Con dốc bên đời.

Tặng cô giáo V.H. và những cô giáo vùng xa.

Rồi tôi cũng thật sự chấm dứt đời sinh viên với những buồn
vui và nhiều kỷ niệm khó phai bằng buổi lễ Tốt nghiệp.

Hôm đó, tôi không hiểu lòng tôi vui hay buồn. Vui vì dù sao
mình cũng đã hoàn thành ước nguyện, học xong Đại Học Sư
Phạm để có thể trở thành một cô giáo, nối nghiệp Mẹ như hai
mẹ con đã từng nhắn nhủ cho nhau từ ngày Mẹ còn sống. Tôi
không biết tôi vui hay buồn vì từ đây sẽ không còn những chuỗi
ngày vui tươi, nhí nhảnh dù đời sinh viên xa nhà cũng không dễ
dàng gì. Nhưng có lẽ, tôi buồn nhất là vì tôi sắp sửa phải
rời xa mãi mãi mối tình đầu của tôi, một mối tình đẹp thời
sinh viên nhưng lại kết thúc bằng một lý do chẳng phải lỗi
của người trong cuộc. Cuộc đời sao lắm tình cờ thế ! Tại sao
tôi lại gặp và yêu một người sắp phải đi xa, gia đình người
ấy cũng chẳng muốn nhìn một cô bé mồ côi, nghèo hèn như tôi
bằng chút ánh mắt thiện cảm .

Có lẽ số phận tôi vậy ! Mẹ tôi đã mất, Ba tôi đã có vợ
khác, từ lúc Mẹ tôi còn sống, và ông hầu như chẳng ngó
ngàng gì đến tôi đã từ lâu. Và nay, tình yêu đầu đời của tôi
cũng chắp cánh bay xa như cánh én muộn màng cuối mùa xuân ảo
vọng.

Tôi thật sự muốn chạy trốn không gian nơi này. Con đường
Nguyễn Văn Cừ cây cao bóng mát dẫn đến trường buổi sáng vấn
vương nắng sớm, ghế đá Tao Đàn âm vang một thủơ, đêm hẹn hò
rộn rã lòng ai, đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, thoáng ưu tư
bóng ngã đêm dài…

Giã từ tất cả, từ nay tôi bước vào một cuộc đời khác, tôi
sẽ là một cô giáo đứng trên bục giảng, một ước mơ từ nhỏ
của tôi. Tuy học ở Sài Gòn, nhưng giờ tôi lại muốn về dạy ở
Đà Lạt, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tuổi thơ tôi đã trải qua
với thông reo, đồi núi chập chùng gió lộng, với những căn
nhà chập chờn ẩn hiện trong sương mù … Với tôi, Đà Lạt bao
giờ cũng là một niềm yêu thương dạt dào :

Nhớ về Đà Lạt chiều sương
Con đường dốc nhỏ còn vương hương nồng
Trên đồi ai mãi ngóng trông
Thông reo vi vút, bóng hồng mờ xa

Ở đây, tôi còn bạn bè thời niên thiếu, tối tối thường rủ
nhau đi ăn bún bò quán bà Dần sau chợ Đà Lạt, hay bữa nào
khá vốn một chút thì làm sang ra Thanh Thủy nhâm nhi cà phê
nghe violon réo rắc lướt trên mặt hồ đêm . Một “thành phố
buồn” đúng nghĩa với tôi, nhưng tôi vẫn yêu thương, ôm ấp Đà
Lạt như một người tình xa, dù ngày nay, đã có khá nhiều thay
đổi so với thời tôi học Trung học, đã có cả cáp treo băng qua
đồi thông để tới Trúc Lâm Thiền Viện, mà ngày trước chúng
tôi phải đi vòng khá xa.

Căn nhà của Mẹ tôi trên đường Ngô Quyền,giờ đã là nhà của
tôi, vẫn còn đó. Tôi đã cho thuê trong những năm học ở Sài
Gòn nhưng vẫn giữ lại một phòng cho những lúc muốn về nhà.
Bà ngoại tôi cũng đã mất sau mẹ tôi vài năm, tôi chỉ còn một
ông Bố là người thân duy nhất ở cùng thành phố nhưng sao cách
xa vời vợi .

Tôi đã tham gia vào cuộc thi chọn Giáo viên của Sở Giáo Dục
Tỉnh với nguyện vọng được dạy ở Đà Lạt. Tôi thật ngây thơ,
cứ nghĩ rằng tôi có hộ khẩu ở Đà Lạt, tốt nghiệp hạng
Giỏi thì có lẽ sẽ được dạy ở Đà Lạt. Nhưng tôi đã lầm,
người quen của tôi cho tôi hay rằng, muốn được ” trụ” ở Đà
Lạt, thì một người như tôi, không có mối quen biết gì lớn
thì phải có thủ tục đầu tiên khá nhiều, vượt quá khả năng
của tôi.

Thôi ! Tôi cũng đành chấp nhận, phải sao thì chịu vậy, biết
làm gì hơn ?
Cuối cùng, tôi được phân công tác về dạy tại một trường Trung
Học Phổ Thông ở Huyện Bảo Lâm, cách Thị Xã Bảo Lộc vài
chục cây số, đây là một huyện vùng xa. Tôi tự an ủi, thôi dạy
đâu cũng là dạy (còn hơn là mất dạy! ), cố gắng vài năm rồi
sẽ tìm cách xin về Đà Lạt, dù sao cũng còn đỡ hơn là ở
các huyện Đạ Oai, Đạ Tẻ…

Năm đầu tiên về trường, tôi dạy môn Tiếng Anh khối 10. Công
việc chiếm nhiều thì giờ nhất là soạn giáo án, các giáo
viên thì phải chia thành từng tổ. Tôi cũng ở trong tổ GV
Tiếng Anh do một người khác làm tổ trưởng dù là bằng cấp
và khả năng chuyên môn của người đó không hơn tôi, cũng không
có gì để phàn nàn.

Mọi việc trôi qua bình thường. Khối lớp 10 ở đây, nhiều em
học sinh đã lớn, có em đang học thì đến chào cô em đi lấy
chồng (trong khi cô vẫn đang ế! ). Năm đó, tôi là chủ nhiệm
lớp 10 C. Trong lớp học, đa số các em đều ngoan, nhưng cũng có
vài em nghịch phá, trong đó có một em tên Lan, hay có vẻ cầm
đầu phá phách, nên đã có biệt danh là Lan “phá’. Có nhiều
lúc, em tỏ ra ương ngạnh và thách đố tôi ra mặt. Tôi cũng có
lúc giận, nhưng rồi tôi hiểu đó là một em có cá tính mạnh
mẽ, nếu em đi đúng đường thì khi ra đời những người như vậy
lại có khả năng thành công rất cao.

Phải nói, dạy học thì ở đâu cũng là dạy, nhưng thật ra mức
độ công việc mỗi nơi mỗi khác nhau. Có đứng trên bục giảng
rồi mới thấy thương thầy cô của mình ngày trước hơn. Ở các
thành phố lớn, học sinh có trình độ đều và khá hơn nên việc
tiếp thu cũng dễ dàng hơn. Còn ở các vùng xa thì việc làm
sao cho các em hiểu, nhớ được bài không phải là một việc dễ
dàng, vì thường là các em đã yếu căn bản từ dưới lên. Cũng
giống như làm ruộng, gieo cấy trên một đám ruộng phì nhiêu sẽ
dễ dàng hơn nhiều so với gieo lúa trên một thửa ruộng cằn
cỗi, phải chạy tìm đủ loại phân bón mà kết quả chưa chắc
đã ̣được như mong đợi.

Rồi cũng qua năm học đầu tiên ở trường huyện. Đời sống ở đây
tuy đạm bạc nhưng bù lại, tôi có được những giây phút thân
thương với những em học trò. Ngày Nhà Giáo, ngày Tết…các
em đến thăm tôi với những bông hoa trong vườn nhà, những chiếc
bánh chưng, bánh tét…mà chính các em đã cùng chung sức làm
cho tôi. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy rất được an ủi, niềm
vui lại ̣đến trong tôi trong những tháng ngày hắt hiu phố
huyện .

Năm sau, tôi được chuyển lên dạy khối 11. Thật là tôi có duyên
với lớp 11C, tức là 10C năm trước, cũng vẫn những khuôn mặt
đó, năm nay chúng tôi lại gặp nhau. Lan “phá” thì vẫn phá,
học thì cũng không tệ, nhưng vẫn tánh nào tật nấy, nhiều khi
tôi cũng phát mệt với em.

Lại một năm nữa trôi qua với vui buồn cùng học trò. Hè tôi
về Đà Lạt thăm nhà và nghỉ ngơi đôi chút sau những tháng dài
làm việc.

Rồi ngày khai trường lại đến. Năm này tôi lại chuyển lên dạy
khối 12, cũng lại là duyên số, năm nay tôi lại làm chủ nhiệm
lớp 12C.

Năm nay, lớp tôi làm chủ nhiệm hơi có vấn đề. Các em học có
vẻ chăm và khá hơn, có lẽ vì là năm thi tốt nghiệp, nhưng
trong lớp lại có hai nhóm ngầm chống đối nhau. Một bên là
nhóm của Lan “phá”, còn một bên là nhóm của Kim Thanh, một
học sinh mới. Kim Thanh tuy là hoc̣ sinh mới, nhưng lại có một
vị trí khá đặc biệt, em là con của Chủ tịch mới của huyện
Bảo Lâm mới về nhậm chức. Tuy là một học sinh mới của lớp,
nhưng vì có uy thế, phần lại lanh lẹ, nên Kim Thanh đã lôi kéo
được một số bạn bè về phe mình. Tôi cũng đã nghe loáng
thoáng về những chuyện mâu thuẫn nhau giữa hai nhóm bạn cùng
lớp nầy, tuy vậy cũng chưa có gì là nghiêm trọng, cho đến
một hôm …

Cho đến một hôm. Tôi đang ở trong phòng giáo viên chờ vào tiết
học đầu ngày, thì nghe ồn ào ngoài sân trường. Tôi bước ra
xem, thấy Lan “phá” và Kim Thanh đang ghình nhau, tôi nghe tiếng
Lan :

– Mầy tưởng mầy ngồi xế hộp thì ngon hả ?

– Ừ, ngon đó, rồi mầy làm gì tao ? Tiếng thách thức của Kim Thanh .

– Thèm lắm hả, xin đi tao cho đi ké. Kim Thanh lại bồi thêm.

– Xí, tham nhũng mà ra chứ làm gì có mà lên mặt !

Kim Thanh không chịu nổi nữa, lao vào Lan, Lan “phá” chỉ chờ
có thế, hai em xoắn vào nhau, bỗng nhiên một tiếng “Á” vang
lên, rồi hai người buông nhau ra,Kim Thanh ôm ngực lảo đảo,, máu
loang đỏ thẩm xuống vạt áo dài. Lan “pha” đứng như trời
trồng, mặt xanh mét, trên tay còn nắm chặt cây bút máy nhọn
dính máu.

Hội Đồng Kỷ Luật của trường nhóm họp và ra quyết định đuổi
học Lan “phá”, tôi không biết là có sức ép từ đâu không, nhưng
tôi, tôi nhứt quyết bênh vực cho Lan, không muốn chỉ vì một
lỗi lầm mà em phải mất tất cả. Tôi đứng ra làm đơn xin bảo
lãnh cho Lan và động viên Lan đến bệnh viện xin lỗi và thăm
Kim Thanh. Lan cũng e ngại lắm, nhưng rồi em cũng đi với tôi
đến bệnh viện. Khi nhìn thấy Kim Thanh trên giường bệnh, Lan ôm
chầm lấy bạn  và bật khóc nức nở, Kim Thanh cũng nắm tay
bạn, nước mắt chảy ra cùng nét sung sướng trên khuôn mặt xanh
xao. Tôi thấy lòng mình lâng lâng, lén quay mặt để giấu đi
khóe mi ươn ướt…

Sau sự việc đó, năm học lại tiếp tục một cách bình yên, rồi
ngày thi Tốt nghiệp Phổ Thông đến. Tôi rất vui vì năm đó tỉ
lệ các em đậu khá cao, Lan “phá” cũng đậu, và các em đã đãi
tôi một bữa tiệc rất vui trước khi chia tay.

́******

” Ba năm qua, em trở thành thiếu phụ,
Ngồi ru con, như ru tình buồn …”

Không phải ba năm như bài hát mà là tám năm từ ngày tôi về
đây dạy , tôi mới có chồng và thành thiếu phụ. Chồng tôi đi
làm xa, tôi thường ở nhà một mình ôm con sau giờ đi dạy, tuy
nhà có một bà vú nuôi nhưng sao tôi vẫn thấy trống vắng.
Chồng tôi sau thời gian đầu mặn nồng với tôi thì giờ đây, khi
tôi đã có một đứa con, anh lại có vẻ xa cách tôi hơn. Mỗi
cuối tuần về nhà, tôi thường thấy chồng tôi len lén nhắn tin
cho ai đó. Cũng có khi tôi đặt dấu hỏi về sự thủy chung của
anh, nhưng rồi thôi, tôi lại tự an ủi, mình vẫn có chồng, con
mình vẫn có cha, có lẽ anh vì công việc thôi . Những buổi
chiều ngồi ru con bên mái hiên nhà quạnh hiu tôi tự hỏi có
phải đời tôi là một kiếp cô đơn như vầng mây tím cuối trời ?
Tình yêu của tôi bây giờ là con thơ, tôi sẽ hạnh phúc khi nhìn
con tôi lớn lên trên từng ngày tháng …

******

Một ngày cuối tháng Tư, trên đường đi dạy về, con đường thân
quen với những vườn trà, cà phê xanh ngát hai bên đường. Lòng
tôi hôm đó cũng nhẹ nhàng vì được vào kỳ nghỉ lễ dài ngày,
tôi và chồng con sẽ có dịp về Đà Lạt thăm nhà, nghỉ ngơi đôi
chút. Khi xuống con dốc gần nhà, thấy một em học sinh đang
loay hoay bên lề đường với chiếc xe đạp bị tuột sên.
Thấy tôi đến gần, em ngước nhìn tôi, ánh mắt như cầu khẩn
một sự giúp đỡ, tôi đâu thể nào khước từ được, nắng trưa
chói ngời những vệt nước sáng loáng trên con đường nhựa
thẳng tắp. Tôi dừng xe lại vào trong lề đường, cẩn thận dời
chiếc xe đạp của em vào bên trong rồi cùng giúp em sửa lại
cái sên bị tuột. Em bé gái cho tôi biết em là học sinh lớp 5,
trường em học cũng kế bên trường tôi. Khi tôi đã đặt được
chiếc dây xe vào cho em, tôi và em cùng đứng lên, cả hai đêu mồ
hôi nhỏ giọt trên trán giữa trưa hè nắng gắt. Tôi bỗng thấy
một chiếc xe từ trên dốc lao xuống, nhanh và lạng quạng một
cách không bình thường, tôi khiếp đảm nhìn chiếc xe lao thẳng
vào chúng tôi, tôi nhào vào em bé và không còn biết gì
nữa…

Những ngày trong bệnh viện thật dài, tôi bị chấn thương cột
sống không đi lại được. Chồng tôi cũng không nghỉ phép được
lâu, nên tôi chỉ còn một mình trong bệnh viện, nhờ vào sự
giúp đỡ của những người thăm nuôi tốt bụng của những bệnh
nhân khác. Tôi nhớ con nhưng không gặp được vì bệnh viện không
cho trẻ em vào. Theo bác sĩ, tôi sống được đã là một phép
lạ, còn vấn đề tôi có đi lại được hay không thì phải chờ
thời gian vì cột sống của tôi bị tổn thương khá nghiêm trọng.

Rồi tôi cũng về nhà với chiếc xe lăn hai bánh, dù sao tôi vẫn
còn được sống cạnh con tôi, tôi lại tự an ủi. Em bé bị nạn
cùng tôi còn kém may mắn hơn tôi, em hiện giờ chỉ nằm và
phải cần một số tiền lớn để có thể phẩu thuật trả lại sự
đi đứng cho em.
Tôi đã đọc lại một bài báo cũ mà chồng tôi đã lưu lại với
tựa : “Cán bộ … gây tai nạn”, theo bài báo thì những nhân
chứng đã nghe thấy mùi rượu nồng nặc khi lại gần người lái
xe, người nầy đã nhờ một người đi đường chở khỏi hiện
trường ngay lúc đó.

Đúng theo sự việc thì chúng tôi, tôi và em bé học sinh phải
được bồi thường đúng theo mức độ thương tật. Nhưng từ ngày
bị tai nạn, tôi và em chỉ được ̣đề nghị nhận một số tiền
nhỏ không đáng vào đâu so với thương tật của chúng tôi. Vì
vậy, chúng tôi đã phải đem vụ việc ra nhờ tòa phân xử để
trả lại sự công bằng .

Chúng tôi cũng đã nhờ Luật sư để giúp đỡ trong vụ kiện này,
nhất là cho em bé. Cuộc đời em rồi sẽ ra sao nếu em không
được chữa trị đến nơi đến chốn ?

Ngày ra phiên sơ thẩm ở Tòa án Huyện, có vài em học trò của
tôi cùng những đồng nghiệp đến tham dự và ủng hộ tinh thần
cho chúng tôi. Luật sư cũng đã cố gắng đòi hỏi sự công bằng
cho chúng tôi. Nhưng, phiên tòa cuối cùng đã kết thúc không như
chúng tôi mong đợi.

Đành là một tai nạn, nhưng vấn đề ở đây là người lái xe đã
đổ lỗi cho chúng tôi để trốn tránh trách nhiệm. Không hiểu
bàn tay phù phép nào đó đã làm cho vị trí của tôi và em bé
đã thành ra ở ngoài đường nhựa, chứ không ở bên trong lề như
sự thật của biên bản được làm tại hiện trường.

Tòa đã bỏ qua nhiều nhân chứng quan trọng, xử một phần lỗi
về phía chúng tôi, và chỉ tuyên mức bồi thường không xứng
đáng với thương tật mà chúng tôi đang gánh chịu.

Chúng tôi rất thất vọng nhưng không chịu bỏ cuộc, chúng tôi
đã làm đơn kháng án và tin rằng sẽ tìm ra ánh sáng công lý.

Những ngày tiếp đó, luật sư lại đột ngột báo tin là không
thể tiếp tục làm việc với chúng tôi nữa vì một lý do rất
mơ hồ.

Tôi thật là tuyệt vọng ! Vì khả năng bị giới hạn, tìm một
luật sư với chi phí cao thật là khó khăn cho chúng tôi trong
lúc này. Có lúc, tôi đã nghĩ rằng chắc là mình đành phải
buông xuôi thôi, nhưng nhìn con tôi, rồi nghĩ tới em bé bị
thương tật, lòng tôi lại bồn chồn, ray rức…

Thời gian không còn nhiều nữa ! Đúng vào lúc tôi gần như
tuyệt vọng thì một buổi tối, tôi nhận được một cuộc điện
thoại từ một người xa lạ. Người đó, xưng là nữ luật sư và
nói rằng nếu tôi bằng lòng, thì cô sẽ giúp bênh vực cho
chúng tôi vụ kiện nầy. Nghe giọng nói trẻ trung nhưng cương
quyết, không hiểu sao tôi bỗng thấy tin tưởng người nữ luật sư
nầy, mặc dù cô có cho tôi biết rõ rằng cô chỉ mới vừa được
cấp bằng hành nghề không bao lâu . Vì thấy có nhiều uẩn khúc
trong vụ án nầy nên cô muốn giúp chúng tôi với một chi phí
rất là tượng trưng.

Tôi như người sắp chết đuối vớ được phao nên bằng lòng giao cô
mọi việc. Cô cho biết sẽ liên lạc với luật sư cũ của tôi để
tiếp nhận hồ sơ và tìm hiểu thêm. Cô thường nói chuỵên với
tôi qua điện thoại hoặc email vì cô đang làm việc ở Sài Gòn,
chưa thể gặp tôi được. Chỉ có một lần, cô hẹn về Bảo Lâm để
gặp chúng tôi cùng những nhân chứng thì hôm đó, ba tôi bị
bệnh nặng nên tôi phải về Đà Lạt gấp, không gặp cô được.

Những ngày sau đó, tôi ngạc nhiên thấy có nhiều bài báo đăng
về vụ án tai nạn của chúng tôi xuất hiện : “Cô giáo bị tai
nạn vẫn chờ công lý”, “Vụ tai nạn còn uẩn khúc” …Rồi có
những phóng viên tìm tới chúng tôi, cộng đồng mạng cũng lên
tiếng. Vụ của chúng tôi tưởng chừng đã rơi vào quên lãng
bỗng nhiên lại được khơi dậy mạnh mẽ và nguồn dư luận đều
ủng hộ chúng tôi.

Tôi suy nghĩ, ai đã làm tất cả những việc này ? Không ai
ngoài cô luật sư trẻ, nhưng tại sao ? Tôi thật không có câu trả
lời !

Sắp tới ngày ra Tòa Phúc thẩm ở Tòa án Tỉnh, vợ chồng tôi
cùng gia đình em bé đã về Đà Lạt trước vài ngày chuẩn bị
sẵn tinh thần, luật sư cũng đã dặn dò chúng tôi đầy đủ
những gì cần thiết, chúng tôi chờ đợi với tâm trạng hồi hộp
nhưng tự tin.

Sáng hôm đó, khi chúng tôi tới tòa án thì thật là bất ngờ :
một số đông học trò cũ, mới của tôi vây quanh tôi với nhiều
biểu ngữ nhỏ, ” Trả sự công bình cho cô giáo chúng tôi’, “Công
lý cho mọi người”…, các em ̣đều trong đồng phục áo dài
trắng vây quanh và hộ tống tôi vào bên trong tòa.

Hôm nay tôi mới gặp nữ Luật sư của chúng tôi, cô còn trẻ,
khuôn mặt sắc nét với đôi mắt như có chút gì tinh nghịch sau
cặp kính cận, bỗng dưng tôi có cảm giác tôi đã gặp đâu đó
trong tiềm thức của tôi.

Phiên tòa bắt đầu.

Lần nầy, Viện Kiểm Sát cũng không truy tố người lái xe vì
cũng không có thêm điều gì mới. Luật sư bên bị đơn cũng đưa ra
những luận cứ bào chữa như lần trước, căn cứ theo biên bản
hiện trường thì chúng tôi đã có phần lỗi khi dừng xe trên
đường bên dưới con dốc nên người lái xe đã không kịp phản ứng
dừng hay né tránh.
Đến phiên bào chữa của luật sư chúng tôi. Luật sư của chúng
tôi đã nêu ra khoảng cách 30m từ đầu dốc đến chỗ xảy ra tai
nạn là khoảng cách đủ để một người lái xe với một tốc độ
bình thường có đủ thời gian để thắng xe hoặc là né tránh.
Nếu người lái xe không thể né tránh có thể là vì những lý
do sau :
– Chạy quá nhanh.
– Lái xe trong tình trạng mất kiểm soát, ví dụ như đã uống rượu bia.

Và khi người lái xe nói rằng anh ta vẫn bình thường khi lái
xe, cô nữ luật sư đã xin Tòa cho phép một nhân chứng vào. Khi
người này bước vào, nét lo âu xuất hiện rõ trên khuôn mặt
người lái xe. Đó chính là người chạy xe máy đã chở người
lái xe gây nạn đi khỏi hiện trường. Nhân chứng nầy xác nhận
đã nghe mùi rượu nồng nặc từ người lái xe hơi.

Luật sư bên bị đơn vẫn cho rằng vì tôi và em bé ở trên đường
nên người lái xe không kịp né tránh. Luật sư của tôi lúc đó
đã hỏi tôi và em bé xác nhận vị trí của chúng tôi như thế
nào khi xảy ra tai nạn, rồi cô xin Tòa cho một nhân chứng sau
cùng vào.

Nhân chứng vào, một số người trong phòng xử ồ lên một tiếng.
Đó là một người cảnh sát trẻ, trên tay anh có cầm một xấp
giấy. anh chính là người đã làm biên bản vụ tai nạn này. Anh
xác nhận vị trí của chúng tôi là bên trong lề đường, sau đó
đưa cho Tòa xem hồ sơ biên bản gốc anh còn lưu lại được.

Vụ án đã kết thúc với phần thắng về phía chúng tôi, người
lái xe chấp nhận bồi thường mọi chi phí y tế cho chúng tôi
để điều trị thương tật.

Khi phán quyết của Tòa vừa xong, tôi chưa kịp mừng thì đã
thấy một cô gái tiến lại gần tôi và nói:

– Em chúc mừng cô.

Ngồi trên chiếc xe lăn tôi nhìn lên, dáng cô gái ngờ ngợ quen,
rồi tôi cũng nhận ra.

– Ủa! Kim Thanh, em cũng có mặt đây sao ?.

Kim Thanh cười :

– Em chúc mừng cô rồi giờ em sẽ xin cô chúc mừng em đó nha!

Rồi Kim Thanh quay mặt ra sau khẽ gật đầu, người nhân chứng
cảnh sát lúc nãy, tiến lại gần chào tôi. Tôi chưa kịp nói
cám ơn anh ta thì Kim Thanh đã trao vào tay tôi một tấm thiệp
màu hồng.

– Mời cô dự đám cưới tụi em .

Kim Thanh vừa nói vừa nắm tay anh cảnh sát. Tôi thật là bất
ngờ và cảm động, nhưng chưa hết, cô nữ luật sư lúc này mới
lại bên tôi, tôi ôm chầm lấy cô, không biết nói gì nữa. Cô chỉ
cười và lặng lẽ gỡ đôi mắt kính ra khỏi khuôn mặt, rồi dịu
dàng hỏi tôi :

– Cô, cô biết ai đây không ?.

Tôi giật mình, nhìn khuôn mặt thanh với nét tinh nhanh, rắn
rỏi, tiềm thức tôi trở về, tôi la lên :

– Trời ! Có phải…

– Đúng rồi, Lan ‘phá” đây cô ơi !

Ngoài trời, nắng dìu dịu, có tiếng chim hót đâu đây…{jcomments on}

 

0 thoughts on “Con dốc bên đời.

  1. Ngô Tín

    Bài viết cảm động lắm Diêu ơi ! . Rất vui được Diêu thường xuyên góp mặt đóng góp cho Hương xưa những tác phẩm hay đến với mọi người . Đại hôi liên trường nhớ về Cali tham dự nhé .
    Ngô Tín

    Reply
  2. Nguyên Lương

    Câu chuyện có hậu, dành cho người tốt, dù có bị nạn cuối cùng cũng được hưởng cái hậu tốt dành cho mình. Câu chuyện thật cảm động, đầy tình thương giữa cô giáo và những đứa học trò ngỗ nghịch sau đã thành danh. Hình ảnh kỷ niệm về vùng trời Dalat nơi mình đã có gần 4 năm vui chơi học hành với bạn bè. Hình ảnh mấy đứa học trò gái quậy trong lớp cũng làm mình hồi tưởng lại mấy cô hoc sinh lớp 11 có dôi mắt tinh nghịch, đẹp long lanh, trong lớp mình dạy thực tập, chuyên chọc ghẹo ông thầy trẻ(hư). Một lần cô gái xinh và phá nhất lớp tìm đến thầy xin lỗi. Thầy nghiêm sắc mặt nói: “lỗi phải gì, không thầy trò gì hết, tao yêu mầy đấy”. Cô bé từ đó vào lớp lúc nào cũng cúi đầu không dám hó hé lấy một câu.
    Câu chuyện của Diêu sẽ làm mấy thầy cô giáo (dàng hoàng) xúc động. Tấm lòng tác gỉa, chuyên chở qua hình ảnh cô giáo nhỏ ngồi trên xe lăn với những đứa học trò phá phách khi xưa giờ trở thành ân nhân giúp cô tìm lại sự công bằng. Đâu đó trong xã hội xô bồ thời nay, vẫn còn đó những câu chuyện thật đáng nhớ, đáng tôn vinh.
    Cảm ơn Diêu.
    NL

    Reply
    1. NĐD

      Trò quậy sao bằng thầy quậy phải không anh Nguyên Lương ? Nhớ hồi xưa, mấy ông thầy trẻ cũng theo o học trò dài dài…hihi.

      Reply
  3. Quốc Tuyên

    Tình nghĩa cô trò thật cảm động, bài viết rất hay, rất thực như những câu chuyện thường thấy ở quanh ta!

    Reply
  4. Thu Thủy

    Câu chuyện được kể lại bằng lời của cô giáo nhân vật trong truyện thật tự nhiên, chân thành rất cảm động một câu chuyên đâu đó trong đời thường, tấm lòng của người học trò qua lời tự sự không khoa trương mà vẫn làm người đọc chùng lòng.

    Reply
    1. NĐD

      Cám ơn Thu Thủy. Tình nghĩa thầy trò bao giờ cũng đáng trân trọng, hy vọng rằng điều nầy luôn đúng trong xã hội VN .

      Reply
  5. Huỳnh ngọc Tín

    Tuyệt vời lắm Diêu ơi!Cậu có vốn sống thật là phong phú.Câu chuyện hay và cảm động lắm!Một câu chuyện có lẽ là do ai kể lại cho cậu và cậu đã viết thật thành công.Chúc mừng cậu.

    Reply
    1. NĐD

      Tín thân, đúng như Tín nói, đây là một câu chuyện với nhiều sự thật mà nhân vật chính là một người bạn thân của D.

      Cám ơn Tín nghe.

      Reply
  6. Huỳnh ngọc Tín

    Cậu viết thật lắm.Những địa danh ở Lâm đồng , tuy Cậu ở xa mà nắm vững lắm!Tỉnh Lâm đồng mình quen biết nhiều lắm, có gì oan khiên cứ méc với mình, mình giải quyết cho.

    Reply
  7. TRANKIMLOAN

    Câu chuyện thật cảm động & hay lắm ! rất đời thường…văn viết rất tự nhiên & lôi cuốn !

    Reply
  8. Tuệ Minh

    Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, nhưng bây giờ quỷ ma trốn hến nên học trò lãnh đủ ba ngôi . Nhà văn viết rất dặc sắc.

    Reply
  9. nguyentiet

    Câu chuyện NĐD viết rất cảm động và rất hay, rất tự nhiên nhưng lại lôi cuốn người đọc.NT đọc lần thứ hai mà vẫn thấy xúc động .Những câu chuyện như thế này về tình thầy trò đã bù lại niềm tin về truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của dân tộc Việt Nam bao đời nay đã dần mai một.Trong quãng đời làm cô giáo của mình NT cũng thấy rằng chính những đứa học trò ngày xưa nó quậy phá làm cho cô giáo phải đau đầu mất ngủ lại chính là những đứa sau này quay về nói lời cảm ơn sâu sắc.Và chính những lúc này mới cảm nhận thật sự niềm hạnh phúc của Người Lái đò , không cô đơn giữa bến sông hiu quạnh , giữa mênh mông của đất trời. Cám ơn NĐD.

    Reply
    1. NĐD

      Nghĩ lại thời Trung Học, cái lớp của mình(cùng HNT )sao mà quậy phá thế không biết nữa. Các cô giáo trẻ đều bị dính “chưởng” của cái đám tiểu yêu nầy, cô Tú, cô Phong và cả cô …Đào nữa . Cô Tú và cô Đào …nhỏ lệ ngay tại trận tiền, còn cô Phong bị nhốt bên ngoài lớp.

      Bây giờ, thật nhớ thời áo trắng Qui Nhơn và rất biết ơn các Thầy , Cô đã cho mình kiến thức để có thể lăn lộn vào cuộc đời đến ngày hôm nay.

      Reply
      1. Huỳnh ngọc Tín

        Năm lớp 11 lớp mình cùng lúc được 3 Cô Giáo trẻ mới ra trường về dạy ( Cô Chân Tú, Cô Tuyết Đào và Cô Hồng Phong).Xui cho mấy Cô là vừa mới ra trường lại vô đúng ngay cái lớp lớn không ra lớn, trẻ con không ra trẻ con nên mới bị chọc phá.Nói vậy thôi chứ chọc thì chọc mà thương thì thương, thương quá không biết làm sao nên chọc.
        Mình còn nhớ Xuân đen tranh luận với Cô Tú, Cô bảo đừng vật lộn với từ ngữ, Xuân trả lời :Nãy giờ em đâu có vật lộn với Cô.Còn Cô Phong thì bị cả lớp ngồi im, đóng cửa phía bên trong làm như trong lớp không có ai, cô đã giận bỏ lớp không thèm dạy.Trong số đó Cô Đào ít bị chọc hơn,nhưng cũng có lần Cô khóc.Cô ít bị chọc vì chọc Cô chỉ e lệ rồi cười không nổi giận thì làm sao chọc tiếp được.Xuân đen đang ở Sài gòn, về VN thế nào Diêu cũng gặp được cậu ấy.

        Reply
        1. nguyentiet

          Cô giáo cũng nhớ RB đáng yêu lắm đó.Được RB khen cô giáo vui lắm, cám ơn RB nghen!Chúc RB cứ vui hoài vui mãi…

          Reply
        2. Huỳnh ngọc Tín

          Hình như huynh muội Rong – Rêu đang giận nhau thì phải?

          Người ta nói

          “Em chỉ là người em gái thôi!
          Người em sầu mộng của muôn đời
          Tình em như tuyết giăng đồi núi
          Vằng vặc trăng sao đến tuyệt vời”

          Còn cậu thì nằng nặc

          Em phải là người yêu của tôi
          Người yêu sầu mộng của muôn đời
          Môi em tôi uống niềm say đắm
          Tất cả nơi em hẳn tuyệt vời

          Vậy ai mà chịu nổi, không giận làm sao được.

          Reply
  10. Hạ Vy

    Câu chuyện cảm động quá , luật nhân quả rõ ràng nếu ngày đó cô giáo không can đảm bảo lãnh cho ” Lan phá ” thì làm sao có cái hậu cảm động như ngày nay , cám ơn tác giả .

    Reply
    1. NĐD

      Cũng thật tình cờ, vì Hạ Vy cũng là tên người trong cuộc, có phải vì vậy mà sự đồng cảm dễ dàng hơn không ?

      Cuộc đời lại có thêm một tình cờ thú vị .

      Xin cám ơn Hạ Vy.

      Reply
  11. Thỏ con

    Đọc để biết rằng một người thầy phải hiểu và cảm thông cho trò nhiều hơn để về sau những mầm non sẽ có ích cho đời.

    Reply
  12. Xuan Thi

    Dieu oi ! Bai viet cam dong qua . XT cung la nguoi trong nghanh giao , doc bai nay lam XT thong cam va hieu cho nhung nguoi trong nghe giao , mot thien chuc quy gia .Cam on Dieu da noi len cam xuc nay .
    Xuan Thi

    Reply
    1. NĐD

      Cám ơn Xuân Thi. Đang chờ đọc truyện mới của XT đây. Để xem XT nhà giáo viết độc đáo thế nào, chắc chắn sẽ không giống ai…hic

      Thân mến.

      Reply
  13. Sóc con

    SC đã đọc bài này ở đâu đó nhưng đọc lại vẫn cảm động . Tình cảm thầy trò và bạn bè rất đáng trân trọng.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.