Tư Lác

Gò Bồi một quê hương sầm uất, nơi đây phong cảnh hữu tình. Nơi mà
trước đây các nhà thơ lớn như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Huy Cận . .
. đã từng trải qua, và là quê hương của nhà thơ Xuân Diệu.

Chợ Gò Bồi đã có lâu đời, dòng sông Gò Bồi mênh mang sâu thẳm. Hai bờ
sông xanh biếc một màu. Gió nồm chiều lồng lộng, mang theo hơi nước
mát rượi. Thằng Tư may mắn được sinh ra ở đây. Cả cái chợ Gò Bồi này,
bà hàng xén nào cũng biết nó. Mẹ nó cũng bán hàng xén. Các bà hàng xén
hay kháo nhau, nên chuyện gì cũng biết tong, biết tọt. Bà nào cũng ước
con mình học giỏi sao như thằng Tư. Cái thằng chẳng mập gì hết, cao
dong dõng vậy mà học giỏi. Năm ngoái nó đã thi đậu vào đệ thất trường
Kỹ Thuật Qui Nhơn rồi, nhưng rồi bỏ không đi học. Mẹ nó thương, vì có
một cục cưng mà, cho nó đi học xa sợ nhớ.

Thế là Tư phải đành học ở trường tư Huỳnh Thị Lưu, ở đây có các cô học
sinh Hồng, Đào các cô gái  đẹp xinh đến từ miền Tư Cung Phước Thắng.
Nó thấy xinh đẹp và hạnh phúc làm sao, nên quên mất nỗi buồn theo năm
tháng.

Tư Cung là một vùng mà thiên nhiên ưu đãi nhất của xã Phước Thắng. Ở
đây  cảnh đẹp, người đẹp và Hồng với Đào  là hai cô xinh đẹp nhất
trong số các người đẹp. Ở đây. Oái ồi ơi, cô Hồng với Cô Đào mặt áo
dài trắng, đội nón đi trên hai xe đạp uốn lượn trên đồng mạ xanh dưới
ánh nắng ban mai thì không có bức tranh nào đẹp hơn thế. Cho nên Tư
nghĩ cũng có lý, được gần mẹ gần nhà, gần phong cảnh nên thơ và người
đẹp.

Sự an tâm ấy rồi cũng nguôi ngoai, hè đến là thầy Ảnh đi rao rảo
chiêu sinh lớp luyện thi đệ thất và thằng Tư ở trong tầm ngắm của
thầy. Lớp học gồm có Trương văn Tư, Đào văn Cư, Lê Tự Đồng, Lê Khánh
Luận, Trần Xuân Quốc, Mang Kén. . .. Đó là kể theo thứ tự học giỏi từ
trên xuống dưới. Thực ra thằng Tư với thằng Cư cũng chẳng học giỏi hơn
gì, vì nó già hơn, học trên một lớp bây giờ thi lại lần thứ hai mà.
Hồi ấy thằng Luận rất ghét thằng Tư, vì mỗi lần thầy cho hai bài thằng
Luận mới làm xong một bài thì thằng Tư đã nhảy phóc ra khỏi cửa sổ
rồi. Xong mùa học ấy, cả đám kể trên đều đậu vào lớp 6 trường Trung
Học Cường Để Qui Nhơn (Công ơn thầy Nguyễn Ngọc Ảnh thật khó quên).

Sau mùa hè ấy để chuẩn bị cho năm học mới, là thằng Tư đã sành hết cái
thị xã Quy Nhơn này rồi. Với cái thùng cà-rem trên vai và chiếc xe đạp
nó đủng đỉnh đi thăm hết các đường phố của thị xã trong nửa mùa hè còn
lại. Không biềt giờ này Tư có thời gian để nghĩ lại miền quê, nghĩ lại
cảnh những người bạn gái lượn xe trên bờ ruộng. Ừ mà lúc này là chiến
tranh mà. Mọi người ai cũng tới tấp bươn chải kiếm sống qua ngày, vượt
qua những khó khăn trước mắt. Và Tư cũng vậy.

Gia đình Tư đã tản cư xuống Quy Nhơn và sống trong một căn nhà tạm bợ,
mọi thành viên đều phải tham gia làm kinh tế, riêng thằng Tư qua hè là
ưu tiên cho nó đi học. Học chỉ được vài tháng rồi lải rải thằng Kén,
thằng Cư, rồi thằng Luận biến mất.

Rồi một ngày đẹp trời tình cờ Tư gặp Luận với bộ pyama màu xanh, màu
của đất trời, của biển. Vì Luận bây giờ đang xa cả ba lẫn mẹ, nó sống
với bà con nên mọi sự nhờ đất trời. Do đó cung cách và màu sắc nó ăn
mặt cũng tương phản như vậy. Tư chỉ vào Luận “ Ê Việt Cộng “, thế là
hai thằng mừng rỡ gặp nhau. Tư đưa Luận về nhà chơi cho biết, và từ ấy
khắn khít giúp đỡ Luận trong việc cho mượn sách vở và chỉ cho Luận
học. Hai thằng bạn đã thân, giờ lại thân hơn. Luận ban ngày phải phụ
việc bán ở chợ, ban tối mới có thời gian tự học; biết thân phận mình
nên rất cố gắng.

Đôi bạn thân thiết, Luận âm thầm lo học, còn Tư vừa học vừa yêu. Vì Tư
bảnh trai, học giỏi, chữ đẹp, đàn hay,biết hát. Còn Luận chả biết cái
cóc gì. Gọi bảnh trai cho thằng Tư nó vừa lòng, chứ thật ra lác mà
bảnh cái gì. Cái lác đến độ có biệt danh, thuở đầu xuống Quy Nhơn, nếu
có thằng bé nào gọi nó là Tác Lư thì nó nghĩ là đồng hương rồi. Nó yêu
hết cô này đến cô khác. Rồi một lần hỏi lại thì nó đã tán một cô bạn
mà Luận thầm yêu mến rồi (Huỳnh Hoa, con tiệm vàng Thành Lập). Cái
thằng giỏi nhỉ. Không biết, nó có biết ấy là người mà bạn nó yêu
không?

Hết Tú tài bán,đến Tú tài toàn, rồi lũ lượt kéo nhau vào Sài Gòn. Tư
chia tay với Hoa vào thời điểm ấy. Luận vẫn còn thương Hoa nhưng vì nể
bạn. Rồi thằng Tư trúng tuổi đi lính, thằng Luận vẫn còn may mắn theo
học.

Rồi sau ngày 30/4 nó hớn hở, gương mẫu khăn gói lên đường. Một bài học
cho nó về sự sốt sắng gương mẫu ấy. Rồi ngày nó mãn hạn, nó nghĩ  rằng
nó sẽ làm giàu. Nó đi buôn đây đó, nhưng thấy chẳng giàu. Bỗng nó nghĩ
làm công nhân là vinh hạnh hơn hết, vì đó là giai cấp lãnh đạo. Rồi Tư
đi đục đường đặt ống, dẫn nước đến mọi nhà. Nó sung sướng được phục vụ
nhân dân. Một lần nó than khó, đó là khi đi phục vụ cho nhà người yêu
cũ của nó. Không biết khó là ở chỗ, là vì nó xao xuyến động lòng, hay
ở chỗ sợ thằng chồng của người yêu cũ của nó ghen. Nhưng dù sao tôi
cũng thông cảm với nó.

Má của Tư một người mẹ rất thương con, lúc nào cũng chăm chút cho nó,
lo cho nó đủ điều. Cả nhà còn ba chị em gái nữa, nhưng mọi thứ đều ưu
tiên cho nó. Chả ai suy bì, mọi người đều mong cho nó sung sướng, hạnh
phúc. Nhất là người mẹ, người mẹ chờ đợi được nhìn nó sung sướng. Chờ
lâu quá,bà đã không còn đủ kiên nhẫn và trút hơi thở cuối cùng.

Rồi khi nó chớm già, nó nghĩ ta cũng gìn giữ những thành quả. Bây giờ
nó cũng gương mẫu, ngồi gác những thành quả cách mạng. Một thằng bạn
học giỏi đậu đầu trong kỳ thi đệ thất năm 1964, nay tình cảnh của nó
như vậy.

Không biết chợ Gò Bồi bây giờ còn lại được mấy bà già hàng xén để nghe
chuyện thằng Tư.{jcomments on}

 

0 thoughts on “Tư Lác

  1. Hòa Văn

    Không biết chợ Gò Bồi bây giờ còn lại được mấy bà già hàng xén để nghe
    chuyện thằng Tư.
    Chia sẻ với tác giả!

    Reply
    1. Lê Khánh Luận

      Cảm ơn bạn Hòa Văn đã sẻ chia cùng Khánh Luận về Gò Bồi và một tình bạn thương mến.

      Reply
  2. trandzalu

    Lê Khánh Luận viết về Gò Bồi tự nhiên anh lại thích quá chừng
    dù chưa một lần đặt chân đến.

    Reply
    1. Lê Khánh Luận

      Mời anh Lữ dịp nào về Quy Nhơn ghé đến Gò Bồi sẽ thấy nơi đây phong cảnh hữu tình. Và anh sẽ cho hàng loạt bài thơ.

      Reply
  3. Khảo Mai

    Vì Luận bây giờ đang xa cả ba lẫn mẹ, nó sống với bà con nên mọi sự nhờ đất trời. Do đó cung cách và màu sắc nó ăn mặc cũng tương phản như vậy

    Ký ức khó phai ha anh Luận!
    KM

    Reply
    1. Lê Khánh Luận

      Cảm ơn Khảo Mai, tâm trạng của con người như thế nào lúc đó nó thể hiện ra bên ngoài như vậy.

      Reply
      1. nguyentiet

        Đầm Thị nại và Tháp Đôi là quê hương của NT đó mà được RB nhớ đến, nhắc đến làm NT dzui lắm! Cám ơn RB nhen.
        Nhờ bài viết thật chan chứa tình bạn , tình quê của anh Luận mà các địa danh của Bình Định được RB nhớ . Em cám ơn anh .
        Chúc anh Luận và RB luôn vui khỏe.

        Reply
        1. Lê Khánh Luận

          Cảm ơn cô em nguyentiet, ông anh mộc mạc thế nào thì cũng cho ra lời văn chân tình thế ấy.

          Reply
      2. bagiakhoua

        hehe…bắt chước nguyentiet Gia Nguyễn là quê hương của khoua đó , RB nhớ nhiều quá mà hổng biết có nhớ…

        Reply
  4. camtucau

    Mình cũng thich GÒ Bồi lắm mà chưa có dịp đến bao giờ LKL viết về ký ức hay quá Chúc vui nhen

    Reply
  5. TRANKIMLOAN

    Cái hình bận áo hồng lái xe đạp…hình như là bạn hiền mình hầu đó …đó hả ! đẹp trai & trông bay bướm lả lướt wá ! hèn nào bao nhiêu em chít….là phải rầu!
    Bài viết về ký ức ngày xưa thật là cảm động , văn của LKL lúc nào cũng nhẹ hều & lôi cuốn người đọc,đọc rồi giờ đọc lại vẫn thích ! có điều còm mà sợ bị la wá! hi…hi…. thông cổm nhen bạn hiền,chúc dzui nhiều ……,

    Reply
    1. Lê Khánh Luận

      Cảm ơn bạn Kim Loan. Đúng rồi, hình ảnh của cái thằng đẹp trai thuở trước ấy.

      Reply
  6. Quốc Tuyên

    Chợ Gò Bồi đã có lâu đời, dòng sông Gò Bồi mênh mang sâu thẳm. Hai bờ sông xanh biếc một màu. Gió nồm chiều lồng lộng, mang theo hơi nước mát rượi.
    Em đã đến Gò Bồi rồi đẹp như anh Luận tả và em cũng biết anh Tư( nguyentiet chỉ)nữa đó.

    Reply
  7. bagiakhoua

    Anh Luận viết chuyện xưa thật dí dỏm dễ thương , anh tả Gò Bồi thơ mộng quá , chơn chất tình quê thật mặn mà làm em cảm thấy hãnh diện ( cho em ăn theo một chút) vì quê hương của mình , lại thấy thân thương hơn khi những tên anh nêu lên có 2 ông cậu của em …
    Chúc anh vui và sáng tác đều tay .

    Reply
  8. Trầm Tưởng-NCM

    TT lúc còn nhỏ cũng hay thường dzìa Gò Bồi chơi( có bà con ở đó).Gò Bồi bây giờ phát triển lắm, đông đúc hơn xưa dzà cái gì cũng có, khỏi cần phải lặn lội xuống Qui nhơn tìm mua như hồi xưa nữa. Bài viết của anh Luận, lời văn tuy mộc mạc,nhưng chân tình, thấm đẫm hồn quê chơn chất. Hay lắm, anh Luận ơi!

    Reply
    1. Lê Khánh Luận

      Cảm ơn Trầm Tưởng-NCM, tuổi thơ của mình rất thấm đậm với Gò Bồi, nên khi viết mình cũng trải lòng ra.

      Reply
  9. Phạm Quang Tiến

    Anh viết về những kỷ niệm thời thơ ấu thật đẹp, thật cảm động và nên thơ. Mình đọc thấy thật sự là anh rất giàu tình cảm và dành nó cho quê hương, cho bà con, cho bạn bè… Tuyệt vời!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.