Chàng Củ Lang.

Tác giả: Thái Thanh

Gọi củ Khoai thì nó dễ thương hơn nhưng Bé Tồ là dân Bình định. Dân xứ Nẫu thường gọi củ Khoai là củ Lang nên kể lại cũng đúng theo cách gọi của dân Nẫu quê nó vậy.

Má bé Tồ kể lại rằng, ngày xưa khi má có mang bé Tồ thì ba má Tồ bắt đầu làm ăn được, nên ba đã mua thuốc “Bảo mẫu dưỡng thai” của tiệm thuốc Hồng Nam đường Võ Tánh về cho má uống. Má ăn rất ngon, ngủ rất khỏe, xinh đẹp hồng hào vui vẻ cho đến ngày chuyển bụng, má sinh ra bé Tồ một cách dễ dàng. Bé Tồ da trong bóng nặng đến 4kg, to bự khác với anh chị của Tồ chỉ nặng có 2,5kg

Bé Tồ lớn nhanh như thổi, không hề kén ăn, ngủ rất ngon giấc không làm cho má phải bận lòng… Má Tồ trắng trẻo cao ráo xinh đẹp nhất nhì trong xóm nhưng Tồ thì không giống má mà được xem là giống ba nhất là cái nước da đen bóng. Ba Tồ rất đẹp trai nhưng con gái mà giống ba thì bị xem là xấu.

Tồ cục mịch, quê mùa nhất nhà. Từ nhỏ nó đã biết được điều này từ các bà bạn của má đến chơi. Ai cũng tấm tắc khen chị Tồ rất đẹp rất sang và chê Tồ cũng không tiếc lời. Lâu riết rồi bé Tồ cũng thành quen, lâu riết rồi bé Tồ đâm sợ không dám chường cái mặt lên nhà trên khi có khách đến chơi và Tồ cũng mất hẵn tự tin ở bản thân mình, nó trở nên ít nói câm lặng.

Hồi bé, chị nó thương em nên đi chơi hay dắt nó theo nhưng nó thụ động không biết nói chuyện, không hòa mình vào cuộc với mọi người. Đã vậy Tồ lại rất nhát nên học chậm hơn mọi người… Cùng đi tắm biển, đi xe đạp, múa hát vv… Chị nó đi xe đạp bon bon, bơi lội vèo vèo, lên sân khấu đứng trước đám đông mà vẫn tự tin ca múa hay vô cùng. Còn nó thì ngược lại, làm cái gì cũng dở òm hết. Hai chị em nhà nó, chị thì như Thiên Nga và em thì đúng là vịt con xấu xí.

Bé Tồ buồn lắm, buồn từ khi nó còn bé xíu suốt ngày nó quanh quẩn bên bà nội của nó. Bà nó bị liệt ngồi một chỗ và mắt đã bị mù nên nó thường múc nước cho bà rửa tay, đút cơm cho bà ăn quanh quẩn chỉ mỗi bên bà. Nó tưởng nội nó mù sẽ không thấy nó khóc, nhưng không nội cảm nhận và biết rõ lòng nó.

-Sao con lại buồn, con là đứa con có hiếu, má đã mang con suốt chín tháng mười ngày cho đến lúc sinh con, nuôi con đều rất nhẹ nhàng. Đó chính là do con đã biết có hiếu từ trong bụng má nên con đã không làm khổ ba má con gì hết. Con giúp nội, phụ công việc nhà cho ba má là con giỏi con có ích rồi con nhớ không. Nôi sẽ luôn ở bên con, Nội mà có chết nội sẽ phù hộ cho con.

Năm Tồ chỉ mới học lớp ba bà nội qua đời, nhưng nó nhớ như in lời nội nói. Nó bớt buồn và sống bằng trái tim yêu thương dành cho gia đình, người nó yêu thương nhất là ba nó và má nó. Nó biết nó không xinh đẹp, thông minh làm niềm tự hào cho ba má nên nó siêng năng làm hết mọi việc trong nhà. Từ việc ẳm em cho đến quét dọn nấu nướng và sau năm 1975 nó còn giúp má nó nuôi heo, tắm heo , buôn bán mỗi khi ba má vắng nhà.

Và như thế, ngày tháng trôi đi… Tồ lớn dần lên phổng phao thành một cô thiếu nữ và cái tự ty cũng lớn dần lên ẩn sâu trong lòng nó, nên hễ có chàng nào mà để mắt tới nó thì nó nghĩ là chàng ấy có lẽ thích chị nó, thích bạn nó chứ không phải nó…

Tồ thích đọc sách và rất yêu văn thơ, năm Tồ học đệ tứ của trường Nữ, Tồ thường ghé thư viện sát trường Nữ để đọc sách. Thời ấy là thời chiến tranh, nên học sinh ở những trường quê chạy loạn chuyển trường về Quy nhơn để tránh bom đạn, trong đó có trường Tăng bạt Hổ ở Bồng sơn. Trường Nữ và trường Tăng bạt Hổ cách nhau chỉ một thư viện chung của tỉnh lỵ. Hình như trường này bị kỳ thị, nữ sinh các trường ở thị xã Quy nhơn dường như chẳng ai để ý đến các chàng trai trong trường, nhóm bạn của Tồ vẫn thường gọi chế giễu trường Tăng bạt Hổ là trường “Trâu bò heo”.

Tồ không quan tâm nên cũng chẳng góp lời chê bai gì. Nhưng những ngày ghé thư viện cùng bạn,Tồ hay bắt gặp đôi mắt của người ấy nhìn mình. Lạ một điều các bạn của Tồ đều rất xinh nhưng Tồ cứ cảm giác như người ấy chú ý mình. Cho đến một ngày, chàng đến và đặt trên trang sách của Tồ một gói lá chuối .Mở ra thì là một củ khoai còn nóng và một dòng chữ học trò ” gởi T”. Ồ ! có lẽ bảng tên trên khuy hiệu áo của Tồ đã giúp cho chàng ghi đúng chóc tên Tồ. Hôm ấy Tồ nóng ran cả mặt vì bạn bè chọc ghẹo, vì mình có một anh chàng học trường “Trâu bò heo” để ý…

Từ ấy, cứ mỗi ngày Tồ đều nhận quà là cái củ lang, nó mắc cỡ lắm nhưng trả lại không được và chàng thì sao cũng chẳng nói gì hơn. Bạn bè nó đọc trên phù hiệu của chàng biết được chàng học lớp 12 tên T, nhưng chàng đã chết với tên mà bạn bè Tồ đặt cho là ” chàng củ lang” mất rồi… Chưa biết thế nào là ” tình yêu” nhưng Tồ đã cảm động vì nó có được người quan tâm đến nó.

Tình học trò thoảng qua rồi mất hút khi đất nước trong thời ly loạn. Năm 1975 mỗi người một phương không còn thấy nhau nữa mỗi ngày. Lúc ấy Tồ chỉ mới 15 tuổi và đang học dở dang lớp 9, khi Tồ và người ấy chưa hề có một lần riêng lẻ hẹn hò.

Hai mươi lăm năm sau… Cô bé Tồ ngày xưa đã là một chị phụ nữ tròn 40 tuổi, đã làm mẹ của hai đứa con trưởng thành, đã dở dang duyên nợ đời mình. Có lẽ là trời thương nên cái người hậu đậu như chị đã nuôi con được ăn học nên người. Khi cuộc sống mỗi ngày mỗi khác nhưng chị vẫn như xưa vẫn cù lần, chậm chân trước mọi đổi thay của thời cuộc.

Một ngày kia, chị nhận được một tấm thiệp cưới nhưng chị Khang bạn chị chỉ mời mỗi mình chị trong số bạn bè cùng lớp.Thời ấy QN chưa có tắc xi nhưng ai cũng đi xe máy chỉ riêng chị bao năm căm củi bán buôn nuôi con nào có dám tập đi xe máy, chị vẫn cút kít chiếc xe đạp mỗi ngày. Thế là chị sẽ đi dự đám cưới con của bạn mình một mình bằng xe đạp.

Tiệc cưới được tổ chức ở nhà hàng Hoàng hậu đường lên mộ của thi sĩ Hàn mặc Tử. Hôm ấy chị đạp xe lên đến cổng vào, lần đầu tiên chị lên đến đây, xa quá thật là mệt. Chị định đạp xe lên nhưng người gác cổng gọi lại :
– Xe đạp không đạp qua được cái dốc đó đâu chị ơi .
– Vậy xe tôi phải để lại đây nhen
– Ừ .
Chị loay hoay tìm chỗ khóa xe, chỗ này không có gốc cây, thôi thì khóa tạm vào cái chân của ghế đá vậy.
– Ủa chị kia, chị làm cái gì dẫy
-Tui khóa xe
-Trời ơi là trời, ai mà thèm lấy cái xe đạp của chị chứ chị để đó đi.
– Anh coi dùm xe tui nghen, coi chừng mất.
– Ui ! cái bà này chắc tui ” khùng” đi mất.

Chị bắt đầu leo lần lên dốc để đến buổi tiệc. Chợt phía sau có một người đàn ông đi xe máy trờ đến
-Cô dự đám cưới con anh Khang phải không ?
-Sao anh biết.
-Thì ở đây chỉ có một cái đám cưới mà.
Hồi nãy tôi nghe cô nói chiện dứ anh gác cổng đó. Cô lên xe đi, tui cũng dự đám đó nè, tui chở cô lên chớ cô đi bộ không nỗi đâu.
Ôi! mừng quá đi mất. Chị tình thiệt trèo lên liền, ngồi ở sau xe. Đến buổi tiệc còn quá sớm, anh ta và chị cùng ngồi chung một bàn. Như quen biết tự lúc nào, cả hai vô tư cùng nói chuyện rôm rả… Lúc này mặt đối mặt, chị chợt thấy gương mặt này sao quen quá đỗi mà chẳng nhớ ra là mình đã gặp tự lúc nào.

Tan tiệc cưới, anh lại tình nguyện chở chị qua khỏi dốc Mộng Cầm ra cổng rồi chia tay nhau. Chị đạp xe đạp về nhà lòng cảm nhận một niềm vui. Bây giờ chị đã là một phụ nữ trung niên, cuộc đời làm mẹ đã giúp chị bớt đi cái tính e dè nhút nhát của thời con gái xa xôi mất rồi. Chị đã là người lớn, chị không quan tâm vì người đó là người khác phái với chị bởi chị đã chẳng chú ý đến bản thân mình tự rất lâu rồi.

Ba ngày sau tiệc cưới, chị Khang bạn của chị đến gặp chị và gởi cho chị một lá thư của người chở chị đêm đám cưới .
” Gởi T !
Có lẽ em chẳng nhận ra tôi nhưng tôi đã nhận ra em ngay từ lúc đầu. Bao nhiêu năm qua rồi, giữa cuộc đời bôn ba mọi thứ tôi vẫn luôn nhớ đến em. Cô nữ sinh trong thư viện năm nào, một tình yêu học trò trong sáng diệu kỳ… Dù cuộc sống của chúng ta bây giờ đang có những buộc ràng không thể quay lại như cũ. Tôi vẫn mong em cho tôi được gặp lại em, được nghe em nói. Mong em vô vàn. Mong em..

Đọc hết lá thư, chị ngẩn ngơ một hồi rồi miệng lẩm bẩm một mình, chỉ một mình vừa đủ chị nghe: “Ôi! anh Củ lang của ngày xưa…” Nói thế nhưng đêm đó, chỉ mỗi một mình chị nằm trên chiếc võng đong đưa, ngước nhìn lên bầu trời đen thẩm muôn sao. Chị nhớ đến câu vè văng vẳng trong trí nhớ :

Cúc mọc bờ giếng cheo leo
Đố ai dám trèo hái Cúc mà chơi?
Anh đến tìm hoa thì hoa kia đã nở
Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông .
Đến em,em đã lấy chồng ….”

Anh Củ lang của ngày xưa và Anh Củ lang của bây giờ. Cũng tại nơi này sau mấy mươi năm, có phải bây giờ và như xưa đều chỉ như nhau… Kinh nghiệm từ cuộc đời trắc trở từ cái xã hội nhiễu nhương bây giờ như nhắc nhở chị. Ôi! có gì để làm bằng chứng rằng đây là tình cảm thật kia chứ, chị muốn tin quá nhưng sự dè dặt đang níu giữ tâm mình .Chị đã chết đuối niềm tin tự lúc nào.

Cứ như thế suốt cả đêm dài trăn trở đến gần sáng chị ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ chị nghe tiếng chuông chùa từng nhịp, từng nhịp xa vắng vọng về…

Khoảnh khắc – chỉ là một khoảnh khắc – một phút chao động trong đời. Ngày mai thức dậy, bắt đầu những lo toan bộn bề trong đời sống, rồi chị sẽ quên như đã quên tất cả những chuyện buồn trong đời  mình…
       Thái Thanh

 

3 thoughts on “Chàng Củ Lang.

Leave a Reply

Your email address will not be published.