Chất thơ trong con người Huỳnh Công Ánh

( Nghe nói nhà thơ Bình Định – Huỳnh Công Ánh sắp ra mắt tập thơ thứ
hai, gởi HX bài viết năm 2010 nhân buổi  ra mắt tập thơ : Quẳng Gánh
Lao Đao Giữ Nụ Cười của HCA tổ chức hôm 31 tháng 10, 2010 tại
Philadelphia, USA)

Sau năm 75, trên làng thơ  hải ngoại xuất hiện hai người “mần” thơ,
nhạc (chữ của Công Tử Hà Đông) rất đặc biệt. “Nẫu” đến từ đất võ Bình
Định, cùng ở Houston. Nổi tiếng vì thơ của “nẫu” không giống ai và bản
thân  nẫu cũng rất lạ đời : Ngu Yên và Huỳnh Công Ánh. Ngu Yên qua Mỹ
trước và có thơ xuất hiện trên các báo từ những năm 80,  cũng là năm
Huỳnh Công Ánh chèo thuyền đến Mỹ. Cả hai viết rất khỏe, tiên phong
trên nhiều lãnh vực, và khi đã tiếp xúc với  họ rồi, đố ai mà quên
được.

Lạ từ văn phong, từ câu chữ, từ khái niệm. Lạ từ cái nhìn dí dỏm,
cười cợt, phóng túng và bất cần. Sống ngang ngạnh, ngạo ngược  và
không biết  sợ nên trong thơ tuy có lúc hằn học với đời, với bản thân,
nhưng tuyệt đối không bi thương, sầu muộn theo kiểu thương mây khóc
gió .
Thơ của Ngu Yên là những lời  trần tình, tâm sự, đa số là với vợ, với
chính mình và rất riêng tư:
….. Em hãy ra chợ mua ràng bánh tráng. Để cuốn đời anh vào cuộn chả
giò. Hãy nhớ mua rau và nước mắm. Đề chấm đời anh ngàn nỗi âu lo
…….Thêm chút ớt cho khoái  trào nước mắt. Và em ơi ta nhậu giữa mịt
mù….

Trong thơ  viết về người nữ, cùng  cái đích nhắm của Ngu Yên,  người
vợ của họ Huỳnh cũng là đối tượng chính,  nhưng còn thêm vào những mối
lo khác lớn hơn:
…Em còn sót mỗi miếng cười. Gắp bỏ vô chén cuối đời của ta. Ung dung
nhấm nháp khề khà. Mượn men quẳng gánh sơn hà long đong…

Điểm chung của cả hai chỉ dừng ở  đó, còn tất cả những cái khác  họ là
hai  thái cực.
Hôm nay ta nói về  Hùynh Công Ánh qua tác phẩm thơ : Quẳng Gánh Lao
Đao, Giữ Nụ Cười.
Trước hết là âm thanh. Thơ của HCA khi đọc ta có cảm giác như  đang
đi bị ai gọi  giật ngược. Những điệp ngữ ông dùng cho  trạng từ, tĩnh
từ có tính lập âm, đồng thanh như: lung linh, lấn lướt, xồng xộc, rưng
rưng, ngây ngất, rưng rức, lơ lơ, trùng trùng, chênh vênh, râm
ran…Đọc qua rồi  như phải đọc lại :
–          Đóm lung linh chân thật giữa trái tim
–          Giận lấn lướt nhau rồi nhức nhối
–          Ngàn năm, trăm năm xồng xộc tới
–          Áo học trò hồi tưởng hóa rưng rưng
–          Giật mình ta rưng rức xót thịt da
–          Anh thẩn thờ rồi kiếp kiếp lang thang
–          Mà râm ran nhức buốt từng giờ
–          Tối tối, song song, chênh vênh trăng tỏ
–          Từng con đường ướt nhẹp, rưng rưng
–          Phiền gì riêng người lơ lơ hôm nay
–          Từ bi ngủ gật cõi mê trùng trùng

Cách dùng chữ  đã lạ, cách ngắt câu càng lạ hơn. Chữ rất đời thường
cữa miệng  nhưng ghép vào thơ  nghe cứ  như  lùng bùng trong lỗ tai,
chọc khoáy, ngứa ngáy không yên. Những từ: eo ếch, vểnh mỏ, bù trất,
mượt mềm, hớ hênh, quay mòng mòng…không phải  là những chữ thường xuất
hiện trên thơ. Thế mà ông rất tài tình cho nó vào thơ đề biến thơ ông
từ xa xôi trở về gần gũi. Chuyện ái ân, trai  gái ông cũng đưa lên thơ
một cách rất tự nhiên, trần trụi:
–          Hồn lên núi, xác xuống đời. Ôm ngay eo ếch rã rời xác thân.
Sáng chia tay, tối xáp gần. Cái này  được, chuyện khác toàn cãi nhau
–          Vậy mà anh vẫn lao vào chốn ấy. Bỡi không muốn cô đơn vểnh
mỏ nằm khơi
–          Trăng nghiêng nhìn lén xuyên rèm. Ngẩn ngơ da lụa mượt mềm, hớ hênh
–          Dẫu  tháo xiềng vẫn  vướng từng sợi tóc. Mùi hương thôi đã
không thể  thoát  thân
–          Anh tình cờ bắt gặp một màu trăng. Tỏa trên gáy, trên vai,
trên lưng ngực
–          Máu sôi  sóng dậy quay mòng mòng
–          Giữa đời nhau ân ái một chỗ ngồi.

Người đọc thử  thay những chữ  đậm bằng một chữ khác xem câu thơ có
còn ổn không?
Thơ HCA không êm ả, nhẹ nhàng mà từng bài, từng câu đọc lên cho ta cái
cảm giác như  luồng điện chạy ngược sau xương sống. Có lúc ông cũng
muốn cho hồn mình tĩnh lại:
Cũng hiu hiu gợi,  buồn lăn tăn rồi
Hiu hiu là chữ của gió nhẹ, lăn tăn là chữ của sóng êm, nhưng nhẹ, êm
sao được khi cuối câu ông kết bằng chữ  rồi, nghe  như tiếng hờn giận,
bỏ cuộc, buông thỏng, nó lọt thỏm vào vô định, không bay, không gợn
được.
Nghe bạn bè kể lại, HCA sống chẳng biết sợ là gì. Từ nhà trường (đã
từng là hiệu trưởng một trường trung học), tình trường đến thương
trường HCA lúc nào cũng là người tiên phong, khai phá một cách liều
lĩnh, với niềm đam mê mãnh liệt. Nói như thơ Trang Châu : “Đời bình
yên ta chẳng là ta nữa. Ta chỉ là ta khi bão lên”. Bão đã cuốn phăng
đời ông bao bận, nhưng ông vẫn thích đứng đầu sóng, ngọn gió, và tiếp
tục ngẩng  cao đầu đón bão. Tựa đề tập thơ là “Quẳng gánh lao đao giữ
nụ cười”. Lao đao thì còn đấy nhưng liệu ông có quẳng nó được không?
Nụ cười của riêng ông chưa tươi vì cái gánh nặng vẫn còn oằn trên vai.
Ông đã từng là nhà gíao, người lính, người tù, thương gia, nông gia,
ông làm tất, và làm cái gì cũng được việc. Ông là người tài hoa nên
bạn hữu gọi ông là nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, ông từ  chối hết, chỉ nhận
một chữ sĩ : liêm sỉ. Ông sống có hậu với bạn bè, người thân, và cả
đến những người muốn hại ông. Ở ông toát ra một cái gì đó ngang dọc,
khuấy động, không chịu cúi lòn của Từ Hải  trong truyện Kiều. Có lúc
ông đã có, có  rất nhiều và cũng có khi ông đã mất, mất  hết sạch. Dù
có nhiều hay mất hết, trong ông lúc nào cũng ngùn ngụt cháy  một ngọn
lửa của tình chiến hữu, nghĩa đồng bào, hồn dân tộc. Trong thơ  ông ít
nhiều mỗi  bài đã nói lên những  điều đó:
–          Thì mở vòng tay như đã mở. Đón đời, đón tình, đón yêu
thương. Và đón những gì không còn nữa. Biết đâu may đó là thiên đường.
–          Thất phu còn xó dung thân. Đã rồi cung gãy kiếm cùn còn chi
–          Cuốn sách đọc cả  đời sao chằng hiểu. Nợ không ai đòi mà trả bắt đừ
–          Chiều dọc, chiều ngang, muôn chiều ái ngại. Làm sao thoát
nổi kiếp người ta
–          Lỡ tôi, tôi đã lỡ rồi. Giận hờn xin gởi ngàn khơi sóng về
–          Bao giờ ra khỏi bờ biển khổ. Thở một hơi dài cho đã chơi,
Rồi trèo lên núi ngồi thở dốc. Gởi tặng ngàn xanh giọt mồ hôi.
–          Người quay gót mặc kệ đời hệ lụy. Long đong tràn trăm suối
hóa ngàn sông

Còn nhiều,  nhiều nữa trong gần 100 bài thơ của  tuyển tập có hai
phần: phần dành cho riêng Em, phần còn lại dành cho bằng hữu, quê
hương và thân phận. Phần dành cho Em chiếm phân nửa, đủ biết tác gỉa
ưu ái người tình, người vợ mà ông gọi là Em trong thơ ông biết chừng
nào. Hình ảnh người Em trong thơ HCA không cao xa như  Hàn Mặc Tử,
không lạnh lùng như  Đinh Hùng, cũng không đài các như Bích Khê. Ông
yêu qúi, trân trọng và thương nhớ người trong nỗi cô đơn lúc xa vắng.
Một người đàn ông coi đất là chiếu, trời là màng, mà có lúc cũng thấy
lạnh buốt thịt da của nỗi  trống vắng  nhớ nhung. Ông không thoát được
cái luật của âm dương: “Có âm dương, có vợ chồng. Dẫu trong nguyên tử
cũng vòng phu thê”, và ông đã ngã qụi vì tình bao lần, chứ đâu có cứng
cáp hơn ai nỗi  gì. Khi buồn HCA tâm sự: Anh đã mệt mỏi lắm rồi, muốn
dừng chân lại. Tôi đã đọc anh nghe mấy câu thơ của Phạm Cao Hoàng:
“Ngựa có khi cũng mỏi vó giang hồ. Anh có lúc cũng thèm đứng lại”.

Nếu biết “mần” thơ, là được gọi nhà thơ thì từ khi ra đi nhà thơ
chúng ta còn nhiều hơn nhà thờ (chữ của T D Lữ). Viết lách bây giờ
không còn để nổi danh với ngôn từ , không để làm dáng với chữ nghĩa,
không để có tên trong “Nhị Thập Bát Tú” mà thuần túy là để tâm sự. Thơ
đã trở thành những bức thư gởi cho bằng hữu phương xa hay một lời tạ
lỗi với người vợ nằm kề. Không còn bị những bóng cây đa, cây đề cổ thụ
che khuất. Cũng không còn bị làm khó dễ bỡi chủ bút, chủ biên. Thơ hải
ngoại mọc lên như nấm sau mưa. Trong đám nấm mới mọc đấy, có cái vị
rất lạ, ăn phải là nghiện ngay. Những  ai  đã từng “nhấm nháp”  thơ
Cao Tần, Vũ Kiện, Trang Châu, Bắc Phong và bây giờ là Huỳnh Công Ánh
là biết tôi nói gì. Nhưng cũng có cái ta không dám nếm thử  lần thứ
hai. Thích thì mở ra đọc, không thì gấp lại đi làm việc khác. Trước
khi gấp lại tập thơ của HCA, xin bạn nghe tôi đọc thêm mấy câu thơ nữa
của ông:
…Tập xếp hàng, luyện tụng kinh
Mõ chuông gởi tiếng u minh vào hồn
Truông bình minh, ngõ hoàng hôn
Tịch liêu thiền tọa, nghe oan khuất về…

Sao? bạn đã thấy say chưa hay vẫn còn tỉnh ? nếu chưa thì mở ra đọc
tiếp. Phần tôi, càng đọc càng thấy mình u mê. Thế mới lạ!
10/31/10{jcomments on}

 

0 thoughts on “Chất thơ trong con người Huỳnh Công Ánh

  1. Bích Vân

    …Tập xếp hàng, luyện tụng kinh
    Mõ chuông gởi tiếng u minh vào hồn
    Truông bình minh, ngõ hoàng hôn
    Tịch liêu thiền tọa, nghe oan khuất về…
    Ai còn chưa Ngộ mời vào đọc bốn câu thơ nầy.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Thế Bích Vân đã ngộ chưa. Nếu chưa thì đọc tiếp lại như kinh một lần nữa nghen. Chúc vui.
      NL

      Reply
  2. PhanMạnhThu

    Đọc bài viết của anh Nguyên Lương, MT muốn có trong tay tập thơ của Huỳnh Công Ánh. Chúc anh NL sức khỏe.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Nếu có duyên gặp nhau, năm tới anh về thăm quê sẽ mang vài cuốn thơ của HCA tặng bạn bè rồi chuyền tay nhau đọc nghen. Chờ đấy.
      NL

      Reply
  3. Khảo Mai.

    Đọc một lèo từ đầu đến dấu than chấm hết bài viết,
    xong rồi đọc lại từ từ để thẩm thấu bài viết thì KM nhận thấy đúng là như anh Nguyên Lương cảm nhận về thơ HCA:

    Thơ của HCA khi đọc ta có cảm giác như đang
    đi bị ai gọi giật ngược. Những điệp ngữ ông dùng cho trạng từ, tĩnh từ có tính lập âm, đồng thanh như: lung linh, lấn lướt, xồng xộc, rưng rưng, ngây ngất, rưng rức, lơ lơ, trùng trùng, chênh vênh, râm ran:
    Đóm lung linh chân thật giữa trái tim
    Giận lấn lướt nhau rồi nhức nhối
    Ngàn năm, trăm năm xồng xộc tới
    Áo học trò hồi tưởng hóa rưng rưng
    Giật mình ta rưng rức xót thịt da
    Anh thẩn thờ rồi kiếp kiếp lang thang
    Mà râm ran nhức buốt từng giờ
    Tối tối, song song, chênh vênh trăng tỏ
    Từng con đường ướt nhẹp, rưng rưng
    Phiền gì riêng người lơ lơ hôm nay
    Từ bi ngủ gật cõi mê trùng trùng

    Từ ngữ thô ráp góc cạnh đã được tác giả đưa vào nên đúng là khi đọc thơ mà lại có cảm giác giống như đang đi mà bị gọi giật ngược( anh NL đã cảm nhận ý này rất hay vì chính xác và thậtlắm ) và khi đã bị níu lại rồi thì càng đọc lại càng thấy thấm thấy hay của những lần đọc lại đó đối với những từ ngữ chẳng mượt mà mướt rượt mà lại còn cảm thấy khô khan khi thoạt đầu ta đọc lướt qua….

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Bài viết ngắn nên dễ đọc phải không Khảo Mai. Mình có cái tính rất dở mà không bỏ được. Yêu ai thì yêu nhiều, ghét ai thì ghét nhất. Không dung dung được. Nên cũng lắm bạn và cũng lắm thù. HCA là một trong những người Anh, người bạn đáng qúi nhất của mình . Anh HCA cũng thế, ai yêu anh thì yêu lắm mà ai ghét anh cũng ghét thậm. Phân minh thế nó mới rạch ròi. Lơ lơ lửng lửng chán lắm. Cảm ơn Khảo Mai đã thông cảm.
      NL

      Reply
  4. Khảo Mai.

    Sau khi đọc bài viết này KM nghĩ có lẽ tập thơ Quẳng Gánh
    Lao Đao Giữ Nụ Cười của HCA đã được độc giả đón nhận bởi vì anh Nguyên Lương viết bài cảm nhận cho tập thơ này trong trạng thái rất tận tường thơ của HCA, anh đã hiểu và đánh giá chính xác từng từ ngữ mà HCA đã đưa vào thơ:
    “…Thơ HCA không êm ả, nhẹ nhàng mà từng bài, từng câu đọc lên cho ta cái cảm giác như luồng điện chạy ngược sau xương sống. Có lúc ông cũng muốn cho hồn mình tĩnh lại:
    Cũng hiu hiu gợi, buồn lăn tăn rồi
    Hiu hiu là chữ của gió nhẹ, lăn tăn là chữ của sóng êm, nhưng nhẹ, êm sao được khi cuối câu ông kết bằng chữ rồi, nghe như tiếng hờn giận, bỏ cuộc, buông thỏng, nó lọt thỏm vào vô định, không bay, không gợn được….”(NL)

    Và còn một điều mà KM rất tâm đắc với anh NL là:
    “….Viết lách bây giờ không còn để nổi danh với ngôn từ , không để làm dáng với chữ nghĩa, không để có tên trong “Nhị Thập Bát Tú” mà thuần túy là để tâm sự. Thơ đã trở thành những bức thư gởi cho bằng hữu phương xa hay một lời tạ lỗi với người vợ nằm kề. Không còn bị những bóng cây đa, cây đề cổ thụ che khuất. Cũng không còn bị làm khó dễ bỡi chủ bút, chủ biên…..”(NL)

    Một bài viết dành cho tập thơ rất hay, hay ở chỗ nó đã gợi được cái tò mò khám phá….không biết mọi người thì sao chớ KM thì đang nóng lòng muốn đọc tập thơ này lắm đây…….
    Sg,11/12/2012
    KM

    Reply
  5. Dạ Lan

    Đọc bài viết của anh Nguyên Lương,Dạ Lan cũng muốn mần thơ và muốn kết bạn với anh Huỳnh Công Ánh để được nhận tập thơ:”Quẳng Gánh Lao Đao Giữ Nụ Cười”

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Nếu có dịp sẽ gởi cho Dạ Lan tập thơ của Anh, hay là không còn cuốn nào. Anh sắp ra tập thứ hai, mình đang chờ đây. Cũng hứa hẹn rất nhiều sôi nổi.
      NL

      Reply
  6. nguyentiet

    Đọc bài viết của anh Nguyên Lương em cũng giống PMT muốn có tập thơ “Quẳng Gánh Lao Đao Giữ Nụ Cười” của HCA trong tay để đọc.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cô giáo mà đọc thơ của HCA rồi, cô sẽ viết hay hơn anh đấy. Thơ anh mà đọc một bài, thích thì đọc hết, đọc ngấu nghiến. Không thì bỏ xó dùng lót chân giường hay để trên kệ sách phủ bụi (chữ của Luân Hoán), không bao giờ đợc nữa.
      NL

      Reply
    2. TRANKIMLOAN

      TKL cũng giống nguyentiet & PMT dzậy!đọc bài viết của NL là tự nhiên muốn có tập thơ ” Quẳng gánh Lao Đao giữ nụ cười ” của HCA để đọc quá!

      Reply
  7. Giáng Hương

    – Đóm lung linh chân thật giữa trái tim
    – Giận lấn lướt nhau rồi nhức nhối
    – Ngàn năm, trăm năm xồng xộc tới
    – Áo học trò hồi tưởng hóa rưng rưng
    – Giật mình ta rưng rức xót thịt da
    – Anh thẩn thờ rồi kiếp kiếp lang thang
    – Mà râm ran nhức buốt từng giờ

    Thơ văn lạ quá giống thơ Rêu nhưng mình thích đọc thơ Rêu hơn.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Rồi mai kia RÊU lớn hơn lên, sau những cay đắng, mất mác… thơ RÊU cũng sẽ cho ta nhiều hứa hẹn. Mình tin lúc bằng tuổi RÊU, HCA chưa có nội lực thâm hậu như cô cháu gái của mình đâu. Thơ RÊU bây giờ còn “xinh” lắm, muốn trừng trải hơn phải làm cho nó “xấu” đi. Nhưng làm thế đâu phải là RÊU nữa. Giáng Hương đồng ý ch1ư.
      NL

      Reply
  8. khachquaduong

    Nguyên Lương đã biết gì về HCA. và NY. mà gom lại làm một và viết ra bài nhận xét này về HCA.???hay cũng chỉ một chút thâm tình với tác giả mà viết ra đây???
    Nếu bài viết này mà bạn bè xứ Houston TX. đọc được thì liệu “nhà thơ “được NL. ca tụng ấy có yên thân nơi thành phố PL. hay o ???/
    Thiết nghĩ trang HX. nên để cho bạn bè gởi gấm ” tâm sự cho nhau “…chứ o cần đưa một “nhân tài lừng lẫy” như HCA. lên đây làm chi …mà nhà thơ Ny. được ghép chung ở đây chắc cũng o vui.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      KQĐ đừng lo. Mình quen và chơi rất thân với cả hai người mà. Đã gời cho Ngu Yên bài này trước khi đăng. Ngu Yên cũng thấy ổn. Không có vấn đề gì đâu.

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Hơn nữa bạn đọc lại đi. Mình đã nói rất rõ ở trên:
        “Điểm chung của cả hai chỉ dừng ở đó, còn tất cả những cái khác họ là hai thái cực”.
        Và đúng như thế. Không khen ai nhiều, không chê ai ít. Ở đây chỉ giới thiệu vài nhân vật lạ gốc BĐ cho bạn hữu xa gần biết đến văn phong của họ thôi. Còn ngoài đời ai đâu biết nhiều mà lạm bàn. Thông cảm nghen. Mai mốt sẽ có bài viết riêng giới thiệu thơ Ngu Yên rồi nhờ bạn com nghen.
        Chúc vui

        Reply
  9. Ba lũ nhỏ

    khachquaduong ui , đăng lên cũng được chứ sao không ? bên ni bên nớ tìm hiểu nhau chút chút chứ cứ ở mãi trong hủ nút hoài chán lém .

    Reply
  10. Tuệ Minh

    Ở hải ngoại làm thơ thật phá cách về ngôn ngữ , đúng là hoa lạ
    hấp dẫn giữa trăm hoa .

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Nói thật với Tuệ Minh là ở hải ngoại con người sống phóng túng hơn, thế nên thơ văn cũng thở ra những cái đôi lúc không được gọi là thơ văn, nhưng nó thật, rất thật… vì không sợ ai phê bình. Mà có phê bình thì cũng Bù Trất, vì đâu có ai biết ai đâu. Hơn nữa, ra đi xa quê đã lâu nên chữ nghĩa mất dần, còn lại cái lõi chứ không còn cái bóng bẩy, văn vẻ như người trong nước.
      Nên đọc cái người ở hải ngoại viết, phải hiểu khác hơn một chút thì mới thông cảm được.

      Reply
  11. Nguyên Lương

    Thân gởi qúi bạn hữu HX:
    Bài viết về thơ HCA này đã 2 năm, nhân lúc Anh lên vùng mình ở ra mắt tập thơ. Bài này đã đọc trong buổi ra mắt tập thơ Anh. Cũng nhờ thi hữu xa gần hâm mộ mà anh đã bán và đượcủng hộ rất nhiều, số tiền lên đến 5 ngàn đô và anh dành tặng hết cho những bạn bè khốn khó trong nước. Nay nghe tin anh sắp ra tập thứ hai, hay hơn, xúc tích hơn, nên mình gởi HX bài này để như cảm ơn anh đã có những nghĩa cử cao đẹp với bạn hữu trong nước.
    Viết về thơ anh, mình không có ý ca tụng, anh không cần đâu. Mình chỉ qua thơ, nói một chút về con người ngang tàng, bướng bỉnh, nhưng rất hào hoa này. Như bạn đọc thấy đấy, không một lời nào khen tặng thơ Anh hay, chỉ khen anh dám viết cái ngôn từ và cái anh trăn trở, lên thơ . Thơ văn thường chuyên chở cái đẹp, cái mỹ miều, nhưng có lúc cái xấu, cái dở cũng nên xuất hiện để làm cho thơ văn thật hơn, gần gũi hơn. Bài viết này chỉ có mỗi một đích đó thôi, không có gì khác.
    Mình có nhờ anh HCA lên đây gởi phản hồi cho qúi bạn, nhưng không biết anh có làm không. Chờ xem.
    Còn muốn có tập thơ của anh, thì chắc các bạn trong nước phải chờ. Năm tới mình về thăm quê, nếu được thì sẽ mang về một số làm qùa. Cảm ơn tất cả đã vào đây cho mình biết cảm tưởng khi đọc bài này. Anh HCA mà đọc được những lời chân tình này chắc là anh sẽ thấy được ssự đồng cảm của những đồng hương và anh sẽ bớt cô đơn nơi đất khách.
    NL

    Reply
  12. Anh Huynh

    Kính chào các bạn,
    Cảm ơn Nguyên Lương nhiều quá, không ngờ mình đã được về quê hương Bình Định qua trang web Hương Xưa. 🙂 Vinh hạnh này mình cũng băng khoăn là mình có xứng đáng không đây. 😮 Dù sao, cũng cho mình thành thật cảm ơn các bạn đã bỏ thời giờ quý báu đọc qua tâm tình của mình qua lời giới thiệu của Nguyên Lương. Người Bình Định có cá tính đặc biệt gọi là “thàng” (nhờ NL giải nghĩa chữ “thàng” này đi! 😉 ), nên thơ của HCA! cũng “thàng” giống vậy.

    Về tập thơ, nếu ai thích, cho địa chỉ, mình sẽ gởi nhưng không biết có tới tay các bạn không.
    Đất Bình Định có nhiều nhà thơ tên tuổi lẫy lừng, trong đó có Ngu Yên mà HCA! rất mến mộ. Tiếc thay thời gian dài ở Houston chưa có cơ hội anh em cùng uống tách trà, nhắc nhớ quê hương. Âu cũng là một mất mát!

    HCA! cũng thường về Houston. Đặc biệt, vào ngày 16-12-2012 này, sẽ về dự lễ kỹ niệm 21 năm Văn Bút HK, có trình diễn một bài thơ mới, vừa mới viết hôm 9-12-2012. Dù thường đi đó đây, nhưng thân lúc nào cũng yên (cảm ơn riêng “Khách Qua Đường”). Thật sự NL mới cho mình biết diễn đàn này sáng hôm nay (11-12-2012).

    Thân kính chào và cảm ơn tất cả. Hẹn gặp lại.

    HCA!

    Reply
    1. TATHAN

      Anh HCA có nhớ thằng ở SEADRIF mỗi lần lên nhà hàng của anh… vợ anh kêu:
      Anh Ánh ơi! Nẩu tới! Không?

      Reply
  13. Kim Chung

    Chào các bạn,

    Ui chao, có cả nhà thơ Huỳnh Công Ánh trên trang này !!!!

    Tôi cũng là một người yêu thơ và thường tìm đọc thơ trên mạng. Tình cờ, tôi tìm thấy một trang thơ của nhà thơ Huỳnh Công Ánh.
    Các bạn có thể vào đây xem.
    http://thonhachuynhconganh.wordpress.com/

    KC

    KC

    Reply
  14. Hương Xưa

    Chúc mừng nhà thơ Huỳnh Công Ánh đã vào thăm trang Hương Xưa.
    Trân Trọng cám ơn Kim Chung đã giới thiệu blog của nhà thơ rất nỗi tiếng ở hải ngoại để bạn đọc trong nước có cơ hội thưởng lãm và giao lưu.
    Mến chúc các bạn một Giáng Sinh an lành .HX

    Reply
  15. TATHAN

    Xin chào đàn anh Nguyên Lương!HCA một thời với nhà hàng to tổ chảng mà hội đoàn nào cũng nhờ, ỏ Houston!

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Gởi Tathan và anh H C Ánh,
      Như mình đã nói trong bài, ai không gặp anh thì thôi, gặp thì không rức ra được. Ở Anh có một cá tính rất lạ mà vợ mình hay nói đến cái tính mà đàn bà rất thích: ngang tàn nhưng rộng lượng.
      Cái nhà hàng chứa cả ngàn người ở Houston ấy mà bao người BĐ đến họp mặt, ăn uống, vui chơi bao nhiêu năm, ai m àkhông biết. Sau này anh Trần Quí Bằng sang lại, nhưng không thành công.
      Thế Tathan ở Houston thì phải. Tháng 6 vừa rồi có dự hội CĐ-NTH không? Mình biết các bạn HX sau khi biết một ngưiờ con xứ nẫu có máu văn ngh ệnhư anh sẽ thích anh nên giới thiệu. Lâu lâu rảnh anh Ánh gởi bài cho bạn hữu xa gần đọc nghe Anh.
      Chữ THÀNG mà anh Ánh nói mình không hiểu rõ lắm nó nghĩa gì. Chỉ nghĩ là nó có ý nghĩa là làng nhàng, just OK, không có gì xuất sắc. Nếu nói thế thì không đúng với trường hợp thơ của Anh.
      Nhơớlên đyâ vuì chơi vơ ớanh em thưnờg nghe anh Ánh. Chào và thích làmn quen với Tathan (họ Tạ, tên Thân?) để mai kia về Houston có người quen rủ đi nhậu.
      NL

      Reply
  16. Quốc Tuyên

    “Một bài viết dành cho tập thơ rất hay, hay ở chỗ nó đã gợi được cái tò mò khám phá….không biết mọi người thì sao chớ KM thì đang nóng lòng muốn đọc tập thơ này lắm đây…….”
    QT cũng thấy như KM vậy anh Nguyên Lương ơi, anh viết về tập thơ Quẳng Gánh Lao Đao, Giữ Nụ Cười của HCA hay quá!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.