Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (1)

sư phạm

Bước vào trường Sư Phạm, mọi sinh hoạt của tôi đều thay đổi, không còn
cảnh tóc dài, quần ống loe, giờ học đúng lịch trình, không còn cảnh
chen lấn giữ chỗ. Tôi cứ như là quay lại thời trung học, mọi thứ nề
nếp êm đềm trông đến buồn tẻ. Ngôi trường nằm ở đường Cộng Hoà, ngoài
cổng treo tấm bảng chữ lớn: Lương Sư Hưng Quốc. Đi sâu vào trong là
hai dãy nhà ba tầng dài, nằm song song kiến trúc kiểu thời thuộc địa,
với mái ngói đỏ, chính giữa là khu vườn cỏ xanh rộng vuông vức, điểm
thêm vài cụm cây hoa kiểng, bốn góc là những cây đại thụ có tàn rậm
rạp che rợp khắp một khoảnh trời. Khung cảnh âm u thâm nghiêm, kín
cổng cao tường, giống như một đại chủng viện của tôn giáo nào đó chứ
không phải là một trường đại học danh trấn giang hồ. Với không khí
trầm mặc đó, tôi cứ ngỡ mình đi tu hơn là đi học.

Khi mới bước vào lớp, cũng như mọi thằng đàn ông con trai khác, đảo
mắt nhìn qua phe kẹp tóc trước khi tìm chỗ ngồi. Một cái nhìn tổng
quan, hơn hai mươi hai, hai mươi ba bạn nữ đều có nét dễ nhìn dễ ưa,
mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn bảy, chưa tới mười. Bởi vì họ ngồi, đâu
có đứng lên đi qua đi lại như người mẫu để tôi có thể xem xét đánh giá
toàn diện được, có vài khuôn mặt nổi bật trong lớp mà tôi đã từng gặp
qua đâu đó khi còn học ở Văn Khoa, phải lâu hơn cả tuần mới biết tên
hai bạn là Tuyết Lê và Kim Phụng, có thể kể thêm người quen cũ tôi đã
tiếp xúc vài lần tên là Hoa đó chính là bạn Lương Hoa được tính là
những hoa khôi của lớp, đó là theo quan điểm riêng của tôi thôi, còn
với các bạn khác thì có lẽ sẽ đánh giá khác, đương nhiên rồi, thẩm mĩ
mỗi người một khác mà.

Biết chỉ để mà biết thế thôi, theo thói quen của bọn con trai vậy
thôi. Trong những ngày đầu tiên, khi đi đến lớp tôi phải thay đổi bộ
dạng và cách ăn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Một sinh viên trong
lớp, bạn Đắc Điền chỉ vì chưa kịp cắt tóc, để hơi dài một chút khi đi
lên cầu thang, gặp cụ Cư, vị giáo sư già người Bắc ốm tong teo trong
bộ complet đen đang đi xuống. Cụ vừa thấy bạn Điền đi lên vội nép mình
sát vách tường nghẻo đầu qua một bên, như con thằn lằn đang bám vào
bức tường. Chờ Đắc Điền qua khỏi, cụ phủi phủi mái tóc bạc trắng phau
rồi tiếp tục bước xuống cầu thang, một sinh viên đi sau hỏi, tại sao
thầy phải làm vậy, cụ nói, tôi phải tránh xa anh ta ra, bởi tôi sợ
chấy rận từ đầu anh ta nhảy sang tôi. Như thế đó, bạn đã thấy, trong
môi trường sư phạm nề nếp khác xa với bên ngoài thật là buồn nẫu ruột,
về đến nhà là tôi vất tập vở qua một bên tiếp tục quay lại với nhóm
bạn cũ ở Văn Khoa.

đồng môn

Mỗi sáng sớm tôi chạy xe đến lò võ Karate ở góc đường Phan Thanh Giản
và Lý Thái Tổ, tập dợt xong, lột đồ võ bỏ vào túi xách tiếp tục chạy
xe đến trường, vào lớp học đôi khi vẫn còn cái không khí hào hứng
trong buổi tập dợt, tôi cong cùi chỏ thúc nhè nhẹ vào hông sườn bạn
Văn Luyện ngồi bên trái tôi, làm bạn kêu oai oái, điểm này tôi đã sai
xin lỗi bạn Luyện, và cũng do đam mê võ thuật tôi trò chuyện hợp gu
với Văn Thanh.

Văn Thanh ngồi ở cuối lớp, một nơi mà cả thời gian dài mài đủng quần
thời trung học tôi chưa từng thử cư ngụ, tôi không hiểu tại sao như
vậy, có lẽ do tinh thần ham học hỏi muốn biết, muốn nghe, muốn thu lợm
nhiều điều mới lạ, nên ngồi gần người kể chuyện tức là ông thầy. Dù
rằng với vị trí như thế, dễ bị thầy kêu lên bảng trả bài hoặc sai vặt
như lau bảng chẳng hạn. Văn Thanh tánh điềm đạm, rất ít nói, đến nỗi
có bạn học trong lớp không biết có sự hiện diện của anh qua sau một
năm học dài. Thanh ít nói, nhưng mỗi khi phấn chí là anh diễn tả say
sưa cộng thêm với cách khoác tay múa chân điệu bộ làm câu chuyện trở
nên khôi hài và hấp dẫn.

Cuối tuần tôi mò đến nhà bạn Thanh chơi, nhà bạn ở khu Bàn Cờ. Chúng
tôi ngồi trò chuyện trên căn gác gỗ, trên tường có treo bộ đồ học võ
Taekwondo hơi bạc màu và chút te tua ở xung quanh các đường viền. Tôi
biết được gia đình bạn trở nên ngày càng tệ hơn khi người mẹ vừa mất,
để lại năm người con mà anh là con cả. Nhìn vào tấm ảnh treo trên
tường, một đôi vợ chồng công chức và mấy đứa con nhỏ, người cha mặc sơ
mi trắng thắt cà vạt đứng kiêu hãnh bên vợ con và chiếc xe vespa xanh
lịch sự, sau lưng là căn nhà. Đây có lẽ là những năm tháng hạnh phúc
nhất của gia đình Thanh. Nhà Thanh gần nhà tôi, từ con đường Bùi Thị
Xuân đến khu Bàn Cờ khá gần nên tôi thường hay lui tới.

Thời gian sau đó, bạn Thanh nói đã bán căn nhà đó rồi, chuyển qua một
căn nhà khác cũng cùng trong khu vực ấy, lúc này thì tôi đã hiểu tình
trạng kinh tế gia đình bạn đi xuống dốc rất nhiều, Thanh ngày càng ít
nói ít chơi với bạn bè hơn, dĩ nhiên trừ tôi ra. Điều dễ hiểu, một
mình ba của bạn, vừa đi làm về đã thuê một chiếc xích lô chạy tới tối
khuya, cũng không đủ trang trải chi phí cho một gia đình có năm người
con đang trong tuổi đi học. Từ khi chuyển nhà, đi học về bạn phụ với
ba bạn để mưu sinh, bạn phải chạy thêm những cuốc xích lô buổi chiều
để kiếm tiền vừa chi phí cho việc học của mình vừa cho cả đàn em. Và
cũng từ đó bạn chết danh với tên Thanh xôxíchle, anh bạn thân thiết
sau này của tôi.

sư phụ

Khi còn ở Văn Khoa ít tiếp cận với các giáo sư giảng dạy nên chúng tôi
không quan tâm đến những nét sinh hoạt các vị đó lắm, khi vào sư phạm
chúng tôi được tiếp xúc hằng ngày và thường xuyên hơn nên thấy các
giáo sư có những cách sống hơi lạ, rất khác với các thầy cô ở trường
phổ thông mà chúng ta thường biết, tôi có cảm tưởng rằng họ là những
ông thầy cá biệt. Sinh viên không cá biệt, và không dám cá biệt, bởi
họ không muốn bị loại ra khỏi lớp, đồng nghĩa là phải ra ngoài chiến
trường. Còn các vị giáo sư thì cá biệt, bởi vì, không có qui chế luật
lệ như ở bậc trung học, họ phải tự soạn ra chương trình dạy, tự viết
và xuất bản sách bán ra ngoài thị trường, muốn học môn của họ, chỉ cần
ra nhà sách mua về xem là đủ. Mỗi vị xem mình một cõi, coi như ‘riêng
một góc trời’, không ai để ý đến ai, nên trong cuộc sống họ có chút
lập dị, có chút là lạ trong sinh hoạt cũng như trong ứng xử.

Trong các môn học, có môn chính, môn phụ, và môn phụ bọn tôi coi nhẹ
nhất là môn tâm lý học, bộ môn này do giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân đảm
trách, giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân người mà tôi và Thanh đã biết tên
trước, bởi chúng tôi có mua các sách về tâm lý về đọc, thấy ghi tên
trên bìa sách là LTHD.

Một hôm trong giờ tâm lý học, hôm ấy như cao hứng, giáo sư Lê Thanh
Hoàng Dân yêu cầu sinh viên viết sở thích hay cảm nghĩ, hay bất cứ
điều gì mình thích vào tờ giấy nhỏ, nhưng không ghi tên rồi đem nộp
lên bàn. Giáo sư ngồi ở bàn lần lượt mở ra từng tờ giấy, đọc lên và
phê bình nhanh tại chỗ, đoán tâm lý người viết ra câu đó. Một trò chơi
thật là hấp dẫn và mới lạ. Tôi và bạn Thanh lúc ấy kéo xích ghế ngồi
chung một chỗ, nháy mắt cùng ghi một ý giống nhau. Đa số bạn sinh viên
đều viết là tôi thích đọc sách, hay tôi thích hội hoạ, âm nhạc…và
khi thầy phán đoán cho nhận xét, đa số các bạn trầm trồ, có lẽ gần
đúng ý các bạn. Đến khi thầy đọc và nói, có một bạn sinh viên ghi hơi
lạ, tôi chỉ thích ngủ, ừm, tôi hiểu ý bạn, phiền chán cảnh ồn ào xung
quanh, cần không gian im lặng để trầm tư, bạn muốn ngủ kiểu Socrates
phải không, thật đúng hơn mong đợi, tôi thấy cảm phục. Nhưng chưa hết,
một lúc sau, thầy đọc câu tương tự, tôi chỉ muốn bây giờ được ngủ, câu
này của Văn Thanh. Thầy nói cũng giống như trước nhưng thêm vào, có lẽ
bạn sinh viên này cũng cần một giấc ngủ vật lý thật sự. Thầy đoán đúng
phóc, Thanh lúc đó rất mệt mỏi vì phải mưu sinh cho cuộc sống, bởi
cuốc xích lô về trễ tối vừa qua.

Tôi rất thán phục cách đoán tâm lý của thầy qua trò chơi này, sau này
tôi nghĩ lại có lẽ cùng một câu, nhưng nét chữ tôi nắn nót khá đẹp và
hơi hoa hoè, chứng tỏ rất tỉnh táo, còn nét chữ của Thanh viết ngoạch
ngoạc lười biếng mệt nhọc nên thầy đoán ra chăng? Dẫu sao Tôi và bạn
Thanh cũng thêm đôi phần nể trọng thầy, không còn mỗi khi đi ngang qua
chiếc xe hơi mầu đen đầy bụi bặm bên ngoài (hầu như cả năm không bao
giờ lau chùi) của thầy, bọn tôi thuận tay vẽ voi lên mui xe nữa.

Chiếc xế hộp màu đen phủ đầy bụi của Thầy thường đậu gần hội trường
ĐHSP kề bên cạnh chiếc xe đạp cuộc màu vàng rất kiểu cách của giáo sư
Hoàng Ngọc Thành, một giáo sư có bộ dạng bên ngoài tròn trịa trông rất
đạo mạo. Các bạn hãy tưởng tượng một vị giáo sư áo trắng quần xám
trắng, mang kiến trắng, bệ vệ chững chạc, dạy xong thót lên chiếc xế
điếc, gục đầu sát ghi đông, chổng phao câu lên đạp xe đi vun vút trên
đường phố Sài Gòn, trông thật ngộ nghĩnh phải không. Các giáo sư đại
học thường có những nét đặc biệt như thế, phải nói rằng họ rất cá biệt
thì không sai. Giáo sư Lê Trọng Phỏng thì ăn mặc trông chải chuốt, áo
quần thẳng tắp, tóc bôi dầu sáp bóng loáng chải ngược về phía sau kiểu
cổ điển, giống y tài tử Clark Gable trong bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió
chỉ có điều thầy không để ria mà thôi. Thầy có phương pháp dạy thị
phạm rất thú vị. Thầy cho cả lớp biết trước rằng, mình sẽ kể một câu
chuyện cười, và cá cược rằng tất cả sinh viên nghe xong sẽ cười. Bạn
có thể cười được không nếu người nào đó báo cho hay trước? Khó có thể
lắm. Trước sự thách đố, cả lớp im lặng mín môi.

Thầy bắt đầu kể rằng, có một người đàn ông ngứa ngáy mà hai tay bị cùm
không thể gãi được và ông ta phải vặn mình như vầy, như vầy. Thầy rời
khỏi ghế, bước ra đứng trước bảng đen uốn éo, vặn vẹo thân hình, ẹo
hông bên này, ẹo hông bên kia, chêm vào đó những cái lắc mông rất điệu
nghệ, gương mặt điển trai của thầy ngước nhìn lên trần nhà nhăn nhó vẻ
đê mê. Cả lớp không thể nào còn kềm chế được nữa, bật cười ha ha, hô
hô, hi hi, sảng khoái. Thì ra Thầy lừa chúng tôi, cứ nghĩ sẽ có một
câu chuyện hay ho gì đó, và các bạn sinh viên cố làm mặt nghiêm để
chống lại sự thách thức. Nhưng bé cái nhầm, thầy kể chuyện không phải
bằng miệng mà bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng những động tác uốn dẻo. Phải
thú nhận thầy lắc hông rất điệu nghệ, có lẽ thầy là sư phụ bộ môn nhảy
đầm về điệu Twist hay A go go.

Giáo sư Phạm Cao Dương người thầy kính mến của chúng tôi, vẻ ngoài có
nét đạo mạo giống thầy Phỏng nhưng đeo thêm cặp kiếng cận dày cộm nữa,
một hôm giáo sư đến lớp, sinh viên bỗng thấy thầy cao lên hẳn. Đôi
giầy mới bóng lộn đế cao đầu gồ, thu hút mọi cặp mắt của sinh viên.
Thầy đứng trước bực giảng bối rối lúng túng, và nói đôi giầy này cô
vừa mới mua cho (có ai khảo đâu mà thầy khai thế, già mà cũng còn mắc
cỡ sao thầy?). Thầy không cao, nhưng cũng không thấp, vóc tầm thước,
nhưng có lẽ cô Khánh Vân, vợ thầy, muốn thấy thầy có dáng ‘chuẩn men’
hơn nữa, nên tậu cho thầy đôi dày mô-đen đế cao năm phân hay hơn thế.
Ngày hôm sau cô Khánh Vân có tiết dạy, cô trở thành nhân vật hot trong
chương trình phỏng vấn bỏ túi của bọn sinh viên ‘nhiều chuyện’ kia.

Còn một vị giáo sư phong cách rất bình dân đó là thầy Phạm Đình Tiếu.
Thầy đứng nói chuyện thì không sao, trông rất điềm đạm, lời nói nhỏ
nhẹ dịu dàng. Nhưng khi đi, nhất là khi cần đi nhanh, với dáng bước
vội vã của thầy thì e rằng không thể ‘đình tiếu’ lại được, lưng thầy
khom cong vòng, bước đi chân sáo, đầu chúi xuống phía trước như muốn
ngã. Tôi có cảm tưởng thầy sẽ ngã dập đầu xuống đất bất cứ lúc nào, có
lẽ thầy nên cầm cây gậy chống đằng trước sẽ thấy cân bằng hơn. Đây là
vị giáo sư được nhiều sinh viên cảm mến nhất do tác phong và sự tận
tình. Tôi cũng đã hưởng được sự tận tình của thầy.

Tôi ham chơi, thi xong không coi bảng, thằng em đi coi về nói: Anh
đậu, tui rớt. Nó buồn thiu bỏ đi chơi. Tôi tưởng hắn đùa không lưu ý,
tiếp tục cái hẹn với bạn bè, sau đó quên mất, cả tuần sau hỏi lại mới
biết là chuyện thật chứ không đùa. Tôi chạy ngay đến trường, thì biết
đã thi Oral hai ngày trước rồi. Coi như xong. Tôi lang thang chuẩn bị
ra về, tình cờ gặp thầy Phạm Đình Tiếu, tôi nói tôi đến trễ cuộc thi
vấn đáp. Thầy đã thu xếp cho thi lại với một sinh viên có giấy tờ
chứng minh lý do trễ. Trong buổi thi, thầy hỏi tôi ba câu về kiến
thức, và một câu hỏi về gia cảnh. Tôi ra về lòng nặng trĩu. Buồn rầu
và chút tiếc nuối. Ngày hôm sau tôi quay lại trường và thấy tên mình
được bổ túc thêm trong danh sách thí sinh đậu. Tôi cứ ngỡ là mình đang
mơ, ta là hồ điệp hay hồ điệp là ta. Cái tên trên bảng đó, là của ta,
hay của tên khỉ nào cùng tên với ta, chuyện trùng tên dám xảy ra lắm,
nhưng hôm qua không có tên khỉ nào cùng tên với ta, vậy chắc là của ta
rồi. Tôi đã lọt vào trường sư phạm như thế đó, cảm ơn tấm lòng tận
tình của thầy rất nhiều. Như thế, em tôi và tất cả bạn bè của tôi, kẻ
rớt đi vào quân trường, người đậu ở lại Văn khoa và tiếp tục học lên.
Chỉ riêng mình tôi phải ra đi…về miền kín cổng cao tường.

Một dãy phòng học của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn

{jcomments on}

0 thoughts on “Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (1)

  1. Quốc Tuyên

    Tội Phương chưa đang tuổi ăn, tuổi diện mờ bị gò bó vào khuôn khổ, nề nếp nhưng bù lại được thọ giáo những SƯ PHỤ danh tiếng không hà cũng thích Phương hỉ?

    Reply
  2. Uyển Diễm

    Thầy giáo Phạm Đình Tiếu thật tốt bụng.
    May phước cho anh Phương gặp thầy không thôi trượt vỏ chuối rồi .

    Reply
  3. Phuong

    Quốc Tuyên: nói sao y phóc, thế mới rầu.
    Trầm Tưởng: Kể thì dzui nhưng lúc đó thì oải lắm, bạn Đắc Điền hôm trước trò chuyện còn nhắc lại vị giáo sư già này, bạn nói, sợ quá buổi hôm sau bạn phải đi cắt tóc liền.
    Uyển Diễm: Cũng thật hú hồn! nếu không gặp, không biết sẽ ra sao ?
    Qua Đường: Lúc đó đang thích thú với Nam Hoa Kinh, Ng Duy Cần dịch và chú giải. Mộng hồ điệp trong chương Tề vật luận.
    Dạ Lan: không phải ra chiến trường, không từng ôm xác bạn, không sống trong cảnh chết chóc bao quanh. Đi học bây giờ sao sướng quá! Không cá biệt cũng uổng.
    Kiều Thanh: Lời com rất hay. Nhưng rất tiếc không rành những sự dziệc này, dziệc không rành thì biết chi mô mà kể.
    Đặng Danh: Bậc thang giá trị trong một xã hội thời chiến và thời bình khác xa nhau nhiều đó bạn, tấm vé sư phạm ấy giống lá bùa sinh tử, vì biết rằng hơn chín mươi phần trăm mình sẽ giữ được mạng sống qua cuộc chiến. Nếu ở Văn, Luật ngay cả Y nữa, mạng mình không biết sẽ đi về đâu.
    b Thủy: Cầm hai bằng tú tài thứ hạng cao, được đi thẳng vào dự bị ngành Y, ngờ nghệch và lóng ngóng sao bị trễ tràng, lưu lạc sang Luật và Văn Khoa, không biết hên hay xui đây b Thuỷ.
    Giáng Hương: coi lại… cũng thấy thèm như GH. 🙂
    Bích Vân: cám ơn lời chúc của bạn, nhưng đậu vào bổ túc thì có người phải loại ra bổ túc, bởi vì con số có giới hạn cố định. Thật tội cho bạn nào đó đã bị loại ra. Cám ơn đã gợi ý phần này cho bài tiếp sau.

    Reply
  4. Kiều Thanh

    Chàng sinh viên giờ chắc kinh nghiệm đầy mình đâu còn ngơ ngáo như thuở hàn vi cũ ?

    Reply
  5. Phuong

    Kiều Thanh: Cám ơn bạn ghé thăm câu chuyện cuối tuần, hi vọng bài kế tiếp bạn sẽ thấy đâu đó chút gì bạn muốn hiểu.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.