Về Lại Quy Nhơn

Lần này thằng Luận không định về. Thế mà trong buổi tiển
đưa thằng Vinh lên tàu tại quán Mai Trâm, chúng nó nói châm
nói chĩa, thằng Luận không nhớ quê hương. Nghe mới tức. Lên
tàu là thằng Vinh gọi inh ỏi về Quy Nhơn. Rồi nhất là thằng
Khương từ ngoài quê điện vào, nó nói là thiếu người vừa là
nhà thơ vừa là nhà văn thì ai viết về chuyến họp mặt lần
này đây.

Thằng Luận ngồi nghe một cách chịu đựng. Ai mà không nhớ quê
hương. Nhưng trước hết muốn quyết định một điều gì, nó cần
thăm dò phản ứng của vợ nó cái đã. Bởi vì người ta thường
mỉa mai, thả chồng về quê một mình chả khác nào thả cọp về
rừng. Thằng Luận cũng có cách đánh lừa vợ nó “ Em đừng lo,
người ta không dại gì tốn thời gian đi tìm lại những cái gì
cũ kỷ đã qua, nên lo về những cái gì mới cơ “.
Trở về nhà, thằng Luận nói với vợ nó rằng “Anh đi về Qui
Nhơn họp bạn ba hôm “, đó là một cách nói, để rồi nó có
thể nới rộng thành bốn hôm. Thấy vợ nó làm thinh, nó điện
thoại cho thằng Quỳnh ngay “ Tao về “. Thế là sáng ngày 9/8
Quỳnh chở Luận đi mua vé. Đến nơi, hết vé nằm mềm, hết vé
nằm cứng, hết vé ngồi mềm chỉ còn vé ngồi cứng. Và khi đã
quyết là đi. Quỳnh về thăm vợ chồng anh Hai, bạn bè về thăm cầu
Nhơn Hội mới, bán đảo Phương Mai. Còn Luận lâu rồi không về, cần
về thăm người thân, bè bạn, cầu mới,…
Chiều hôm sau, Quỳnh và Luận  ra ga lên tàu. Khi tàu chạy,
trong niềm vui Quỳnh và Luận đã hứng chí sáng tác:
Bài Ca:
Rồi một chiều ra ga
Ba đứa ta lên tàu
Tàu lăn bánh vù vù
Trong tiếng gió vu vu

Bạn ta vui sướng
Đợi ta quê nhà
Hỡi tình bạn,
tình quê bao la
Thúc giục lòng ta

Lâu rồi, thương nhớ quê
Ta rủ nhau về.

Gặp những thằng bạn cũ
Chúng thương nhớ ta.
Ta mới về.

Ơi tình bạn.
Ơi tình quê.

Xa Sài Gòn, một chút buồn. Cảnh bên ngoài một chút mưa,
một chút gió như muốn nói rằng Sài Gòn cũng luyến tiếc
người đi. Những con người đáng mến thương, ai mà không luyến
tiếc được và thế là một cái mail được gởi từ Sài Gòn:

Thành phố chiều nay vắng bóng ai
Trời buồn sao mưa mãi, mưa hoài
Quy Nhơn đón bước chân người đến
Một vùng kỷ niệm nhớ thương ai.
10/08/2007

Nghe sao mà tình cảm, thi vị nhỉ. Thằng Luận và thằng Quỳnh sung
sướng lên, chúng cười khà. Còn thằng Vinh đã về tuốt tuột
tận Quy Nhơn rồi, có hay biết gì đâu.
Vinh nào đâu có biết, hai ông anh đi sau này thế mà hay.
Trên tàu này, phía trước có hai chị em hơi giống nhau và
sao mà xinh đến thế. Và Cô em ăn mặc sao ấy, cứ khiến cho
thằng Quỳnh, thằng Luận nghĩ đến bài “ Em Cúi Xuống “của tác
giả Thụy Ân. Đi tàu hỏa cũng có tí mệt, nhưng nhờ thế này,
thế nọ rồi quên đi. Và thằng Quỳnh đã nói một câu “ Trên
tàu hai thằng nói chuyện một lác,  và ngủ gục một tí là
tới nơi “.
Tàu về đến Diêu Trì, Quỳnh và Luận vừa bước ra khỏi ga là
gặp ngay thằng Học. Coi ra Học lại nhiệt tình hơn hết thảy,
rồi thằng Thạnh, thằng Thiệu. Cùng uống cà phê lúc đầu gặp
gỡ, ấm áp đậm tình bè bạn. Thằng Khương không đến được, vì
vợ chồng bận chuẩn bị bữa sáng bánh hỏi lòng heo để đón
bạn bè. Thử hỏi những ông khách về quê có sướng không?
Thích ăn gì thì cứ báo bạn chuẩn bị trước.
Ăn sáng tại nhà Khương xong, Vinh, Quỳnh, Học, Thạnh, Thiệu
cùng đổ xuống Quy Nhơn thăm cầu Nhơn Hội. Cây cầu thật dài
đổ từ đầu Đại lộ Đống Đa về đến Hội Lộc, cây cầu dài
trường thẳng ra biển rồi nhong nhong gối đầu lên đồi cát Hội
Lộc, nơi đây ba của Luận cũng thường về hoạt động. Cầu Nhơn Hội là cây cầu
dài nhất nước 2560 m.
Cầu nối liền thành phố Quy Nhơn với đồi cát sa mạc Nhơn Lý,
nối liền Cát Tiến đi qua các đèo Sậy, Tân Thanh, Vũng Tô,
Đề Gi Phù Cát. Làm cho những vùng đất rộng lớn của Bình Định
Trở nên liền lặn và tiện lợi.
Thăm cầu xong Vinh,  Luận, Thạnh, Học về nhà Võ Ngọc Thọ ở
khu I có bạn của Luận là Trương Văn Minh (một thằng bạn cũ
hồi học tiểu học với Luận ). Tại đây, họ chơi một lác rồi
tụ tập về nhà Thông đã có nhiều bạn đợi sẵn ở đó, rồi đi
bộ sang quán Quê  Hương 1. Vào hơn 12 giờ trưa bạn bè tụ tập
tại đây gồm có: Nguyễn Bửu Thông, Nguyễn Văn Rãi, Nguyễn
Đình Khôi, Võ ngọc Thọ, Trần Hữu Thọ, Dương Văn Thiệu, Trần
Ngọc Thạnh, Trần Văn Học, Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Xuân
Thu, Trần Xuân Quốc, Đoàn Nhật Vinh, Nguyễn Tự Quý, Lê Khánh
Luận và Trương Văn Minh (bạn của Luận).
Một buổi họp mặt thật vui, nơi đây Nguyễn Tự Quý và Lê
Khánh Luận đã xướng lên buổi sinh hoạt thơ: thoạt tiên là
Luận đọc bài thơ của Bửu Thông sáng tác tại Sài Gòn và
kết nạp Thông vào hội thơ. Thông sướng tưng tưng, đôi lời
cảm ơn Tuấn Quỳnh bà mụ giúp Thông đẻ được bài thơ. Tiếp
theo là Rãi hát bài Sóng Chiều, thơ của Luận bạn Rãi phổ
nhạc. Luận nghe mà sướng đi thôi. Tuấn Quỳnh làm công tác
chụp ảnh và quay phim, còn Luận cũng chụp ảnh mà chỉ lấy
những cận ảnh nhỏ.
Vì không tổ chức được tiệc tại quê, nên tại đây Luận sung
sướng chính thức công bố bài thơ  “ Huỳnh Giản Quê Hương“ của
mình. Rồi Rãi đọc bài thơ tặng bạn Nguyễn Văn Nhu, mở di
động để Nhu ở Sài Gòn nghe luôn. Rồi Quỳnh bài thơ Quán
Hoàn Ký, Thọ đọc bài…, bác sĩ Nhuận không làm được thơ
nhưng góp ý chỉnh sửa cũng khá hay, làm cho buổi họp mặt
càng thêm sôi động tích cực hơn, rồi thỉnh thoảng… dô, dô;
và cứ đọc xong một bài thơ là dô. Một lúc sau quá xúc động
Nhu đã mail về một bài thơ mà Luận đã đọc cho các bạn nghe
như sau:

Xa cách mà như lại rất gần
Lâu rồi không gặp thế mà thân
Bạn bè tình nghĩa keo sơn thế
Hạnh phúc cho ta giữa bụi trần
Đa tạ anh em còn nhớ mãi
Một thằng bạn cũ mất đôi chân
Dù đời ảo ảnh như mây khói!
Tình nghĩa anh em lại rất cần!
(Tặng tất cả các bạn Cường Để khóa 64-71)
Xong tiệc, về nhà Thông. Vì nay được kết nạp vào hội nhà
thơ, Thông sung sướng quá lấy rượu ra mời các bạn uống tiếp.
Đến 3 giờ Vinh, Quý, Luận, Thạnh, Thiệu , Phụng lên đường về
nhà Khương ở Cầu Gành.
Chiều tại nhà Khương có Vinh , Quý, Luận, Tuân, Phụng ,Tám,
Thạnh, Thiệu dùng bữa tiệc cháo gà và ngâm thơ. Quá lâu
được về miền quê với quần tà lỏn áo lá nằm dưới nền hè
khá mát, được nghe bạn Tú Khương ngâm thơ, hay hoặc dở không
biết, mà thằng Luận nó đáp lại bằng cách ngáy như bò rống.
Rồi cũng như lần về trước, vợ Khương lên lầu, giao hạ tầng
cho Khương và các bạn. Thằng Khương thật hạnh phúc, có một
người vợ thật dễ thương và lúc nào cũng chu đáo với bạn
bè. Và Khương khéo chăm sóc vợ, lần nầy về thấy chị Hạnh
khỏe hơn và đẹp hơn.
Đêm thơ xong, bốn thằng đi ngủ. Sáng sáu giờ đã dậy đánh
răng rửa mặt xong, trong tư thế sẵn sàng. Tưởng là làm một
công việc gì lớn, té ra là chuẩn bị đi ăn món bánh xèo của
Bà Năm ở cạnh cầu Mỹ Can. Món bánh thật đắc khách, muốn
ăn sáng hôm nay phải đăng ký từ tối hôm trước. Sáu rưỡi
lên đường và bảy giờ kém là có mặt tại nhà Bà Năm rồi:

Bên song cửa anh ngồi đợi bánh
Mùi dầu thơm quyện với mùi tôm
Bà già Năm với chiếc lưng khòm
Đang mải miết làm từng chiếc bánh

Ngoài bàn vuông năm người khách đợi
Chờ bánh ra cuốn với rau, xơi.

Ồ bánh  thật ngon đúng như lời người ta đã viết trên báo.
Đúng bảy giờ là có bánh ra lò cho năm người chúng tôi.
Thằng con trai bà Năm bưng ra một cái đĩa với năm cái bánh
nóng hổi, rồi rau, nước mắm, cuối cùng là bánh tráng và
chúng tôi cuốn. Quá ngon, tôi cứ nghĩ  là mình sẽ ăn hơn năm
cái. Thằng Khương thì khác, chắc nó nghĩ là sẽ ăn hơn thế.
Mọi người vừa cuốn, vừa nói chuyện, vừa ăn, giữ đúng nhịp
độ để không ai hơn mình. Rồi cuối cùng đến cuối bảng thằng
Khương ăn được năm cái rưỡi là người về nhất, còn mình thì
ba cái rưỡi chắc chưa phải là người về cuối nhưng thua Khương
hai bàn cách biệt rõ ràng. Bánh ở đây chỉ ăn tại chỗ,
không được mua về.
Ăn bánh xong Quỳnh và Luận chia tay Vinh và vợ chồng Khương,
tiến thẳng về Gò Bồi. Đến nơi có vợ chồng Tân em của Cư đã
đợi sẵn, Quỳnh và Luận đi chụp ảnh và quay phim một lát.
Rồi quay lại nhờ Tân đưa đi thăm Trường Tiểu Phước Thắng,
ngôi trường ngày xưa Luận học cách nay đã bốn mươi bốn năm
rồi. Trong cảnh đầy xúc động ấy Luận đã có bài thơ :

Sáng nay về lại Chợ Gò Bồi
Tình quê thôi thúc ở trong tôi
Ta về Phước Thắng thăm trường cũ
Chỉ thấy cột đình đứng đấy thôi

Mái trường vẫn giống ngày xưa cũ
Mà bóng người xưa vắng đâu rồi

Cái trường tiểu học ngày xưa ấy
Kỷ niệm trong tôi cả một thời
Mái tóc đuôi gà em đi lại
Cho lòng cậu bé thấy chơi vơi

Thời gian năm tháng ai có biết
Bóng ấy theo ta cả một đời.
Phước Thắng  12/08/2007

Thăm trường xong, thằng Luận rất sướng là có thằng bạn
Quỳnh chia sẻ với nó mọi nỗi niềm. Vợ chồng Tân  mời ăn
trưa ở Cát Tiến. Đến đây trời còn sớm, Luận rủ Quỳnh và
vợ chồng Tân vượt qua đèo Sậy, đèo Tân Thanh đến Vuông đá
một (một hòn đá vuông to cỡ gần một hecta ở giữa cánh
đồng) từ đó Luận quẹo vào xóm tìm lại nhà bà cụ Khiết, bà
cụ Cần, nhà mà trong lúc chiến tranh năm sáu lăm sáu sáu
Luận có một thời ở đây. Hai cụ và người con trai là chú
Mười đã mất, chỉ còn gặp được bà Thanh người con gái nay đã
bảy mươi ba tuổi. Luận thăm hỏi một lúc, tặng quà rồi chia
tay. Thằng Luận rất sung sướng, còn thằng Quỳnh thấy thích
thú quay phim và bấm máy lia lịa.
Việc thăm ở ấy xong, cả bốn quay về đèo Sậy cạnh Bãi Nhỏ.
.Về đến đèo thì trời cũng đã trưa và bụng cũng vừa đói. Tân gọi nửa con cá mú
hấp cuốn bánh tráng, và nửa ký tôm  lột nấu cháo. Một bữa
trưa hợp khẩu vị ngon tuyệt.

Dừng chân ta nghỉ cạnh lưng đèo
Dùng trưa trong nắng, tiếng gió reo
Ngoài kia gió sóng lăn tăn múa
Vui ngàn ánh bạc biển hòa theo.

Bữa trưa cá mú cùng tôm đất
Quê hương đón khách, vậy đâu nghèo
Đường đời dù ta đi vạn nẻo
Mai mãi tình quê, luôn mãi theo.
12/08/2007

Ăn xong nghỉ một lác, vợ chồng Tân đưa Quỳnh và Luận về đến
Huỳnh Sa. Quỳnh và Luận tiếp tục về Khe Đá thăm chú của
Luận và thắp nhang người cô mà khi cô mất Luận không có dịp
về. Thăm chú xong. Luận và Quỳnh ra Nhơn Lý để thăm người
cậu thứ tư của Luận. Đường nối Khe Đá với Nhơn Lý là một
con đường lớn dài, mặt đường rộng năm mươi mét, cỡ sáu lằn
xe. Mặt đường mới láng tưng, xe chạy chưa đầy mươi phút là đã
đến nơi. Phải gởi xe trên dốc đi bộ xuống xóm. Dọc đường
Quỳnh mê man phong cảnh nơi này nên mê mãi quay phim và chụp
ảnh. Quỳnh chụp cảnh ở đầu ghe có một chiếc thúng dựng lên
và cạnh bên dưới ghe có một chiếc thúng úp tựa vào, và
Quỳnh lấy tên của tác phẩm là “ Đôi bạn”, Quỳnh cũng lãng
mạn dữ. Vào nhà Luận và Quỳnh chào cậu, thấy có khách mẹ
của cháu Au xách sẵn hai xâu cá dưới biển về có nồi nước
nấu sẵn để trụng. Bánh tráng cuốn cá tươi vừa trụng với rau
sống, chấm nước mắm tỏi thì không còn chỗ nào chê. Vì vừa
ăn ở trên đèo còn no, định ăn mỗi đứa hai cuốn  thôi, nhưng
rồi ngon quá không dừng được. Vừa ăn, vừa có một tô nước
cá luộc húp mới thú vị chứ. Quý tiếc mãi không chụp được
cảnh má của Au xách hai xâu cá. Mất một tác phẩm.
Vào nhà nghe cậu của Luận đọc thơ, rồi Luận đọc thơ. Mấy khi
được nghe hai cậu cháu của Luận gáy, Quỳnh cười. Người cậu
của Luận không thấy đường, nhưng làm thơ khá hay.
Ăn xong là kéo ra Eo Gió ngay. Vừa qua khỏi eo là gặp một
nhóm mấy cô con gái. Có một cô bé dai dẳng đòi chụp ảnh
chung mới bực chứ. Còn hai cô cười, cười với hàm răng
trắng, nét mặt xinh xinh. Hình như họ cũng lấy cái sự chọc
ghẹo làm thích thú. Thì ra con người vẫn hay hơn phong cảnh.
Thấy vui vui, Luận bước lại để tán tỉnh. Nhìn kỹ hơn mới nhận
ra ấy là hai masoeur. Hai masoeur hỏi hai chú Luận, Quỳnh là đi
công tác hay đi làm ăn kinh tế. Luận trả lời là chúng tôi
đi chơi, nhưng họ chả tin. Cuối cùng Luận phải nói đây là hai
nhà thơ và bồi luôn “ Chiều qua Eo Gió gặp hai soeur, lòng
đây đã phải ngẩn ngơ một chiều “ họ mới tin. Và chúng tôi
chụp cho họ vài ấm ảnh. Họ hỏi rằng chúng ta còn dịp gặp
nhau nữa không? Luận trả lời “ Có chứ ” họ bồi thêm “ Ở
một nơi mát mẻ “. Ồ té ra Soeur cũng hay nhỉ, trả lời không
khô khan tí nào. Thằng Luận không hiểu nơi mát mẻ ấy là ở
đâu. Nếu chiều hôm ấy mà không bận bữa tiệc, thì Quỳnh và
Luận đã lẩn thẩn theo hai Soeur và bây giờ đã đến thiên
đàng rồi.
Về đến Quy Nhơn Lúc sáu giờ chiều, ở nhà các em của Luận
tập trung và làm thức ăn sẵn ở nhà Hạnh em của Luận. Quỳnh
về nhà anh Hai để tắm rửa, còn Luận phải đến  ngay đó để
các em biết chừng. Buổi tiệc bắt đầu có trễ nhưng vui, một
buổi họp mặt gia đình vừa có em vừa có bạn, Luận vui biết
chừng nào. Quỳnh cũng thấy thích thú trong một buổi họp mặt
gia đình thật khí thế. Tiệc xong Luận , Quỳnh chia tay. Quỳnh
về nhà người anh, còn Luận  về nhà đứa cháu con người anh
thứ hai ở Khách sạn Đế Vương ấy. Đứa cháu giao cho Luận một
phòng rộng khang trang và đầy đủ tiện nghi, nhưng ở một mình
và các cháu bận rộn. Không ai nói chuyện buồn , nên tối
tiếp theo là Luận chuồn đi chỗ khác.
Sáng hôm sau, Luận mang xách đến nhà anh Ba Minh. Rồi hẹn đi
ăn sáng với vợ chồng cháu Ngôn và bạn Quỳnh. Bún chả cá,
một trong những đặc sản của Quy Nhơn rất ngon, thằng Quỳnh
khen lấy khen để . An xong Quỳnh và Luận đến Rãi chơi và làm
một cuộc hẹn. Trong lúc chờ Rãi còn bận dạy, thì Quỳnh tranh
thủ đến trường Cường Để thực hiện mấy tấm ảnh, còn Luận
thì đi thăm mấy người quen. Đến gần mười giờ các cô em Tiết,
Ngọc Diệp, Mỹ Hạnh, Huỳnh Nga tan họp ở trường xong, mấy anh
em kéo ra quán cà phê ngâm thơ, chụp ảnh. Huỳnh Nga ngâm thơ
đã hay, không ngờ Mỹ Hạnh ngâm cũng chẳng kém, rồi Tiết
nữa.
Để mở đầu,
Huỳnh Nga ngâm bài  “Cánh Hoa và Gốc Phượng”  của tác giả
Lê Khánh Luận.
rồi bài  “ Vắng Người “của tác giả TTH.
bài  “ Bên Quán Hoàn Ký” của tác giả Tuấn Quỳnh.
bài  “ Bên Song Cửa “ Của tác giả Nguyễn thị Tiết.
Và rồi nhận được mail:
Một lần về thăm lại chốn xưa
Bao nỗi niềm riêng nói sao vừa
Gặp lại người xưa mừng vui lắm
Nên đâu ngại gì đến gió mưa.
13/08/2007

Vui và thích quá, nhưng trưa rồi. Bây giờ đã mười một giờ
rưỡi rồi, mà Quỳnh với Luận có cuộc hẹn ăn giỗ mười một
giờ tại nhà Khương. Khương điện thoại rối rít, Quỳnh nói “gần
tới rồi”. Nhưng đã đi đâu mà tới. Thế là hai thằng chạy tấp
tập, tới nơi gần một giờ kém. Mọi người chờ đói bụng, nhưng
nhờ thế ăn mới ngon. Một bữa giỗ chay, nhưng đủ thứ khác
nào giỗ mặn. Lâu ngày đổi khẩu vị, nên ngon thật ngon. Ra về
vợ Khương còn tặng cho mỗi thằng một ký tỏi, loại tỏi Lý
Sơn rất ngon. Loại tỏi đã làm cho nhà thơ Khánh Luận cảm
hứng cho ra hai bài thơ về tỏi. Đến ba giờ Quỳnh và Luận trở
về Quy Nhơn dùng cơm chiều tại nhà anh Hai, người anh và người
thầy xưa kia của Quỳnh.  Anh Phương rất nghiêm, nhưng trong bữa
tiệc vui và đàm đạo về thơ anh không giấu được nỗi niềm
riêng của mình. Anh kể lại thời mới ra đi dạy cấp ba, có một
cô học trò yêu thầy đã làm sẵn bài thơ chờ sẵn để khi
thầy gọi trả bài thì đút trong tập vở như sau:

Em đã yêu thầy, thầy có hay
Chiều qua tan học áo tung bay
Đi sau em gọi anh yêu dấu
Gặp mặt em run khẽ gọi thầy.
Thầy Phương đáp:
Em đã yêu thầy, thầy có hay
Đừng đi trong cát bụi tung bay
Đừng đi trong gió tình vương vấn
Anh muốn rằng em cứ gọi thầy.

Một buổi cơm chiều thật vui và thi vị, làm cho thầy Phương anh
của Quỳnh như trẻ lại. Chị hai, vợ thầy Phương cũng rất tế
nhị khi nghe thầy Phương nhấp nháy đọc thơ là bà giả đò đi
tập thể dục ngay. Luận mới trả đũa lại “ Đây là lúc anh em
nhà Quý gáy”.
Cơm xong Quỳnh, Luận, Rãi ra quán cà phê ở bãi biển để đàm
đạo. Chín giờ rưỡi, cả ba chia tay hẹn sáng hôm sau gặp lại.
Sáng, trong lúc còn chưa đến bảy giờ Luận tranh thủ cùng anh
Minh đến thăm chị Nhang con của một người cậu, mà hình ảnh
cậu mợ ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí Luận. Một
người cậu cao ráo với bộ ria quách thước bảnh trai, và mợ
tuy già vẫn giữ đầy đủ những nét xinh. Cậu mợ sinh ra những
người anh đẹp trai, và những người chị xinh gái. Cậu mợ rất
thương Luận, và thằng Luận rất tự hào về cậu mợ của mình.
Đến bảy giờ rưỡi, tập trung ở nhà Tiết cùng nhau đi ăn sáng
như đã hẹn. Gồm vợ chồng Mỹ Hạnh; Ngọc Diệp, Huỳnh Nga,
Tiết , Quỳnh và Luận. Ăn bánh xèo ở quán Phước Sơn cạnh
nhà thầy Hòa ở Đại lộ Đống Đa. Bánh nóng ngon, vừa cuốn
vừa chờ. Những nơi bánh ngon, không khéo, khó lòng mà có cho
mình cuốn lên tục. Lúc này cũng gần no, Tuyết Sương một
người bạn cũ thật cũ của Luận đến. Cùng nhau đi đến quán
Cà phê Nhà Cổ ở đầu Cầu Nhơn Hội cạnh sông Hà Thanh. Cấu
trúc của quán, vật liệu gỗ, được mua từ một ngôi nhà cổ
về cất gọn lại, cũng đủ ba gian như nhà lấp mái cổ xưa.
Nhóm bạn của Luận chọn một vị trí thật đẹp, gần đường, cạnh
bờ sông, vừa tầm nhìn lên núi Bà Hỏa.
Cà phê ngon
Lại có bạn hiền
Muốn mua
Đâu phải có tiền dễ mua.

Những ly cà phê và sinh tố được bưng ra, và từ từ những
giọng ngâm được cất lên :
Huỳnh Nga với bài “ Gò Bồi Thương Nhớ ” của tác giả Lê
Khánh Luận.
Hoàng Hạnh với bài “ Bên Song Cửa “ của tác giả Nguyễn Thi Tiết.
Huỳnh Nga với bài “ Quê Ngoại “ của tác giả Hồ thị Thu Hà.
Hoàng Hạnh với bài “ Người Lái Đò” của tác giả Nguyễn Thi Tiết.
Tuyết Sương với bài “ Thoảng Hương “ của tác giả TTS.
Trong nhóm bài thơ :
NẾU  BIẾT
Đỉnh Sơn
Nếu biết rằng tôi có ngày về
Hỡi người xưa, của mối tình quê
Có còn chi hỡi, hay quên hết
Có tiếp ai không, những này về.
08/08/2007

THOẢNG  HƯƠNG
TTS

Mối tình quê thoang thoảng hương
Ai kia không nhớ quê hương; rất buồn!
8/08/2007

NỖI  NHỚ
Đỉnh Sơn
Nỗi lòng thương nhớ quê hương
Quyện trong nỗi nhớ người thương tìm về
Hỡi người của mối tình quê
Tháng năm hương vẫn vọng về bên tôi.
08/08/2007

Thằng Luận sung sướng muốn run lên khi nghe Huỳnh Nga ngâm
xong bài thơ “ Gò Bồi Thương Nhớ “ vì đó là một bài thơ Luận
thích nhất mà khó ngâm. Huỳnh Nga ngâm rất đạt, sự đồng
điệu giữa nhà thơ và nghệ sĩ ngâm là vậy.
Xong cà phê ở Nhà cổ Luận và Quỳnh về điểm hẹn ở nhà
một người bạn, chúng tôi đến thăm và dùng một bữa trưa tại
đây. Bạn ấy đã chuẩn bị để đãi chúng tôi : chả cá, nem chợ
huyện, ghẹ biển, bún tôm Đầm Thị Nại,… quá ngon. Và chúng
tôi đã chén một cách thật tình. Và ở bữa tiệc này, Quỳnh
đã làm một việc đáng cho thằng Luận ghi nhơ, là thu hút rể
và con gái của người bạn  ấy vào một tác phẩm, để một
khoảng trống cho những người còn lại được tự do.
Buổi chiều ngày cuối, khi Luận chuẩn bị về, trước khi
lên xe thì nhận được mail :

Gởi chút hương yêu với nắng chiều
Tình quê sâu nặng biết bao nhiêu
Khi xa nơi ấy người có thấy?
Trong nắng hoàng hôn cũng nhớ nhiều.
14/08/2007

Mấy hôm còn ở lại chưa vào Sài Gòn, Quỳnh rất mê bài
“ Hạnh Phúc Người Lái Đò ”. Nên hằng đêm đã mở lại nghe
nhiều lần và An Thi phu nhân của thầy Phương đã nghe và khen
hay nức nở. Và An Thi cũng là nhà giáo có tâm hồn thơ, nên
chị đã không giấu cảm hứng và tự giới thiệu những bài thơ
của mình. Chị đã đọc cho Quỳnh ghi âm những bài: “ Con Đò Và
Khách Sang Sông “ nói về tình cảm của nhà giáo và học trò,
và bài “ Tứ Đoản Khúc “ nói về tình cảm và nhận xét của
chị đối với Sài Gòn và Phan Thiết khi chị đi qua đoạn đường
này.
Con đò chở khách sang sông
Khách đi có nhớ dòng sông con đò
Khách về đến bến sông mơ
Đò mong khách đậu bến bờ tương lai
Dõi theo bóng khách đường dài
Ba mươi năm vẫn miệt mài gió sương
Đò tôi chở khách muôn phương
Khách ơi có nhớ tình thương con đò.
An Thi 20/11/2001

Trên đây là ghi lại những gì của chuyến đi, của nhóm bạn Đoàn
Nhật Vinh , Nguyễn Tự Quý và Lê Khánh Luận từ Sài Gòn về thăm
quê Quy Nhơn dịp hè năm 2007.
20/08/2007{jcomments on}

 

0 thoughts on “Về Lại Quy Nhơn

    1. Le Khanh Luan

      Quê hương và bạn bè đã cho Khánh Luận những tình cảm rất dễ thương. Cảm ơn Khách Lạ.

      Reply
  1. Kim Đức

    Chuyến đi tìm về ký ức và một chút nhớ, thương về quê hương của một thời đã qua, anh Luận viết rất hồn nhiên và ngọt ngào. Có lúc mình phải tìm về một cảm giác thân quen, tìm một dấu chân kỷ niệm…. để thấy cuộc đời cũng vui hơn hả anh?. Chúc anh vui

    Reply
    1. Le Khanh Luan

      Một chuyến đi tìm về kỷ niệm xưa,thăm người thân và bạn bè, và được cùng đi với những người bạn, thật vui và thân thương đã cho anh Luận nhiều cảm xúc.

      Reply
  2. Kiều Thanh

    Lâu ghê mới được đọc hồi ức của anh Luận thật xúc động ngọt ngào trước lối viết trẻ trung của anh .

    Reply
    1. Le Khanh Luan

      Thật ngọt ngào phải không Kiều Thanh, vậy thì anh sẽ tiếp tục viết nữa.

      Reply
  3. Le Khanh Luan

    Ở bài thơ áp chót, nhờ HX sửa dùm thành ” Trông nắng hoàng hôn cũng nhớ nhiều.”

    Reply
  4. nguyentiet

    Mới đó mà đã năm năm rồi anh Luận nhỉ! Đọc bài viết của anh em thấy vui lắm và những hình ảnh thân thương ấy lại hiện về như mới vừa hôm qua.Bài viết từ một tâm hồn trẻ nên giọng văn hồn nhiên , giản dị nhưng rất chân tình.

    Reply
  5. TRANKIMLOAN

    Hay quá LKL ơi! lúc nào LKL viết tường thuật những bài về các cuộc về nguồn ,thăm lại quê hương, thăm lại bạn bè thầy cô trường cũ đều rất hay !có lẽ do trong lòng quá dạt dào nhiều cảm xúc nên khiến ngòi bút trở nên lả lướt…bay lượn chan chứa đậm đà tình cảm cùng bạn bè & quê hương thân yêu! tạo cho người đọc cũng cảm thấy vui lây như đang nhập cuộc cùng các nhân vật trong bài viết! & thèm được tháp tùng cùng đi như thế quá!Cám ơn bạn hiền đã cho đọc một bài thật hay & rất sống động đầy thích thú rộn rã cùng bạn bè!

    Reply
    1. Le Khanh Luan

      Từ hồi học lớp 9, anh đã ngộ được câu ” Nhìn vào gương, nếu bạn cười thì người trong gương sẽ đáp lại bằng nụ cười vui bạn “. Từ ấy anh luôn luyện cho mình một tâm hồn thanh thản, một phong cách thư thái. Mình phải biết tự thương mình trước hết. Cảm ơn Phượng.

      Reply
  6. Tuệ Minh

    Đọc văn anh Luận đoán anh đang sống trong hạnh phúc Cuộc đời anh Luận chắc an lành mỹ mãn.

    Reply
  7. Le Khanh Luan

    Cuộc đời anh đầy gian lao, vất vả, nhưng cuối cùng thì cũng đạt được đến bến bờ hạnh phúc. Anh đã ngộ ” Con chim nhỏ khi đứng trên cành liễu yếu nó vẫn luôn ca hát, vì nó biết còn có đôi cánh”. Cảm ơn Tuệ Minh.

    Reply
    1. Le Khanh Luan

      Lâu ngày nhớ các bạn nên cũng có một bài viết giao lưu cho vui. Cảm ơn Phương Hạnh.

      Reply
  8. HOANGKIMCHI

    Một tâm hồn trẻ trung phóng khóang, lạc quan yêu đời như Lê Khánh Luận nên đi đến nơi mô cũng đem niềm vui cho bạn bè cả, thật hạnh phúc vô cùng.
    Chúc mừng bạn hiền bài viết rất hay, hấp dẫn & lôi cuốn lắm nhe.

    Reply
  9. Le Khanh Luan

    Cảm ơn bạn Kim Chi đã đồng cảm, đồng thưởng thức với niềm vui về quê hương về bè bạn với Khánh Luận. Và bài viết đọc lại thấy vui và dễ thương thật.

    Reply
  10. Trần Kim Quy

    “Về lại Quy Nhơn” vui và nghĩa tình quá, anh Luận nhỉ? Bài viết của anh vui và sinh động lắm!

    Reply
  11. Phạm Quang Tiến

    Ngồi đọc hàng loạt các bài viết của anh. Thật vui sướng! Sức viết của anh thật dồi dào. Đó là của cải vô giá mà anh đã chắc lọc. Chúc mừng anh giàu có! (về tinh thần)

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.