Từ giấc mơ thời thơ dại đến bài thơ “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm

Biên khảo – Hoài Nguyễn
——————————–
Có lẽ ai cũng thừa nhận rằng cái thời mới lớn và nhận thức được thế giới xung quanh, con người vẫn thường hay mơ mộng, tự huyễn hoặc mình bằng những tình cảm vu vơ nào đó với những tưởng tượng phong phú mông lung.
Những tâm hồn thi sĩ lại xuất hiện có khi từ rất sớm và những tình cảm nơi họ có thể là một ám ảnh, một hoài niệm mang theo đến suốt cả cuộc đời.
Những cái gọi là “mối tình đầu” của một ai đó cũng vậy!
Họ “yêu” một cách lặng lẽ, đơn phương một ai đó rồi đêm ngày tơ tưởng, mơ ước và sống hạnh phúc trong những thứ mộng tưởng thầm kín đó…
Có thể họ sẽ hạnh phúc nếu tình cảm họ được đón nhận, sẽ đau khổ tuyệt vọng nếu bị từ chối, và rồi qua dần thời gian, đến giai đọan trưởng thành đầy trải nghiệm, họ có những tiếc nuối để rồi ghi lại thành những bài thơ “đẹp” sống mãi với thời gian.
Có một giấc mơ từ thơ thơ dại, một “mối tình” gần như trẻ con như thế đã đeo đuổi và ám ảnh một cậu bé con mới 8 tuổi đã mơ mộng một “bà chị” có tuổi gấp đôi mình, ước mơ được sau này sẽ “làm chồng” cô gái Kinh Bắc vừa tuổi trăng tròn, để rồi khi 4 năm sau, người mơ đi lấy chồng thì cậu bé con kia ngẩn ngơ mơ mộng để rồi một thời gian hóa thân thành thi sĩ Hoàng Cầm, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Lá Diêu Bông”

“Lá Diêu Bông” là lá trong trí tưởng tượng của thi sĩ Hoàng Cầm, không có thực trong loài thảo mộc ở ngoài đời. Có thể đây là tên ẩn dụ của một loại lá mà tác giả đã đặt, để bày tỏ một mối tình hết sức u uẩn, bi thương và vô vọng, một huyền thoại về chiếc lá biểu tượng cho một tình yêu chất ngất, rướm máu, nóng bỏng, đam mê và lãng mạn mà một cậu bé mới lớn cảm nhận được, thần tượng và theo đuổi như bóng với hình một cô gái lớn hơn mình, cho đến khi Chị đi lấy chồng!
Chính người con gái trong bài thơ “Lá Diêu Bông” này đã làm lay động cả một đời thơ Hoàng Cầm.
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”
Câu thơ mở đầu ghi trên của bài Lá Diêu Bông đã để lộ tác giả có ý muốn giới thiệu với người đọc về cách trang phục và nét diễm kiều của cô gái quê đất Kinh Bắc xinh đẹp và đa tình, một miền quê nổi tiếng với dân ca Quan Họ trữ tình:
Gió dục cái đêm đông trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường chờ ai?
Hình ảnh và bóng dáng của cô gái ấy là chị Vinh, hiện ra trước mắt cậu bé tên Việt như một thiên thần rực rỡ, khiến con tim của cậu đã phải choáng váng và đê mê vì yêu đương! Và từ sau lúc tiếng sét ái tình đã nổ, cậu Việt yêu say đắm Chị Vinh không lúc nào nguôi ngoai, đến quên cả học hành, sách vở, suốt ngày chỉ chong ngóng nhìn sang nhà Chị, nằm xế bên kia đường cách nhà bố mẹ của cậu độ 20 mét…
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (22/2/1922) tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nhưng gốc quê là ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (tên cũ là Kinh Bắc)
Hoàng Cầm học Trung học ở Bắc Ninh và năm 1938 ra Hà Nội học tại trường Thăng Long và đậu Tú tài toàn phần vào năm 1940.
Ngay từ khi còn học Đệ Tứ, ông đã dịch cuốn “Graziella” của Lamartine sang tiếng Việt, lấy nhan đề là “Hận ngày xanh”. Ông cũng dịch cuốn “Một nghìn một đêm lẻ”, đăng trong tạp chí Tân Dân của Vũ Đình Long. Kể từ khi viết văn, dịch sách, cộng tác với Tân Dân, ông lấy bút hiệu là Hoàng Cầm, tên của một vị thuốc đắng trong thuốc Bắc. Thân sinh của Hoàng Cầm là một nhà nho, thi không đỗ, về nhà dạy chữ Hán và mở tiệm thuốc bắc.
Năm 1944, do Thế chiến thứ II nổ ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê ở Thuận Thành. Tại đây, ông tham gia hoạt động Thanh niên cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động tại các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian, rồi giải thể. Diễn viên Tuyết Khanh đóng vai Kiều Loan trong vở kịch thơ Kiều Loan của ông đã trở thành người vợ đầu tiên của ông, sau một cuộc tình thơ mộng và cho ra đời một “tác phẩm” Kiều Loan bằng xương bằng thịt.
Tháng 8/1947, ông tham gia Vệ quốc đoàn ở Chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ đầu tiên. Năm 1951, ông được kết nạp vào đảng Cộng sản. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng Marxism về nghệ thuật, ông từ bỏ lối viết kịch thơ. Năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn Văn công Tổng Cục Chính trị, để phục vụ các chiến dịch. Trong thời gian này, ông nổi tiếng với các bài thơ “Đêm Liên hoan”, “Bên kia sông Đuống”, “Cót thóc”, “Con Đường”, “Về Kinh Bắc”, “Mưa Thuận Thành” …!
Tháng 10/1954, đoàn Văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn Văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Kịch nói.
Sau 1954, người vợ đầu Tuyết Khanh và con gái Kiều Loan di cư vào Nam. Người bạn đời thứ hai của ông là Lê Hoàng Yến được kết hợp sau đó vài năm.
Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Nhà Văn Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành, bởi lẽ ông đã quyết tâm “lột xác” để theo kịp đà tiến của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong Văn chương!
Nhưng từ năm 1953, sau khi ông được đi “tham quan” Cải cách ruộng đất,.Từ ngày ấy trở đi, Hoàng Cầm quay trở về với con người vốn có của mình để rồi ông trở lại viết kịch và thơ như ngày xưa.
Năm 1956, Hoàng Cầm hoạt động tích cực trong nhóm Nhân văn Giai phẩm và được anh em gọi đùa là “con ngựa chiến”. Ông đã viết nhiều bài trong Nhân Văn. Ngoài ra, Ông có viết 2 bài: thơ và kịch thơ rất đặc sắc. Đó là bài thơ “Em bé lên sáu tuổi”, đăng trong Giai phẩm mùa Thu, để tố cáo việc bao vây những gia đình địa chủ, khiến cho con cái của họ phải chết hết. Bài hai là vở kịch thơ “Tiếng Hát”,.
Người bạn đời thứ hai của ông là Lê Hoàng Yến được kết hợp vài năm sau khi thụ án vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Hai người mở quán nước ở Hà Nội để độ nhật qua ngày.
Những bút danh của tác giả: Hoàng Cầm, Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi
Một chút về tiểu sử về thi sĩ Hoàng Cầm để chúng ta thấy những thăng trầm, bất hạnh trên những quãng đường đời của nhà thơ tài hoa đất Kinh Bắc này …
Theo lời kể lại của Hoàng Cầm từ các tư liệu về câu chuyện bài thơ “Lá Diêu Bông” thì năm lên tám tuổi (1930), Bùi Tằng Việt trọ học trên thị xã Phủ Lạng Thương của tỉnh Bắc Giang. Chiều thứ Bảy, cậu bé đáp xe lửa chỉ có 10 phút về nhà tại cái phố ga xếp Như Thiết (Thiết Sơn), nằm trên quốc lộ số 1, chỉ cách Phủ Lạng Thương có 6 km, và cách Hà Nội đến 44 km. Nhà Bùi Tằng Việt có tủ thuốc Bắc của ông bố, có đôi bồ hàng xén của bà mẹ.
Một buổi chiều thứ Bảy, khi Bùi Tằng Việt về đến nhà thì thấy có một cô gái đang mua một món hàng gì của mẹ cậu. Vừa trông thấy mặt cô ta, cậu bé Việt choáng người lên như bị sét đánh, đúng vậy, đó là tiếng sét của ái tình! Cô gái đẹp đến mê hồn, khiến cậu bé yêu mê, yêu say! Cậu làm ngay một bài thơ lục bát “tỏ tình”, viết trên một trang giấy học trò trên có vẽ hoa, bướm, vài ngọn núi, một dòng sông, bằng mực tím, với hàng chữ nắn nót: “Em gửi Chị Vinh của Em“. Thứ Bảy tuần sau đó, về đến nhà, cậu tìm gặp chị để trao thư tận tay chị. Chị không mở ra xem, chỉ mỉm cười ra vẻ bí mật, rồi bỏ thư vào túi, không nói gì.
Từ đấy, cậu bé Việt không chỉ về nhà trong chiều thứ Bảy, mà còn về trong chiều thứ Tư nữa vì thứ Năm cũng nghỉ học. Do quá “si” chị Vinh, nên chị đi đâu, cậu bé cũng đi theo đó, và cũng chỉ biết gọi chị ơi chị hỡi… mà thôi, chứ biết nói gì hơn!
Cha chị Vinh, một nhà Nho, mất sớm, mẹ chị dẫn hai con: chị và em trai 4 tuổi lên cái phố xếp này, mở sạp hàng bán kẹo, bánh, nước chè tươi, nước vối, cả bánh đa, bánh đúc và bánh khoai nữa. Chị Vinh có biết võ vẽ chữ Nho, đọc thông Quốc ngữ, quê cũng gốc Tiên Du, nên hát quan họ rất hay làm mê lòng người giống như sắc đẹp của chị vậy! Chị Vinh thừa biết thằng bé con này nó mê đắm mình, nên chị thường hay cho cậu ngồi bên cạnh chị. Nhưng ngược lại, chị cũng hay trêu đùa cậu, khiến cậu nhiều khi cũng phải phát khóc lên.
Khi cậu bé Việt lên 12 tuổi (năm 1934), trong những đêm sáng trăng mùa Hè, mùa Thu, chị Vinh thường tập họp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi cả trai lẫn gái trên bãi cỏ sau ga, để hát ví, trống quân, hát ống, hát giao duyên, hát vấn đáp. Đặc biệt, với môn hát Quan họ, chị Vinh đáng là bậc thầy. Giọng của chị cao, trong vắt mà ngọt ngào biết bao! Lại thêm đôi mắt đẹp, buồn thăm thẳm với hàng mi cong và dài, đôi má luôn ửng hồng, đôi môi mọng đỏ màu hồng son, hàm răng hạt na đen nhưng nhức, khiến ai nhìn thấy cũng khó tránh khỏi phải xiêu lòng! Những đêm tháng Chín, tháng Mười, trời se lạnh, trên bãi cỏ, dưới gốc cây, đứng sát bên chị, cậu được hơi ấm từ người chị truyền sang, nên cảm thấy hạnh phúc vô cùng! Có những lúc cậu bé được chị ôm lấy vai, cậu vội ngả đầu vào người chị, khiến chị hình như cũng cảm thấy được sự ham muốn của cậu. Có một lần cậu được chị ôm vào lòng, nhưng cậu chưa bao giờ dám chủ động ôm người chị!
Trong dịp Noel năm ấy, sau vụ gặt tháng 10, cánh đồng bát ngát chỉ còn trơ gốc rạ. Đang đứng ở sân nhà, trông thấy chị Vinh mặc áo trắng, yếm cánh sen, váy lụa màu kiểu Đình Bảng chùng xuống đến mắt cá chân, chị rời sạp hàng của mình đi ra cánh đồng phía sau nhà. Việt vội vã chạy theo, như đã từng chị đi đâu em đi đấy suốt 4 năm qua! Chị tròn 20 thì em cũng đã 12. Em đã chạy theo chị, cách chị chỉ có ba bước, như đã theo chị đi về Kinh Bắc, lúc vào Vườn Ổi, lúc đánh Tam cúc, lúc lên ngọn sông Thương, lên tít ngọn Kỳ Cùng, lúc đếm Sao, đếm Nắng, đếm Giờ, em theo chị qua hội Hè, cho đến mùa rét năm 1934.
Và cái “Lá Diêu Bông” cũng bắt nguồn từ buổi chiều năm ấy, trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh những bốn năm ngày liền được về nhà. Trời xanh trong màn sương cực mỏng, không một gợn mây. Gió heo may se lạnh! Chị theo bờ ruộng, vạch từng búi cỏ, cắm cúi tìm kiếm. Bỗng chị Vinh quay phắt lại, nhìn vào mặt “thằng em” Việt cất lời mắng nhẹ “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẳng nhẳng mãi thế này nhỉ?”. Việt không trả lời, nhưng người thấy nóng ran lên và cảm thấy sung sướng vô cùng, vì như thế này là chị Vinh đã có chú ý tới em rồi. Chị bước lên gò có nhiều bụi cây dại, cuối xuống như tìm tòi một vật gì đó. Em hỏi chị tìm cái gì. Chị Vinh đã nhìn thẳng vào mắt Việt rồi trả lời:
-“Chị tìm cái lá…!”.
Việt không nhớ hay hoặc không nghe là chị Vinh gọi cái lá gì nữa. Rồi chị nói tiếp:
-“Đứa nào tìm được, ta gọi làm chồng...”.
Nghe nói thế, Việt cảm thấy vô cùng sung sướng vì biết rằng giữa em và chị đã có xuất hiện một tình yêu rất là mãnh liệt!”
“…Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng…”
Có thể từ bận đó Hoàng Cầm đã mải miết đi tìm. Tìm cho chị chiếc lá diêu bông và tìm cho mình hạnh phúc đợi chờ. Mãi vẫn là những ngày vụng dại mãi mãi là một tình yêu trong sáng của tuổi học trò. Chuỗi thời gian trong bài hát quả là đằng đẵng với những cuộc kiếm tìm.
…Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông…
Hai mươi lăm năm sau, câu chuyện đi tìm lá… của Chị Vinh mới hiện lại trong tim não, đúng hơn trong vô thức của nhà thơ Hoàng Cầm. Ông giải thích:
-“Khoảng 3 giờ sáng một đêm Đông năm 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ 6W, bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con những giường bên cũng đang ngủ say, tôi không gây một tiếng động khả dĩ làm mất giấc ngủ của những người thân. Chợt bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.
Tôi xoay người trong chăn về phía trái lấy ngay cây bút chì và tập giấy luôn để sẵn trên đầu giường ghi lại lia lịa trong bóng tối mờ. Rồi từng mẩu ký ức cứ hiện lên trong đầu tôi, hình ảnh người đàn bà, người Chị năm xưa cứ rõ nét dần để đi trọn hết bài thơ.
Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bổng lên, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau, nhìn lại thì có chỗ rõ đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ xóa mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua. Cái lá Diêu Bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết, thần linh đọc Diêu Bông thì tôi chép Diêu Bông, thế thôi!”.
Bài thơ Lá Diêu Bông ra đời như vậy đó! Nói có người không tin, nhưng tôi thiết nghĩ bây giờ khoa Tâm thần học, Vô thức luận hay Tâm linh học rất có thể lý giải được hiện tượng đó một cách rất khoa học”.
Sau cái buổi chiều chị Vinh đi tìm lá … đó, Việt quay lại nơi trọ học. Một tuần sau, cậu bé từ tỉnh về, nhìn sang nhà chị thấy cửa đóng im ỉm. Cậu vội hỏi mẹ bên nhà đó đi đâu. Mẹ cậu trả lời giọng như muốn khóc “Nó đi lấy chồng rồi, con ạ!”. Cậu òa lên khóc rồi gục đầu vào lòng mẹ. Cậu cũng không rõ là mẹ cậu có biết “mối tình” của cậu với chị Vinh không!
Về sau mẹ cậu có kể cho cậu biết là có một ông Quản khố xanh đi qua đây, trông thấy chị đã mê nhan sắc của chị. Chị bằng lòng lấy lẻ ông và ông Quản đã đưa cả mấy mẹ con về Phủ Lý quê của ông. Từ đấy, cậu không còn gặp được chị nữa!
Sau cái ngày chi Vinh đi lấy chồng, tình cờ một ngày Việt gặp lại chị Vinh. Hoàng Cầm kể:
-“Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đây. Năm đó (1940), tôi đã 18 tuổi, vừa thi đỗ Tú tài xong, đang sống ở Hà Nội. Nhân ngày nghỉ, có một người bạn ở Sen Hồ có người anh cưới vợ, đã rủ tôi về nhà chơi, luôn tiện ăn cổ cưới. Cổ bàn xong, chiều hôm đó tôi dạo ra phố Sen Hồ chờ tàu về Bắc Giang. Lúc đó tôi đã viết báo nên cũng có tiền. Tôi mặc bộ complet, thắt cà vạt, đầu đội mũ phớt, ra dáng người dân chốn thị thành.
Đang thả bộ đi dọc phố, chợt nghe có tiếng gọi:
-“Cậu Việt ơi!”.
Nghe giọng quen quen, tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái chõng bán nước chè. Tôi bước sang đường, chị Vinh mừng rỡ chạy ra, đặt hai tay lên vai tôi rồi kéo vào nhà nói chuyện. Bà mẹ chị đã già nhưng còn nhớ tôi, hỏi thăm cha mẹ tôi. Một lát sau bà bảo bà có việc phải đi vào làng, tối có thể không về, cậu cứ ở lại xơi cơm. Cậu em đã lớn cũng theo mẹ đi luôn. Hình như cả hai đều biết giữa tôi và chị Vinh còn có nhiều điều muốn nói với nhau. Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang lưng tôi. Tôi nhẹ nhàng khẽ gỡ tay chị ra. Chị kể cho tôi biết tình cảnh của chị sau khi lấy chồng. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Mấy mẹ con chị về Phủ Lý cũng vẫn tiếp tục buôn bán làm ăn. Nhưng dần dần, ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo người khác. Cuối cùng, ông đã đuổi mấy mẹ con đi. Gia đình chị không muốn trở về chốn cũ, nên đưa nhau về Sen Hồ.
Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc đã tàn phai. Bảy tám năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của chị năm tôi lên 10 vẫn còn đọng mãi trong tôi…”
…Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim…
Và cảm giác khi đánh mất chị như vẫn còn đi suốt đời thơ tôi:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời!…
… ới Diêu Bông!…
Cô gái quê ấy biết được mối tình si của cậu học trò nhỏ nhưng vẫn dứt áo ra đi lấy chồng để lại Hoàng Cầm ở lại cùng với bốn năm thắp mộng trong tim.
Đến cuối năm 1954, Hoàng Cầm đang là sĩ quan trong quân đội Bắc Việt, một hôm đạp xe qua phố Lò Đúc, Hà Nội, bỗng thấy người đàn bà khoảng 40, mộc mạc quê mùa đang ngước nhìn ông. Người đó là chị Vinh. Hai người nhận ra nhau. Chị nhìn ông, rồi bối rối, như muốn chạy trốn. Chị kêu lên: “Ôi chết, tôi phải đi vội!”. Chưa đầy một phút sau, chị đã biến nhanh vào đám đông trên đường phố rồi! Hoàng Cầm đã chết lặng vì xót thương! Người con gái Thuận Thành “long lanh mắt ướt” đâu còn tuổi xuân thì “thơm hơi ấm ổ rơm”, đâu còn lanh lảnh giọng hát Quan họ “rung suốt dây si, nhịp quá mê”. Chị đã chạy trốn quá khứ, chạy trốn kỷ niệm, mặc cho “gió quê vi vút gọi…!”.
“Lá Diêu Bông” theo như lời kể của Hoàng Cầm chỉ là một bài thơ viết sau câu chuyện tình một thời đã qua 20 năm. Nhưng khi Hoàng Cầm “dính” vào vụ “Nhân văn – Giai phẩm” thì giới Văn nghệ Hà Nội lúc đó “xì xầm” là bài “Lá Diêu Bông” mang tính “ẩn dụ” và diễn giải bài thơ này như lời oán trách của thằng “em” (giới văn nghệ sĩ) với bà “chị”(Đảng)! Đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” để đi lấy chồng… Vì vụ hậu “Nhân văn – Giai phẩm” mà Hoàng Cầm bị đi tù 16 tháng …
Cậu học trò ôm trọn trong trái tim hình ảnh người con gái quê có vẻ đẹp mê hồn, bảy mươi năm sau thi sĩ Hoàng Cầm tâm sự: “Trước mắt tôi chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất ất giáp quên cả đến học hành sách vở suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số 1 xê xế nhà tôi khoảng hai mươi mét nơi thiên thần cuả tôi ngồi bán quán nghèo phố nhỏ đìu hiu tỉnh nhỏ… Tôi phải lòng chị cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt bốn năm trời đến năm tôi mười hai tuổi thì chị đi lấy chồng.”
Có thể từ bận đó Hoàng Cầm đã mải miết đi tìm. Tìm cho chị chiếc “Lá Diêu Bông” và tìm cho mình hạnh phúc đợi chờ. Mãi vẫn là những ngày vụng dại mãi mãi là một tình yêu trong sáng của tuổi học trò. Chuỗi thời gian trong bài hát quả là đằng đẵng với những cuộc kiếm tìm.
*Lá Diêu Bông (toàn bài thơ)
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu Bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời…
… ới Diêu Bông…!
Hoàng Cầm – (tập thơ Về Kinh Bắc)
Quá cảm động trước mối tình bất tuyệt của người bạn Phạm Duy đã phổ nhạc cho bài thơ giữ nguyên gần như toàn bộ lời chỉ thêm vào đoạn cuối hai câu: “Em đi trăm núi nghìn sông! Nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờ…”.
Bài hát mang âm hưởng mới lạ và cũng hơi khó hát nên ít người thể hiện nhưng lại mang đầy đủ hồn thơ của Hoàng Cầm vào trong âm nhạc thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng tác giả thơ.
Người Pháp nhận xét: “Lá Diêu Bông” của thi sĩ Hoàng Cầm là một trong những bài thơ tình hay nhất của Việt Nam”
Đầu thập niên 1990 nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc cho bài thơ lấy tên là “Sao em nỡ vội lấy chồng” mang âm điệu dân ca. Tuy lời mới của Trần Tiến không có nội dung giống như câu chuyện tình thời thơ dại của Hoàng Cầm thế nhưng mối tình “Lá Diêu Bông” trong nhạc phẩm “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến đã góp một phần không nhỏ vào việc đưa hình tượng “Lá Diêu Bông” vào thơ và nhạc trong mấy năm qua và khiến chúng ta nhớ lại mối tình thời thơ ấu của thi sĩ đất Kinh Bắc tài hoa một thời – Hoàng Cầm…
Kèm theo bài biên khảo này, xin tặng các bạn yêu thơ Hoàng Cầm và nhất là bài thơ “Lá Diêu Bông” một clip gồm ngâm thơ Lá Diêu Bông, phổ nhạc Lá Diêu Bông của Phạm Duy và “phóng tác” Lá Diêu Bông với ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến …
Hoài Nguyễn – 28/9/2016.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.