Anh Đưa Em Đi Đến Hết Cuộc Đời

Tác giả: Cẩm Tú Cầu

Thường ngày ông lo việc đút cơm cho bà, vì chỉ có ông mới đút cho bà ăn hai chén cơm lưng lưng. Bà bị bịnh đã hai mươi lăm năm, ông lo chăm sóc bà rất tận tình, chu đáo, ai cũng ngưởng mộ lòng chung thuỷ và thương vợ của ông, mỗi lần đút cơm cho bà ông ngọt ngào dỗ dành: “Em ráng ăn cho ngoan nhé” hoặc “em giỏi quá, cố gắng lên, em ráng ăn thêm một muỗng nữa, một muỗng nữa thôi…”. Cứ thế, ông dỗ dành bà ăn trong niềm vui phơi phới của lòng bà. Những lời nói ngọt ngào đầy thương yêu của ông, bao giờ cũng làm nét mặt bà rạng rỡ, đôi mắt bà nhìn ông đầy ắp niềm tin cậy và rạng ngời. Tuy bà không nói được nhiều, bà phát âm rất khó khăn, nhưng bà hiểu được và nghe được, những lúc ông đi vắng, bà ở nhà, tuy có con gái ở gần đến chăm sóc, nhưng bà buồn lắm, bà thường đưa cặp mắt mong mỏi nhìn ra phía cửa, đợi chờ như ngóng trông một hình bóng thân yêu duy nhất trong trái tim bà.

Từ ngày bà bị bịnh, hai mươi lăm năm qua, chỉ có ông là chăm sóc vừa ý bà, ông nâng đỡ nhẹ nhàng, ông ân cần bón cháo, bón cơm cho bà, làm vệ sinh thân thể cũng chỉ có ông là bà vừa ý, mãn nguyện nhất. cũng may gần đây bà đã dần phục hồi, mỗi chiều ngồi trước nhà ngắm người qua lại, lòng vui phơi phới
Ông nhớ lại cách đây hai mươi lăm năm, ngày ấy ông mới bốn lăm tuổi, còn bà mới bốn hai, hai người khoẻ mạnh và đầy sức sống, họ là lao động chính trong gia đình. Thường ngày, những buổi sáng sớm ông chở bà ra chợ, bà có một sạp bán áo quần trẻ con, mỗi sáng ông ra dọn hàng cho bà rồi hai vợ chồng ăn sáng ở chợ luôn, rồi bà mua thức ăn ông đem về cho con gái thứ tư đi học về nấu. Từ ngày ông đi tù cải tạo về, vì ông là sĩ quan cấp uý, thuộc binh chủng Công Binh nên chỉ học tập một năm. May mắn cho ông, khi tù cải tạo trở về, ông được một người bạn làm chủ một xưởng mộc, đã giúp ông có một công việc làm để nuôi mình và nuôi con. Ông đã làm ở nơi ấy cho đến tận bây giờ, ban đầu ông rất vụng về, nhưng nhờ người bạn và anh em trong xưởng chỉ vẽ, thêm vào đó sự cố gắng học hỏi cầu tiến của ông, mà bây giờ ông đã là một thợ giỏi, rất khéo tay. Hai vợ chồng cùng làm lụng nuôi bảy đứa con, bốn trai ba gái, cháu gái lớn nhất đã có gia đình, còn cháu trai nhỏ nhất mới tám tuổi. Ngày ấy ông bà rất nghèo, rất thiếu thốn, nhưng mà rất hạnh phúc. Ông nhớ nhất là những bữa cơm, vợ chồng con cái quay quần bên nhau, cơm chẳng có gì, còn độn thêm bắp đỏ nồi, bữa ăn chỉ có dưa cải chấm nước mắm, canh chua nấu bằng cá nục đã hấp rồi, vậy mà vợ chồng con cái ăn rất ngon lành, bữa ăn nào cũng vui vẻ, nhất là bữa cơm chiều có bà, vì buổi trưa bà được ông bới cơm mang ra chợ cho bà. Ông nhớ cái thời bao cấp thiếu thốn trầm trọng, nhiều lúc bà đã dè xẻn nhịn cho chồng, cho con, bà thoái thác là đã no, ông như đọc hết tâm cang của bà, đôi lúc ông nhìn bà bằng đôi mắt chan chứa yêu thương đầy cảm mến.

Buổi sáng hôm ấy, ông chở bà ra chợ, trên đường đi hai người nói chuyện rộn rã, bỗng bà than chóng mặt, rồi bà bảo ông đưa bà về. Vừa đến nhà là bà nằm mê mệt, ông và các con rối rít đưa bà đi bác sĩ, nhưng bà không chịu, bà nói “không sao, chỉ mệt và chóng mặt, nằm chút sẽ khỏi”. Thế rồi không ngờ qua ngày hôm sau, một nửa người bên trái của bà không còn cử động được nữa, thuốc than, châm cứu, Đông Tây y… tất cả đều vô vọng, bệnh bà chẳng thuyên giảm mà còn nặng thêm, lần lần bà không còn nói được nữa, bà chỉ ú ớ, người đau lòng nhất là ông, ông thấy mình đơn độc, như con chim bị gãy cánh, đang chới với giữa cuộc đời đầy khó khăn gian khổ. Từ đây, ông lo quán xuyến việc gia đình, con gái đầu theo chồng, hai vợ chồng là giáo viên chỉ đủ sống, hai đứa con trai tiếp theo, ông cho một đứa học nghề làm cửa sắt, một đứa theo ông làm thợ mộc, cái hàng quần áo giao cho con gái thứ tư, tuy cháu mới mười bảy tuổi, nhưng vì gia đình khó khăn, mẹ bịnh nên cháu đành bỏ học ra đời kiếm sống, phụ giúp cha, nuôi mẹ, nuôi em. Chỉ còn ba đứa dưới mười lăm tuổi mới được cắp sách đến trường. Ông khẳng định một điều là đứa nào học giỏi thì cho đi học, đứa nào học lơ là thì cho đi học nghề. Cứ đà đó mấy cha con lần lượt, nương tựa nhau mà sống, mà dìu dắt nhau qua hai mươi lăm năm, nhiều lúc nghĩ lại ông cũng giật mình, không ngờ cha con ông đã vượt qua hai mươi lắm năm dài đằng đẳng. Ngoài giờ đi làm nuôi con, thì giờ còn lại ông lo chăm sóc cho bà. Bà bây giờ như một đứa bé, chỉ cười, nét mặt lơ ngơ, nhìn thấy thật tội nghiệp. Ngần ấy năm dài, các chị em ông thường khuyên ông đi bước nữa, kiếm người lo cho ông, lo cho bà, đỡ đần gánh nặng cho ông, chia sẻ những buồn vui cùng ông trong cuộc sống, vì bây giờ, ông có cưới thêm vợ trước mắt bà, bà cũng không biết gì. Nhưng ông không đồng ý, còn giận dữ, từ đó về sau không còn ai dám khuyên ông nửa. Căn nhà lụp xụp mấy mươi năm qua, giờ đây xuống cấp trầm trọng, ông cũng chẳng biết đào đâu ra tiền để sửa chữa, ba đứa nhỏ sau, hai trai một gái giờ đã lớn, hai cháu đều có gia đình, còn cháu trai út rất đam mê học hành, học tại tỉnh nhà hết lớp mười hai, cháu tự vào Sài Gòn, vừa kiếm việc làm, vừa học đại học, cháu xin được học bỗng đi học ở nước ngoài. Ở nước ngoài mấy năm nhưng cháu tự lo cho mình và còn kiếm việc làm thêm, dành dụm gửi tiền về cho ba nuôi mẹ, ngoài ra còn sửa nhà cửa khang trang, điều mà ông cứ nghĩ chỉ là giấc mơ, đôi khi ông không dám tin là sự thật trước mắt mình. Nghĩ đến đứa trai út ông thấy một nỗi ray rứt mà ông âm thầm chịu đựng, ông chẳng biết chia sẻ cùng ai, chỉ có bà, mà bây giờ bà đã bịnh hoạn, thôi thì ông dành lặng câm, chôn chặt xuống đáy lòng, một ngày nào đó ông mang theo…Ngày đó là năm 1983, thời bao cấp nên nhiều người rất khổ sở, thiếu thốn trăm bề, ông bà bị vỡ kế hoạch, bà mang thai cậu út, ông khuyên bà nên bỏ cái thai đi, nhưng bà không chịu, bà nói: “con nào cũng là con, sao đứa nuôi nấng yêu thương, còn đứa đem đi giết, nó vô tội, nó có biết gì đâu”, khi sinh cậu út ra, nhà càng thiếu hụt trầm trọng, ông cứ dằn vặt bà mãi, còn bà thì hương cậu út nhất, bà thường nói: “nó út ét, chịu nhiều thiếu thốn và khổ hơn các anh chị”, điều này làm ông hối hận day dứt chẳng bao giờ nguôi ngoai. Đôi lúc ông nhìn bà mà tim mình nhói đau, hình ảnh cô gái mỹ miều ngày xưa đâu rồi? mái tóc dài suông mượt, hình dáng dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, đã làm trái tim ông mê đắm, ông tiếc nuối quá khứ, ông mơ về tương lai, ông nghĩ nhiều về những năm tháng qua mà bà phải chịu đựng…Nhiều khi ra đường, ông nhìn thấy ai có dáng giống bà ngày xưa, tim ông bỗng đập liên hồi, nghĩ đến bà thì ông lại càng thương bà, càng mơ ước bà lành bịnh.

Điều ước duy nhất của ông giờ đây là có một phép màu nào đó đưa bà trở lại như xưa, để bà cùng ông phiêu du đây đó cho hết đoạn đường còn lại của cuộc đời…

Leave a Reply

Your email address will not be published.