Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (4)

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (4)

thi cử

Gần kì thi, bọn tôi cũng như đa số sinh viên thời đó, ôm sách vở đi
đến thư viện Quốc Gia đường Gia Long để tự ôn tập. Và cũng giống như
khi đến giảng đường, chúng tôi phải tranh nhau chỗ bàn ngồi, vì phòng
nào trong thư viện cũng dày đặc sinh viên từ các trường đến ôn tập
trong mùa thi. Nhưng thường thì không được may mắn như ở trường, bọn
tôi chỉ còn cách bắt chước một nhóm sinh viên biết thân biết phận là
chui vào gầm nền nhà, dưới hốc kẹt quanh toà cao ốc. Ngoài đường nếu
chạy xe ngang qua, bạn sẽ thấy một số đông sinh viên nằm, ngồi la
liệt, giống bọn hành khất cái bang đang hội họp bên ngoài sảnh đường
của một đại trang viên nào đó.

Chúng tôi học tối tăm mặt mũi, học bất kể ngày đêm, thời điểm đó bọn
tôi mặt mày xanh xao hốc hác, tóc tai không tỉa hớt, bù xù không thua
gì các hành khất cái bang. Đến đây chắc bạn lại hỏi tôi, sao không ở
nhà học mà lại chui vô đây làm chi cho khổ thân. Thế mới gọi là đời,
thật ra, bọn tôi cũng nghĩ đến điều này. Nhưng khổ nỗi, bài vở ngồi ở
nhà học không vô, cứ đi tới đi lui tự viện đủ mọi lý do để hoãn lại,
cuối cùng thời giờ trôi qua mà không học được chút gì.

Phải nói rằng ngồi trong xó xỉnh nào đó trong thư viện, nhìn mấy thằng
điên như giống mình ở xung quanh, chuyện học hành thấy khí thế hơn
nhiều. Kết quả? Như bạn biết đấy, Văn Khoa khóa bảy ba bảy tư, trong
bộ môn của tôi, thi kì một đậu chính thức sáu mươi, cộng với đậu vớt
hơn sáu mươi nữa. Thi kì hai cũng kết quả tương tự như thế, khoảng hai
ngàn rưởi sinh viên năm thứ nhất, khi lên năm hai chưa tới hai trăm
rưởi, một tỉ lệ rất là quá thấp. Bên trường luật tỉ lệ cũng tương
đương thế, không khá gì hơn.

Thế số thanh niên không may mắn còn lại đó sẽ ra sao? Bạn đã hiểu họ
đi về đâu. Sau này, dù không thành công trong trường học, nhưng họ đã
thành công trong trường đời, một số trở thành nghệ sĩ, họ viết văn,
làm thơ, sáng tác nhạc để nhớ về thời còn đi học với giấc mộng chưa
thành. Và từ đó hai ngôi trường Luật Khoa, Văn khoa trở thành những
cụm từ huyền thoại lãng mạn đi vào văn chương và âm nhạc.

xứ Chăm

Thành Phần rủ tôi về quê anh chơi vài ba ngày, tôi do dự vì Phan Rang
là nằm trên ngay đường quốc lộ Một tôi đã ghé qua, như đã ghé qua Nha
Trang, Cam Ranh , Phan Thiết. Trừ Nha Trang những nơi đó không có hấp
dẫn gì tôi. Thành Phần nói quê anh không ở thị xã mà cách đó năm bảy
cây số, một làng chỉ toàn người Chăm. Điều này hơi lạ với tôi, tôi
biết dân tộc Chăm qua sách vở và bài học lịch sử. Khi còn nhỏ, tôi và
bạn bè từ Phù Cát đạp xe hàng mười mấy cây số đến chơi các tháp Chàm
như tháp Phú Thành, tháp Cánh Tiên… Tháp nào cũng đầy dơi, ngủ treo
mình lủng lẳng bên trong đỉnh tháp tối tăm. Mỗi lần vào, bọn tôi phải
đội mũ che tóc lại, nếu không, đàn dơi thức dậy bay toán lên va phải
vào đầu mình, và vì sợ hãi dơi sẽ ị phân đầy lên đầu, bết lên tóc,
cuộc du ngoạn sẽ mất hứng. Nghe Phần nói thế, tính tò mò nổi lên, tôi
đồng ý đi phiêu lưu một chuyến nữa.

Trên đường từ thị xã Phan Rang về làng, tôi gặp phải tai nạn nhỏ. Con
đường đất gập ghềnh tài xế xe Honda khéo léo điều khiển chiếc xe,
nhưng xe vẫn nghiêng ngã. Tôi hai tay ôm túi hành lý nhưng chân vẫn
thòng xuống đất khi xe nghiêng, và khi rút lên đặt lại trên pedal chân
tôi lại trợt nhầm vào hàng căm xe, chiếc xe kẹt gót giầy giật khựng
đứng lại. Gót giầy tôi tét ra, rách cả vớ, đi luôn miếng da chân, máu
tuôn xối xả, làm thằng tôi phải đi cà nhắc mất mấy tuần.

Từ ngoài ngõ nhìn vào nhà Phần tôi cứ ngỡ mình đã về quê, căn nhà hình
chữ L vuông góc giống y như căn nhà người cậu tôi ở quê tôi, phía
trước là sân xi măng khá rộng, có lẽ cũng dùng để phơi lúa, phơi
khoai, bên cạnh là chuồng bò, có mấy con bò đang nhai cỏ. Nhìn vào,
tôi nghĩ cha mẹ Phần thuộc loại khá giả nếu không muốn nói là thuộc
loại giàu có trong làng. Gia đình khi dùng cơm cũng ngồi quây quần như
người Việt, có điều thức ăn thịt cũng như cá, có gia vị khác lạ, hơi
khó ăn. Mặc dù các đứa em Phần ăn uống tận tình, vì bữa ăn thịnh soạn
cha mẹ đặt biệt đãi ông anh và bạn người Việt từ Sài Gòn về chơi. Cha
Phần mặc bộ đồ bà ba trắng kiểu người Chăm, khác với người Việt thường
ngày mặt đồ màu đen hay nâu. Cha con nói chuyện nhau bằng tiếng ngoại
quốc. Tôi chỉ góp ý xen vào bằng nụ cười ruồi, khi ông nói chuyện với
Phần và đưa mắt nhìn tôi. Cha Phần giỏi sinh ngữ hơn nên trao đổi với
tôi được những câu xã giao, còn mẹ Phần có lẽ sinh ngữ kém hơn hay vì
ít nói, chỉ dùng tay ra dấu nhiều hơn là dùng lời. Phần đi thăm bà con
ở quanh quẩn trong làng, và dẫn tôi đi theo.

Đi trong làng mà tôi cứ ngỡ lạc vào xứ sở nước ngoài nào đó, xứ sở của
vương quốc Chiêm, bởi vì chung quanh tôi người dân làng dùng hoàn toàn
tiếng Chăm. Cảnh nhà cửa đường đi quanh co, nếu để ý kĩ có chút khác
lạ với đường làng quê tôi. Các cô gái Chăm thay vì ôm đồ trong tay, họ
lại chuyển sang đội nó lên đầu để hai tay rảnh rang đi đánh tới lui
nhịp nhàng. Thanh niên làng mặc xà rông, đầu trần hoặc đội mũ vải tròn
kiểu riêng của người chăm, chân đi dép, họ trò chuyện với Phần và nhìn
tôi với ánh mắt tò mò, một số thấy tỏ ra thiếu thiện cảm, như Phần đã
dặn trước, đừng mở miệng ra nói tiếng Việt, tôi chỉ dùng mắt nhìn
thôi. Khi hai thanh niên Chăm đi khuất nơi góc đường, tôi hỏi Phần anh
ta nói gì về tôi thế. Phần nói, họ thắc mắc có phải tôi là người Việt
không, tại sao dẫn về làng? Tôi cũng đoán thế, tôi cảm thấy mình xa lạ
ở nơi đây, tôi muốn hỏi nhiều thứ tôi nghe thấy, nhưng như bạn đã đề
nghị, tôi đành im lặng.

Buổi tối gia đình Phần quây quần nhau, mấy em Phần đùa giỡn rất vui
vẻ, chúng tôi ngồi trên bộ phản ngựa lớn trong nhà khách trò chuyện,
rồi ngủ ở đấy luôn. Vì mệt mỏi tôi đi vào giấc ngủ một cách mau chóng,
dù vết thương nơi gót chân hơi rát. Gần sáng Phần lôi tôi ngồi dậy,
đang còn ngái ngủ chưa kịp tỉnh giấc. Phần liên tiếp tát tôi hai bạt
tai như trời giáng. Tôi tỉnh người hẳn và ngạc nhiên hỏi: Sao ông lại
đánh tôi. Phần với nét mặt tức giận và hai tay ôm một bên hông nhăn
nhó rồi chỉ tay vào cùi chỏ tôi. À thì ra, tôi đã hiểu, trong lúc nằm
ngủ mơ tôi đã thúc liên tiếp mấy cùi chỏ vào bên hông sường của bạn.
Chắc là hậu quả của những buổi luyện tập karate chăm chỉ hằng ngày của
tôi. Đây có lẽ là kỉ niêm đau đớn cho Phần, đau theo đúng nghĩa đen,
mà bây giờ anh vẫn còn nhắc đến. Anh nói rằng anh sẽ không bao giờ
quên cú giật cùi chỏ của tôi, làm anh nín thở muốn chết giấc khi đó.

Sau năm bảy lăm.

 

Majestic

Hoàn cảnh sống của bọn tôi cũng giống như mọi người, xoay xở rất chật
vật. Trong tình trạng xã hội chưa ổn định lúc ban đầu, tôi bị mất
chiếc xe Yamaha một cách vô cớ, đó cũng là tình trạng chung của nhiều
người vào lúc ấy. Rồi đổi tiền. Năm trăm đồng tiền cũ đổi thành một
đồng tiền mới. Thành Phần bây giờ rách túi, tôi cũng thiếu thốn, tôi
kiếm mua tạm một chiếc xe đạp để sử dụng, bọn tôi chở nhau đi trên
đường Tự Do về hướng bến sông Sài Gòn, chiếc xe đạp chạy ngang qua
khách sạn Majestic kì cựu – bên phải là nhà hàng vũ trường Maxim, nơi
các show ca múa nhạc của Hoàng Thi Thơ hằng đêm diễn ra ở đây – vừa
được đổi tên là Cửu Long, phòng tiếp tân khách sạn biến thành nhà hàng
loại sang, bán kem, càfe điểm tâm. Chạy xe mệt và đói, tôi kêu phần
dừng lại và rủ vô đó ăn kem. Hai đứa xem lại ví tiền, mỗi đứa có sáu
trăm, như thế đủ cho mỗi người một ly kem, quyết định chớp nhoáng,
chúng tôi dắt xe để vào hàng trên thềm một cách ngay ngắn.

Trông thấy vẻ hai thanh niên ăn mặc tương đối tươm tất đi vào, người
phục vụ lịch sự mời và để bản menu lên bàn, như đã tính trước cả hai
gọi liền món kem vanila. Chờ trong giây lát, không khí mát dịu bọn tôi
đỡ bớt ra mồ hôi, kem được mang tới. Cả hai tỏ thái độ khoan thai múc
từng muỗng kem đưa lên nhấm nháp. Nhưng nếu nhìn kĩ thì thấy bọn tôi
múc liền tay không ngưng nghỉ, hết muỗng này tới muổng kia. Cái muổng
đi-về giữa miệng và chiếc ly không vội vã, không hấp tấp, nhưng liên
tục không ngừng nghỉ.

Bạn biết đấy, bọn tôi ngồi trong quán sang trọng và đã ăn uống một
cách rất ư lịch sự đúng kiểu trí thức đói mệt. Loáng một cái, một hai
phút gì đó, hai ly kem bị nạo vét sạch, tôi liếc nhìn menu chợt thấy
ghi kem 120đ /ly. Tôi nói, ồ sao rẻ quá. Thành Phần nhìn menu rồi cũng
thốt lên như tôi. Đúng là nhà hàng quốc doanh có khác, họ bán rẻ thật,
bảng gía bên ngoài chắc của tư nhân cũ, họ chưa kịp sửa chữa. Cả hai
chúng tôi ‘nhất trí’ cùng kêu thêm hai ly nữa.

Cũng đánh loáng, chỉ vài phút là hai ly kem cạn đáy. Tính tiền chỉ có
240đ, bụng chưa thấy có cảm giác gì, hai ly kem khác gì muối bỏ bể.
Bọn tôi lại kêu tiếp thêm hai ly nữa. Kì này bọn tôi múc từng muỗng
kem từ từ đưa lên miệng, ăn nhấm nhấp, ăn nhởn nhơ. Thành Phần bình
thản ngồi nhìn cảnh trang trí sang trọng chung quanh căn phòng nhà
hàng. Tôi cũng vậy, nhân tiện tôi liếc nhìn các bàn bên cạnh, rồi nhìn
lên quầy. Tôi giật mình khi thấy người khách đếm trả tiền. 1.20đ là
cách ghi số tiền mới đồng nghĩa với 600đ tiền cũ. Bọn tôi có lẽ vừa
đói, vừa mệt, vừa xa lạ với cách ghi tiền như thế, nên lầm lẫn cứ
tưởng chỉ là 120đ thôi. Trời đất, bé cái nhầm to. Tôi và Phần lục túi
ra đếm tiền lại, số tiền thiếu quá nhiều so với số tiền phải trả. Làm
sao giải quyết đây?

Tôi và Phần ngồi bồn chồn lo lắng tính toán. Chỉ còn cách là để lại
chiếc xe đạp. Nhưng đường Sài Gòn đâu phải ngắn như đường làng để mà
đi bộ về. Hai chúng tôi hội ý và ra một quyết định liều mạng. Thành
Phần đứng lên từ tốn đi sâu vào trong đại sảnh, ngoặc qua bên tìm
toilet. Tôi ngồi ngoài vẫn tiếp tục nhấm nháp ly kem. Phần quay trở
ra, không về bàn mà đi thẳng ra ngoài cửa. Thấy Phần đã ra khỏi cửa.
Tôi đứng lên đi vô hướng toilet nhưng liền xoay ngoặc lại và từ tốn
bước ra ngoài. Vừa thoát ra khỏi cửa, tôi nhảy phóc lên ba-ga xe đạp
mà Phần đang ngồi sẵn trên yên đợi tôi. Phần gồng mình đạp mạnh xe
chạy đi. Tôi hai tay bám vào yên xe, ngã người ra sau thọt hai chân ra
trước đạp phụ, hai tên đạp lấy đạp để, chạy thục mạng về phía sông Sai
Gòn rồi bẻ lái quay ngược về chợ cũ đường Hàm Nghi, hai tên đứng núp
vào một quầy hàng xem có ai đuổi theo không. Thật hú vía chẳng ai theo
cả, hai tên thở phào nhẹ nhỏm, có lẽ họ cũng đã chạy theo, nhưng không
đuổi kịp bọn tôi.

Bây giờ nghĩ lại chuyện này, chúng tôi không biết cảm giác mình ra
sao? Đáng thương? Vui ? Hay xấu hổ? Chỉ nghĩ rằng, trong một giai đoạn
lịch sử của đất nước, chúng tôi đã làm những điều mà bây giờ không nên
làm. Nhưng nếu là bạn, trong trường hợp đó bạn có… ‘can đảm’ như tôi
và Phần không? Cũng cần nói thêm rằng. Có một số điều mà chúng ta
không thể lấy cái nhìn hiện tại để phán xét những tình huống xảy ra
trong quá khứ. Nên bạn đừng lên án vội mà tội nghiệp cho bọn tôi, vì
chắc bạn cũng không quên giai đoạn lịch sử khi ấy. Thời kì tem phiếu,
cơ quan chủ quản hay người mậu dịch viên là thượng đế chứ không phải
là khách hàng. Mỗi lần có dịp đi ngang qua khách sạn Majestic tôi
không quên tình cảnh hai người bạn đèo nhau trên chiếc xe đạp, toát mồ
hôi, đạp chạy thục mạng.

kết

Cũng như hai bạn nữ Hà và Đệ, Phần là người bạn nam đầu tiên tôi tìm
đến và kết tình bằng hữu khi mới vào đại học, nếu không tính đến yếu
tố gia đình thì Ngọc Thịnh, Thành Phần, và tôi chơi thân gắn bó với
nhau qua năm tháng cho đến bây giờ, chúng tôi còn có nhiều kỉ niệm
khác, nhưng chỉ nhắc qua thời còn đi học. Khi tình bạn chưa nhuốm bụi
trần, một tình bạn trong sáng ngây thơ và ngây ngô, không lo âu nhiều
về danh vọng cơm áo gạo tiền. Một nhóm thanh niên không cầu danh,
không cầu lợi, mà lại luôn luôn chịu khó cầu vui.

Cám ơn Phần, Cám ơn anh bạn người Chăm, bạn đã cho tôi những giây phút
tuyệt vời trong tình bằng hữu. Cám ơn bạn đã cùng tôi đi qua năm tháng
của tuổi trẻ. Cám ơn bạn đã cùng tôi trải qua một thời, thời bắt đầu
trưởng thành của thanh niên mới lớn, và tôi tin rằng bạn cũng nghĩ vậy
đối với tôi. Cám ơn những chuyến phiêu lưu cùng với bạn. Dù chúng ta
nghìn trùng xa cách, tôi vẫn luôn luôn nhớ đến bạn, nhất là mỗi khi
tôi vớ tới cây đàn guitar…. hỡi em, Chiêm nữ em ơi, nhìn chi chân
trời.

… Và tôi biết rằng bạn cũng sẽ không bao giờ quên tôi, chắc chắn là
như thế, bởi vì một điều tự nhiên và giản dị, con trai đầu lòng của
bạn có tên là:

Phương

* Đính kèm

*Gia đình kịch sĩ Kiều Hạnh ( Mai Hương bên trái )

*Đại Hội Nhạc Trẻ Thảo Cầm Viên.

*Khách sạn Majestic trước năm 75

*Thành Phần 2011

*Thành Phần và Chế Linh 2012.

*Bến Ninh Kiều, Cần Thơ trước 75 (từ sông nhìn vào).

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.