Con Thu móm

Lê Thị Thu và Hòa ở Tu viện Nguyên Thiều 1974.

Đúng ra, tên đầy đủ của nó là Lê Thị Thu- Không hiểu sao khi gọi tắt, mọi người lại không gọi là Lê Thu như Trương Thảo, Trần Thảo hoặc Trương Chín, Nguyễn Chín để phân biệt các bạn có tên trùng nhau, đám bạn lại kêu nó là Lệ Thu. Nghe giống như tên ca sĩ Lệ Thu hồi trước. Khổ một nỗi: Khi nói chuyện, cái miệng của Thu dảnh lên, móm xọm, cái cằm của nó lại hơi bị dài nên mọi người, thỉnh thoảng lại quên mất cái tên Lệ Thu mà cứ réo nó là Thu móm! Lệ Thu cũng chẳng chút phiền lòng, nó chấp nhận cái tên Thu móm một cách vui vẻ và coi đó như chuyện hiển nhiên.
Tôi và Thu móm có thời gian chơi với nhau khá thân. Nhà nó ở dựa vách núi, trước mặt là đường ray xe lửa từ trong ga chạy băng qua tới đường Trần Hưng Đạo – giáp Đống đa ngày nay. Nó và tôi cùng là đoàn viên HTT. Hằng ngày Thu thường lội bộ xuống nhà rủ tôi đi học. Chủ nhật, hai đứa lại sinh hoạt ở hội quán HTT trên đường Nguyễn Huệ. Thu móm là đứa vô tư và cực vui tính. Nó tếu vô cùng! Câu nào nó nói ra là mọi người cười bò câu ấy. Nó dạn dĩ, có giọng hát to, khỏe. Trong các đêm trại lớn nó thường được ở trong nhóm quản trò. Và nó rất nghịch, nghịch nhất trong đám con gái! Nó thường xuyên chọc phá bạn bè, làm đủ trò dở khóc dở cười, không tha bất kỳ ai, dù bạn nam hay nữ…

Với cái miệng đặc trưng và thân hình thiếu thước, Thu móm luôn để lại ấn tượng vui vẻ cho mọi người. Gần đây, bạn cũ xa gần tìm lại họp mặt HTT, không thấy tăm hơi nó đâu. Ai cũng nhắc, hỏi Thu móm. Hai năm liền, họp bạn không có mặt nó, tôi thấy như thiếu thiếu cái gì…

Mấy bữa nay, ông trời tự nhiên trở chứng, làm mình làm mẩy với thiên hạ. Trời hết mưa, lạnh rồi lại gió thổi tơi bời…Sau mấy ngày họp mặt NTH và HTT ồn ào, tôi ở nhà tiếp tục công việc nội trợ: đi chợ nấu ăn, ra vô buồn thỉu buồn thiu. Được ngày Chủ nhật, con cháu về quậy quạ cũng vui. Buổi chiều, ra trước sân ngó trời ngó đất mênh mông. Thật bất ngờ! Đúng khi tôi còn đang nhìn quanh quẩn, Thu móm xuất hiện! Trời đất ơi! Tôi mừng không thể tả. Tôi rủa nó:

– Cái con quỷ! Chớ mày làm gì mấy năm nay, mất tăm mất dạng? Vừa rồi, họp bạn HTT không có mày, mọi người hỏi thăm mày quá trời.

Tôi nói chưa dứt câu, lần đầu tiên, con Thu móm ngày xưa chỉ biết cười, giờ đây đôi mắt nó đỏ hoe, ngấn nước. Nó nghẹn ngào:

– Hòa ơi! Ông xã tao mất rồi…mất ba tháng rồi mày ơi!

Nó khóc, ôm lấy vai nó tôi cũng khóc…Tội nghiệp bạn tôi! Giờ nghe Thu móm kể tôi mới biết: Trước khi qua đời, anh Khanh -ông xã nó đã từng nằm ở bệnh viện đa khoa Qui nhơn mấy tháng trời. Một mình loay hoay nuôi bệnh cho chồng, tất bật không có thời gian mà liên lạc với bạn bè. Thiệt là nó khổ không ai bằng! Nó dắt trong người cái điện thoại của người chồng đã khuất, nhờ tôi lưu giùm số điện thoại của các bạn vào để lúc nào đó nó cần sẽ gọi….Thỉnh thoảng lại nghe nhạc chuông réo rắt, mấy đứa con Thu gọi hỏi chừng thử mẹ đang ở đâu. Thu móm nhìn tôi, một cái nhìn thật buồn.

Tôi đưa nó vào nhà, pha trà, lấy hạt dưa ra mời nó. Đôi mắt trũng sâu như còn đẫm nước, nhưng miệng nó lại nhoẻn cười:

– Răng đâu nữa mà nhai hạt dưa?

Vậy rồi, chuyện trò hỏi han nhau qua về một hồi, tôi và nó vào chỗ để máy vi tính. Lục album trên trang NTH, Thu móm thấy hình cũ của nó, trong đêm trại ở trường La San thủa nào, làm quản trò, mặt mày lọ lem,, thấy có cả thầy Xứng, chị Thuận, chị Giang Ngọc Tuyết….nó cười hớn hở, tạm quên đi chuyện đau lòng của gia đình. Tôi lại cho nó xem hình mấy bạn trong ngày họp mặt HTT. Nó coi tới coi lui một hồi, than:

Ai cũng già ngắt hết mày ơi!

Chỉ hình anh Dũng, người ngày trước nó có tình ý, Thu cười:

– Hồi trước mà ổng xấu hoắc vầy ai thèm.

Tôi bất giác nhìn lại nó. Nó cũng già! Già và gầy nhiều so với hồi còn đi học.Cái miệng móm càng móm hơn vì mất đi mấy cái răng.Thời gian ở quê chồng, lam lũ cực nhọc đã xóa gần hết nét láu lĩnh và tếu táo, biến Thu móm của chúng tôi ngày xưa trở thành người đàn bà với dáng vẻ đầy khắc khổ, chịu đựng. Hỏi thăm về ngôi nhà cũ của gia đình nó, hồi trước tôi thường đến chơi, nhà đó bây giờ giải tỏa, mở đường Nguyễn Tất Thành nối dài…Thu móm là con nuôi, trong lúc nó ở Phù mỹ, đầu tắt mặt tối, anh chị của nó gần đó nhận tiền đền bù chia nhau. nó không có được xu nào. Thu móm thở dài:

– Thôi kệ! Mình có hai bàn tay, mình còn có thể làm ra tiền. Anh chị mình không thương mình thì thôi. Anh Khanh, chồng tao mất rồi, ai đâu làm rẫy làm vườn cho nỗi? Giờ tao nhận nấu đám tiệc, kiếm tiền cho hai đứa nhỏ còn ăn học.

Lặng im nhìn Thu móm, tôi không biết nói gì để an ủi nó. Nó đưa mắt nhìn xa xôi.

– Về nhà buồn quá Hòa ơi! Ra vườn cứ thấy anh Khanh như còn đứng đó hút thuốc, đi lại trong vườn…Nhớ chịu không được.

Trời lại mưa lắt cắt…Tôi với lấy cây dù và rủ nó đi theo tôi. Tính là ghé nhà mấy đứa bạn gần đây. Cái dù nhỏ bé không đủ che cho hai người. Nó ôm eo tôi, hai đứa bạn xưa đi sát vào nhau dưới cơn mưa chiều. Con đường Bạch đằng khá vắng, lâu lâu mới có một chiếc xe máy vụt qua trong vội vã.

Tôi nhắc lại chuyện hồi còn đi trại. Ngày đó Thu móm thường chọc phá anh Hưng đội trưởng. Anh giận nó, nhưng cuối cùng cũng huề vì sau đó, nó lại tìm cách khiến anh phì cười. Nhớ lần chỉ vì không ưa tính nhỏ Ni bủn xỉn, tham ăn, Thu móm lấy cắp hết túi mận trong ba lô của Ni, đem phát cho cả đám con gái. Thấy các bạn xơi mận ngon lành, Ni chạy vào lục ba lô mới tá hỏa mận đó của mình mang theo. Nghiệt nỗi, Ni không dám lên tiếng vì trước đó các bạn mang bánh trái ra cùng ăn, Ni cũng vào nhập bọn, nhưng lại nói dối không mang theo thứ gì. Chiều đó, cả bọn phải bấm bụng nín cười khi nhìn mặt Ni méo sệch. Lần trại khác, Thu móm dựng lên kịch bản mới. Nó đập dập trái chuối chín, chờ đêm tối, đặt quả chuối nát bét kia dưới mông của nhỏ An. Thu móm tìm que cà rem, nó quẹt chút phân chó lên mũi của An rồi nhẹ nhàng chuồn êm vào trại nằm chờ kết quả. Mùi hương hãi hùng của phân chó đã đánh thức An. Nó choàng dậy, thấy mông mình ươn ướt, theo phản xạ, An đưa tay xuống dưới… Lúc đó cả gian trại nữ đang say ngủ bỗng nghe tiếng An la lên thất thanh:

– Thôi chết rồi!

Sau đó, miếng chuối bị đập dẹp bay ra ngoài sân rớt đánh bịch một cái. Cả đêm, An cứ hết ra lại vào giặt gịa quần áo…đến tận sáng. Nó ngửi mãi vẫn thấy vương vấn cái mùi khó chịu,Thì ra An tưởng mình ngủ say đã ị ra quần trời ạ! Đến khi nghe Thu móm rỉ tai kể lại, cả đám trại nữ được một bữa cười chảy nước mắt, no cả bụng. Thu móm ngày xưa phá nghịch là vậy! Chúng tôi bỗng chốc yên lặng, bồi hồi nhớ lại khoảng ngày rất đẹp của tuổi thanh xuân, ngây thơ vui đùa

Thu và Hòa bên nồi chè trong lần cắm trại ở Tu viện Nguyên Thiều.

Đến một ngã tư trên đường Bạch đằng, tôi kêu nó đi ăn cháo vịt. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Sớm quá, hai đứa đi lên đi xuống vài bận, chưa thấy hàng cháo vịt nào dọn ra. Tôi đổi ý hỏi:

– Hay là tụi mình vô Chợ Đầm ăn bún cá?

Nó chưa kịp trả lời, tôi tiếp:

– Hồi giờ mày có đi Chợ Đầm không Thu? Nó ậm ừ:

– Cũng có mấy lần.

Tôi kéo Thu quay ngang đường Phạm Hồng Thái, ra chợ Đầm. Ở đây, buổi chiều hàng ăn tập trung nguyên một dãy. Đang đi, Thu móm ghé vào hàng rau quả, dặn dò thứ này thứ kia để mai chủ hàng gửi xe ra chỗ nó. Có cái đám cưới nhỏ, nó nhận nấu mấy bàn. Nó giỏi thiệt!

Sang hàng ăn, Thu chỉ tới hàng bà mập bán bún, bánh canh chả cá trong chợ Đầm. Nó cũng biết bà mập nổi tiếng bán ngon và sạch sẽ. Bà này đặc biệt người mập mạp nhưng cái búi tóc trên đỉnh đầu của bả nhỏ xíu như củ tỏi. Hai đứa ăn xong, Thu móm quay lại hàng rau quả lần nữa, mua một trái xú lơ to tướng. Nó nói:

– Mấy đứa con tao ghiền thứ này lắm!

Nghe nó kể nuôi sáu đứa con mà giật mình.Tiếng ở nông thôn,vậy mà đứa nào cũng học hành đàng hoàng. Tệ nhất cũng học hết lớp 12. Thật là đáng nể!

Rời Chợ Đầm, chúng tôi đi tới nhà Nguyễn Thị Thu cùng là bạn chung một thời sinh hoạt đi HTT. Ngang qua một quán cà phê trên đường Hoàng Quốc Việt, một cô bé trắng trẻo xinh xắn ló ra chào Thu. Cô bé vô tư :

– Từ xa con thấy cô quen quen, nhưng nhìn cô già quá không biết phải cô Thu không….

Câu nhận xét thiệt thà đến độ khiếm nhã khiến người nghe phật ý. Nhưng Thu móm vẫn cười, nụ cười của nó giờ đây làm túa ra những nếp rãnh hai bên má, dấu vết của thời gian và sự vất vả. Thu cúi mặt:

– Khổ quá mau già con ơi!

Chúng tôi vào con hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng. Đứng trước ngôi nhà của Nguyễn Thu, cửa khóa ngoài. Hai đứa tần ngần một hồi quay ra …Nghe Thu móm nói từ hồi Chợ Lớn xây mới tới giờ nó chưa đến đó. Tôi kéo nó về nhà, lấy xe máy chở Thu xuống đường Phan Bội Châu.Trên đường đi, tôi nói trước cho nó biết để khỏi ngạc nhiên, trung tâm thương mại Chợ Lớn Qui Nhơn mặc dầu đã khai trương từ cuối tháng 12 năm 2011 , tới bây giờ vẫn vắng lắm chưa ai đâu.

Quả nhiên, tới ngã tư Lê Lợi- Phan Bội Châu, nơi trước đây thường đông đúc, người và xe chen kín. Đi xe máy, tay lái kiểu “tài tử” như tôi phải chạy thật chậm, hết sức cẩn thận. Tới ngã tư Phan Bội Châu- Trần Quí Cáp là khỏi chạy xe được luôn! Phải gửi hoặc dắt xe cuốc bộ. Còn chiều nay, tôi có thể chở Thu móm phóng xe vòng quanh Chợ Lớn mới một cách ung dung. Mấy cửa hiệu xung quanh chợ có lẽ lạnh và mưa, khách vắng nên đa số đóng cửa. Đường phố trở nên đìu hiu. Thật khác với sự huyên náo thường thấy trước đây.

Tôi dựng đại xe máy bên ngoài rồi cùng Thu móm bắt đầu cuộc tham quan. Thu móm ngước đôi mắt ngơ ngác nhìn khu Trung tâm thương mại Chợ lớn đồ sộ, cao ngất nghễu. Bước lên thang cuốn lần đầu, Thu có phần e dè. Rồi chúng tôi cũng leo lên được mấy tầng vắng teo. Đây đó, vài ba người thợ đang đóng quầy hàng. Nghe nói: hết Tháng Giêng sẽ giải tán chợ tạm ở đường Nguyễn Tất Thành, dân mua bán sẽ về lại Chợ Lớn. Đi một hồi trong khu TT trống trải, Thu móm và tôi ra đường. Nhớ lại thời còn đi học, nó và tôi mà đi chợ thì thường phải mất cả buổi trời mới thấy hai đứa có mặt ở nhà.

Trên đường về, tôi dặn dò nó hết sức kĩ lưỡng: Phải luôn giữ chiếc điện thoại, duy trì số máy của mình và của bạn bè để còn liên lạc về sau. Sáng mai Thu móm sẽ về lại Phù Mỹ. Tối nay, nó ở lại bệnh viện Y học Dân tộc. Chị của Thu đang dưỡng bệnh ở đó. Tôi chở Thu đến gần cuối con đường Ngô Thời Nhiệm. Suốt đường đi nó khen tôi:

– Mày giỏi ghê! Biết đi xe máy chớ tao thì không. Con tao nó kêu tao tập miết mà tao ngại quá!

– Giỏi gì? Tôi trả lời nó- Mấy đứa bạn mình tụi nó lái xe hơi rần rần còn chưa thấy …

Cởi chiếc mũ bảo hiểm đưa trả cho tôi, Thu băng qua đường đi vào cổng bệnh viện. Nó nhìn tôi cười lần nữa. Tôi trông theo nó. Trong bộ độ màu đen nhìn Thu móm càng thấp chủn, nhỏ bé hơn. Đầu cúi xuống, nó đi thật nhanh, tưởng như bước chân vẫn còn nhanh nhẹn như thủa nào..

a tạnh, tôi quay xe về nhà. Đường xá tối dần, thành phố đã lên đèn./.{jcomments on}

Đào Thanh Hòa
2/3/2012

0 thoughts on “Con Thu móm

    1. Đào Thanh Hòa

      Huỳnh Ngọc Tín khỏi nhắc, cái dzụ dán giấy, treo dây lòng thòng sau lưng…tụi con gái cũng đâu thua gì con trai mấy bạn hồi đó!

      Reply
  1. bagiakhoua

    Không hiểu sao khi đọc đề CON THU MÓM tui đã nghỉ ngay tác giả là ai, bạn tui không thể lẫn vào đâu được , cũng như nó và Thu Móm phải tìm thấy nhau , thật tuyệt vời vì còn có cái để mà nhớ để mà thương để mà viết .
    Hay lắm Hòa ơi .

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Ý bagiakhoua nói tui cũng quậy như Thu móm đúng hông? Ngày xưa càng quậy thì bây giờ càng nhiều kỉ niệm để mà nhắc nhở.

      Reply
      1. bagiakhoua

        ” Bạn tui không thể lẫn vào đâu được ” là những nét rất riêng của bạn , nói chuyện vừa tếu vừa có duyên..lôi cuốn người nghe và người đọc , vừa lồng những ưu tư trăn trở trong những cái hóm hĩnh đời thường .
        ” Cũng như nó và Thu Móm phải tìm thấy nhau ” cái đau đáu cháy bỏng muốn tìm gặp đã nối hai dòng tâm linh lại với nhau , bạn đã gặp được người mình mong ước gặp , còn chuyện quậy của Thu Móm cũng thật dễ thương của một thời thơ ấu .
        Mình nói cô đọng quá bạn hiểu lầm gì chăng , ý là vậy hehehe…. 😛

        Reply
        1. HN Tin

          Đúng quá chứ hiểu lầm gì!
          TàoLao nói hồi nhỏ ĐTH chọc TaoLao khóc hoài!Nghịch không ai chịu nổi!
          Nghe nói còn dùng dao lam cắt dây chun của TL(chỉ chừa một cọng nhỏ)Khi lên thi đấu TL chỉ đấu có một tay(còn tay kia phải giữ cái quần).Cũng nhờ vậy mà trình độ TL mới nâng cao đó!

          Reply
  2. Nai Con

    Cứ mỗi lần đọc CON THU MÓM là mình cảm động vô cùng, truyện viết tình cảm lắm ĐTH ơi 🙂

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Nai con suốt ngày lang thang trong rừng tìm Cỏ úa xơi mà cũng biết cảm động vì tình bạn na? Hay thiệt ta!

      Reply
    1. rêu

      rêu cũng có chung cảm nhận như Cỏ Hồng ..,
      rất ngưỡng mộ, các chị và tình bạn sẽ là vĩnh cữu…

      Reply
      1. Đào Thanh Hòa

        Ừ! Tình bạn đúng nghĩa sẽ giúp cho cuộc đời đẹp hơn lên bội phần Rêu ạ!

        Reply
    2. Đào Thanh Hòa

      Mình nghĩ đó là tháng ngày đẹp nhất của tuổi thanh niên tụi mình. Cảm ơn Cỏ Hồng đã chia sẻ.

      Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Đúng là Tào lao nhìu chiện! Khó nuôi là hầu nhỏ, còn hình này ngừ ta đã là thanh niên rầu mờ. Quên seo dạ? Cảm ơn đã khen dễ thương. Lâu lâu cũng có câu nói nghe được hi hi hi…

      Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Ừ! Cún con nói rất đúng! Tối nay Thu móm vô Qui nhơn ăn đám cưới, Thu ghé nhà mình, chắc là hai đứa sẽ có cơ hội để tám cho phê luôn!

      Reply
  3. Quốc Tuyên

    “Trên đường về, tôi dặn dò nó hết sức kĩ lưỡng: Phải luôn giữ chiếc điện thoại, duy trì số máy của mình và của bạn bè để còn liên lạc về sau.”
    Dặn dò kĩ hé?
    Bài viết hay lắm Hòa ơi!

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Cảm ơn chị Quốc Tuyên đã đọc và chia sẻ. Hì hì…Thu móm cũng như em, sử dụng điện thoại hơi bị “dốt” chị à!

      Reply
  4. TACHITHAN

    Hòa ơi ! Báo cho Thu biết là Tạ chí Thân gởi lời thăm chân tình nhất và sẽ có quà cho Thu … Cảm ơn Hòa đã tìm ra Thu , mình tưởng sẽ không bao giờ !

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Ủa! Tachithan mà cũng biết Thu hả? Hàng xóm cũ phải hông? Ừa! Khi nào Thu ghé mình sẽ nói, yên chí!

      Reply
  5. Nguyễn Hữu Duyên

    Người ta nói, văn là người – ở đây mình thấy Hòa như vây. Cách dẫn chuyện của Hòa lôi cuốn người đọc, đặc biệt là rất có tinh. Điều đó bây giờ làm cho mình nghiệm ra vì sao cái anh chàng Thân kia chọn Hòa làm bến đỗ của đời mình!

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Hì hì…Hồi trước thấy thích thì quen chớ biết ngõ nào mà chọn? “Tía” Nguyễn Hữu Duyên thiệt là…

      Reply
  6. HN TÍN

    Trên đường về, tôi dặn dò nó hết sức kĩ lưỡng: Phải luôn giữ chiếc điện thoại, duy trì số máy của mình và của bạn bè để còn liên lạc về sau. Sáng mai Thu móm sẽ về lại Phù Mỹ. Tối nay, nó ở lại bệnh viện Y học Dân tộc. Chị của Thu đang dưỡng bệnh ở đó. Tôi chở Thu đến gần cuối con đường Ngô Thời Nhiệm. Suốt đường đi nó khen tôi:

    – Mày giỏi ghê! Biết đi xe máy chớ tao thì không. Con tao nó kêu tao tập miết mà tao ngại quá!

    Cảm động quá Hòa ơi!Giống như “Nín đi con, khi nào Ba làm có tiền Ba mua cho Mẹ miếng cá mẹ ăn là có sữa cho con bú mà!”

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Huỳnh Ngọc Tín! Mình luôn trân trọng những sẻ chia của mọị người khi đọc những bài mình viết, vì tất cả đều bắt nguồn từ chuyện có thật, cảm xúc và yêu thương cũng rất thật đó bạn..

      Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Chị Camtucau khỏe không? Có chị đọc chuyện em viết và còn chịu khó phản hồi là em vui vô cùng. Mong chị luôn hạnh phúc và an vui.

      Reply
  7. nguyentiet

    ĐTH viết bằng tình cảm thân thương của mình cho bạn quá da diết và cách viết hay, lôi cuốn nên đọc rất xúc động.

    Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Như đôi lần tụi mình hay nói chuyện với nhau, ĐTH không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên những chuyện mình viết ra hầu hết là thật, mình cũng viết bằng sự xúc động chân thành nên khiến bạn đồng cảm? Chúc bạn hiền luôn vui khỏe nghe!

      Reply
    1. Đào Thanh Hòa

      Kiều Thanh mến! Chính ở chỗ “Một tình bạn từ thuở xa xưa đến giờ” nên mới đậm đà, quý giá đó bạn ơi!

      Reply
  8. TRANKIMLOAN

    Hôm nay chị mãi rong chơi với chị KC từ sáng sớm giờ về thấy bài của em,đọc một lèo thấy cảm động & hay lắm ! nhìn hình ngày xưa cười nhe răng dễ thương quá!

    Reply
    1. Sút Cùi Bắp

      Chị Kim Loan thiệt là dzui à! Cười thì phải nhe răng chớ chị. Chị của em thiệt là….

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.