Đọc Thơ Tuyệt Cú

Có một số người thích viết và thích đọc thơ “ tuyệt
cú 絕 句”, vì thơ tuyệt cú có những nét độc đáo. Nay chúng tôi xin giới
thiệu một trong những bài tuyệt cú mà nhiều bậc tiền bối của chúng ta
đã ưa thích là bài “ Nam Hành Biệt Đệ 南 行 別 弟” của Vi Thừa Khánh 韋 承 慶
nhưng có một số sách Trung Hoa cho rằng bài này có tên là “ Ký Nhân 寄
人” mà tác giả là Thôi Đạo Dung 崔 道 融 như sau:

Ký Nhân

Đạm đạm Trường giang thủy

Du du viễn khách tình

Lạc hoa tương dữ hận

Đáo địa nhất vô thanh.

Thôi Đạo Dung

寄  人

淡 淡  長 江 水

悠 悠 遠 客 情

落 花 相 與 恨

到 地 一 無 聲.

催 道 融

Cụ Bùi Khánh Đản dịch bài Nam Hành Biệt Đệ 南 行 別 弟 của Vi Thừa
Khánh 韋 承 慶 như sau :

Nam Hành Biệt Đệ

Trường giang trôi lặng lẽ

Tình viễn khách ngùi ngùi

Hoa cũng chung lòng hận

Âm thầm cánh nhẹ rơi.

Bùi Khánh Đản

Cụ dịch bài 2 :

Lững lờ dòng nước Trường Giang

Ngậm ngùi tình khách mênh mang một trời

Hoa kia cũng hận theo người

Đầy trên mặt đất cánh rơi âm thầm.

Bùi Khánh Đản

Nhà thơ Tuấn Việt đã phỏng dịch bài Ký Nhân 寄 人 của Thôi Đạo Dung 催 道 融 :

Gởi Người

Mênh mông dòng Trường giang

Viễn khách lòng mang mang

Hận tình theo hoa rụng

Chạm đất không tiếng vang.

Tuấn Việt

Và bài dịch 2 của Tuấn Việt :

Nhìn sông nước bao la

Mang mang tình viễn khách

Hận lòng rụng theo hoa

Không tiếng vang chạm đất.

Tuấn Việt

Người xưa thường bảo thơ “Tuyệt Cú” phải lấy “thần vị”
làm chủ – vị là màu, là mùi hương. Còn ông Dương Ngư Vương lại gọi là
“thần vận”- vận là tiếng đồng thanh với nhau. Thơ tuyệt cú bị hạn hẹp
trong 4 câu nên thi nhân phải khéo léo mới tìm ra được câu ngắn mà
chứa  đựng ý thâm sâu. Phê bình gia Tẩy Đắc Lâm gọi là “cú đỏan ý
thâm”. Thơ “thất tuyệt” đã khó mà làm thơ “ngũ tuyệt” lại khó hơn  –
xin đừng lầm với “ngũ ngôn 五 言” vì ngũ ngôn có thể dài hơn 4 câu.

Trong bài “Ký Nhân 寄 人” thi sĩ Thôi Đạo Dung đã lấy 2 chữ
“giang thủy 江 水” làm cảm hứng. Sở dĩ họ Thôi 催 dùng “đạm đạm 淡 淡” là
để tả thể nước đầy mà không chảy xiết nên nhà phê bình Tẩy Đắc Lâm 洗 得
霖 khi đọc xong bài Ký Nhân đã viết :“Trường giang chi thủy, nhất vọng
vô tế”(Nước Trường-giang nhìn không thấy bến bờ đâu cả). Thi sĩ họ
Thôi đã dùng 3 chữ “viễn khách tình 逺 客 情 để tả tâm trạng lữ khách
nhìn nước mà chợt nhớ đến thân phận lưu lạc của mình. Thường đối cảnh
hay sanh tình nên thi nhân đã hạ bút “trường giang thủy 長 江 水” trước,
rối mới tiếp 3 chữ “viễn khách tình 遠 客 情” sau. Tác giả dùng điệp tự
“du du 悠 悠” để tả lòng mình như nước mênh mang vậy! Cho nên câu đầu
của thơ “tuyệt cú” gọi là “khởi”, câu thứ 2 là “thừa” mà “ý 意” phải hỗ
trợ cho nhau;không thể đơn điệu được vì phải nói lên được “nội dung”
một cách minh bạch. Còn câu thứ 3 phải chuyển tả cảnh huống tâm tình
như trong bài “Ký Nhân” này : “Lạc hoa tương dữ hận = 落 花 相 與 恨”(Hoa
rơi hận cũng rơi theo!).Trong thi văn Trung Hoa thường dùng chương
pháp “Phiên tiến nhất tằng” – nghĩa là tiệm-tiến như lật từng trang
giấy, phương pháp “Thiền liên nhi hạ” như ve kêu trầm bổng, tiếng này
liên tiếp tiếng kia. Bài “tuyệt cú” trên thi sĩ Thôi Đạo Dung đã dùng
chương pháp “Thiền liên nhi hạ” vì ta thấy từ chũ “thủy 水” dẫn xuống
chữ “tình 情” rồi tình đưa đến chữ “hận 恨” và cuối cùng thi sĩ họ Thôi
đã kết bài thơ bằng 2 chữ “vô thanh 無 聲” nên khi đọc xong bài thơ ta
có cảm giác man mác buồn! Tác giả dùng “lạc hoa 落 花” để đưa đến “hận
恨” qua trung gian 2 chữ “tương dữ 相 與” để chỉ tình cảnh của hoa lạc
này cũng là tình cảnh của thi nhân;hận vì không có người thân bên
cạnh, hận vì lưu lạc trên đất khách quê người như tâm trạng của chiếc
hoa rơi xuống đất không một tiếng động hay nói đúng hơn không một
tiếng than! Từ câu đầu dắt lần xuống câu thứ tư – tức câu kết – “Đáo
địa nhất vô thanh 到 地 一 無 聲”, thật là lặng lẽ buồn thảm vô cùng!

Một bài thơ hay như vậy nên được tiền nhân khen là “ thần
bút 神 筆” cũng không lấy gì làm ngoa!

Lam Nguyên

*Ghi chú : Trong quyển dịch Đường Thi của Cụ Trần Trọng Kim thì bài thơ
này mang tựa đề “Nam Hành Biệt Đệ” và tác giả là Vi Thừa Khánh. Còn
trong quyển “Thi Từ Bình Thưởng” của Tẩy Đắc Lâm (Trung Hoa Thư Cục Ấn
Hành) thì mang tựa đề là “Ký Nhân” và tác giả là Thôi Đạo Dung. Ngoài
ra 2 chữ “đạm đạm 澹 澹” trong quyển Đường Thi của Cụ Trần khác với chữ
“đạm đạm 淡 淡” của họ Thôi. Vậy kính mong quý thức giả bổ túc nghi vấn
văn học này để chúng tôi được thọ giáo, cảm ơn!{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.