Một góc của thời Nhân Văn giai phẩm.

.

Vấn đề “Nhân văn giai phẩm” giờ đây người ta có nhắc đến thì cũng chỉ như nói về sự ấu trĩ của một thời, bởi được nhìn nhận với lý lẽ:

“…trước đây, do thiếu kinh nghiệm và năng lực, vô tình người lãnh đạo đã kìm hãm và tước đi chân giá trị đích thực của nghệ thuật, tư tưởng và sáng tạo trong giới văn hóa văn nghệ, đã khiến không ít nghệ sĩ bị oan trái…”.

Dạo qua trang web của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đọc Lại Nguyên Ân tôi mới vỡ ra và biết thêm nhiều điều. Một trong những điều đó là cái vô lý của thời Nhân văn giai phẩm:

Anh Tạo kể – “Người thợ may đồ cho cụ Phan Khôi, cùng nhà thơ Tế Hanh sang Trung Quốc để dự lễ kỹ niệm 100 ngày sinh của nhà văn Lỗ Tấn thì bị đi tù.”

Ôi! cái thời gì mà nghiệt ngã và vô lý đến thế? Không biết đó là chuyện có thật hay chỉ là tin đồn nhảm?! Mà chú Tế Hanh kể lại là cụ được chính phủ cử đi cùng thì sao mà tin đồn nhảm được nhỉ?! Vì chú là người trong cuộc mà!…

Điều này làm tôi nhớ lại và hú hồn cho ba tôi, trong cái rủi cũng có cái may. May ở đây là – chỉ vì may đồ cho người “cầm đầu “bọn nhân văn giai phẩm” thì bị đi tù gần mười năm mới được thả, thì việc – một mình ba tôi dám vượt qua hàng trăm văn nghệ sĩ trên đất Bắc vào thời ấy, để đưa linh cữu cụ Phan Khôi –người cầm đầu bọn phản động đến nơi an nghĩ cuối cùng vào cuối năm 1959 mà chỉ bị phiền hà ít nhiều trong cuộc sống, thì quả là đại hạnh cho ba tôi quá chừng!!!

Có lẽ điều này như nhà báo PK – thư ký Báo VNCA, khi an ủi tôi bằng sự so sánh, rằng “nói về sự thiệt thòi của ba chị thời NVGP thì ba chị chỉ là con tép” – Được an ủi như vậy và khi xem các trường hợp của cụ Phan Khôi, ông Nguyễn Hữu Đang, chú Văn Cao thì tôi thấy nhà báo PK nói không sai chút nào.

Lúc bấy giờ, tôi chẳng hiểu vì sao mà cụ Phan Khôi từ một người được nể phục, bỗng chốc bị mọi người xa lánh và ghẻ lạnh…

Và, khi ba tôi xuất bản tập thơ “Những ngọn đèn” được chú Văn Cao viết lời tựa:

“Qua mấy bài mới đăng gần đây của Yến Lan có nhà văn kêu lên: “Đến cái người hiền lành như anh Yến Lan mà cũng làm thơ leo thang à?” Người ta không những ngạc nhiên về hình thức mà còn ngạc nhiên về sự thay đổi của Yến Lan trong nội dung. Trong sự chuyển biến chung của thơ ca hiện nay mong nhiều người góp sức vào để đẩy lùi một quá khứ nhạt nhẽo, …

Sự chuyển hướng thơ ca không phải là công việc xếp đặt hình thức theo bậc thang hay theo một hình kỷ hà mà là sự chuyển hướng về cách nghĩ, cách nhìn, cách gọi của nhà thơ. Đọc thơ của Yến Lan, tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bắt đầu. Một sự bắt đầu vào các luồng thơ khác nhau gần như không do dự. Chúng ta thường vui sướng đợi một sự đổi thay của nhau. Nhưng tôi rất lo cái thế lực của con người cũ trong chúng ta, với những ràng buộc tình cảm hèn yếu cứ có dịp là kéo chúng ta nghỉ lại cùng đánh võng với nó ở một độ đường có nhiều vấn đề khó khăn nhất.

Thưở ấy, nhà thơ Xuân Diệu đã phê phán: “Chữa giả tạo bằng cách quá đề cao cá tính siêu nhân của người Văn nghệ; bằng cách đem tiếng sáo tiền kiếp ra thổi giữa những bản đàn của thời đại mà mình cho là chán. Bằng cách phục hồi nguyên xi những ý tình cũ kỹ đã bị cách mạng thải ra. Chữa giả tạo trên hình thức bằng cách làm thơ leo thang hay xuống dốc, cắt nát câu thơ ra và xuống dòng nhiều quá sự cần thiết

Chú Văn Cao không những bị phê phán trên văn đàn, còn khốn đốn trong hội họa; vì cái bao thuốc lá Tam Thanh. Người ta xì xào bàn tán:- Người Họa sĩ vẽ bao thuốc này ý muốn bi thảm hóa người vợ có chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ-Ngụy đang ở giai đoạn quyết liệt nhất mà đem hình ảnh nàng Tô Thị trưng lên bao thuốc như thế, khác nào gợi cho người lính thấy sự tang tóc, đau thương, tuyệt vọng ở hậu phương; khác nào đánh vào tư tưởng chán nản, nhụt ý chí chiến đấu của người lính ngoài chiến trường

Chính lúc đó, chúng tôi, học sinh nghe nói thế cũng cố căng mắt ra nhìn, để ép sao những suy luận trên là đúng “rõ ràng Nàng Tô Thị Vọng Phu xõa tóc vật vờ như hồn ma-một hình ảnh tang tóc thê lương chứ có phải hình ảnh người phụ nữ bền bỉ chờ chồng đến hóa đá đâu! Và có cơ sở đấy chứ! Thật là phản động!”

Khi ấy tôi chưa ý thức để nhận biết việc này. Giờ nhắc lại cảm thấy tiêng tiếc cho hai phận đời lận đận, đơn độc trong cõi con người thời ấy; ba tôi và chú Văn Cao! Chú Văn Cao đã sống trong lo sợ, lúc nào cũng phải ý tứ, sợ tù tội đến còm nhom.

Mặt trận Văn hóa văn nghệ bấy giờ như những cơn sóng thần xô tới, dội vào trường, vào các cơ quan. Chỗ nào cũng có thể nghe xì xào, xỉa xói những người bị buộc tội phản động. Học sinh trường tôi, tuổi từ 11 đến 15, cũng tụm năm, tụm ba tranh cãi sôi nổi với những cái tên: Phan Khôi, Thụy An , Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, …

Ngược lại, thần tượng của học sinh, sinh viên là các nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên. Đặt biệt là nhà thơ Tố Hữu.

Tuy chưa được gặp, nhưng chúng tôi luôn khắc ghi tâm Tố Hữu là nhà thơ thần tượng để chúng tôi ca ngợi, học tập, vươn tới. Thơ của chú, chúng tôi học thuộc lòng, gối đầu giường tựa như quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” mà thanh niên thời ấy để gối đầu.

Một hôm, được tin chú Tố Hữu sẽ về thăm Trường Học sinh Miền Nam số 6. Tin ấy đối với chúng tôi như rồng gặp mây. Từ 8h sáng, tất cả học sinh đã ngồi ở sân trường chờ đợi. Mắt thì đau đáu hướng ra cổng, từng phút hồi hộp được gặp thần tượng kính yêu nhất đời mình.

Rất lâu sau, có tiếng reo to từ ngoài cổng “Chú Tố Hữu đến rồi!”. có nhiều giọng hỏi vang lên “đâu, chú đâu? Tôi thấy từ trong chiếc xe con màu đen đi đầu, ba người chui từ xe ra. Hàng trăm giọng lại nhao nhao “Đâu, chú Tố Hữu là chú nào?”. Người đàn ông đi giữa, trong bộ đại cán kiểu Tôn Trung Sơn, màu xanh nước biển, đưa tay vỗ mạnh vào ngực, vẻ hãnh diện: “Đây, chú Tố Hữu là chú này đây”. Chúng tôi yêu cái cử chỉ đó của chú nhà thơ Cách mạng nên khoái chí cười vang.

Thơ của chú, chúng tôi thuộc nhiều lắm: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Từ ấy, Việt Bắc… Nhà chú thì cao và rộng rãi, đầu nhà có cây táo nên chú đã viết: Tôi viết bài thơ chào xuân 1961/cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt… ” Đó là năm mà Miền Bắc đỉnh cao muôn trượng…”

Bấy giờ, tôi mới chỉ là cô học trò còi cọc, tuổi 13, học lớp 5; không biết ba tôi có tên trong danh sách “NVGP”. Chỉ nghe bạn Ân nói trước lớp “Họ gọi Lê Đạt, Trần Dần… bằng thằng thì chúng mình cũng sẽ gọi ba con Thủy bằng thằng”. Câu nói ấy cứ lởn vởn trong đầu; tôi lo sợ, không ngủ được, người ốm tong teo, trông như bà Hạn hán trong loạt phim hoạt hình của Liên Xô. Tôi bỗng lo sẽ có sự ghẻ lạnh, như các chú đã đối xử với cụ Phan Khôi!

Hè, về nhà, tôi méc má. Bà giải trình là: “Má nghe nói có Nhóm phản động đã chọn một bài thơ của ba đăng lên tạp chí Nhân văn nào đó…” Rồi, an ủi “con đừng sợ, chú Nguyễn Văn Bổng đã đến gặp ba, bảo rút bài thơ về. Tôi nhớ rõ, lúc đó, má tôi nói chắc như đinh đóng cột “ba đã rút bài thơ ấy về rồi” nên rất yên tâm. Tôi có hỏi “Đó là bài thơ nào?”- “Má không biết, bài đó có câu “rán giáo điều làm mỡ gì gì ấy”. Tôi lại dồn “Thế nhân văn giai phẩm là gì” má tôi chỉ ầm ừ chứ có biết giải thích thế nào khi bà cũng chẳng hiểu vì sao những người bà thấy hàng ngày trước đây, sống và làm việc như nhau, bỗng dưng người ta bảo kẻ này là phản động để xa lánh họ.. !

Đến khi cầm tập thơ “Những ngọn đèn” (xuất bản năm 1957) ba vừa đem xuống Hải phòng cho. Dù không mặn mà với thơ, nhưng tôi đã lướt đến bài cuối, cố xem có câu thơ như má nói. Tôi thật sự bàng hoàng, câu “Lấy cả giáo điều ráng mỡ cho guồng máy nổ” trong bài “Tĩnh vật” trong tập thơ chứ ba đã rút về đâu. Tôi sợ hãi, dấu nhẹm dưới gối, không dám khoe. Vậy là ba không chịu rút về, mặc dù chú Bổng đã cảnh báo. Tôi không hiểu gì hết! Tại sao ba bướng đến thế? chắc là rầy rà lớn đây!???

Nhạc sĩ Văn Cao viết:

Sự khác nhau trong Yến Lan là những nét mặt người cũ và mới. Người cũ thì chìm đi và người mới thì sôi nổi. Anh đã có một thái độ mới đối với cuộc sống. Đã có một tình yêu thương sự vật và con người thì không thể không có thái độ sống. Thơ anh bắt đầu biết đề cao những hành động, tình cảm của con người anh yêu lên để đã phá những bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội. Cái yêu cái ghét đã rõ ràng thì những bài thơ cũng bắt đầu đổi. Người ta gặp thấy những câu thơ thật đột ngột sau một thời gian dài của Yến Lan.

Bởi họ thiếu

con tim

khối óc

Luôn động đậy

nhưng chỉ là tĩnh vật

Không ngờ, điều mà tôi day dứt “sao ông già không rút bài thơ về; được giải đáp vào ngày giỗ thứ 12 của ông, khi đọc bài viết của nhà văn Mang Viên Long:

Tôi còn nhớ một lần đến thăm nhà thơ, được ông tâm sự về Chuyện NVGP” đã làm “truân chuyên- điêu đứng” suốt đời ông (và gia đình):

Đêm ấy, nhà văn Nguyên Văn Bổng đến gõ cửa gọi – gặp ông, NVB đã kêu lên: Sao cậu lại “đi theo” đám Nhân Văn Giai Phẫm phản động ấy?.

– Ông điềm tĩnh – cười: – Tôi đi theo bao giờ?

– Vậy tại sao cậu đưa bài cho chúng?

-Ông thành thật kể: Họ đến hỏi xin bài, tôi hẹn sẽ đưa, vì tất cả đều là chỗ anh em thân tình cả mà?.

– Cậu yêu cầu họ rút tên ra khỏi tờ báo ngay đi nếu không muốn rầy rà” về sau!.

Thì ra, trong số báo của NVGP vừa xuất bản, có giới thiệu tên ông ở trang bìa – trong số báo sẽ in tiếp theo. Sau đó, lại có thêm vài ba người bạn văn gặp – cũng “trách cứ” như NVB. Nhưng tôi đã hứa rồi – không làm chuyện “rút tên” kỳ quặc ấy được

Nhắc đến giai đoạn “đi thực tế sáng tác” ở vùng sâu vùng xa của anh chị em văn nghệ sĩ sau vụ NVGP-Yến Lan đã cười buồn: Đó là giai đoạn mở đầu cho cuộc đời lận đận của mình! Chỉ có sự khác nhau của 2 từ ghi trong giấy giớí thiệu về thôn xã thực tếđồng chí/ ông” cũng đủ khổ rồi! Nhưng, đến ngày nhà văn Phan Khôi mất – Yến Lan đã lặng lẽ đi sau linh cữu để tiễn đưa Người đến nơi an nghỉ cuối cùng, bất chấp mọi cặp mắt dòm ngó phê phán! Ông cười nhẹ “Nghĩa tử là nghĩa tận” cháu à!.

Nhà nghiên cứu văn học Khổng Đức đã kể cho tôi nghe:

“Sau ngày Miền Nam giải phóng, gặp Chế Lan Viên (ở Sài Gòn) chú hỏi thăm ba cháu (lúc đó còn ở lại Hà Nội). Nhắc tới ba cháu, Chế Lan Viên lắc đầu, tặc lưỡi vẻ thông cảm: “Trong cái nghiệp cầm bút, Yến Lan ít gặp may. Hồi ấy, Xuân Diệu không thích Văn Cao. Khi Văn Cao bị Diệu phê phán, mà Văn Cao lại viết lời tựa tập thơ “Những ngọn đèn” ca ngợi Yến Lan quá, ít nhiều Yến Lan cũng bị vạ theo”.

Qua đó, tôi càng cảm phục nhân cách thi sĩ trong ba tôi: Ba thật dũng cảm và thủy chung!

Cuối năm 1978, Hội nhà văn Việt Nam có một sự thay đổi quan trọng về tổ chức Đảng Đoàn. Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” vừa từ chiến trường Liên Khu Năm ra, được bầu làm bí thư Đảng Đoàn của Hội Nhà Văn Việt Nam. Các thành viên khác trừ nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi ra đều là những nhà văn trẻ từ chiến trường về. Sự thay đổi này đã ít nhiều làm nức lòng anh chị em giới văn nghệ.

Đại hội Đảng lần thứ VI kết thúc đem đến cho giới văn nghệ sĩ một niềm vui lớn “kiên quyết đổi mới, đổi mới cách suy nghĩ, đổi mới cơ chế tổ chức, đổi mới cách làm việc.”

Tuy chưa biết như thế nào nhưng vì hàng chục năm qua, giới văn nghệ sĩ chán lối sống và làm việc của Ban lãnh đạo cũ rồi. Vì thế ai ai cũng vui mừng chào đón tổ chức mới

Một quyết định được hầu hết mọi người ủng hộ và tin tưởng sẽ làm được, mặc dù ai cũng biết việc này không dễ chút nào…

Ở lĩnh vực Văn học Nghệ thuật, việc đổi mới đầu tiên là bổ nhiệm ông Trần Độ làm Trưởng Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Ban, nhà văn Nguyễn Khải Phó Tổng thư ký đặc trách việc chuẩn bị cho Đại hội nhà văn sắp tới.

Vấn đề này được Ban Văn hóa, Văn nghệ Trung Ương hết sức ủng hộ và tạo mọi điều kiện để cho tổ chức mới hoạt động thuận lợi. Song bước đầu, tuy gọi là đổi mới; “Nhưng, dẫu mới song người cầm bút chưa được thoát khỏi lối mòn đã có sẵn mà nhà thơ Tố Hữu, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, đã phát biểu tại buổi họp đầu tiên của Đảng Đoàn, như gáo nước lạnh dội vào đầu mọi người, làm cho các văn nghệ sĩ thấy mất hứng niềm vui vừa được nhen lên

À, lớn là thế nào hè! Thời đại là thế nào hè! Văn thì phải đi từng bước, phải có cây số một, cây số hai, rồi mới có cây số ba chứ! Thực tế của ta bây giờ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. Tại sao các đồng chí ngại ghi chép hả, thậm chí sao chép cũng được chứ!” – Trích trong “Nhớ lai” tr 198 – Đào Xuân Qúy

Tôi cũng nhận ra ít hương thơm mật ngọt khi chú Văn Cao được lớp trẻ trọng vọng hâm mộ và đề cao. Những gì xảy ra giữa chú Văn Cao và ba tôi, như được đan xen vào nhau; họa cùng chịu, vinh cùng hưởng, khiến các nhà báo trẻ rất đồng cảm và quan tâm…

Vâng, tất cả đó là khung cảnh của thời Nhân văn giai phẩm. Nó nhuộm đậm trong lòng tôi không sao phai mờ được.

{jcomments on}

0 thoughts on “Một góc của thời Nhân Văn giai phẩm.

  1. Trần Lực

    Cảm ơn tác giả đã cho biết về góc khuất của một thời đã làm điên đảo số phận của nhiều bậc hiền tài như nhạc sĩ Văn Cao, Quang Dũng v.v… Thời nay, uổi trẻ chúng tôi cần biết sự thật của vấn đề như thế này. Đọc bài của tác giả thấy thương nhạc sĩ tài hoa Văn Cao.

    Reply
    1. nguyen ngoc tho

      Đọc bài viết “Một góc khuất của thời Nhân Văn Giai Phẩm”, đọng lại “dấu lặng” buồn, đau rát, đã từng xé rách tâm hồn những văn nghệ sĩ tài hoa “Một thời”… nổi trôi!Bài viết có giá trị như một nguồn tư liệu quý, cần soi lại cho những ai cầm cương trên đường sáng tạo văn học nghệ thuật…
      Cảm ơn chị Lâm Bích Thủy!

      Reply
  2. nguyenhoanglamni

    Chị Lâm bích Thủy thân mến, nhà văn nhà thơ thời cụ thân sinh của chị(30-45)có thực tài, lớp người quân tử chân chính, họ có cái dũng của KẺ-SĨ không gì có thể khuất phục được họ,họ đã ngẩng cao đầu đi vào LƯU DANH THIÊN CỔ.
    Ngày nay rất nhiều nhà văn, nhà thơ nhưng phần nhiều là những nhà thơ móm, hết thời kiếm chác về hưu, lao vào viết văn, làm thơ in ấn, lăng-xê ra mắt ầm ĩ may ra còn kiếm chác chút danh tàn, lại còn muốn chen chân vào văn học sử! Thật đáng nực cười.

    Cám ơn chị cho đọc một bài viết hay của một giai đoạn không may.
    Chúc chị khỏe.

    Reply
  3. Lâm Bích Thủy

    Bạn Trần Lực, Ngọc Thơ, Bích Vân thân mến. Các bạn là những người còn trẻ, chưa được chúng kiến những gì mà thế hệ ông cha chúng ta đã vô cùng khốn đố trải qua hàng chục năm trời. Những người tài giỏi thì bị trù dập không có lối thoát, phải tù tội như ông Nguyễn Hữu Đang, bị ghẻ lạnh và bị tước quyền xuất bản như cụ Phan Khôi và còn nhiều nữa… Mong rằng sau này các bạn, những nhà văn, nhà thơ hậu thế nếu có đứng trong hàng ngũ lãnh đạo thì hãy như bạn Ngọc thơ nói: “cần soi lại cho những ai cầm cương trên đường sáng tạo văn học nghệ thuật…”

    Reply
  4. Lâm Bích Thủy

    Bạn nguyenhoanglamni nghĩ được như vậy thật vinh hạnh cho các cụ tiền bối. Ở nơi suối vàng chắc các cụ rất mừng! Mà các cụ mùng thì chị Lâm Bích Thủy cũng sẽ được các cụ phù hộ cho việc di dời khẩn cấp Lô 4, Lô 6 Cư Xá Thanh Đa đang trong kỳ nóng như núi lửa đó em ạ.

    Reply
  5. Quốc Tuyên

    Cám ơn chị Lâm Bích Thuỷ đã cho biết về “khung cảnh của thời Nhân văn giai phẩm” đọc mà buồn lắm chị ơi!

    Reply
  6. Lâm Bích Thủy

    Bạn camtucau và em Q. Tuyên ơi, đúng là đáng buồn thật! Thời các cụ sống khổ cả vật chất lẫn tinh thần, ko dám yêu nhiều, ko giám ghét nhiều. Một thời làm mình ko thể quên

    Reply
  7. Phan Mạnh Thu

    Bài viết giúp cho chúng ta biết rõ thêm về một thời kỳ bi thương của Nhân văn giai phẩm.
    Bao nhiêu tài năng bị vùi dập trong bóng tối hoặc tù đày.

    Reply
  8. Lâm Bích Thủy

    Cảm ơn hai bạn Mạnh Thu và Thanh Cường. Chúng ta nhìn lại quá khứ để trả lại chất ngọc cho những bật hiền tài. NS Văn Cao-người đã sáng tác ra Quốc ca để toàn thể nhân dân hát vào những buổi lễ trang trong nhất mà còn bị qui là phản động, hại dân hại nước. Ông Nguyễn Hữu Đang “là một nhà báo, một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, là thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Ông cũng bị kết án 15 năm tù trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Còn nhiều người lắm; bà Nguyễn Thị Cúc, nhà tư sản đã có 2 con tham gia kháng chiến, đã che giấu và nuôi những cán bộ lãnh đạo cao nhất, đã góp 700 lạng vàng cho cách mạng. Nhưng bà là người phụ nữ bị đem bắn đầu tiên trong đợt CCRĐ. Đau xót lắm!!!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.