Đón Tết Đầu Tiên Nơi Xứ Người

 

Gần hai mươi năm trước đây, gia đình anh chị vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ tháng trước thì tháng sau Tết lại đến rồi.

Và, cũng vào Tết năm ấy, anh xấp xỉ năm “bó”. Chiều ba mươi tháng chạp, hai đứa con dại còn nhỏ xíu chưa nhờ đỡ được gì, đang chạy chơi ngoài sân; trong nhà, vợ chồng anh chị lo chuẩn bị để đón cái Tết xa xứ đầu tiên ở xứ người. Anh lo sắp xếp bàn thờ cho tươm tất đẹp đẽ để kịp đón ông bà và người thân về chơi với con cháu ba bữa Tết cho vui cửa ấm nhà. Nói bàn thờ cho oai vậy thôi, chớ thật ra đó chỉ cái bàn cũ còn coi được mà ông bà chủ nhà ưu ái khiêng qua cho anh chị dùng. Vậy cũng tốt lắm rồi, mới đến Mỹ mà, có đâu cho đẹp !

Hồi chiều, vợ chồng anh chị chạy ra chợ 99 mua vài món cần thiết để dùng trong ba ngày Tết. Rồi đến chợ Việt Nam duy nhất ở thành phố này mua mấy món bánh trái hoa quả để bày trên bàn thờ cho phải lễ phải phép. Vì đi chợ muộn nên anh chị đâu có mua được bốn món “cầu-dừa-đủ-xài”, thôi thì mua tạm… “chôm-dừa-đủ-xài” cũng được, chắc cũng chẳng ai “diễn dịch” gì đâu — vả lại, gia đình anh chị mới đến xứ này, đang ở trong khu toàn là người bản xứ, có ai thân quen đến thăm xuân chúc Tết mình đâu mà lo. Miễn là mình có lòng tưởng nhớ đến ông bà trên trước là quý lắm rồi.

Nhớ lại những ngày cận Tết ở quê nhà, đâu đâu cũng rộn ràng nhộn nhịp. Chợ búa, công viên, góc phố bày bán la liệt nào là bánh trái, hoa quả, pháo hoa pháo đùng – thôi thì “hằm bà lằng” đủ thứ. Nhất là hoa mai hoa đào cứ vàng rôm đỏ rộm cả lên, làm cho lòng người cũng rộn ràng theo. Nhắc đến đây ai mà không bùi ngùi nhớ đến những năm tháng cũ khi còn ở quê nhà cho được, phải không !?

Không chỉ riêng khu phố Gia Long nơi anh chị ở mà cả những nơi khác, không khí chuẩn bị vui xuân đón Tết trong những ngày cuối tháng chạp thật là rộn ràng nhộn nhịp. Có đi hết một vòng thị xã mới thấy được cái rộn ràng nhộn nhịp ấy kéo dài trải rộng trên khắp miếng đất nhỏ bé thân thương ngày ấy. Lại có từng nhóm học sinh trong bộ đồng phục nhà trường thật dễ thương đứng ở các ngả ba ngả tư đông người qua lại để làm công tác Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ.

Từ phố chính phố nhỏ, xóm lớn xóm nhỏ đến chợ búa nhà thờ chùa chiềng… đâu đâu cũng toát lên cái hương vị Tết truyền thống đầm ấm và ai ai cũng đều mong mõi một năm mới đầy hy vọng. Đó đây râm rang đì đùng tiếng pháo nổ vang giòn tan vui tai lắm. Đó là chỉ nói về thủa thanh bình, nhưng khi chiến tranh ập đến thì lại thiếu vắng tiếng pháo, buồn thiu, thật chán.

Chợ Lớn Quy Nhơn, chợ Hòa Ninh, chợ Khu Sáu và các khu chợ nhỏ khác chẳng thiếu một món gì cho ba ngày Tết, đầy dẫy hàng hóa từ Sài Gòn chở ra, từ các tỉnh lân cận cũng như từ các quận huyện trong tỉnh đổ về.

Anh chợt nhớ, trước giao thừa năm nào đó, anh cùng ba mình đi chợ hoa ở công viên Quang Trung trước Hội Trường Quy Nhơn, mua về một cặp chậu mai và một cặp chậu cúc đại đóa vừa đúng lúc nở rộ vàng rực, trông thật đã con mắt, ba anh cười thật tươi, nói: “Chắc năm nay nhà mình phát đạt khấm khá đó con”.

Trải chiếc khăn bàn ni-lông màu trắng có hoa lá cành vui mắt lên bàn, Anh ngắm tới ngắm lui — “Cũng xinh xắn đẹp đẽ đấy chứ !” — và, cái phòng khách nhỏ hẹp như sáng thêm chút đỉnh. Anh dùng một cái tô chứa đầy cát trắng mịn làm bình hương. Hai bên là hai cái ly lớn úp xuống, cắm lên đó là hai cái đèn cầy để làm bộ đèn thờ. Dựa vào vách tường là hình Phật Bà Quan Âm được đôn cao lên bằng cuốn tự điển Anh – Việt dày cộm. Trước hình Phật Bà là chân dung quý thân nhân đã khuất của anh chị (mà anh chị đã trang trọng mang theo khi rời quê hương). À quên, còn cái bình hoa nữa chớ. Hồi chiều, anh bước qua chùa cạnh nhà xin vài nhánh hoa giống như hoa mai, cũng màu vàng nhưng cánh hoa nhỏ hơn, xén tỉa gọn gàng, cắm vào bình rồi đặt ở một góc bàn.

Gần đó là góc bếp, chị đang loay hoay, tay táy đôi tay với bánh trái và mấy món cúng.

– Bàn thờ sắp xếp xong chưa anh ? Em đem bánh trái với mấy món cúng qua nghen !

– Xong rồi em. Đem qua đi !

Thấy cái bàn nhỏ quá, chị phân vân:

– Xếp sao đây anh ?

– Tùy em mà… Lady First ! – Vừa trả lời anh vừa tủm tỉm cười với hai từ “rất Tây” này.

– Chà, cái bàn nhỏ quá ! — Chị chép miệng than.

– Thì mình linh động chớ ! Dọn lên in ít tượng trưng thôi cũng được mà.

– Em sợ mang tội quá à ! — Chị thiệt tình lẩm bẩm.

Anh thực tế hơn:

– Thì ông bà trên trước cũng thông cảm cho hoàn cảnh mới mẻ của mình chớ. Có la ngầy trách móc gì đâu !

Chợt nhớ ra, chị nhắc:

– Mùng một mùng hai mùng ba, nhớ đừng quét sân hút bụi nha anh !

– Ờ… Anh nhớ mà !

Cuối cùng thì cũng đâu vào đó, cũng nghiêm trang lắm. Đài truyền hình Little Saigon cũng vừa đến giờ phát đi chương trình đón giao thừa “Tống Cựu Nghênh Tân – Chúc Mừng Năm Mới” trong tiếng trống múa lân giòn giã và tiếng hợp ca nhộn nhịp đầy sức sống của nhạc phẩm Ly Rượu Mừng, một bài hát rất hay và rất phổ biến trong mấy chục năm qua của Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương được nghe hát khắp hang cùng ngõ hẻm ở quê nhà:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công dân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Vợ chồng anh lên đèn thắp nhang cúng đón ông bà. Đến giờ giao thừa thì sắp nhỏ đã ngủ rồi. Trong bộ áo quần tươm tất anh thắp nhang khấn vái, cầu xin những vị đã khuất trong gia tộc phù hộ cho gia đình anh sức khỏe dồi dào, mọi việc được suôn sẻ; chị thì xin cho mọi sự được như ý, con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, học hành tấn tới.

Đón giao thừa xong, tuy buồn ngủ nhưng anh chị cũng ngồi nán lại uống trà chuyện trò với nhau. Hình như đây là lần đầu anh chị được ngồi cạnh nhau trò chuyện vì suốt tháng qua phải bận tíu tít về thủ tục giấy tờ, về việc lo ổn định “cái tổ ấm mới” của mình. Hớp ngụm trà nóng thoang thoảng hương sen, anh hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra một hơi thật dài sảng khoái, anh chép miệng:

– Chà… ! Nhớ nhất là, cái lần về phép gần Tết, Nội thằng Cu Anh cứ biểu anh mở cát-xét cho ổng nghe bài “Xuân này con không về”, anh nói: “ Thì con đang ngồi trước mặt Ba đây nè !” – Ba thở ra: “Nhưng mà đâu phải Tết nào mày cũng dzìa đâu ! Mà mày là thằng dzui nhất nhà, lại thân lính tráng nữa, dzắng mày tao không buồn không lo sao được !”.

Chị nhắm một miếng gừng cho ấm miệng, góp chuyện:

– Còn em thì nhớ Ngoại sắp nhỏ. Bu bị tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn lắm. Vậy mà tội nghiệp, bu chẳng than chẳng thở gì hết, lại còn cười nói tỉnh bơ nữa chớ. Em nghĩ, chắc sợ con cháu buồn, nên bu vui là vui gượng vậy thôi !

Vợ chồng anh chị ôn lại những chuyện Tết Nhứt năm xửa năm xưa, từ lúc còn tấm bé cho đến khi lớn khôn rồi thành gia thất với nhau. Và suốt năm chỉ có những ngày Tết này họ hàng thân thích mới có dịp gặp nhau tay bắt mặt mừng, rộn ràng đông vui lắm. Ông bà cha mẹ con cái cháu chít chúc Tết mừng tuổi nhau nghe thật ấm lòng. Nhớ cái Tết năm nào đó có đông đủ con cháu chút chít, nội anh vui miệng nói mà như nhắn nhủ dạy bảo: “Sắp bay phải nhớ mặt nhau, ra đường đừng có gây gổ ẩu đả nhau nghe không !”.

Làm sao quên được, cứ mỗi lần giápTết là cô Bốn đem xuống cho ba má anh bánh in, bánh thuẫn, bánh cốm, bánh ít lá gai… Anh thích nhất là bánh phục linh, cắn cái “bụp” rồi miếng bánh tan dần nghe mát miệng làm sao. Dì Út đội xuống một thúng bánh tét, bánh tro, củ kiệu… lại kèm theo ba cái ná bắn chim cho ba anh em của anh do ngoại làm bằng nạng ổi. Má chị thì cho người đem sang biếu anh chị sui bánh chưng, bánh tổ, dưa chua… Giờ ngồi đây nhớ lại, thấy thèm làm sao !

Lại còn cảnh bà con chòm xóm đến thăm xuân, chúc mừng nhau năm mới. Bao nhiêu chuyện cũ “không phải với nhau” được nhắc nhau bỏ qua, quên đi. Năm mới hãy bắt tay nhau “làm cái gì mới” đi. Thật là ấm tình áp nghĩa ! Cái tình láng giềng ấy mới thắm thiết biết dường nào. Thế mới biết “Bà con xa đâu bằng láng giềng gần” là vậy.

Qua đây, gia đình anh chị ở trong khu cộng đồng người bản xứ nên chẳng thấy không khí Tết đâu cả. Nghe nói ở Little Saigon rất đông người Việt nên những ngày lễ lộc tết tư thì đông vui nhộn nhịp lắm; ngặt nỗi là anh chị mới qua chưa có xe nên không thể đến đó để vui xuân đón tết với đồng hương. Anh chị ước chi được ở khu đông đảo người Việt có hàng xóm láng giềng “người mình”, chạy qua chạy lại thăm xuân, chúc mừng nhau năm mới An Khang – Thịnh Vượng – Vạn Sự Như Ý như những năm xưa kia thì cái Tết mới có ý nghiã biết dường nào !

Từ ti-vi vọng ra tiếng hát Hương Lan thật ngọt ngào thiết tha chân tình:

Mong đầu năm cuối năm gặp may
Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy
Trên bước đường danh lợi dặm mây
Duyên vừa đẹp ý đắp say
Ôm nàng xuân đẹp vào tay

(Câu Chuyện Đầu năm – Hoài An)

Anh âu yếm choàng tay qua bờ vai thon nhỏ của chị, khẽ nói: “Ờ… Thì mong đầu năm cuối năm gặp may, em há !”.

Lê Huy{jcomments on}

(Los Angeles, Jan. 2012

– Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn)

0 thoughts on “Đón Tết Đầu Tiên Nơi Xứ Người

  1. Võ T. Phong

    Cảm ơn anh Huy nhắc lại nhiều những Tết năm xưa!
    Thật là ấm áp tình nghĩa, nhất là khi anh kể đến “Bao nhiêu chuyện cũ “không phải với nhau” được nhắc nhau bỏ qua, quên đi. Năm mới hãy bắt tay nhau “làm cái gì mới” đi”.
    Chúc anh Huy,anh chị em HX và gia đình đầu năm cuối năm gặp may!

    Reply
      1. Võ T. Phong

        Cảm ơn Thủy đã khen!
        Được trớn, hát nữa nè:
        Há … ha … hả … ha …
        Nhấp chén đây vơi
        Chúc người người vui…

        Hương Xưa rộn ràng phơi phới!

        Reply
      1. Võ T. Phong

        Muốn thăm và chúc Tết nhưng chưa được anh Lê Huy ơi.
        Năm nào cũng đón Tết giống như Anh Chị trong bài viết này. Cũng cúng Ông Bà, nhưng chỉ một lần vào giao thừa. Rước rồi Đưa luôn. Chắc Ông Bà không chấp.
        Xuân xưa, thời đi học, trại Tết vui thật vui!

        Reply
  2. nguyentiet

    – Thì ông bà trên trước cũng thông cảm cho hoàn cảnh mới mẻ của mình chớ. Có la ngầy trách móc gì đâu !

    Chợt nhớ ra, chị nhắc:

    – Mùng một mùng hai mùng ba, nhớ đừng quét sân hút bụi nha anh !

    – Ờ… Anh nhớ mà !

    Anh Lê Huy còn nhớ cái phong tục “không được quét nhà” trong 3 ngày tết của quê mình thật cảm động!

    Reply
    1. TRANKIMLOAN

      hi…hi… ở quê thì dzậy! chứ ở TP sáng mùng một chị đã quét rùi Tiết ơi!
      Bài viết hay lắm Lê Huy ui! chúc ở bển cũng ăn tết dzui dzẻ nhen!

      Reply
  3. Tuệ Minh

    Những mẫu đối thoại rất thật rất đời thường làm cho bài viết sinh động và rất hay.

    Reply
  4. Quốc Tuyên

    “Anh thích nhất là bánh phục linh, cắn cái “bụp” rồi miếng bánh tan dần nghe mát miệng làm sao.”
    Rùi bánh còn thơm mùi lá dứa và chút chút béo của nước cốt dừa nữa chứ, ngon quá anh Huy hén!
    Ui chao! QT cũng thèm quá rùi nè, mai phải đi siêu thị mua mới được!

    Reply
    1. Lê Huy

      À há… ! Mình lại quên mất mùi thơm lá dứa và chút béo nước cốt dừa rồi.
      Cám ơn QT nhắc giùm.

      Reply
  5. Lệ Ni

    Mong đầu năm cuối năm gặp may
    Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy
    Trên bước đường danh lợi dặm mây
    Duyên vừa đẹp ý đắp say
    Ôm nàng xuân đẹp vào tay
    Chúc anh Huy và tất cả các bạn may mắn hoài hủy .

    Reply
  6. Tùy Anh

    Đón giao thừa xong, tuy buồn ngủ nhưng anh chị cũng ngồi nán lại uống trà chuyện trò với nhau. Hình như đây là lần đầu anh chị được ngồi cạnh nhau trò chuyện vì suốt tháng qua phải bận tíu tít về thủ tục giấy tờ, về việc lo ổn định “cái tổ ấm mới” của mình.
    20năm sau chắc tổ ấm đã ăn nên làm ra ???

    Reply
  7. Khách Lạ

    Một câu chuyện xảy ra cách đây 20 năm nhưng qua ngòi viết tác giả
    y như mới xảy ra thật hay .

    Reply
    1. Lê Huy

      Như vậy PQN “đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” rồi.

      “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
      Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
      Em đứng chờ tôi trước song thưa
      Tôi đi qua đầu ngõ
      Hỏi nhau thầm xuân đã về chưa”

      Reply
  8. Lê Huy

    Từ cuối tuần qua đến nay, LH bị cảm ho sổ mũi (bây giờ vẫn còn) nên không “tám” được, mong quý bạn thông cảm cho.
    Cám ơn quý bạn “đã trở về hai mươi năm trước để đón Tết cùng gia đình LH” bằng những lời com. thiệt vui và ý nhị bên cạnh những chia sẻ thiệt ấm lòng.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.