Tây , Ta đưa ông Táo .

Năm hết Tết đến, ai nấy hân hoan sửa soạn nhà cửa, bếp núc để “Tống cựu, nghinh tân “, ăn Tết.  Người Việt mình, nhất là mấy ông chồng “gương mẫu “, hăm ba tháng Chạp thì lo đưa ông Táo về trời để ông bẩm báo với Ngọc Hoàng rằng năm nay tui lo tu tỉnh làm ăn, hổng có ham chơi đi bia bọt như năm trước.  Chỉ có bữa nay, (đúng ra là để bẩm với bà Táo tại gia ) tui có vài ông bạn tới dự thì thôi cũng làm vài ly tiện thể tiễn ông Táo thêm sung sức đường dài ý mà .
Rồi đầu năm, Xuân đến, khách đến nhà chúc Tết, cũng phải mời ly rượu cho rôm rả câu chuyện chứ, chẳng nhẽ lại mời nước ngọt, bây giờ người ta đang sợ cái bịnh đái đường đái xá lắm đấy nhé !

Ông chỉ bày vẽ để kiếm chuyện nhậu thôi !  Nhìn cái mặt ông là tui biết quá mà !   –  Bà Táo nhà phán một câu nghe “sốc như con ốc sào xả “ vậy .

Chứ hổng phải bà đang mở bản nhạc “ Ly rượu mừng “  đấy hay sao .  Nầy “ Ngày Xuân nâng chén ta chúc…  .  Bà thấy chưa, tui có mần gì sái ý má nó đâu hè !

Hừm !  Cái gì ông nói cũng được hết !  Năm nay mà tui thấy mấy cái hũ Bàu Đá như năm trước nữa thì tui cho một đá ra đường hết cho ông biết.

Nồi đất ơi, bà Táo nổi máu quyền cước của con gái Bình Định rầu, thiệt khổ mà !  Nhưng mà bả có “Phi long cước “ thì mình cũng phải có “Tảo vi bộ “ để né chứ! ( cái nầy chôm chỉa một chút của Vi Tiểu Bảo ).

Nầy bà đừng có lo, năm nay hổng có thứ đó đâu mà.  Năm nay, gia đình mình tình hình nói chung cũng ổn định về mọi mặt.  Rồi thằng Cung bên Pháp về nữa, nên bữa nay tui phải tiễn ông Táo coi cho được chút chứ, để ổng còn bẩm báo tốt cho mình nữa chứ bà !

Thôi nghen ông, tui sợ mấy cái Bàu Đập, Bàu đá gì đó lắm rồi. Như năm trước vậy !  Chén bát gì mấy ông đập ráo trọi, ông Táo , bà Táo nào mà hổng lo chạy té khói !

Tui bảo đảm với bà năm nay hổng có đá đập gì nữa đâu mà !  Ai cũng nể mặt bà không dám …tới bến nữa đâu ( là đà rồi biết bến đục bến trong gì nữa !)

Ư, sao coi cho được cho tui !

Vậy là xong !  Võ nào cũng thua Võ Vuốt của linh miêu, cứ vuốt vuốt là xong tuốt.
Như đã hẹn trước, đúng 6 giờ chiều hôm đó, một chiếc taxi dừng trước cửa nhà.  Mấy ông thần nước mặn chui ra, tay xách nách mang bảo bối góp mặt quần hùng.  Đó là do tôi dự phòng trước nên kêu mấy ông bạn đi, về gì cũng bằng taxi cho yên chuyện.
Mâm tiễn ông Táo cũng đã xong rồi, không biết ổng có “bút” kịp cái vé để phi về trển không, hay còn nấn ná với tụi tui như năm rồi. Vé nào bằng mấy xị, khi mà chai lọ gõ kêu thanh thanh thì thăng dzìa trển lẹ lắm !  Ơ ! Không biết mấy ông bạn tui có phân chia gì không mà khi mấy ổng thò bảo bối ra trình làng thì thật là thú vị : Không đụng hàng !
Truyền “râu” khui bọc trước, lôi ra một chai đen đen, tím tím, xoay qua xoay lại trình làng . Chục con mắt ốc bưu dồn vô thiếu điều cái lâu đài in trên nhãn muốn cháy : “ Saint Emilion ….Grand Cru  – 2006 “.
Năm “cà-nhắc” (cha nầy tên Nam, thứ năm ,chuyên uống Cô-nhắc ,xỉn té quẹo giò nên bị đổi tên luôn) hít hà rồi vỗ cái bốp vô đầu gối một cái nghe đã đời rồi la lên:

Kiếm đâu ra thứ nầy độc à nghen.  Saint Emilion mà còn Grand Cru rồi 2006 nữa.  Hồi còn bển tui cũng có chơi thứ nầy rồi.
Năm “cà nhắc” nầy cũng đã từng đi học bên Tây hai ba năm gì đó.  Không biết chả rành cỡ nào mà nói như thuộc lòng vậy, nghe phát ớn luôn. !

Vang đỏ há !  Phải Bordeaux không vậy ? –  Văn “Minh Mạng” lên tiếng ( cha nầy chuyên sưu tầm rượu đại bổ nầy nên có tên vậy ).

Vang Pháp là Bordeaux chứ còn gì nữa !  –  Bun “Sa đéc” tiếp.  Đối với anh ta thì hễ cứ vang Pháp thì gọi là Bordeaux cho xong chuyện.
Hê hê, nói dóc mà trúng phóc há ! Thằng Bun nầy cũng khá đấy nghe.   – Truyền “râu”, chủ nhân chai vang đỏ lên tiếng.  –  Bordeaux thì đúng rồi, vì chai nầy của ST Emilion- một làng rượu nổi tiếng của vùng Bordeaux- nhưng mà Grand Cru là sao, chắc anh Năm “cà nhắc” biết.  Làm ơn giải thích cho anh em nghe với.
Năm “cà-nhắc” nhún môi :

Thì Grand Cru là loại ngon hảo hạng đó, chứ mấy thứ vang thường thường làm gì có chữ nầy, nhưng để hỏi thêm cháu Cung đi,nó đang ở bển chắc biết rành hơn.  Tui thì chuyên về rượu mạnh à.
Té ra anh ta cũng biết đại khái vậy thôi, thế mà làm như ta đây rành một đống vậy !  Mọi con mắt đổ dồn vào thằng Cung.

Dạ thưa mấy chú, con ở bển lúc đầu thì cũng không biết nhưng rồi con tìm hiểu thì cũng được biết chút đỉnh như vầy :  Gru- có nghĩa tương đối là cấp hạng.  Grand Cru là danh xưng thêm của những loại rượu vang đỏ thuộc loại A.O.C , viết tắt của Appellation Origine de Controlée, tức là loại rượu vang cao cấp nhất của Pháp.  Cái danh xưng Grand Cru nầy chỉ thuộc về một số rượu của năm vùng làm rượu trong nước Pháp mà thôi.

Vậy thì loại Grand Cru nầy ngon hơn những thứ khác phải không ?  – Văn hỏi thay mọi người.

Dạ, cũng không hẳn là như vậy.  Tuy Grand Cru là rượu ngon rồi nhưng vẫn có những loại vang khác cũng ngon không thua gì, có khi còn nổi tiếng hơn nữa.

Ô, vậy hả cháu !  Đâu cháu kể tên vài thứ cho mấy chú nghe cho biết mà…thèm chơi .

Dạ cũng nhiều thứ nổi tiếng từ nhiều vùng làm rượu của Pháp, như vùng Bourgone thì có Clos de Vougeot , Cote de Beaune…cũng rất ngon.  Bordeaux thì có những hiệu nổi tiếng như Margaux, Pomerol, Pauillac, hay là ST Emilion như chai nầy.  Lúc trước, khi Tổng Thống Nga Putin qua thăm Pháp, có ghé thăm vùng nầy và đặt mua cả ngàn thùng vang của Chateau du Cheval Blanc (Bạch Mã ), là một loại vang nổi tiếng của vùng St Emilion.

Ui’ choa !  Sao cũng làm từ nho mà rượu người ta nổi tiếng vậy mà rượu mình hổng tới đâu hết vậy cà.  Mà trong các thứ con nói đó, thì thứ nào là ngon nhứt, thứ nào hạng nhì, hạng ba…Nói thiệt, chú cũng biết chút đỉnh, tuy cũng có nghe tên mấy thứ đó nhưng mà không biết thứ nào hơn thứ nào.  – Truyền “râu” thú thiệt.

Con xin phép kể lại chuyện nầy :  Năm kia, lúc đó con quen với Janette rồi.  Bữa đó con với Janette vô siêu thị Carrefour-siêu thị bán lẻ nổi tiếng của Pháp- thấy một ông đang đứng trong chợ giới thiệu các loại rượu vang.  Đây là một công việc của những người chuyên nghiệp, được đào tạo và có bằng cấp hẳn hoi.  Con mới hỏi ông ta một câu, giống như câu chú Truyền vừa hỏi. Vì con cũng muốn tìm hiểu về rượu Tây, nên tuy nghe tiếng các loại rượu đó nhưng cũng không biết thứ nào ngon hơn thứ nào mà mua uống để biết thì mua không nổi vì có rất nhiều loại rượu vang.  Ông ta nghe con hỏi thì quay qua nhìn Janette rồi hỏi ngược lại con “ Anh thích một cô tóc vàng, mắt xanh phải không ? Còn tôi, tôi lại thích một cô tóc đen mắt nâu.  Anh nghĩ rằng cô nào đẹp hơn cô nào?”.  Im lặng sau câu nói của thằng Cung, rồi ai cũng”Ô “ lên cùng lúc.

A, có phải là ý ông Tây muốn nói là rượu nào cũng ngon hết (một khi đã nổi tiếng), còn lại là do cái “gu” của mỗi người thôi.  Phải vậy không cháu ?  –  Bun “bà rịa” nói thay cho mọi người.

Dạ đúng rồi chú !  Do “gu” của mỗi người thôi.  Có người thích gu chát chát của Bourgone, có người thích gu hơi dìu dịu của Margaux, nhưng lại cũng có người thích gu mạnh, nồng của M… cho nên không thể nói loại nào hơn loại nào được.

Ông Tây này trả lời đúng là theo kiểu…Tây mà, nhưng cũng khéo thiệt há !  Thôi bây giờ mình còn chần chờ gì nữa, mình hạ cờ Tây cái chai nầy đi chứ !   – Tôi lấy giọng chủ nhà mở màng với anh em.  – Y’. nhưng mà cái khui rượu đâu rồi không biết nữa, chắc phải kiếm đã.
Loại rượu vang thường là nút bấc rất chặc nên muốn mở phải có đồ mở xoắn ốc dùng riêng cho nó.
Đây.  Tui đã tính hết rồi nên rượu kèm khui luôn mà, đừng có lo.
Truyền “râu” lôi ra cái khui rượu rồi đưa cho Cung.  Cung cầm lấy, bật con dao nhỏ ra, kê vào cổ chai rồi xoay vòng cho đứt cái nhãn bịt đầu chai.  Lại bật xoắn ốc, cắm vào nút bấc rồi xoay tròn chai cho xoắn vào, kê cái mỏ vịt ngắn vào thành miệng chai bật cho nút bấc trồi lên.  Cuối cùng Cung lấy tay kéo nút lên nghe một cái “bốp” thiệt đã tai.  Mọi người vỗ tay rào rào :

Uí , thấy nó khui rượu không là tui đã khoái tỉ rồi. Con rót luôn đi.  Truyền”râu” nói.
Cung rót rượu vô ly mỗi người chừng hơn nửa ly rồi xoay nhẹ một cái cho rượu khỏi nhỏ ra bàn trước khi rót qua người khác, trông thật rất điệu nghệ.  “Hí, thằng con lấy vợ Tây có khác mà ! “ , tôi rủa thầm trong bụng.
Các món nướng được đem lên để thưởng thức với rượu vang, toàn là “sơn hào hải vị” : chuột xù nướng lá lốt, đồn đột nướng muối ớt, cá nóc nướng lá me. “ Ôi, rượu vào ông Táo chạy xa, Thiên lôi cũng ngán nữa là Táo ông !”.
Dzô !  Dzô!
Rượu ngon thiệt !  Gu vừa hơi chát chát, hơi ngọt ngọt lại có mùi thơm dìu dịu ( của nho và thùng ủ rượu bằng gỗ sồi), thật đậm đà như …nước mắm nhỉ !
Đã quá, thiệt uống vô miệng rồi mà không dám nuốt, sợ uổng !
Chỉ hai vòng thì cái chai gõ đã kêu rổn rẻng.

Bi giờ tới ai đây ?  – Tôi lên tiếng, vì biết mấy anh em đã có tính trước rồi.

Tới tui.  Nãy giờ mình mở màn với Vang Pháp rồi hén, giờ tui sẽ đổi “tông”, mình mần tới đế Tây nghe.  –  Năm”cà-nhắc” lên tiếng.

Gì mà đế Tây cha ?  Tây mà cũng có đế nữa sao ?

Hê hê.  Thì đây nè.  –  Vừa nói, Nam vừa lôi trong bọc ny-lông ra một hộp giấy chữ nhật trình làng.  Cái hộp giấy màu xám với chữ Hennessy vàng chái, to kềnh đập vô mắt mọi người.

He, thứ thiệt dzồi !  – Ông chắt của vua Minh Mạng la lên, con mắt sáng rỡ.

Tôi mở hộp, kéo chai Hennessy ra để trên bàn, màu rượu hổ phách sóng sánh thật đẹp mắt.
V.S.O.P. là ký hiệu gì vậy cà ?  – Bun”Bà Rịa” lên tiếng.

Ư, cái chữ nầy thì mình cũng thấy hoài, biết là nó được xếp hạng trên V.S nhưng dưới X.O, nhưng thiệt ra cũng không biết ý nghĩa là gì.  – Truyền”râu” nối tiếp.

Để tui nói cho mà nghe mấy ông thần ơi! Mình uống rượu thưởng thức mà, phải biết nguồn gốc tới nơi tới bến mới ngon chứ.  V.S.O.P. là viết tắt của mấy chữ Very Superior Old Pale, có nghĩa là rượu cao cấp màu vàng nhạt đó.  Thường thì rượu Cô-nhắc được xếp hạng theo tuổi rượu.  Loại trẻ nhất cũng phải 3 năm tuổi thường gọi là 3 stars hay V. S. (Very Special), rồi tới V.S.O.P., phải từ 6 tuổi và được pha với những loại khác lâu năm hơn nhiều.  Còn X.O.( Extra Old) , thứ này là thứ cao cấp rồi, phải từ 20 năm tuổi.  Còn những loại đặc biệt nữa như Richard Hennessy thì phải mấy chục năm hay Louis XIII của hãng Rémy Martin từ 40 tới 100 năm.

Ui, nghe không cũng thấy đã rồi !  Nhưng mà tại sao chỉ Pháp mới có rượu Cô-nhắc mà các nước khác không có, thiếu gì nước cũng trồng nho và làm rượu.  – Tôi nêu lên một câu hỏi mà tôi biết ai cũng muốn biết.
Năm “cà-nhắc” như được gãi trúng chỗ ngứa, anh ta tuôn tiếp một mạch :

Đúng !  Cô-nhắc làm từ nho ra nhưng tại sao Cô nhắc chỉ có Pháp sản xuất ?  Đơn giản là như vầy :  Cô-nhắc –Cognac- là tên của một Thị trấn ở miền Tây Nam của Pháp, nơi đây sản xuất ra loại rượu mạnh từ loại nho trắng được trồng ngay trong vùng nầy.  Nhờ cấu tạo địa chất đặc biệt nơi đây nên nho vùng nầy cũng khác những nơi khác, cộng thêm kỹ thuật cao, nên loại rượu mạnh nơi nầy rất ngon, nổi tiếng cả thế giới và Cô-nhắc là một nhãn hiện “cầu chứng tại tòa”, nên Cô-nhắc chỉ có ở Pháp là vậy.  Những nơi khác nếu có sản xuất ra loại rượu mạnh từ nho và dù có ngon đi nữa cũng chỉ gọi là Brandy, kèm theo tên riêng của hãng nữa thôi.

Hèn chi ! Lúc ở bên đó chắc ông cưa Cô-nhắc với mấy em đầm riết nên rành chứ gì, phải không ?
Năm “cà-nhắc” được dịp nổ .

Hê, tớ còn được em dẫn đi tới tận hang ổ Cognac để thăm mấy hãng rượu có tiếng nhứt ở đó nữa, như Hennessy, Rémy Martin, Martell…Hôm nào tớ đưa hình cho xem, hê hê hình nầy tớ giữ kỹ lắm, chỉ sợ bà sư tử nhà đem cúng…ông Táo.  Lúc tớ vô hãng rượu tham quan, thiệt mới thấy rượu người ta làm đúng là “ Kỹ nghệ rượu” cả về kỹ thuật lẫn qui mô.  Nước ép nho được ủ lên men rồi được chưng cất hai lần để cho ra một thứ rượu trong như rượu đế mình vậy, mà độ cồn rất cao khoảng 70 độ.  Người ta goi thứ rượu nầy là “Eaux -de –vie” – “Nước của đời sống”, nếu dịch nghĩa thì vậy, ý nói như thiếu rượu nầy sống chẳng ý nghĩa chi.  Hê, nói cho vui chứ chỉ là tên gọi vậy thôi, không dịch được.

Vậy người ta pha ra cho nhẹ bớt rồi thêm màu vô là thành Cô-nhắc phải không ?  – Bun “bà rịa” diễn giải, chắc là theo kiểu “uýt-ky bà quẹo”.

Ây’ , không phải vậy đâu nghe, tới cái đoạn nầy mới hay nè.  Người ta sẽ đem cái thứ “Eaux- de vie “ đó để ủ vô trong những thùng tôn-nô bằng gỗ sồi.  Mà thứ sồi nầy phải là thứ sồi trăm tuổi, mọc trên một vùng núi ở phía bắc của Cognac.  Thợ đem về xả ván rồi phơi trong mát ba năm sau mới đem ra đóng tôn-nô.

Nồi đất ơi ! Bộ sồi nầy sồi tiên hay sao mà quan trọng quá vậy. Mà lấy sồi trẻ hơn hay nơi khác không được sao ?  – Tôi hỏi .

Đó đó, nó hay là hay chỗ đó.  Nơi khác cũng có sồi nhưng nếu ủ rượu lại không cho ra chất lượng như của sồi vùng Limousin, phía bắc Cognac.  Sau khi đã được đóng thành thùng tô-nô, giá thùng cũng rất mắc, nếu thùng 10m khối phải hơn trăm ngàn đô.

Sao mắc quá vậy cà ?  –  Ông chắt Minh Mạng la lên.

Thường người ta cho “Eaux -de-vie” vô nằm trong những tôn-nô 350 lit dưới hầm tối, vì hầm tối thì ít không khí nên rượu sẽ không bị oxygene nhanh, mà quá trình sẽ diễn ra từ từ trong nhiều năm. Rượu sẽ ngấm chất tannin từ gỗ sồi, rồi từ từ hạ nồng độ (trưởng thành) dần.  Cuối cùng rượu sẽ có mùi vị đặc biệt và có màu vàng nhạt hay hổ phách tùy theo năm tuổi.  Đó mới chính là Cognac, nhưng cái hay còn ở chỗ pha chế.  Phải là những người chuyên nghiệp, cha truyền con nối, có cái lưỡi với cái mũi rất nhạy mới có thể pha nhiều loại cô-nhắc của nhiều năm lại thành ra những loại Cô-nhắc thật đồng bộ, cả triệu chai vẫn y một gu.

Cũng lý thú thiệt ! Chuyện rượu Tây nầy nghe cũng đã quá há, nhưng giờ bóc nhãn ông Tây “săng-đá” nầy chứ !

Đúng rồi !

Tôi mở chai rượu và thay ly mới, loại ly trái táo, có chân dùng để uống cô-nhắc.  Nam thò qua bắt tay tôi một cái rồi nói :

Đúng là nhà có con, dâu Tây có khác mà!  Vậy mới đúng “ Rượu nào ly nấy “.  Bữa trước tôi cũng xách một chai xuống quê, trời thần ông Địa ơi, chỉ có một cái ly xây chừng của mấy ổng uống rượu đế.  Mới đầu, nhìn thiệt phát khóc, nhưng “nhập gia tùy tục mà”, chơi tới bến luôn ! Đứt hết mấy ký chuột Cống…nhum.

như bợ cái ly vậy, rồi vừa lăc lắc ly rượu vừa khom mũi xu ống ngửi.  Nam ta hít hà ;

Đã đã, làm như tui vậy đó mới thưởng thức được mùi thơm, nhờ hơi ấm từ bàn tay mình làm hơi rượu xông lên đó! Mà phải uống “sec” mới đã nghen, chứ pha này nọ vô mất gu hết, phí lắm.
Mọi người làm theo và ai nấy cũng gật gật đầu :

Cái thằng Cà-nhắc nầy cũng biết nhiều chiêu há ! Dzô dzô…anh em ui, Cô-nhắc ,ông nhắc hay bà nhắc gì rồi cũng tới bến hết, có bỏ em nào dọc đường đâu mà lo à !  – Ông chắt Minh Mạng lúc nào cũng sung độ (chắc nhờ uống Minh Mạng Đại bổ mỗi ngày).
Cái chai Hennessy cũng đã gần cạn, Văn “Minh Mạng” bỗng nhìn chăm cái chai rồi nói :

Sao có mấy chữ “ Fine de Champagne “ nè, hèn chi tui nghe nói Cô-nhắc là từ rượu Sâm-panh chưng cất ra phải không ?

Năm” cà-nhắc” cười rộ lên :

Ông nói làm tui nhớ tới có một ông nào đó viết một bài nói về xuất xứ rượu Cô-nhắc, cũng nói y như vậy .  Hổng phải vậy đâu ông ơi !  Có cháu Cung đây, con giải thích cho mọi người nghe luôn đi.

Dạ !  Theo con biết thì rượu Cô-nhắc và rượu Sâm-panh không dính dáng gì đến nhau cả ngoài việc là đều được làm từ nho ra, nhưng cách làm và nơi chốn cũng cách xa nhau.  Rượu Sâm-panh thì được làm từ vùng Champagne ở phía đông của Paris vài trăm cây số, còn Cognac thì ở phía Tây nam của Paris.  Còn cái chữ “Fine de Champagne “ trên những chai Cô-nhắc thì có ý nghĩa khác như vầy :  Chung quanh Thị trấn Cognac có sáu vùng trồng nho để sản xuất loại rượu nầy. Vùng sát bên thị trấn là vùng Grande(lớn) Chamgpane và có một vùng khác gọi là Petite (nhỏ)Chamgpane.  Nho vùng Grande Champagne làm rượu ngon nhất.  Những chai nào mà có chữ Fine de Champagne thì có nghĩa là có hơn 50% rượu từ nho của Grande Champagne.

A ra vậy !  Nhưng mà làm sao biết được, có ai kiểm soát đâu mà biết ?

Có đó chú !  Có một Hiệp hội gọi tắt là B.N.I.C (Bureau National Interprofessionnel du Cognac ), là một hiệp hội của chính những hãng rượu và người tiêu dùng lập ra để kiểm soát lẫn nhau, để cạnh tranh trong lành mạnh.  Họ kiểm soát rất kỹ, nên không có sự ăn gian xảy ra.

Đúng là người ta làm việc gì cũng đáng nể thiệt, sao nước mình không làm vậy há ?

Mình nhiều phong bì quá mà, việc gì khó đâu hà !

Ư, dzô cái.
.
Hết cái vòng nầy thì mạnh ai nấy nổ lốp bốp.  Nhậu mà, phải có vậy mới xôm chứ. Chai Đế Tây đã không còn một giọt, mà cái chai cũng hô biến luôn rồi.

Có nước chân rồi nên mạnh ai nấy nổ như bắp ran, không khí Tết như phảng phất trong nhà tôi. Lúc vừa hết chai đế Tây thì ông chắt “Minh Mạng” khệ nệ bưng một cái hũ, co túi vải xanh trùm lại để lên giữa bàn, rồi tuyên bố :

Tui bao chót nghen.  Hai , ba , khui !

Một hũ rượu to với “quái vật” Mãng xà vương lớn nhỏ đập vào mắt mọi người.

Chèn ơi !  Dữ dội nghen !  Ê, mua ngoài đường Khổng Tử phải không ?  –  Tôi chọt một cái cho ông chắt Minh Mạng xù lên chơi.  Thật đúng y như rằng !

Y’ ! Đừng giỡn chớ !  Thứ thiệt à nghe, hổng phải như mấy hàng xáo ngoài kia đâu à !  Mối dưới quê đàng hoàng à, hổng chơi đồ dỏm đâu !

Mà uống thứ nầy có bổ phẻ gì hông dậy cha, thấy ớn quá !

Đã nói đại bổ mà lỵ.  Mấy ông thấy không, đủ bộ chín con, cộng thêm “ Đông trùng hạ thảo “ tức là nhộng ong lỗ nữa, thứ nầy không phải dễ tìm đâu nha (nổ long óc !)

Nhưng mà ông có bằng chứng gì là uống cái nầy có hiệu quả không vậy ?  – Nam “cà-nhắc” lại khứa thêm.
Bun “ bà rịa” bỗng cười rộ lên :

Nhìn đàn con 8 đứa của nó thì biết chứ gì, nhờ ngày nào nó cũng làm xị đại bổ này đó !

Mọi người cười rần rần theo, nhưng Văn nhà ta chẳng phiền nà mà có vẻ khoái chí nữa, rồi anh ta nhỏ tiếng lại:
Dzô đi anh em, tui bảo đảm xong cái nầy rồi mình đi tăng hai, ca hát khỏe re luôn !   –  Anh ta nói rồi cười mỉm mỉm thấy ghét lắm .
Dzô dzô…
Uí sao mà dzô mấy linh xà đế, bìm bịp, cóc nhái …nầy, ông nào cũng quơ tay múa chân coi bộ ngứa ngáy lắm hay sao ấy mà(chắc mấy con nhộng nó đang chạy trong máu nên mấy ổng nhột).  Bun “bà-rịa” bỗng khôn đột xuất :

Giờ ai theo tui không ? Dzô thứ nầy nóng quá chịu không nổi mấy ông ui, mình đi hét karaoke cho hạ hỏa đi !

Đúng đó !  Dzọt luôn, giờ mà về thì uổng lắm.  Bữa nay mấy bả lu bu rồi, hê hê tụi mình quậy cái cuối năm đi !

Nhỏ chút mấy cha, mấy cha đi trước đi rồi tớ tới sau nghe.  –  Vừa nói tôi vừa chỉ ra sau.  Sao tới khoản đi hát hò nầy tự nhiên ai cũng ngán ngán mấy bà Táo hết dzậy không biết nữa.

Xì, gì mà sợ dzữ dzậy cha, coi tui nè, đi là đi chứ ngán ai.   Taxi tới rồi kia.  Lếch sờ gô, lếch sờ gô  anh em ui !
Chiếc taxi đã đậu lại.  Cửa bật mở, ba bốn bà Táo…tuôn ra, đằng đằng …khí thế .  Mỗi bà xông tới mỗi ông :

Sao, dzừa lếch dzừa sờ em Gô nào, dzề đây, bữa nay biết tay tui. Tui biết trước mà, mấy ông mà họp lại một hồi là có chuyện mà !

Táo “xịn” chắc đã lên tới trển rồi, còn mấy ông Táo “dỏm” ở lại chịu trận.  Dám chơi dám chịu mà !
{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.