Hồi ký: Về người cha thi sĩ[ TT]

 

Trước kia, khi đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc sống; chị em tôi cằn nhằn gây áp lực cho cha: “Sao ba không làm việc gì dễ kiếm tiền, làm chi nghề nhà thơ để “Bút sa gà chết, lại nghèo xác xơ thế này?! Nỗi bức xúc của chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng của cha. Ông như để con tự hiểu, không giải thích, không đôi co.

Nhưng, khi bốc mẫu số 2, tôi như được ai đó âm thầm dẫn qua mọi ngõ ngách, góc khuất của  82 năm đời làm thi sĩ tại miền đất võ ở cha tôi. Rồi, dần dà tôi nhận ra được chân dung con người thật của cha – qua cuộc sống mà ông từng trãi.

Tôi đã từng nghe rất nhiều tranh luận về thơ ba tôi, nào là “Thơ của Yến Lan là thực tế và là lời nhắc nhở sự tìm tòi” nào là “Nhận xét của Văn Cao hoàn toàn đúng với thơ của Yến Lan, không phải chỉ thời đó mà còn cả các tập thơ mới xuất bản sau này”; hay như “Những điều Yến Lan đưa ra trước đây, giờ mới thấy ông đúng.” và “Yến Lan là nhà thơ biệt lạ!” v.v…

Khi xem thư của bạn hữu hay người hâm mộ viết cho ba, tôi chú ý đến lời bác Quách Tấn  dặn: “Những chuyện của chú nên kể cho con trẻ biết. Bây giờ chúng ta chưa nhận ra, hoặc xem nó bình thường nhưng sau này, đối với trẻ là vàng, là ngọc quí đó chú ạ”. Tôi thấy đó là trách nhiệm của người con là phải tìm cho ra sắc ngọc ấy đ chuyển tải nó cho con cháu.


Tuy cha tôi không để lại một thiên hồi ký nào viết về “tôi làm thơ” song mỗi tác phẩm của ông lời nhắn nhủ, là chính cuộc đời ông đã chiêm nghiệm. Nó như bức thông điệp mà ông muốn gửi lại cho thế hệ trẻ mai sau.

Khi bắt tay vào những trang đầu của hồi ký, tôi phải lội qua ma trận của giới văn chương mà trước đó tôi chẳng hiểu tí gì; tôi thật sự lúng túng! Nhưng nhờ sự giúp đỡ thấu tình đạt lý của nhạc sĩ La Nhiên, thầy giáo dạy triết Trường Đại học Qui Nhơn – anh Cao Kế, nhà nghiên cứu văn học Khổng Đức, nhà văn Mang Viên Long, Nguyễn Hòa… tôi đã thật sự vững tin cầm bút viết nên những trang hồi ký sau.

Tuổi thơ của cha tôi

 

Ông nội tôi, là nhà nho. Có 6 con; ba trai, ba gái. Dù trai hay gái đều mang tên các loài hoa: Cô Lê, cô Đào, bác Mận, cô Liễu, bác Mai và cậu út Lang tức cậu Bảy. Cậu Bảy được sinh ra hơi khác người: “Yến Lan là trường hơp không dễ gì lặp lại. Ông Đồ họ Lâm của vùng núi An Khê hẻo lánh ngậm sầu vì thi không đậu ở Trường Thi–Bình Định khi xưa đã quyết chí vượt bến sông Trường Thi sang làng Nhơn Hòa định cư cùng người vợ mới cưới. Ở đó, vào ngày 2 tháng 3 năm Đinh tỵ, khi con đò đưa người mẹ mang thai vừa cập bờ cát, bà đã trở dạ và sinh ra cậu con trai ngay trên bãi cát”. Bà đâu biết bà đã sinh ra một nhà thơ và nhà thơ ấy đã nổi tiếng bằng chính bài thơ làm về cái bến mà mẹ đã đẻ rơi mình. Bà mẹ đã sinh ra nhà thơ. Còn nhà thơ thì tự đặt tên cho cái bến nơi mình sinh ra là Bến My Lăng (Báo LĐ số 55/96 .Thụy Kha )

 

Theo lời ba tôi kể:

“Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Bình Định, cạnh thành Bình Định một thời nguy nga tráng lệ, giờ đã hoang phế đổ nát. Gia đình tôi rất nghèo. Cha tôi từng ôm mộng khoa cử thi hương mấy lần không đỗ, ông nản chí bỏ luôn chuyện đèn sách, về lấy vợ. Mẹ tôi là thợ may nổi tiếng trong vùng. Ngày còn sống, nhờ vào bàn tay của bà mà gia đình tôi có cuộc sống tạm đủ.

Lúc lên 6 tuổi mẹ ốm nặng rồi qua đời, gia sản không còn gì, nhà lâm vào cảnh túng quẫn; cha thi cử không đỗ đạt đâm nản, bỏ con cái nheo nhóc. Không còn mẹ, các chị phải làm lụng vất vả để nuôi em.

– Chị Hai Lê, ham cờ bạc, sống bần hàn; có đứa con gái không nuôi nổi, đem gán cho người Ê-đê ở Gia-lai. Chị bị cái mụn nhọt ở đùi, không tiền mua thuốc trị, bị nhiểm trùng rồi mất. Con gái chị, nghe nói những năm 60 (thế kỷ 20) có xuống thị trấn tìm cậu, nhưng lúc đó, tôi đã ở Hà Nội! Không biết giờ này cháu lang bạt nơi đâu, còn sống hay đã chết, chồng con thế nào? tôi thật sự muốn biết lắm; Tâm trí tôi lúc nào cũng bị ám ảnh về mẹ con chị. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi tự trách mình về cái chết của chị. Lúc đó, tôi giận chị vì thói cờ bạc, nói mãi mà chị không nghe, nên bỏ mặc; chứ cái nhọt ấy, chỉ vài viên kháng sinh là khỏi thôi!


– Chị Tư Đào làm nghề quấn thuốc lá kiếm tiền nuôi tôi. Đây là người chị luôn khiến lòng tôi nặng tình. Ngày chị về nhà chồng, buồn quá, tôi làm thơ :

Chị đi lấy chồng

Khế chua chị nấu lá mòng tơi

Em ước được ăn đến trọn đời

Tang mẹ mãn rồi bà mối giục

Chị đi bát đũa cũng mồ côi


– Chị Năm Liễu của tôi vừa đẹp gái lại hát hay. Chị lấy ca hát làm nghề kiếm sống. Thời đó, xã hội khinh phụ nữ làm nghề ca hát, cho là “xướng ca vô loài”. Sau bao năm rong ruổi từ nơi này đến nơi khác, khách xem ít dần, chị bỏ quê sang Lào lập nghiệp. Thương chị, tôi viết:

Rời xứ sở lênh đênh theo đàn phách

Bốn lăm năm uống ngược nước Trường sơn

Câu vọng cổ khàn dần theo bước đường lưu lạc

Giờ chống gậy nhìn con cháu múa Lâm vong


– Anh Sáu Mai, tính tình hiền lành, an phận thủ thường. Anh làm kế toán cho một ông chủ ở Qui Nhơn, tuy thông minh, nhưng tính tình nhút nhát, nhẫn nhục và trung thành nên đời lận đận


-Cậu út Lang, ngay từ nhỏ đã biết tích lũy kiến thức học được, cậu chăm học và học giỏi, được nhà trường khen thưởng luôn. Lần nọ, trao phần thưởng cho cậu, quan đầu tỉnh muốn xem mặt cậu học trò chăm ngoan mà không tài nào gặp được. Thay vì đến lĩnh thưởng, cậu chạy ra bờ sông Côn, nằm lẫn trong đám cỏ tranh, khóc tất tưởi, vì không có bộ áo quần tử tế mặc để trình diện quan.

Bài thơ “Tuổi thơ” về hưu mới viết, nhưng dấu ấn nham nhỡ, cơ cực của thời thơ ấu hằn sâu trong tâm trí ba tôi được tái hiện lại rõ nét:

Tuổi thơ một đời cây thị

Chiều lung linh theo tiếng chuông chùa

Một lòng giếng nửa làng đến múc

Không thấy mặt mình chỉ nước nhấp nhô

Mẹ chết sớm, chị đi phu

Quần áo rách túm bằng dây chuối

Cơ, rô, bích, chuồn nằm đêm cha nuối

Muốn nuôi con cha lại bám đời con

Trong những đêm dài canh bạc tưởng trống trơn

Láng giềng giàu cấm làm bạn lứa

Nhiều hôm no tuổi, no hờn

Ở đây đọng một nỗi buồn lưu ly..

Biết đi đâu? Biết mong gì?

Tuổi thơ ơi! tuổi thơ.

Ta có em hay không có bao giờ?

Có khi em là hình mà ta là bóng

Bóng ở ngoài đời, hình thì trong mộng

Sau mỗi canh gà hình bóng phải rời xa

 

Mẹ cậu Lang mất chưa lâu thì cha lấy vợ lẻ. Người phụ nữ này mê dáng nho nhã của cha cậu từ lâu nên nhân lúc mẹ cậu ốm nặng, bà sớm chiều lân la chăm sóc, hầu như thay mẹ chia sẻ cô đơn, phiền muộn cho cha, khiến ông không thể chối từ. Rồi, khi mẹ cậu đi xa, mặc nhiên bà thành kế mẫu của cậu.

Có kế mẫu tưởng sẽ vơi đi khó khăn và khổ hạnh, song cơ cực vẫn hoàn cơ cực, bởi “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Đời cậu vốn dĩ mỏng manh như sợi chỉ, giờ thêm dì ghẻ khắc nghiệt làm tâm trí cậu bấn thêm. Cậu thương cha, sợ lúc trái gió trở trời không có người thân bên cạnh, cậu đành chấp nhận sống với dì ghẻ. Bao khó khăn, cay nghiệt dồn lên đôi vai trẻ thơ của cậu, vì các anh chị không chịu được tính đố kỵ, cố chấp của dì phải đi lập nghiệp xa.

Nhờ vốn chữ Hán cha dạy, cậu kê cái bàn nhỏ trước hiên chùa, hàng ngày viết đơn, thư từ thuê kiếm tiền tự mua sắm áo quần, sách vở và bỏ ống tre để dành.

Ở chùa, cậu ảnh hưởng đạo lý nhà Phật. Không phải trẻ nào cũng có được nhận thức như cậu. Cậu biết thiện, ác chỉ cách nhau có một ý niệm; nên cậu biết phải trái và ân cần, tử tế với mọi người.

Hồi học lớp nhì, thầy Hiệu trưởng thấy cậu ăn nói lưu loát, biết làm thơ nên giao cho cậu viết một vở kịch để các thầy diễn, lấy tiền giúp bà con bên kia sông vừa bị bảo lụt tàn phá. Hai ngày sau, cậu trình thầy vở kịch có nội dung “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Thầy vô cùng kinh ngạc ; làm sao cậu học trò mới 13 tuổi đã viết vở kịch thơ lục bát dài hai màn trong hai ngày với nội dung rất tình người vào thời bấy giờ. Thầy vội đưa cho các thầy tập để diễn (theo lối hát bài chòi và lô tô). Bà con nô nức kéo nhau tới xem đông và thích lắm. Từ đó, cậu được thầy Hiệu trưởng để ý tới.

Trong bản tự thuật do má tôi ghi, rằng “Năm 1934, nạn đói ở Bình Trị Thiên khiến tôi không đặng; tôi đã chặt ống tre, lấy tiền dành dụm từ việc viết thư và đơn thuê bấy lâu, nhờ nhà trường chuyển giúp bà con với nghĩa tìnhNhiễu điều phủ lấy giá gương /Người trong một nước phải thương nhau cùng” .

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.