Sóng Nước Rạch Gầm

Gió đưa con nước Rạch Gầm
Binh Tây Sơn đến ầm ầm sấm vang
Quân Xiêm đành phải tan hàng
Trả sông nước lại vạn ngàn dân Nam…

Cuối năm Giáp Thìn, 1784.
Những tia nắng cuối cùng của buổi chiều trải dài trên khúc sông vắng, mặt nước loang loáng ánh vàng.  Cảnh sông chiều hôm nay buồn như tâm hồn ông đồ Nghị trên con đò ngược giòng sông Lách.  Những gì ông nghe được hôm nay làm cho ông thật sự lo âu cho đất nước, dân tộc.  Tin từ vùng Kiên Giang, Hà Tiên đưa về cho hay quân Xiêm đã tràn vào đất Việt theo chân chúa Nguyễn Ánh.  Những người ủng hộ Nguyễn Ánh thì hoan hỉ vì nghĩ rằng đây là cơ hội để có thể giành lại quyền cai trị miền nam từ tay quân Tây sơn.  Nhưng ông Đồ thì lại có suy nghĩ khác trước tình hình nầy, ông đang lo lắng khi những người ngoại bang hùng hổ tràn vào đất nước  với gươm đao súng đạn.

Ông Đồ Nghị, tuy là một người mà giòng tộc đã bao nhiêu đời sống dưới thời chúa Nguyễn, nhưng hơn ai hết, ông Đồ nhận thức được nguy cơ từ việc quân Xiêm tiến vào đất nước.  Ông hiểu rằng, người Xiêm chỉ mượn danh giúp chúa Nguyễn để rồi khi xong việc sẽ lợi dụng thời cơ cướp lấy miền đất màu mỡ mà bao đời cha ông đã dày công khai phá nầy.
Lụa thấy cha ngồi trầm ngâm nhìn sông nước, nàng lên tiếng :

–  Mình về nhà luôn phải không cha ?

– Con cho cha về nhà, rồi sẵn con đi mời dùm cha Quốc cùng mấy anh em khác cho cha nghen.

–  Dạ.

Lụa cho tam bản rời vàm, vào con rạch nhỏ cho cha bước lên bờ rồi nàng lại lui ghe ra, tiếng muỗi đã bắt đầu vo ve trên đầu nàng.  Trời sắp nhá nhem tối và nàng hiểu rằng tình hình rất nghiêm trọng nên cha nàng mới gấp rút muốn gặp mọi người như vậy.  Quốc, là học trò của ông Đồ và cũng là hôn phu của Lụa, nhà Quốc cũng gần chỉ cách nhà nàng vài con rạch.

Mẹ mất sớm.  Lụa lớn lên trong tình yêu thương của cha và hàng xóm, láng giềng- những nông dân chất phác và kính trọng ông Đồ hết mực.  Trong vùng Trà Tân, Mỹ Tho nầy ai cũng biết ông Đồ và nhiều người đã cho con tới thọ giáo, làm môn đệ ông.  Tuy là nhà Nho, nhưng ông Đồ Nghị sinh ra trong một gia đình giòng dõi văn võ song toàn nên ông không chỉ dạy cho các môn đệ văn chương, chữ nghĩa mà ông chú trọng cả về binh pháp, võ nghệ.  Ông hiểu rằng trong thời buổi nhiễu nhương nầy, con người không những chỉ cần về chữ nghĩa mà còn phải có sức lực để khai phá và giữ gìn đất nước.

Chỉ tàn vài nén hương là Quốc cùng các anh em môn đệ của ông Đồ, khoảng vài chục người đã có mặt đầy đủ ở nhà ông.

–  Các con đã biết chuyện gì chưa ?

Các môn đồ nhìn nhau rồi Quốc lên tiếng :

– Thưa thầy, có phải Thầy muốn nói đến việc quân Xiêm tràn vào nước ta.

–  Đúng rồi, vậy chắc là các con cũng đã có nghe qua tin tức rồi.

–  Dạ, chúng con cũng đã có nghe qua, thưa Thầy.

–  Vậy thì các con nhận định sự việc nầy như thế nào ?

Mọi người xầm xì bàn tán nhưng chưa ai dám lên tiếng.  Ông Đồ cầm ly nước trà lên uống một ngụm rồi thong thả nói :

–  Các con nghĩ rằng sự việc nầy tốt hay là xấu ?

Ông không nói rõ là tốt hay là xấu cho ai, mà ông chỉ nói trống không như vậy vì ông muốn để các môn đệ nhận định sự việc như thế nào.

–  Quốc, con nghĩ  sao về chuyện nầy ?

–  Thưa Thầy, chúng ta là những người con dân chúa Nguyễn từ bao đời.  Nay Chúa Nguyễn quay về thì con nghĩ rằng chúng ta phải giúp Chúa phục quốc.

Có nhiều tiếng xầm xì nổi lên .  Ông Đồ lại quay sang một người đứng gần ông :

–  Còn Đồng, con có ý kiến gì không ?

Người tên Đồng, dáng vóc thấp nhưng vạm vỡ, nước da đen chắc nịch, nghe thầy hỏi thì vội cung kính trả lời :

–  Thưa Thầy, con e rằng người Xiêm không có ý tốt đối với chúng ta.

Ông Đồ gục gặt đầu, tay vuốt nhẹ chòm râu bạc rồi hướng về các học trò :

–  Chúng ta đúng là con dân Chúa Nguyễn, bao đời cùng chung khai phá mảnh đất màu mỡ phương Nam nầy.  ” Trai thời trung hiếu làm đầu ” , chúng ta đã là con dân chúa Nguyễn thì phải trung thành với chúa Nguyễn, đó là lý lẽ bình thường. Nhưng chữ ” Trung ” ở đây, còn có ý nghĩa cao xa hơn nữa. Vì triều đại thì có thể thay đổi nhưng đất nước muôn đời không thay đổi, luôn luôn là đất nước Việt yêu quí của tất cả người Việt chúng ta.  Vì vậy, chúng ta phải hiểu rõ và cân nhắc mọi sự việc xảy ra lúc nầy.

–  Vậy thì thưa Thầy, chúng ta phải làm gì trong lúc nầy ?  Chúng con có nên đầu quân giúp chúa Nguyễn hay không ạ ?  –  Một môn sinh tên Khiên hỏi ông Đồ.

–  Bây giờ hãy còn khá sớm để kết luận.  Nhưng các con phải chuẩn bị tinh thần và tích cực luyện tập, có thể đất nước sẽ cần tới các con trong những ngày tới.  Chúng ta là con nhà nông, chúng ta không vì tiền tài danh vọng mà ra tranh đua với đời.  Chỉ khi nào đất nước thật sự cần thì chúng ta sẽ hết lòng, sẽ đem tất cả sức lực cùng tấm lòng ra để phụng sự đất nước.  Mà đất nước đây là gì, chính là mảnh ruộng vườn cau, là con sông khúc lạch, là vợ con cha mẹ, láng giềng anh em, là những gì hiện hữu quanh ta từ bao thế hệ.

Những lời dạy của ông Đồ từng lời như thấm sâu vào lòng mỗi người.  Tất cả môn sinh cảm thấy rất là phấn khích , ai cũng sẵn sàng phục vụ và hy sinh cho đất nước, dân tộc thân yêu.

***

Hai vạn thủy quân Xiêm la đã đổ bộ chiếm Rạch Giá, Kiên Giang và đang trên đường tiến đánh Đạo Trấn Giang (Cần Thơ).  Tướng Tây Sơn-  Nguyễn Hóa quân ít chống cự không nổi đành phải lui binh để bảo toàn lực lượng. Ba vạn quân bộ Xiêm tiến chiếm An Giang, Đồng Tháp rồi hợp cùng thủy quân tiến đánh Sa đéc, Trấn Giang.  Thủy quân Xiêm còn  theo đường sông Ba Thắc tiến chiếm Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Nguyễn Ánh cùng các tướng Châu Văn Tiếp, Nguyễn Văn Thành… cũng gom góp được gần bốn ngàn quân cùng tháp tùng theo quân Xiêm.
Tin tức tới tấp bay về Đại bản doanh của Phò Mã Trương Văn Đa, là chủ tướng trấn thủ vùng đất miền Nam.
Phò Mã Trương Văn Đa đứng ngồi không yên, quân tướng quên ăn mất ngủ.  Các tướng Tây Sơn một mặt đem quân thủy bộ xuống vùng Long Hồ- Vĩnh Long để chận giặc, một mặt cấp báo khẩn  tình hình miền Nam về cho Triều Đình Tây Sơn để xin cứu viện.

——-

Ông Đội Cư – Đội trưởng trong đội quân của Nguyễn Ánh- đang lãnh nhiệm vụ tuyển mộ thêm nghĩa quân để giúp chúa Nguyễn.
Hôm nay ông về nhà và tập họp khoảng vài chục trai tráng cùng người dân trong thôn.  Ông cho biết Chúa Nguyễn đã trở về và nay mai sẽ khôi phục lại cơ đồ, và cũng cần tuyển mộ người để giúp nước, những người tham gia bây giờ sẽ được ghi công đầu.
Mấy hôm nay ai cũng đã nghe tin tức Chúa Nguyễn theo gót Quân Xiêm trở về Nam.  Mọi người xầm xì bàn tán, tuy là người dân miền Nam, là thần dân của chúa Nguyễn đã bao đời nhưng khi nghe quân Xiêm tràn vào đất nước thì hầu như đa số người dân đều không cảm thấy thích thú gì cả.  Đã bao đời, người dân miền Nam- mà cha ông họ là những di dân từ miền Bắc, Trung vào lập nghiệp- đã khai khẩn những vùng đất hoang vu lau sậy, đỉa mòng, rắn rít…thành những cánh đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú với nếp sống hiền hòa.  Nay bỗng dưng nghe có một đội binh ngoại bang đến trú đóng trên đất nước, ai cũng lo âu, không hiểu thời cuộc rồi sẽ ra sao.

Ông Đội Cư muốn Quốc-con trai của ông- sẽ dẫn đầu đám trai tráng trong làng gia nhập vào đội quân binh của Chúa Nguyễn.  Riêng Quốc thì chưa nhất quyết.  Lòng thì cũng muốn theo cha giúp chúa Nguyễn, nhưng thấy ý Thầy là ông Đồ Nghị chưa thuận nên Quốc cũng ngại, chưa biết phải làm như thế nào.
Ngày hôm đó, Quốc vì không muốn làm buồn lòng cha nên phải ghi danh đầu sổ tuyển quân dù trong lòng không có gì hăng hái cho lắm.  Chỉ còn vài ngày nữa là quân Xiêm sẽ tới vùng đất Trà Tân nầy, rồi ai  biết được chuyện gì sẽ xảy ra ?
Ông Đội Cư hôm đó cũng chỉ tuyển mộ được chưa tới mười người dù là ông đã cố gắng vận động hết sức.  Truyền thống gia đình ông đã bao đời phục vụ chúa Nguyễn nên việc ông làm cũng là chuyện bình thường, ai vì chúa nấy mà.  Nhưng người dân lần nầy thì họ có suy nghĩ khác, họ  chờ đợi quân Xiêm đến trong âu lo, có giống người nào lại tử tế với giống người khác đâu, bỗng dưng người ta đem quân tướng tới đóng trên đất mình thì mình phải lo trước đã.
Lực lượng quân Tây Sơn ít ỏi, không thể so sánh với đại quân Xiêm cả năm vạn người nên đành phải rút về lập phòng tuyến cố thủ ở Mỹ Tho chờ quân cứu viện.
Ở miền Trung, Triều Đình Tây Sơn được tin cấp báo, vua Thái Đức vội ra Triều, hội họp bá quan văn võ bàn kế chống giặc Xiêm.
Cuối cùng vua Thái Đức ban chiếu chỉ truyền cho Long Nhượng Tướng Quân Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái, thống lĩnh một vạn thủy quân đem chiến thuyền vào nam phá giặc.
Long Nhượng Tướng Quân phụng mệnh vội điểm quân, lo chuẩn bị chiến thuyền, kiểm tra vũ khí các loại.  Thời gian nầy, quân đội Tây Sơn đã được trang bị súng đại bác mua của Hòa Lan, các chiến thuyền cũng được gắn đại bác nên hỏa lực rất mạnh.
Tướng Soái quyết tâm, quân binh hừng hực.  Long Nhượng Tướng Nguyễn Huệ điểm hơn vạn binh ròng tinh nhụê khởi quân theo đường biển vào nam phá giặc. Thái Đức Hoàng Đế cùng các quan văn võ ra tận bến đưa tiễn với lời chúc khải hoàn.  Các tướng tháp tùng còn có Đô Đốc Võ Văn Dũng- người đứng đầu trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng và người thứ hai là Danh Tướng  Trần Quang Diệu cùng Phu nhân là Nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Quân Xiêm đã tràn lên tới Trà Tân, dân chúng sợ hãi ẩn nấp trong nhà không ai dám đi ra đường, chợ cũng không nhóm.  Chúa Nguyễn cho người đi phủ dụ dân tình, nên dần dần người dân bớt sợ và nhóm chợ, sinh hoạt đi lại như trước.  Quân Xiêm ban đầu còn giữ kỷ cương, chưa đến nỗi hiếp đáp người dân Việt, nhưng lâu dần thì sinh tật.  Chúng ỷ thế sức mạnh trong tay nên nghênh ngang ngỗ ngáo, không coi ai ra gì.  Gà vịt heo qué chúng muốn bắt lúc nào thì bắt.  Đàn bà con gái ra đường lúc đầu chúng còn trêu chọc, sau thì hè nhau mà bắt cưỡng hiếp.  Dân chúng ta thán, sợ hãi và căm thù quân Xiêm cực độ.
Nguyễn Ánh cũng đã nghe được những việc nầy và biết lòng dân không thuận lợi cho việc phục quốc nhờ vào sự giúp sức của quân Xiêm.  Trong các tướng của chúa Nguyễn, có Đô Đốc Chu Văn Tiếp là người mưu trí dũng lược, trị binh rất nghiêm nên rất được nể vì, cả quân Xiêm cũng phải kiêng nể ông.  Nơi ông đóng quân thì quân Xiêm không dám hó hé , nhưng ngoài vùng đó thì chúng tha hồ mà hiếp đáp lương dân, tiếng than bay thấu trời cao.
Giữa tháng mười năm Ất Tỵ (30-11-1784), Đô Đốc Chu Văn Tiếp dẫn thủy quân đi đầu tiến vào vàm Mang Thít.  Bên Tây Sơn đã có chuẩn bị nên Chưởng Tiền Bảo chỉ huy quân bao vây và giết Chu Văn Tiếp tại trận tiền, quân binh chúa Nguyễn tan tác chạy về báo tin.  Chúa Nguyễn thất kinh vì mất Đại Tướng nên ra lịnh cho đại quân vào ứng cứu, quân Tây Sơn it hơn chống không nổi, Chưởng Tiền Nguyễn Bảo bị tử trận.
Tướng Lê Văn Quân lên thay Chu Văn Tiếp đưa quân vào tiến đánh  Ba Lai (Bến Tre).  Quân Tây Sơn chống trả dữ dội, Chưởng Cơ Đặng Văn Lượng bị Tướng Tây Sơn Nguyễn Văn Kim hạ thủ, chính Tướng Lê Văn Quân cũng bị Tướng Lê Văn Kế chém trọng thương.  Quân Nguyễn Ánh phải rút lui về hợp cùng với quân Xiêm đóng dọc theo sông Tiền từ Cù lao Năm Thôn lên gần Mỹ Tho và đặt đại bản doanh ở Trà Tân, cách Mỹ Tho khoảng 15 cây số.  Quân thủy neo thuyền cặp theo sông Tiền, quân bộ đóng trên bờ làm thế ỷ dốc.
Từ ngày quân Xiêm về đóng ở Trà Tân, cuộc sống của cư dân bị đảo lộn.  Đàn bà con gái không dám ra đường hay đi ghe buôn bán như trước nữa mà chỉ cặm cụi trong nhà.  Vậy mà thỉnh thoảng cũng có người bị chúng cưỡng hiếp, ai chống lại thì chúng giết thẳng tay.

Quốc tuy đã đăng vào lính của chúa Nguyễn nhưng vẫn chưa thực sự gia nhập dù là cha chàng hối thúc.  Chàng còn muốn biết ý của Thầy như thế nào đã.  Chiều hôm đó, Quốc chèo xuồng tới rủ Đồng cùng qua thăm thầy.  Hai người vừa cậy ghe vừa nói chuyện, ý của Đồng thì không ủng hộ chúa Nguyễn vì đã đưa quân Xiêm vào đất nước, còn Quốc, tuy muốn theo cha giúp chúa Nguyễn nhưng lúc này thấy quân Xiêm lộng hành nên lòng còn do dự , chưa định liệu được.
Bóng chiều đổ xuống trên Vàm Cón, hoàng hôn tím thẫm sau rặng dừa nước bạt ngàn, tiếng chim chiều từng đàn ríu rít về tổ…
Đồng và Quốc cho ghe rời vàm để vào con rạch Chèo Chẹo, chiếc ghe khéo léo luồn lách giữa những nhánh bần gie ra rạch và tiến vào trong xóm.
Bỗng nhiên có tiếng cười hô hố của nhiều người, tiếp theo là có tiếng la kêu cứu của một người con gái.  Quốc thất kinh vì nghe qua thì biết ngay đó là tiếng của Lụa, hôn thê của chàng.  Hai người vội vã chèo và khi thuyền chưa cập vào bờ thì cả hai đã thấy một tốp gần chục tên lính Xiêm đang bao quanh trước nhà ông Đồ Nghị. Hai người con gái trong xóm bị chúng bắt trói tay đang cúi gằm mặt khóc.  Một tên lính Xiêm đang kéo xệch Lụa từ trong nhà ra dù nàng cố níu trở lại.  Đồng và Quốc, trong tay không có vũ khí, hai chàng vội rút hai tay chèo ra khỏi gay rồi nhảy lên bờ.
Đám lính Xiêm không ngờ tai họa đã tới với chúng ngày hôm nay .  Đồng và Quốc như hai con cọp dữ giữa đàn dê, tuy chỉ với hai cây chèo nhưng hai người bất thần ập vào khiến đám lính Xiêm chỉ có đao ngắn, trở tay không kịp.  Chỉ sau vài phút tả xung hữu đột, hai người đã hạ gục hết bảy tên lính Xiêm gian ác, đứa dập đầu, đứa gãy tay…nằm la liệt ngoài sân nhà ông Đồ.  Lụa tuy là gái, cũng tham gia vào trận đánh.  Khi tên lính Xiêm bị Quốc tặng một chèo vào đầu gục xuống và buông nàng ra thì nàng chạy vội vào nhà chụp cây chày vỗ thủ sẵn ngay cửa.   Một tên rút đao nhảy vào phía cửa nhà đứng thủ, vì phía ngoài là hai cây chèo của Quốc và Đồng múa vun vút. Lụa đang đứng trong nhà, thấy tên này nhảy lại đứng xây lưng ngay chỗ nàng nên nàng tức thì nện liền một chày vồ vô đầu làm hắn đổ gục xuống. Tuy là gái, nhưng ông Đồ cũng cho nàng tập luyện chút đỉnh võ nghệ, lại thêm thường ngày nàng giã lúa, chèo ghe nên hai tay nàng rất mạnh, ” Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”.
Trong nhà, ông Đồ vì chống cự đã bị chúng đánh bất tỉnh. Lúc này, ông cũng đã tỉnh lại và được Lụa săn sóc.  Ông cũng đã hiểu ra sự việc nên vội vàng bảo mọi người :

–  Chúng ta phải cấp tốc rời nơi nầy vì chúng sẽ kéo tới bây giờ.  Sang gọi cả xóm nầy cũng phải đi gấp kẻo không yên với chúng.

Đồng và hai cô gái vừa được cứu vội chạy sang các nhà hàng xóm, xóm nầy chỉ có tám nóc gia nằm dọc theo con rạch.  Mọi người vội vã gom đồ tế nhuyễn rồi cùng xuống ghe rời xóm.
Lụa cũng lật đật gom góp quần áo, mùng mền.  Quốc vơ tất cả sách của thầy cho vào tráp rồi cùng nhau vội vã xuống ghe chèo đi.
Một đoàn gần chục chiếc ghe âm thầm ra đi khi màn đêm vừa buông, tiếng cuốc buồn buồn vang lên càng làm thảm sầu lòng dạ những con người nông dân chân chất phải đành rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn một đời yêu dấu ra đi.  Ông Đồ Nghị dẫn mọi người rời xa Vàm Cón, vòng vo len lách vào những con rạch nhỏ mà chỉ có người điạ phương mới biết được, đi về phía Gò Công là quê vợ của ông, để né tránh sự trả thù của quân Xiêm.
Dân làng Gò Chiêm, đã biết tiếng ông Đồ từ lâu, nghe tin thì mọi người đều ra tay giúp đỡ, chia xẻ nhau trong cơn hoạn nạn.  Các gia đình tản cư đều được chia nhau ra ở cùng với những người địa phương, lá lành đùm lá rách.
Nơi đây, là vùng “tự do”, không có bóng dáng quân Xiêm nên mọi người không còn phải sống trong cảnh phập phồng sợ hãi nữa.  Vài hôm sau, Đồng và Quốc cùng trở về Chèo Chẹo, đợi trời tối tấp vô xem xét tình hình.  Mùi khen khét vẫn còn đâu đây, cả xóm nhà đã thành đống tro tàn, không còn cả tiếng chó gà…vài tiếng ễnh ương nghe não nuột.
Đồng và Quốc vội về xem gia đình thế nào, bên mấy xóm kia thì nhà cửa im thin thít, không ai dám héo lánh ra ngoài.  Mẹ Quốc cho biết rằng hôm sau đó quân Xiêm đi lùng bố và bắt đi một số trai tráng, phụ nữ còn ở lại, nhưng đa số thì đã nghe tin và lánh xa hết.  Bà đang lo cho con thì Quốc trở về, bà thật là vui mừng hỏi con đi đâu mấy ngày nay.  Quốc thuật lại mọi chuyện rồi cho mẹ hay là chàng phải đưa thầy đi lánh nạn gấp nên không cho mẹ hay kịp.
Chà̀ng cũng cho mẹ hay là vài hôm nữa chà̀ng sẽ gặp cha để gia nhập vào quân binh của chúa Nguyễn.  Mẹ chàng cũng bằng lòng vì mấy hôm nay ông Đội cũng thúc giục bà nói cho Quốc đăng vào quân chúa Nguyễn.   Ông Đội Cư rất bằng lòng vì thấy Quốc đã dẫn hơn chục trai tráng cùng về đầu quân cho chúa Nguyễn.  Những ngày sau đó, Quốc và các bạn mới gia nhập đội quân chúa Nguyễn đã hoạt động rất hăng hái.  Họ dạy võ nghệ cho những người khác, rồi còn cùng nhau đi tuyển mộ được thêm cả trăm người nữa về đầu quân.  Với công trạng như vậy nên Quốc được lên chức Đội và chẳng bao lâu lên Quản Cơ, coi một lúc nhiều Đội quân.  Quân Xiêm tuy đông, nhưng dù sao cũng lạ nước lạ cái nên cũng phải cần kết hợp với quân bản bộ của chúa Nguyễn.  Hàng ngày, Chiêu Tăng và Nguyễn Ánh vẫn cho người qua lại trao đổi tin tức và ý kiến tình hình.  Nhờ vào sự hoạt động năng nổ mà Quốc đã được chúa Nguyễn tin dùng và giao cho nhiệm vụ giao lưu với chủ tướng Chiêu Tăng của quân Xiêm.  Quốc cũng rất khéo léo trong giao tiếp nên rất được lòng Chiêu Tăng và các tướng sĩ Xiêm la.  Dần dần, Chiêu Tăng đã rất tin dùng Quốc và hay hỏi ý chàng về việc đối phó với quân Tây Sơn.

Ngày qua ngày, quân Xiêm càng lúc càng lộ rõ bản chất của một đội quân xâm lược.  Chúng hầu như không còn nể nang gì ai nữa cả, ngay với chúa Nguyễn cũng vậy.  Chúng làm đủ mọi chuyện hiếp đáp dân lành, từ bắt gà bắt vịt cho tới đàn bà con gái khiến chẳng ai dám ra đường.  Đến nỗi Nguyễn Ánh phải thốt lên : “Nay thì Xiêm binh tự do cướp giật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già trẻ. Vậy nên, “giặc” Tây Sơn ngày một mạnh, thế quân Xiêm ngày một suy. “

Ông Đội Cư, tuy là một lòng trung thành với chúa Nguyễn nhưng hàng ngày chứng kiến sự hung tàn của quân Xiêm nên trong lòng dần nảy sanh bất mãn.  Ông thầm nghĩ, mình không quản gì sức lực công lao để giúp chúa Nguyễn với hy vọng là giúp dân, giúp nước.  Nhưng hiện giờ thì ông phải nhìn cảnh hà hiếp lương dân mỗi ngày nên buồn rầu sanh bệnh.  Cuối cùng ông xin về nhà để chữa bệnh, không còn tham gia vào binh đội của chúa Nguyễn nữa, riêng Quốc thì vẫn còn ở lại.

́
Vào khoảng cuối năm Giáp Thìn, tức đầu năm 1785, đại quân của Long Nhượng Tướng Quân Nguyễn Huệ vào đến miền nam và đóng đại bản doanh ở Mỹ Tho.
Nguyễn Huệ lập tức không bỏ phí thời gian, họp các tướng và phân chia mọi việc ngay trong ngày đầu tiên. ” Cứu binh như cứu lửa” và chiến thuật “tốc chiến, tốc thắng” của vị anh hùng cái thế lại được áp dụng.  Hơn ai hết, Nguyễn Huệ hiểu rằng nhà Tây Sơn đang ở trong cái thế ” thù trong, giặc ngoài ” .  Nơi đây, miền nam đang bị quân Xiêm xâm lược đe dọa chủ quyền của cả một vùng đất đai trù phú mà ông cha ta đã bao đời khó nhọc khai phá, phía Bắc thì quân Trịnh lăm le vào tấn công nếu biết được quân tinh nhuệ đang bị kẹt ở miền nam.  Vì vậy ông phải cố gắng giải quyết chiến trường càng nhanh càng tốt để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.  Trước tiên, ông cho người đi dọ thám kỹ lưỡng tổng thể tình hình quân địch.  Khi biết được quân Xiêm đóng quân và phòng bị rất kỹ ở Trà Tân, quân địch lại thường hiếp đáp dân lành. Ông liền dùng kế mua chuộc, cho người đem vàng bạc, lễ vật tới để cầu hòa cùng Chiêu Tăng.  Quân Xiêm nghĩ rằng quân Tây Sơn đã có phần e sợ chúng nên tỏ ra hống hách, khinh thường và đó cũng là con đường đưa chúng tới chỗ chết.  Một mặt, Nguyễn Huệ cho người đi chiêu hiền đãi sĩ, tìm những người tài, có tiếng tăm ở địa phương để ra giúp ông đánh đuổi quân Xiêm, giữ gìn bờ cõi.
” Đất có Thổ công, sông có Hà bá”.  Vị tướng quân tài ba hiểu rằng muốn đánh thắng quân Xiêm một cách nhanh chóng thì phải có sự hậu thuẫn, giúp đỡ của nhân dân địa phương là những người am hiểu địa thế nhất.
Rồi thì ông Đồ Nghị, một danh sĩ bậc nhất của miền nam, được mời giúp ý kiến.  Ông Đồ Nghị đã nghe danh Nguyễn Huệ từ lâu là một bậc anh hùng chinh nam dẹp bắc, nay ông càng phục hơn khi được diện kiến.  Những nhận định sắc bén, cùng với lòng yêu nước và kế hoạch quân sự chặt chẽ đã hoàn toàn chinh phục ông Đồ.  Nguyễn Huệ đã nhận định rằng không nên tấn công vào đại bản doanh của quân Xiêm ở Trà Tân vì nơi đó quân lực chúng hùng hậu, phòng bị kỹ lưỡng.  Chiến trường tiêu diệt quân Xiêm sẽ là một chiến trường do quân ta lựa chọn và làm chủ tình hình.  Nguyễn Huệ bàn định với các tướng sẽ nhử quân Xiêm ra khỏi vùng đóng quân quen thuộc của chúng và dụ cho chúng rơi vào trận địa mai phục của ta.  Nếu thực hiện thành công, chúng ta có thể tiêu diệt quân Xiêm chỉ trong một trận giao tranh.  Ông Đồ Nghị được tham khảo ý kiến và ông đã đề nghị vị chủ tướng Tây Sơn đi quan sát địa thế khúc sông Rạch Gầm- Xoài Mút, theo ông Đồ thì đây là nơi có thể thực hiện kế hoạch trận địa mai phục của Nguyễn Huệ.  Ngày hôm sau, Nguyễn Huệ cùng các Đô Đốc Võ Văn Dũng, ông Đồ Nghị cùng các tướng ăn mặc như thường dân, đi khảo sát thực địa đoạn sông Rạch Gầm – Xoài Mút mà ông Đồ đề nghị. Vị trí khúc sông nầy thật là lý tưởng, không quá gần vùng quen thuộc của quân địch, mà cũng không quá xa để chúng có thể sinh nghi.   Nhìn đoạn sông rậm rạp lau sậy hai bên, lại có những đoạn có cù lao ở giữa rất thuận tiện cho phục binh, vị chủ soái gật gù đắc ý.
Mệnh lệnh được ban ra, và mọi sự chuẩn bị cho một trận chiến quyết định được thực hiện trong âm thầm.  Để thực hiện kế hoạch đưa súng thần công ra cù lao Thái Sơn và hai bên bờ Rạch Gầm, Nguyễn Huệ đã nhờ vào uy tín của ông Đồ để vận động dân chúng góp sức và nhất là giữ bí mật cho kế hoạch quân sự nầy.   Ông Đồ Nghị đã đi đến từng nhà dân giải bày cho họ hiểu vì sao phải chiến đấu chống quân Xiêm và khi mọi người hiểu ra thì ai cũng hết lòng đóng góp công sức để mong sớm đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Chỉ trong vòng mươi ngày, mọi việc đã được chuẩn bị đâu vào đó.  Long Nhượng Tướng Quân cùng các tướng đi khảo sát lần cuối cùng.  Nếu đi trên ghe thì không thể nào phát hiện những khẩu thần công đã được bố trí dọc bờ và ở những cù lao giữa sông, mọi người đều hài lòng.
Về kế hoạch cho trận quyết chiến, vấn đề chính là làm sao dụ cho được đại quân địch vào khúc sông nầy.  Hằng ngày, chủ soái Nguyễn Huệ cùng các tướng và ông Đồ bàn luận kế hoạch, về sự lèo lái những diễn biến của trận đánh.  Khi mọi người đã cùng nhau đồng ý và không còn gì gút mắc nữa thì chiến dịch được bắt đầu đem ra áp dụng.
Khởi đầu chỉ là những sự khiêu khích nhỏ của thủy quân Tây Sơn với khoảng vài chục chiếc tàu chiến.  Đây là chiến thuật chọc tức và cũng để xem quân địch hành quân như thế nào, tức là lối đánh thăm dò như hai võ sĩ mới lên đài thường áp dụng.  Nhưng quân Tây Sơn, binh tướng đều dạn dày chiến trận và có chiến lược rõ ràng.  Còn quân Xiêm, binh tướng từ ngày qua đất Việt như đi vào chỗ không người nên chỉ lo ăn chơi hưởng thụ, chỉ ỷ lại vào quân số đông đảo mà không có kế hoạch gì cả.  Thủy quân Tây Sơn thường chờ trời tối, âm thầm tới gần trủy trại quân Xiêm tập kích, tiêu hao lực lượng địch.  Mỗi lần như vậy, quân Xiêm lại ồ ạt truy đuổi với số lượng đông gấp mấy lần quân Tây Sơn.  Nhưng lần nào cũng vậy, những chiến thuyền Tây Sơn đã biến mất không dấu vết và quân Xiêm đành tức tối trở về.

Ngày G, ngày quyết định đã tới.

Nguyễn Huệ triệu tập cuộc họp cuối cùng trước khi xuất quân cho trận chiến cuối cùng.  Tất cả cả đều thề quyết chiến giữ gìn non sông, bảo vệ giống nòi trước quân xâm lăng.  Đô Đốc Võ Văn Dũng chỉ huy thủy quân, Đô Đốc Trần Quang Diệu và phu nhân, Nữ tướng Bùi Thị Xuân chỉ huy quân bộ, Long Nhượng Tướng Quân Nguyễn Huệ tổng chỉ huy mặt trận.  Tướng sĩ một lòng, quân binh hừng hực xuất quân.  Trên bờ, thần công sắp sẵn, dưới nước, gươm giáo lăm lăm.  Lễ xuất quân chỉ đơn giản để tránh tai mắt địch nhưng tinh thần tướng sĩ đều một lòng quyết chiến, thề tiêu dịch quân xâm lăng.

Đêm 18/1 năm 1785 tức là đêm mồng 8 tháng chạp năm Giáp  Thìn, hàng trăm chiến thuyền của Tây Sơn bất ngờ tấn công vào thủy quân Xiêm tại Cù lao Năm Thôn.  Chiêu Tăng hay tin vội huy động đại quân phản công.  Bên phía chúa Nguyễn, quân chúa Nguyễn cũng sẵn sàng tham chiến bên cạnh quân Xiêm.  Quản Cơ Quốc lại được Chiêu Tăng tham khảo ý kiến.  Quốc khuyên Chiêu Tăng nên nhân cơ hội nầy dồn toàn quân tiêu diệt quân Tây Sơn, vì so sánh lực lượng thì quân Xiêm có tổng cộng năm vạn binh thủy bộ, ba trăm chiến thuyền, thêm vào mấy ngàn quân của chúa Nguyễn, trong khi quân và chiến thuyền của Tây Sơn đều chưa được phân nửa số lượng của quân Xiêm.  Chiêu Tăng thuận ý, vì cũng muốn thắng quân Tây Sơn nhanh chóng, sợ để lâu càng thêm khó, nên vội huy động toàn thể quân thủy bộ giao chiến cùng quân địch.  
Thủy binh Xiêm, sau khi bị bất ngờ lúc đầu đã dần giành lại thế chủ động nhờ quân số áp đảo.  Tất cả ba trăm chiến thuyền Xiêm la cùng ba vạn quân bộ trên bờ cùng truy đuổi quân Tây Sơn về phía Mỹ Tho, quân Xiêm nhất định làm cỏ quân Tây Sơn trong trận quyết chiến nầy.

Thủy quân Tây Sơn vừa đánh vừa rút, dẫn dắt địch vào vùng mai phục.  Sang khoảng đầu canh năm, rạng ngày 19/1 thì trọn bộ 300 chiến thuyền Xiêm la lọt vào mai phục trận trên khúc sông dài 7 cây số.

Tiếng pháo lệnh bỗng nổ vang trời.  Hai đoàn chiến thuyền từ hai đầu Rạch Gầm đổ ra kềm quân Xiêm ở giữa.  Cùng lúc là những tiếng nổ long trời của những khẩu thần công từ hai bờ sông Tiền, trên cù lao Thái Sơn, Bãi Tôn, cồn Bà Kiểu, Rừng Dừa đồng loạt khai hỏa trực diện vào 300 chiến thuyền Xiêm đang lênh đênh giữa sông.  Quân Xiêm bị đánh rát hai đầu, ở thế gọng kềm, đoạn giữa thì đang làm bia cho những khẩu đại bác khạc đạn dữ dội, tình thế tiến thối lưỡng nan.  Chợt từ trong những con lạch nhỏ, từng đoàn thuyền chiến Tây Sơn lại ùa ra tấn công nhằm chia cắt đội hình quân Xiêm.   Thủy quân Xiêm còn đang bối rối thì những con thuyền nhỏ chở đầy bổi khô tẩm dầu do những cảm tử quân Tây sơn chèo gần lại và cho phóng thẳng vào tàu Xiêm trước khi  phóng xuống nước.  Nhiều chiến thuyền Xiêm la bốc cháy đỏ cả một khúc sông làm cảnh tượng trận chiến càng thêm bi tráng.
Nguyễn Huệ ở trên soái thuyền quan sát trận chiến và ra hiệu lệnh kết hợp thủy bộ quân chiến đấu nhịp nhàng nhưng dũng mãnh.  Quân Tây sơn càng đánh càng lên tinh thần, trong khi quân Xiêm chỉ lo chống đỡ để tìm đường chạy thoát thân.  Đoàn thuyền của quân chúa Nguyễn ở phía sau bị chia cắt với quân Xiêm thấy tình thế không xong vội quay đầu rút lui, bỗng một loạt pháo nổ vang, cờ hiệu trên gần một nửa số thuyền đã thay đổi : cờ đỏ đen của Tây sơn đã được giương lên thay cho cờ của chúa Nguyễn cùng với tiếng hô diệt Xiêm vang trời.  Quân tướng chúa Nguyễn rụng rời vội quay đầu bỏ chạy.  Quản cơ Quốc chỉ huy đội tàu này phối hợp cùng quân Tây sơn tiêu diệt những toán quân Xiêm trên đường rút chạy.
Trên bộ, vợ chồng Danh tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân chỉ huy bộ binh tiêu diệt những toán quân Xiêm lọt ổ phục kích.  Ba vạn quân bộ xiêm bị đánh tan tác, mạnh ai nấy chạy.

Khi những ánh nắng đầu tiên loang loáng trên mặt nước sông Tiền thì trận chiến cũng vừa kết thúc.  Toàn bộ
300 chiến thuyền Xiêm la cùng 2 vạn thủy quân bị đánh tan tác, lớp chết lớp bị bắt làm tù binh.  Trên bộ thì ba vạn bộ binh Xiêm chỉ còn lại gần 1 vạn cùng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy thoát thân về ngã Chân lạp để tìm đường về Xiêm.  Chúa Nguyễn Ánh cùng số tàn quân chạy về được Trấn Giang rồi chạy qua Xiêm nương nhờ.  

Chiến thắng vang lừng đó, quân Tây sơn đã hoàn thành trong một đêm, thể hiện sự chỉ huy cực kỳ tài giỏi của Nguyễn Huệ và các tướng, cũng như tinh thần chiến đấu của quân sĩ và sự đóng góp của dân chúng địa phương.
Ngày hôm sau, Long Nhượng Tướng Quân mở tiệc khao quân mừng chiến thắng,  các tướng sĩ đều được ghi công.  Ông Đồ Nghị và Quốc được đặc biệt tuyên dương trước mọi người vì đã làm tốt chiến tranh địch vận.  Nhờ uy tín ông Đồ mà người dân đã một lòng chung sức với quân ta để đánh đuổi ngoại xâm.  Nhờ vào sự khéo léo của Quốc làm thêm công tác địch vận mà Chiêu Tăng đã mang cả đoàn quân Xiêm vào ổ phục kích và bị tiêu diệt.

Chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút là một chiến thắng vang dội đầu tiên  của quân đội Tây Sơn đối với một quân đội đến từ nước ngoài.  Chiến công nầy cũng khẳng định thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, tính từ ngày ông đưa quân tới Mỹ tho tới ngày chiến thắng quân Xiêm chỉ vỏn vẹn có vài mươi ngày.  Thật khó tưởng tượng một ai khác có thể làm được điều đó tốt hơn và cũng từ đó :

“Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như sợ cọp”*

***

Xóm Chèo Chẹo hôm nay thật vui với hai đám cưới cùng lúc.
Nhà ông Đồ Nghị trang hoàng kết hoa, bà con ở xa lại, láng giềng gần bước qua, vừa phụ giúp vừa chuyện trò nhộn nhịp.
Bên hàng xóm, chỉ cách nhà ông Đồ hai căn là nhà ông Tư Chơn, cũng nhộn nhịp với lễ vu quy của cô An, con gái của ông.  Chàng rể không ai khác hơn là Đồng, môn đệ của ông Đồ và cũng chính là người đã cứu An khỏi tay quân Xiêm ngày nọ.

Đâu đây tiếng vui đùa của các em bé hòa lẫn trong tiếng chim hót ban mai.  Nắng vàng nhè nhẹ trải dài trên sông nước miền nam mến yêu…{jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.