Manor/Mona/Mônà

Matisse’s Model, 1991

Tranh vẽ của nữ họa sĩ da đen Mỹ Faith Ringgold chuyên ghép quilt

Acrylics on canvas, Baltimore Museum of Art

Tháng mười chưa cười đã tối! Nhưng tháng mười dương lịch, mới 7 giờ chiều cũng đã là tối rồi, nhất là phải dọn đến một chỗ lạ, chưa hề có kinh nghiệm sống một nơi như thế này.  Di chuyển trên xe còi hụ đèn chớp hãi quá chừng chừng mà ráng làm mặt lì và ráng nở nụ cười vì nhớ lời khuyên của Doug Horton “ Smile!  It’s free therapy!”

Chỗ đến là một Trung tâm vừa Dưỡng lão vừa Phục hồi, không xa nhà thương bao nhiêu và cách nhà cũng vừa khoảng 20 phút lái xe.  Chuyện chính là vấn đề phục hồi, phải làm physical therapy, occupational therapy và speech therapy.  Chưa kể còn nhiều sinh hoạt linh tinh liên hệ để sống như trong một xã hội bình thường.

 

Đó là HCR ManorCare Center.  Một Trung tâm có dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi kể cả người trẻ cần phục hồi sức khỏe, gồm hai tầng trong một khu đất rộng trên mười mẫu cây cỏ xanh mượt, có đến 120 giường và cả một hệ thống điều hành theo khả năng tài trợ của Bộ Y tế Liên bang, dưới chương trình Medicare,  Medicaid và các bảo hiểm y tế khác.

 

7 giờ tối Thứ Sáu.  Không phải một ngày chuẩn bị cho cuối tuần, mà là một ngày mở đầu cho cuộc sống mới lạ.  Chỗ nằm tầng trệt nhìn ra cửa sổ.  Đêm.  Bên ngoài có đèn vừa đủ cho thấy những vòm lá in trên nền trời xám.

Tôi ngỏ ý xin ở lại buổi tối, ngày về nhà, ăn uống tự túc.  Chỉ cần một tấm yoga mat nhỏ, khăn trải giường và chăn, trải dọc sát giường, gần cửa sổ, là đủ.  Chồng tôi dẫu từng đi đó đây, dẫu từng thay đổi nhiều nơi cư ngụ, nhưng một nơi lạ, lại là giai đoạn cần có người thân bên cạnh hiểu rõ từng nhu cầu và thói quen nhỏ nhặt, nhất là tuổi già với những chứng bất thường trong tình trạng trầm cảm.

Thu xếp chỗ nằm chưa xong thì đã có một bạn được đưa vào.  “Se” phòng, nhưng không “se” tình, hoặc có thể nói đây là “se” chung tình cảnh.  Một ông già, da đen ngăm, tóc bạc xoăn tít rậm rịt trên đầu như một tổ chim rột rột, râu hùm hàm én, người cao lớn quá khổ, nằm bất động, không nói năng.

Một đêm hãi hùng. Trong phòng tắt đèn.  Ngoài hành lang chong sáng.  Những tiếng động lạ tai.  Những hình ảnh lạ mắt.  Những tiếng nói lạ hoắc…

Khoảng nửa đêm, trong lúc chưa thể nhắm mắt vì bao mối lo ngổn ngang, thì bỗng có tiếng kêu cứu đều đều nhịp ba, báo động từ một giường xế bên kia hành lang.

–  Beep!  Help!  Beep beep!  Help me!  Beep!  Help!  Beep beep!  Help me!  Beep! Please!  Beep beep! Put me down!  Beep! Please!  Beep beep! Don’t go away! …

Chúng tôi nhìn nhau, mắt thao láo kinh hãi.

Điệp khúc kéo dài cả phút.  Ui chao! Nửa đêm giờ Tý canh ba, ông không chịu ngủ ông la quá trời!  Tôi lắng chờ đợi còi xe cứu thương.  Nhưng không.  Có tiếng y tá  dỗ dành an ủi.  Yên lặng.  Nhưng chỉ khoảng một tiếng sau, điệp khúc lại trổi dậy.

Giải thích, y tá cho biết chứng dementia, một bệnh của ngườì già, bên cạnh Alhzeimer Parkinson, có tác động nhiều về đêm: thấy ảo giác, lang thang mộng du, lảm nhảm lúc ngủ, la hét, trằn trọc trở mình, khóc lóc than vãn, hỏi han lẩm cẩm …

Có tiếng thở than kể lể vọng từ cuối hành lang rồi rõ dần gần trước phòng:

–  My daughter!  My dear daughter!  My son!  My dear son!  Come!  Come!  Bring my dear grand daughter!  I miss you!  I miss all of you!  Oh dear!  Oh dear!  I long to hug you, all of you!  I loo..oong to have all of you hugging me …  Oh dear!  Oh dear!  I can’t wait …

Mới 3 giờ sáng.  Bà y tá phụ không ngủ, nhanh nhẹn chạy đến đẩy chiếc xe lăn có bà cụ mà ai cũng gọi là Grandma. Lại vỗ về.  Lại dịu dàng an ủi.

Grandma, hình chụp của LaiHồng

Nếp thời gian gần cả thế kỷ uốn lượn nhịp nhàng như sóng bủa, lăn tăn vây đôi mắt sương lam lúc trời yên bể lặng làm an lòng người, rồi tỏa dài đổ xuống đôi má nhão xệ xếp nếp dúm dó quanh đôi môi mỏng móm mém bao vây khóe miệng không răng.  Tuy móm mém không răng, giọng cụ vẫn rõ ràng, phát âm dịu dàng nhỏ nhẹ chuẩn từng chữ.  Không lúng búng.  Không thều thào mà cũng chẳng phều phào.  Rõ.  Gọn.

94.  Nhưng bà cụ tự hai tay xoay chuyển bánh xe lăn như từng xoay chuyển ngót cả thế kỷ đời.  Hai chân đầy đốm nâu da mồi mỏng thấy từng đường tĩnh mạch xanh.  Đôi bít tất loại dùng trong nhà thương có những hạt dệt nổi phồng để khỏi trơn trợt.  Cụ tự bước đều hai chân theo vòng xe luân hồi di chuyển.

Được an ủi vỗ về, cụ kể lể:

–  Con gái tôi kỳ này đem cháu tôi đi nghỉ xa tuốt Skyline trên Maryland, Virginia.  Đi ngắm lá đổi màu.  Tui cũng một ngọn lá đang đổi màu, hết vàng qua nâu, nẫu rầu sắp rụng… Con trai thì mới bị thương gãy tay hôm nọ vào thăm còn đăng bột treo sát lên vai.  Khổ thân con tôi!!!

Oh my dear!  My dear!  I love you sooo much, sooo much more than I can tell…  Oh dear!  Oh dear!  I wish I would be with them forever…  But I know, I’m just a burden, yes, a burden, a burden, burden … Oh dear!  Oh dear!!!

Nước mắt tôi chảy dài.  Hình ảnh bà cụ nhạt nhòa qua làn tóc bạch kim óng bạc mềm mỏng long lanh dưới ánh đèn hành lang.  Tóc bạc thưa, không sói.  Tôi bất giác đưa tay lên đầu.  Chỉ vài mươi sợi bạc nhưng rất thưa rất mỏng và sói hẳn trên đỉnh vì thói quen bứt từng sợi nhỏ khi đọc sách hoặc nói chuyện điện thoại.  Tôi giống mẹ.  Cả tính tình lẫn vóc dáng, nhất là đầu tóc chỉ lác đác đốm bạc mà thưa mỏng, dài vừa đủ làm một củ tỏi nhỏ sau gáy với mấy cái cặp.

Hình ảnh bà cụ mờ dần cuối hành lang, và tôi tưởng thấy rõ mẹ tôi.  Mẹ tôi ở giai đoạn cuối trong chương trình Hospice, nằm nhà có y tá đến mỗi hai ngày chăm sóc.  Mẹ không ngồi.  Mẹ nằm gối đầu trên giường bệnh, lặng lẽ nhìn ra cửa, không kêu gào gọi các con.  Ngoài kia, trên sàn bục gỗ nối dài, có mấy con sóc đuôi xù cong đứng thẳng người trên hai chân sau, hai chân trước ôm hạt đậu phụng để sẵn trong một đĩa, nhâm nhi thú vị.

Mùa Thu.  Vườn nhà cậu em kế tôi có khu rừng sau đang đổi màu.  Vàng nhiều hơn lục, điểm những chòm lá phong đỏ rực chấp chới dưới làn gió nhẹ vờn nắng sớm, bứt từng chiếc thả xuống gốc cây đầy lá nâu khô.  Mẹ tôi nhìn rừng lá đổi màu, đôi mắt già nâu đen không còn ánh tinh anh xưa, cũng loang loáng phản chiếu sắc thu màu lá ngoài trời.  Bao nhiêu lá rừng, từng chiếc lại từng chiếc lặng lẽ buông mình.  Mẹ tôi không nói gì, nhưng tôi biết bà đang âm ư ngâm nga mấy câu ca dao ưa thích :  Đố ai quét sạch lá rừng/  Để ta khuyên gió, xin đừng rung cây …

Tự dưng tôi cũng âm ư theo:  Đố ai biết lúa mấy cây/  Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng …

Mẹ tôi thích đi đó đây, và khi có ai hỏi sao hay đi, thì lại ngâm nga :  Dạo chơi cho khắp lê viên/ Biết cây chi cao trăm trượng, biết hoa chi nở thường xuyên bốn mùa …Mẹ tôi yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ.  Nhưng tình yêu người thì thật dũng mạnh.  Cụ bảo cây cao trăm trượng là cây ý chí.  Phải vững ý chí để vượt thoát khó khăn khổ nhục mà sống thanh thản an nhiên tự tại.  Và hoa nở thường xuyên bốn mùa chính là hoa tình thương, một tình thương chân thật.  Cho, không cần điều kiện.  Không có tình thương chân thật nở bốn mùa, con người là đồ bỏ.  Đồ bỏ!  Chỉ hai chữ.  Ngắn.  Gọn.

Đang thả hồn nhớ mẹ, bỗng giật mình vì giọng dõng dạc của một bà cụ ngay trước cửa phòng:

–  Steve!  You are here!  How did you send me away from home!  How did you kick me out???

Đồng hồ trên tường chỉ 4 giờ sáng. Bà cụ này 98 tuổi, nghe nói mới nhập viện mấy hôm, thường rất lặng lẽ. Chỉ buồn xa con, xa gia đình, lạc vào một xã hội lạ tuy vẫn đầy tình người. Không lẫn tí nào, chỉ trông gà hóa cuốc, vì anh chàng bệnh nhân trẻ đang nằm ngủ kia có vóc dáng giống con trai cụ.

Chưa hết.  Một ông cũng mới nhập viện, tửng bưng sáng dậy sớm ngồi xe lăn lẩn thẩn chậm rãi hỏi bâng quơ:

–  Đây là đâu, chẳng giống nhà tui tí nào?  Cái phòng khác mà cái giường cũng khác.  I get lost …

Lát sau ông lại tưng tửng:

–  What day is today? Ủa, tui ở đâu vậy nè?  Ngày hay là đêm mà đèn sáng hoài vậy nè?

Tưởng như thấy Bùi Giáng đâu dây, lang thang tưng tửng:

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu

Hỏi quê, rằng mộng ban đầu rất xa …

Trong khi đó, cách mấy phòng, tiếng một ông gọi Help!  Help! Help! thật to như rống.  Ông này có cái bụng trống cà rùng to hơn đàn bà có chửa 9 tháng chưa đẻ nên giọng rống cộng hưởng vang dội.  Rống xong thì đếm  One!  Two!  Three!  Four!  Five!  Six!  Seven!  Eight!  Nine!  Ten! rồi trở lại từ đầu one, two …  Bà y tá sáng hôm đó phờ người, kể lể là bị ông trống cà rùng đá mấy cái vào lưng mà vẫn phải cười trừ chịu đựng.

Và cứ thế tiếp cho đến tờ mờ sáng, khi đốm Sao Mai lấp lánh qua khung cửa sổ, lung linh những chòm lá kè trên cao và đám sồi nhiệt đới dưới thấp, bên những cành đuôi gà ti plant đỏ tía, tôi vẫn không hề chợp mắt, trong khi người bạn đời của tôi mệt mỏi sau mấy ngày căng thẳng, đã yên ắng lắng giấc tự hồi nào.

Ngoài trời chim chưa dậy gọi đàn.  Nhưng trong khu Trung tâm, nhiều tiếng chim trổi dậy.  Những điệp khúc gọi đàn cũng beep beep tíu tít nhịp một nhưng đều đặn không ngắt nhịp như điệp khúc beep nhịp ba hồi nửa đêm.

Tiếng người đi vội vào các phòng. Bác sĩ đến khám hoặc thăm một số bệnh nhân liên hệ.  Y tá hỏi han, đo áp huyết, lấy nhiệt độ, bắt mạch, chích thuốc, đưa thuốc, viên lớn được nghiền vụn trộn mứt táo apple sauce để khỏi mắc cổ, đứng chờ cho uống nước xong mới rời đi phòng khác.  Y tá phụ làm vệ sinh, thay “khố”, lau rửa, hoặc đến phiên thì đem đi tắm, thay áo quần ban ngày, vì đêm ai cũng mặc áo ngủ đồng loạt của bệnh viện. Mỗi y tá phụ trách một số phòng.  Riêng tôi muốn tự tay chăm sóc cho chồng, vừa để làm ấm lòng người bạn đời, vừa giúp bệnh nhân khác được thêm thì giờ, và cố nhiên là các y tá rất vui lòng.

Buổi sáng rộn rã những chào hỏi, giọng quen giọng lạ, tiếng đục tiếng thanh, giọng trong giọng khản.

Fatata te Miti/ By the Sea

Oil on canvas, Paul Gauguin (1646-1903)

–  Kouman ou ye?  Tout bagay anform?

–  Ki?

–  Ou!

Hai chúng tôi ngớ mắt nhìn nhau.  Họ nói tiếng chi lạ rứa he?  Tôi nhớ hồi mới 16 ở Huế vô Sàigòn đi chợ Bùng Binh, cũng bị mấy bà ngồi trên sập nhìn nhau ngớ mặt thắc mắc.  Một bà hỏi:

–  Nói tiếng gì dzậy cô em?

–  Dạ, cháu nói tiếng Huế.

–  Huệ ở đâu dzậy cô em?  Huệ là nước nào dzậy cà?

Đó là hồi thập niên 50 của thế kỷ trước.  Bây giờ thế kỷ XXI, và chúng tôi đang ở trên nước Mỹ, gọi là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, có rất nhiều sắc dân quy tụ, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng lần đầu tiên nghe tiếng lạ tai …

–  Hai người nói chuyện, nghe như tiếng Pháp mà không phải.

–   Cũng chẳng langue d’oc hay langue d’oil …

–  Langue d’oc langue d’oil ?

–  Ừ.  Langue d’oc phía Nam nước Pháp, vùng Provences, Languedoc,

Gascogne … Langue d’oil phía Bắc, vùng Ile de France và quanh thủ đô Paris.  Nhưng đó là thời Trung cổ.  Bây giờ hiếm người còn dùng.

Một trong hai y tá phụ, cô trẻ hơn, tươi cười chào hỏi và nhanh nhẹn vui vẻ tự giới thiệu :

Bonjou ! Tôi tên Aliette.

Cả đêm không ngủ mắt cay xè nhưng cũng ráng mở miệng tươi tếu :

–  Alouette ?Alouette, gentille alouette !  Alouette, je te plumerai !

–  Oh no!  Không, Aliette.  Nhớ bài hát trẻ con  Alouette …  Nhưng tôi

không nói được tiếng Pháp đâu !

Nàng Alouette cao lớn khỏe mạnh, da nâu đen dòn mịn bóng tưởng mang

trên người cả bầu nắng gió hải đảo, tóc tết cả trăm bím nhỏ dài trông như bầy châu chấu làm bằng lá dừa thuở mình còn thơ ấu.  Bầy châu chấu có đuôi dài, con nhuộm vàng con nhuộm nâu, buộc bám quanh chiếc sọ xinh xinh hình trái dừa màu nâu đen.  Nổi bật trên khuôn mặt bầu bĩnh là đôi mắt bồ câu to tròn đen long lanh dưới riềm mi cong vút, tưởng còn dọi lại ánh mặt trời đem theo từ quê hương, lại ngời thêm niềm vui vô tư của tuổi trẻ.

Bà y tá phụ kia cũng cao lớn khỏe mạnh nhưng đẫy đà hơn, nhiều da thịt hơn và có vẻ điềm đạm hơn.

–  Tên tôi là Clara…

–  Clara ?  Claire !  Au claire de la lune …

Clara cũng vui vẻ tiếp lời :

–  Prêt moi plum por ecri yon mo…

–  Au claire de la lune, mon ami Pierrot. Prête-moi ta plume pour

écrire un mot.  Ma chandelle est morte, je n’ai plus de feu.  Ouvre-moi la porte, pour l’amour de Dieu …

–  Sekonsa ! / C’est comme ca !/ That’s right !/ Đúng rồi !  Eske ou pale

franse ?/ Est-ce-que vous parler francais ?  (Đây là tiếng Tây bồi, phải hỏi là Parlez-vous francais thì mới là Tây thiệt)/ Do you speak french ?/ Ông nói tiếng Pháp được không ?

–  Oui ! Vừa rồi hai người nói gì, nghe như tiếng Créole ?  Haitian creole ?

–  Đúng rồi !  Như thế này này :  Kouman ou ye? Comment vous-allez? (Đây là tiếng Tây bồi, phải hỏi là Comment allez -vous mới đúng)/ How are you?; Tout bagay anform ?/ Toutes les choses sont bien ?/ Is evething OK ?/ Mọi chuyện tốt đẹp chứ ? ; Ki? Qui?/  Who?/ Ai?; và Ou!/ Vous!/ You !/ Bạn !

–  Me an pa sa palé Kreyèl ! Mais je ne sais pas parler Créole !/ But I don’t know how to speak Creole !/  Tôi không biết nói tiếng Creole!

–  Pa ni pwoblem! Il n’y a aucun problem!/ No problem !/  Không thành vấn đề !

–  Nghe lạ tai thiệt!

–  Ngộ ghê há !

–  Ngộ thiệt đi chớ !

To Market

Họa sĩ da đen Mỹ Ellis Wilson (1899-1977)

Ki se Kreyèl ayisyon ye ? Qu’est ce que Créole ?/  What is Haitian Creole?/  Tiếng Haitian Creole là tiếng chi vậy cà ?

Bản tính vốn tò mò thích tìm hiểu và chia sẻ, mấy hôm sau tôi báo cáo:

–  Haitian Creole là tiếng nói chính thức dân hải đảo Cộng hòa Haiti – Repiblik Ayiti – quốc gia lớn thứ ba sau Cộng hòa Dominican và đảo Cuba trong quần đảo Caribbean phía Đông Nam Florida Hoa Kỳ; Haiti phía Tây đảo Hispaniola, chung biên giới với Dominican phía Đông.  Haiti – Ayiti –theo thổ ngữ xưa TaínoArawak của dân địa phương, nay gần như tuyệt chủng,  có nghĩa là Đất Núi – Mountainous Land – dùng cho cả toàn đảo Hispaniola.

–  Vậy, dân đảo đó phải nói tiếng Taíno-Arawak chứ?

–  Nghĩ vậy mà không phải vậy.  Tiếng Taíno coi như thất truyền, và người Taíno ngày nay còn rất ít, rút lên ở trên núi.  Dân hải đảo gốc nô lệ nói tiếng Pháp lai Haitian creole. Đó là một ngôn ngữ pha trộn tiếng Pháp thực dân từng chiếm Haiti làm thuộc địa hồi thế kỷ XVII, đem người da đen từ các thuộc địa Tây và Trung Phi châu qua làm việc tại các nông trại.  Dân nô lệ cố tập nói tiếng Pháp thêm vào cổ ngữ Taíno – Arawak và vốn liếng ngôn ngữ đem theo từ Phi châu, lâu ngày pha trộn thêm cả tiếng Ả Rập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và cả tiếng Anh, càng ngày càng ngọng càng cắt nuốt âm đầu âm đuôi. Thứ ngôn ngữ Pháp lai gọi là Kreyèl – Popular French – khác hẳn Standard French của người Pháp chính gốc trong nước.

Loại ngôn ngữ Pháp lai Haitian Creole, ngay người Pháp chính gốc trong nước cũng không nghe không hiểu được.  Nhưng nếu viết xuống thì có thể hiểu đoán theo tiếng Pháp. Cũng un, deux, trois… nhưng là yon, de, twa … ; de mil là deux milles, twa san là trois cents… Vừa ngọng vừa cắn đứt bớt âm.  Ti tig se tig, petit tigre c’est tigre ! Cọp con vẫn là con cọp !

–  Ngộ thiệt !  Ngộ thiệt đi chớ !

–  Haiti cũng từng là thuộc địa Pháp, như Việt Nam.  107 năm, từ 1697 đến 1804. Haiti là quốc gia đầu tiên vùng biển Caribbean dành được tự do từ tay thực dân Pháp, độc lập sau thời bị đô hộ, tự trị dưới quyền lãnh đạo của người da đen, và là quốc gia duy nhất dành tự do nhờ người da đen nổi dậy.

Châm ngôn của HaitiLinyon Fe Lafòs/ L’Union Fait la Forte/ Strength through Unity/ Hợp quần Tạo Sức Mạnh.

Nhưng, cho đến nay, dù đã độc lập, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức trên lãnh vực hành chánh, giáo dục và thương mại.  Giai cấp trí thức và tầng lớp doanh thương giàu có vẫn dùng tiếng Pháp, con cái học trường dạy bằng tiếng Pháp.

–  Đúng rồi!  Mới có tin trên TV, trường trung học La Promesse Petionville ngoại ô thủ đô Port-au-Prince của Haiti mới bị sụp bất ngờ hôm 7 tháng 11, 2008 là một trường tư chém học phí trên 1,500 đô, có khoảng 500 học sinh, cố nhiên toàn là con nhà giàu.

–  Trong khi đó, đại đa số, hay đúng hơn, là hầu hết, tức là có ngót cả 9 triệu dân Haiti nói thứ tiếng Pháp lai Kreyèl, cộng thêm ngót 4 triệu người Haiti định cư tại  Hoa Kỳ, Cộng hòa Dominique, Canada, Pháp, Bahamas, Martinique, Cuba,Venezuela… Tổng cộng trên thế giới có trên 12 triệu người nói thứ tiếng Pháp lai đặc biệt này.

Nekita Lamour, nhà văn nữ người Haiti nói : Ngôn ngữ người đảo Haiti từng được gọi là tiếng Créole, nay vẫn là Créole, và luôn luôn là tiếng Créole.

Aimé Fernand Césaire, nhà thơ, nhà văn và cũng là chính trị gia,  sinh trưởng tại hải đảo Martinique, tổ tiên chính gốc nô lệ Phi châu, nói tiếng Creole nhưng học và dạy bên Pháp, viết văn làm thơ bằng tiếng Pháp, diễn tả ý nghĩa nhất về liên hệ tiếng Creole và cội nguồn :  Créole là một ngôn ngữ thể xác Pháp nhưng tâm hồn Phi châu.

–  Hải đảo Martinique?  Đảo Hoa? Đây là nơi sinh trưởng của Hoàng hậu Joséphine vợ Đại đế Napoléon Bonaparte.  Thủ đô Fort de France có công viên La Savane với tượng Joséphine nhưng lâu ngày bị gãy đầu rồi …  Đây là thủ đô  rượu Rhum của thế giới.  Dân đảo này cũng nói tiếng Creole.

–  Hải đảo Martinique cho đến nay vẫn là thuộc địa Pháp, cũng dùng tiếng Pháp chính thức nhưng dân thường lại nói tiếng Antillean Creole, gọi là Martinican Creole/ Créole Martiniquais.  Dân đảo này có quốc tịch Pháp và riêng quanh vùng Paris có đến 250 ngàn người Martiniquais.  Hồi còn học bên Pháp, gặp nhiều người Martiniquais.  Họ nói tiếng Pháp giỏi, trình độ văn hóa cao.  Aimé Césaire là một người đáng được ngưỡng mộ.  Ông từng là đảng viên Cộng sản Pháp năm 1945 nhưng sau đó cảnh tỉnh và bỏ đảng năm 1956.  Hồi đó bọn sinh viên du học xôn xao cao trào Négritude – Ý thức Da Đen – do chính Aimé Césaire sáng lập cùng Léopold Sédar Senghor –ông này về sau là Tổng thống đầu tiên của Sénégal khi thoát ách đô hộ Pháp – Cao trào này được Jean-Paul Sartre hỗ trợ, coi là một hệ racisme antiraciste – anti-racist racism- kỳ thị chống kỳ thị chủng tộc.

Tôi được đà cao hứng :

–  Nhưng, không riêng người hải đảo Haiti và Martinique nói tiếng Créole.

Bất cứ ở đâu có người gốc nô lệ da đen đều có tiếng nói Créole, Pháp lai hoặc Anh lai.  Hai đảo lớn phía nam vùng biển Caribbean là Jamaica và Trinidad/Tobago cũng dùng Créole nhưng là English creole, trộn phương ngữ Bhojpuri, thành thứ tiếng gọi là Patois hay Patwa.

Who se we chat patwa ?/ Who said we chat patwa?/ Ai bảo bọn mình nói tiếng patwa?

Trung tâm ManorCare nhiều y tá, y tá phụ và y công người vùng hải đảo.  Nghe các bà nói chuyện dùng tiếng patois/patwa thì chịu, không thể nào hiểu được.  Nhưng hỏi đến quê hương thì nhiều người vẫn nhắc nhở nhớ thương.  Quê nghèo lại hứng nhận bão lụt hàng năm, vẫn in đậm hình ảnh thân thương.  Họ cũng vượt biển bằng thuyền, tha phương cầu thực, làm việc cực nhọc có khi hai jobs ngày đêm, chỉ để dành tiền gửi về quê nhà.

Nhắc Trinidad và Tobago, The Land of Hunningbird – Vùng Đất của Chim Ruồi – họ hơi ngỡ ngàng khi được hỏi về nhà văn Vidiadhaur Surajprasad Naipaul, người đảo Trinidad, giải văn chương Nobel 2001.  Không lạ, vì nhà văn này gốc Ấn độ lai Anh mặc dầu sinh trưởng ngay tại Trinidad.

Dân hai đảo này cũng nói tiếng Créole, nhưng là Trinidadian Creole English. Không phải Patwa.  Cũng may, ông láng giềng “se” phòng chính cống sinh trưởng tại Trinidad, nên có dịp tìm hiểu. Tổ tiên ông gốc gác nô lệ, từ Sénegal bị bắt bán sang Trinidad, mấy đời lai thêm Ấn độ khi thực dân Anh  thuê dân Ấn sang làm công với giá rẻ mạt thay thế đám nô lệ đòi tăng công.

Nói đến Sénégal thì nhớ ngay cây Baobab…. 

–  Quả đất tròn!  Thiệt thiệt tròn!  Năm ngoái mới viết bài về đại thụ Baobab với hồi ký Voyage en Sénégal của Michel Adanson khám phá cây khổng lồ, thì nay gặp được người khổng lồ gốc gác Sénégal!

Ông láng giềng bị huyết áp cao, máu đường nặng, bán thân bất toại, nửa mê nửa tỉnh vì narcotics, tay chân cứng đơ đụng đâu đau đó nên khi được giúp làm vệ sinh là càu nhàu rên la.  Ngoài ra, suốt ngày ông bất động, không thiết ăn uống dù tất cả thức ăn đều được xay nhuyễn đưa vào phòng và có người đút tận miệng.  Toàn những bệnh di truyền.  Hẳn tổ tiên nô lệ đói khổ làm việc cật lực cho thực dân trên những cánh đồng mía bạt ngàn bao la nắng chát chúa cháy da xém tóc khát bỏng họng, ăn quá nhiều mía nên thừa đường, ăn toàn đồ lòng thừa thãi của chủ loại bỏ: tim gan phèo phổi xương tủy óc huyết bao tử ruột non ruột già … nên cholesterol cao, huyết áp cao.  Và con cháu lãnh hậu quả tai hại.

Ông người cao lớn lại nặng quá khổ, bị bại liệt nửa mình, không y tá phụ nào có thể nhấc dậy được.  Họ phải dùng một tấm vải lớn dày trông như võng luồng dưới người ông, ba đầu võng có quai, móc ba quai vào một máy cao và “câu” ông đưa vào ngồi xe lăn để họ có thể dọn dẹp giường và di chuyển. Tôi nói đùa với chồng là sáng sớm tửng bưng mới 5 giờ đã đi biển làm nghề.  Cái võng đó ví như cái rớ, và cái máy câu móc rớ vào.  Thấy họ làm việc vất vả, tôi vừa phụ thu dẹp rộng chỗ vừa cố làm nhẹ gánh nặng, ráng cười:

–  Giờ câu cá!  Móc rớ vào!  Chống rớ lên!  Câu được cá lớn quá trời!

Vì “se” phòng, nên chẳng đặng đừng cũng có lúc thấy nhiều chuyện “ngụy.”  Hai chân hai tay ông trông hệt bằng đồng đen.  Tôi lén đặt nhẹ bàn tay trên tay ông. Chưa bằng phân nửa.  Hai bàn chân hẳn phải gấp 4 lần chân tôi.  Sợ.  Không dám đọ. Tay chân mặt mũi tạc bằng đồng đen hay gỗ mun gỗ gụ, bóng ngời với đường nét sắc cạnh bởi những ống xương đùi.  Đúng là những thỏi gỗ mun bóng lưỡng.

Có một lúc tình cờ nhìn qua nhằm lúc y tá phụ thay “khố”,** tôi giật thót người chợt thấy cỗ “đại pháo” với hai bì đạn bóng lưỡng to đùng …  ngỡ trứng đà điểu sa mạc, mà phải là đà điểu đen điu khác thường!

Kể lại, hai đứa trợn mắt cười.  Chàng cười không thành tiếng, còn tôi thì hăng hắc để dấu mắc cỡ chạy tội rắn mắt tò mò.

Thỉnh thoảng đi ngang, tôi sửa lại chiếc gối lệch làm quẹo đầu, kéo chăn đắp chân, tắt TV do y tá phụ quên, hoặc gọi y tá cho biết tay chân ông láng giềng co giật khác thường.  Có hôm nghe tôi hỏi thăm, ông hé mắt chớp chớp nhìn, gật gật.  Mắt đen, tròng đen ẩn tí nâu sáng, nhưng tròng trắng cũng đen, nhờ nhờ xám.  Ông ráng mở miệng hé môi tạo một nụ cười tối, một nụ cười đen, nhưng vẫn là một nụ cười hiền lành thân thiện.

Một hôm, ông láng giềng “se” phòng tỉnh táo nói chuyện, và tôi được biết nhiều thêm về gốc gác quê hương tổ tiên ông, người nô lệ đến từ quốc gia Sénégal ở Tây Phi, ngang ngang vĩ tuyến với Haiti, cũng nguyên là thuộc địa thực dân Pháp.  Hầu hết người nô lệ tại mấy hải đảo Caribbean do Pháp đưa sang từ Sénégal.

Qua ông láng giềng, tôi tìm hiểu thêm và càng yêu thêm những người gốc nô lệ.  Chính ông khuyên muốn hiểu về người nô lệ da đen, nên tìm đọc những tác phẩm của Aimé Cesaire, và nhất là Léopold Sédar Senghor, vị Tổng thống đầu tiên của Sénégal, từng có chân trong Hàn lâm viện Pháp.*** Ông bảo: “Không riêng dân Sénégal, mà tất cả người da đen, đều chịu ơn Léopold Senghor, trong ý thức thúc đẩy các dân tộc trên thế giới sát cánh hợp quần nâng cao văn hóa chung của loài người, không phân biệt màu da và chủng tộc .”

Tôi tự hứa tìm hiểu thêm để viềt về nhân vật đặc biệt này.

Sáng Thứ Bảy văn phòng hành chánh không làm việc, nhưng các y tá vẫn luân phiên chăm sóc bệnh nhân như mọi ngày. Có ba phiên: ngày, chiều, và tối.

11 giờ đêm. Đổi phiên.

–  Tôi là Cardella.  Cardella Tuksahs.

Bà y tá phụ có nét Á Đông quen thuộc.  Tóc đen.  Da vàng.  Mũi tẹt.  Không mập nhưng hơi to ngang.  Không cao ráo như mấy người Haitians, còn thấp hơn tôi, mà to ngang gấp đôi.

–  Bà người Filipino?

Cardella đứng thẳng người, ngẩng đầu, hãnh diện thốt một tràng liên  tục:

–  No!  I was born here!  I’m a Native American!  This is my country!  This land is my land!

–  Ồ!  Cảm ơn đã nhận chúng tôi vào đất nước này.  Chúng tôi là người

di dân tỵ nạn – boat people, nhưng không phải từ tàu Mayflower …

Chồng tôi tỏ vẻ thân thiện:

–  Bà thuộc bộ lạc nào vậy?  Tôi chỉ biết ít nhiều về một số bộ lạc như

Cherokee, Chickasaw, Choctaw, Mohawk, Navajo, Creek, Seminole… Đặc biệt Cherokee với Đường Mòn Nước MắtThe Cherokee Trail of Tears – và bà Sacagawea, The Bird Woman bộ lạc Shoshone, The Snake People, tiểu bang Idaho

Bà Cardella chớp mắt, xúc động:

–  Phải, The Trail Where They Cried Nu na hi du na tlo hi lu I …Nunna dual Tsuny … Nhưng tôi thuộc bộ lạc Shinnecock, People of the Stony Shore – Dân Bờ Đá – bán đảo Long Island, New York.  Họ của tôi là Tuksahs tức là con thỏ rừng.  Chắc ông bà trước đi dạy học?  Coi cung cách nhà giáo …

Cardella giải thích Shinnecock theo tiếng da đỏ, có nghĩa là By the Level Ground – Vừa Ngang Mặt Đất. Khu tập trung Shinnecock Reservation trên đảo Long Island là một quốc gia tự trị được tiểu bang New York thừa nhận, quốc tịch Mỹ và chịu luật lệ Mỹ, nhưng có bảo tàng viện riêng do chính người Shinnecock quản trị.  Bộ lạc này chỉ trên  500 dân, nói tiếng Mohegan-Pequot.  Ngôn ngữ này gần như tuyệt diệt cả trăm năm nay, rất ít người còn dùng mặc dầu ai cũng muốn bảo tồn, nhưng sinh sống trong xã hội này, phải nói tiếng Anh, học hành thành đạt mới vươn lên được.

Được biết mới tháng trước đây, một thanh niên Shinnecock vừa sáng chế phần mềm ghi lại ngôn ngữ Pequot.  Anh tên Hanoi Horton Crew, tổ tiên gốc xưa nhất trong vùng còn biết dùng Mohegan-Peqout.

Tò mò được biết thêm người Shinnecock có vật tổ là chó sói – woks – không ở nhà lều teepee, tipi, wickiup hay nhà vuông nhà dài đắp bằng đất sét và đá, mà là nhà nấm tròn wigwams, sườn gỗ, vách và mái bằng vỏ cây bạch dương.  Họ dùng vỏ sò tím quý Quahog shell cắt kết thành đai lưng, gọi là wampums, là những giao ước ký kết quan trọng được gìn giữ.

Nhà nấm tròn wigwam

Đai lưng wampum

Sò tím Quahog

Cardella chỉ làm việc những đêm cuối tuần, từ 11 giờ đêm đến 7 giờ rưỡi sáng.  Ôn tồn, vồn vã.  Dịu dàng, thân thiện.  Nhanh nhẹn, vén khéo. Chu đáo, ân cần.  Hơi mặc cảm, vừa tự tôn lẫn tự ti.  Hãnh diện là người chính gốc đất Mỹ, thích tỏ ra có căn bản, luôn luôn đeo ống nghe và dùng máy đo huyết áp, bấm huyệt nghe mạch … trong khi mấy y tá phụ kia chỉ làm việc săn sóc thông thường, cũng vui vẻ dịu dàng nhưng với người nào cũng my sweetheart, my dear, honey, darling … Nghe hơi mệt tai.

Hai ngày cuối tuần, chồng tôi chỉ có hai lần mở miệng nói chuyện nhiều với hai nàng Haitians và bà da đỏ.  Sau đó chàng im lặng, đến nỗi nhiều người hỏi chẳng buồn trả lời và ai cũng nghĩ là chàng … không rành tiếng Anh!!!  Tôi báo cáo nhận xét đó, chàng khẽ khàng đọc:

I may be silent, but …

I’m thinking.

I may not talk, but

don’t mistake me for a wall!

(Silent, but…, Tsuboi Shigehi, thi sĩ Nhật)

Tôi trêu:

–  Ậy ầy ây!  Vậy là họ không biết câu ngạn ngữ của mình Rừng có mạch vách có tai! Nếu ai đó lầm tưởng mình là bức vách, thì họ không biết rắng vách này có rất nhiều tai, mà tai nào cũng đầy đủ khả năng nghe ngóng nhận xét để ghi lại …

Chàng không ghi lại, chỉ bảo thư ký lo phận sự.  Và tôi, vừa y tá phụ, vừa room mate kiêm room maid, vừa … thông ngôn, bất đắc dĩ, cố nhiên, và cũng vừa thư ký!  Tất cả phận sự của một care giver, nhưng chẳng được bất cứ Medicare Medicaid trả đồng nào!  Mình chủ trương giving love and sharing, và vui với chủ trương này.

*  Đọc Baobab http://www.gio-o.com/TranThiLaiHongBaobab.htm

** Đọc Tếu Chữ http://www.gio-o.com/TranThiLaiHongTeuChuVoDinh.htm

***  Đọc Khỏa Thân Đen http://www.gio-o.com/TranThiLaiHongKhoaThanDen.htm

Kỳ sau:  MONA

Dancing at the Louvre

Nữ họa sĩ Faith Ringgold gốc nô lệ, chuyên vẽ ghép quilt

University of California Press

Mona Lisa

Griffiti art, họa sĩ da đen  Jean-Michel Basquiat (1960-1988)

 

{jcomments on}

0 thoughts on “Manor/Mona/Mônà

  1. Bích Ngâu

    Mùa Thu. Vườn nhà cậu em kế tôi có khu rừng sau đang đổi màu. Vàng nhiều hơn lục, điểm những chòm lá phong đỏ rực chấp chới dưới làn gió nhẹ vờn nắng sớm, bứt từng chiếc thả xuống gốc cây đầy lá nâu khô. Mẹ tôi nhìn rừng lá đổi màu, đôi mắt già nâu đen không còn ánh tinh anh xưa, cũng loang loáng phản chiếu sắc thu màu lá ngoài trời. Bao nhiêu lá rừng, từng chiếc lại từng chiếc lặng lẽ buông mình. Mẹ tôi không nói gì, nhưng tôi biết bà đang âm ư ngâm nga mấy câu ca dao ưa thích : Đố ai quét sạch lá rừng/ Để ta khuyên gió, xin đừng rung cây …
    Cô Lai Hồng ui ! mỗi khi nuôi người bệnh em cũng hay nhìn cảnh sắc qua ô cửa kính và liên tưởng đủ thứ …trên đời .

    Reply
  2. Quốc Tuyên

    Mẹ tôi thích đi đó đây, và khi có ai hỏi sao hay đi, thì lại ngâm nga : Dạo chơi cho khắp lê viên/ Biết cây chi cao trăm trượng, biết hoa chi nở thường xuyên bốn mùa …Mẹ tôi yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ. Nhưng tình yêu người thì thật dũng mạnh. Cụ bảo cây cao trăm trượng là cây ý chí. Phải vững ý chí để vượt thoát khó khăn khổ nhục mà sống thanh thản an nhiên tự tại. Và hoa nở thường xuyên bốn mùa chính là hoa tình thương, một tình thương chân thật. Cho, không cần điều kiện. Không có tình thương chân thật nở bốn mùa, con người là đồ bỏ. Đồ bỏ! Chỉ hai chữ. Ngắn. Gọn.
    Lời mẹ dạy hay quá cô ơi !

    Reply
    1. nguyentiet

      Em cũng có cảm nhận như chị Tuyên về lời mẹ dạy, hay quá .Đọc bài của cô Lai Hồng em biết thêm nhiều điều thật hay.Cô Lai Hông thật uyên thâm.Cảm ơn cô.

      Reply
      1. TRANKIMLOAN

        Mình cũng có cảm nhận như Quốc Tuyên nguyễntiết vậy!Cô Lai Hồng thật uyên thâm…xin bái phục!

        Reply
  3. Dạ Lan

    Chăm sóc người bệnh mà cô vẫn cảm nhận tình hình để phóng
    bút thật là người phụ nữ can đảm , giàu năng lượng .
    Rất ngưỡng mộ .

    Reply
  4. Thục Nguyên

    Em chào cô Lai Hồng,
    Mới nói về Manor thôi, cô đã cung cấp cho độc giả rất nhiều thông tin thú vị…
    Bên cạnh đó, còn được thưởng lãm những bức họa tuyệt vời của những họa sĩ siêu hiện thực, ấn tượng như: Faith Ringgold, Paul Gauguin (1848-1903), Ellis Wilson, Jean-Michel Basquiat…
    Điều lắng lại trong em, là thân phận của những người cao tuổi đang sống những ngày còn lại trong những “HCR Manor Care Center” ở khắp nơi…

    Cảm ơn cô nhiều.

    Chúc cô sức khỏe.

    Reply
  5. Lai Hồng

    Hello hiền muội .
    Mới ngoài vườn vô và làm cơm ăn trưa: cơm gạo lức ăn với tôm rim mặn và canh cải. Làm vườn cũng mệt ứ nhưng rất thú vị.
    Vừa đọc mails và đọc HươngXưa.
    Cảm ơn đã đăng bài. Sẽ là một loạt ba bài liền nhau đó nhé. Tuần sau đăng tiếp nếu muốn.
    Có đọc mấy lời phê phán của độc giả và rất cảm kích đến nỗi
    phát khóc vì hầu hết đều thấm thía đoạn tui nhắc đến Mẹ.
    Mẫu số chung của loài người là Mẹ. Cảm ơn chung quý độc
    giả HươngXưa.
    Có mấy người nhận xét là tui dùng nhiều tiếng Anh. Thật ra mấy từ đó đơn giản chứ không rắc rối. Vậy tui có nên ghi chú thích bên dưới không ??? Chắc để bài sau nhé. Hay là tui làm cái chú thích rồi HX cho insert vào phía dưới bài ????? LH

    Reply
  6. Thu Thủy

    Săn sóc người yêu nhớ mẹ hiền , trong lòng cô dau đáu hai thứ tình thiêng liêng nhất của trái tim phụ nữ .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.