Nhớ Lắm Tết Quê Ơi!

Đất trời đang rạo rực bước vào thềm xuân. Nỗi nhớ quê sao mà da diết
nặng lòng! Nhớ hết, nhớ đến xót xa! Với tôi, cảm giác ấy lại đến khi
mình đã gần sáu mươi tuổi đầu phải ăn tết xa quê gần bảy trăm cây số.
Cái làng Cây Bông ( Nhơn Khánh, An Nhơn, Bình Định) nằm giữa hai nhánh
sông Côn, nơi tôi đươc sinh ra và lớn lên mãi mãi là nơi đẹp nhất, ân
tình sâu nặng nhất của đời tôi, dù tôi có rày đây mai đó trôi dạt đến
phương trời nào cũng thế. Bởi nơi đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi,
có mẹ cha tôi lam lũ, tảo tần, vất vả nuôi chín anh em tôi ăn học theo
chiều dài năm tháng cuộc đời. Và, làm sao có thể quên được những đêm
giao thừa, bạn bè chúng tôi tụ hội về một ngôi nhà nhỏ ngả ba chợ Cây
Bông với những cây đèn bạch lạp sáng lung linh, nào rượu, nào đàn, nào
bánh tét, bánh in…đàn hát, ngâm thơ cho đến gần sáng mới về nhà. Và
như thế, mỗi độ xuân về, chúng tôi lại khát khao được gần bên nhau, kể
cho nhau nghe bao chuyện buồn vui sau những ngày lo toan của cuộc
sống. Rồi, trong những ngày xuân, lại dắt dìu nhau trên con đường
làng, đến thăm bà con lối xóm, uống ly rượu xuân ngọt nồng tình nghĩa
quê hương. Ăn tết xa quê vì cuộc mưu sinh mới thấy thèm thấy nhớ một
đòn bánh tét, một cái bánh chưng, một miếng gừng cay của gia đình gửi
cho, mới thấy nó quý đến dường nào cái hương vị quê ngày tết, làm cho
ta không còn cảm thấy lạnh lòng.

Tết quê ơi, ta mãi nhớ những chuyến xe ngựa đầu năm được trang trí đủ
sắc màu của các chùm bong bóng từ Cây Bông xuôi về thị trấn Bình Định
rủ nhau chơi hội chợ xuân, đánh cổ nhơn, xem đánh cờ người…Có thể nói,
dù là kéo xe nhưng phần lớn những chú ngựa đó đều có tên tuổi trong
làng đua, và làng tôi nổi tiếng là làng xe ngựa. Không phải riêng
chúng tôi mà nhiều thế hệ ở Cây Bông đều lớn lên từ hạt gạo xe ngựa.
Ba tôi từng là quán quân trong một cuộc thi đua ngựa ở tỉnh. Những tay
đua ngựa trong và ngoài huyện gọi ông là “ tráng sĩ”, bởi ông rất giỏi
khi lên lưng ngựa, và dù con ngựa đó chứng cỡ nào ông cũng trị được.
Tết này ông vào tuổi tám mươi lăm. Ông rất cần có tôi vì tôi là con
trai trưởng. Ông thương tôi vì đời tôi quá lận đận và quá nghèo. Những
ngày giáp tết, ông không nỡ hỏi, tết này con lại không về sao, bởi ông
không muốn làm tôi bị tổn thương, không muốn khơi nỗi đau thèm khát vì
không được hưởng cái tết quê yên bình. Riêng tôi luôn nhớ, kính trọng
ông cùng người phụ nữ đã gần sáu mươi năm chung thủy với ông, nuôi
chín đứa con lớn lên từng ngày, đó là má tôi. Là con gái đất Thành,
xinh đẹp- nhưng phải nói rằng bà rất chịu thương chịu khó và rất giỏi
từ chuyện đồng ruộng cho đến bán buôn, nhất là bà chuẩn bị những món
ăn ngày tết.
Sài Gòn không thiếu gì đặc sản các vùng miền và của nhiều nước trên
thế giới, nhưng tôi vẫn thèm cái món bì hay còn gọi là tré do má tôi
làm, ngon đến mức đâm ghiền. Tôi được biết là nó được làm từ tai mũi
heo đem luộc, lấy hạt mè, hạt tiêu củ riềng làm gia vị chính, lấy lá
ổi bọc lại, ngoài cùng là rạ, lấy lạt tre buộc như đòn bánh tét,
khoảng ba ngày là ăn được. Mấy anh em tôi ăn sáng vào những ngày tết,
đứa nào cũng thích món này, nhất là dùng bánh tráng cuốn nó với rau
sống, dưa leo và củ kiệu. Ngó đi ngó lại, mới đó mà đã gần đến tết
rồi! Làng Cây Bông của tôi ơi, sao mà tôi nhớ, nhớ đến nao lòng! …Một
chút se lạnh của những ngày cuối đông. Thành phố Hồ Chí Minh rộn rã,
tưng bừng như mùa xuân đang đến sớm với bao sắc màu quyến rũ, nhưng
không hiểu vì sao trong tôi vẫn đắm chìm cái nỗi nhớ tết quê của làng
tôi, cái làng Cây Bông nhỏ bé rất đỗi thân thương của cuộc đời mình.

 

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.