MANOR/MONA/MANỒ

Chuyện kể

 

 

Trần Thị LaiHồng

(tiếp theo)


Vài nét nguệch ngoạc của Võ Đình tại Trung tâm Phục hồi

(phần 1)

Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi ManorCare có tầng trệt và tầng lầu, trang trí đầy tranh vẽ đa số cảnh bờ biển và dừa lả ngọn, cát trắng nước xanh.  Mỗi tầng gồm ba hành lang, mỗi hành lang trên dưới hai mươi giường, một phòng ăn và nhiều phòng sinh hoạt.  Tầng trệt có bốn khu tập luyện trị liệu phục hồi.  Tầng lầu có khu sinh hoạt tập thể, đọc sách báo, chơi bingo, ô chữ, đánh banh, nghe nhạc, hát Sing-a-Long, vẽ và làm thủ công …  lâu lâu lại có trò ăn kem, ăn bánh uống trà mạn đàm …

Phòng ăn tầng trệt rộng rãi thoáng mát, nhiều cửa sổ trông ra khoảng hiên rộng nhiều bồn bông Trang hồng và cây lá màu quanh những gốc Thiên tuế le te xòe đuôi phượng.  Sát tường là những cây kè cao vút có tàng lá sát mái nhà, nơi cư ngụ của lũ bồ câu và chim sâu.  Đặc biệt có một bồn rau khoảng bốn thước vuông, cả trăm cây ớt chen chúc chật chội nên chỉ ba cây đơm hoa, còn lại còm cõi bên cạnh đám rau diếp, cải và bắp su.  Hai cây cà chua dù sát cánh èo uột cũng quằn quại ráng đơm được mấy hoa vàng cạnh cả chục cây đậu peapod, nấp dưới ba bốn cây bắp vươn cao dành ánh sáng trổ được mấy bông đong đưa chòm râu nâu đỏ. Người chăm bồn rau này là một bệnh nhân người Mễ bị máu đường nặng ăn cụt cả hai chân lên tận gối, phải ngồi xe lăn liên tục, nhận săn sóc để giải khuây nỗi nhớ vườn nhà.

 

Ngoài hiên này cũng kê nhiều bàn ăn mây đan sơn trắng hoặc bằng nhựa trắng, chỗ lộ thiên nắng chiếu có che vải bạt.  Đây là nơi mấy tay còn ghiền thuốc lá có thể lỉnh ra ngồi phì phèo, và cũng là nơi hong nắng nếu không được phép cùng thân nhân đi xa ra ngoài vườn trước bãi đậu xe, khoảng khoát hơn.

Phòng ăn có để bàn billard, nhiều ghế bành, năm bàn ăn mỗi bàn bốn ghế lớn.  Chiếc máy truyền thanh luôn để nhạc cổ điển Tây phương hoặc nhạc nhẹ, thỉnh thoảng chen vài quảng cáo.  Đang mùa bầu cử:  Obama/Nobama; ông McCain Mắc Cạn bà Palin Ba Lanh.

Nhiều bệnh nhân hoặc ngủ dậy muộn hoặc đi lại khó khăn hoặc khó tính …nên được ăn ngay trong phòng. Trong số có Grandma, ông harmonica, bà cụ 101 tuổi chính cống người Anh uống trà pha sữa tính nóng như lửa khi nổi cơn tam bành đá luôn cả Bác sĩ và chửi y tá sa sả thiếu đường muốn vả vào mặt, ông trống cà rùng, nàng thiếu nữ ngủ ngày, ba trăm bốn mươi bốn ngày (khi mới gặp, bà thở than là đã ở trong này ba trăm bốn mươi bốn ngày …) , ông bìm bịp beep beep nhịp ba …và nhiều người chẳng biết hết được.

Buổi ăn sáng đầu tiên, chồng tôi ngồi chung bàn với ông tưng tửng và hai ông già khác, một tự giới thiệu gốc Irish và một ông cụ gốc Ba Lan.

Ông cụ Ba Lan tóc bạc cước, vóc dáng cao lớn dềnh dàng, nét mặt hao hao Đức Giáo hoàng John-Paul Đệ nhị – John-Paul the Great – là người tôi sùng bái ngưỡng mộ, nên tôi gọi ông ngay là Papal. Ông trang trọng làm dấu thánh giá ban phép lành.  Ngồi xe lăn tự di chuyển bằng cách dùng cả hai chân một lượt chứ không từng bước, coi giống một con thỏ lớn nhảy hop hop hay một con đại thử kangaroo bên Úc.  Ông cũng bị chứng Parkinson như Đức Giáo hoàng.  Parkinson làm ông gật gù liên hồi như con bửa củi và tay chân lóng cóng nhưng cũng cố gắng điều khiển muỗng múc thức ăn đã xay nhuyễn và cầm những ly sữa hay nước cam nước lạnh hoặc cà phê đã làm đặc lại để tránh mắc nghẹn.  Bộ răng giả nhỏ nhắn thật đều đặn chẳng tương xứng với khuôn mặt vuông vắn có quai hàm bạnh.  Ông bị điếc một tai nên nói rất lớn, và vẫn phải luyện giọng với chuyên viên.

Tôi ngồi giữa chồng và Papal.  Trong khi chàng lặng lẽ chầm chậm nhai thức ăn, mắt lim dim quan sát những người chung quanh, tôi có thì giờ giúp bón ông cụ ăn uống.  Papal vui vẻ hẳn lên và càng cố tém tủm gọn ghẽ hơn.  Ông cho biết đã 80 tuổi, cựu chiến binh, từng ở trong quân đội Hoa Kỳ 55 tháng, từng xử dụng súng đại liên và cả trọng pháo, bắn đì đoàng ầm ĩ quá bây giờ điếc tai bên phải.  Ông từng tham dự Thế chiến Thứ Hai, từng đổ bộ biển Normandie vào ngày D-Day, từng sống nhiều nơi bên châu Âu, nói được năm thứ tiếng: Ba Lan – cố nhiên – Đức, La tinh, Ý, và Anh – lại cố nhiên.

Nghe đến đây, tôi lại giở trò tò mò xin Papal đọc cả năm thứ tiếng theo thứ tự kể trên và làm dấu thánh giá lần nữa.

–  W Imie Ojca I Syna I Ducha Swietego, Amen!

–  Im Namen des Vaters und des Sohnes und des Heiligen Geistes, Amen !

–  In nómine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti, Amen !

–  Nel nome del Padre, e del Figlio, e dello Spirito Santa, Amen !

Ông tưng tửng thản nhiên lừng lững tưng tửng ngắt chen:

–  In the Name of the Father and the Son and the Holy Spirit, Amen!

Ông Irish cũng cao hứng theo:

–  In-aimn an athar, agus an mhic, agus an sprid naomimh, Amen!

Từ bàn bên cạnh, một câu tiếng Spanish vui vẻ vọng qua :

–  En el nombre del Padre, y del Hijo, y del Espiritu Santo, Amen !

Chồng tôi tiếp theo bằng tiếng Pháp:

–  Au nom du Père et du Fils et du Saint-Esprit, Amen!

Và tôi nối đuôi :

–  Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, Amen !

Tôi ghé vào cái tai sáng của ông cụ, nói :

–  You are  My Papal. Papa ! (Ông là Đức Thánh Cha của tôi, Papa !).

Mắt ngời ánh biếc, Papal gật gù cái đầu bạc, hãnh diện cao hứng rổn rảng nói về quê hương nơi ông sinh trưởng – Krakow, tiếng Ba Lan là Cracow, xưa đọc là Krakul –  cũng là nơi sinh trưởng của Đức Giáo hoàng John-Paul II.  Krakow, thành phố lớn nhất và cũ nhất Ba Lan, từng là thủ đô từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 16, có nhiều di tích lịch sử, với những ngôi thánh đường xưa kiến trúc rất đặc biệt, được Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách di tích thế giới … và tôi nhớ có bài dịch Hồi Chuông Giáng Sinh từ tác phẩm The Bell Ringer of Pinsk của Eric P.Kelly, đăng trên gió-o năm nào (4)    Ông cũng hãnh diện về Lech Walesa, chính trị gia và là người chủ trương nhân quyền, từng lập Công đoàn Đoàn kết Solitary, được giải Nobel Hòa bình 1983, và là Tổng thống đầu tiên của Ba Lan nhiệm kỳ 1990-1995.

Từ đó, chồng tôi thân với Papal tuy ở hai hành lang khác nhau.  Mỗi lần gặp nhau tay bắt mặt mừng, hai người hớn hở tươi cười giơ tay ngang trán chào kiểu nhà binh và sau đó Papal quay qua bắt tay chúng tôi và luôn luôn lịch sự hôn nhẹ lên tay tôi.  Sáng Chúa Nhật nào Papal cũng trân trọng làm dấu thánh giá ban phép lành cho tôi.

Ông Irish là một trong những bệnh nhân dậy sớm, đi lang thang dòm ngó rờ mò các thứ bày ở Trạm Y tá – Nursing Station mà dịp Giáng Sinh tôi lén gắn một dòng Loving Care Station – và nhìn ngắm người qua kẻ lại, chẳng nhớ ở phòng nào, tay chẳng đeo vòng ghi số phòng và tên họ. Ông hay mặc áo kẻ ô kiểu Tô-cách-lan, áo bỏ vào quần, thắt giây nịt, giày vớ đàng hoàng.  Tóc cũng bạc cước cắt xén chải gọn, da dẻ hồng hào.

Buổi ăn ngồi cùng bàn, ông tự giới thiệu là người gốc Ái-Nhĩ-lan Ireland, tên theo tiếng Irish Naomh Pádraig, tức là Patrick.  Thánh Patrick hộ mệnh Cộng hòa Ái-Nhĩ-lan từ thế kỷ thứ tám. Chồng tôi mừng người bạn mới, thốt lên châm ngôn Irish :

–  Ireland forever!  Éirimn go Brách!

Tôi tiếp lời:

–  Chắc ông sinh vào tháng 3, có ngày Thánh Patrick?

–  Phải, 17 tháng 3.

–  Bên đảo Ireland có loại chồn đỏ rất đẹp.  Florida này cũng có loại chồn đỏ red fox đó và bọn tui có thấy một cặp đi ngang qua đường vào vườn, thản nhiên nhìn chúng tôi, an nhiên tự tại chẳng sợ ai …

–  Ireland còn có loại nai đỏ nữa, đẹp lắm.  Nai đỏ là thú vật biểu tượng của Ireland, cũng như Shamrock là quốc hoa của Ireland.  Lá Shamrock có ba cánh tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần …Theo ngôn ngữ Irish, Shamrock là Seamrog, tức là cây mùa hè.

Vui chuyện, ông đọc ngụ ngôn của người Irish:

-Né glac pioc comhairle gan comhairle ban/ Never take advice without a woman’s guidance.  (Đừng bao giờ nghe lời khuyên nào không có hướng dẫn của phụ nữ.)

Mới nghe, gì gì mà comhair ngỡ là comb hair chải tóc…đến lúc vỡ lẽ tôi tẽn tò cười thầm một mình.

Trong bàn ăn có Joseph là ông tưng tửng buổi sáng bâng quơ hỏi Đây là đâu?  Hôm nay thứ mấy trong tuần? hôm nay lại hỏi:

–  Có ai thấy con gái tui đâu không?

Tôi an ủi:

–  Con gái ông mới vào thăm hôm qua.  Hôm nay Thứ Hai, cô đi làm.

Thánh Patrick chen vào một ngụ ngôn Irish:

–  No man ever wore a scarf as warm as his daughter’s arm around his neck. (Không ông bố nào có khăn quàng ấm áp như vòng tay con gái ôm quanh cổ).

Ông tưng tửng tỏ vẻ thân thiện khi nghe tôi nhắc con gái:

–  Vậy bà có gặp con gái tôi?  Nó đâu rồi?

–  Tôi gặp hôm qua.  Hôm nay cô ấy đi làm, ông quên rồi sao?  Con gái ông đẹp lắm.

Mắt ông tưng tửng sáng rỡ reo vui:

–  Ừ! Bà cũng thấy nó đẹp, hả?  Tui và con gái tui thương nhau lắm!

Về sau, được biết con gái ông tưng tửng bận rộn không những vì đi làm, mà còn mẹ nằm nhà thương, chạy qua chạy lại viếng thăm bên này bên nọ.

Buổi ăn tối ông tưng tửng ngồi bàn khác cùng một bà tóc nhiều muối hơn tiêu, dáng dấp thon thả.  Bà này không ăn nhiều và ngồi trầm ngâm với đôi mắt xanh xa xôi.  Ông tưng tửng ăn xong trước, nhỏ nhẹ quay sang bảo một câu chẳng tưng tửng tí nào:

–  Ăn đi! Ở đây làm thức ăn được lắm! Món này ngon lắm!  Ăn thêm vài muỗng đi!  Phải ăn mới có sức.  Phải ăn mà sống.  Muốn sống phải khỏe.  Muốn khỏe phải ăn!

Bên cạnh bà này có một y tá phụ chăm bón nhưng bà không muốn ăn nữa.  Ông tưng tửng thản nhiên cầm muỗng xúc thức ăn đút cho bà, nhưng bà lắc đầu.  Ông lại bưng hộp sữa có gắn sẵn ống hút, đút vào miệng bà này. Bà ngậm ống, hút vài ngụm rồi nhả ra.  Ông lại đẩy đĩa bánh ngọt lại gần, xắn một muỗng đưa tận miệng:

–  Thì ăn miếng bánh nhé.  Bánh ngon lắm, ăn được lắm!

Cứ thế, ông tưng tửng cứ dỗ dành, bà cùng bàn cứ lặng thinh không thốt một lời, mắt vô hồn nhìn thẳng lên vách, như tôi nhìn tôi trên vách, đơn côi.  Tôi ngồi bên này thấy cảnh tưng tửng mà mắt đỏ hoe xúc động.

Một lát sau, thất vọng, ông lại tưng tửng:

–  Tui đi phía nào về phòng đây???  Tui lại lạc rồi!

Không phải việc mình, nhưng tôi đứng dậy đẩy xe ông ra khỏi phòng ăn về hành lang phía có phòng của ông để y tá phụ đưa đi, chỉ cốt lén dấu hai dòng nước mắt vô duyên trào dài mờ cả kính lão!  Vô duyên.  Vô duyên thật!  Tôi bị chồng mắng nhiều lần vì cái tội khéo dư nước mắt khóc người.  Nhưng tôi lý sự là tôi khóc bằng hai mắt, chứ không phải như Bùi Giáng còn hai con mắt khóc người một con. Chắc con mắt kia còn lại để khóc cho chính mình.  Còn tôi, khóc cho người bằng cả hai mắt, mà thực sự chính là khóc cho mình đó thôi!

Khi trở lại, mọi người gần xong bữa.  Kia là Eddy đầu ngoẹo một bên cũng thức ăn nghiền nhuyễn nhưng y tá phụ đưa đút vào miệng thì lại lắc đầu.  Khay thức ăn còn nguyên.  Ông chỉ uống sữa và nước lạnh đã làm đặc.  Bên kia là Mary cao kỳ kiểu cách ngồi một mình quay lưng lại mọi người, đòi hỏi thay thức ăn ngay khi được bưng khay đến, kỳ kèo đòi thêm chén xúp, mấy lát cà chua tươi, trái chuối hoặc ly kem. Đối diện là Miriam, luôn dịu dàng vui vẻ vẫy tay chào khi thấy chúng tôi nhìn qua.

Bàn khác có hai mẹ con. Con ở ngoài đến bữa vào ăn với mẹ. Hai mẹ con tranh nhau nói chuyện to tiếng không đâu vào đâu, từ món xúp cà chua mặn, món khoai nghiền nhạt, đến miếng bí-tết nhỏ quá và rau trộn cắt hơi to, cho đến chuyện xe kem leng keng ngoài đường.  Nói chỉ để mà nói và nói liên hồi, như người mình có câu: không để lỗ miệng đâm da non!

Cạnh đó là Thelma người Ấn độ, luôn im lặng chẳng nói năng, dùng tay bốc thức ăn, không dùng dao muỗng nĩa.  Bàn khác có một bà Á đông tóc nhuộm đen nhánh chẳng hợp với tuổi, ngỡ tôi người Tàu nên tuôn một tràng ngộ nị ái ố tôi chẳng hiểu và chỉ lắc đầu cười trừ.  Trong khi đó, một ông người Spanish/Tây- ban- nha thấy tôi chăm sóc chồng, bèn hỏi:

–  You’re Japanese, aren’t you? (Bà người Nhật, phải không?)

Tôi nhớ lại câu ngạn ngữ của ta: Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật. Lạ nhỉ!  Á đông thì cứ tưởng không Tàu thì Nhật thôi!  Trong lòng tôi muốn bung lên một câu rủa xỉa cả Nhật lẫn Tàu.  Nhật từng muốn làm chủ Đông Nam Á và từng suýt chiếm đất nước chúng tôi.  Tàu thì từng đô hộ chúng tôi cả ngàn năm

Cái câu của các cụ ta xưa ngày nay phải đổi lại mới đươc.  Cơm Tàu lạm dụng dầu mỡ bột ngọt, lạm dụng các hóa chất, nhiễm salmonella, thức ăn từ trái cây đến cá thịt đều xịt thuốc sát trùng quá tay, phun thêm hóa học làm màu tươi hoặc pha chế trộn thêm các chất khác, cá giả làm bằng nhựa, cho đến sữa trẻ con cũng lạm phát melamine là chất dùng chế tạo nhựa dẻo và phân bón… Nhà Tây thì chật hẹp thiếu tiện nghi, nơi công cộng chẳng có phòng vệ sinh.  Vợ Nhật ngày nay cũng nữ quyền tiên tiến nên các ông tìm vui ở trà đình tửu quán…

Vậy đổi lại là gì đây?  Ăn cơm ta với cá kho mặn rồi cắn quả cà ghém quẹt tí mắm ruốc mắm tôm lùa canh rau đay rau muống rau mồng tơi rau ngót kèm cái dót ớt sừng trâu … luộc rau khoai lang chấm nước tôm kho đánh sóng sánh ớt màu… Kể sao cho hết!  Ở nhà Mỹ vì xây cất kiên cố đúng tiêu chuẩn và có bảo hiểm lỡ chuyện chi thì được đền kể cả thiên tai bão lụt.  Còn vợ???  Chắc là …lấy vợ …khỉ, như ông chồng tôi hay nói là lấy nhầm vợ khỉ vì hay bị tôi làm trò trêu ghẹo…

Thường thường sau bữa ăn sáng, hầu hết mọi người ngồi xe lăn được đẩy đến trước trạm y tá đợi chuyên viên huấn luyện đem đến phòng tập dượt.  Đám xe lăn giống những con chẫu chàng xếp hàng đợi lệnh ở ngả ba hành lang.  Không ai nói với ai một lời, nhưng khi tôi đẩy chàng đi qua lên tiếng chào, họ ngẩng lên, tươi cười.  Tôi dừng lại, kéo tấm khăn đắp che chân hoặc khoác qua vai cho mấy ông, xoa bóp hai vai và cổ mấy bà hay đau mình, nói vài lời thăm hỏi an ủi.

Riêng chàng của tôi thì về phòng chuẩn bị cùng tôi đi xe lăn ra ngoài, ngồi nghe báo cáo và đọc sách đọc truyện dưới nắng ban mai của Hoa bang, trước khi vào mấy phòng tập dượt điều trị.

Sinh hoạt hằng ngày đặt trọng tâm vào những phương pháp điều trị, từ vận động tay chân, tập đi tập đứng tập nắm tập cầm tập điều khiển cả đầu óc lẫn thân thể.  Có đến trên mười huấn luyện viên, mỗi người phụ trách một phần vận động.  Việc luyện giọng đi đôi với luyện ôn trí nhớ và đến bữa ăn còn hướng dẫn nuốt thức ăn cho những người dễ bị mắc nghẹn.  Những trò coi nhỏ nhặt trẻ con, những câu chuyện kể coi vẻ tầm thường, nhưng đã giúp nhiều người lấy lại phong độ, không toàn hảo cũng có tiến bộ.

I. MONA

Tối Thứ Hai, tức là đêm của ngày thứ tư chúng tôi gia nhập xã hội Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi, khoảng 11 giờ đổi phiên, nghe ngoài hành lang có hai giọng nhỏ nhẹ nói chuyện.  Một trầm một thanh.

Có bước chân nhẹ vào phòng. Đèn bật phần giường ngoài.  Họ kéo theo máy thở dưỡng khí gắn vào mũi ông láng giềng.  Máy chạy rì rầm.  Y tá chính yên lặng làm việc và chỉ nói nhỏ nhẹ với người bệnh và y tá phụ.  Ông láng giềng vừa rên vừa càu nhàu vì phải cử động xoay trở mình mẩy cho thuận việc.  Bà y tá phụ vừa sửa thế nằm vừa thay khố vừa hát nho nhỏ lời ru lullaby tiếng Tây-Ban-Nha, trầm trầm:  Da,da…da,da…da…da,da…da/ Da,da… da,da… da,da…/ Y te agarrare tu mano/ Dueremete sin temor/ Cuando tu despiertes/ yo estare aqui/ Da,da…da,da…da…da,da…da.…

(Đa,đa…đa,đa…đa…đa,đa…đa…/Mẹ nắm tay con/ Mẹ ru con ngủ/ Con ngủ an lành/ Khi bừng mắt dậy/ Có mẹ bên con/ Đa,đa ..đa,đa…đa..đa,đa…đa..)

Trong khi đó, bà y tá chính bước quá vào trong đến cạnh giường chồng tôi và nói bằng tiếng Pháp rất chuẩn, giọng thanh mà ấm áp:

–   Bonsoir, madame! Bonsoir monsieur!  Enchantée ! (Chào bà, chào ông!  Hân hạnh gặp ông bà !) Tôi là Mona, y tá trực đêm nay.  Trong hồ sơ ghi ông từng học ở Paris và nói tiếng Pháp… Tôi đo áp huyết, nghe tim phổi và bắt mạch, lấy nhiệt độ cho ông.

–  Bonsoir, mademoiselle!  Enchanté ! (Chào cô!  Hân hạnh gặp cô !)

Mona đưa chiếc ly giấy nhỏ xíu có thuốc nghiền trộn mứt táo và một ly nước nhỏ, dịu dàng nhỏ nhẹ:

–  Thuốc của ông.  Uống chung với nước.

Tôi chen lời :

–  Vậy bà là Mona.  Mona Lisa …

–  Uh uh… tôi là Mona Tallent, không được hân hạnh là Mona Lisa nổi danh thế giới.  Tôi đến từ Haiti, tỵ nạn như ông bà …

Chồng tôi mở to mắt nhìn nàng Mona Lisa bằng xương bằng thịt đứng trước mặt. Tôi cũng mở to mắt nhìn.  Một Mona Haitian. Một Black Mona Lisa, như tựa đề bản nhạc của Darren Carrington lời của ca sĩ Lamya HS Al-Mulgheiry người nước Oman khối Ả Rập, biết hát trước khi biết nói:  I can paint a portrait of myself/ I’ll call me a Black Mona Lisa/ Mona Lisa, come, to discover I’m your daughter …( Tôi có thể vẽ chân dung tôi/ Tôi sẽ gọi tôi là Mona Lisa Đen/ Hỡi Mona Lisa, lại đây, để khám phá tôi là con gái bà…)

Mona này vừa tầm không cao to như mấy người kia. Da đen nâu hồng. Vóc dáng của một người mẹ trẻ khỏe mạnh. Không sồ sề, không son phấn. Cử chỉ nhẹ nhàng nhanh nhẹn, tia mắt nhìn thẳng, mí mắt thoáng chút tím trên đôi hàng mi đen dài cong nhẹ, tròng mắt đen long lanh trong ánh đèn đêm sau đôi kính lộ nét thông minh tinh tế. Nụ cười trắng làm lúm hai đồng tiền trên má, và lộ chiếc răng hở ngay giữa hàm trên nhưng rất duyên dáng như nữ diễn viên điện ảnh Laurel Hutton thập niên 50-60 trước. Tóc đen dày cắt úp ôm gọn nhẹ sau gáy.  Chiếc cổ thon dài chạy xuống bờ vai tròn gọn trong bộ đồng phục màu tím lavender viền trắng điểm hoa tím nho nhỏ, bên ngoài khoác áo choàng trắng.

Sau đó, Mona chúc ngủ ngon và qua phòng khác tiếp tục công việc.

–  Chào ông, chào bà. Tôi là Aida, phụ trực đêm nay. Ông khỏe không?  Tôi vào xem ông có bị ướt để thay…và đổi nước uống.

–  Bà là Aida, cái tên liên hệ đến lời ca bà vừa hát ru …  Aida, theo tiếng Việt chúng tôi Ái dà thì vừa có thể là tiếng kêu đau, mà cũng là lời khen ngợi.  Tôi hiểu là lời khen, theo cách bà săn sóc nhẹ nhàng âu yếm như mẹ và con, mặc dầu ông láng giềng có thể suýt soát tuổi ông cụ của bà …

–  Tôi học vài bài ru bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để âm ư khi săn sóc bệnh nhân.  Đây là bài ru khác bằng tiếng Peru :  À là ru ru ru…  À là ru ru ru…  Duermase mi nino à là ru ru ra… m… m…m…m…  À là ru ru ru…( À là ru ru ru… À là ru ru ru … Ngủ, ngủ đi con, ngủ ngoan ngoan. À là ru ru ra… m…m…m…À là ru ru ru…) Ông bà người Việt Nam ?

–  Còn bà ?  Chắc không phải người Tàu …

–  Tôi người Phi Luật Tân.

–  Vậy chúng ta là láng giềng.  Hai nước chỉ cách nhau một vùng biển hẹp.  Hạm đội Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ chở dân di tản tránh nạn cộng sản hồi tháng Tư năm 75, trong số có chính tôi, đã ghé vịnh  Subic Bay quê hương bà, để được chuyển sang thương thuyền Mỹ vượt Thái Bình Dương sang đảo Guam và từ đó làm thủ tục vào lục địa …  Khi có dịp, mình sẽ nói chuyện nhiều.  Bây giờ để bà làm việc nhé.

Aida vừa thay khố vừa âm ư ru bằng tiếng Tây Ban Nha :  Nana,nanita,nana, nanita à a..à a.. Mi nĩno tiene suẽno, bendito sea/ Fuentecita que corre clara y sonora/ ruisẽnor que en la selva cantando llora/ Calla mientras la cuna se balances/ À la nanita, nana, nanita, à a…(Ru à ru à là ru…Con ngủ an lành, xin ban phép lành thương yêu/ Nghe róc rách dòng suối nhỏ trong lành tuôn/ Nghe con chim lảnh lót trên cành/ Võng nôi đong đưa/  À à là ru à a …)

Chồng tôi thầm thì tiếng Tagalog :

–  Salamat ! (Cảm ơn !)

Và tôi tiếp lời :

–  Paalam ! (Xin chào)

Những đêm tiếp theo, khi có chút thì giờ nói chuyện, chúng tôi nhắc nhở về quê hương hai bên bờ Biển Đông, về trại tỵ nạn Phi Luật Tân và Làng Việt Nam ở Palawan tuy nay đã không còn

Quần đảo Phi Luật Tân có trên 7 ngàn đảo nằm trên vòng lửa Thái Bình Dương và vùng bão; nhiều núi lửa vẫn còn hoạt động,  mỗi ngày có cả 20 trận động đất nhưng hầu hết đều nhẹ, và mỗi năm có đến 20 cơn bão.  Quần đảo này có người ở từ 30 ngàn năm trước, hầu hết gốc Austronesian (Malayo Polynesian) trong số có sắc dân từng sống ở Nam Đài Loan di dân xuống.

Phi Luật Tân là một nhược tiểu, từng bị Tây-ban-nha đô hộ trên 330 năm từ thế kỷ XVI, sau đó lại thuộc Hoa Kỳ, có thời gian ngắn lọt tay Nhật hồi Đệ nhị Thế chiến, nhưng được Hoa Kỳ trả tự do và độc lập ngày 4 tháng 7, 1946, từ đó là Cộng hòa Phi Luật Tân.

Dân số đông trên 90 triệu người, bao gồm trên 180 sắc tộc, trong khi Việt nam có 54 sắc tộc.  Về ngôn ngữ, phải nói rằng họ có cả … 180 loại thổ ngữ và phương ngữ.  Ngôn ngữ dùng nhiều nhất là Filippino, Tagalog và Anh ngữ, kế đó là tiếng Tây ban nha.  Phố thị sung túc, nhưng vùng quê nghèo đói, nên có đến 11 triệu người Phi Luật Tân tìm cách ra nước ngoài sinh sống, định cư khắp nơi trên thế giới.

Phi Luật Tân có ba mùa trong năm : Tag-init hay Tag-araw là mùa nóng, từ tháng 3 đến tháng 5; Tag-ulan là mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11; và Tag-lamig là mùa lạnh, từ tháng 12 đến tháng 2.  Đặc biệt giống Việt Nam là gió mùa Đông Nam monsoon từ tháng 11 đến tháng 4 mỗi năm, gọi là Amihan. Nói đến gió mùa Đông Nam, ta gọi nôm na là gió nồm, và nhớ câu ca dao Lạy trời cho có gió nồm/Để thuyền Chúa Nguyễn thuận buồm ra khơi…

Aida cho biết có gốc gác thổ dân Igorot – tên khác là Cordillerano – sinh sống trên cao nguyên vùng ruộng bậc cấp Banaue vùng Cordilleras, phía Bắc đảo Lữ Tống.  Aida hãnh diện về nguồn cội Igorot.  Bà cho biết tháng 7 vừa qua, Đại hội Thượng đỉnh đầu tiên Thổ dân Thế giới nhóm họp tại đảo Hokkaido bên Nhật, có đại diện thổ dân Igorot là bà Victoria Tauli-Corpuz Chủ tịch Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về các vấn đề thổ dân thế giới, bàn về nâng cao đời sống thổ dân, và nhân quyền.

Về ruộng bậc cấp Banaue, đây là một di tích văn minh xưa từ 2 ngàn đến 6 ngàn năm trước của người Phi Luật Tân, và được Liên Hiệp Quốc công nhận di sản thế giới. Kỳ tích này là sự hài hòa giữa Trời, Đất, và Người: thổ dân Igorot và Batad đục sườn núi làm ruộng bậc thang ở độ cao 1,500 thước (5,000 bộ), rộng 10 ngàn cây số vuông (4 ngàn dặm vuông), và làm hệ thống dẫn nước từ rừng đại ngàn đỉnh núi, trồng lúa và hoa màu để sinh sống.

Tôi nhớ đến vùng Tây Bắc Việt Nam, cũng có những ruộng bậc cấp rất đẹp trên triền núi Sapa và Hoàng Su Phì của thổ dân người Hà Nhì, người Dao, người Kẻ Lao hay người H’Mong.  Một nếp sống quen thuộc vùng núi đồi.

Nói đến quê hương, Aida và tôi  nhắc nhở mấy loại trái cây hai quốc gia cùng có như Atis mãn cầu, Niyog dừa, Papaya thú đủ, Mangga xoài, Langka mít, Bayabas ổi, Balimbing khế, Durian sầu riêng, Pinya thơm/khóm/dứa, Saging chuối, Punna mù u… Mấy hôm sau tôi đem cho Aida một trái xoài xanh Mễ kèm gói muối ớt, và mấy hôm sau nữa là hai cái …Balut hột vịt lộn kèm gói tiêu muối và mấy cọng rau răm, và cả hai chúng tôi cười ngất chia sẻ chút văn hóa chung vùng Đông Nam Á.  Bên Phi Luật Tân, hột vịt lộn nhậu bia là món bình dân rất dược phổ biến, như trong Nam mình.  Tôi dọa sẽ đem sầu riêng vào cùng ăn, để cả Trung tâm sẽ chạy làng …

Với Mona Tallent, quà quê hương là chùm khế ngọt căng mọng từ vườn nhà, và trái dừa xiêm đã gọt vỏ trắng bong mua ở tiệm.  Xoài Haiti nổi tiếng ngon nhất thế giới nên tôi không dại gì đem tặng xoài Mễ trái mùa, dở ẹc.

Mona sinh trưởng tại thủ đô Port-au-Prince – Pòtoprens, nói theo tiếng Haiti créole thành phố chị em là Miami tiểu bang Florida, thuộc thành phần gọi là bien cultivée, có nề nếp, theo trung học Lycée Francais và lên Université d’État d’Haiti dành cho sinh viên nói tiếng Pháp.  Tôi có nhận xét là hầu hết những người sinh trưởng tại thủ đô đều có giọng nói rất chuẩn.  Giọng thủ đô Hà Nội trước 54  là giọng Bắc sang trọng thánh thót ngọt ngào không vùng nào tỉnh nào sánh được.  Sau này, tức là sau 75, giọng Hà Nội là một thứ pha chế chanh chua lờ lợ âm sắc chát chúa chói tai, quê tệ thua xa cả giọng Hải Phòng.  Giọng cố đô Huế của miền Trung thủ thỉ nhỏ nhẹ khó lòng bắt chước, dù cố đến đâu cũng trở thành trọ trẹ khó nghe.  Giọng Haitian créole hay tiếng Pháp thủ đô Pòtoprens của Mona hay hơn hẳn giọng những bà y tá người Haitian sinh trưởng vùng khác.

Có dịp nói chuyện, Mona cho biết giới trí thức nói tiếng créole viết tiếng Pháp hằn nỗi đau sâu trong tâm. Nỗi đau bị gọi là  Black France (Pháp Đen), là  France with frizzy hair (Pháp tóc xoắn tít). Họ cảm thấy bị lưu đày ngay trên quê hương, con người phân đôi : phần hồn và tri thức nhận ảnh hưởng văn hóa Pháp nhưng thể xác màu da vẫn từ nguồn cội nô lệ đen Phi Châu.

Mona mắt long lanh ngấn nước khi nhắc những ray rứt bức xúc đeo theo mỗi trí thức Haitian như lời thơ Léon Laleau, thi sĩ Haiti :

–  Sentez-vous cette soufrance/ et ce désespoir à nul autre égal/ d’apprivoisier, avec les mots de France, ce cœur qui m’est venu du Sénégal !!! (Bạn có thấu nỗi đau này/ và niềm vô vọng không chi sánh nổi/ khi phải luyện dùng ngôn từ của Pháp để viết nhuyễn nhuần xúc cảm trái tim này vốn xuất phát từ xứ sở Sénégal !!!)

Mona giải thích :

–  Bởi muốn vượt thoát nghèo đói, muốn vươn lên, phải học hỏi tiếng Pháp, cố hội nhập xã hội văn minh khai hóa của mẫu quốc; rồi sau đó cố học tiếng Anh để nhập vào xã hội thế giới, đặc biệt là khi được định cư tại Mỹ, nhưng hai chân vẫn vướng xiềng xích nguồn cội, mà lại là xiềng xích nô lệ !  Người Haitians đau khổ và kém may mắn hơn người Việt về nguồn cội xuất từ Sénégal nô lệ da đen.  Tuy nhiên, họ rất hãnh diện với thế giới, vì Haiti là quốc gia phất cờ cách mạng đầu tiên  do chính người nô lệ vùng dậy lật đổ ách thống trị thực dân Pháp và dành lại độc lập, mở trang sử oai hùng vùng biển Caribbean.

Chồng tôi nhắc một câu của Leopold Sédar Senghor, thi sĩ, chính trị gia Sénégal, người chúng tôi rất ngưỡng mộ :

–  L’émotion est nègre, la raison est hélène (Cảm xúc thì đen, lý trí lại là Hi lạp !).  Chính L.S. Senghor tuyên bố rằng Ý thức Da Đen Négritude là sự toàn hảo giá trị văn hóa của thế giới da đen, vì vậy giới trí thức da đen nên tìm cách bảo tồn văn hóa da đen bằng mọi giá, thay vì có những mặc cảm thua sút thiệt thòi.

Nghe những lời tâm cảm, mắt Mona lại long lanh ngấn nước, hai tay siết chặt hai tay của chúng tôi, miệng nở nụ cười trắng lộ chiếc răng duyên.

Mona Haitian của Trung tâm Manor khoảng trên dưới bốn mươi, trong khi Mona Lisa trong tranh của Leonard da Vinci năm nay già trên …500 tuổi.  Năm thế kỷ !  Được khởi công vẽ từ năm 1503 đến 1507, chưa xong nhưng đã được trưng bày tại nhiều cung điện ở Pháp, long đong lênh đênh 300 năm tuy không tan tác như hoa giữa đường mà vẫn phong gấm rủ là và mãi năm 1793 mới được đưa vào ngự bảo tàng viện Louvre, hàng năm có cả …7 triệu người chiêm ngưỡng !

Chồng tôi cho biết :

–  Tranh Mona Lisa bị đánh cắp năm 1911, và thi sĩ/nhà viết kịch/phê bình nghệ thuật Guillaume Apollinaire bị bắt vì tình nghi chủ mưu vụ trộm.  Cả Picaso cũng bị vào tù nhưng chỉ một ngày thì được thả, còn Apollinaire phải ngồi tù suốt một tuần dài.  Sau 2 năm bị mất trộm, Châu lại về Hợp Phố, Mona lại trở về Louvre.

Những ngày sau đó, cả hai chúng tôi tìm đọc về Mona Lisa, qua computer trong phòng sinh hoạt tập thể, để biết thêm nhiều chi tiết thú vị.  Đây cũng là một cách giúp người già vừa mở mang vừa luyện ôn trí nhớ.

Mona Lisa có du ngoạn sang Mỹ năm 1963 và sang Nhật 1974. Cuộc du ngoạn sang Mỹ do Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy trong dịp sang Pháp năm 1962 đã gặp Bộ trưởng Văn hóa André Malreaux và nhờ nói với Tổng thống Charles de Gaulle cho mượn Mona Lisa, chở trên tàu La France đi từ cảng Le Havre, Pháp, sang New York, triển lãm tại Bảo tàng viện Metropolitan ở New York rồi tại National Gallery thủ đô Washington, D.C.

Theo Guinness Books of Records, Mona Lisa là bức tranh được bảo hiểm cao giá nhất : năm 1962 trị giá 100 triệu Mỹ Kim, so với giá ngày nay là … 700 triệu !

Mona Lisa cũng dày dày sẵn đúc một tòa, tuy không sắc sảo mặn mà, không tài sắc lại là phần hơn với làn thu thủy nét xuân sơn, nhưng đặc biệt có nụ cười bí ẩn mầu nhiệm đến nỗi hai Đại học Amsterdam Hòa Lan và Illinois Hoa Kỳ đã nghiên cứu nhận dạng cảm xúc bằng máy điện tử, kết luận nụ cười Mona Lisa có 83% hạnh phúc, 9% chán chường, 6% lo sợ, 2% giận hờn, và dưới 1% không biểu hiện gì cả.

Trong khi đó, Nhật lại quan tâm đến âm thanh sau nụ cười bí ẩn.  Chuyên gia âm học Nhật phục chế giọng nói Mona Lisa, ghi chính xác 90% từ nụ cười : Tôi là Mona Lisa.  Danh tính tôi vẫn còn chìm trong màn bí ẩn.  Người bảo tôi là Magdala vợ Giacondo ; người bảo là Isabela d’Este mẹ của da Vinci ; người khác lại bảo tôi chính là hiện thân chính da Vinci. Điều duy nhất ai cũng phải nhận tôi là người đàn bà được yêu quý nhất thế giới, người có nụ cười đầy bí ẩn !

Chuyên gia điện tử Lillian Schwartz dùng computer khai thác nghệ thuật, phân nghiệm khuôn mặt tác giả Leonardo da Vinci và tác phẩm Mona Lisa..  Việc làm nổi bật nhất của bà là MonaLeo, hoặc LeoMona, biến thể tranh tự họa của tác giả thành Mona Lisa, khi đem chồng phân nửa tranh tự họa lên Mona, hai nửa mặt ăn khớp kỳ diệu.  Những tài liệu này trích The Art Historian’s Computer, đăng trên Scientific American, tháng 4, 1995, trang 106.

LeoMona và MonaLeo

Leonardo biến thể thành Mona Lisa

Mona Lisa không nổi tiếng lúc mới vào ngự bảo tàng viện Louvre, mà mãi giữa thế kỷ XIX, các họa sĩ trường phái Symbolism mới bắt đầu chiêm ngưỡng vẻ bí ẩn của bức tranh. Nhà phê bình văn học nghệ thuật Walter Pater có bài dài về Mona Lisa, trong đó có câu bất hủ truyền đời : She is older than the rocks among which she sits …She has been dead many times and learned the secrets of the graves…(Nàng già hơn những tảng đá quanh nơi ngồi…Nàng chết nhiều lần và học được những bí mật của các nấm mộ…)

Chồng tôi cho biết là sau đó, những họa sĩ trường phái Dada muốn hạ bệ những tranh xưa nổi tiếng, trong số có Marcel Duchamp, năm 1919 dùng một thiệp tranh Mona Lisa, vẽ thêm râu mép và chòm râu dê bằng bút chì, bên dưới đề mấy chữ tắt L.H.O.O.Q. Nếu đọc to lên theo tiếng Pháp sẽ nghe Elle a chaud au cul, tiếng Anh có nghĩa là She has a hot ass (Nàng nóng đít,’ khiêu dâm’).  Bức vẽ bậy của Duchamp vậy mà rất phổ biến, được đem trưng bày tại bảo tàng viện Museum of Modern Art tại New York, và từ đó mở đầu  một loạt tranh vẽ bậy gọi chung là graffiti, xuất hiện khắp vách tường công cộng trên thế giới, người xem muốn hiểu sao thì hiểu.

Mona Lisa L.H.O.O.Q.

Philadelphia Museum of Art

Chúng tôi tìm được vô số tranh  graffiti Mona Lisa.  Chàng thích thú chọn một số.  Nổi tiếng nhất là tranh của danh họa trẻ da đen gốc Haiti Jean-Michel Basquiat.  Vẽ bậy dọc đường từ 17 tuổi, nhưng là họa sĩ đầu tiên vẽ bậy mà nổi tiếng quốc tế và là người có công đem những bức vẽ bậy ngoài đường vào bảo tàng viện, trưng bày  nhiều nơi trên thế giới. Sau khi ông qua đời (1960-1988, mới 28 tuổi), nhiều tranh vẽ bậy của ông trị giá ngót cả…15 triệu !  Sau Jean-Michel Basquiat, thiên hạ khắp nơi a dua vẽ bậy Mona Lisa.

Mona Lisa

Graffiti art, họa sĩ da đen gốc Haiti Jean-Michel Basquiat (1960-1988)

The Estate of Jean-Michel Basquiat, Collection Ambrous T. Young

Ngoài hàng trăm tranh vẽ bậy Mona Lisa, có vô số sản phẩm liên hệ Mona Lisa, từ màn tắm, màn cửa, áo tắm, hũ bánh nắp kẹo, thiệp, đồng hồ, cà vạt, giấy bao sách vở, bao gối, khuôn in tem …kể không xiết !

Thời gian tại Trung tâm ManorCare, trong mục tiêu ôn luyện trí nhớ, còn có những buổi nghe nhạc hay đọc sách.  Tôi đem vào một máy cassette nhỏ thu sẵn nhiều băng nhạc hoặc bài đọc truyện.

Dịp ôn lại Mona Lisa, bài Mona Lisa nhạc và lời của Jay Livingston và Ray Evans đầu thập niên 50 thế kỷ trước nổi tiếng qua giọng ca vàng Nat King Cole là bản được Võ Đình rất thích.

Mona Lisa, Mona Lisa, men have named you/ You are so like the lady, with the mystic smile…  Do you smile to tempt a lover, Mona Lisa ?/ Or is this your way to hide a broken heart ? … Are you warm, are you real, Mona Lisa ?/Or just a cold and lonely of art  …Mona Lisa, Mona Lisa… (Mona Lisa, Mona Lisa, người ta đặt tên em/ Em đúng là một mệnh phụ, với nụ cười bí ẩn…Có phải em cười để quyến rũ người tình, Mona Lisa ? Hay chỉ là cách dấu kín trái tim tan vỡ ?… Em ấm áp, em có thật, Mona Lisa ? Hay chỉ là một tác phẩm mỹ thuật lạnh lùng cô đơn…Mona Lisa, Mona Lisa…)

Thời thượng hơn, là bài Mona Lisa, lời và nhạc của Britney Spears, kể rõ lai lịch người đẹp trong tranh tuy là chính bản mà lại là bản sao biến thể từ tranh tự họa của tác giả, bị đánh cắp nhưng rồi lại trở về nhà là viện bảo tàng Louvre : … She is the original/ She is unforgetable/ She wants you to know, that she’s been cloned, she’s been cloned, she’s been cloned…/It’s kind of incredible/ She’s so unpredictible/ She wants you to know, that she’s home, that she’s home, she’s home …(Nàng là nguyên bản/ Nàng không bị lãng quên/ Nàng muốn bạn biết, rằng nàng là bản sao, nàng là bản sao, là bản sao…Thiệt khó mà tin được/ Thiệt khó dự liệu điều gì xẩy đến cho nàng/ Nàng muốn bạn biết, là nàng đã trở về nhà, nàng về nhà, nàng về nhà, về nhà…)

Riêng tôi yêu nhạc Black Mona Lisa của Lamya : I can call myself Mona Lisa, Mona Lisa, Mona Lisa/ Men have adored you …(Tôi có thể gọi tôi là Mona Lisa, Mona Lisa, Mona Lisa/ Người người sùng bái nàng…) ngụ ý nàng Mona của Trung tâm ManorCare Center, bởi Mona này đã cho tôi nhiều phấn khởi khi tìm hiểu tâm tình người đàn bà da đen hải đảo Haiti nói riêng và tất cả đàn bà da đen quốc gia nhược tiểu, trong Ý thức Da Đen Negritude mà Leopold Sedar Senghor từng viết : Ma Négritude point n’est sommeil de la race mais soleil de l’âme (Quan điểm Ý thức Da Đen của tôi không phải về chủng tộc mà là mặt trời của tâm hồn).

(Còn tiếp){jcomments on}

0 thoughts on “MANOR/MONA/MANỒ

  1. Quốc Tuyên

    Ăn cơm ta với cá kho mặn rồi cắn quả cà ghém quẹt tí mắm ruốc mắm tôm lùa canh rau đay rau muống rau mồng tơi rau ngót kèm cái dót ớt sừng trâu … luộc rau khoai lang chấm nước tôm kho đánh sóng sánh ớt màu… Kể sao cho hết!
    Nghe cô kể cũng thấy đã ngon rồi, ngày mai chắc em phải ăn món rau lang luộc quá .
    Các món ăn Việt Nam mình là nhứt rồi cô hỉ ?

    Reply
  2. Bích Vân

    Nghe nói bức họa Mona Lisa được hình thành nhờ một nụ hôn lịch sử
    giữa chàng họa sĩ và cô người mẫu .

    Reply
  3. Phượng

    Ăn cơm ta với cá kho mặn rồi cắn quả cà ghém quẹt tí mắm
    ruốc mắm tôm lùa canh rau đay rau muống rau mồng tơi rau
    ngót kèm cái dót ớt sừng trâu … luộc rau khoai lang chấm
    nước tôm kho đánh sóng sánh ớt màu…
    Nghe cô kể ngon quá trời vậy thì còn ai có lòng dạ nào ăn
    phở nữa đây .

    Reply
  4. Tùy Anh

    Cho dù ở đâu , nơi nào ngay cả trong một bịnh viện , tác
    giả vẫn thể hiện tình yêu quê hương dạt dào .

    Reply
  5. Trần Đăng Linh

    Người đẹp Mona Lisa với nụ cười tuyệt vời bí ẩn được sống lại trong truyện nầy lần nữa .

    Reply
  6. camtucau

    Đọc lời cô Hồng kể các mon ăn ta ,mà ở tại quê nhà cung rệu nước miếng rùi ngon ko kể hết

    Reply
  7. Tuệ Minh

    Đặc biệt có một bồn rau khoảng bốn thước vuông, cả trăm
    cây ớt chen chúc chật chội nên chỉ ba cây đơm hoa, còn
    lại còm cõi bên cạnh đám rau diếp, cải và bắp su. Hai cây
    cà chua dù sát cánh èo uột cũng quằn quại ráng đơm được
    mấy hoa vàng cạnh cả chục cây đậu peapod, nấp dưới ba bốn
    cây bắp vươn cao dành ánh sáng trổ được mấy bông đong đưa
    chòm râu nâu đỏ. Người chăm bồn rau này là một bệnh nhân
    người Mễ bị máu đường nặng ăn cụt cả hai chân lên tận gối,
    phải ngồi xe lăn liên tục, nhận săn sóc để giải khuây nỗi
    nhớ vườn nhà.
    Bệnh nhân cũng có việc làm hay quá .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.