Quê Hương Ngày Về

Năm sau, Ba đã ngoài 80 tuổi và vẫn muốn về Quê thăm nơi chôn nhau
cắt rốn.Vì tuổi già sức yếu, nên có lẽ tôi sẽ tháp tùng cùng người.
Cách đây 7 năm, tôi đã có dịp trở về Quê Hương Việt Nam thân yêu để
làm tròn bổn phận của một người con, người cháu trong gia đình, và
đồng thời cũng muốn đóng góp một chút nhỏ nhoi trong khả năng hạn hẹp
của mình cho quê hương. Mỗi lần về Quê là mỗi lần lo toan, vui thì ít
buồn thì nhiều trước những nhiễu nhương, cay đắng tình đời, và thay
đổi ồ ạt của xã hội.Bù lại, những tình cảm nồng nàn, thương yêu của
gia đình, bạn bè và thân hữu đã làm ấm lại lòng lữ khách tha hương.
Như bao nhiêu người Việt Nam khác, tôi vẫn luôn ấp ủ ngày về thăm lại
Quê hương và cống hiến sức mình mong cho đất nước hình chữ S ngày càng
phồn thịnh.

Có lần tôi đã nghe Huy Uyên–một người ly hương–tâm sự:

Ta bơ vơ giữa đất Sài-gòn
xa lạ quá góc trời buổi trước
bao nhiêu năm (tha hương) xuôi ngược
về đâu thôi lệ ngậm ngùi tuôn.

Thôi cả đời ta mãi đi tìm
mà có bao giờ hề bắt gặp
sáng chiều nắng lên rồi tắt
mắt dõi theo người, máu chảy trong tim… (Sài-Gòn, Ngày Về)

Rồi mới đây nhất có người bạn, DT, cũng mới về thăm Quê hương và người tâm sự:

“Chuyến đi… mình đi một vòng, thăm quan, Việt Nam không như trong
trí nhớ của mình. Hình ảnh đó chỉ là của ngày xưa thôi… hơn 20 năm,
quay về, hoàn toàn mới lạ, thay đổi, thời trang, muốn như Tây… nhưng
Tây lại không giống Tây, Việt lại không giống Việt… mình không nhìn
ở góc cạnh bi quan đâu nha. Mình chỉ đang chia sẻ một chút xíu trung
thực, cảm nhận từ trái tim mình, mà từ thuở nhỏ khi rời VN cho đến bây
giờ, mình luôn mang hoài một hình ảnh đẹp của VN, hình ảnh của Văn
Hóa, truyền thống, hình ảnh các em học sinh, v.v… Về lại Sài Gòn…
mình lội đi bộ trên khắp các nẻo đường, đứng giữa một thành phố tấp
nập xe cộ, không có chút trật tự nào cả… hàng ngàn người qua lại…
mình ngồi bên lề đường ngắm xem thành phố của hàng giờ… có chút gì
đó buồn buồn… quê hương mình đã không còn giữ lại nền Văn Hóa đẹp
của người dân Việt Nam… tệ nhất là thành phố Sài Gòn… các cô…
các cậu… cafe.. nhậu nhẹt… khoe sắc khoe hương…  và vì chạy theo
nhu cầu đời sống “đua đòi” mà đua đòi không đúng cách thành ra mình tự
đánh mất chính mình… đó là tệ nạn của xã hội vậy thôi.. mình chỉ
buồn… ước chi quê hương mình…, để giữ lại nét đẹp của văn hóa mình,
đạo đức mình thì tuyệt vời biết mấy.. Mình có quyền thay đổi nhưng
phải thay đổi làm sao để văn minh hơn, văn hóa hơn thì đó mới gọi là
thay đổi…

Nhìn lại những cụ già, vẫn lận đận với những gánh hàng rong..ôi chao..
mình thấy chạnh lòng và đau đớn, khi một bên trẻ thì lại đi đánh mất
giá trị làm người, giá trị của đạo đức, còn một bên thì vẫn là cù lao,
vất vả với đời sống này…

Mình có ghé ngang các trường học, chỉ đứng lại bên trưóc cổng trường
ngắm các em vào học tan học, như để tìm lại chút kỉ niệm mà một thời
mình đã cắp sách vào ra với cổng trường quê hương…”

Có phải chăng kỷ niệm dĩ vãng lúc nào cũng đẹp; và một khi sự thật
quá phũ phàng, nó lại khiến con người ta hụt hẫng, thất vọng.Hai tâm
trạng trên của DT và UH thật là bẽ bàng, lẽ loi, xa lạ và cô đơn giữa
phố xá đông người trên chính quê hương xứ sở của mình. Tìm đâu những
bóng hình thơ mộng thuở xưa, có chăng chỉ là những nỗi ngậm ngùi,
những giọt lệ chảy ngược vào tim. Cô quạnh quá!

Hoà vào nỗi niềm hướng về đất nước thương yêu của DT và UH, tôi nhớ
lại những năm trước,khi về nước và chứng kiến sựbuông thả của một số
thanh niên Việt Nam. Họ lao vào con đường nhậu nhẹt, hút sách, vô
cảm… và thờ ơ với cuộc sống.Tôi cũng thường xuyên tâm sự và khuyên
nhủ một vài con cháu trong gia đình.  Có lần tôi đã điện thư (email)
như thế này:

“Các con thương,
Cậu đã, đang, và sẽ luôn luôn quan tâm đến các con và gia đình các
con.Những câu hỏi của cậu thật khó trả lời vì nó rất cá nhân và cần sự
thực hành/chiêm nghiệm mới trả lợi được.  Những câu hỏi đó là phương
tiện gợi ý cho các con thực tập quán chiếu, nhìn sâu trong mọi vấn đề;
cậu hiểu và biết điều đó khó ở cái tuổi còn “trẻ” của các con và các
con cũng không cần trả lời nếu như các con không muốn hoặc không
thích.  Khi trả lời, xin hãy trả lời riêng cho cậu thôi ngoại trừ khi
con muốn tất cả điều biết. Đó cũng là những câu hỏi cậu quán chiếu cho
chính mình:  Con đường nào mình đang đi?  trên phương diện tài chánh
hay quan hệ với người chung quanh ví dụ như con/vợ/anh chị/ông/bà/bè
bạn, về tình cảm, về tâm linh v.v… Mình cần phải đi tới đích mà mình
đã định hướng, làm cho nó tốt hơn, có nghĩa là phải tiến lên phía
trước.  Vì thế, các con cũng nên nhìn lại chính mình trong những lãnh
vực đó.  Đừng đi tụt lùi mà sẽ càng xa mục tiêu nếu không nói là té
hố. Thỉnh thoảng chúng ta cũng bị tụt lùi, nên cần biết để dừng lại và
hãy tiến về phía trước.  Có một triết gia bảo rằng:  Nó không quan
trọng mình đi nhanh hay đi chậm, miễn sao là mình đi đúng hướng- bước
tới/forward.

Các con biết không?  Con người của chúng ta có đến 3 cuộc sống.  Cuộc
sống cá nhân – personal/private life, cuộc sống xã hội/công cộng –
public life và cuộc sống tâm linh – spiritual life.  Con người thường
gặp những chán chường, không toại nguyện, khổ đau, thất vọng, sợ hải
và đưa đến tột cùng đau khổ là vì họ chỉchú tâm vào cuộc sống cá nhân
hay cuộc sống xã hội, mà quên đi cuộc sống thứ ba.  Nền tảng của cuộc
đời là cuộc sống tâm linh các con ạ.Khi mình có cuộc sống tâm linh,
mình có cả tất cả. Khi các con tiếp cận nhiều với cuộc sống tâm linh,
các con sẽ hiểu cậu, hiểu Ông Bà, hiểu Cha Mẹ và gia đình mình hơn.

Cậu xin kể cho con nghe một câu chuyện.  Tuần rồi, Lai cùng cậu leo
núi và nghe thác đỗ.  Một ngày bình yên -Đến thác ghềnh, buồn tênh
cũng đỗ.Trên đường đến thác có những cây thông vươn lên mạnh mẻ, tuyệt
đẹp từ những tảng đá khổng lồ.  Nhiều cây thông thật to, đứng thật
vững bên vách đá cheo leo mà không hề nghiêng ngã? Vì sao vậy?Là vì
những gốc rễ của nó bám sâu vào lòng đất; nó phải có thật nhiều gốc rễ
mới đứng vững và hùng vĩ như vậy. Con người của chúng ta chúng vậy,
mình cần có cội nguồn, gốc rễ của mình.  Gốc rễ gia đình, gốc rễ học
vấn, gốc rễ huyết thống, gốc rễ dận tộc, gốc rễ tâm linh v.v… càng
nhiều thì cây càng vững. Nếu chỉ hời hợt dưa trên một vài gốc rễ yế ớt
thì mình sẽ bị ngã nghiêng hay bị cuốn theo chiều gió. Vì thế hãy là
những cây to khỏe các con nhé, đừng làm những cây con, yếu ớt dể ngã
nghiêng trước gió để rồi chỉ một chút gió vô tình cũng làm trốc gốc
mình rồi. Một lần nữa, gốc rễ tâm linh là vô cùng quan trọng, đặc biệt
là trong những lúc mình hụt hẫng, buồn phiền.Thôi cậu phải đi làm
việc.Cậu sẽ kể chuyện tiếp cho các cháu thư sau.Ồ, cậu đang đọc những
đoạn văn ngắn nhưng rất hay của Nguyễn Ngọc Tư; cô ta rất trẻ nhưng
ngòi viết rất chuẩn.  Các con hãy đọc…. Người Yêu Ngóng Núi; Cách
Đồng Bất Tận, v.v… rồi cùng thảo luận với cậu nghe.

Chúc các con luôn vui vẻ và một cuối tuần bình yên.”

Nhưng rồi mọi việc đã, đang và sẽ luân hành theo bánh xe thời gian.
Có lẽ như một số Việt kiều nói những lần về Việt Nam lại tràn dâng bao
nỗi vui buồn, xót xa, ngậm ngùi với những giọt lệ chảy ngược vào tim,
êm đềm và thầm lặng. Thế mà vẫn có người muốn về, trong đó có tôi, có
anh Ngô Tín, người nhỏ to tâm sự trong ca khúc của mình.

Mai ta về, đường phố thay tên
Sài Gòn không em, nắng mưa đợi chờ.
Hàng cây im bóng, say nỗi nhớ
Mai ta về, lạc bước chân quen. (MAI TA VỀ)

Và vẫn biết như nhạc sĩ Lê Tín Hương viết,

Khi tôi về, tình quê hương ngạt ngào
Khi tôi về, lòng yêu thương dạt dào
Kỷ niệm xưa năm nào, đầy vơi trong tim đau!

Khi tôi về, nhìn dân tôi ngỡ ngàng
Khi tôi về, nhìn quê hương điêu tàn
Nhìn tuổi thơ nghèo nàn, nuôi đời trong dối gian! (Con Đường Tôi Về),

nhưng có lẽ như tôi đã trải tâm sự trong chính bài thơ của mình:

NHƠN LÝ – QUÊ HƯƠNG TÔI
Viết tặng những người con Nhơn Lý (Phước Lý), Quy Nhơn, Bình Định.

Quê hương tôi đẹp những trưa hè
Tiếng Mẹ già ầu ơ trong gió
Con lớn dần trong những vần thơ
Đâu cát trắng biển đẹp mộng mơ

Đâu Eo Gió khung trời kỷ niệm
Đâu biển xanh nước biếc nắng vàng
Đâu Dốc Cá miên man lãng mạn
Đâu cõi tịnh Phước Sa buổi sáng

Đâu bình minh vừa rạng se mây
Đâu Ngọc Hòa Tịnh Xá đong đầy…
Đây Nhơn Lý biết bao kỷ niệm.
Mà em yêu !làm sao em biết?

Yêu quê hương, mối tình bất diệt
Như tình thương của kẻ tha hương
Cõi vô thường có quán mới thương
Nơi cắt rốn muôn ngàn lẽ sống

Và chúng ta không còn thuở mộng
Hãy góp phần xây dựng quê hương. (Hương Lòng, 2007)

hay có lẽ là mối tình tôi dành cho em, dành cho Huế trước sau như một,

Ơi hỡi Huế! một lần tôi được đến
Sẽ cùng em trầm lặng nỗi niềm riêng
Ơi hỡi Huế! một đời tôi thầm mến
Huế trong tôi từ lúc nón em nghiêng! (HUẾ TRONG TÔI)

Cho nên tôi vẫn sẽ đi và về với Việt Nam, về với quê hương Bình Định
và Huế nói riêng, vì ở đó có…

Vờn mây cách hạc trên trời
Thong dong vô trụ bên đời hắt hiu
Triều âm lặng sóng bến chiều
Trăng thanh mộng đẹp tình yêu thuở nào (Chiều Eo Gió)

và có ….

Hương giang nước chảy lững lờ
Tinh mơ hư ảo đôi bờ khói sương
Tha phương nhớ Huế vấn vương
Ngày đi chín nhớ mười thương chưa tròn

Đông Tây chân đã mỏi mòn
Ngày về còn nhớ nước non của mình?
Cuộc đời dâu bể phù sinh
Ra đi chỉ để chữ tình sắc son. (ĐI VÀ VỀ VỚI HUẾ)

Có lẽ, “con đường tôi về…”

………………, còn lá me xanh,
Còn dòng sông nhỏ, êm đềm uốn quanh.
Còn em thơ nhìn, ánh mắt lạc loài,
Manh áo rách vai, cợt đùa với da!
Sáng trong bầu trời, mầu da sạm tối.

Con đường tôi về, rực nắng ban mai,
Còn hàng hoa đỏ, mùa hè thắm tươi
Còn em ngày nào, áo trắng thẹn cười
Nay đã vào đời, nụ hồng lả lơi….

Phải chăng vì đó là bổn phận và trách nhiệm của những người con hay bản
chất thực sự của cuộc đời:
là…
như-thị.

Sacramento
Winter, 2012.{jcomments on}

0 thoughts on “Quê Hương Ngày Về

  1. lesinh

    Cám ơn bạn BXPh.đã nhắc đên nổi niềm của Hu khi quay lại Saigon.
    Kỹ niệm đong đầy nhưng không còn gì nữa cả,trong nổi cô đơn tận cùng là nổi nhớ về một quá khứ,một khôn nguôi tiếc nhớ những tháng ngày đã qua đi.Đau đớn lắm! HU

    Reply
  2. WHWH

    Bài viết sâu sắc, những người đi xa về dễ dàng phát hiện ra hiện tượng mất gốc của xã hội VN.
    Bởi vì anh muốn thay Trời làm mưa, nên anh làm “từa lưa”: tây không ra tây, ta không ra ta, gốc rễ bật tùm lum tà la. 😮

    Reply
  3. Kiều Thanh

    Người Eo Gió vừa có tâm vừa có tài.Hãy cùng nhau chung tay để giữ gìn quốc hồn quốc túy Việt Nam.

    Reply
  4. Minh Nguyên

    Xuân nầy anh Bạch văn Phẻ chắc chắn Phẻ rồi vì thế nào cũng tìm được chút kỹ niệm xưa:
    “Mình có ghé ngang các trường học, chỉ đứng lại bên trưóc cổng trường
    ngắm các em vào học tan học, như để tìm lại chút kỉ niệm mà một thời
    mình đã cắp sách vào ra với cổng trường quê hương…”
    Bài viết rất sâu sắc,chúc tác giả đón nhận nhiều niềm vui và hạnh phúc trong Mùa Xuâ Quê Nhà.

    Reply
  5. Quốc Tuyên

    Con người của chúng ta chúng vậy, mình cần có cội nguồn, gốc rễ của mình. Gốc rễ gia đình, gốc rễ học vấn, gốc rễ huyết thống, gốc rễ dận tộc, gốc rễ tâm linh v.v… càng nhiều thì cây càng vững. Nếu chỉ hời hợt dưa trên một vài gốc rễ yế ớt thì mình sẽ bị ngã nghiêng hay bị cuốn theo chiều gió. Vì thế hãy là những cây to khỏe các con nhé, đừng làm những cây con, yếu ớt dể ngã
    nghiêng trước gió để rồi chỉ một chút gió vô tình cũng làm trốc gốc mình rồi. Một lần nữa, gốc rễ tâm linh là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong những lúc mình hụt hẫng, buồn phiền.
    Những lời khuyên thật hữu ích, hay quá Bạch Xuân Phẻ ơi!

    Reply
  6. RB

    Quê hương Đất nước VN mình đặt “tâm linh” làm gốc mà, nên mới cho những thầy sư (đội nón cối) ra giữ “Sa Hoàng Trường Đảo”, Phẻ không thấy sao. Trong đời RB “thích nhất” là để ai đó “LỢI DỤNG LẠM DỤNG” tình yêu Quê hương, tình yêu Đất nước, tình yêu Dân tộc, tình YÊU THƯƠNG của người… mà không đáp lại một chút gì “đã được yêu cầu…” dù là “một tí xíu”. Chúc Phẻ và gia đình ăn tết vui vẻ và đầm ấm.

    Nhớ là nhà thơ Đỗ Trung Quân không viết câu cuối của bài thơ “Bài Học Đầu Cho Em”.

    Reply
    1. Phẻ

      Quê Hương – Bài Học Đầu Cho Em

      Quê hương là gì hở mẹ
      Mà cô giáo dạy phải yêu
      Quê hương là gì hở mẹ
      Ai đi xa cũng nhớ nhiều

      Quê hương là chùm khế ngọt
      Cho con trèo hái mỗi ngày
      Quê hương là đường đi học
      Con về rợp bướm vàng bay

      Quê hương là con diều biếc
      Tuổi thơ con thả trên đồng
      Quê hương là con đò nhỏ
      Êm đềm khua nước ven sông

      Quê hương là cầu tre nhỏ
      Mẹ về nón lá nghiêng che
      Là hương hoa đồng cỏ nội
      Bay trong giấc ngủ đêm hè.

      Quê hương là vòng tay ấm
      Con nằm ngủ giữa đêm mưa
      Quê hương là đêm trăng tỏ
      Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

      Quê hương là vàng hoa bí
      Là hồng tím giậu mồng tơi
      Là đỏ đôi bờ dâm bụt
      Màu hoa sen trắng tinh khôi

      Quê hương mỗi người chỉ một
      Như là chỉ một mẹ thôi
      Quê hương có ai không nhớ….

      Tác Giả: Đỗ Trung Quân

      Cảm ơn anh đã nhắc đến 1 bài thơ bất hủ. Vậy thì….

      “Và chúng ta không còn thuở mộng
      Hãy góp phần xây dựng quê hương.”

      anh RB nhé ! Just do it, in whatever way you can, anh! Cảm ơn anh và tất cả quý vị đã/sẽ có comment.

      Reply
  7. Nguyên Nhung

    Một bài viết khá dài nhưng rất sâu sắc, hình như chúng ta ở tuổi này đểu đã đánh rơi quá khứ trong mớ hỗn độn của thời gian, sự thay đổi đã làm mình cảm thấy hụt hẫng khi về tìm lại chút Hương Xưa. Thôi thì tìm Hương Xưa trong những lời tâm sự rất thật này của tác giả Bạch Xuân Phé.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.