Thơ Federico Garcia Lorca Phần 1

Chào các bạn.
Hôm nay Ngu Yên gửi tặng các bạn bản ebook PDF: Thơ Federico Garcia Lorca, Phần 1. Gồm có chuyển thơ 129 bài. Tuyển từ những tập thơ  của ông trong khoảng thời gian 1920-1930.
Phần 2 sẽ hoàn tất, có lẽ, vào cuối năm với tập thơ nổi tiếng: Poeta En Nueva York, Thi Sĩ Trong Thành Phố New York, Trường Ca, Điếu Tang Ignacio Sánchez Mejías và tập thơ cuối cùng Diván Del Tamarit.
Viết xong cả tháng, cứ đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần sửa. Đọc và sửa đến muốn mữa. Vẫn còn sai. Đành gửi cho xong. Mong các bạn tìm thấy những lỗi lầm, xin liên lạc chỉ dẫn cho Ngu Yên được học hỏi thêm, tại địa chỉ email: nguyen12052@gmail.com. Cảm ơn trước.
Xin đọc phần giáo đầu, Chuyển Thơ, trước khi vào các phần sau. Xin coi như một lời tâm sự chân thành cần chia sẻ. Nếu các bạn muốn chuyển cho ai quen, xin tùy nghi. Chỉ là một trò chơi trên đường đi ra.
Ngu Yên sẽ sửa lại những chỉ điểm đầy ưu ái và cho in tất cả những lời đóng góp của các anh chị và các bạn khi in toàn tập Lorca. Nếu anh chị và các bạn có chuyển bài thơ nào của Lorca, hoặc bài viết về Lorca, cho Ngu Yên xin để in luôn. Như vậy, chúng ta có sân chơi chung. Không có chủ nhân, không có trọng tài. Chỉ có cầu thủ “thiện nguyện”.
Xin đa tạ.

Ngu Yên

Chuyển Thơ

Ngu Yên không phải là dịch giả chuyên. Chỉ là người thích đọc thơ và tìm hiểu thơ ca. Để có thể đọc sâu một bài thơ ngoại, cách hay nhất là chuyển sang thơ Việt. Vừa học thêm sinh ngữ, vừa luyện thêm ngôn ngữ Việt Nam, vừa nghiền ngẫm được sự khác biệt của tâm hồn, vừa học hỏi phong tục tập quán, cách sống của dân tộc khác. Nhất là thưởng thức tài năng thiên phú với cảm nghĩ thật là lạ kỳ. Mỗi tài năng là mỗi kinh ngạc và thán phục.

Để chuyển sang thơ Việt, Ngu Yên thường dùng hai giai đoạn. Nếu bài thơ viết bằng Anh ngữ, sẽ được chuyển sang bản nháp theo sát nghĩa rồi so với nguyên bản. Sau đó, viết lại bản chính theo cảm nhận. Nếu là những bài thơ ngắn hoặc đơn giản, nếu biết được ngôn ngữ nguyên bản, sẽ chuyển thẳng từ ngôn ngữ này. Nếu bài thơ ngoại phức tạp hoặc khó hiểu, được dịch sang tiếng Anh, giai đoạn đầu là tìm vài bản dịch tiếng Anh khác nhau của nhiều dịch giả. Ghi chú những câu hoặc những đoạn dịch khác biệt rồi đem so với nguyên bản của ngôn ngữ gốc để tìm hiểu vì sao các dịch giả lại dịch khác nhau. Những ý tứ cũng như ngôn ngữ khác nhau của các dịch giả cùng về một vấn đề sẽ giúp cho người đọc có tầm nhìn đa dạng. Và dễ tiếp cận với những suy tư của tác giả qua nhiều cách nhìn của nhiều dịch giả. Sau đó viết thành một bài nháp. Cốt để theo sát ý nghĩa của chữ. Giai đoạn thứ hai là nghiền ngẫm ý tứ của bài thơ rồi từ bản nháp viết lại thành bài thơ khác theo sự cảm nhận riêng tư. Chính vì sự cảm nhận này nên không thể gọi là chuyển ngữ, cũng không thể gọi là dịch, nên Ngu Yên xin gọi là Chuyển Thơ.

Nói sao đi nữa, dịch chỉ có thể hiểu theo nghĩa tương đối. Dịch được chữ, không chắc dịch được nghĩa. Dịch được chữ và nghĩa, không chắc dịch được ngữ lực. Dịch được ngữ lực, không chắc dịch được cấu trúc. Dịch được cấu trúc, không chắc dịch được phong cánh văn chương và văn hóa. Nếu dịch được tất cả, chắc chắn là vô phương.

Những thi sĩ lớn đều là những cá tính và tài năng đặc thù. Kiến thức, kinh nghiệm, trực giác và khả năng nhạy cảm của họ thường ở tầm cao độ. Cách diễn đạt của họ đôi khi hoàn toàn không thể hiểu nỗi. Vì vậy việc chuyển thơ, nhất là những bài thơ phức tạp, là việc đầy chủ quan và dễ sai lầm. Các vị có khả năng sinh ngữ cao, có kiến lực về thơ, xin tùy nghi chỉ điểm. Ngu Yên xin được trân trọng đón nhận và học hỏi. Một trong những cái thú lớn nhất trong đời người là được biết những điều mình không biết. Tại địa chỉ email: nguyen112052@gmail.com.

Để chuyển thơ Federico Garcia Lorca, Ngu Yên sử dụng hai bản chính bằng tiếng Anh có bản nguyên tự tiếng Tây Ban Nha:

  • The Poetical Works Of Federico Garcia Lorce. Selected Verse. Edited by Christopher Maurer. Volume III. Farrar Straus Giroux, New York.
  • The Selected Poems Of Federico Garcia Lorca. Edited by Francisco Garcia Lorca & Donlad M. Allen. A New Direction Paperbook. 1955

Những bài thơ được dịch sang tiếng Anh của các dịch giả khác, tìm thấy trên mạng lưới hoặc trong những tuyển tập đã in, Ngu Yên xin chép vào đây để tiện việc so cứu vế sau. Sống lâu thì già tuổi. Sau này đọc lại dễ sửa sai hơn.

Thơ của Federico Garcia Lorca đi từ tượng trưng qua siêu thực. Những tập thơ đầu, ông sử dụng nhiều thể thơ truyền thống Tây Ban Nha hoặc những thể của các ca khúc dân tộc. Ngu yên sẽ chuyển thơ ông sang các thể thơ quen thuộc của người Việt, có nhạc điệu, tiết tấu; có vần nổi hoặc vần ngầm; có vần ôm hoặc vần cách trong các thể thơ như: Lục Bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ…v…v… Đó là những tập thơ:

  • Libro de poemas. Tuyển Tập Thơ.
  • Poema del cane jondo. Thơ Từ Ca Khúc Thâm Trầm.
  • Suites. Tổ Khúc Thơ.
  • Canciones. Ca Khúc Thơ.
  • Primer romancero gitano. Tình Ca Du Mục Gypsy.
  • Diván del tamarit. Trường Kỷ ở Tamarit.

Xen lẫn trong những tập thơ này là những bài thơ tự do, nhất là trong những tập thơ về sau như: Poeta en Nueva Rork, Thi Sĩ trong Thành Phố New York và trường ca Llanto por Ignacio Sanchez Mejías, Điếu Ca cho Ignacio Sanchez Mejías, ông sử dụng lối viết tự động, ngữ thuật của phái Siêu Thực và tự tạo cho ông một thể cách riêng. Ngu Yên xin được chuyển thơ sang thể thơ tự do để cố gắng theo kịp dòng thơ bất tận và biến hóa của ông.

Federici Garcia Lorca là một trong những thi sĩ quan trọng trong thi ca thế giới của thế kỷ 20. Mặt dù, đời sống của ông khá ngắn ngủi nhưng sức sáng tác của ông rất dồi dào. Như ông đã viết nửa tập Ca Khúc Thơ trong vòng 10 ngày. Ông bị thảm sát vào năm 48 tuổi. Để lại nhiều bài thơ và những trường ca giá trị. Ngoài ra ông còn hăng say trong kịch nghệ sân khấu và vẽ những bức tranh dạng siêu thực. Ngu Yên xin đăng lại một số bức tranh của ông, những tư liệu về sân khấu và đính kèm những link giới thiệu những trình diễn về thơ của Federico Garcia Lorca để quí bạn tiện thưởng thức.

Xin cảm tạ.

Ngu Yên

Houston, cuối năm Nhâm Thìn, 2013.

Sau đây là bản NHÁP. Sẽ được sữa chửa theo thời gian và theo sự đóng góp cũng như sự chỉ giáo của người đọc.

MỜI XEM CLICK VÀO:

Thơ Federico Garcia Lorca Phần 1

{jcomments on}

19 thoughts on “Thơ Federico Garcia Lorca Phần 1

  1. Thu Thủy

    Nhà thơ có thơ khó nuốt ơi!
    Vì sao ông chuyển thơ Federici Garcia Lorca dến thân hữu vì thơ của người nầy rất giống ông cũng rất khó nuốt:

    Giờ này, mặt trời đã lặn
    sau đỉnh ngọn đồi,
    đám đông trở về
    khuấy tung cát
    bụi.

    Đến giờ phải đi.
    Theo đường mòn nhỏ,
    bỏ lại trầm tư.
    Bạn sẽ có giờ
    ngắm sao
    chờ trùng tiêu chậm
    trong bao tử.

    Hãy trở về nhà
    dưới ngôi làng dế
    Chúc ngủ ngon
    hỡi bạn thằn lằn!

    Reply
  2. Ngu Yên

    Chị Thủy:

    Đọc bài này chị có thấy buồn không?
    Ông Lorca không còn gì để làm thơ. Không còn ai tâm sự. Không còn ai hiểu.
    Đành thôi: Thằn Lằn làm bạn.

    Reply
  3. Dạ Lan

    Anh Ngu Yên và chị Thủy ơi! ông Lorca kiêu ngạo đó , không ai hiểu được thằn lằn trừ ông
    Ta dại ta tìm thằn lằn thủ thỉ
    Người khôn người cứ đánh đấm nhau đi

    Reply
    1. Ngu Yên

      Chị Lan:

      Con thằn lằn chạy nhanh, rất nhanh vì nó sơ người.
      Con thằn lằn có đuôi, đuôi dài, để người dễ bắt.
      Con thằn lằn đứt đuôi, biết đứt đuôi, để thoát thân.

      Con người chạy chậm / không có đuôi
      Biết đứt cái gì?

      Chúc bạn ngày nào cũng dễ thương.

      Reply
  4. Quốc Tuyên

    Anh Ngu Yên thơ của Federico Garcia Lorca trần trụi quá, ông bóc cả thiên nhiên [ khu vườn, Giờ khắc của Sao đêm… ]đến cả những sự vật tầm thường [ chong chóng gió , mũi tên, sáu dây đàn… ]ông tự nhân cách hóa để trăn trở phận người.Anh choàng hoa cho ông chứ Quốc Tuyên thì không ? QT thích những bản tình ca lướt thướt nhẹ nhàng để ru em trong không gian thơ mộng của tình yêu.

    Reply
    1. Ngu Yên

      Anh Tuyên:

      Thời đại nào, thơ tình cũng vĩ đại vì tình yêu không có thật mà người yêu thì thật có.
      Định mệnh làm cho con người khổ nảo mà tình yêu làm cho con người đau đớn nhản tiền.
      Buồn tình thì đọc thơ tình. Buồn đời thì đọc thơ đời. Không chừng sẽ làm nhẹ đi một chút nặng nề của trái tim.

      Chúc bạn vui với tình yêu.

      Reply
  5. Bích Vân

    Đồng ý với NguYên:
    “…Khi ông trở thành thi sĩ của dân tộc, thưởng ngoạn mến mộ, phê bình ca ngợi làm cho ông sợ hãi.Ông phải chạy trốn những tràng pháo tay, những báo chí với lời ngợi ca, những tấm lòng ái mộ của thưởng ngoạn vì ông biết rõ những hào nhoáng này sẽ giết chết thơ và giết chết Lorca.
    Một trong những lưỡi hái đốn ngã hồn thơ chính là sự ngợi ca của thưởng ngoạn. Như một chén mật ngọt, khi rơi vào, khó mà
    bay lên, bay cao. Nếu làm thơ chỉ vì muốn người khác biết đến
    mình, chỉ vì muốn ghi tên vào văn học, thì người làm thơ sẽ dừng lại ở sân khấu vinh quang.
    Nhưng Lorca đã chạy trốn. Ông rời bỏ quê nhà. Chạy sang New York. Nơi mà ông hoàn tất tập thơ POETA EN NUEVA YORK. Một phong thái khác, một giá trị khác, một thứ bất tử đã dựng lên từ thơ Federico Garcia Lorca”

    Những vòng nguyệt quế không làm bất tử hồn thơ mà đôi khi làm thui chột chữ nghĩa bởi vì khi chắp cánh cho một ai đó cũng giống như đã làm gãy cánh thi sĩ , họ đứng trên đỉnh cao cứ loay hoay không biết đâu là điểm tựa là bình an để khỏi bị rơi mất hào quang thật khốn khổ.

    Reply
    1. Ngu Yên

      Chị Vân:

      Cái khó nhất của người làm nghệ thuật là tự nghi ngờ cái nghệ thuật thành công của mình. Cái thành công của người khác ban cho mình không hẵn là cái thành công của mình. Nói đúng ra, người nghệ sĩ không đi tìm thành công mà đi tìm những điều họ khao khát. Và họ cũng biết, những điều đó không có thật.

      Đáng buồn thay!

      Reply
  6. Lẫn Thẫn

    Lẫn Thẫn thấy một điều lạ là bài của NY được các chị ngó ngàng hơi nhiều mà mấy anh chưa hứng thú tham gia để LT viết vài hàng kẻo NY đứng một mình bị mấy bông hoa ăn hiếp
    NY viết:
    -Con đường phát triển nghệ thuật của một nghệ sĩ thường có thể biểu hiện bằng đường zích-zắc.
    LT thêm: vì nghệ sĩ thân tâm bất ổn nên đường phát triển của họ không thẳng , không bằng.
    NY viết:
    Dường như số mệnh chung của những nghệ sĩ tiền phong là bị lãng quên trong thời đại của họ.
    LT thêm; nhờ đó hậu thế mới biết trân trọng quá khứ
    Thôi , chào và chúc con đường phát triển của NY luôn có nhiều hoa thơm.

    Reply
  7. Nguyên Lương

    Có lần cách nay chừng 20 năm hơn Ông đã có tham vọng làm cuốn tự điển về Thơ, tất cả các loại từ thơ Đường, Haiku, thơ Anh, Pháp, Ý…và Ông cũng vận động bạn bè góp phần. Nhưng cái núi ông mong được trèo đó cao qúa, trèo không tới, nên không ai dám theo ông. Thế mà ông vẫn lầm lũi làm cái việc leo núi khó khăn kia cho dù chóp núi còn cao vòi vọi, và còn cao tức là ông còn muốn trèo cho đến đích. Chưa có thì giờ nghiền ngẫm những gì ông đã dịch từ thơ Lorca người Spanish, từ bản tiếng Anh qua tiếng Việt. Tôi phục cái cách làm việc nghiêm túc, đầy đam mê và đã muốn là làm và làm cho bằng được của Ông. Ngày xưa Bùi Giáng cũng dịch thơ và văn nước ngoài ra tiếng Việt đấy. Đọc xong, không còn thấy cái bóng dáng thằng Tây trong đó mà một con người Bùi Giáng sững sững, cao nghêu. Đó là vì Bùi Giáng đã cho ta thấy cái hay nhất của tác phẩm chính rồi lựa lọc gởi lại cho ta, bỏ bớt đi những cái nhức đầu. Tôi nghĩ Ông đang làm cái điều đó. Khi dịch, như học gỉa Huỳnh Sanh Thông, khi dich Tryện Kiều cho Trường ĐH Yale đã nói là ta phải tinh thông cả hai ngôn ngữ, hai văn hóa, chín mùi rồi mới chuyễn được cái hồn nọ qua hồn kia. Thơ Kiều mà còn phải thế huống chi loại thơ trừu tượng, siêu thực đọc đã khó, mà dịch cho thoát để người đọc thấy được cái hồn còn khó hơn. Ông làm việc “đội đá vá trời”, mà suốt đời Ngu Yên có bao giờ làm cái gì giống ai đâu. May mắn có người bạn như ông để mình còn được nhắc nhở: “Đời không bình yên như người vẫn tưởng” và thích thú khi biết ông vẫn tiếp tục leo núi một mình.
    Chúc mừng, chúc mừng!
    NL

    Reply
    1. Ngu Yên

      Hi Nguyên Lương:

      Khi đi vào cũng một mình. Khi đi ra cũng một mình. Chỉ có lúc ở giữa là có nhiều mình nhưng thường khi vì nhiều mình mà rối rắm. Tốt hơn là một mình.

      Tham vọng lúc xưa đành chờ kiếp sau, hay nếu song them 20 năm nữa chắc sẽ có lần. Bây giờ chỉ muốn tự hỏi vì sao thơ của họ lại được gọi là hay? Vì sao thi sĩ này, thi sĩ kia lại đoạt giải Nobel? Cái tò mò làm cho người sợ ma cũng phải soi đèn đi vào nghĩa địa.

      bậc thầy trong ngành dịch chính là sư phụ Nguyễn Hiến Lê. Ông dịch không hay như Bùi Giáng nhưng rất chỉnh và cách làm việc của ông rất đáng kính phục. Ngu Yên bắt chước được một nửa của ông là đã mản nguyện.

      Thôi thì thôi cứ để mây trôi…

      Reply
  8. TSN.Ngọc Diệp

    Anh NY thân,
    Thơ của Garcia Lorca viết ra để NY chuyển thơ cho bạn đọc vì tâm tình, cách viết, cách dùng chữ của hai thi sĩ giống nhau như đúc!
    ũng bấp bênh, cũng khó hiểu, cũng siêu thực, cũng trừu tượng như thơ của NY đã từng viết trước đây.
    Mừng anh NY đã làm một công việc vá trời, tốn nhiều công phu, rất đáng khen.
    PS: Không biết anh còn nhớ D & L ở Lake Jackson, bạn thân của anh chị A & H không? Tụi này vẫn nhắc tới anh chị luôn. Bận với cháu ngoại mà vẫn còn thì giờ chuyển thơ thì quá tài! 🙂 Cho D. gửi lời thăm bà xã nhé.

    Reply
    1. Ngu Yên

      Chị Diệp:

      Không sao quên chị được. Mong mọi chuyện vẫn bình an với toàn gia trang. Hôm nào có gặp Anh Chị A / H, lấy số phone, rồi mất. Chị lien lạc với NY ở nguyen112052@gmail.com và cho NY xin số DT hoặc email cuả anh H. Không ngờ lại gặp cố nhân trên hành trình Hương Xưa.

      Xin hẹn

      NY.

      Reply
  9. Nguyên Lương

    Sáng nay rảnh mới vào đọc một đoạn trong bài dịch và giảng của Ngu Yên về thơ Lorca mà đã thấy phê lắm rồi. Đọc thơ trừu tượng có thể không hiểu, nhưng đọc thơ trừu tượng qua cách lý giải của Ngu Yên thì không còn gì gọi là khó hiểu nữa. Ông làm một việc rất bổ ích, giúp người ăn không quen với gia vị của món ăn phương Tây, ăn thử, thích và có thể ghiền. Một đoạn trích dẫn dưới đây thôi đủ nói lên cái tài dẫn giải của ông:
    “Quê hương của Lorca là nơi phát tiết nhạc flamenco, Không thể thiếu âm điệu đó trong hồn của ông. Viết về cây đàn thùng Ghi-ta, ông diễn đạt không những chỉ ý tứ mà còn theo nhịp điệu
    flamenco, lúc nhanh lúc chậm, lúc dồn lúc lơi. Ở đoạn cuối của bài thơ La Guitarra, ông viết:
    Oh guitarra! Ôi, ghi-ta, đàn ơi!
    Corazón malherido Trái tim thương tích suốt đời
    por cinco espadas bởi năm lưỡi gươm.
    Por cinco espadas, chuyển là bởi năm lưỡi gươm, phù hợp với bản dịch của Cola Franzen: by five swords. Nhưng không có ý nghĩa gì cho bài thơ và đàn ghi ta với năm lưỡi gươm. Khi tra
    cứu mới hiểu, năm lưỡi gươm chỉ là một lối nói để đề chỉ một cách chơi đàn ghi ta theo nhạc điệu flamenco. Nhạc sĩ dùng cả năm ngón tay bay nhảy trên sáu dây đàn như năm lưỡi gươm
    xuyên thấu vào tim người nghe. Vì vậy đoạn cuối đó là:
    Ôi, ghi-ta, đàn ơi!
    Trái tim thương tích suốt đời
    bởi năm ngón tay…”
    Thích thú khi hiểu được những điều này. Nay nhớ lại lúc nghe Ngô Tín chơi flamenco Guitar bài “Bão Trên Đỉnnh Núi” mình nghe như có tiếng bão quằn quại, xô táp, đập ập vào rừng cây, rít vù vù tiếng gió dữ dội, điên cuồng… tất cả đến từ năm ngón tay như năm lưỡi dao nhọn sát phạt, dồn dập, xới tung lên tất cả cái không gian tĩnh mịch trước khi nhạc sĩ bắt đầu rào rào. Ngô Tín đọc đoạn này của Ngu Yên chắc là thích thú lắm. Thụy Khuê bên Pháp mà đọc những dẫn gỉai thơ Tây của ông chắc cũng phải ngã nón chào mừng.
    Cố lên, đã có nhiều người muốn dõi theo việc ông làm rồi đấy.
    NL

    Reply
  10. Đặng Danh

    Làm thơ, đọc thơ và chuyển những bài thơ mình yêu thích đến độc giả là công việc không mấy dễ dàng , bỏ đi những rào trước đón sau phải công nhận NY đã đầu tư nhiều công sức để sự chuyển tải mang đậm tính nghệ thuật cao, có lẽ vì quá yêu thơ người tri kỷ nên công việc chuyển thơ đã có sự đồng điệu , tỷ mỹ của người viết và người chuyển , rất tâm đắc với lời thanh minh nầy :
    “…Nói sao đi nữa, dịch chỉ có thể hiểu theo nghĩa tương đối. Dịch được chữ, không chắc dịch được nghĩa. Dịch được chữ và nghĩa, không chắc dịch được ngữ lực. Dịch được ngữ lực, không chắc dịch được cấu trúc. Dịch được cấu trúc, không chắc dịch được phong cánh văn chương và văn hóa. Nếu dịch được tất cả, chắc chắn là vô phương…”
    NY à, cho nên ai đó có nói: ” Dịch là phản bội “

    Reply
    1. Ngu Yên

      Anh Đặng Danh,

      Xin cảm ơn lời chia sẻ. Giá như cõi người ta có thêm nhiều người yêu thơ như anh thì hay biết mấy!!

      Ngu Yên

      Reply
    1. Ngu Yên

      Cảm ơn bạn Kiều Thanh.

      Lý luận sắc bén và tự tin. Chúng ta cần nghe nhiều những suy tư của người làm thơ hoặc yêu thơ. Thơ Việt cần được phát triển ra khỏi những bình phong và khung cởi đã có. Cảm ơn sự nhắc nhở đầy phong độ.

      Ngu Yên.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.