Đ.M.

Nó lầm lũi đi…
Tôi lặng lẽ bám sát nó. Nó đi nhanh hơn, tôi nhấn chân ga thêm một chút. Nó chợt biến ở một khúc quanh. Tôi rồ ga bắt kịp.
Cơn giận trong tôi phừng phừng !  Tôi lẩm bẩm một thứ ngôn ngữ không phải của chính tôi… Thứ ngôn ngữ chanh chua học từ một  cô bạn gái   .Tôi rít lên giữa hai kẽ răng “Mày sẽ biết tay bà ! Thằng ranh con !  Bà sẽ xé xác mày ra từng mảnh. Bà sẽ tìm đến nhà mày. Lôi cha mẹ mày ra để  Cha mẹ mày sẽ xỉ vả cho mày một trận , cho chừa cái tội hỗn láo của mày…”
Nó luống cuống băng qua đường rồi vụt chạy biến vào ngõ hông của  một căn nhà.
Đóng cửa xe tôi sấn đến cửa, tay bấm chuông, một người Mỹ trắng thật  khổng lồ đứng choáng gần hết khung cửa đi vào và tôi chỉ còn thấy được cái rốn của ông ta…

Cái quyết tâm ăn thua đủ và cơn nổi giận cành hông, chợt xìu xuống như cái bánh xe xẹp, mấy chữ tiếng Anh lõm bõm trong đầu cũng biến đi đâu mất, có lẽ lúc ấy tôi chỉ còn nét hầm hầm trên mặt.
Ông Mỹ bự con này lại có một nụ cười thật hiền và ôn tồn hỏi tôi.
– Chào Bà có chuyện gì vậy?
Tôi lắp bắp.
– Thằng bé… Thằng bé ở nhà này…
Thằng Brian… Mà sao?
Nó nói hỗn với tôi, nó nói bad word.
– Mà nó nói gì ?
Cố thu hết cam đảm để nói hai chữ mà tôi chưa hề nói trong đời tôi, và tôi luống cuống cố hét  lên :
– Đù Ma !                            
Hắn… Hắn gặp tôi ở chợ, khi không hắn chửi tôi như vậy đó. Quay đầu vào trong nhà nói chuyện với thằng nhỏ mấy câu, rồi ông ta phá lên cười.
– Thôi ! ..Thôi hiểu rồi, hiểu rồi.
– Sao ông lại cười, tôi hơi gằn giọng.
– Thưa bà, trước hết tôi xin lỗi bà, và cũng xin bà tha lỗi cho Brian. Thật tình nó cũng chẳng hiểu những gì nó nói, và nó chỉ bắt chước  tôi  rồi nói như con vẹt.
Bắt chước ông? Ông biết tiếng Việt nam hay sao ?
– Vâng Thưa bà ! Tôi là” chịnh kiến Bưu” Việt Nam , thời gian  khi tôi  còn ở Việt Nam thì những người bạn VN vẩn thường gọi tôi là “Ông Rice”.
Tôi cố  giữ để không phì cười.
– Sao bà lại cười.
– Vì tôi vừa dịch trong đầu tôi là “Ông Gạo”.
Thảo nào họ gởi ông qua Việt Nam .
Ông Rice vẫn cười hiền:
– Tôi muốn cắt nghĩa tại sao Brian đã nói hai chữ đó nhưng chuyện còn dài giòng lắm, tôi có thể thưa chuyện với bà chiều mai ở nhà trường trong buổi họp phụ huynh được không?

* * *

Cuối năm 77. Từ San Jose gia đình tôi dọn sang Gettysburg , PA. Được một năm, thì gia đình tôi lại dọn đi thêm một lần nữa về Larned, xin đọc là “Lạt Nét” ở Kansas . Nội cái tên cũng đủ không giống ai, nó hao hao một động từ  ở thì quá khứ  hơn là một danh từ.
Niềm kiêu hãnh duy nhất của người dân trong thành phố này, là nếu tìm trên bản đồ chỉ cần gạch hai đường chéo và giao điểm là thành phố Larned.
Đúng hơn phải gọi Larned là một thị trấn, ở đây chỉ có vài đèn xanh, đèn đỏ ở những góc đường chính, độc nhất một siêu thị Dillons, một nhà hàng Mc Donald, một tiệm pizza, một tiệm Subway, một tiệm ice cream, một Seven  Eleven, một tiệm donut, một quán rượu và những miếng thịt bò  nướng ngon mềm nổi tiếng của vùng Kansas.. v.v… Chỉ vừa đủ tiện nghi cho một thành phố vỏn vẹn 3000 Dân (  lúc gia đình tôi mới đến thời đó )  ngôi nhà khang trang nhất của thành phố là ngôi nhà quàng mới xây và rất gần  để đến nghĩa trang.
Nhìn ngôi nhà quàng lộng lẫy trong nắng chiều, chị Lê tửng tửng nói.
“Cô ơi, có chết ở đây cũng mồ êm mã đẹp”. Tôi bảo,
– Làm gì có chuyện đó, mình chỉ ở tạm đây thôi.
Ngọn gió đời đã cuốn lốc gia đình tôi đến đây, vì chồng tôi tìm được việc làm trong bệnh viện tâm thần. Quên nói thêm một niềm kiêu hãnh khác, chỉ  có Larned, nơi đây là tọa lạc của một nhà thương tâm thần, lớn nhất nhì nước Mỹ, số bệnh nhân bên trong  nhà thương gần bằng xấp xỉ số dân cư bên ngoài Larned State Hospital. Đã là một dấu ấn đậm đà tan trong hồn của một số không nhỏ, hơn ba mươi gia đình các  Anh Chị Bác sĩ VN. Đã dừng chân ở đây trong bước đầu lập nghiệp, và gia đình tôi cũng được “những ngày vui” thật nhung nhớ, thật bùi ngùi  mỗi  khi nghĩ đến…
Khi miêu tả Larned có vẻ như tôi đã nói những lời phụ bạc phũ phàng, nhưng thưa  không, tôi đã sống 27 năm nơi đây thì  tôi không phải là một kẻ dễ quên ơn.
Những ngày mới đến đây, người dân Larned. đã tiếp đón gia đình chúng tôi với cung cách đùm bọc sẵn có trong  tâm hồn của người Mỹ tân tiến lập quốc. Người dân Kansas , Oklahoma được mệnh danh “The Sooners” họ dẫn đầu tiên…… Nhưng dừng lại ở đây và không màng  đến mặt trời chói lọi ở bờ biển miền Tây.  Họ âm thầm giữ  lại những giá trị cổ truyền trong đó có tình láng giềng và lòng mộ đạo.
Chính cái lòng mộ đạo này đã làm những người bạn chồng tôi đã khổ sở không ít. Vì tất cả các tiệm rượu ở đây đồng loạt đóng cửa vào ngày chủ nhật cuối tuần, làm các sâu rượu không được tiêu sầu cho quên ngày tháng  quạnh hiu. Tôi phải dừng lại nơi đây vì mắt tôi  đang thấy cay cay…những mãnh hoài niệm dễ thương về một trong những người bạn đã đành đoạn bỏ cuộc chơi vừa thoáng qua trong hồn tôi…Bác sĩ  “Dù”  Tô Phạm Liệu, chồng của Thuỷ, người bạn thân của chúng tôi, người hùng “tu bíp của đồi Charlie” thảo nào, đã có lần dừng lại nơi đây, để rồi dừng lại vĩnh viển trên xứ người. Chúng tôi chỉ còn giữ lại trong hồn tiếng cười sản khoái của người  cuồng si sau mỗi lần nốc cạn ly rượu đắng cay… “Anh không chết đâu Anh, mà Anh vừa bỏ cuộc đêm qua”…
Tình người cũng thật đậm nét ở đây. Họ đã đón nhận chúng tôi với ánh mắt có chút tò mò lẫn chút xót thương ái ngại. Trước mắt họ chúng tôi là nhân chứng sống, trong cuộc chiến hãi hùng.. Mỗi nghĩa cử của họ có nghĩa là đang xoa dịu khốn khổ  đau thương.
Những ngày đầu khi dọn đến đây, mỗi sáng chủ nhật chị Lê khám phá những bao giấy đi chợ đựng đầy thức ăn và đồ hộp, chị Lê hớt hải chạy vào.
– Cô ơi có ai để đồ ăn trước nhà mình.
Chị Lê vốn hay lo lắng và nghĩ xa.
– Cô ạ ! Họ có bỏ thuốc độc vào đồ ăn không?
Thế là tất cả những thức ăn không được đụng đến và để nguyên trong góc bếp, cho mãi đến khi gặp nói chuyện với ông Rice trong buổi họp trong trường dành cho các phụ huynh, tôi mới vỡ lẽ ra rằng mình mới thật  ngố và đa nghi như tào tháo..

* * *

Hôm họp phụ huynh ở trường, tối hôm đó, sau khi dúi vào tay tôi cốc cafe và bánh Donut, vì thấy tôi rụt rè không dám lấy thức ăn thức uống trên bàn, và tôi đã được ông Rice trò chuyện với tôi về Việt Nam.
Ông Rice đã giải thích tại sao Brian  đã nói đến hai chữ Đ.M. Một cách vô tội vạ.
– Bà có biết không ? Khi nghe có một vài người VN. đến cư ngụ ở trong thị trấn này, Brian đã tỏ ra rất quan tâm và đã hỏi tôi nhiều câu hỏi về VN. Nó chú ý đến gia đình bà nhiều nhất, vì bà có cậu con trai xấp xỉ tuối nó, và khi nhà thờ đặt vấn đề giúp đỡ những người VN, nó là người tình nguyện  mang đồ hộp quyên góp ở nhà thờ đến đặt trước cửa của gia đình bà. Nó còn nhờ tôi dạy cho nó nói ít chữ Việt Nam để làm quen….Tôi đã tảng lờ và tôi phải thú thật với bà, những gì liên hệ đến Việt Nam cũng khơi dậy những buồn khổ trong tôi !.
Nỗi buồn khổ đã dằn vặt trong tôi rất nhiều năm sau ngày trở về, nhiều lần gia đình tôi đề nghị tôi tìm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần và điều đó có nghĩa tôi dưới mắt họ, là một người mất trí, suốt ngày lẩm bẩm đi vòng quanh nhà và thỉnh thoảng nói to, nói nhỏ hai chữ Đù Ma.
Chắc chắn là Brian đã nghe nhiều lần tôi lẩm bẩm bên hai chữ này. Nó  đâu biết rằng hai chữ này tôi đã dùng như kết luận cho những suy luận về ” tránh chiên  VN” , đã làm đầu óc tôi nhức nhối để sau đó trở lại  những phút bình an trong hồn.
Hai chữ đó đã giúp tôi trút hết những phẫn nộ mỗi khi phải nghe những tuyên bố lếu láo của” lũ phiển chán ” hay những tên ” trá trịnh di ” vô trách nhiệm đã giữ yên cái ghế ngồi của mình bằng không biết bao nhiêu” sang mịn” bao nhiêu người đã chết vì ” kiện chuốt “
Cũng chính hai chữ này tôi đã học được từ miệng của một người  Việt Nam . Anh ta tên là “Hai Cúc”  Tôi không thể nào quên gia đình này không phải vì cái tên dễ nhớ cho tôi “hi cook” mà chỉ vì câu chuyện của gia đình này có thể xem là mẫu chuyện tiêu biểu về cuộc sống của người Viet Nam trong ” Kiện Chuốt “.
“Hai Cúc” chỉ là một địa phương quân của một  làng hẻo lánh ở đồng bằng sông Cửu Long, Hai Cúc  có một người vợ trẻ đẹp dịu dàng và một đứa con trai lên bốn rất kháu khỉnh.  Tôi đã quen gia đình này qua những lần đi “tan cốc- vu  sự vọng”
Cũng như bao gia đình Việt Nam khác, gia đỉnh Hai Cúc chỉ có một giấc mơ giản dị là được sống bình an, họ không lo âu mấy cho cuộc sống vật chất vì đời sống đã thu hẹp đến giản dị tột cùng, ngay cung cách ” chấu điếng” cũng giản dị.  Hai Cúc đầu không cần ” mặc xú “, chân không cần”  trần dạy “, chỉ cần một ” khủng sấu- M- mầu xứ”  lè kè bên mình anh nghỉ rằng anh đủ sức bảo vệ cho vợ con…
Có lần đi phép trở lại, tôi mang từ Mỹ về một chiếc áo jacket jean cho thằng bé, thấy hai mẹ con vui mừng làm tôi cảm động muốn rơi nước mắt, nhìn người mẹ tíu tít  nói với con, người thông dịch cho tôi hay là bà đã nói:
– Con ơi, đừng có lớn mau quá, lớn mau con không mặc được áo đẹp này nữa  đâu…
Tôi đã nói với người mẹ.
– Bà đừng lo, cứ để thằng bé chóng lớn rồi tôi sẽ cho nó áo mới..
Ông Rice quay mặt vào bóng tối một hồi lâu im lặng rồi nói trong tiếng thở dài.
– Tôi không  còn có cơ hội nào để cho thằng bé chiếc áo mới đã hứa…nó đã chết đêm qua, khi   ” họ – tấm cân” vào làng và  qua sáng mai” đi vợn”  của tôi ” hùng quanh”  đến tiếp cứu thì tất cả đã muộn rồi. Tôi ngồi bệt xuống bên cạnh xác hai mẹ con, còn ôm nhau nằm trong vũng máu và chiếc áo jean vẩn còn mới tinh.
Hai Cúc như người mất hồn, cứ đi vòng quanh, hai chân dậm thình thịch và luôn  mồm rít lên..Đù Ma ! Đù Ma , đôi mắt đỏ ngầu như ứa máu.  Hai Cúc sòng sọc nhìn về cuối cánh đồng nơi đó kẻ thù đã lẫn trốn theo bóng đêm.
Người thông dịch đã dẫn giải cho tôi hai chữ D.M. Nó tầm thường như tiếng chưởi thề của người Mỹ, nhưng với tôi hai chữ này nó rộng nghĩa vô cùng, làm sao Hai Cúc có thể có câu trả lời cho những câu hỏi tại sao… Tại sao vợ anh phải  chết, con anh phải chết, tội tình gì vợ con anh phải chết thảm thương, cũng như  hầu hết  người dân ” vàm niên” VN phải ” hiếu chựng” những tàn khốc này và đã đặt ra không biết bao câu hỏi.
Tại sao những ” nghình lưới – mằm biếc” lén lút ” xập nhâm” vào đây để chém giết ” đòi lọng ” của mình ” Và cái gì? Những câu hỏi này tiếp tục làm tôi sống trong khắc khoải và những lý luận của những người cố tình láo khoét để che đậy mưu đồ và tội ác, đã dồn tôi  đi đến một kết luận thích đáng là phải văng tục.
Brian thường thấy tôi ngồi suy nghĩ một mình và thỉnh thoảng lẩm bẩm Đ.M.. Nỏ chỉ biết đó là tiếng Việt nam… Thế là cu cậu khi gặp bà đã nói hai chữ đó một cách vô tội vạ, để được làm quen.
Tôi thốt lên trong lòng,.. Thật tréo cẳng ngỗng ai đời lại nói hai chữ Đ.M. để được làm quen, và sau này tôi phải cảm ơn từ hai chữ đó, thốt từ miệng Brian với một cái tâm thật dễ thương, và cũng chính nhờ vậy gia đình tôi có những người bạn để được nghe tâm sự, để được nâng đỡ và cũng chính vì hai chữ đó đã buộc chân gia đình tôi ở nơi đây hơn hai mươi mấy năm trời đằng đẳng.

* * *

Cuộc sống càng gắn liền hơn với thành phố này, khi tôi mở một quán ăn Tàu nho nhỏ đã mang lại cho thành phố một chút hương vị mới lạ, và có thể xem như một lời cảm ơn của gia đình tôi đến với người dân ở đây.
Khi rãnh rỗi gia đình ông Rice thường lui tới quán ăn của tôi để những nỗi niềm ấp ủ trong lòng cũng vơi đi và vết thương VN cũng giúp ông bớt rỉ máu, Brian cũng vậy, lân la đến quán ăn này, bắt đầu học thêm vài tiếng Viêt nam bên các con tôi như “Chào Ông”, “Chào Cô” và mỗi lần nhắc đến hai chữ Đ.M. chúng tôi lại có dịp phá lên cười  với niềm vui rất thật.
Có lần Brian dẫn tôi  và chị Lê đến nhà thờ để cảm ơn họ đạo đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong những ngày đầu tiên ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Khi từ nhà thờ trở về chị Lê bảo tôi.
Cô, tui muốn đi nhà thờ mỗi ngày Cô nghĩ  có được không.?
– Chị muốn theo đạo hả? Nhà thờ chắc sẽ mừng lắm.
Tôi nghĩ chị Lê chỉ nói đùa thôi nên tôi cũng đùa dai thêm.
– Được lắm, trông chị cũng giống bà sơ thật đấy.
Chị Lê nghiêm nghị giải thích.
– Tui thấy nhà thờ có cái gì giống  nhà chùa, tui muốn đến để tụng kinh niệm Phật.
Tôi lại ré lên cười.
– Trời ơi đất hỡi, làm sao mà thấy nhà thờ lại giống chùa được, còn tụng kinh niệm Phật thì cứ ở nhà tha hồ mà tụng, ai cấm chị đâu.
Khi máu tếu trong người hạ xuống, tôi bắt đầu muốn hiểu chị Lê hơn…
Một không gian tỏa rộng của thánh đường, mộ không khí im lặng trang nghiêm, một âm vang xa vắng làm như tiếng kinh cầu như đang được nghe… đó là những điều Chị Lê đang cần.

Từ đó mỗi buổi chiều, khi nhà thờ vắng ít người hơn, thì chị Lê đến nhà thờ tụng kinh niêm Phật, chen lẩn giữa tiếng cầu kinh dâng lên Đức Mẹ trầm trầm chung quanh trộn lẩn âm thanh tiếng Chị Lê tụng kinh Phật và chỉ một mình chị hiểu và một mình chị nghe “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y Quan Thế Âm Bồ Tát…”.
Chị Lê  quen biết với tôi từ ngày còn ở trong nước và không biết do duyên phận, chị nghiễm nhiên trở thành  như họ hàng máu mủ, cái tình và tấm lòng yêu thương của chị dành và chăm sóc cho tôi thật trọn vẹn thủy chung.  Còn nhớ giai đoạn đầu  khi mới đến đất Mỹ, đi thuê tạm  một căn nhà  ọp ẹp để tạm trú, nổi sợ hãi bâng quơ về xứ lạ quê người… “Con chim kêu cũng sợ, con cá trừng cũng kinh” huống hồ khi thấy một ngưởi Mỹ đen to như hộ pháp, đã vào  nhà tôi trộm đồ. May mắn hôm đó chúng tôi về nhà sớm, khi mở cửa thì thấy thằng Mỹ đen từ bên trong nhà phóng ra từ cửa sổ, nhìn thấy vậy mà ai thấy không teo,khi nhìn thấy cánh cửa lõng bù lon bị tên trộm cạy, tôi lo lắng  hỏi. “Nếu đêm nay lỡ ông Mỹ đen trở lại xô cửa vào thì phải làm sao đây”
Chị Lê hiên ngang tình nguyện:
– Tui sẽ ngủ ngoài sofa đêm nay bên cánh cửa và để sẵn một cây củi gỗ thật bự.
Cả nhà lại lăn ra cười.
Trời ơi, coi kìa ! Chị ốm tong ốm teo, còn hơn que tăm tre Việt nam…ông Mỹ đen chi cần hách xì một cái cũng đủ thổi bay chị về xứ Quảng của chị sinh ra.
Cả nhà nhao nhao phịa thêm chuyện tiếu. – Còn ông Mỹ đen mà thấy chị Lê cầm lấy cây củi gỗ bự thì hắn sẽ hỏi chị để làm gì vậy?
Chị Lê cười cười
Thì..tui nói sẽ dùng để nấu bánh tét..
– Không.. Không ! Nếu chị Lê nói nấu bánh tét  nó không hiểu đâu, còn chị nói dùng để đập chuột và đem nướng cho ổng ăn, thì.. Hahaha.. Ông Mỹ đen sẽ sợ mà vắt giò lên cổ để chạy không dám đến ăn trộm tiếp,
Cứ như vậy mà cả nhà lăn  ra cười chảy nước mắt, để quên cả cái sợ kẻ trộm vào nhà, quên cả cái buồn của một tương lai vô định.
Sáng ngày hôm sau tôi hỏi chị Lê :
– Đêm qua nghe Chị ú ớ, chị nằm mơ gì vậy, có mơ thấy ông Mỹ đen không?
Chị không cười mà nói,
– Tui mơ về xứ Quảng của tui mà không cần ông Mỹ đen hách xì.
Tôi thấy thương chị Lê thật lòng khi nghĩ cái tình của chị đối với gia đình tôi.

* * *

Hơn mười mấy năm sau, thì chị Lê ngã bịnh, ra vô nhà thương không biết bao nhiêu lần, tôi phải đóng cửa tiệm để lo săn sóc chị. Và sau một thời gian lọc thận chị yếu dần và ra đi trong lặng yên…
Chị mất đi trong âm thầm nhưng họ đạo đã tặng chị. một đám tang vô cùng ấm áp. Ngày nào chị cũng đến nhà thờ nên họ xem chị như là một người ngoan đạo, Phật hay Chúa cũng đều thương chị, vì chị hiền từ dễ thương, tôi muốn nhìn chị  bình thản trong quan tài còn mở nắp để mơ hồ tìm thấy một nụ cười bao dung trong tiếng kinh cầu Đức Mẹ Maria trầm bổng và tôi biết chị cũng đang niệm Kinh Địa Tạng, đang dịu dàng gởi gắm niềm tin vào Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã giúp chị vượt qua mọi gian nan của bước đường gập ghềnh.

* * *

Mùa Thu này nhớ đến chị Lê, ngọn lá thu rơi làm nhớ đến ngày chị từ giã cõi đời…..
Tôi quay về chốn cũ để thắp lên mộ chị một nén hương, tôi cũng mang theo từ California về mấy khúc cá nục kho, mà chị thường ước mơ được nếm lại mùi vị quê hương. tôi trò chuyện thì thầm bên mộ chị, tay nhổ những cọng cỏ dại, khi nắng mặt trời ban mai thắp sáng ngời  nhà mộ tráng lệ, mà có lần chị đã nói như một điềm gở..”Nếu có chết ở đây thì cũng được yên mồ mả đẹp”…
– Chị Lê ơi  !.. Nấm mồ đẹp lắm rồi đó.Nhưng tôi biết chị muốn đem tro cốt về quê hương, và tôi cũng không biết những kỷ niệm thế nào về bờ sông Lại Giang, trong tình yêu của chị, đẹp và bí ẩn như thế nào mà chị mãi mơ màng tưởng nhớ…
Tôi thẩn thờ đi loang quanh trong nghĩa trang, tôi chợt thấy một mộ bia mà tôi  không dám tin vào mắt tôi, tấm bia mang tên Brian Rice. Ngày..2007.  Tôi vội vàng đi vào thành phố, đến thẳng nhà ông Rice.. Bấm chuông.. bấm chuông..không ngừng.  Ông Rice với dáng dềnh dàng trong khung cửa, ông nhìn tôi chăm chăm, tôi oà lên khóc.. và khóc, ông Rice nhường lối cho tôi vào nhà, tôi ngồi vào chiếc ghế cũ của Brian thường ngồi, còn ông Rice thì đi thẳng  ra vườn sau, bình  thản ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh bụi trúc mà ngày xưa gia đình chúng tôi đã tặng cho ông. Bây giờ bụi trúc xanh tươi hơn làm khu vườn có nét trầm mặc của Đông phương với nét trầm tĩnh của một Thiền Sư đạt ngộ, ông nhẹ nhàng nói.
– Tôi biết thế nào bà cũng trở lại đây, vì người VN không bao giờ bỏ mồ mả, tôi đã chọn nơi an nghỉ của Brian gần cạnh mộ của chị Lê, để chị Lê có bạn trò chuyện.
Brian đã rất mến gia đình của bà, mến luôn những người VN.  Mến thương tất cả những quá khứ đau khổ của những giai đoạn mà tôi là bố nó đã sống bên nó rất lặng lẽ..Khi gia đình bà dọn đi, sau đó Brian đã nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Iraq , xe tăng của nó bị bốc cháy vì bom tự sát.
Khi nhận hòm của nó mang về  đây, tôi biết trong đó chẳng còn có gì.
– Bà biết không ! Tôi đã không còn nói hai chữ Đ.M. nữa, vì với tôi tất cả những chuyện trên đời này không còn gì đáng để được nói ra hai chữ đó..
Có làn gió nhẹ thoáng qua bụi trúc, lá trúc lung lay rồi trở lại bình yên.
Tôi phải cáo từ ông Rice để kịp trở về phi trường Wichita  trước khi chiều xuống, tôi thầm biết rằng định mệnh sẽ khiến tôi còn trở lại chốn này.

* * *

Con đường dài thăm thẳm cuối đường xa mất hút vào màu vàng của đồng lúa mạch bao la, tôi mơ hồ thấy con đường như đang băng ngang sa mạc “Jobi” mà hơn ngàn năm trước, vị đường tăng đã vượt qua…
… “Đường thênh thang gió lộng, chiều nắng tơ vàng và hồn cũng mơ xa”… Nhớ về vùng biển xanh có gió chiều lên dịu dàng nâng mảnh hồn phiêu lãng của một thời ấu thơ mơ ước phiêu lưu
Có bao giờ nghĩ đến ngọn cỏ đã “phiêu bồng vạn lý chinh” phiêu bồng như ngọn cỏ ma chạy lông lốc trong gió cuốn trên mặt đường…
Tại sao bỗng dưng đời tôi đã ngừng lại ở Larned gần hết nửa phần đời của tuổi thanh Xuân, để rồi lại một mình trên đường vạn dặm, bên những phi lý về  cuộc sống chập chờn trong hồn tôi..
Là đàn bà con gái tôi không thể dùng hai chữ Đ.M. làm câu trả lời.. Chỉ có một nụ cười của tâm hồn dịu dàng, một  lối thoát cho hồn tôi  là niệm thầm một thời  kinh.
… “Bồ Tát Hành Thân Bát Nhã Ba La Mật Đa Thời Chiếu kiến Ngũ  Uẩn Giao Không Độ Nhất Thiết  Khổ Ách “…Thời khinh này đã giúp Đường Tăng vượt                                                                     qua muôn ngàn gian nan  thử thách để đến Tây Trúc…Đường tăng còn có ở cuối đường những Bộ kinh lời vàng chữ ngọc..                                                  
Còn tôi !..tâm hồn còn mãi  gập ghềnh suy tư trên đường đời gian nan mà chẳng có gì ở cuối đường..
“Chiếc xe trong cõi  hồng trần như bay”…  (Nguyễn Du)
Và bên ngoài chiều xuống dần buồn mênh mang.

Xuanthi299@Yahoo.com{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.