Con xin báo cho ba biết

 

Ba ơi, nếu tính theo ngày âm thì tháng 3 này, nếu còn là ba đã được 97 tuổi và má thì 94 rồi nhỉ, song ba đã đi xa gần 14 năm rồi đó. Thời gian như thế cũng đâu phải là quá dài? vậy mà ba biết không, quê nhà ta có nhiều đổi thay đến khó tin. Này nhé: dải đất nhỏ bé đìu hiu mà thời ba gọi là thị trấn giờ đã lên thị xã! Ba thử nghe lại cái từ Thị xã An Nhơn lần nữa xem nó có sướng tai không! Trong cái thị xã đó đời sống của người dân cũng khác xưa lắm ba à., phố khang trang hơn. Thế hể trẻ bây giờ có nhiều tiện nghi hiện đại để học và làm; ngay con bé Nhàn Vân cũng có chiếc máy tính do vợ chồng em Đạo mang Từ Hà Nội vào cho. Muốn thư trao đổi cho nhau chỉ ngồi một chỗ, cần gì là thư điện tử, trong tít tắc sẽ chuyển tận nơi nhận và trả lời ngay, thảm cảnh cuả anh chàng

Áo vải tây vàng hai vai đã vá

Đi giữa đường mấp mô

Không có kẻ đợi người chờ

đã vĩnh viễn thành hoài niệm nằm lại trong “Tỉnh nhỏ đìu hiu” của ba rồi!

 

Song le, sự thay thế của thư điện tử làm con tiếc vô cùng! sự mất đi của thư tay, sẽ làm mất đi những cái cần lưu giữ cho con cháu đời sau nếu đó là thư của các danh nhân. Sở dĩ nhà ta còn lưu được những lá thư của các chú gửi cho ba, mà giờ chúng con rất trân trọng là do má biết giá trị của nó. Mai đây, thời gian này sẽ lùi vào quá khứ, thời của thế hệ ba trở thành những nhân vật lịch sử, thư tay sẽ trở thành bảo bối của các thế hệ tiếp theo.

Lại nữa, thứ mà ngày xưa, ba ao uớc có một chiếc máy điện thoại cho gia đình dùng, giờ đây đã thành đại trà ba ạ, nhiều đến nỗi những người đi mua ve chai, vệ sinh đường phố đều có để cầm tay thông tin cho nhau mọi lúc, mọi nơi – giới trẻ gọi là điện thoại di động đấy nghen ba.

Còn về thương trường, các chị gánh hàng đi bán rong, giờ có sạp riêng trong chợ. Họ tươi cười, đon đã mời khách chọn hàng, không còn cảnh ế ẩm để

Hàng rong gặp hàng rong

Liếc nhìn nhau qua mẹt bánh

Con kể cho ba nghe một chút về má: má giờ tuy tuổi rất cao, sức tàn, song cái gì có thể lẫn lộn, quên, nhưng hình ảnh và tư cách của ba chưa một giờ phai mờ trong tâm trí. Không hiểu sao cứ chiều đến, má ra ngồi trước cửa, nơi ngày trước ba hay ngổi để nhìn về phía chợ Gò Chàm nghe âm thanh của cuộc sống đời thường, giờ đây má cũng ngồi vào chỗ ấy và da diếc nhớ ba, rồi lầm bầm trong miệng như đang niệm phật hay nghe như không vừa lòng con cái. Con hỏi “má lầm bầm gì thế”, vẻ thẹn nhưng tự hào má bảo: “Má đọc thơ ba”. Và đọc lại, rõ to cho con nghe.

Em có cháu gọi “bà”

Gọi (em) anh vẫn gọi

Năm mươi tuổi, ai già

Chúng mình sao trẻ vậy

Anh đọc truyện em nghe

Em muốn em là “Tấm”

Lòng – hoàng tử anh mê

Từ buổi, đầu em lấm

Em gọi khế cuối mùa

Anh cắn từng lát nhỏ

Ôi, quả thường vị chua

Mà mọng nhìều thương nhớ …

Mấy năm nay, má đã xuống ở dưới phòng khách. Trên đầu giường, má luôn treo một cái túi nhựa hoa cũ kỹ, cổ lổ sỉ, quê mùa; nhiều lần con đem giấu, để lúc nào má quên thì vất đi. Bởi chúng con sợ, khách đến thăm sẽ cười con cháu nhà thơ không mua được cho mẹ chiếc túi tử tế. Nhưng ba biết không, em Tú Thủy đã tặng  má nhiều túi mới, hiện đại và đắt tiền, nhưng má không dùng; đi đâu, kể cả vào thành phố Sài Gòn hoa lệ má cũng chỉ dùng chiếc túi nhựa cũ kỹ này thôi. Nếu phát hiện mất, má lục tung các xó xỉnh, tìm bằng được, để rồi lại treo về chỗ cũ. Phải là chúng con thì đã vứt nó đi từ đời tám hoánh nào rồi.

Quái lạ, chiếc túi đó có gì quí giá mà má giữ gìn nó như báu vật gia truyền vậy?

Rồi một hôm con thắc mắc và má đã trải lòng: “Túi này con đừng vứt đi của má. Tuy xấu và quê mùa vậy nhưng là vật kỷ niệm của ba đó. Để nó ở đây má có cảm giác như lúc nào cũng có ba để tâm sự . Hồi đó, nhân dịp gặp lại nhau, kể từ sau năm 1943, nhà ta và nhà chú Chế Lan Viên rủ nhau đi chợ. Ba mua tặng má một chiếc, chú Chế mua tặng cô Giáo (người vợ trước – mẹ của Phan Lai Triều) một chiếc, tại chợ Hàng Da – cách đây đã mấy chục năm rồi. Vất đi sao đành hở con”

Nghe má nói, con trố mắt kinh ngạc. “À thì ra đó là vật kỷ niệm của tình thơ”. Rồi  bỗng dưng con cảm nhận được “Tình thơ” giữa ba và má, giữa hai thú linh của Bàn Thành Tứ hữu – Lân và Phụng sao mà sâu sắc, nặng lòng đến vậy! Con không thể ngờ được rằng – người đàn bà – vợ của ba chỉ là một phụ nữ chuyên nội trợ trong gia đình, ốm đau liên miên, về mất sức chỉ sau khi ra Bắc 4 năm, mà ý thức được những giá trị văn hóa từ những vật bình thường đến như vậy.

Và chắc ba chưa biết sự ảnh hưởng tư cách, đạo đức của ba đến chúng con như thế nào đâu.

Trước hết, với chúng con, nhất là con và Tú Thủy luôn ghi sâu lời ba dạy trươc lúc đi xa “Riêng hai con là phận gái ba mới nói điều này, ba nghèo không có gì để lại cho hai con… nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào – mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quí hơn tiền bạc, nhà cửa

Không! Ba ạ, chị em con đã không những không so bì, ganh tị  mà luôn tìm cách giúp đỡ nhau trong cuộc sống và chúng con  tự hào về người cha là thi sĩ có tâm có đức của mình.

Vợ chồng nhà thơ Yến Lan và con gái

Con thường nghe má ngâm nga nên cũng thuộc lòng bài thơ ba “Dặn vợ”.

Bà bảy mươi rồi, tôi bảy ba

Trời còn tặng thọ để xa hoa

Bấy lâu ky cốp giờ chung giữ

Giữ chút lương tri để dưỡng già

Dặn vợ

Lương tri của một con người không phải ai trên đời cũng tâm niệm để giữ mình cho trong sạch. Với ba, qua hơn 80 năm cuộc đời và 60 năm làm thơ, ba đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sống và sáng tác. Tất nhiên có người đã nhận ra  “Những bài thơ cuối đời của Yến Lan là những bài thơ hay, nhiều hình ảnh đẹp, giàu tửng tượng. Chỉ có sự tinh tế của tâm hồn thì nhà thơ mới làm cho hiện thực ngoài đời trở nên sống động, nên thơ mới được như vậy!”

Tuy ba có nhiều thiệt thòi trên văn đàn và trong đời sống, nhưng mười năm trở lại đây, thế giới của văn học đã tìm đến thơ của ba. Một giáo viên chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn đã tâm tình :

Em thấy nhà thơ Yến Lan là người suốt cuộc đời sống vì quê hương và cái chữ, ông yêu ghét rõ ràng. Một nhà thơ có đức có tài, góp nhiều sức lực và tuổi trẻ cho quê hương, nhưng không gặp may mắn trong đời như các nhà thơ cùng thời, em muốn làm một chút gì cho cụ, không biết có được không !!!???..”

Tuy, không biết việc làm của người giáo viên ấy có hiệu quả hay không, nhưng chúng con thấy vui vì ý nghĩ về ba như vậy. Người giáo viên tâm huyết đó đã hướng dẫn cho cô giáo trẻ mới vào đời làm luận văn thạc sĩ với đề tài “Cái tôi trữ tình trong thơ Yến Lan”. Còn đây nữa, ba sẽ vui hơn khi biết, trước đó đã có hai đề tài:

– “Thế giới nghệ thuật thơ Yến Lan” của trường Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh

– Và “Đặc điểm thơ Yến Lan” của Trường Đai học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh.

Đây Ba xem, qua nhiều năm tháng, nhưng cậu bé bị mẹ đẻ rơi trên chính cái bến mà ba đã cho nó cái tên bất hủ trên thi đàn  vẫn còn vọng lại .

Quê ngọai bên kia bãi cát vàng

Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang

Cơn đau trở dạ không giường chiếu

Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng

Ngay từ thời xa xưa ba đã nói với cô Hạnh, cô kể cho con  “Cách đây năm sáu chục năm, cái tuổi sắp bước vào đời. Cuộc sống chưa biết gì về đời mà ba cháu đã gửi cho cô 3 tập giấy học trò với rất nhiều bài thơ và một lời dặn: “Chia nhau cất giữ vì sắp chiến tranh! Con người sẽ mất, còn thơ sẽ sống mãi với đời”

Bình Định của thế kỷ 21 không như “Bình Định 1935” song  những câu thơ của ba sẽ và mãi vẫn còn:

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc ?

Em nằm thương xanh biếc của trời buồn !

Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,

Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.

Nhiều lần con ngồi so sánh và tự hỏi “có nhà thơ Bình Định nào thật sự yêu quê và tha thiết với quê như ba không?”. Bình Định là nguồn mạch vô tận của cảm hứng và sáng tạo mà ba dành cho sự sáng tác của mình. Bốn bài thơ dài về quê hương “Bình Định 1935, 1945, 1947, 1975” đã ghi lại những dấu ấn lịch sử và mang tính dự báo cho sự phát triển trong tươi lai của Bình Định;  nó thể hiện tâm huyết và tình nghĩa của ba đối với quê hương. Nếu giờ nó còn là sự lãng quên, nhưng rồi đây thế hệ trẻ sẽ quay đầu nhìn lại và biết những việc làm của người xưa qua những tầng sâu trong thơ của ba.

Con nhớ có lần ba tiên đoán tương lai Thị trấn nhỏ bé của  mình. Sao mà chính xác thế; giờ đây không còn đìu hiu như trước nữa, nó đang từng ngày được thay da đổi thịt ba ạ. Cái bến mà chàng kỵ mã đã đứng gọi đò vào đêm trăng sáng xưa, giờ thay vào chiếc cầu xi măng trang nhã và chắc chắn bắc ngang qua dòng sông Kôn hiền hòa.

Những đêm trăng sáng ư!, không có chàng trai nào phải đứng gọi đò. Người ta thấy các đôi nam nữ trong ngày tình yêu, tay trong tay, ngồi trên thành cầu ngắm trăng treo đầu ngọn tre để nhớ “chàng kỵ mã” áo xanh khản cổ vì gọi đò:

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi…

Có thể còn nhiều người chưa biết ba là ai, vì tưởng tên Yến Lan là nữ thi sĩ… Riêng cái tên này, cũng để lại cho người sau một mối tình đẹp của thi sĩ nghèo và cô thiếu nữ con nhà giàu.

Cuộc đời có mất sẽ có bù. Qua các tác phẩm của hơn 60 năm sáng tác cho đời, ai cũng nhận ra một chân dung đẹp về người thi sĩ tài năng và đạo đức, yêu quê hương, đất nước và con  người  ở trong thi sĩ Yến Lan đấy .

Giờ, khi tên ba vừa được nhắc tới, thì có một điều lạ lắm, người yêu thơ, già trẻ, trai gái và cả các chú – bạn vong niên, đồng nghiệp nhất là các nhà báo trẻ đều có chung cảm nhận:

Đời hiền thơ thảo tiếng vang xa

Để lại trần gian những cánh hoa

Thơm hương tỏa ngát tình nhân thế

Con cháu tự hào bởi ông cha

Điều này chẳng phải đã khẳng định trong lòng người hâm mộ có một vị trí dành cho ba đó sao?!

Ba thường day dứt khi tâm sự cùng con: “Ba sợ nhất là mình sẽ chết đi trong lòng mọi người.”

Không! Ba sẽ không bị mất đi trong lòng họ đâu! Chúng con còn nhận rõ cái tình mà người đời dành cho ba; vẫn nghe người ta nhắc đến tên Yến Lan bằng tâm trạng kính trọng có âm hưởng của sự tiếc nuối. Họ tiếc nuối vì nhận ra sự thiệt thòi của ba trong cuộc đời khi còn sống và những điều không được tri ân khi đã khuất; họ kính trọng ba vì những tâm huyết ba lặng lẽ dâng cho đời mà không mảy may có sự đền đáp.

Ta viết cho đời thơ tuyệt cú

Bù vào đất chật những trường thiên

Quế hòe phóng ngọn trên đồng cỏ

Đọng sóng tầng cao những nét riêng

Tự bạch” Tháng 7-1967

Anh Cao Kế, giảng viên trừơng đại hoc Qui Nhơn – nay đã cao tuổi – người từng làm công tác tuyên truyền cùng ba, không quên được thời trai trẻ, nghèo khó nhưng oanh liệt, anh nhớ về ba như một thần tượng, điều mà xem ra ít ai nhận biết.

“Trong khi một số nhà thơ khác ở trường phái thơ mới khi CM lên đã chống lại CM, không hợp tác hay trùm chăn đợi thời thế và viết  “Ta nằm chính giữa cân trời đất” thì Yến Lan đã làm thơ về cái loa phát thanh, đã ca ngợi công ơn Đảng

“Ơn này ơn Đảng em ơi/ đẹp người sẽ đẹp lứa đôi vợ chồng”, nhà thơ đã tuyên truyên hô hào nhân dân đi theo CM với nhiều sáng kiến độc đáo, điều này bây giờ nói ra xem như môt việc bình thường, nhưng thời đó là quí là một đóng góp rất lớn cho CM.

Ai đã từng sống trong thời điểm lịch sử lúc ấy mới thấy nhà thơ YL là một nhà thơ chân chính, là một nhà thơ thuôc về CM. Chính Chế Lan Viên cũng nói với mình “Đi xa nên về muộn”

Nếu có một tác giả nào sau này viết về lịch sử thơ ca CM ở Việt Nam và ở tỉnh Bình Định thì phải thấy cho hết con người Yến Lan đă đóng góp như thê nào và đánh giá cho đúng cái tác dụng to lớn những bài thơ Yến Lan đã viết khá hay trong những ngày đầu CM như “Bình Định 1947”. Một bài thơ mà nội dung phục vụ CM rất kịp thời và về phương diện nghệ thuật ai cũng phải công nhận là một bài thơ rất hay. Chính những bài thơ ông làm lúc này đã có tác động đến đội ngũ trí thưc làm cho họ tin vào CM và theo CM triệt để.

Còn lời tựa của nhạc sĩ Văn Cao, được lớp trẻ nhắc lại với sự ngưỡng mộ: “Người ta không những ngạc nhiên về hình thức mà còn ngạc nhiên về sự thay đổi của Yến Lan trong nội dung. Trong sự chuyển biến chung của thơ ca hiện nay mong nhiều người góp sức vào để đẩy lùi một qúa khứ nhạt nhẽo, trường hợp thơ của Yến Lan cũng làm nhiều người ở vào lứa tuổi của anh phải suy nghĩ.

Đọc thơ cuả Yến Lan, tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bắt đầu. Một sự bắt đầu vào các luồng thơ khác nhau gần như không do dự. Tôi yêu Yến Lan ở cái chỗ luôn luôn bắt đầu đó.

Thời đại mới, có những nhà thơ trẻ rất tâm đắc với lời khuyên của ba cho sáng tác của mình:

Muốn làm thơ, trước tiên hãy làm con người tốt. Và với thơ điều tối kỵ là viết dối, viết cẩu thả

Người yêu thơ, ai cũng biết “nhà thơ Yến Lan khi còn trẻ đã được tiếng là một nhà thơ, nhà biên tập kỹ lưỡng về chữ nghĩa. Cấu trúc câu của ông bao giờ cũng chặc chẽ, giàu tính sáng tạo.

Sở dĩ năm nay, nhân kỷ niệm ngày sinh của ba, con kể cho ba những điều trên, vì trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến đậm màu nhân văn về sự thiệt thòi của ba: Đối vối các nhà thơ, dù có công với CM, hay chỉ có công với nền thơ ca nhưng vì đã sẵn nổi tiếng thì lại được quê hương quan tâm, chú trọng tìm mọi cách để ưu ái, cấp tiền để xuất bản những tác phẩm cũ và mới, được sửa mộ phần, nặng tượng hay chỉnh trang lại nhà lưu niệm nhiều lần.

Còn với ba ư !!! Con chưa thấy có gì để đánh giá sự tri ân của quê hương với những đóng góp của ba – Người đã mất nhiều đứa con tinh thần nhất, người sống vì quê hương và thơ nhưng chẳng được sự quan tâm cho dù chỉ để sửa lại cái phòng lưu niệm mà má đã cố gắng lập nên, Bây giờ chúng con đã dời xuống tầng một vì bị dột, ẩm mốc làm hư các tài liệu ba để lại.

Tất cả những gì để làm ấm lòng ba ở thế giới bên kia là do chúng con chung nhau từ đồng lương hưu ít ỏi đấy ba à.

Dẫu ba không được như các chú, các bác, song chúng con vẫn luôn có niềm tự hào về ba. Chẳng là vì có sự thông cảm từ các đồng nghiệp, học trò của ba người thi sĩ có tư cách, đạo đức và tài hoa để lại cho đời và dân tộc.

Các chú nhà thơ đã so sánh thật chí tình chí lý:

“Cả cuộc đời một thi nhân chỉ cần để lại cho đời một bài thơ hoặc một câu thơ hay là đủ .Nhưng, nhắc đến Yến Lan, giới yêu thơ đều biết; mỗi giai đọan lịch sử ông đều để lại dấu ấn.

Năm 20 tuổi nhà thơ đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào lọai đặc sắc góp phần khẳng định sự thắng lợi của Thơ mới trong buổi đầu (Nguyễn Bao-Từ Bến My Lăng”:

Trống xa mái ngẩn ngơ thơ đá chạm

Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang

Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ

Nhịp hõan hòa đến vỗ đảo xa khơi

Riêng con, luôn nhớ về ba trong phong cách ung dung, tự tại, người nghệ sĩ không tham quyền,

Nhường

Cũng lên tuổi lão, có nhường ai

Nhường chỗ in thơ, chỗ gửi bài

Nhường bậc gếch chân lưng ghế tựa

Nhường đường quét sẵn khỏi vương gai

hóm hĩnh

Mất sao

Nghe báo trên trời thiếu một sao

Đàn chim kinh ngạc hoảng nhìn nhau

Có người đã thức nhiều đêm trắng

Tìm mãi không ra trống chỗ nào

09/7/1998

yêu đời

Mơ làm Tần đế

Muốn lên ngôi đế dựng A phòng

Cuộn sóng khuynh thành ngập núi sông

Chỉ ngại thế gian không đủ lụa

Xé tan sầu muộn gái ba cung

12/1994

lặng lẽ hiến dâng :

Quả đu đủ góc ao

Ứa nhựa hàn vết đau

Tĩnh yên cành gió quệt

Quả đu đủ góc ao

Lặng dâng đời quả ngọt.

Chỉ bao nhiêu thế cũng là nhiều cho con cháu có niềm tự hào về ba. Thế hệ trẻ sẽ sớm nhận ra một chân dung đẹp về người nghệ sĩ Việt Nam thông qua từ nhà thơ  Yến Lan – người cha thi sĩ của chúng con đấy./.

Tôi tự hỏi, có phải vợ của nhà thơ Yến Lan là một hình mẫu của người phụ nữ Việt – chịu thiệt thòi tất cả vì chồng con – giữa thời nhiều giá trị gia đình cao đẹp đang biến mất? Chỉ biết rằng, nhờ nhiều cống hiến lặng lẽ của bà cho gia đình, mới có một nhà thơ Yến Lan – không chỉ đóng góp trong “thi nhân Việt Nam” – mà còn mãi về sau, được đồng nghiệp yêu quý cả về tác phẩm lẫn nhân cách sống.

{jcomments on}

0 thoughts on “Con xin báo cho ba biết

  1. Lê V. Ánh

    Áo vá vai vẫn còn khắp An Nhơn. Đường đi từ Xóm Cá(xã Nhơn Hưng) về phía Kim Châu, chẳng hạn, hãy còn mấp mô. Không kể thảm cảnh lũ lụt. Nhiều người gánh cốm bán rong gánh xuống tới miền biển Nhơn Lý, hoặc bỏ quê An Nhơn vào tận Sài Gòn kiếm sống bằng cái nghề gian nan ấy.
    Trước kia nhà thơ Yến Lan có tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, phong trào được cho là đòi tự do dân chủ. Và Văn Cao được trích ở đây: “Đọc thơ cuả Yến Lan, tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bắt đầu”. Bình Định có thị xã Qui Nhơn. Sau khi Qui Nhơn lên thành phố, thì An Nhơn lên thị xã. Bao người đã nghe sướng tai “Liên Xô mém mém lên CSCN rồi. Bánh mì ở đó hưởng theo nhu cầu! Nhà thơ Yến Lan chắc đã nghe nhiều hơn thế nữa. Nên tôi nghĩ là bây giờ – gần sáu mươi năm sau NVGP – nghe “thị xã” nhà thơ Yến Lan sẽ không những không cảm thấy sướng mà còn hăng hái lại bắt đầu một cái mới tốt đẹp.
    Cảm ơn tác giả đã cung cấp nhiều điều bổ ích. Chúc cùng bao người thân yêu luôn khỏe mạnh và viết hay.

    Reply
  2. Lâm Bích Thủy

    Máy VT của mình bị hỏng nên giờ mới vào được.
    Lê V. Ánh là ai vậy, có phải Lê Sa Long? Cảm ơn lời chia sẻ của em nhé. Chị mail nhầm bài của chị, Bài này của năm trước khi mẹ mình còn sống, nay bà cũng đi vào cùng ông rồi.

    Reply
    1. Lê V. Ánh

      Dạ thưa chị, không phải. Lê Sa Long là họa sĩ. Còn em là GV. Em trước kia có học ở An Nhơn và Qui Nhơn, rồi dạy học ở Sài Gòn. Ước mong chị luôn dồi dào sức khỏe, niềm vui để còn viết hay về những tinh hoa của nhà thơ Yến Lan.

      Reply
      1. Lê V. Ánh

        Và dù muộn,em cũng xin thành kính chia buồn cùng chị và gia quyến. Cầu mong bà cùng ông thanh thản nơi vĩnh hằng.

        Reply
  3. MỘNG CẦM

    Hoài niệm về người cha với đầy đủ chi tiếc và cũng để mọi người hiểu thêm về cuộc sống đời thương của nhà thơ YẾN LAN cảm ơn tác giả

    Reply
  4. Thu Thủy

    Sở dĩ năm nay, nhân kỷ niệm ngày sinh của ba, con kể cho ba những điều trên, vì trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến đậm màu nhân văn về sự thiệt thòi của ba: Đối vối các nhà thơ, dù có công với CM, hay chỉ có công với nền thơ ca nhưng vì đã sẵn nổi tiếng thì lại được quê hương quan tâm, chú trọng tìm mọi cách để ưu ái, cấp tiền để xuất bản những tác phẩm cũ và mới, được sửa mộ phần, nặng tượng hay chỉnh trang lại nhà lưu niệm nhiều lần.

    Còn với ba ư !!! Con chưa thấy có gì để đánh giá sự tri ân của quê hương với những đóng góp của ba – Người đã mất nhiều đứa con tinh thần nhất, người sống vì quê hương và thơ nhưng chẳng được sự quan tâm cho dù chỉ để sửa lại cái phòng lưu niệm mà má đã cố gắng lập nên, Bây giờ chúng con đã dời xuống tầng một vì bị dột, ẩm mốc làm hư các tài liệu ba để lại.

    Cám ơn anh Lâm Hưng Đạo, Chị Lâm Bích Thuỷ đã cho biết thêm về những tư liệu quý báu về nhà thơ Yến Lan.

    Reply
  5. Lâm Bích Thủy

    Cảm ơn LÊ Việt Ánh, Mộng Cầm, Thu Thủy. Không biết mình hay viết về cha như vậy các bạn xem có chán ko? Gia đình mình thấy thương cha vì ông sống rất lương thiện và bát ai, ko bon chen, không lật lọng …nhưng cuộc đời ông thua thiệt nhiều người kể cả những người đáng ra phải.. Mình giờ này có tuổi, mong làm gì được cho cha thì làm, nếu “tự mình ko nói ra thì chẳng ai biết”
    rất cảm ơn những chia sẻ của các em.

    Reply
    1. Lê V. Ánh

      Blaise Cendrars nói: “Nhà thơ là lương tri của thời đại mình”. Những gì chị viết thuộc về lương tri ấy thì rất hấp dẫn, rất hay. Chúng em mong tiếp tục được đọc.

      Reply
  6. Quốc Tuyên

    Cuộc đời có mất sẽ có bù. Qua các tác phẩm của hơn 60 năm sáng tác cho đời, ai cũng nhận ra một chân dung đẹp về người thi sĩ tài năng và đạo đức, yêu quê hương, đất nước và con người ở trong thi sĩ Yến Lan đấy .

    Giờ, khi tên ba vừa được nhắc tới, thì có một điều lạ lắm, người yêu thơ, già trẻ, trai gái và cả các chú – bạn vong niên, đồng nghiệp nhất là các nhà báo trẻ đều có chung cảm nhận:

    Đời hiền thơ thảo tiếng vang xa
    Để lại trần gian những cánh hoa
    Thơm hương tỏa ngát tình nhân thế
    Con cháu tự hào bởi ông cha
    Cám ơn chị Lâm Bích Thuỷ đã cho biết thêm những tư liệu bổ ích và tấm lòng kính yêu của mọi người với nhà thơ Yến Lan

    Reply
  7. camtucau

    Cám ơn LBT đã cho các bạn HX và mình biết thêm về cuộc sống đời thường của người thi sĩ tài hoa, mà người đời rất ngưỡng mộ, cùng những vần thơ đặc sắc và tấm lòng yêu quê hương của ông Chúc LBT vui và thật nhiều hạnh phúc nhé

    Reply
  8. lamcamai.

    Em cũng nói như chị Camtucau , đọc bài chị lúc nào cũng hấp dẫn lôi cuốn được biết thêm những tư liệu quý giá của nhà thơ Yến Lan cùng những vần thơ hay
    Cám ơn chị Lâm Bích Thủy .

    Reply
  9. Lâm Bích Thủy

    Những lời chia sẻ của Lê. V.Ánh, Camtucau, Quốc Tiên như cổ vũ,chắp thêm cánh cho chị em nhà mình. Nếu các bạn cũng có ý kiến như L.V. Ánh thì mình sẽ tiếp tục trích HK về người cha thi sĩ của mình để các bạn hiểu ông hơn.
    Chân thành cảm ơn những bạn của huongxua.

    Reply
  10. Thỏ con

    “Tôi tự hỏi, có phải vợ của nhà thơ Yến Lan là một hình mẫu của người phụ nữ Việt – chịu thiệt thòi tất cả vì chồng con – giữa thời nhiều giá trị gia đình cao đẹp đang biến mất? Chỉ biết rằng, nhờ nhiều cống hiến lặng lẽ của bà cho gia đình, mới có một nhà thơ Yến Lan – không chỉ đóng góp trong “thi nhân Việt Nam” – mà còn mãi về sau, được đồng nghiệp yêu quý cả về tác phẩm lẫn nhân cách sống.”
    Yến Lan có người vợ rất đáng quý!

    Reply
  11. HN Tín

    Lòng yêu thương kính trọng của Chị đối với người Cha đã khuất thạt là da diết, thể hiện qua từng câu chữ.
    Cảm động vô cùng khi một đứa con tuổi đời không còn trẻ nữa đang ngồi hồi tưởng lại chuyện xa xưa của Cha mình, đang đi tìm lại sự công bằng cho Cha vì cảm thấy khi còn sống cũng như khi đã mất ông luôn bị thiệt thòi, hay đúng hơn là ông luôn nhận về mình những thiệt thòi mà lẽ ra ông phải được hơn vậy.
    Hai Bác ắt hẳn rất vui khi biết được con mình hàng ngày vẫn tưởng nhớ và nghĩ về đấng sinh thành với lòng kính yêu vô hạn.

    Reply
  12. Lâm Bích Thủy

    Chị Bích Thủy lại mắc nợ em H.N.Tín và Thỏ con một ân tình rồi. Các em đã chia sẻ những ý nghĩ của mình một cách chân thành. Chị rất vui.
    Cảm ơn các em nhé.

    Reply
  13. Lâm Bích Thủy

    Cảm ơn bạn Đăng Danh. Lời khen của bạn chứng tỏ bạn thông cảm với những day dứt của gia đình mình đối với người cha thi sĩ quá thiệt thòi. Đó là nguồn động viên lớn nhất cho chị đấy Danh ơi.
    Một lần nữa cảm ơn nhé

    Reply
  14. nguyentiet

    “Còn với ba ư !!! Con chưa thấy có gì để đánh giá sự tri ân của quê hương với những đóng góp của ba – Người đã mất nhiều đứa con tinh thần nhất, người sống vì quê hương và thơ nhưng chẳng được sự quan tâm cho dù chỉ để sửa lại cái phòng lưu niệm mà má đã cố gắng lập nên, Bây giờ chúng con đã dời xuống tầng một vì bị dột, ẩm mốc làm hư các tài liệu ba để lại.

    Tất cả những gì để làm ấm lòng ba ở thế giới bên kia là do chúng con chung nhau từ đồng lương hưu ít ỏi đấy ba à.

    Dẫu ba không được như các chú, các bác, song chúng con vẫn luôn có niềm tự hào về ba. Chẳng là vì có sự thông cảm từ các đồng nghiệp, học trò của ba người thi sĩ có tư cách, đạo đức và tài hoa để lại cho đời và dân tộc.
    Các chú nhà thơ đã so sánh thật chí tình chí lý”

    “Chỉ bao nhiêu thế cũng là nhiều cho con cháu có niềm tự hào về ba. Thế hệ trẻ sẽ sớm nhận ra một chân dung đẹp về người nghệ sĩ Việt Nam thông qua từ nhà thơ Yến Lan – người cha thi sĩ của chúng con đấy./.

    Tôi tự hỏi, có phải vợ của nhà thơ Yến Lan là một hình mẫu của người phụ nữ Việt – chịu thiệt thòi tất cả vì chồng con – giữa thời nhiều giá trị gia đình cao đẹp đang biến mất? Chỉ biết rằng, nhờ nhiều cống hiến lặng lẽ của bà cho gia đình, mới có một nhà thơ Yến Lan – không chỉ đóng góp trong “thi nhân Việt Nam” – mà còn mãi về sau, được đồng nghiệp yêu quý cả về tác phẩm lẫn nhân cách sống”(LBT)

    Bài viết hay quá chị LBT. Dù nhà thơ Yến Lan khi sống cũng như đã mất đều chịu nhiều thiệt thòi nhưng theo em thì Ba chị đã hạnh phúc viên mãn vì có người vợ tuyệt vời và người con gái hiếu thảo miệt mài đi tìm lại sự công bằng cho Ba mình như chị.

    Reply
  15. Lâm Bích Thủy

    Chị Bích Thủy cảm ơn các em Lamcamai và Nguyentiet. Lời chia sẻ của các em nó có tác dụng như một sự đồng cảm cho chị.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.