Về “Nhất Chi Mai” của Mãn Giác Thiền Sư

Tác giả: Hoài Nguyễn

Những ai yêu thơ cổ chắc đều biết một bài “kệ” của Mãn Giác Thiền Sư mà Lê Quý Đôn khi tập hợp lại các bài thơ trong “Toàn Việt thi lục” đã thêm tiêu đề “Cáo tật thị chúng” .
Toàn bài kệ viết bằng chữ Hán, được sử dụng thịnh hành thời của Mãn Giác Thiền Sư, nguyên âm như sau:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

Ngô Tất Tố (1894-1954 ) là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam trước 1954 đã dịch bài kệ – thơ trên như sau.
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai
Trong bản dịch của cụ Ngô, hai câu cuối được nhiều người yêu thích nhất trong đó, “nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền Sư được dịch là “một cành mai” và nhiều người cứ đinh ninh là có “một cành mai” chứ không quan tâm đó là “mai” gì!
Nói đến “hoa Mai” thì ai cũng hiểu rằng đó là loài hoa biểu tượng cho ngày xuân, ngày Tết âm lịch, xuất hiện từ lâu đời không biết từ bao giờ!
Và nói đến hoa Mai thì người ta lại nghĩ ngay đến màu sắc vàng của nó, tương phản với sắc hồng đỏ của hoa Đào, cũng là một loại hoa tượng trưng cho ngày Tết…
Từ thuở nào, hoa Mai đã được mọi người chiêm ngưỡng, tượng trưng cho những gì đẹp đẽ thanh tao. Mỗi khi hoa Mai nở rộ là mỗi lúc lòng người nao nao, là dấu hiệu mùa xuân đang về. Hoa Mai và ngày xuân như là một biểu tượng cho những dân tộc đón Tết Âm lịch ở châu Á.
Những ngày xuân mà trong nhà, trong vườn thiếu bóng dáng hoa Mai đang từ từ hé nở rồi nở rộ thì có lẽ chúng ta không cảm nhận được mùa xuân đang về!
Do đó trong nên văn học nghệ thuật Á Đông thì hoa Mai đã đóng một vai trò quan trọng và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thi ca, hội họa….
Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) sống vào thời nhà Lý (1010-1225) là triều đại cường thịnh về quân sự, vững vàng về chính trị và rực rỡ về văn học.
Các cao tăng đời Lý học rộng, tinh thông Phật pháp lại giỏi Hán học nên được triều đình kính nể. Đạo Phật được tôn vinh nên nhiều người muốn tìm học triết lý Phật giáo. Ngoài việc thuyết giảng, các nhà sư còn dùng “kệ”, một thể thơ nhà Phật nhằm truyền đạt những ý cao siêu uyên áo của Phật pháp bằng những hình ảnh, những câu thơ ngắn gọn sinh động mà dễ hiểu.
Thời nhà Lý, lãnh thổ Đại Việt chỉ mới các tỉnh Hà Tĩnh, giáp với Quảng Bình nên việc vui đón tết bằng hoa của người Việt thường chỉ với những loài hoa dân dã. Hoa Mai vàng chỉ phù hợp khí hậu nhiệt đới ở phía Nam, lúc đó miền Bắc rất hiếm mai vàng trừ một số vùng Yên Tử – Quảng Ninh.
Như vậy “nhất chi mai” trong bài kệ – thơ của Mãn Giác Thiền Sư ắt hẳn không nói về loài mai vàng này vì khí hậu miền Bắc lạnh hơn miền Nam trong dịp Tết Nguyên đán…
Vậy “nhất chi mai” chắc chắn không phải là “một cành mai” vàng nào đó mà là tên của một loài mai phù hợp với đất Bắc!
Qua tìm hiểu nhiều tư liệu khoa học có giá trị thì bây giờ có lẽ nhiều người mới vỡ lẽ là “nhất chi mai” thời của Mãn Giác Thiền Sư chính là tên của một loài hoa!
Nguyên văn “nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền Sư viết bằng chữ Hán nên không có viết hoa, và nếu diễn Nôm thì “nhất chi” có nghĩa là “một cành” thì nghe rất hợp lý!
Thực ra “Nhất Chi Mai” còn gọi là Mai trắng (Bạch Mai, Hàn Mai, Lưỡng Nhị Mai, Nhị Độ Mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Tuy tên dân dã là Mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Thật ra thì trong chữ Hán, mai là cây mơ. Cây mơ ở Trung Quốc có nhiều, là loại cây ăn quả có hoa đẹp màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ. Riêng ở Việt Nam, mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi động Hương Tích.
Mai trắng hoàn toàn khác với giống Mai vàng miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae).
Vì điều kiện thổ nhưỡng, cây Mai vàng nở hoa vào dịp Tết Âm lịch chỉ có từ Quảng Trị trở vào, cho nên vào thời điểm Mãn Giác Thiền Sư nói về “nhất chi mai”, thì có thể đó chỉ là … hoa Mơ… và hoa Mơ trong thơ xưa vẫn gọi là hoa Mai!
Cây “Nhất Chi Mai” là loài Mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh. Nhất Chi Mai chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ. Nhất Chi Mai không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn. Nhưng nếu bén rễ đâm chồi được, thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường. Dường như, tiết trời càng lạnh, thì Nhất Chi Mai lại càng có sức sống hơn!
Đặc biệt Nhất Chi Mai có thể tái nở hoa vào tháng hai âm lịch, sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Nhất Chi Mai cũng giống như Đào, chỉ nảy hoa trên những cành non, cành già phát từ năm trước sẽ không nảy hoa.
Chính vì thế mà Mãn Giác Thiền Sư mới “thốt” lên:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Lần thứ hai Nhất Chi Mai nở mới là chính, còn lần đầu ví như Nhất Chi Mai cùng một hoa khác nở để báo tin mùa xuân đã về mà thôi!
Kệ – thơ của Mãn Giác Thiền Sư phản ánh một tâm hồn lắng đọng, ung dung tự tại, tĩnh lặng nhìn thế sự, đất trời đổi thay, hiểu rõ quy luật của vạn vật: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, từ đó thấu triệt đạo lý, đắc Đạo viên mãn, thoát vòng tử sinh. Đời người như bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, hết vòng tuần hoàn, như cây cối, trăm hoa úa tàn, rơi rụng. Nhưng Nhất Chi Mai vượt trên muôn loài hoa, vượt qua cái giá lạnh đông hàn, để rồi khai nở trong cái “thảng thốt” của Thiền Sư: “…Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Người Trung Hoa lấy hoa Mai tượng trưng cho tinh thần và khí tiết của dân tộc, họ coi hoa Mai là quốc hoa. Nghệ thuật thưởng thức hoa Mai phát xuất từ Trung Hoa, sau đó lan rộng sang những nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Mượn hoa, mượn cảnh để gởi gấm tâm tình của các thi nhân hay chuyển ý, tải đạo của các vị thiền sư ngày xưa đã trở nên vô cùng quen thuộc.
Chẳng thế mà Tri phủ Hán Dương nhà Thanh là Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tư Giản (1823-1890) khi ông này đi sứ sang Tàu. (Có người lâu nay vẫn cứ ngộ nhận là hai câu thơ của Cao Bá Quát!)
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
(Mười năm giao hảo tìm gươm báu
Một đời bái phục trước hoa mai)
Trước thềm năm mới, trăm hoa sẽ đua nhau sắc thắm nhưng có lẽ một loài hoa nếu vắng nó thì cảm giác như thiêu thiếu một chút gì xuân – hoa Mai, nên chiều nay ngồi viết lại bài này để chúng ta cảm nhận thêm về cái hương sắc hoa Mai trong mùa xuân, và nhất là hiểu thêm về Nhất Chi Mai của Mãn Giác Thiền Sư trong bài kệ ra đời trên mười thế kỷ nay…
Hoài Nguyễn – 19/01/2019
https://www.youtube.com/watch?v=4ZuYSl11Ahc

Leave a Reply

Your email address will not be published.