Dư Âm Ngày 20-11

DƯ ÂM NGÀY 20-11

Người xưa “Tôn sư trọng đạo”

Ngày nay, chúng ta có “Ngày nhà giáo Việt Nam”,  như là ngày
lễ hội  và là ngày “tôn sư trọng đạo”, nhằm mục đích tôn vinh những
người hoạt động trong ngành giáo dục, để các học sinh, đặc biệt
là cha mẹ học sinh, đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy, cô giáo.

Thời chúng tôi còn cắp sách đến trường, không có ngày
này mà chỉ có “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba
tết thầy”. Người khác thì sao không biết chứ riêng tôi thì
chưa bao giờ tôi tặng hoa hay tặng quà gì cho thầy, cô giáo
cả, ngoài việc chúc tết thầy. Tôi chưa bao giờ được thầy, cô
giáo dạy “phụ đạo” hoặc cho “học thêm”, “học kèm”, nhưng vẫn
nhận được kết quả “học lực: giỏi”, “hạnh kiểm: tốt”. Trong
lòng tôi, hình ảnh người thầy, cô giáo lúc nào cũng đáng kính và
không bao giờ, cho dù là một thoáng chốc, có ý nghĩ tiêu cực về
thầy, cô giáo của mình. Chúng tôi vẫn khắc sâu tinh thần “tôn
sư trọng đạo”!

Xa hơn nữa về trước, tuy dưới chế độ phong kiến, thực
dân, nhưng tinh thần “tôn sư trọng đạo” đó cũng được thượng tôn
và vẫn còn ghi dấu mà tôi được thấy và biết rất cụ thể ở
chính trong gia đình mình. Đặc biệt là học sinh còn đến tặng
quà cho thầy sau khi thầy đã mất ngót 30 năm! Tôi xin được ghi
lại ở đây:

1./ Trường hợp thứ nhất: Ông cố (tằng tổ) của tôi là
một thầy đồ dạy chữ Hớn, có thời gian dạy học khoảng 4, 5
năm, vì ông mất sớm (mới gần 40 tuổi, sau 3 keo thi rớt tú
tài Hán học) nên thời gian dạy học không nhiều. Tuy vậy, hơn
30 năm sau khi ông mất, một số môn sinh (khi đã đứng tuổi, có
danh phận và sự nghiệp) còn đến tặng một món quà, đó là 1
câu đối khảm xà cừ. Ấn tượng hơn nữa, một vài người con của
học trò ông còn đến dự và cúng lạy người thầy của cha
mình, nhân ngày giỗ của ông hằng năm mà  ngày còn bé tôi đã
từng chứng kiến.

2./ Trường hợp thứ hai: Ông cố của tôi có một người anh
trai cũng là một thầy đồ dạy chữ Hớn, nhưng ông có thời gian
dạy học lâu hơn (khoảng 15 năm). Sau khi ông mất các học trò
của ông đã tặng ông  (chính xác là tặng cho con cháu ông) một
món quà, còn đặc biệt hơn, là mấy khoảnh ruộng (diện tích
khoảng 5.000 m2) để con cháu lấy hoa lợi mà hương khói và
cúng giỗ cho thầy. Những khoảnh ruộng này tục gọi là “ruộng
đồng môn”.

Tiếc thay, sau năm 1975, Nhà nước ta đã đưa những
khoảnh “ruộng đồng môn” này vào Hợp tác xã nông nghiệp. Chắc
chắn rồi mai đây, chỉ cần dăm ba năm nữa thôi, khi  lối mươi
người còn lại ở lứa tuổi U80 ở xóm Trung Hòa Đông, làng
Trinh Tường quê tôi đã ra người thiên cổ thì không còn ai biết
được những khoảnh “ruộng đồng môn” này cũng như tinh thần “Tôn
Sư Trọng Đạo” đã từng được trân trọng và thượng tôn cụ thể
và sâu sắc như thế nào!

Hình ảnh và nội dung của “món quà”
mà một số môn sinh của ông cố tôi đã tặng thầy sau khi ông
mất trên 30 năm.

 

Đứa cháu “huyền tôn” trước bàn thờ, cạnh câu đối
của các môn sinh “tặng” thầy sau khi thầy mất trên 30 năm.

Hình ảnh và nội dung câu đối.
Câu đối này được viết theo lối “thảo” nếu viết “chân”:
山 斗 髙 懸 顒 懿 笵
箕 裘 永 裕 慰 潜 靈
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) đã phiên âm và dịch
nghĩa như sau:
“Gửi bác Bửu Châu:
Đôi câu đối trong ảnh mà Bác nhờ đọc giùm, xin đọc như sau:
SƠN ĐẨU CAO HUYỀN NGUNG Ý PHẠM
CƠ CẦU VĨNH DỤ ỦY TIỀM LINH

Nghĩa:
Như Thái Sơn, Bắc Đẩu treo gương ngưỡng vọng khuôn phép
Ấy nghiệp nhà tốt đẹp truyền mãi an ủi linh hồn tiền nhân.
Sơn = Thái Sơn;  Đẩu = Bắc Đẩu (tên sao);  Cơ, cầu: Cái nong (nia),
cái áo cầu (áo lông cừu). Kinh Lễ có câu: Cung gia chi tử tất học vi
cơ. Dã gia chi tử tất học vi cầu = con nhà thợ làm cung, tất phải học
cách uốn của người làm nong nia. Con nhà thợ đúc, ắt phải học cách lắp
ghép của người làm áo cừu (chắp các mảnh lông cừu lại để may áo). Ý
câu này nói con cháu nối theo nghiệp nhà.”

Các vị ở Viện Việt học (INSTITUTE OF VIETNAMESE STUDIES – USA)
cũng đã nhận xét, phiên âm và dịch nghĩa như sau:
-(Trần Ngọc Đông): “Chà câu đối được khảm trai, chữ viết đẹp quá!
Câu đối viết thảo nên tôi cũng không biết hết, nhờ bác Khúc Thần dịch
giúp với. Mấy chữ nhỏ góc trên là Bảo Đại thập lục niên Tân Tị đông
(1941).”
-(Khúc Thần):
Phiên âm:

Sơn Đẩu cao huyền ngung ý phạm.
Cơ cừu vĩnh dụ ủy tiềm linh.

Dịch nghĩa:

Sơn Đẩu (Thái Sơn, Bắc Đẩu) treo cao, ngưỡng mộ đức độ
cao cả tốt đẹp
Sự nghiệp (để lại) mãi dồi dào, an ủi vong hồn người quá cố

{jcomments on}

0 thoughts on “Dư Âm Ngày 20-11

  1. Bích Vân

    Bài viết hay quá đâu phải còn học mới tặng quà rồi hết rên quên thầy ” Tôn sư trọng đạo ” là truyền thống của người VN mà .

    Reply
  2. lamcamai.

    Cám ơn anh Bửu Châu , bài viết rất ý nghĩa nhân ngày nhà giáo VN 20.11 và cũng mong thầy cô giáo cũng như học trò ở những thế hệ sau giữ mãi tinh thần ” Tôn sư trọng đạo” truyền thống của dân tộc

    Reply
  3. Thu Thủy

    Bài viết hay quá, tấm lòng của những nho sĩ thời xưa đáng quý.
    Hình ảnh thấy uy nghiêm rõ là một dòng họ danh gia nền nếp.

    Reply
  4. HN Tin

    Xin chào anh Bửu Châu, Phu quân Nhà thơ, nhà phê bình kiệt xuất của Hương xưa.
    Tôn sư trọng đạo là lẽ sống muôn đời của loài người, nhất là ở Á đông.”Một chữ cũng Thầy, hai chữ cũng Thầy”, “không Thầy đố mầy làm nên”…..
    Hồi tưởng của anh về những người học trò ngày xưa tôn sư trọng đạo như thế nào càng nhắc nhở chúng ta và lớp trẻ sau nay sống sao cho hợp đạo lý làm người.Hay lắm anh!

    Reply
    1. nguyentiet

      Thế hệ mình và các thế hệ ngày xưa sống đúng theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc VN là “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” như trong bài anh Bửu Châu đã viết. Nhưng rất tiếc những thế hệ học trò sau này thì không còn nhiều nữa .Cũng mong rằng lớp trẻ sau này,những phụ huynh và cả những Thầy Cô giáo cũng sống sao cho hợp đạo lý làm người như HNT đã nói để truyền thống TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO không bị mất đi ý nghĩa .
      Những hình ảnh và nội dung của “món quà” cho ngày Tôn sư trọng đạo mà anh Bửu Châu đưa ra trong bài thật quý biết bao.

      Reply
      1. Bửu Châu

        Ngày nay, tuy không “cổ điển” như xưa, nhưng không phải là không còn những “ấn tượng” khá xúc động. Có dịp mình sẽ kể cho nguyentiet nghe chi tiết vài mẫu chuyện:

        Học trò ngoan: 30 năm sau ngày tốt nghiệp, vượt ngót 1000 km tìm về Quinhơn để gặp người hướng dẫn thực tập cho mình để “gọi 1 tiếng thầy và nói 1 tiếng cảm ơn, vì nhờ thầy mà em tốt nghiệp loại giỏi, được chọn nhiệm sở, nên mới có điều kiện để có được 1 gia đình hạnh phúc và thành đạt như ngày hôm nay”.

        Học trò chưa ngoan: 20 năm sau ngày bị đuổi học, gắng tìm cho được chỗ ở của thầy để nói một lời xin lỗi: vì “ngày đó, em dại quá!”

        Reply
        1. nguyentiet

          Ngày nay vẫn còn những “ấn tượng” đó chứ,nhưng không nhiều, không phải là không có. NT cũng có những “món quà” cho ngày Tôn sư trọng đạo rất xúc động tương tự như hai mẫu chuyện anh kể .Đó là hạnh phúc lớn nhất của đời làm nghề giáo mà không thể nào quên được.

          Reply
  5. Kim Đức

    Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp có giá trị nhân văn sâu sắc, mong được các thế hệ sau tiếp nối để hình ảnh “Thầy – trò” ngày càng thiêng liêng hơn.
    Bửu Châu ngày hôm nay đang “phê” với dư vị cay, nồng của ngày 20/11 nên giờ này chưa dậy nổi để cám ơn anh, chị em HX đã chia sẻ. Thay mặt BC, KĐ cám ơn Bích Vân, chị Lâm cẩm Ái,Thu Thuỷ và anh HNTín. Chúc tất cả vui vẻ, hạnh phúc.

    Reply
  6. nguyen ngoc tho

    Bài viết của anh Bửu Châu đã nêu bật cái ý nghĩa thâm sâu của Ngày Nhà Giáo VN 20_11đã từng thấm nhuần trong văn hóa dân tộc Việt_ tôn kính thầy cô là nền tảng của đạo lý_ Cái bản sắc ấy , cần được phát huy và gìn giữ, để xã hội luôn sản sinh ra những con người “thầy cho ra thầy và trò cho ra trò”, không bị mai một… trước một thế giới văn minh ngập đầy vật chất cám dỗ…

    Cảm ơn anh BC về bài viết ! Lâu quá không gặp ,Anh vẫn khỏe chứ ? Chúc vui nhé !

    Reply
    1. Bửu Châu

      Chào Thơ! Hôm qua, dự “gặp mặt” rồi “liên hoan” mừng ngày “nhà giáo VN” uống chưa đến 1 lon mà về “phê” luôn đến nửa buổi sáng hôm nay mới dậy nổi. Cảm ơn em nhiều. Bà “huyện” của anh gặp em khá nhiều trên net, cứ hỏi anh hoài về em. Mong có dịp hội ngộ offline cùng em để bã “kiến Thơ hình”!

      Reply
      1. nguyen ngoc tho

        Anh Bửu Châu ơi ! Uống 1 “lon” Ken hay 1 lon…”Bàu Đá” mà “phê” dzữ dzẫy ? (cừ)

        Em cũng thường gặp chị KĐ trên các net ,nhưng chưa có vinh dự gặp mặt như anh dạo nào đi Campuchia ghé lại SG ! Hôm ấy ,thật vui anh nhỉ làm em muốn quên đừng dzìa luôn…

        Cảm ơn Anh Chị đã có lời ưu ái với em út ! Hẹn “đủ duyên” gặp lại cả Anh chị …cười một bữa cho thỏa thích ?

        Reply
  7. trandzalu

    Bài viết thật ý nghĩa của Châu nhân ngày 20.11 như một tiếng chuông cảnh tỉnh về việc “tôn sư trọng đạo”.Là giá trị nhân văn
    đời đời… để nhớ !Chúc BC và KĐ luôn khỏe, vui và hạnh phúc.

    Reply
    1. TRANKIMLOAN

      Em cũng có cảm nhận như anh Lữ dzậy ! Bài viết thật ý nghĩa & rất hay nhân ngày 20/11
      Chúc mừng BC & K Đ nhiều sức khỏe & hạnh pghuc1 tràn đầy!

      Reply
    2. Bửu Châu

      Chào anh trandzalu, người mà “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”!
      Ngày xưa là rứa, anh Lữ hỉ!
      Ở đất thần kinh, chắc còn nhiều chuyện hơn?

      Reply
  8. Khảo Mai.

    Bài viết nhắc nhớ về một nền tảng tôn sư trọng đạo từ ngàn xưa cần gìn giữ
    Giá trị và ý nghĩa quá anh
    Em KM

    Reply
    1. Bửu Châu

      Người “gìn giữ ngàn xưa” nhứt là người biết làm và làm giỏi Đường thi đấy, phải không KM!

      Reply
  9. Uyển Diễm

    Nề nếp nho phong gia giáo của anh Bửu Châu thật đẹp đẽ .
    Khung cảnh bàn thờ và các câu đối đúng là gìn vàng giữ ngọc

    Reply
  10. Bửu Châu

    Cảm ơn sự đồng cảm của quý anh chị và quý bạn.

    Hồi ức và suy gẫm này tôi đã ghi lại cách đây vừa tròn 2 năm trên blog của cá nhân, sau khi dự buổi “gặp mặt” và “liên hoan” mừng ngày “nhà giáo VN” năm 2010. Đây là sự thiệt và người thiệt 100%, nhưng lại liên quan đến thân nhân của mình nên tôi ngại không public.

    Những việc làm thể hiện tinh thần “tôn sư, trọng đạo” ngày trước đã để lại trong tôi ấn tượng không thể nào phai. Không phải chỉ vì đôi câu đối hay mấy ngàn m2 ruộng đất, tuy quý giá thiệt, nhưng dẫu sao những món đó có tiền là có thể mua hoặc làm ra được.

    Chắc chắn trong chúng ta , không ai không xúc động khi chứng kiến những cụ già 70, 80 tuổi, hằng năm vẫn nhớ và đến quỳ lạy trước bàn thờ người thầy từng dạy mình học trước đó hằng 50, 60 năm trong ngày giỗ kỵ thầy! Thậm chí còn có hai người đã qua đời còn di chúc lại cho người con trưởng nam của các vị ấy đến hầu kỵ. Khi tôi còn nhỏ, chừng 9, 10 tuổi, khá ngạc nhiên, tôi có thưa hỏi thì bác ấy – bấy giờ đã ngoài 60 tuổi- bảo: “Các con không biết chớ quý lắm! Nhờ ông, cha bác mới biết chữ, biết nghĩa, học được điều hay, lẽ phải,… Thấy được lợi ích đấy, cha bác, mặc dù nhà nghèo vẫn cố gắng cho bác đi học để gia đình bác có được như ngày nay”! Bây giờ, có thể có ai đó chưa tin, cho là kỳ lạ; nhưng đó là sự thiệt, còn dấu tích, có thể kiểm chứng được!

    Một lần nữa, xin cảm ơn sự đồng cảm của quý anh, chị và quý bạn!

    Reply
  11. Hoàng Kim Chi

    Cảm ơn anh Bửu Châu về bài viết rất sâu sắc và thật ý nghĩa cho ngày tôn sư trọng đạo.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.