Măng không uốn, thành tre uốn khó!

Câu chuyện bắt đầu thế này:

Có một ngày chủ nhật nọ, ba chàng bộ đội, trong đó anh chàng tên Núi là đồng hương của tôi, vào Nông Trường Quốc Doanh Ba Vì (nơi anh Hồ Giáo được phong Anh hùng hai lần) để thăm tôi. Các chàng bộ đội này, chủ nhật thường nào cũng vào chỗ tôi để “chống đói” vì đang tuổi ăn để lớn mà lại xa quê, xa gia đình.

Đơn vị của bạn ở Q/51, cách nông trường tôi 1 km theo đường chim bay, đây cũng gần nơi Mỹ đổ bộ xuống để cướp lại phi công, vì tưởng ở đây còn giam phi công mà cách đó vài hôm đã đưa phái đoàn các Nhà báo quốc tế đến thăm (thập niên 70 của thế kỷ XX) .

Thấy cậu đồng hương cứ nhìn mình cười với vẻ mặt đầy bí ẩn ; tôi hỏi: “Cậu cười gì tớ mà có vẻ khó hiểu vậy”. Vẫn tủm tỉm. Tôi nổi xung “Bạn không nói, tôi không chơi bạn nữa”. Câu nói ấy có trọng lượng với Núi. Nếu tôi không chơi tức là mất chỗ dựa để chống đói! Vì vậy, Núi vừa cười vừa hỏi lại “Bạn còn nhớ, lúc nhỏ bạn có tật không thích mặc quần mỗi khi đi chơi nên bị ba cậu đánh hoài không?”.

Trời ơi! nghe tới chữ không thích mặc quần từ một chàng trai nói ra thì mặt tôi nóng hừng hực; mắc cỡ quá. Từ trước tới giờ tôi không còn nhớ tí nào về cái tật quái quỉ này. Vâng, ngày ấy, tật này đã làm ba tôi khó chịu lắm.

Nhưng, đối với tôi khi còn bé, “không quần” là chuyện thường ngày ở huyên lại là chuyện nổi tiếng của tôi đến mức làm anh bạn đồng hương nhớ mãi không chịu quên… ?! Cái tật xấu nổi tiếng của tôi dần dần rõ nét; ngay lập tức tôi nhớ lại toàn cảnh của thời “Không quần” đó.

Ừ! Hồi ấy, xóm nhà của Núi cách nhà tôi vài ba trăm thước, nơi ấy bây giờ là bến xe. Nhưng hồi đó tôi thấy nó quá xa giữa nhà tôi và xóm nhà của Núi. Ấy vậy mà cậu ấy biết tôi luôn “không quần” là sao hè? Có lẽ hồi đó tôi lân la tận xóm ấy hay chính Núi đã vượt gần nửa cây số lên tận xóm nhà tôi chơi?

Lúc đó tôi có thể đã lên 5-6 rồi chứ chẳng còn bé bỏng. Sao lớn thế mà tôi chưa biết xấu hổ nhỉ? Đâu phải nhà tôi nghèo; chính phủ qui cho ba tôi thuộc giai cấp “tiểu tư sản” ấy chứ lỵ ! Cả xóm chỉ có hai chị em con thi sĩ Yến Lan mặc áo đầm bằng len coton, ba mua từ Sài Gòn về hoặc má may bằng lụa tơ tằm màu hoàng yến để thay đổi. Nhờ áo đầm phủ đến đầu gối nên dù “không quần” cũng chẳng sao!.. Vì thế lúc đầu ba không để ý, tôi được tự do thoải mái. Dần lâu thành thói quen không thể sửa được nữa.

Bẵng đi một thời gian thấy tôi cứ «không quần » đi từ nhà này đến nhà khác chơi, ba tôi nói khó với má “Sao má không mặc quần để nó cứ tồng ngồng đi lung tung, lỡ nhà có khách dị lắm”. “Thì tui đã mặc mới cho nó đi chơi, nó lại lén cởi ra lúc nào sao mà biết , nói với nó như nước đổ đầu vịt, Chắc anh phải cho nó ăn bánh canh mới trị được (ý nói đánh )”.

Và thế là ba tôi cho ăn bánh thật. Có điều ba “giơ cao nhưng đánh khẽ” chả khác nào gải ngứa cho tôi, nên cần gì phải nghe chứ!. Thế rồi tôi lớn thêm chút, ông không thể để cảnh ấy tái diễn, bạn của ba thì nhiều lắm, họ hay đến nhà đàm luận nhiều vấn đề. Cuối cùng ba tôi thay đổi phương án là giao kèo bằng miệng, hai bên cùng có lợi. Ông đề xuất:

– Ban ngày đi ra đường, khi nhà có khách con phải bận quần vào, nếu không sẽ bị đánh 10 roi này. Ông giơ cho tôi xem chiếc roi bằng đuôi cá đúi vừa “tậu” được ở đâu về .

– Tối tắt mặt trời cho phép được cởi bỏ quần đi ngủ.

Tôi nghe có chữ “được” là toại nguyện rồi. Thế là tôi bắt đầu thực hiện cái giao kèo quái quỉ này. Nhưng cứ mặc quần vào là tôi không thể chịu nổi, vì vải dính vào người cứ sao sao ấy, khó tả lắm; có lẽ tôi giống anh chàng “Thứ Sáu” trong chuyện “ Robinsơn”, nên tôi nghiêng về gốc con người thời tiền sử hơn.

Mấy hôm sau, tôi quên khuấy việc “phải mặc quần ra đường”, cứ thế tôi tuông ngang qua mặt ông già đang ngồi làm thơ. Nhìn thấy tôi không quần, ông gọi giật lại, hỏi “Con biết đã phạm lỗi gì” Tôi chưa nhớ ra, mới ngủ dậy mà, nhưng, thoảng một giây, chiếc roi cá đúi tua tủa gai hiện ra tôi liền “Dạ có, con không bận quần mà đi chơi” Tôi thật thà nhận lỗi, hòng gây cảm tình để ba khỏi cho “ăn bánh canh”. Nhưng ba không tha; ông thi hành giao kèo rất nghiêm túc. Ông vừa đánh vừa ra lệnh “Mặc quần vào mới đi ra đường này, đánh cho chừa thói ở truồng này, tật xấu này không được tiếp diễn này…” (tuy dọa roi cá đúi nhưng đánh tôi ông dùng cành cây trứng cá, nếu đánh bằng chiếc roi đó sẽ làm thối thịt tôi). Ông đánh đến roi thứ 3 thì nói “Chỉ đánh 3 roi trước, cho nợ lại 7 roi nghe chưa”. Tôi vừa khóc vừa vào nhà lấy quần mặc, lòng đầy ấm ức “Đã đánh người ta rồi còn bắt người ta bận quần”. Trẻ con trong huyện, thiếu gì đứa “giống” tôi nhưng vì nhà chúng nghèo, không có khách nên chẳng hề bị đòn bao giờ, Vậy mà lũ trẻ trong xóm có thông cảm cho tôi đâu, chúng còn hè nhau trêu, đứa thì Lêu lêu mắc cỡ lỡ làng/ Có quần không bận ra đàng làm chi. Đứa thì: “Lêu lêu mắc cỡ làm sao/Có quần không bận đưa tao bận dùm”, có thằng còn “đểu” với tôi nữa chứ, nó chạy về đứng trước cửa nhà hét lên “chú Lan ơi, ra xem con chú nó ở truồng kìa nè”. Những lúc như thế, ba tôi điên lên, bằng giọng dài lê thê gọi “ Thu-ủy, về đây-ây ba biểu” Tôi vừa chạy về vừa “da..ạ ạ”. Nhìn vẻ mặt đỏ gay hầm hầm của ba, tôi nghĩ đến 7 roi còn nợ, sợ lắm.”

Không sai tí nào! Còn hơn thế nữa, nhân dịp này ông tước luôn cả “cái quyền” độc nhất vô nhị của tôi là “được cởi bỏ quần đi ngủ vào ban đêm ” Ông vừa quật vừa hỏi: “Từ nay về sau có chịu mặc quần khô.. ô…ông?” Tôi nhanh nhu: “Con lạy ba, con không dám ở truồng lúc nào hết, đi ngủ cũng bận luôn ba ơi!”.

Tuy bị đòn nhưng tôi được ba khen là thông minh và lanh trí khi kể lại cho má nghe: “con bé thông minh đấy!” Khi đánh, hỏi nó: “bây giờ con chịu mấy roi” lúc nào nó cũng chỉ “dạ, nửa roi ”. “Đánh nửa roi bằng cách nào?”, nó liếng thoáng – “Ba đánh nhè nhè là được ” Đấy bạn xem, trong “đau khổ” sẽ ló cái khôn là như vậy.

Tất nhiên là tôi đã sửa được. Rất lâu, không còn ai nhớ đến tật ấy của tôi ngoài anh chàng bộ đội tên Núi. Và tôi cũng vừa chợt nghĩ ra: “Có lẽ Núi chính là cái “thằng đểu” đã đứng trước nhà mét ba thuở ấy !”

Kể những chuyện này, không có nghĩa tôi lên án ba về việc đánh con, mà chỉ đề cập đến việc

dạy con từ tuổi ấu thơ, đừng để quá muộn “Nếu măng không uốn để thành tre uốn sao được.”

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.