. Thật là tửu phùng tri kỷ.

– Cháu chỉ vì thương bá tánh lầm than nên trót buông lời cao ngạo làm bẩn tai bậc ẩn sĩ như cụ đây.

Trần lão cười ha ha nói:

– Những lời nói đầy khí phách như thế sao có thể làm bẩn tai người được chứ? Lão đêm đêm cắm thuyền trên bến My Lăng là có ý chờ gặp người đại chí, biết yêu thương bá tánh mà gởi chút tâm ý của mình. Nay gặp Trần hiệp sĩ thì đã thỏa lòng chờ đợi bao nhiêu năm rồi.

Trần Lâm vội hỏi:

– Cháu và cụ chỉ là bèo nước gặp nhau, uống vài chung rượu, nói vài câu sáo ngữ, làm sao cụ biết được cháu có đủ tư cách để gửi thác tâm sự của mình?

Trần lão nghiêm trang nói:

– Có đôi khi chỉ một lời nói cũng đủ bày tỏ cả tấm lòng. Bằng vào vài câu hỏi lúc mới gặp nhau tôi đã biết Trần hiệp sĩ là người tài cao, chí cả. Không thể nào nhầm lẫn được.

– Đa tạ sự ưu ái của Trần lão công. Chỉ e cháu sức mọn tài hèn, không thể đảm đương điều ủy thác.

– Không hề gì. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Chúng ta cứ hết lòng mưu sự, việc thành bại hãy trông vào mệnh trời có ứng hợp hay không.

– Nếu cụ đã tin, cháu xin hết lòng. Xin cho biết cụ muốn gởi gắm điều gì?

Ông lão nhìn vào mắt Trần Lâm hỏi:

– Trần hiệp sĩ hãy nói thử xem hiện tình đất nước mình lúc này ra sao?

– Cụ đã hỏi, cháu xin mạn luận về Thiên trước, sau đó nói đến Địa và Nhân.

Trần lão gật đầu tán thành rồi chăm chú lắng nghe. Trần Lâm bèn đem những nhận xét về thiên văn đã trao đổi cùng sư phụ mình nói lại cho ông nghe. Cuối cùng chàng nói:

– Đó là những gì trời cao nói với chúng ta. Cháu thấy những điều này thật ứng hợp với những lời sấm ký đang lan truyền rộng rãi trong dân gian ngày nay. E rằng đất nước sẽ không thoát được một trận lửa binh thảm khốc.

Trần lão rót đầy hai chung rượu.

– Uống chung này cho chữ Thiên. Còn về chữ Địa thì thế nào?

Trần Lâm uống cạn chung rượu đáp:

– Một dải giang san nay đã bị phân đôi, đó là điều thất bại lớn nhất và đau đớn nhất của con dân Việt tộc. Tuy mấy đời Chúa Nguyễn mở mang miền Nam đến cuối mũi, mút chân trời nhưng cũng không đủ để bù đắp cho điều mất mát ấy. Huống chi vùng đất mới mở mang hãy còn hoang sơ mà hiện nay phủ Chúa lại bỏ bê, không có kế hoạch khai thác nên có mà cũng gần như là không.

Trần lão lại rót một chung rượu khác đẩy về phía Trần Lâm nói:

– Uống chung này cho chữ Địa. Còn chữ Nhân thì sao?

Trần Lâm uống cạn chung rượu rồi ôn tồn nói:

– Đạo trời tuy mờ mịt nhưng còn có các thiên tượng để con người phán đoán. Đất đai là vật thực, sự lớn nhỏ, mất còn… hiện hữu rõ ràng chúng ta có thể nhận định, chứ lòng người thăm thẳm khôn dò, cháu tuổi còn trẻ, chưa lịch lãm đường đời, nói đến chữ Nhân e rằng chỉ phơn phớt ngoài da, không nhìn được thấu vào trong. Chữ Nhân cháu xin được rửa tai nghe lời cao luận của cụ vậy.

Trần lão cười ha hả nói:

– Khéo lắm, khéo lắm! Nói đến chữ Nhân của một quốc gia, một thời đại là nói đến tấm lòng của trăm họ đối với vua với chúa, hay nói đúng hơn là với người đang nắm quyền hành cai trị đất nước. Trong vòng hai mươi năm nay, Trương Phúc Loan từng bước, từng bước một đã thâu tóm quyền hành phủ Chúa trong tay, đẩy Chúa vào con đường dâm bôn, trụy lạc khiến lòng dân tan tác, bá tánh lầm than, không còn tin vào họ Nguyễn nữa. Từ ngày Võ Vương mất, cơ đồ họ Nguyễn gần như nằm gọn trong bàn tay tham lam của cha con Quốc phó. Họ mặc tình mua quan bán tước, kết nạp bè đảng, giết hại trung thần nên lòng người lại càng thêm thán oán, bộ máy cầm quyền càng thêm rệu rã bởi một lũ tham quan, ô lại từ thượng tầng xuống tới hạ tầng. Lòng trời lại hùa theo bọn gian đảng, muốn đày đọa sinh linh nên thiên tai liên tục giáng xuống khiến cho người nghèo đói ăn xin có tới ức triệu, kẻ chết đói xác bỏ đầy đường có tới ngàn muôn. Triều đình nhà Nguyễn ngày nay rường cột đã gãy đổ, mục nát, kho lẫm trống rỗng vì tất cả đã lọt vào tay bọn ô lại. Bá tánh đã quay lưng. Nay chỉ cần một cơn gió nhẹ, căn nhà mục nát kia sẽ ngã đổ tức thì. Đó là chữ Nhân của thời đại này vậy.

– Nhưng sự nghiệp to lớn của phủ Chúa Nguyễn hãy còn để lại trong lòng người dân Đàng Trong này một dấu ấn rất sâu đậm, cho nên những trung thần tuy có bị bọn tham quan trù dập nhưng họ vẫn giữ một lòng trung. Hơn nữa trong tay quan Quốc phó còn có tướng mạnh binh cường, đó là rường, là cột, cơn gió nào đủ mạnh để làm ngã đổ được nó?

– Quốc lệnh nghiêm minh thì binh mới cường, tướng mới mạnh. Nay bề trên chỉ lo vơ vét, bên dưới hùa theo hà hiếp, bóc lột dân đen, lính tráng thì bỏ tiền mua chuộc để được sung sướng. Kỷ luật ở đâu, tinh thần ở đâu mà chiến đấu? Còn những bọn ngu trung chỉ biết co đầu rút cổ tự cho mình là người trong sạch, cốt chỉ để tô điểm hai chữ “tiết tháo” rặt điều sách vở chứ đâu có dũng khí đứng lên phản đối. Trong khi Đàng Ngoài, Chúa Trịnh dưới quyền Trịnh Doanh ngày một vững mạnh thì Đàng Trong ngày một suy vi bởi Võ Vương, giờ dưới quyền một đứa trẻ mới mười ba tuổi lại càng rệu rã hơn nữa. Cho nên nếu tự thân Đàng Trong không có cơn gió lạ thổi sập ngôi nhà mục nát kia đi thì cũng sẽ có một ngày bị Đàng Ngoài thâu tóm.

– Theo ý cụ như thế nào mới là phải?

– Cứ theo đà suy sụp thế này thì trong vòng ba bốn năm nữa xã hội Đàng Trong sẽ cực kỳ loạn lạc. Riêng con người đã tạo ra thảm họa đày đọa con người, nếu lòng trời ghét bỏ, giáng thêm thiên tai xuống nữa thì bá tánh chỉ còn một con đường hoặc là chết hoặc là nổi loạn để tìm đường sống. Những kẻ có lòng, ngay từ giờ phút này phải làm một điều gì đó để cứu sanh linh thoát khỏi cảnh lầm than kia.

Trần Lâm nghe Trần lão nói xong thở dài:

– Nghe lời cao luận của cụ cháu cảm thấy bầu nhiệt huyết trong người sôi lên cuồn cuộn, nhưng biết mình tài thô, trí thiển nên chỉ đành ngậm hờn ngồi nhìn bá tánh điêu linh.

– Trần hiệp sĩ đừng vội thối chí. Tôi đã từng gặp qua nhiều người nhưng chỉ có mỗi hiệp sĩ mới là người mà tôi quí phục. Xin tặng hiệp sĩ vật này. Đó là tâm sự mà tôi muốn gởi lại cho hiệp sĩ và bà con trăm họ.

Ông lục trong khoang thuyền lấy ra một gói nhỏ được bọc mấy lần vải chống thấm nước. Bên trong là hai cuốn sách nhỏ, màu giấy ngả vàng cũ kỹ. Ông trân trọng đưa cho Trần Lâm:

– Đây là sao bản cuốn “Binh thư yếu lược” của tổ tôi, ngài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và kiếm phổ Đằng Vân kiếm pháp mà tổ tiên tôi đã mang theo từ thời bỏ nước vào đất Chiêm. Nay tặng lại cho Trần hiệp sĩ với tâm nguyện mong nó có thể giúp ích cho trăm họ và đất nước này.

Trần Lâm vội nói:

– Cháu là kẻ ngu muội, tài sơ, đâu dám nhận những vật quí báu thế này, sợ không làm nên tích sự sẽ cô phụ tâm nguyện cao quí của Trần lão công.

– Trần hiệp sĩ chối từ mới là cô phụ tấm lòng của tôi. Xin hãy nhận lấy.

Trần Lâm nhận hai cuốn sách, giọng cảm động nói:

– Đa tạ Trần lão công đã tin tưởng mà giao phó vật quí. Cháu sẽ hết lòng để đền đáp tấm tình tri ngộ này.

– Hợp tan, thành bại… đều tại một chữ duyên. Chúng ta cứ tận sức mình gieo hạt giống rồi tùy duyên tốt xấu mà thu lấy quả. Trời đã hừng đông, chúc hiệp sĩ công thành chí toại.

– Đa tạ Trần lão công. Sau này cháu muốn gặp lại cụ thì phải đến nơi nào?

– Gặp tức không gặp, không gặp tức là gặp vậy.

 

*****

2]ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY

 

Những dấu tích thơ mộng trong trang đời sinh viên của tôi.


Trích từ nhật ký Huệ Thanh

 

Những ngày rảnh rỗi đầu năm II đại học tôi ôm bộ truyện “Én Liệng Truông Mây” của bác Vũ Thanh đọc một cách say mê. Dù mở đầu một cách chậm rãi, chưa thực sự lôi cuốn ( đây là dụng ý của tác giả chăng?) nhưng càng vào sâu truyện càng ly kỳ hấp dẫn. Đó vốn là cái hay của thể loại chương hồi và cái tài, cái nghệ thuật hành văn của tác giả. Những chi tiết có cái thực, có cái hư cấu, nhưng được chắp nối rất logic với các sự kiện lịch sử. Những điển tích điển cố được lồng ghép tài tình, cụ thể là tích Hòn Vọng Phu. Sự sáng tạo và cách tưởng tượng phong phú của tác giả đã làm nên sức lôi cuốn cho tác phẩm, đồng thời cho thấy sự dày công với đầy tâm huyết. Người đọc nếu muốn đi tìm lại cái mạnh mẽ khốc liệt của đao kiếm thời xưa thì không thể bỏ qua các màn giao đấu sinh tử của các anh hào trong truyện. Những bài kiếm và những thế đánh đầy bất ngờ uyển chuyển. Dù bắt gặp khá nhiều màn so gươm nhưng hầu như không có sự trùng lặp trong các chiêu thức tuyệt kỉ của từng nhân vật.  Én Liệng Truông Mây đã làm sống dậy cái hào khí anh hùng, tinh thần hiệp sĩ đạo thông qua những triết lý tư tưởng nhẹ nhàng. Xen lẫn là những mối tình đẹp dở dang trắc trở đầy lãng mạn.

 

Có những đêm tôi nằm mơ gặp “bạch y công chúa” trên chuyến thuyền chở ánh trăng Rằm Trung Thu mà ngỡ mình là Trương Văn Hiến thư sinh  đa tài, giỏi võ. Đọc xong Én Liệng Truông Mây ai mà không muốn mình được như Trần Lâm,_ chàng lãng tử võ nghệ cao cường và trãi qua nhiều mối tình đẹp.(cam đoan bạn trẻ nào như tôi mà không mê hay không ghen với Trần Lâm mới lạ). Hay hình ảnh Trần Bạch Mai giả nam nhi về bốc mộ cha đầy cảm động cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Và cuối cùng là bạn đọc thấy và cảm nhận chân dung, nét hào sảng anh hùng của chàng Lía.

 

Cứ sau mỗi chương hồi hấp dẫn tôi lại thốt lên “Ước chi mình được quay về thời đó”.  Cái ước muốn được trở lại cái thời kỳ mà cuộc sống chất chứa đầy  cái lãng mạn của hồn người, cái sâu sắc trong tư tưởng, cái tính hiệp nghĩa của võ sỹ đạo, cái chí khí anh hùng quyện với cái ngây thơ trong sáng của yểu điệu thục nữ… Như vậy là, Én Liệng Truông Mây vừa mang đến cho cho tôi nhiều cảm khái vừa gieo vào lòng tôi một tiếc nuối bâng khuâng về một khung cảnh sống và tình người nhuốm màu hoàng kim sơ khai đã qua rồi.

 

Cảm ơn bác Vũ Thanh và Én Liệng Truông Mây đã dắt hồn tôi về được với cái quá khứ hào hùng, tiếp cận được cái chân thiện mỹ trên cái nền thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của một thời kỳ xa xưa. Một chút vậy thôi cũng đã quá đủ giữa cái thời mà văn hóa đọc đang suy vi này.

 

Trích “ nhật kí Huệ Thanh”

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.