Hương Rừng Cao Nguyên

* Qua sự giới thiệu của Ngô Tín – Nguyễn Đức Diêu ,

CHSCĐ Khóa 1968 -1975 có nhã ý tặng Hương Xưa

một bài viết sắc sảo .Cám ơn tác giả & NS Ngô Tín .HX

Nắng chói chang ! Quái ! Giờ nầy rồi mà chẳng thấy nó đâu
cả, cái thằng Phan chết tiệt nầy.

Tôi liếc nhìn cái đồng hồ hai cửa sổ không người lái, cái di
chứng thằng đế quốc để lại, đã 11 giờ trưa rồi.  Mẹ, sắp
hàng từ sáng giờ, sắp đến phiên mua vé mà cũng chẳng thấy
nó đâu cả, thế mà đêm qua nó thề xe lửa cán đường rầy nữa
chứ, dễ điên thật !

Được rồi, không có mầy , tao cũng đi luôn, đợi  đấy, tao về
rồi tính sổ với mầy sau.

Cầm ̣được chiếc vé xe trong tay, tôi tót lên xe tìm chỗ ngồi,
thả cái bịch xuống ghế, sắp hàng từ 5 giờ sáng đến giờ,
đứ cả người !

Cũng khá đói bụng, sáng giờ chưa ăn gì cả mà, thôi gặm
quách khúc bánh mì, làm bịch trà đá nữa là chịu tới tối
luôn.

Vừa lim dim mắt thì bị khều nhẹ̣ vô tay, một thằng nhỏ lem
luốc đứng trước mặt,

–  Chú, chú , thuốc lá chú. Tôi lắc đầu. Thằng nhỏ cũng chưa
chịu tha tôi:

–  Chú, chú mua cái nầy chú, xài nhiều thứ lắm chú.

Thằng nhóc chìa ra một cái dao xếp đen xỉn màu.

–  Mua thứ nầy làm gì mầy !

–  Mua dùm con kiếm tiền ăn cơm chú, đói quá chú ơi !

–  Thôi được, lấy dùm tao bọc nước mía nghe.

Thằng nhỏ mừng rơn, cười ỏn ẻn, tót cái rột xuống đất.

Chiếc xe rồi cũng lăn bánh, lạy trời! Nó đứng thêm chút nữa
chắc xỉu quá, nóng bức, ngột ngạt…

Xe nhanh chóng rời thành phố, Thủ Đức, cầu Đồng Nai… lùi
lại phía sau, đưa người thanh niên đi vào một cuộc phiêu lưu lạ
lẫm.  “Nathalie, Nathalie” , tên em dễ thương quá, như em vậy, anh
đang đến với em đây.  Dòng hồi tưởng của tôi cũng chạy ngược
về sau theo những hàng cây hai bên đường….

Tháng 9 năm 1976, ngày khai giảng niên khóa mới của Trường Cao
Đẳng Y Tế Thành phố, tôi cũng là một sinh viên mới của
trường.  Hôm đó, chúng tôi, những sinh viên mới và thầy cô bắt
đầu làm quen nhau.  Lớp chúng tôi gồm 40 người, cả nam và nữ.
Chủ nhiệm lớp là một cô giáo người Bắc, nhìn cô có vẻ
khó, không được vui vẻ lắm.  Trong khi cô giáo nói chuyện cùng
chúng tôi thì một cô gái bước vào lớp,

–  Chào cô .

–  Em là …?

–  Dạ, em là H’Nathalie Kpă , học sinh lớp nầy ạ, xin lỗi cô em
đã đến trễ.

– À ra là em, tôi cũng đang đợi em, không sao, nhưng sao em đi
học mà mang gì nhiều thế ?

Không riêng gì cô giáo, mà cả lớp học đang nhìn cô sinh viên
đến trễ nầy vì cái đẹp có phần khác lạ của cô gái.

–  Dạ, em  từ Darlac đến thẳng đây, nên phải mang luôn cả vật dụng ạ.

–  À ra thế ! Thôi em xuống lớp đi.

Cô gái mang cả một cái ba-lô to tướng trên lưng, cô bỏ cái balô
xuống rồi quay tìm chỗ ngồi.  Hôm nay, tôi cũng là người đi
trễ, nên phải vào ngồi chung với hai  học sinh nữ, dù là tôi
không thích mấy.  Mỗi bàn bốn người, tất cả đều đã đầy,
chỉ trừ bàn tôi là ba người, hai cô học sinh nữ và tôi.  Cô
bạn học mới nhìn quanh rồi nhận ra, cô bước lại và tôi cũng
hiểu ý liền (lại mừng thầm nữa), nên đứng dậy nhường chỗ
cho cô bước vào, ngồi kế bên tôi, trước ánh mắt ghen tị của
các bạn khác.

Mọi người không ganh tị với tôi sao được khi cô sinh viên ̣đến
trễ nầy có một vẻ đẹp lạ lùng, vừa có chút gì đó thánh
thiện nhưng lại cũng vừa có nét man dại của núi rừng cao
nguyên. Cô có làn da hơi ngâm, nhưng mắt mũi rất thanh tao, đặc
biệt, mắt của cô xanh biếc như mặt hồ thu. Cái tên của cô
cũng lạ nữa, ” Nathalie” là một tên Pháp mà, lạ thật !

Rồi những tháng ngày dài sau đó, chúng tôi đã trở thành đôi
bạn thân từ lúc nào không biết.  Nathalie rất dễ thương, từ
hình dáng đến cả tính tình.  Nàng rất cởi mở, tự nhiên,
không e dè như những người con gái Việt khác.  Đặc biệt là
nàng ca và múa rất hay, là một con cưng của ban văn nghệ
trường.  Tuy vậy, tôi  thấy nàng  vẫn có một vẻ bí ẩn gì
đó mà tôi chưa hiểu được.  Nàng chỉ cho tôi biết nàng là
người dân tộc Êđê ở Darlac.  Báo hại tôi phải đi lùng mua cho
được cuốn sách về các dân tộc ở Việt nam.  Cũng không biết
được gì nhiều, chỉ biết chính yếu đây là một dân tộc theo
mẫu hệ , có văn hóa  phong phú và lâu đời.

Tất cả những gì tôi biết về Nathalie chỉ là vậy.  Nhưng trái
tim tôi hầu như đã chết theo sóng mắt, giọng ca của nàng,
những bài ca lạ lùng bằng tiếng Êđê, nghe nửa ai oán, nửa
dỗi hờn những đêm thâu tôi ôm đàn.

Có những lúc, tôi không thể kiềm nổi trái tim nữa và tôi
nhất định sẽ phải nói ra tình yêu của tôi đối với nàng.
Nhưng, có lẽ là nàng hiểu được giây phút đó của tôi nên nàng
tìm cách tránh né một cách thông minh và rồi tôi vẫn chưa tỏ
tình với nàng được.

Nathalie học rất giỏi.  Nàng tuy là người dân tộc nhưng học
hành và làm việc có giờ giấc, tổ chức chứ không như chúng
tôi, hứng đâu thì làm đấy.  Một hôm, trong giờ học, thầy dạy
hôm đó là một bác sĩ cũ từ trước 75, ông nầy giỏi nhưng có
vẻ như “bị” dạy chứ không phải được dạy.  Trong lúc thực
tập, có nhiều người còn chưa hiểu bài học và thực hành
không được.  Ông thầy lắc đầu rồi xổ ra một câu tiếng Pháp “
Les idiots qui savourent la paix “.  Tất cả đâu hiểu thầy nói
gì, chỉ trừ một người…Nathalie đã trả lời lại thầy bằng
tiếng Pháp ” Mon Prof. Avant d’être docteur vous êtiez la même chose
“.  Ông thầy trợn mắt, từ đó không dám coi thường chúng tôi
nữa.  Sau đó, tôi hỏi Nathalie về hai câu đối đáp của nàng và
ông thầy thì nàng viết ra cho tôi hai câu như vậy nhưng không
chịu giải nghĩa, bảo tôi tự tìm hiểu đi, làm tôi phải về
nhà tra tự điển dịch, may là cũng còn nhớ chút đỉnh cách
chia động từ nên mới hiểu được.  Tôi hỏi nàng tại sao biết
tiếng Pháp giỏi vậy, nàng chỉ cười, nói lấp lửng là một
ngày nào đó tôi sẽ biết.

Hai năm học qua mau, rồi đến ngày mãn khóa, tôi và Nathalie
sắp phải xa nhau, hay là chỉ tôi sắp phải xa nàng ?

Ngày cuối gặp nhau, tôi buồn vời vợi.  Trông cái bản mặt
của tôi, dĩ nhiên Nathalie hiểu tâm trạng tôi như thế nào.  Còn
nàng, nàng rất bình thản, nàng còn đùa với tôi :

–  Nầy, anh làm gì như đưa đám ai vậy, gặp em không vui chứ
gì, thôi em đi nhé ?

Rồi nàng quay đi, tôi vội vàng chận nàng lại :

–  Khoan, em vội thế, anh còn chưa nói hết những gì anh muốn nói mà.

–  Đã hai năm rồi, còn gì nữa mà chưa nói hết hả anh ? Nàng
cười ròn rã.

Tôi chưa kịp phản ứng thì nàng lại tiếp :

–  Nhưng nếu anh vẫn còn gì muốn nói thì anh vẫn còn cơ hội mà .

Tim tôi đập rộn ràng,

–  Sao , em nói sao ? Anh vẫn còn cơ hội chứ ? Tôi ngớ ngẩn nhắc lại.

–  Anh còn muốn gặp lại em không ?

–  Em, em sẽ xuống lại đây à ?  Tôi lại vội vàng,

– Không, em sẽ không xuống đây nữa đâu.  Nếu anh muốn gặp em,
thì anh phải lên chỗ của em .

–  Chỗ em, Darlac à ?

–  Phải rồi đó anh, nếu anh muốn đi thì em sẽ chỉ dẫn cho
anh. Còn nếu anh không muốn thì thôi vậy, em chúc anh may mắn.

Nàng nói câu cuối nầy với giọng run run.

–  Anh sẽ đi, em biết là anh sẽ đi mà.

Nàng lại cất tiếng cười reo vui rất tự nhiên như tiếng chim
kơna giữa núi đồi cao nguyên.

–  Anh giữ miếng giấy nầy nhé, làm theo nó và anh sẽ gặp em.
Bây giờ em phải đi rồi, mẹ em bị bệnh nên em phải về gấp
thôi.

Tôi ngạc nhiên.  Đây là lần đầu tiên tôi nghe Nathalie nhắc đến
mẹ, trước đây thì tôi có biết là cha nàng đã mất cách nay
vài năm rồi.

–  Em nhận được thư à ?

–  Không, em chỉ biết tin qua cái nầy thôi.

Vừa nói nàng vừa chỉ vào đầu nàng.

–  Là sao ? Anh không hiểu gì cả !

–  Rồi anh sẽ hiểu thôi mà. Em đi đây, chúc anh mạnh khỏe nhé.

Rồi kỳ diệu thay, nàng ôm tôi và hôn vào má của tôi, trước
sự ngẩn ngơ của tôi và của bao người qua lại trên đường phố.
Đến khi tôi tỉnh người ra thì bóng nàng đã mất hút theo
chiếc xe buýt cuối đường…

Tuần lễ sau, tôi rủ Phan- thằng bạn thân nhất trong lớp, đi
Darlac với tôi.  Để hối lộ nó, đêm rồi tôi còn phải đãi nó
một chầu bia hơi tới bến, nó hứa lấy hứa để sáng mai sẽ lên
đường cùng tôi.  Vậy mà…

Bây giờ, ngồi trên xe rồi tôi mới thấy lo lo.  Huyện Lak, một
cái tên quá lạ lẫm với tôi, sao mình lại liều thế nhỉ ?
Mình không biết gì về nàng cả, gia đình cũng như nơi
chốn…tôi cũng thoáng thấy lo, hình như tôi đang bước vào một
cuộc phiêu lưu hay sao ấy.  Nhưng rồi ánh mắt trong veo của
Nathalie  làm tôi bình tâm trở lại, tôi thật cảm thấy nhớ
nàng…

Xe chạy đến Dầu Giây rồi rẽ lên Quốc lộ 20 về hướng Đà lạt,
tôi đã từng đi chơi Đà lạt rồi nên biết con đường nầy.  Túc
Trưng, La Ngà, Định Quán, Phương Lâm…Những địa danh quen thuộc
dần lùi qua, xe đã lên Đèo Chuối, khí hậu bắt đầu lành
lạnh, sương mù loanh quanh triền núi…

Xe dừng lại nghỉ ỡ Bảo Lộc cho hành khách ăn cơm tối rồi
tiếp tục hành trình một cách nhọc mệt với người và hành
lý nặng trĩu.  Qua khỏi Liên Nghĩa, Liên Khương , xe rẽ trái
để vào Quốc Lộ 27, là đường về Buôn Mê Thuột.  Theo lời chỉ
dẫn của Nathalie thì từ đây, xe còn phải đi khoảng ba tiếng
nữa mới tới Huyện Lak và tôi sẽ xuống xe ở đó.

Nhìn màn đêm dày đặc hai bên đường, tôi cảm thấy rờn rợn.
Tôi dặn bác tài khi nào tới Huyện Lak thì cho tôi xuống.  Bên
đường, trải dài cả mấy chục cây số không một ánh đèn, chỉ
là một màn đêm đen nghịt, bóng những ngọn cây rũ lờ mờ qua
ánh sao trông thật quái dị.  Tôi bắt đầu đâm lo, giờ mà thả
tôi xuống đây chắc có nước khóc ròng, sợ không cũng đủ chết.

Rồi xe cũng tới Lak !  Tôi đành phải bước xuống với tâm trạng
như bị đuổi xuống giữa biển khơi.

Trời ạ ! Đây là huyện lỵ à? Chỉ lèo tèo xóm nhà xơ xác,
may quá, có ánh đèn.  Tôi bước lại phía ánh đèn, có vẻ như
là một cái quán.  Có vài cái bàn, ghế trước sân.  Quán lợp
tranh, ba phía, trước và hai bên trống lốc, ngọn đèn dầu trên
bàn vẫn leo lét.  Có lẽ đây là quán Bà Năm, như trong giấy
chỉ dẫn của Nathalie, giờ nầy chắc ngủ hết rồi.  Tôi ngồi
bịch xuống cái ghế gỗ, thôi đành chờ sáng thôi.  Tôi đốt
điếu thuốc, nhìn ra bóng đêm  nghĩ ngợi bâng khuâng.

Bỗng tôi có cảm giác nhột nhạt sau gáy, tôi quay phắt lại và
chút nữa rú lên – một người đàn ông đang đứng nhìn tôi từ
lúc nào không biết.  Ông ta khoát bàn tay lên, ra hiệu cho tôi
đừng sợ,

–  Cậu Duy đi đường có mệt lắm không ?

Chút nữa thì tôi bật ngửa ra xỉu, chưa kịp phản ứng gì thì
ông ta lại bồi thêm cho tôi một đòn :

–  Cậu muốn tôi chở vô ông Râysan ?

Tôi lại giật thót người, nhìn ông ta như quái vật:

–  Sao…sao…ông biết ?

–  À, tôi phải biết chứ .  Chú uống cà-phê nhé, cà-phê Ban Mê
đấy, rồi nghỉ chút sáng tôi sẽ đưa đi.

Ông ta đi vòng bên hông nhà, rồi một lát sau, xuất hiệ̣n bằng
cửa trước với ly cà-phê trên tay.

–  Cậu mệ̣t thì nằm võng nghỉ lát, để tôi đưa cậu cái chăn,
trời gió không có muỗi đâu.

Rồi ông ta lại biến mất vô trong nhà, cái ông nầy cũng khá
là bí hiểm !

Tôi cũng khá mệt nên uống xong ly cafe là nằm ịch xuống võng,
nằm lơ mơ nghĩ tới Nathalie.  Không biết nàng có hiểu được cho
tôi, giờ này đang nằm chèo queo nơi đây.  Đêm cao nguyên se lạnh,
tôi mệt mỏi chìm vào giấc mơ mộng mị với khuôn mặt Nathalie
mờ mờ ảo ảo trong bóng đêm.

Tôi mở mắt ra thì trời đã mờ mờ sáng, tiếng gà gáy chan
chát tứ phía.  Đã có vài người đàn ông ngồi uống cafe, nói
chuyện rôm rả.  Tôi ngồi dậy, lại cái lu nước bên hông nhà
múc nước rửa mặt.  Quay vô, thì đã thấy một tô mì nóng hổi
trên bàn, người đàn ông lúc đêm, giờ tôi mới thấy rõ, trông
ông cũng bình thường, không có gì ghê gớm mà, tôi nhủ thầm.

–  Cậu ăn đỡ mì , rồi tôi đưa đi.

Thấy tôi còn có vẻ ngại, ông ta lại tiếp:

–  Tôi ăn rồi, cậu đừng ngại.

Tôi ngồi xuống ăn một mạch bay vèo tô mì, làm thêm ly nước
trà, khá là no. Ok! Giờ thì tôi lại có thể chiến đấu tiếp
rồi.

Ông ta đẩy ra chiếc xe đạp, loại xe đạp thồ, sườn được nẹp
dọc thêm hai thanh tre cứng cho chắc.

Rồi ông bắt đầu chở tôi đi xa dần cái xóm nhà huyện lỵ buồn
hiu nầy để đi vào …rừng.  Con đường đất nhỏ xẻ ngang giữa
rừng sâu hun hút.  Buổi sáng, rừng thật yên bình, chỉ có
tiếng chim ríu rít sau những tàng cây xanh mướt.

Có những chỗ phải xuống xe, dắt xe qua một cây cầu làm bằng
một thân cây, bắt ngang con suối nước róc rách trong veo.   Dọc
hai bên bờ suối, những chùm phong lan tuyệt đẹp khoe sắc trên
cao, lượn lờ sau tàng lá xanh.

Trên đường đi, tôi cố gắng hỏi ông ta về Nathalie nhưng hầu như
tôi cũng chẳng biết được gì thêm, hoặc là ông ta không biết,
hoặc là ông ta không muốn nói. Tôi chỉ ghi nhận được một điều
là khi tôi hỏi về Nathalie thì ông ta gọi là cô Hai với một
vẻ kính cẩn lạ lùng.  Sao ở đây, cái gì cũng có vẻ bí
hiểm thế nhỉ ? Từ Nathalie cho đến cái ông nầy, ai cũng có
vẻ bí ẩn gì đó.  Thôi kệ, cứ gặp được Nathalie rồi hẵng
hay, việc gì phải lo cho mệt.

Phải nói là ông ta khỏe thật, dù là ông ta cũng phải ngoài
50 rồi.  Đường đất, nhiều đoạn hơi bị lầy nhưng ông ta vẫn
đạp xe băng băng.  Có lúc, tôi nói để tôi chở ông thì ông nhất
định không chịu, bảo tôi cứ ngồi cho ông đưa đi, và ông rất
sung sướng được làm việc nầy.

Đã hơn 9 giờ sáng, con đường bỗng rộng và sáng hơn.  Rồi một
xóm nhà xuất hiện xa xa.

Tới gần, tôi ồ lên một tiếng.  Những ngôi nhà sàn thấp và
dài, thoạt trông như những chiếc thuyền giữa biển khơi là
rừng xanh bao quanh.  Thật đẹp ! Tôi tự nhủ thầm.

Ông ta dừng xe trước một ngôi nhà sàn khang trang ở trung tâm.

Ngôi nhà có kiến trúc thật lạ.  Đánh vào mắt tôi trước tiên
là hai chiếc cầu thang dùng để leo lên nhà.  Hai chiếc cầu
thang này khác nhau cả về kích thước lẫn hình dạng.  Chiếc
bên phải, bề ngang khoảng năm tấc, những bậc thang được đẻo
lõm từ trong một thân cây.  Chiếc bên trái nhỏ hơn một chút,
bậc thang cũng giống vậy nhưng lạ kỳ là trên phần đầu lại
có tạc hai phần tròn nhô lên như hai nhũ hoa của người phụ
nữ.

Tôi nhìn một vòng qua những căn nhà sàn.  Đây là một loại
nhà sàn thấp và dài.  Sàn nhà chỉ cách mặt đất chừng hai
thước, nhưng lại có chiều dài khá dài, như căn nhà nầy dài
cũng khoảng 30m, có vài căn còn dài hơn nữa.

Trong nhà bước ra một người đàn ông với chiếc áo màu đen,
dài phủ gối, trên ngực áo là một khung vải màu đỏ, hình
chữ nhật, quần ông ta cũng màu đen.  Người đàn ông chở tôi và
ông chủ nhà- tôi tạm gọi thế- trao đổi với nhau bằng tiếng
của họ.  Rồi tôi thấy ông già nhìn tôi, cặp mắt ông ta thật
sắc :

–  Mời Cậu lên nhà ạ.

Tôi cũng “Dạ” một tiếng rồi sửa leo lên bằng cầu thang bên
trái, phía có hai cái nhũ hoa gỗ.  Nhưng người đàn ông đã
nói với tôi :

–  Bên nầy cậu .

Thật là rắc rối, cái nào cũng là cầu thang mà.  Nhưng, nhập
gia thì phải tùy tục mà thôi, tôi bước lên nhà bằng cầu thang
bên phải.

Lên trên là một cái sân sàn hình vuông lát gỗ, mỗi chiều độ
5m, tôi chào ông già và hỏi:

-̣  Chào Bác, Bác chắc là bác Râysan ?

–  Phải rồi, mời Cậu Hai vô nhà uống nước.

Người đàn ông chạy xe đạp quay qua chào tôi:

–  Thôi tôi về.

–  Khoan đã chú, để tôi gởi chi phí cho chú đã.

–  Không sao đâu, cậu cứ tự nhiên, cậu là thượng khách mà.

Tôi giật mình, “thượng khách” là sao nhỉ ? Tại sao tôi lại là
thượng khách, thật khó hiểu quá !

Còn lại ông già với tôi, ông và tôi dò xét lẫn nhau.  Ông mời
tôi ngồi xuống một cái ghế bằng cây được đẽo khắc rất khéo.
Đây chắc là phòng khách của căn nhà.  Vách được làm bằng
những cây tre đập dập ra, trên vách treo cung tên, những ngọn
giáo và cả những cái liềm cắt lúa nữa.  Giữa phòng, đối
diện với chỗ tôi ngồi, có một cái ghế, cái ngai thì đúng
hơn, bằng gỗ đen bóng và cũng được chạm khắc rất đẹp.

Một người đàn bà bước ra trong trang phục đen với những đường
viền màu vàng quanh cổ áo và tay áo.  Váy cũng màu đen có
ba viền vàng ngang thân váy và dưới lai váy, chia thân váy làm
ba phần.

Người đàn bà ngồi xuống cái ngai và nói :

–  Tôi là Hơbia Abbel  Niê, Trưởng buôn nầy, xin chào Cậu.

Tôi phân vân tự hỏi hay bà nầy là mẹ của Nathalie, thì người
đàn bà Trưởng buôn đã cười :

–  Tôi không phải mẹ của bạn cậu đâu, cậu nghỉ, ăn cơm trưa
với chúng tôi rồi sẽ có người dẫn cậu đi gặp Nathalie.

Thật là bà đi guốc trong bụng tôi mà !

Tôi ăn cơm trưa với gia đình bà Trưởng Buôn Kôh.  Đó là một
đại gia đình, tổng cộng cũng phải hơn hai chục người lớn
nhỏ. Bữa cơm tuy chỉ có vài món, nhưng quả thật là rất ngon
miệng.  Cơm được nấu trong những ống tre bằng thứ gạo dẻo và
thơm lạ lùng mà tôi chưa bao giờ thấy.  Món ăn gồm món thịt
rừng nướng chấm muối ớt và một món thịt chua có mùi là
lạ, được ăn với rau rừng.  Tôi thấy mọi người rất tự nhiên,
nên tôi cũng không ngần ngại gì đá một bụng thẳng cẳng, từ
hôm qua giờ chưa có cơm mà.  Bữa cơm phải nói là quá ngon,
thật là cám ơn ông bà chủ nhà.

Ba giờ chiều, một người con rể của ông bà Râysan, tên là Dam
Mil đưa tôi đi gặp Nathalie. Chúng tôi đi bộ băng qua đường mòn
trong rừng.   Anh Dam Mil nầy khoảng ba mươi tuổi, tướng tá
nhanh nhẹn, khỏe mạnh.  Anh ta cũng vui miệng, hay nói và hỏi
tôi nhiều thứ như Thành phố Sài Gòn ra sao…Tôi thấy anh ta
vui nên cũng bắt chuyện vui vẻ, nhưng khi tôi hỏi đến Nathalie
thì anh ta im bặt một cách khó hiểu.

Sau hai tiếng băng đường rừng, một buôn làng lại xuất hiện.
Nhìn sơ qua, tôi cũng biết là buôn nầy lớn hơn Buôn Kôh nhiều,
có cả trăm dãy nhà sàn san sát nhau, phía trước là những
hàng cây cảnh và bông hoa rất đẹp.

Dam Mil dẫn tôi đi dọc theo những căn nhà sàn dài vào tới
giữa buôn và dừng lại trước một căn thật đẹp, nổi bật so
với những căn khác. Nhà nào cũng có hai cầu thang hai bên
trái và phải cùng kiểu cách như nhau, nhưng cái nhà này hai
cầu thang thật đặc biệt.  Không biết chúng bằng gỗ gì mà đen
tuyền và láng bóng, bên cầu thang trái , hai chiếc nhũ hoa vun
tròn ngửa lên đối diện trời xanh.

Từ cửa phía trái nhà, một người bước ra, một cô gái trong
trang phục Êđê, cô nhoẻn miệng cười tươi rói:

–  Chào mừng anh đã đến Buôn Klây.

Tôi ngây người, Nathalie đó sao ? Nàng như một đóa lan rừng
trong bộ trang phục truyền thống Êđê.

–  Chào em !

Tôi đã qua giây phút sững sờ và chào nàng, tôi rất muốn khen
nàng đẹp lắm nhưng chưa dám vì có Dam Mil.  Tôi bước lên trên
sân gỗ và khi chỉ còn tôi với nàng, tôi thì thầm ” Em đẹp
lắm ! “

–  Cám ơn anh ! Em đẹp hơn lúc ở Thành phố không anh ?

Nathalie cười và nói lớn không e dè chút nào, hình như đây là
đặc tính của dân tộc nàng.

Bây giờ tôi mới quan sát nàng.  Nathalie hôm nay búi tóc ra sau
ót, tai đeo lủng lẳng đôi khoen bạc lấp lánh, trông nàng thật
thanh lịch.  Chợt, nàng bỗng ngồi xuống ngay … chân tôi và
tay thì cởi giày cho tôi.  Tôi vội nói:

–  Để anh cởi em à.

–  Anh là khách quý của em, nên em phải cởi giày cho anh, tục
lệ đó anh .

Tôi hiểu ra và không phản đối nữa.  Lúc này, tôi mới để ý
tới cái sân sàn bằng gỗ bóng lưỡng.  Sân này rộng và đẹp
hơn sân nhà ông bà Râysan nhiều. Đứng trên sân nhà này nhìn ra
chung quanh, tôi có cảm giác ở ngay vị trí trung tâm. Những căn
nhà khác bao quanh rất cân đối, xen giữa những căn nhà là
những cây cổ thụ phủ rợp bóng mát.  Khói lam chiều bốc lên
từ phần cuối những căn nhà sàn, khung cảnh đẹp như một bức
tranh.

–  Anh thấy cảnh ở đây thế nào, anh thích không ?

Nathalie, đứng lên và hỏi tôi, làm như nàng đọc được ý nghĩ tôi vậy.

–  Đẹp lắm em à ! Anh thích lắm !

Tôi tính ga-lăng nàng thêm một câu ” nhất là vì có em ” nhưng
thấy nàng nhìn tôi cười hóm hỉnh, tôi lại thôi,

–  Anh thích là tốt rồi !

Tôi nhìn vào mắt nàng, đôi mắt hồ thu như soi thấu tâm can tôi,
tự nhiên cái cảm giác đắm say hôm nào ở giữa phố trở lại
trong tôi.  Nathalie yêu kiều quá, tôi thật là yêu nàng.

–  Anh à, lát nữa, anh sẽ gặp mẹ em nhé ! Em cũng cho anh
biết trước, mẹ em là Trưởng Buôn đó.

Tôi ” Ồ” lên một tiếng, hèn chi mà nhà của nàng nổi bật hơn
hẳn những nhà khác.  Tôi theo nàng vào bên trong nhà khách.
Gian nhà khách thật dài, tôi ước phỏng cũng phải cỡ 25 m.
Bên phía trái có đặt những hàng ghế cũng thật dài, cỡ 20m.
Giữa nhà đặt một chiếc ngai lớn bằng gỗ, lên nước màu vàng
nâu óng ánh.  Vách cũng được làm bằng những tấm gỗ được
ghép theo chiều dọc.  Căn nhà nầy mà ở thành phố thì giá
trị biết mấy, tôi thầm nghĩ.(sau nầy, nghĩ lại tôi mới thấy
cái suy nghĩ nầy thật là thiển cận, chỉ là thói quen tính
toán theo tiền bạc, những căn nhà sàn ở tại đây, đúng vào
chỗ của nó mới thật sự có giá trị một cách tự nhiên).

Nathalie dẫn tôi đi một vòng để xem những đồ vật trên vách.
Nguyên một bộ gồm cả chục chiếc chiên lớn nhỏ.  Những cái
khèn được làm bằng những ống nứa nhìn thật lạ mắt, có cả
những ống sáo đủ màu sắc từ vàng tới đen, những chiếc nỏ
đủ cỡ thật đẹp…Toàn là những thứ mà tôi chưa từng thấy,
tôi thật là thích thú, tiếc là tôi không có máy chụp hình
để ghi lại hình ảnh.  Nathalie giải thích từng thứ một cho
tôi hiểu qua cách sử dụng và ý nghĩa của những đồ vật,
nàng tỏ ra hiểu biết rất nhiều.   Tôi đặc biệt thích những
cái chiên lớn nhỏ đủ cỡ được treo trên một cây cột.  Nathalie
đưa cho tôi một cây dùi to vừa tay cầm, bằng gỗ cứng và bảo
tôi đánh thử vào chiếc cồng lớn nhất.  Một âm thanh trầm ngân
dài phát ra rền cả căn phòng .

–  Đây là Cồng Mẹ.  Khi biểu diễn, khi nào cồng mẹ và cồng
cha cũng được đánh trước làm nền rồi mới tới những cồng
con, cồng cháu .  Nàng giải thích cho tôi.

Tôi lại đánh thử vào một chiếc cồng nhỏ, âm thanh nghe cao
hơn.  À, tôi hiểu rồi, cồng càng nhỏ thì âm thanh lại càng
cao.  Nathalie xách chiếc cồng bằng tay trái và tay mặt cầm
dùi đánh lên một tiếng.  Âm thanh cao vút phát ra và uốn éo
kỳ lạ, tôi nhìn thấy ngón tay trái  của nàng vuốt qua lại
vào chiêng để thay đổi âm thanh giống như một nốt láy trong âm
nhạc tây phương, cũng thú vị thật !

Rồi nàng đưa tôi lại ngồi ngay chiếc bàn giữa nhà.  Trên bàn
có một cái giỏ mây xinh xắn đựng trái cây.  Tôi ngắm chiếc
giỏ hai đầu cong lên như chiếc thuyền, nó được đan thật đẹp.

–  Em làm đó, đẹp không anh ?

– Ồ, vậy à ! Đẹp lắm , em hay thật !

Nathalie sung sướng, nàng ngước cặp mắt xanh biếc lên nhìn tôi:

–  Anh ăn trái cây nhé.  Rồi nàng đưa cho tôi một trái cây màu
vàng, lớn cỡ trái chanh.  Tôi cầm lên, thấy nó mềm mềm.

Nàng cũng lấy một trái rồi lột vỏ, tôi cũng làm theo, bên
trong là những múi thịt trắng muốt, trông giống như múi măng
cụt, nhưng nhỏ hơn.  Tôi ăn thử, khá chua, nhưng có vị thơm .
Nathalie nhìn tôi nhăn mặt, nàng lại cười:

–  Chua phải không anh, nhưng mà rất tốt cho sức khỏe.  Anh
thấy người Êđê khỏe mạnh không, là vì họ ăn trái cây có vị
chua nhiều.

Là dân học y tế thì dĩ nhiên tôi cũng biết điều nàng nói là
đúng, nhưng không lẽ chỉ ăn toàn đồ chua ?

–  Trái nầy gọi là trái Gùi, nó là một loại trái thiên
nhiên từ một loại dây rừng.
Anh à, tối nay, anh sẽ ăn cơm với gia đình em và những trưởng
lão ở đây nhé, rồi anh sẽ ngủ ở ngay góc kia, kế phòng của
em đó.  Nàng nói và chỉ tay vào góc trái của nhà khách.
Như vậy là Nathalie và tôi sẽ chỉ nằm cách nhau một bức vách
mỏng mà thôi.

Buổi tối đó, tôi đã gặp mẹ của Nathalie , ăn cơm tối cùng bà
và những trưởng lão trong làng, là những phụ nữ lớn tuổi.
Mẹ của Nathalie khoảng 50 tuổi, bà có vẻ đang bị bệnh, đi
đứng đều được Nathalie dìu đỡ.  Những người phụ nữ nầy hỏi
thăm về gia đình tôi và lạ một điều là họ dường như có vẻ
rất kính cẩn đối với tôi, không biết tôi có chủ quan không?

Nathalie cùng tôi nói chuyện khá khuya trước khi đi ngủ.  Nàng
giải thích cho tôi nhiều điều , như hai cái cầu thang, bên phải
là cầu thang “đực”, dành cho nam giới và bên trái là cầu
thang “cái” dành cho nữ giới.  Cầu thang “cái”, phía trên có
hai nhũ hoa phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của người
Êđê…

Đêm đó, tôi nằm buâng khuâng, rồi chợt nghĩ đến câu hát ” Ước
gì nhà nàng chung vách.  Hai đứa mình thức trắng đêm nay”.
Không biết Nathalie có thức hay không, phần tôi thì trằn trọc
khá lâu trước khi chìm vào giấc ngủ say.

Những hôm sau, Nathalie dẫn tôi đi thăm Buôn, gồm khu nhà ở cũng
như nương rẫy và ruộng lúa.  Nathalie giải thích cho tôi biết
nguồn gốc của ngôi nhà sàn dài, nghe cũng thú vị lắm.  Dân
tộc Êđê  có nguồn gốc từ những đảo Mã lai, Polynesie… và
đã đổ bộ nhập cư lên đất liền từ cả ngàn năm trước.  Lúc
đầu người Êđê còn ở dưới đồng bằng, sau vì bị sức ép của
người Chiêm thành nên phải di cư lên cao nguyên.  Tuy vậy, trong
sâu thẳm tâm hồn người Êđê, vẫn tồn tại nét văn hóa của
người dân biển đảo, nên những căn nhà sàn thấp và dài, có
hình dáng giống như những chiếc thuyền.  Tiếng nói, ngôn ngữ
Êđê bây giờ vẫn còn nhiều tiếng giống y hệt hoặc chỉ biến
đổi đôi chút tiếng Mã lai hay Indo.  Người  Êđê còn trồng cây
bông vải và tự dệt vải mặc, loại vải mà ta gọi là thổ
cẩm, đẹp và chắc.

Tôi thật là vui và thích thú trong những ngày ở đây, vì biết
thêm được nhiều điều mới lạ mà nhất là được kề cận Nathalie
mỗi ngày.  Nathalie cũng vui lắm, hầu như nàng luôn quanh quẩn
bên tôi, chắc là nàng sợ tôi buồn và có lẽ nàng cũng thích
vậy.

Nathalie bảo tôi muốn dạo chơi chỗ nào cũng được, chỉ trừ
một nơi, nàng nói tôi đừng bao giờ vượt qua giới hạn đó và
nàng còn bắt tôi phải hứa nữa.  Nơi đó nằm về phía trái
của buôn, có một cánh cổng và được rào kín bằng những khóm
tre già dày đặc.  Tôi hỏi nơi đó là gì thì nàng  nói nơi đó
chỉ giành cho một số người của buôn mà thôi.

Tôi và Nathalie thích dạo ra cánh đồng phía cuối buôn vào
buổi chiều tà, ngồi tựa vai nhau để nghe hương lúa thơm ngào
ngạt.  Tiếng nước chảy róc rách từ những máng tre dẫn nước
từ nguồn suối, từng đàn cò trắng nhởn nhơ khắp cánh đồng…

Một hôm, tôi được Nathalie dẫn đi ăn cưới một gia đình trong
buôn.  Người phụ nữ Êđê cưới chồng, lễ cưới được tổ chức bên
nhà vợ và người chồng phải ở rể, con sinh ra sẽ mang họ mẹ.

Tôi thấy rất thích thú được xem nghi lễ cưới của đôi vợ
chồng trẻ.  Hai người ngồi trên chiếu trải giữa nhà khách.
Những đôi khoen bạc và đồng được hai người mang cho nhau trước
sự chứng kiến của dòng họ. Rồi một người phụ nữ lớn tuổi,
Nathalie cho tôi biết đó là thầy cúng, hòa rượu với tiết heo
và đọc thần chú, vảy vào các xó xỉnh trong nhà để trừ tà
và xin ông bà chấp nhận cho con rể mới.

Người Êđê quan niệm tự do trong hôn nhân ” Trâu bò không ai ép
thừng, trai gái không ai ép duyên” .  Những người thanh niên nam
nữ tự do tìm hiểu và đến với nhau, cha mẹ không can dự vào.
Đây thật sự là một nét tiến bộ trong văn hóa dân tộc Êđê.

Sáu người phụ nữ đánh chiêng và cũng sáu cô gái khác múa
nhịp nhàng theo tiếng chiêng.  Tiếng chiêng nhanh, mạnh và vui
tươi tạo nên cho người tham dự thêm phấn khởi.

–  Đây là bài chiêng đám cưới, có nhiều bài chiêng khác nữa.

Nathalie giải thích cho tôi biết như vậy.

Sau đó là nhập tiệc.  Thịt heo, gà ê hề, ché rượu cần cả
dãy.  Người Trưởng buôn được mời uống rượu đầu tiên, mẹ
Nathalie bệnh nên nàng là người đại diện, sau đó đến các già
làng rồi mới đến nữ chủ nhân của gia đình, lại đến người
trong dòng họ.  Sau đó là tất cả mọi người, chủ khách cùng
uống rượu vui vẻ.

Về đêm, khi âm thanh đã lắng dịu, các cô gái, các chàng trai
bắt đầu ca Aday, là loại dân ca trữ tình được đệm bằng khèn
và sáo.  Tôi thật ngạc nhiên khi thấy Nathalie thổi sáo rất
hay.

Rồi khi trời về khuya, là giờ kể Khan, tức là Trường ca sử
thi của người Êđê, như Khan Dam San, Khan Dam Thi… Thường chỉ
có những già làng mới thuộc những Khan nầy, nhưng hôm đó,
Nathalie đã được yêu cầu kể Khan cho mọi người và nàng đã kể
rất hay, dựa vào sự say mê, cuốn hút mọi người mà tôi biết
dù là tôi không hiểu.  Đặc biệt là tiếng chiêng được đệm vào
trong lúc nàng kể chuyện.  Tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng
lúc nhanh lúc chậm tùy theo từng đoạn Khan : “đánh cho khỉ
trên cây cũng phải rơi xuống đất,  cho quân thù phải sợ hãi
chạy mất, cho voi kia cũng phủ phục quanh mình…”, tiếng
chiêng quả đã ăn nhập thâm sâu vào văn hóa, tâm trí người Êđê.
Mà quả thật, giữa chốn núi rừng cô quạnh, chỉ có âm thanh
của chiêng mới vang vọng xa và dài để thông linh cùng trời
đất, giúp con người không cảm thấy đơn độc, nhỏ nhoi giữa
thiên nhiên kỳ vĩ.

Ở nơi đây, tôi hầu như quên hết thời gian, cái đồng hồ cũng
trở nên vô tích sự và tôi đã bỏ vào túi xách.  Mới đó mà
đã  gần hai tuần lễ, ngày vui thật qua nhanh !

Nathalie cho tôi biết là sắp tới ngày hội Krôn Phia, là ngày
hội cầu được mùa, được tổ chức vào đầu tháng sáu âm lịch.
Người  Êđê không ăn Tết năm mới như người Việt mà lại tổ chức
những lễ hội theo thời vụ mùa màng,  Lễ hội cúng nước, Lễ
hội cầu mùa, Lễ ăn cơm mới …

Những người trong buôn dần cũng đã biết tôi, hầu hết mọi
người đều rất vui vẻ và thân thiện với tôi.  Cũng có khi
Nathalie bận việc gì đó, tôi đi lang thang một mình, ai gặp tôi
cũng đều niềm nở mời tôi vào nhà uống cà-phê.  Tôi thường
thích nhất là đi xem họ dệt thổ cẩm và làm đồ gốm.  Tôi
thấy người Êđê rất khéo tay và có nghệ thuật thẩm mỹ khá
cao.  Chỉ vài nét khắc vẽ đơn giản là những bình, hũ …
của họ đã nổi bật lên đẹp mắt.

Hôm đó, Nathalie đi công việc đâu đó, tôi ra đồng tham gia bắt
cá và cũng tóm được ít con hí hửng xách về.
Bước vào nhà, chút nữa tôi té ngửa- một cô đầm tóc vàng nâu
đang ngồi uống cà-phê nơi phòng khách.  Cô nhoẻn miệng cười
và xổ ra một câu …tiếng Việt :

–  Chào anh !

–  Chào…, tôi lúng túng không biết phải gọi là gì.

–  Em là  Estelle, em của chị Nathalie.

Thì ra là nàng, Nathalie có cho tôi biết nàng còn một người
em gái học ở tỉnh.  Nhưng tôi không ngờ Estelle lại giống như
một cô đầm thứ thiệt như vậy, điều nầy làm tôi thật là thắc
mắc.

Estelle mời tôi uống cà-phê và cho tôi biết vừa mãn khóa học
nên về nhà.  Vừa uống ly cà-phê tôi vừa thầm quan sát Estelle.
Estelle quả thật là đẹp, da nàng trắng, khuôn mặt thanh tú,
mắt cũng xanh biếc như mắt của Nathalie.  Nhìn nàng có vẻ
đẹp sắc xảo hơn cả Nathalie, nhưng sao tôi có cảm giác  không
được thoải mái lắm khi nói chuyện với nàng, có một điều gì
đó làm cho tôi e ngại.

Estelle nói chuyện với tôi cũng rất tự nhiên và tôi thấy sự
hiểu biết của nàng cũng không thua Nathalie, nàng còn có vẻ
khôn ngoan, lém lỉnh hơn cả Nathalie nữa.  Tuy là nàng có vẻ
giống Tây như vậy, nhưng nàng lại thích nói chuyện về người
Êđê, về văn hóa Êđê và những quá khứ vinh quang của dân tộc
Êđê.  Những điều nầy, Nathalie lại ít nói với tôi, mặc dù tôi
nghĩ là nàng cũng biết không kém cô em.  Dù sao thì nói
chuyện với Estelle cũng rất thú vị vì nhờ nàng tôi biết thêm
được nhiều điều hay của người Êđê nữa.  Tôi nghĩ hai chị em
như hai đóa hồng lọt vào giữa một rừng mắc cỡ, hoa lớn hơn,
đẹp hơn và gai cũng nhọn hơn.

Chiều hôm đó, tôi nêu thắc mắc với Nathalie.  Nàng dẫn tôi vào
phòng của nàng, đây là lần đầu tiên tôi vào phòng nàng.  Có
một cửa sổ nhìn ra bên trái nhà, không có giường, một cái
kệ với khá nhiều sách vở và một cái bàn thấp, cũng không
có ghế.

Trên bàn, hình một người đàn ông Tây đang nhìn tôi chằm chằm.

–  Đây là Cha của em.

Dù là tôi cũng đã nghĩ tới nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên :

–  Vậy à ?

–  Cha em là người Pháp, là một nhà nhân chủng học.  Ông đi
nhiều nơi để nghiên cứu về các dân tộc, nơi cuối cùng là ở
đây.

–  Rồi ông gặp Mẹ em ?

–  Không anh à !

Rồi trước sự ngạc nhiên của tôi, nàng kể tiếp :

–  Cha em đến đây và gặp Dì của em, tức là chị của Mẹ em và
yêu Dì.  Dì em là Trưởng Buôn lúc đó, Dì em rất đẹp.

Rồi nàng lại mở một cuốn tập và chỉ cho tôi hình một cô
gái trẻ.  Cô gái trắng trẻo, gương mặt thật thanh tú.  Anh
biết bức tượng phụ nữ thờ ngay gian nhà khách là ai không ?

–  Dì em à ?

–  Không, đó là tượng của H’Drah Jan Kpă , tức là Công Chúa
Hạt Mưa, người đã về làm Hoàng Hậu của vua Chế Mân, là
Hoàng Hậu cuối cùng của nước Chiêm Thành.  Khi vua Chế Mân
chết và được hỏa táng thì Hoàng hậu đã nhảy vào lửa chết
theo chồng.  Gia đình em là dòng dõi của Bà, cũng xem như là
Hoàng Tộc của người Êđê, dù là không có nước Êđê.  Như bây
giờ, Mẹ em là trưởng buôn nầy nhưng cũng là Trưởng của tất
cả các buôn khác trong tỉnh Darlac, tuy là chỉ mang ý nghĩa
tinh thần.

–  Ồ, vậy à. Rồi Dì em đâu ?

–  Dì em đã mất và theo tục nối dây của người Êđê, cha em lấy
em gái của vợ, tức là mẹ em bây giờ.

–  Dì em không có con à ? Tôi thắc mắc .

–  Dì em cũng có một người con gái .

–  Vậy à , rồi giờ người đó ở đâu ?

–  Lúc trước chị vẫn ở đây, nhưng từ khi Cha em mất, chị cũng
bỏ đi luôn.  Rồi đột ngột cách đây vài tuần, chị trở về và
chỉ ở lại một ngày.  Ngày hôm sau chị đi cũng là lúc Mẹ em
bắt đầu bị bệnh.

–  Nghĩa là sao ? Chị có liên quan đến việc Mẹ em bị bệnh à ?

–  Rất có thể, vì chị đã nghĩ rằng Mẹ em đã hại Mẹ chị
ấy.  Nhưng Mẹ em đã nói với em rằng Mẹ không có làm chuyện
đó, chỉ là tin đồn của kẻ xấu thôi.

Tôi đã hiểu ra mọi chuyện, câu chuyện của gia đình nàng cũng
khá đặc biệt.

–  Vậy là em sẽ kế tục mẹ em để làm Trưởng Buôn ?

–  Đúng vậy anh à.  Thật ra em cũng không thích làm lắm đâu,
nhưng đây là tục lệ.

–  Còn cha em, mất khi nào vậy, ông bị bệnh à ?

–  Cha em…phải bị bệnh mất…

Nàng trả lời không được suông sẻ lắm trong câu nầy, không biết
có phải vì xúc động khi nhớ đến cha hay không.

–  Cha em đã dạy em và Estelle tiếng Pháp cũng như những hiểu
biết về văn hóa tây phương.  Em thì muốn học về y tế để giúp
dân trong buôn, nhưng Estelle thì lại thích và giỏi về chính
trị, tổ chức hơn em, có lẽ nó giống cha em hơn.

Thảo nào mà nàng giỏi tiếng Pháp, giờ tôi mới hiểu ra.

Đúng như tôi nghĩ, Estelle sắc xảo, khôn ngoan hơn cả Nathalie
nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó không ổn ở cô em này.

–  Sắp tới, sẽ có Lễ hội cầu mùa và tháng sau nữa, sẽ là
Lễ Chây Prun.

–  Chây Prun, là lễ gì vậy em.

Nathalie nhìn tôi rồi nàng từ từ nói :

–  Đó là một Lễ rất quan trọng, giống như lễ phong Thái Tử
của các vua Việt nam xưa vậy.

–  Ồ, vậy là em sẽ được phong vào tháng tới?

–  Phải anh à, và chức nầy chỉ phong cho người con gái khi
chưa có chồng mà thôi.  Sau lễ nầy thì người đó có thể có
chồng.  Lúc nầy mẹ em bị bệnh nên Hội đồng già làng quyết
định phong chức sớm cho em là vậy.

–  Em à, nhưng mẹ em bệnh gì vậy, sao em không đưa mẹ đi chữa bệnh.

Khuôn mặt Nathalie bỗng trầm xuống :

–  Bệnh nầy không chữa được anh à .

–  Sao vậy ?

–  Anh có nghe về bùa ngải, thư ếm không ?

–  Anh cũng có nghe, mà sao hả em ?

–  Mẹ em đã bị ếm và không giải được, người ếm đã quá cao
tay.  Lúc đầu em cũng đưa mẹ đi khám tìm bệnh nhưng không tìm
thấy gì khác lạ.

–  Ồ, có thật vậy sao ?

Tôi nghe mà nửa tin nửa ngờ.  Trước giờ tôi cũng nghe chuyện
thư ếm nhưng mà không tin lắm.  Bây giờ mới chính thức nghe
một người là y sĩ như Nathalie nói và xác nhận.  Hay là do
nàng cũng đã bị nhiễm vào tư tưởng từ lúc còn nhỏ ? Tôi
vẫn thấy nghi nghi làm sao ấy !

Sau bữa đó, tôi mới hiểu rõ hơn về gia đình của Nathalie,
thảo nào tôi thấy cứ vài hôm là có người của các buôn khác
đến viếng với nhiều lễ vật.

Vậy là chỉ còn vài tuần lễ nữa là Nathalie sẽ được phong
là người kế nhiệm Trưởng Buôn Klây, đồng nghĩa như Nữ hoàng
của dân tộc Êđê.  Tôi cảm thấy phân vân, khi lên đây thì tôi chỉ
muốn gặp Nathalie theo tiếng gọi con tim, tôi đâu ngờ nàng lại
có một vị trí như vậy, tôi cũng không biết mình phải làm gì
! Về hay ở lại dự Lễ tấn phong của nàng, rồi sau đó thì sao
? Thật tôi không tìm được câu trả lời, nếu đi thì sợ nàng
buồn, mà ở lại và biết nàng sẽ là Trưởng buôn thì tôi cũng
đâu còn hy vọng gì nữa, một người trưởng buôn Klây, nữ hoàng
của dân tộc đâu thể bỏ buôn để đi theo chồng !  Nghĩ tới đó
tôi thấy thật thất vọng.

Đêm hôm sau là đêm trăng rằm.  Sau buổi tối cùng đi dạo với
Nathalie dưới ánh trăng, tôi trở về trằn trọc với bao ý nghĩ.
Ngày tôi thấy lòng mình càng yêu Nathlie vì nét trong sáng,
vui vẻ nhưng dịu hiền của nàng, nhưng rồi cuộc tình của tôi
sẽ đi đến đâu.  Có lẽ Nathalie cũng thấu hiểu điều đó nên
nàng hay nhắc đến cha nàng, đã vì tình yêu mà chấp nhận ở
lại sinh sống nơi đây.  Phải chăng nàng muốn tôi cũng như vậy ?
Điều nầy thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ tới !

Tôi trằn trọc không ngủ được, trời cũng đã khá khuya.  Bỗng
tôi thấy có bóng người đi ra cửa.  Tôi giả vờ nằm im như ngủ
rồi, tôi thấy người đó đầu quấn khăn, khẽ nhìn tôi rồi chậm
rãi đi ra cửa, dáng vóc rất giống Nathalie, thật ra tôi cũng
không phân biệt được đó là Nathalie hay là Estelle, vì cả hai
rất giống nhau, nhưng Nathalie mới đội khăn, tôi chưa thấy
Estelle đội khăn bao giờ.  Nếu là Nathalie, nàng đi đâu giờ nầy
?

Tôi thực sự tò mò, chờ cho tiếng bước chân đã xuống cầu
thang, tôi chồm dậy đi theo.  Nhờ ánh trăng, tôi thấy người đó
đi về phía trái buôn, tôi cũng âm thầm theo xa xa phía sau.
Rồi cuối cùng, người đó dừng lại ở ngay cái “chỗ cấm”, nơi
mà Nathalie đã bắt tôi hứa là không được vào.  Tôi há hốc
miệng, suýt kêu lên một tiếng khi thấy người đó bước vào
cổng đã mở trống và bắt đầu …cởi trang phục và vắt lên
một cây sào ngang, rồi biến mất vào bên trong.

Trời ơi, thật là tôi không hiểu nổi, Nathalie, nàng làm gì
trong đó?  Tôi quá sức là tò mò và cũng có xen lẫn chút
tức tối, nghi ngờ…Tại sao nàng cởi bỏ y phục trần truồng
như nhộng để làm gì trong đó, thật là muốn điên lên được !
Đầu tôi như có dòng điện nóng chạy rần rần, tôi nghĩ ra đủ
chuyện…hèn gì mà nàng bắt tôi hứa không được vào nơi này.
Tôi tiến sát ngay bờ rào, cố nhìn vào bên trong nhưng hàng
rào quá dày, tôi không thấy gì hết.  Tôi lại ngay chỗ cổng
nhìn vào trong, nhưng cũng chẳng thấy được vì đã bị một
hàng dậu thẳng làm lối đi, che khuất mất tầm mắt.  Rồi bỗng
có tiếng xầm xì của một người con gái vọng ra, tôi không thể
kiềm nổi óc tò mò nữa, tôi vượt qua cổng để vào bên trong.

Núp ở cuối lối đi vào, một cảnh tượng lạ lùng hiện ra
trước mắt tôi.  Giữa khu đất là một cái sàn vuông vức mỗi
bề khoảng 10 m, cao khoảng 1,5 m .  Trên sàn, có cả chục cô
gái trần truồng đang quỳ thành hai hàng, ở giữa cũng là một
người con gái đã thoát y, đó chính là …Nathalie.  Qua ánh
trăng lờ mờ, tôi thấy Nathalie ngước mặt lên trời, hai tay xòe
ra như cầu nguyện rồi nàng đi tới mỗi cô gái và vỗ vào trán
từng người.  Bỗng nhiên nàng ngừng lại, rồi tôi thấy nàng đi
đến một góc cột đài và cầm một cái chiêng đã được treo sẵn
ở đó.  Tiếng chiêng bỗng vang rền…Những cô gái giật mình
quay nhìn tứ phía.

Tôi hết hồn, không biết chuyện gì, tôi có bị phát giác không
?  Bỗng tôi nghe tiếng chiêng từ buôn vọng ra  vang rền và
tiếng chân người chạy rầm rập.  Tôi lật đật thối lui, nhưng
…không còn kịp nữa rồi : bên ngoài cổng, hàng chục thanh
niên với giáo nhọn lăm lăm đang chỉa vào tôi.

Tôi bị bắt trói lại và dẫn đi giữa một đám đông dân làng.
Những người mới sáng nay đã vui vẻ mời tôi cà-phê thì giờ ai
cũng như muốn ăn tươi nuốt sống tôi.  Tôi bị dẫn tới cái sân
đất trống giữa buôn, nơi để tổ chức lễ hội, và bị trói vào
một cây cột .  Rồi Nathalie rẽ đám đông đi tới bên tôi, nàng
nhìn tôi thầm như trách móc, khuôn mặt nàng có vẻ lo âu cực
độ.  Nàng nói bằng tiếng Êđê và sau đó tôi thấy mọi người
bỏ đi hết, chỉ còn tôi với nàng.  Tôi thực sự xấu hổ vì đã
không giữ lời hứa với nàng.  Lúc nầy, nàng mới hỏi tôi:

–  Sao anh lại vào đó ?

–  Anh thấy em vào đó, lại cởi bỏ y phục nên anh không thể
kiềm chế tò mò…

Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên ;

–  Không, em đâu có vào đó !

–  Anh thấy em từ nhà đi, nên anh đi theo.

–  À, sao anh nghĩ là em ?

–   Anh thấy em có đội khăn mà.

Nathalie tỏ vẻ suy nghĩ rồi lắc đầu.

–  Đó là Estelle, không phải em đâu.  Estelle đêm nay đã dạy các
cô gái khác về “thần giao cách cảm” , đây là một bí mật
được truyền từ nhiều đời của dân tộc em, và chỉ có gia đình
tộc trưởng là nắm bí quyết.  Nhờ vào đó, những người thân
của nhau có thể liên lạc, truyền thông cho nhau khi có chuyện
quan trọng, như hôm em biết được mẹ bị bệnh.  Nơi đó, nam giới
cấm không được vào.

Tôi thực sự hối hận vì đã nghi ngờ nàng và dẫn tới tình
trạng dở khóc dở cười ngày hôm nay.  Tôi hỏi nàng :

–  Vậy bây giờ sao, anh sẽ bị phạt gì ?

Nathalie chỉ lắc đầu, nàng có vẻ buồn, chưa bao giờ tôi thấy
nét mặt nàng buồn như vậy.

–  Bây giờ phải chờ quyết định của Hội đồng già làng.  Theo
luật tục thì nếu là người dân buôn vi phạm điều cấm nầy thì
sẽ bị phạt một con trâu để khao cỗ cho cả làng.  Còn như anh
là người ngoài buôn thì…

–  Thì sao em ?

–  Thì phải … tử hình .

–  Trời ơi !

Tôi thật không tin vào tai mình nữa.  Không lẽ tôi phải chết ở
đây, một cách lãng nhách như vậy sao trời !

–  Em à, vậy rồi sao, em không có cách nào cứu anh nữa sao?

–  Phải chờ quyết định của Hội đồng, sau đó … nếu Hội
đồng không thể bỏ qua được thì chỉ còn một hy vọng cuối
cùng.

–  Là sao em ?  Tôi thật nóng lòng muốn biết xem hy vọng đó là gì .

–  Đó là, trong vòng ba ngày phải có một người con gái trong
buôn nhận kết hôn với anh, lúc đó anh kể như là người dân buôn
và sẽ chỉ bị phạt  vạ một con trâu.

Sao oái ăm vậy nè trời, sao tôi lại rơi vào cái cảnh của anh
chàng Gringoire.. gì đó trong ” Thằng gù nhà thờ Đức Bà” vậy
, không biết có ai chịu làm Esméralda để cứu tôi không nữa đây
?

Nghĩ tới đó, tôi nhìn sang Nathalie, tôi chỉ còn hy vọng nơi
nàng.  Nhưng tôi thấy Nathalie vẫn có vẻ rất lo âu, tôi chợt
hiểu ra lý do.  Vì nàng là người sắp được phong kế thừa ngôi
vị Trưởng buôn và Nữ hoàng của dân tộc Êđê, và nàng chỉ có
thể được phong khi nàng chưa có chồng.  Tôi thật là thất
vọng, tôi tự trách mình sao lại gây ra chuyện nầy, khổ cho
mình mà cũng khó cả cho nàng.

Ngay đêm đó, Hội đồng già làng nhóm họp và họ đã quyết
định không thể làm sai luật tục của làng, nghĩa là tôi sẽ
bị tử hình, trừ phi trong vòng ba ngày có một người con gái
trong buôn nhận tôi làm chồng.

Với sự bảo lãnh của Nathalie, tôi được mở trói và được vào
ngủ trong gian nhà khách của nàng, bên ngoài có hai thanh niên
canh gác.  Tôi như một tử tội chờ ra pháp trường, làm sao ngủ
nghê gì được.  Tôi nằm đó mà suy nghĩ miên mang, nhớ cha, nhớ
mẹ, anh em, nhớ cả cái cô bán hột vịt lộn đầu hẻm mà mỗi
khi tôi mua đều được tặng thêm một trứng.  Trời ui, giờ ước
gì tôi được trở về nhà, dù có yêu Nathalie biết mấy, cho
vàng tôi cũng không dám lên đây nữa.

Đã hai ngày trôi qua, vẫn không có cô gái nào lên tiếng.  Cũng
có thể là có người thích tôi, nhưng ai cũng đã biết tôi là
bạn của Nathalie, có ai mà dám nhảy vào nữa.  Trong hai ngày
nầy, không chỉ Nathalie, mà Estelle cũng rất là chăm sóc cho
tôi, nàng không hề tỏ vẻ giận tôi mà trái lại, chăm sóc tôi
rất tận tình.  Đêm khuya, khi Nathalie đã ngủ, và tôi không ngủ
được, Estelle đã ra pha cà-phê và chúng tôi ngồi nói chuyện
tới sáng, lạ một điều là nàng có vẻ như rất  thích tôi
vậy, tôi có chủ quan không?

Đêm nay là đêm cuối cùng, ngày mai tôi sẽ bị mang ra giàn hỏa.
Tôi rùng mình, nghĩ tới lúc tôi sẽ bị ném vào lửa như con
heo quay.  Tôi đã thoáng nghĩ tới chuyện trốn, nhưng Estelle đã
cảnh cáo tôi liền :

–  Anh không trốn được đâu, người ta đang canh gác kỹ và nếu
có trốn được thì anh cũng không biết đâu mà đi, anh sẽ lạc
vào rừng và chết trong đó.  Từ giờ đến khi mặt trời mọc,
nếu không có tiếng cồng của cô gái muốn nhận anh làm chồng
thì…

Estelle ngưng ngang ở đó. Thì, tôi cũng hiểu là gì rồi.  Nếu
có một cô gái cứu vớt tôi, thì cô sẽ vào nhà và đánh cồng
Mẹ lên cho mọi ngưới biết.  Tôi thật hết hy vọng, tôi cũng
không dám trông mong ở Nathalie vì tôi biết nàng ở vào một
tình thế rất là khó xử.  Chỉ còn Estelle, may ra, nhưng tôi
là bạn của chị nàng, Estelle cũng không hề hé một hy vọng
gì cho tôi cả.  Đã mấy đêm thức trắng, gần sáng tôi mệt mỏi
thiếp vào giấc ngủ nhọc nhằn.

Tôi bỗng giật mình thức giấc vì tiếng cãi nhau lớn tiếng
của ai đó, mở mắt ra tôi thấy Nathalie và Estelle đang giành
nhau chiếc cồng.  Estelle xách chiếc cồng, nhưng Nathalie lại
cầm dùi và hai người đang cãi nhau kịch liệt bằng tiếng Êđê.
Rồi một tiếng cồng vang lên, âm thanh trầm rền rền ngân xa…,
hai chị em cũng đã im bặt, chỉ còn từng tiếng chiêng ngân
dài, trời đã ửng hồng một góc xa.

Tôi tuôn dậy.  Nathalie đang đánh từng tiếng cồng ngọt ngào,
những tiếng cồng đáng yêu làm sao.  Tôi muốn hét to lên, tôi
đã sống rồi và người cứu tôi không ai khác hơn là người tôi
yêu dấu. Tôi bồi hồi xúc động, những giọt nước mắt lăn dài
trên má…

***

Mười năm sau.

–  Estelle, con đứng yên đi, ba chụp hình con với mẹ.

Hai mẹ con cười duyên dáng thật đẹp trước tháp Eiffel, Paris.

–  Anh à, mấy tấm nầy gởi cho Estelle nhé, dì nó sẽ thích lắm đấy.

Tôi nhìn Nathalie âu yếm :

–  Để anh về thăm Estelle rồi mang hình luôn nhé.

– Anh thật là …ngày đó mà em không giành đánh chiêng thì
giờ nầy Estelle đang đứng chỗ nầy nè, anh thích lắm phải
không ? Nàng hờn mát .

Nhớ đến Estelle, tôi bỗng nảy ra một thắc mắc :

–  Em à,  không biết sao đêm đó Nathalie lại đội khăn em nhỉ ?

–  Anh thật không hiểu sao Ngốc của em, vì Estelle muốn anh
tưởng lầm là em và đi theo.  Nó muốn dụ cho anh sập bẫy.

–  Estelle muốn anh chết à ?  Tôi trợn mắt .

–  Anh ơi là anh, nó muốn anh chết làm gì.  Nó chỉ muốn, nếu
em không động tịnh gì thì đến giờ phút chót nó sẽ cứu anh,
và anh sẽ là chồng của nó.  Còn nếu em chịu cứu anh thì, em
sẽ mất chức vị Trưởng buôn và nó sẽ là người thừa kế.
“Một mũi tên trúng hai con chim” , đằng nào nó cũng được lợi
cả.

Thì ra là vậy .  Cái cảm giác ban đầu gặp Estelle đã không
đánh lừa tôi.  Estelle quả là người tính toán khôn ngoan.

–  Nhưng sao anh cứ nhất định đặt tên con là Estelle vậy ?
Chắc anh cũng thích nó lắm chứ gì ?

Chời ui, giờ nầy còn nổi máu Hoạn nữa sao Nathalie, tôi bèn
giở tuyệt kỷ :

–  Nếu không nhờ Estelle thì giờ nầy anh và em có ở đây không,
có con mèo con Estelle nầy không em ?

–  À há, lúc nào anh cũng lách được nhỉ, em biết anh giỏi mà.

Tôi khẽ gỡ chiếc lá vàng từ tay bé Estelle thả bay vương lên
tóc mẹ, ánh mắt Nathalie ngước lên như muốn nói muôn ngàn lời

Nắng dần nhạt.

Gió chiều lồng lộng, giòng sông Seine xanh biếc lững lờ trôi.

Nguyễn  Đức Diêu.{jcomments on}

 

0 thoughts on “Hương Rừng Cao Nguyên

  1. Xuan Thi

    Bai viet cua Dieu that sau sac . Duoc biet Dieu khong nhung viet van hay ma lam tho cung hay nua . hom nao cho ban be tren Huong xua thuong thuc tho ban nhe .
    Xuan Thi

    Reply
    1. NĐD

      Chào Xuân Thi, người bạn thi họa tài hoa.

      D. chỉ có tài “bắt vài con cóc” là hay thôi XT ơi.

      Cám ơn XT, chúc năm mới phát tài nghen.

      Reply
  2. Ngô Tín

    Cam on chi Kim Dao .Ngo Tin moi vua gioi thieu ma chi da dang roi . Dieu khong nhung viet van hay ma lam tho cung rat tuyet voi . Ngo Tin co pho mot bai tho cua Dieu thanh ca khuc . Ca khuc co tua de Tinh toan hoc . Se trinh lang nay mai tren trang nha Huong xua . Chuc mung Dieu da tham gia trang Huong xua . Ngo Tin chi lam cong viec gioi thieu nhung nguoi con dat Qui Nhon , Binh Dinh tai nang den voi moi nguoi .
    Ngo Tin

    Reply
    1. NĐD

      Chào a Ngô Tín

      Cám ơn anh đã cho Diêu có dịp vào Hương Xưa, tìm lại dư âm ngày cũ

      cùng thế hệ và gặp lại Cô giáo ngày xưa của mình.

      Chúc a luôn khỏe để cho ra đời những ca khúc hay mới.

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Mình đã được Ngô Tín hát qua điện thoại cho nghe bài nhạc phổ thơ “Tình Toán Học” của NĐC, hay và dí dỏm lắm. Bảo đãm phái nữ ai mà nghe được sẽ “yêu” hai tác gỉa liền. Thơ đã hay, văn lại càng hay. Đàn ông, ai ở trong câu chuyện này của NĐC, đều thích. Không chết 10 năm trước, 10 năm sau cũng chết trong tay nàng, cũng vậy thôi. Một cái chết tức thì tức tưởi, một cái chết từ từ, qua năm tháng. Cai may lúc đầu có thể là cái rủi về sau, tác gỉa có nghĩ thế không? Hai cô gái, một của núi rừng với điệu cồng chiêng, một của Paris hoa lệ. Làm sao mà chọn được hả tác gỉa. Thôi thì để các nàng chọn mình, thế mới không lầm. Tác gỉa đang ở Paris hay sao mà “Tây” thế!.
        À này! Ngô Tín quen ai người đó cũng đều có đủ 3 điều: đẹp, tài, và văn nghệ, nhất là phái nữ. Muốn biết cái bí quyết này của chàng nhưng chẳng làm sao được. NĐC biết không?
        NL

        Reply
  3. Huỳnh ngọc Tín

    Xin chào Nguyễn đức Diêu!Câu chuyện hay lắm!Không ngờ cái cậu Diêu bé bé hồi nào mà lại làm nên chuyện động trời.Hôm nào về Việt nam nhớ dắt mình lên đó với nghen!Hôm Trần cát Lân có nói với mình về Cậu, nhưng sau đó mình không vào được trang Cường đễ NTH 68-75.Qua câu chuyện mình biết Cậu viết về chuyện đời của Cậu, cách viết rất thật, rất gần gũi, hay lắm!
    Mình đang bận, chỉ ghé vào Huongxua để thăm nhưng thấy bài của Cậu phải tranh thủ mà viết cho Cậu mấy chữ.Cô Tuyết Đào Trang chủ Hương xưa là Cô giáo của tụi mình đó.

    Reply
    1. NĐD

      Tín thân .

      Rất vui gặp Tín ở đây. Nhớ đến ngày nào còn ngồi kế bên Tín trong lớp, thấm thoắt đã 40 năm qua ! Ah, D. vẫn nhớ Cô T. Đào dạy mình năm 11, không ngờ bây giờ gặp lại ở đây.

      Cám ơn Tín đã vào gặp D. nghe. Tín hiện đang ở đâu ? Nếu ở VN thì khi nào về D. sẽ tìm Tín.

      Chúc Tín và g/đ một năm mới an lành nha.

      Reply
      1. Huỳnh ngọc Tín

        Mình mới về VN và cũng mới đi lại.Hiện Tín đang ở Tashkent Uzbekistan.Khi nào có dịp mình sẽ gặp nhau ở VN mà.Đúng rồi, Cô Đào dạy mình năm lớp 11,là năm Cô mới ra trường nên kỷ niệm về cái buổi ban đầu lưu luyến ấy Cô không bao giờ quên đâu.

        Reply
        1. Nguyên Lương

          Tín và Diêu ơi!
          Bật mí xem là cô gíáo Tuyết Đào ngày trước dạy có hay không mà sao cô đào tạo một lứa toàn những học sinh xuất chúng. Đi đâu, làm gì cũng làm tốt việc. Nghe nói cô dạy Sử Địa, cô ảnh hường thế nào mà Vũ Thanh viết truyện dã sử, làm thơ trường thi hay tuyệt vời. Năm mình học lớp 6, thầy Nguyễn Mộng Giác mới ra trường, dạy mình môn Việt Văn. Nhờ Thầy mà mình yêu văn chương từ đó. Lớn lên làm việc khoa học mà cứ thơ thơ thẩn thẩn, đi tìm bạn yêu văn nghệ mà chơi, và rất qúi mến những người có tâm hồn này vì đó là cái Cha Mẹ mình cho chứ không học được. Thầy chỉ kích thích làm cho mình mê hơn thôi.
          Mình đang đọc Hòn Vọng Phu của VT, càng đọc càng hay. Đã đọc thế hơn 6 tháng rồi. Các bạn của Vũ Thanh như: Tín, Diệu phải tìm đọc cho được. Đọc HVP để thấy hết cái đẹp của quê mình qua thơ.
          Có những người bạn hạp nhau, bao nhiêu năm gặp lại chắc là thích lắm. Hôm rồi Vũ Thanh có mời vợ chồng mình qua Cali nghe buổi trình diễn Live Show của con trai Quốc Khanh cuối tháng 2 nhưng bận qúa không đi được, tiếc thật. Hy vọng Tín và Diệu gặp được nhau chắc có nhiều điều để nói lắm nhỉ.
          Chúc mừng hai bạn.
          NL

          Reply
          1. Huỳnh ngọc Tín

            Anh Lương quý mến!
            Tín ngày xưa cũng như nhiều bạn khác không thích học môn Sử Địa mấy đâu.Nhưng vì quý Cô nên Tín không ngờ là mình đứng nhất môn Cô dạy đó.Nói vậy để anh hiểu Cô đã ảnh hưởng đến mình như thế nào.
            Ngày ấy Cô mới ra trường, bé xíu, e lệ tội lắm!Nhưng học sinh ít trêu Cô vì chắc thấy tội.Còn một số Cô khác như Cô Tú, Cô Phong thì bị trêu tơi bời, Cô Phong(em Thầy Giác) thì giận bỏ lớp không chịu dạy, còn Cô Tú thì khóc luôn.Chỉ có Cô Đào là bình an vì có học trò cưng là HNT bảo vệ đó.
            Diêu ra trường lấy Công chúa Natalia và đi Pháp, bây giờ cũng qua bên Mỹ rồi.Nhờ có vợ giỏi nên dạy dỗ Cậu ấy nên người, làm thơ, viết văn hay vô cùng, chắc nghề tay phải của Cậu ta là Bác sĩ.
            Còn Vũ Thanh(Võ Thanh Quang) thì có khiếu văn thơ từ nhỏ.Cậu ta hay làm thơ tình và tặng cho Tín vì hai đứa chơi thân.Ngoài ra cậu ấy rất đam mê văn chương và rất có trách nhiệm với Những bản Trường thi của mình.Cậu ấy viết đã lâu, sửa đi sửa lại nhiều lần, và cũng đi thực tế rất nhiều để bổ sung dữ liệu lịch sử.
            Cậu ấy cũng có gửi cho Tín từ những bản viết đầu tiên, nhưng Tín bất taai2 nên không đóng góp được gì cho Cậu ấy.May mà Cậu ấy gặp được anh , như Mây gặp Gió (Phong vân gặp hội)Tín cũng có đọc một số bài anh viết lời tựa, hay lắm.Anh mà viết lời tựa cho Cậu ta thì còn gì bằng, cậu ta đã gặp được Tri kỷ rồi đó.

    1. NĐD

      Chào Phượng,

      D. cũng ko biết nữa nhưng cũng có thể như Phượng nói, vì D. đọc

      truyện dịch cũng nhiều nên có thể chịu ảnh hưởng.

      Cám ơn Phương đã xem nhé.

      Xin chúc một năm mới an lành.

      Reply
  4. TRANKIMLOAN

    Bài viết hấp dẫn & hay vô cùng TKL đã đọc ngấu nghiếm! kết thúc có hậu & hạnh phúc ! chúc mừng N ĐD! một chuyện tình rất đẹp,rất lãng mạn & rất hay!
    Đọc bài này cũng giúp cho ta hiểu thêm về những phong tục của dân tộc Ê Đê anh em chúng ta!
    Cám ơn N ĐD đã cho thưởng thức mộ bài viết hay & chúc sang năm mới vạn sự như ý!

    Reply
    1. NĐD

      Chào chị TRANKIMLOAN ,

      Cám ơn chị đã đọc và khen tặng.

      Chúc chị và g/đ luôn an khang trong năm mới.

      Reply
      1. Huỳnh ngọc Tín

        Tín còn biết Chị cả của Natalia giờ ở đâu, làm gì và chồng của chị ta là ai nữa đó!

        Reply
          1. Huỳnh ngọc Tín

            Muốn tìm thăm chị Phượng của Natalia thì hỏi Tín đi, Tín chỉ cho.Chị ta không chịu đi Pháp, hiện đang còn ở VN và rất khổ.

  5. Đặng Danh

    Chào Nguyễn Đức Diêu, một chuyện tình đẹp và dễ thương.Chú rễ có thích bài ” Sơn nữ ca ” Sĩ Phú hát hết biết.

    Reply
    1. NĐD

      Cám ơn a Đặng Danh nghen !

      Đúng rồi, “Sưn Nữ Ca” với giọng đầm ấm của Sĩ Phú thì rừng cao nguyên đâu còn lạnh lẽo gì nữa phải không anh !

      Reply
    1. NĐD

      Cám ơn Kiều Thanh, cuộc sống luôn cho ta những bất ngờ lý thú, dù là cay đắng hay ngọt ngào phải không KT ?

      Reply
  6. Quốc Tuyên

    Bài viết hay quá, như một câu chuyện cổ tích thật hấp dẫn! Xin chào Nguyễn Đức Diêu đã đến trang Hương xưa, mong bạn thường xuyên ghé trang nhà giao lưu cùng bạn bè cho vui.

    Reply
    1. NĐD

      Chào Quốc Tuyên.

      Xin cám ơn Hương Xưa đã dành những tình cảm đẹp cho NĐD, hy vọng sẽ có thể đóng góp nhiều hơn nữa.

      Reply
  7. TSN. Ngọc Diệp

    Câu chuyện tình tiết đã hay lại thêm nhiều điều học hỏi về dân tộc Ê Đê nữa.Thật thú vị! Cám ơn anh NĐDiêu nhiều.

    Reply
    1. NĐD

      Cám ơn TSN. Ngọc Diệp đã có lời khen tặng. Xin hỏi nhỏ ND có phải là cựu nữ sinh NTH, sau NĐD vài lớp hay ko ? Nếu ko thì xin lỗi đã nhận …bà con nhầm vậy nhé.

      Thân mến.

      Reply
  8. nguyentiet

    Một câu chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn như chuyện cổ tích được NĐD viết hay quá, nhẹ nhàng ,lôi cuốn người đọc như cách đi tìm người yêu của tác giả.Cám ơn NĐD đã cho đọc một truyện ngắn hay và nhờ đó NT đã biết thêm về phong tục tập quán của dân tộc Êđê .

    Reply
  9. lamaikhanh

    Chào Nguyễn Đức Diêu vào HX với bài viết hay cho thấy một câu chuyện tình thơ mộng , đẹp ,lãng mạn như nhiều bài thơ của bạn
    Tất nhiên:” Đất lành chim đậu”, và con chim hiền Bồ Câu nầy sẽ bay mọi nơi và an lành mọi chốn !
    Mong đọc thêm nhiều bài viết hay

    Reply
    1. NĐD

      lamaikhanh là ai ?

      Giống một nhân vật trong kiếm hiệp giang hồ … chuyện gì cũng biết…

      Cám ơn lamaikhanh nhiều, NĐD cũng hy vọng sẽ đậu lại lâu dài.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.