Tuổi thơ tôi

Năm tôi bốn tuổi rưỡi, tôi được mẹ đem về nội nhưng mà chỉ ngủ với mẹ có  hai đêm rồi những ngày tháng sau đó và cả gần hai năm sau  tôi phải ngủ với nội. Lúc ấy tôi cứ dán mắt nhìn vào buồng nơi có mẹ trong đó mà khóc tấm tức, mà ước mong mẹ sẽ ra bồng vào, rồi mẹ ôm tôi thật chặt, thật chặt, rồi hít những hơi thật dài, thật dài khắp người tôi. Ôi! Mới nghĩ thôi mà tôi đã thấy đê mê, một hương vị ngọt ngào êm ái lâng lâng tràn ngập khắp cõi lòng. khắp da thịt tôi, đầu óc tôi hân hoan rạng rỡ.  Sở dĩ mẹ phải ngủ riêng vì  mẹ  tập cho tôi quen với nội, mẹ chỉ ở nửa tháng rồi mẹ đi vào Ban Mê Thuộc theo ba tôi làm ăn
Quê nội tôi ở Nong nhà gần cầu xe lửa, từ nhà nhìn ra khoảng hơn hai trăm mét là đường xe lửa, xa hơn chút nữa khỏang một trăm mét là đường quốc lộ Bắc Nam, nhà nội tôi hướng về phía mặt trời mọc, có những buổi sáng tôi dậy sớm nhìn lên bầu trời, thấy mây hồng hồng và nền trời xanh lơ, một cái tròng đỏ trứng gà khổng lồ đang từ từ rất chậm, rất chậm ló dạng và tôi biết đó là mặt trời mọc. Trước mặt nhà là ruộng lúa xanh tươi, có những chiều tôi ra trước ngóng mẹ và nhìn những cơn sóng lúa chạy dài mãi tận xa xa, đón nhận những cơn gió mát trong lành tinh khiết.  Nhà nội tôi, một gian nhà tranh tre ba gian bên hông nhà thờ, có giàn bầu ở phía trước. Nhà thờ là một ngôi nhà xây rộng lớn phía trước có hai bậc cấp dài và cao để lên đi lên, bên hông trái một dãy nhà ba gian có bếp để mỗi lần cúng giỗ có chỗ nấu nướng, nơi ấy luôn đóng cửa, chỉ trừ những hôm có kị giỗ mới mở cửa ra
Sở dĩ ba mẹ tôi cho tôi về ở với nội vì khi tôi mới sáu tháng tuổi mẹ đem tôi về thăm rồi O út thích tôi quá đi theo lên tận Ban Mê Thuộc để giữ tôi, nhưng chẳng may mới ở được bảy tháng O bị đau thương hàn, thuốc thang hồi đó cũng thiếu thốn nên O mất rồi chôn trên đó luôn. Khi ấy O mới mười sáu tuổi mơn mởn, O như một nụ hoa hàm tiếu còn đầy ắp phong nhụy trinh nguyên, O  trắng trẻo và xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ  thêu thùa rất giỏi, dáng người mảnh khảnh thanh tao. Một nỗi đau mất con cứ xoáy vào lòng người mẹ góa là bà nội tôi, một nỗi đau mà không  gì có thể bù đắp, không  gì làm cho nguôi ngoai trong lòng người mẹ mất con, mẹ tôi cảm thông với bà nên bà yêu cầu giữ tôi lại để an ủi phần nào nỗi nhớ con, nỗi mất mát sâu đậm trong lòng bà, mẹ tôi nén lòng thương nhớ tôi mà rứt ruột  đồng ý. Bà nội tôi là một người rất đẹp, ông nội tôi mất khi bà mới có ba hai tuổi bà ở vậy thờ chồng nuôi con, mặc cho nhiều người đến ve vãn, có người xin cưới hỏi đàng hoàng, nhưng bà quyết tâm đóng chặt cửa lòng  từ đây
Năm đầu tiên tôi chưa biết gì, tôi chỉ khóc đòi mẹ rồi tôi được bồng ẵm dỗ dành, tôi cũng nguôi ngoai, cũng quen dần đến năm tôi được năm tuổi, tôi bắt đầu thấy nhớ mẹ vô cùng, lúc này tôi không khóc nữa, mà nỗi nhớ mẹ cứ âm ỉ cháy trong lòng và tôi bắt đầu nhớ lại mọi chuyện đã qua. Tôi nhớ mỗi  lần tôi khóc O Mai ( bây giờ là O út của tôi vì O út mất rồi ) bồng tôi dỗ và chỉ ra đường tàu
– Nín đi mai mẹ về, mẹ sẽ về bằng con tàu  đó, hoặc mẹ đang ngồi trên tàu kìa
Vậy là tôi cứ đinh ninh mẹ tôi sẽ về trên chiếc tàu mà mỗi lần tàu chạy ngang qua nhà , vì sắp qua cầu nên huýt còi inh ỏi và xả khói mịt mù. Có những chiều ngủ dậy khi ấy là xế, tôi ngồi trên bậc cấp nhà thờ nhìn ra đường rây bỗng thấy con tàu chạy qua dưới ánh nắng chiều vàng, lòng tôi nghĩ về mẹ, tôi nghĩ rằng mẹ về, nhưng mà mẹ chưa tới nhà được vì mẹ xuống ga Truồi cách Nong bảy cây số vì ga Nong tàu không ngừng chỉ chạy chậm chậm mẹ sẽ xuống không kịp, xuống ga Truồi rồi mẹ còn ghé chợ mua cau trầu quà cho bà nội, mua một bó chè tươi cho cả nhà vì chè Truồi nước xanh và rất thơm ngon, mẹ còn mua cho tôi một đốt mía lau vừa ngọt vừa mềm, bao nhiêu là tưởng tượng cứ lần lượt hiện ra trong trí óc non nớt của tôi. Ngày nào tôi cũng nhìn con tàu chạy qua và mơ mẹ về bên tôi, nỗi chờ mong mẹ cứ khắc khoải, khắc khoải trong trái tim tôi ngày này qua ngày khác đến chín mùi, đến thấm đẫm vào bữa ăn giấc ngủ và cả những khi tôi chơi buôn bán cùng bạn bè. Những lúc ấy tôi hay đóng vai mẹ đi chợ về và mua quà cho các con, rồi các con tôi mừng rỡ và rối rít.. Mẹ về..Mẹ về, tôi sung sướng râm ran và chìm trong hoang tưởng có mẹ mình về thật, tôi mơ màng nhắm mắt lại và hy vọng khi mở mắt ra thấy ngay mẹ mình, có những lúc tôi thừ người nhìn về chân trời xa xăm mơ tưởng nơi ấy có mẹ mình, rồi nhĩ ngợi không biết mẹ giờ này mẹ đang làm gì và có nhớ tôi không?
Mặc dù tôi rất được bà nội và O út cưng chiều. nhưng tôi vẫn nhớ mẹ đến dại khờ, đến xót xa.  Ở Huế bà nội tôi phải gọi là mệ nội, nhưng tôi thường quen miệng gọi bà, còn mẹ thì gọi là mạ nhưng tôi quen gọi mẹ vì mẹ tôi là người ở tận Phú Phong thuộc tỉnh Bình Định, nhà ngoại tôi ở gần nhà máy dệt Phú Phong, ba tôi người Huế. Ngày ấy ba tôi từ Huế vào làm thợ sữa máy dệt rồi phải lòng mẹ tôi và cưới mẹ. Khi ấy bà nội tôi phải từ Huế vào hai lần ông ngoại tôi mới cho cưới. Ông ngoại tôi là nhà nho, rất kĩ sợ ba tôi xuống Quy Nhơn mượn một người đàn bà khác thế mẹ, vì bà nội tôi rất trẻ và đẹp. Mẹ tôi thường kể khi vào Phú Phong cưới vợ cho con trai mà ông cậu của mẹ tôi góa vợ cứ theo bảo mẹ tôi
_Tám ơi! ( vì mẹ tôi là thứ tám ) gã bà mẹ chồng cho cậu đi con.
Ông cứ nằn nì mãi và thường nhìn bà nội tôi với đôi mắt đăm đắm si tình
Nỗi nhớ mẹ cứ ăm ắp trong lòng tôi ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác kéo dài, kéo dài mãi đối với tôi như vô tận miên man.  Rồi một chiều cuối năm gần chập choạng tối , trời thì mưa lâm râm lạnh thấu tim gan cả ba mẹ tôi cùng về, khi ấy là gần tết, tôi mừng quá hét lên  thật to  
-Mẹ đã về……Mẹ đã về
Rồi tôi xỉu luôn…….Khi tôi mở mắt ra thì tôi đã nằm gọn trong lòng mẹ. Nỗi mừng vui, nỗi sung sướng, nỗi ấm áp cứ lấn tràn tuôn chảy trong tâm trí tôi, hết đợt này đến đợt khác không ngừng, không ngừng…….Tôi nhìn mẹ từng nét, từng nét một và tôi biết mẹ đã có em bé, trí óc non nớt của tôi bổng thoáng gợn một nỗi ganh tị và nghĩ rồi đây mẹ có em bé rồi chắc sẽ không thương mình nữa, hoặc sẽ thương ít thôi, một nỗi buồn sâu thẳm tự đáy tim tôi dâng lên dạt dào  nghèn nghẹn, tôi dỗi hờn và tránh mẹ ra.  Nhưng rồi mấy ngày sau mẹ sinh khó phải lên bệnh viện  hộ sản Huế để sinh mẹ suýt chết,  Mẹ chạy giặc bị Tây đuổi vấp té nhiều lần em bé bị tử trong bụng đã lâu. Mẹ kể buổi sáng hôm ấy mẹ vừa ra khỏi cửa thì nghe súng nổ mẹ nằm sát xuống và giả chết  Tây  đi qua lại đá lên người mẹ, mẹ vẫn nằm im bất động, nó tưởng mẹ chết rồi, đến chiều tối mẹ mới len lén đi theo đoàn người di tản chạy mãi, chạy mãi khó khăn lắm mới về được nơi này. Mẹ nói, mẹ không về Phú Phong cho gần vì nơi đây có tôi, mẹ nhớ tôi lắm lắm. Còn ba tôi kể ông bị lạc mẹ vì ông ở đoàn quân xa, nhưng rồi bị đuổi đánh ông cùng năm người nữa chạy lạc vào rừng năm ngày không có gì ăn ông chỉ ăn toàn lá lốt vì trái cây ông sợ bị ngộ độc, trong khi những người đi cùng ông vẫn ăn trái cây rừng. Một đều may mắn thú vị bất ngờ là ba mẹ gặp nhau trên một chuyến tàu về quê nhà. Trận ấy mẹ nằm rất lâu khi dậy mẹ bị phù người các thầy lang nói mẹ bị sản hậu phù thủng, nhưng rồi nhờ ơn trên mẹ cũng lành và mẹ lại sắp sữa ra đi, lần nầy tôi quấn theo chân mẹ van xin
_ Mẹ đi đâu cho con theo với, mẹ ơi! …Mẹ ơi!…nhất định con theo mẹ….
Lúc ấy khói lửa chiến tranh đã bùng nổ, đã lan rộng khắp nơi năm 1946 ba tôi được kêu đi sửa xe cho đoàn quân nhu, còn mẹ tôi về ngoại trồng dâu nuôi tằm ươm tơ kéo sợi vì nhà bà ngoại tôi làm nghề đó. Trước đây mẹ tôi đã bồng tôi đi tàu nhiều lần nhưng lúc ấy còn nhỏ quá tôi chưa biết gì. Bây giờ lần đầu tiên tôi biết cảm giác ngồi trên con tàu lắc lư, chạy xình xịch, nhìn thấy cây cối nhà cửa hai bên đường chạy lùi ra sau mình. Tôi nhìn quanh toa tàu thấy mọi người đều xanh xao, thiểu não vì vừa qua nạn đói 1945 dư âm còn để lại rất là thê thảm, các ga không ai bán gì vì trước đó  đói quá người đi tàu ăn quỵt, trên tàu người ngoài Bắc họ vào rất đông, ai cũng bới cơm, hoặc sắn, hoặc khoai mang theo với muối mè, họ ăn rất ngon lành và khi hết họ còn liếm mép, thòm thèm còn những người không có bới thức ăn theo, họ nhìn những người ăn mà tỏ ra thèm thuồng rồi nuốt nước miếng ừng ực, một vẻ thèm thuồng đói khát lộ liễu mà tôi không dám ngờ đến bao giờ. Bỗng tôi nhớ đến những ngày đói cách đây không xa nhà nội tôi còn lúa rất nhiều mà phải ăn ngày một bữa cơm và một bữa cháo, mỗi lần ăn cháo tôi khóc lên và nói
_ Con đau bụng con không ăn cháo
Những ngày ấy luôn ám ảnh tôi, tôi nhớ lúc ấy người ở đâu kéo về làng tôi và họ nhổ rau má ở bờ ruộng trước nhà, mà nơi ấy là nơi phóng uế, rồi họ vô nhà xin muối mượn nồi luộc chấm muối ăn rất ngon lành, còn nhà bà nội tôi thì luôn luôn sập cửa chỉ đi cửa bếp  thôi.[Còn tiếp]{jcomments on}

0 thoughts on “Tuổi thơ tôi

  1. nguyenphung.

    Chị ơi, em thấy như còn hụt hẫng ở đoạn cuối phải không chị, em Phụng đây, mấy hôm nay không vào com được, ấm ức quá trời, hu…

    Reply
    1. camtucau

      A! Chào em Phụng nhiếp ảnh gia của HX Chị mong có dịp mình họp mặt nhau một bữa nhớ các em quá

      Reply
  2. MỘNG CẦM

    DIễn tả một miền quê yên bình ở miền quê AN THAI Trông dâu nuôi tằm.tuổi thơ trên giòng sông quê hương thật đẹp.đoạn cuối có một chut đau thương chuc TC có những tac phẩm hay

    Reply
  3. Trần thi hiếu Thảo

    T có đọc truyện nơi chị trong HX khá nhiều 3 4 tác phẩm gì đó.Chị viết diễn tả nhân vật nội tâm sắc sảo văn phong chan hoà đằm thắm..,T cũng rất thích ở chị… Xin chia sẻ

    Reply
    1. Trần thi hiếu Thảo

      Chị có phải người B Đ em không hỏi để biết mai mốt em có về thì dễ gâp vậy mà…
      Chúc chị và g/đ vui

      Reply
      1. camtucau

        TTHT ơi! chị có nửa BĐ thôi và hiện chị đang ở Pleiku thành phố Cao nguyên đó và hiện giờ đây đang mưa tầm tả

        Reply
        1. Trần thi hiếu Thảo

          Em một câu chuyện ngắn vưà viết có liên quan đến Tây nguyên Trong tác phẩm “nụ hôn đầu” Như vậy có gì nhờ chị thọ giáo cho em nha.Vì em chỉ đến vùng này có một lần và chỉ nhìn qua phim hoặc truyện cuả người khác thôi… cho nẽn con mắt (quan sát) cuả em có lẽ thiếu đi sự chính xác… Cám ơn chị cho em biết nhưng em 3có người em cùng cha khác mẹ ở trên vùng đó hiện giơ….

          Reply
          1. camtucau

            Hiếu Thảo ơi! Chị ở Pleiku mới có 28 năm có gì em cứ cho chị biết , trong khả năng của chị, chị sẳn lòng không chối từ em nhé mail của chị camtucau41@gmail.com

  4. Meocon

    Tuổi thơ -kỷ niệm cho ta nhiều cảm xúc chị iu hén!Meocon nhớ chị lắm đó nha!Chúc chị vui,khỏe 🙂

    Reply
  5. Khảo Mai.

    Tuổi thơ trong thời chiến tranh loạn lạc thật là bất an….
    Đã được tác giả tả lại thật rõ ràng chi tiết
    Hay lắm chi CTC
    Em KM

    Reply
  6. Khoa Trường

    Vẫn chưa hết “cơn bĩ cực” thời loạn lạc hả chị?
    Ngồn ngộn chi tiết, hình ảnh sinh động. Trí nhớ của chị quá siêu! Có lẻ bắt nguồn từ tình yêu của cô gái bé bỏng đối với mẹ mình :

    “Mẹ thơm quá mẹ ơi!” (CTC)
    Thương câu nói này quá chị à!
    Nhưng giờ thì chắc là thay bằng: “Anh thơm quá anh ơi!” hahaha…

    Reply
  7. Bùi Hoài Vân

    Đọc tiếp hồi ký của chị CTC thật xúc động và thấy rất gần gũi, nhất là những tình tiết chị kể có liên quan trên đất Tây Sơn và An Nhơn. Rất vui là chị còn nhớ những kỷ niệm vừa gian nan nhưng cũng thật êm đềm thời thơ ấu.

    Reply
    1. camtucau

      Cám ơn BHV đã đọc bài viết của chị, đất Tây Sơn là nửa quê hương của chị đó Chúc vui

      Reply
  8. Trầm Tưởng-NCM

    Chào chị camtucau! TT xin lỗi chị đã vào còm trễ vì bận quá. Truyện ngắn nào chị viết cũng rất hay và gây xúc động lòng người. Chúc anh chị vui khỏe mãi nhé!

    Reply
  9. Quốc Tuyên

    Nơi đây là Hòa Phong cách chợ An Thái một con sông, những ngày tháng ở đây đã đem lại sự thoải mái vui tươi cho tâm hồn tôi, trước nhà dì là một con sông mà mùa mưa nước lên ngập bờ, mùa nắng cát ló lên, một bãi cát trắng, có những giòng nước uốn lượn trên sông như con rắn xanh khổng lồ nằm phơi mình dưới nắng ấm, có một đám soi rộng lớn trước nhà trồng theo mùa khi thì bắp, khi thì bông vải, trước mặt nhà dì có cái chòi rất cao và có dây dài cột ra tận ngoài soi bắp, mỗi lần giật dây có tiếng kêu ren.. ren.. để đuổi chim .Nơi này tôi rất thích, nhưng mà tôi không leo lên được. Cứ năm sáu ngày dượng và những người đàn ông trong xóm đi nơm cá về, phần thì rộng lại để dành, phần thì nướng, những con tôm càng to nướng lên chín vàng vàng, đỏ đỏ ba chị em chúng tôi ăn tôm cá nướng trừ cơm, còn dì nuôi vịt mỗi sáng ra vườn sau lượm trứng nhưng mà việc này chúng tôi không làm, gà dì nuôi cũng nhiều, xung quanh nhà có hàng rào tre bao bọc…
    Khung cảnh làng quê xưa xưa thật êm đềm, cuộc sống yên vui đọc mà mơ đó chị ơi!

    Reply
  10. Nguyễn Trác Hiếu

    Chào tác giả CTC. Mừng được biết tác giả nửa Tây Sơn và cư ngụ that lâu ở Pleiku. Tháng 3-2013 tôi về Pleiku thăm mộ cha mẹ tôi nhưng không biết có tác giả LTC đang ở đó. Hy vọng lần tới ghé thăm , đàm đạo. Chúc sáng tác đều.

    Reply
    1. camtucau

      Chào BS NTH, rất tiếc hôm đó không biết có hai bạn NTH đến thăm Pleiku Chắc còn lâu hai bạn mới trở về Chúc hai bạn hạnh phúc nhé

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.