Chuyện Nước Lọc

Tác giả: Vũ Đăng Khuê

Cũng dễ là có hơn 15 năm nay trở lại, chuyện nước lọc đóng chai, đóng bình mới bắt đầu xâm lăng vào Nhật Bản. Đi đâu cũng thấy thiên hạ thủ sẵn một bình nước….. lọc, đủ kiểu, đủ tên, đủ dung lượng từ 500ml đến 1 lít rồi 2 lít, được làm từ Nhật, từ Pháp và từ những tên nghe lạ hoắc. Hoặc ngay trong nhà cũng có một máy lọc nước, mấy ông “bán nước” khôn thấy mẹ, tiền cho mướn máy thì “miễn phí”, nhưng tiền nước thì tính thẳng cẳng, lại còn có người định kỳ đến tận nhà thay nước để nước lúc nào cũng “được” tinh khiết, và có cảm tưởng như mình lại được uống một loại nước lọc an toàn nhất… trần gian.
Chuyện nước non này thì bao la, mênh mông lắm nên chỉ xin phép nói những điều mà mình chứng kiến ngay tại Nhật.

Tiền thuê máy… thì miễn phí… chỉ tốn tiền chuyên chở và tiền nước
Theo suy nghĩ cá nhân tôi thì lại có điều hơi ngược đời… một chút. Nước nào mà uống chả được, nhất là nước uống ở Nhật, trừ nước “ở các quốc gia chưa phát triển” chưa được đun sôi, nước kỹ nghệ, nước thải và nước…. biển. Tôi có cảm tưởng là uống nước lọc đóng chai vào lúc trời hơi nóng tuy chưa được ướp lạnh hay ngay như vừa được ướp lạnh cũng chả thấy khác gì với nước…. từ trong vòi mà tiếng Nhật gọi là 蛇口 (jaguchi) chảy ra.

Nhớ lúc mới sang khoảng năm 1972, vào tiệm ăn bình dân xin một ly nước: Hiya kudasai (Cho tôi ly nước lạnh), ông chủ tiệm hay nhân viên của quán “vô tư” lấy cái ly gần đó, kề vào cái vòi rồi đưa ra cho khách. Đầu tiên thì thấy hơi kỳ kỳ, nhưng xung quanh ai cũng thế riết rồi cũng quen, mà có điều lạ là uống vô vẫn thấy ngon không thể tả. Bây giờ thì văn minh hơn, họ cho nước vào một cái bình có vài cục đá, kế đó rót ra hoặc cho ly vào một cái máy rồi ấn và nước-đá sẽ tuôn ra, cứ thế phe ta nốc ừng ực và cũng chẳng ai đế ý nước trong bình là nước máy hay lấy từ “suối nguồn cao cả”. Theo những thông tin từ Cục cung cấp nước Nhật bản cho biết: Nhật có nhiều hồ chứa nước tích tụ từ nước nguồn, nước mưa trên toàn cả nước…. những loại nước này được cho chảy qua vài chục cái máy gì đó, rồi phân tích đo độ cao, độ thấp của chất này, chất nọ và cuối cùng trở thành nước “thanh khiết”, sẽ chảy vào tận mọi nhà qua các ống dẫn nước, uống được ngay mà không cần phải đun sôi gì ráo, bảo đảm… là an toàn. So sánh với thời xưa một chút thì không khí trong lành hơi giảm vì công nghệ càng ngày càng phát triển, sự độc hại sẽ tăng tiệm tiến, nhưng với kỹ thuật tân tiến ngày nay thì nước “trong lành” sẽ vẫn là…. “trong lành”. Xin kể tiếp từ chuyện ngay trong nhà mình… chứ chả đâu xa cả.
Từ khi nước “trên vùng cao xuất hiện” được các siêu thị khuyên dùng… thì tôi là thằng… lãnh đạn đầu tiên. Cứ 1 ngày hay 2 ngày là phải gian khổ “đoạn đường chiến binh” xách bình (hôm thì bình 4 lít, hôm thì 2 bình 8 lít) ra super market gần nhà lấy nước mới đã được “lọc” kỹ càng, “nếu không thì hại cho sức khỏe” mà mình cũng không biết là “thế nào thì hại cho sức khỏe”. Thú thật là cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ nghe nói có người Nhật nào bị trúng …. độc vì uống nước đã lọc. Tôi cố cãi, trưng đủ bằng chứng nhưng xem ra vô ích vì quả là “miệng nhà quan…. có gang có thép” với loại… lý luận trên trời dưới đất: “có bà làm cùng hãng nói độc lắm”“trên mạng thiếu gì tin nước bị nhiễm độc”, và cuối cùng tôi đành phải tuân theo cái qui định bất thành văn cho xong chuyện. Nước từ vòi chỉ dùng để tắm, để rửa…. còn nước uống thì đôi khi là Uroncha (trà thanh long giá cũng chẳng khác bao nhiêu) và nước lọc đóng chai, mua, hay lấy từ tiệm. Và công nhận các cô các cậu nhà tôi uống nước kinh khiếp, nhất là vào mùa này, nóng sao mà …. nóng thế, vừa xong bình này lại “bố, hôm nay …. chưa lấy nước”, đó là chưa kể trên đường đi làm hay đi học, cô cậu tiện thể bấm thêm mấy chai từ trong máy bán nước tự động bày đầy phố xá! Cứ mỗi thứ năm là đổ rác chai mệt nghỉ.
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai? Có bạn nào…. giống tôi không? Linh tinh đã đủ, thôi để dành cho ông Lê Thiệp luận về chuyện nước đóng chai nhưng ở…. Mỹ nữa chứ.
Vũ Đăng Khuê
Chuyện nước.
Thiên hạ gọi người Mỹ là coke sucker, là dân tu coke. Điều này có thể sắp phải đổi lại vì đi đâu bây giờ mỗi ông mỗi bà Mỹ đều xách kè kè một chai nước lạnh.
Không phải chỉ những người chạy bộ huỳnh huỵch ngoài đường, những vị cong lưng đạp xe đạp. Họ ra mồ hôi như tắm thì cần nước là chuyện hữu lý, nhưng nếu quan sát kỹ hơn thì những người đi đường ở Nữu Ước, ở Hoa Thịnh Đốn hay cả dân đi cờ bịch ở Las Vegas, ở Atlantic City cũng thủ theo chai nước lạnh. Các hãng chế nước ngọt như Coca Cola, Pepsi, Gatorade… thấy bị cạnh tranh kịch liệt và nay họ đang tìm cách xông vào thị trường bán nước.
Hãng CocaCola chưa tung ra quảng cáo nhưng Gatorade thì nhất định đánh ngay và đánh lớn. Hãng quảng cáo rằng nước lạnh họ bán ra là loại “fitness water”. Bạn ta muốn hiểu chữ fitness này ra sao thì hiểu. Là nước đặc biệt đóng chai cho các thể tháo gia. Là nước uống vào sẽ xuống cân, sẽ giúp có một cơ thể khỏe mạnh, đẹp đẽ. Là nước uống vào khiến dai sức, không mệt.
Hiểu cách nào đi nữa thì vẫn đúng theo ý muốn của hãng Gatorade.
Cái sản phẩm cố hữu của hãng này là thứ nước ngọt có vị hơi mằn mặn, đủ hương vị đủ màu khác nhau và được các tay tổ như Michael Jordan uống ừng ực trên ti vi, cười toe toét trên báo với chữ Gatorade bên cạnh.
Tất cả những hình ảnh đó đều cốt tạo ra ấn tượng uống vào sẽ như Michael Jordan – like Mike. Và nay là fitness water, cũng không ngoài mục tiêu tạo ảo tưởng uống vào sẽ mạnh khỏe ra.
Thị trường nước lạnh đóng chai đang lớn mạnh. Cứ bước vào một tiệm 7-Eleven thì thấy ngay. Diện tích dành cho những chai nước lạnh lớn và chiếm chỗ đáng chú ý nhất, vừa tầm tay nhất trong những tủ lạnh bày đủ các thứ nước uống khác. Dễ hiểu vì nước lạnh bán chạy và lời nhiều.
Cái dịch uống nước lạnh đóng chai có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của người Mỹ. Họ bị oanh tạc liên tu bất tận về những tin tức nghe sởn tóc gáy. Nay thì vùng này nước uống bị nhiễm hóa chất từ phân bón dùng để tưới những thảm cỏ xanh rì. Mai thì thuốc sát trùng thấm vào đất khiến uống nước có thể bị xây xẩm mặt mày. Những con bò – đúng ra cả trăm ngàn con bò ở Pennsylvania phóng uế, nước mưa dẫn chất phế thải của bò chảy xuống tận Virginia, cách đó hơn 400 cây số, khiến nước có nhiều chất urê có hại cho thận.
Nước từ cái vòi trong nhà nếu tinh ý sẽ ngửi thấy mùi thuốc sát trùng, mùi clorine. Thế là không được, là hỏng, là nguy to.
Những bệnh tật được nói tới đều là những thứ nan y như cancer, như hư thận, sạn thận, như chai gan, hô hấp không được. Nghe mà rùng mình.
Nếu không tin bạn cứ lật báo hàng ngày hoặc nếu lười đọc thì khi lái xe chịu khó đừng nghe Khánh Ly, Khánh Hà nữa mà nghe các đài phát thanh tin tức, talk show. Nghe đọc xong bảo đảm sẽ ra mua cả thùng nước lạnh về trữ ở nhà.
***
Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê
Từ ngày tị nạn ở Mỹ đã hơn một phần tư thế kỷ, không có dịp nào trông thấy con chim Cuốc. Con Cuốc đôi khi được ví von như con chim yêu nước vì đồng âm với Quốc và tiếng kêu cuốc cuốc nghe sầu thảm vào những đêm hè. Có cả cái giai thoại con chim Cuốc kêu mãi đến thổ huyết mà chết. Không có dịp thấy con chim đen lủi nhanh như chớp vào bụi cây bụi cỏ nữa nhưng cái nóng nung người thì đã lãnh đủ nhiều lần. Mùa hè năm nay vào những ngày tháng bảy tháng tám mở radio nghe tới nghe lui toàn những báo động đỏ về nóng, về nhiệt độ cao, về ozone… Nhiệt độ trên 90 và không có gió, ẩm nên có cảm tưởng trên 100 độ F.
————————-
***
Thiên hạ uống nước đóng chai thay Coke, thay Pepsi càng ngày càng nhiều vì những lý do khác nhau. Người thì sợ mập vì đường, vì những chất bảo dưỡng trong nước ngọt. Kẻ thì bị những tin tức y khoa dồn dập bơm vào đầu những sợ hãi về nước uống từ vòi trong nhà bị ô nhiễm, có những hóa chất có thể gây bệnh tật. Hoặc có thể chỉ vì thời thượng, a dua theo đám đông. Cách nào cũng không thoát được những ông bà chuyên viên về thị trường. Luật sơ đẳng của kinh tế học là luật cung cầu. Có cầu thì có cung. Chúng ta vài năm trở lại đây bắt đầu thấy nước đóng chai mỗi ngày một trở thành quen thuộc chứ không phải như ngày xưa, phải sang trọng lắm mới gọi một chai Evian hoặc Perrier.
Nhớ Saigon khoảng 59-60? Nhớ cảnh bà con ta sắp thùng thiếc cả dãy dài ở mấy vòi nước công cộng chờ hứng cho được một thùng nước?
Lúc đó Saigon đã có trò bán nước, hình như năm cắc một thùng nước 20 lít, một đôi một đồng. Những tranh hí họa vẽ cảnh đi mua nước, đi sắp hàng hứng nước đầy rẫy trên báo hồi đó. Miền Tây Việt Nam có nhiều vùng đến mùa lũ là bà con lại phải mua nước ngọt từ những chiếc ghe bầu. Nước lũ, nước phèn, nước lợ làm sao nấu?
Chuyện ở Việt Nam là chuyện sinh tồn, chuyện sống chết nhưng ở Mỹ là tạo nhu cầu để phục vụ. Hồi lếch thếch mới từ Việt Nam lết tới xứ này, ông bà sì-pông-so bảo có khát thì cứ uống nước ở cái rôbi-nê chỗ rửa bát. Nước ở vòi rất mát, rất vệ sinh. Để biểu diễn ông bà bảo trợ cầm cái ly hứng độ nửa ly nước lạnh ngửa cổ tu cái ực ngon lành. Mỹ nó uống thì còn sợ gì nữa. Bẵng đi vài năm sau, khi đã chui vào được căn nhà ống cống thì ông bạn hàng xóm khuyên nên gắn thêm cái lọc vào vòi để khử trùng, để trung hòa các hóa chất trong nước. Nghe thì nghe nhưng vẫn cứ lừng khừng. Mình uống nước từ vòi chảy ra cả mấy năm rồi có thấy sao đâu.
Nhưng rồi vợ, rồi con chẳng hiểu nghe ở đâu một hôm đang ăn cơm bỗng đem chuyện phải mua cái máy lọc chứ không thì nguy to. Từ đó xem ra yên tâm hơn, đỡ bị vợ con cằn nhằn nhưng nước thì chả thấy ngon hơn, ngọt hơn, mát hơn gì xất.
Kỹ nghệ bán máy lọc nước bùng lên một dạo nhưng có vẻ ế độ. Nay chúng tôi sẽ tấn công quí vị bằng võ khác. Nước đóng thùng. Nước đóng chai.
Một hôm đi làm về thấy ở góc bếp có một thùng nhựa đựng nước lớn. Vợ biết ý giải thích ngay rằng nước cất để uống. Cà phê pha bằng nước trong vòi dù đã lọc uống có cái vị gì kỳ kỳ, chan chát trong miệng. Pha bằng nước cất uống khác hẳn, cà phê dậy mùi lên. Ngây người ra ngạc nhiên. Cà phê bỏ thêm đường thêm sữa, thêm kem, đôi khi còn bỏ thêm những thứ kem có mùi hạt dẻ, mùi hạnh nhân, mùi quế nữa thì làm gì có cái vị chan chát? Liệu vị giác có đủ tinh tế như mấy ông nếm cà phê chuyên môn, mấy ông connoisseur? Hay là bệnh tưởng?
Rồi cái bình nước khuân ở siêu thị dần dần hết nhanh quá vì cả nhà đều uống chứ không phải chỉ để nấu cà phê. Rồi thấy bất tiện quá vì khênh từ tiệm ra, từ xe vào nhà, cái thùng nhựa đựng một hai gallons nước sao mà nặng thế.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy một cái máy lọc nước có cái cắm điện ở góc nhà. Vợ bảo như vậy sẽ rẻ hơn và có cả nước nóng lẫn nước lạnh, tiện lắm. Thuê có tí tiền một tháng ấy mà. Hễ hư thì hãng đổi cái khác. Từ đó thỉnh thoảng tháng đôi lần lại phải khuân những thùng nước năm gallons do hãng giao để ở cửa đem vào nhà. Giá một thùng như vậy là năm tì. Mỗi tháng uống hết sáu thùng vị chi là 30 tì, cộng thêm 12 tì thuê cái máy là 42 tì.
Thôi thì cũng được. Nhịn tiêu, nhịn đi ciné, nhịn sắm quần áo chứ ai nhịn uống được? Tưởng là êm thắm nhưng một hôm thấy cả một thùng 24 chai nước lạnh ở góc nhà. Vợ tinh ý lại giải thích. Nước lạnh đóng chai tiện lợi, đi đâu thì cứ chất lên xe đỡ lích kích. Nhưng con cái thì chả cần đi đâu, tiện là vơ ngay một chai trong tủ lạnh ngửa cổ làm cái ào xong quăng cái vỏ vào thùng rác, đỡ phải rửa, phải úp lích kích. Đúng là tiện lợi.
***
Cầm chai nước lạnh lên uống lòng bỗng bâng khuâng. Chai nhỏ thì nửa đô, chai lớn thì một đô đâu có rẻ rúng gì. Vốn liếng một chai nước suối núi cao, nước suối thiên nhiên như vẫn được quảng cáo độ bao nhiêu? Đâu có hãng nào chế ra nước? Nước suối thì phải là nước chùa nước miễu, cứ hứng rồi đem đóng chai, hẳn là hái ra tiền.
Sau hãng Gatorade với fitness water không hiểu hãng Coca và Pepsi sẽ gọi nước lạnh đóng chai của họ là gì? Classic water? Power water? Ngẫm đi ngẫm lại chợt nhớ đến những con giun vốn không bao giờ mặc tã và thế nào thì giun cũng phải ăn và có vào thì có ra. Rồi lại nhớ đến con sơn dương ở núi cao. Cái ấy của dê tròn đen từng viên như thuốc tễ của Tàu thế nào chả lăn xuống khi con dê đứng uống nước suối trên núi cao.
Nói chuyện với vợ con về những suy nghĩ này thì bị cười vào mũi, bị coi là già rồi lẩm cẩm, rằng không thích hợp với đời sống văn minh.
Thấy mình là thiểu số và nhớ đến cái giếng ở đầu làng. Cái giếng nửa trên là đất nhưng sâu xuống lòng giếng là đá ong, cúi xuống nhìn hun hút. Kéo một gầu lên dội từ đỉnh đầu xuống mát lạnh và nếu khát thì ghé miệng vào ừng ực một hơi đến no thì thôi.
Giá bây giờ có một gầu nước giếng ở cái làng quê mùa đó để pha cà phê thì thú biết mấy!
Lê Thiệp Trích trong Chân Ướt Chân Ráo do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản Địa chỉ liên lạc: P.O.Box 4653 Fall Church VA 22044 USA

Leave a Reply

Your email address will not be published.