Luân Hoán, Thơ Yêu Đất Như Yêu Người

*Hình Trần Trung Đạo  &  Luân Hoán tại Montreal tháng Tư 2011

Tôi nhỏ hơn anh Luân Hóa 14 tuổi. Và nếu càng ngược dòng thời gian bao nhiêu thì mức độ trưởng thành của hai anh em chúng tôi lại càng xa hơn bấy nhiêu. Anh viết bài thơ đầu tiên khi tôi chưa khóc chào đời. Anh xuất bản thi phẩm đầu tay khi tôi còn ngồi trên ghế tiểu học. Anh trở thành một trong những hiện tượng nổi bật trong sinh hoạt văn hóa Quảng Đà nói riêng, và miền Nam nói chung, khi tôi còn là học sinh lớp mười trường Trần Quý Cáp. Thế hệ văn thơ của anh là những tên tuổi chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Những Tạ Ký, Hoàng Trúc Ly, Hồ Thành Đức, Nguyễn Thùy, Trầm Tử Thiêng, Tường Linh, Hoàng Lộc, Thái Tú Hạp, Lôi Tam, Vũ Hữu Định, Hạ Quốc Huy, Phan Nhật Nam, Nhật Ngân, v.v…, đã góp phần làm rạng rỡ  quê hương xứ Quảng chúng tôi. Trước 1975, tôi không được hân hạnh quen anh hay thậm chí biết mặt anh, đừng nói chi đến chuyện được viết về thơ anh. Nhưng rồi dòng đời dong ruổi. Tôi già nhanh, trong lúc các anh thì dường như ngày càng trẻ lại. Cuối cùng chúng tôi gặp nhau trên chặng đường lưu lạc ở xứ người. Trong dịp anh qua Boston tham dự buổi ra mắt thơ của nhà thơ Phan Xuân Sinh, anh Luân Hoán gọi tôi tới để chụp với anh một bức hình kỷ niệm. Tôi cảm động lắm, nghĩ thầm, ước chi mấy em trường nữ ngày xưa có mặt để chứng kiến giây phút lịch sử này.

 

Cám ơn đất đá trổ thơ
Lòng ta hạt bụi bơ vơ bám hoài
(Thơ Luân Hoán
)

 

 

Ngày khởi công xây dựng website xuQuang.com, mặc dù website có chứa thơ của hàng trăm nhà thơ xứ Quảng, chúng tôi đã mượn hai câu thơ trên của anh Luân Hoán làm chủ đề cho trang văn học Quảng Đà, và cũng để thay cho lời cám ơn về một quê hương đã hun đúc nên những tâm hồn yêu đất, yêu người của chúng tôi. Thơ Luân Hoán đậm đà tình đất. Anh viết về Hội An, thành phố nơi tôi lớn lên và nơi anh đã chào đời:

Hội An Hội An Hội An
rún ta trong thớ đất vàng trổ thơ
lâu năm trở lại Faifo
nghe hồn phố Hội dạt dào cỏ cây
Chiêm, Hà, Bồ, Pháp, Tàu, Tây
còn vương trong hạt mưa bay hững hờ
chỉ giùm ta vạt đất nào
đã chôn cuống rún trổ thơ thành chùm.
(Luân Hoán, Hội An)

Hay:


sao còn ngại hỡi các em xứ Quảng
hỡi các em kiều diễm của Hội An
của thành phố, ta ra đời làm khách
lúc về thăm ngại cả bước chân vang

sao còn ngại hỡi các em tóc lụa
mắt bồ câu chưa rộng quá cổng trường
tay xanh biếc thơm hàng rào dâm bụt
mắt trong veo mát rượi hạt sương.
(Luân Hoán, Nụ Hoa Cho Người Em Hội An)

Thơ ca gắn liền vào đời sống tinh thần của người dân Quảng từ bao giờ tôi không biết chính xác nhưng chắc là lâu lắm.  Hình ảnh quê hương thân yêu ảnh hưởng sâu đậm trong hồn thơ của tất cả nhà thơ xứ Quảng.  Dòng sông Thu Bồn, có lẽ không khác sông Vàm Cỏ trong Nam, sông Hồng ở Bắc bao nhiêu, nước vẫn là nước, bờ vẫn là bờ, ghe thuyền vẫn ghe thuyền xuôi ngược. Thế nhưng, qua thơ của Luân Hoán, những rặng tre, dòng nước, chiếc ghe đã trở thành thánh tích. Nhà văn Lâm Chương có lần phát biểu, đọc một bài thơ của nhà thơ miền Nam hay miền Bắc, nhiều khi khó biết họ quê quán ở đâu, nhưng nhà thơ xứ Quảng thì khác, bàng bạc trong thơ là hình ảnh của dòng sông, đình làng, thôn xóm, bóng đa già đã một thời che nắng che mưa. Nhà thơ xứ Quảng nào cũng ít nhất đôi ba lần viết về những địa danh mà họ đã từng ghi dấu chân trong đời. Đúng thế, nhưng không ai viết nhiều về địa danh xứ Quảng như anh Luân Hoán. Anh đưa vào thơ gần như tất cả những nơi chốn anh đã một lần đi qua hay đã dừng chân.

Anh viết về Hội An:

Ðêm. trở lại, mưa sa mù Phố cũ
đường hoang vu thao thức ánh đèn vàng
dáng âm thầm muôn thuở của Hội An
bước khe khẽ sợ phố phường thức giấc
gió tha thướt vỗ trăm lời thân mật
mừng ta về thăm lại ấu thơ xưa
lặng nhìn nhau, Phố đã nhận ra chưa?
ta vĩnh viễn một thằng con bất hiếu
thân phiêu bạt, giờ đây lòng trải chiếu
bước bâng khuâng xin thâm tạ ơn đời
ba mươi năm hồn thả sợi tình lơi
bao giờ buộc đời ta vào với Phố?
(Luân Hoán, Đêm Mưa Về Hội An)

Tiên Phước:

chiều ba mươi, núi dặn rừng
cành oằn lá ướt, tạm ngừng trổ hoa
gió giăng hơi đá thướt tha
nhốt Tiên Châu giữa mượt mà mây rơi
vò đầu gối, ngó khơi khơi
mùa xuân sắp bước tới nơi mất rồi
từng giây, đất tiếp giáp trời
mẹ chưa về tới đứng, ngồi ngó quanh
(Luân Hoán, Tiên Phước, 1949)

Hòa Ða:

sáng ra thấy mẹ mỉm cười
thấy cha hút thuốc rung đùi ngâm thơ
thấy xôi bánh ấm bàn thờ
thấy con se sẻ bất ngờ vô hiên
thấy tôi coi bộ có duyên
giày quai rọ, bê rê nghiêng tóc bồng
cả làng Liêm Lạc sạch bong
nắng tơ gió lụa lòng vòng ngọn tre
(Luân Hoán, Hòa Ða, 1953)

Ðà Nẵng:

chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa
trôi theo Ðồng Khánh bám tà áo bay
mắt hồng liệng cái ngoắt tay
dắt qua Ðộc Lập dựa cây đèn đường
chập chùng xuân ảnh vải hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình.
(Luân Hoán, Đà Nẵng, 1960)

Một lần họp mặt văn nghệ, nhà thơ Phan Xuân Sinh đố chúng tôi, tại sao xứ mình thường bị nghèo đói quá. Hẳn nhiên tôi đổ thừa cho ông trời, theo lối “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Anh ta nói: “Không phải, lý do chính là xứ Quảng của mấy ông thơ mọc nhiều quá nên không còn đất để lúa mọc đó thôi.” Nói xong cười khoan khoái.  Mỗi khi có dịp thăm bà con xứ Quảng tôi thường kể lại chuyện vui này. Ở hải ngoại, dù thông tin liên lạc khó khăn, các sinh hoạt văn hóa Quảng Nam, từ Boston, California, Dallas đến Houston, Seattle, DC, Atlanta, v.v… thường rất là đông đảo. Bà con xứ Quảng có thể chịu nghèo tiền, nghèo bạc nhưng nhất định không chịu để ai chê nghèo văn chương, thơ phú.

Trong đại hội Quảng Đà tại Dallas năm 2003, anh Phan Xuân Sinh được mời thuyết trình về sinh hoạt của văn nghệ sĩ Quảng Đà hải ngoại. Tôi khuyên anh đừng nhận trọng trách đó nếu anh không thích nghe trách móc về sau.  Lý do, trong vòng 10 phút thì ngay cả để kể tên thôi cũng không đủ chứ đừng nói gì là hành trình sáng tác của mỗi người. Nhà thơ Phan Xuân Sinh tỏ vẻ không tin.  Tôi đọc anh nghe danh sách gần một trăm vị tôi biết. Anh nghe xong, đổ mồ hôi và đồng ý là rất khó điểm danh hết các khuôn mặt văn nghệ Quảng Đà hải ngoại. Văn nghệ sĩ gốc Quảng Đà đông đến nỗi, có lần tôi nói vui với anh Lâm Chương: “Nếu ai cá với anh về gốc gác của một nhà thơ, cho dù anh không biết, vẫn cứ trả lời là Quảng Nam Đà Nẵng, tôi nghĩ xác suất ăn cá của anh cũng trên 70 phần trăm.” Năm ngoái, khi nghiên cứu tài liệu để viết về Trà Kiệu, tôi đọc bài biên khảo của Linh mục Trần Quý Thiện dựa vào các khám phá mới nhất về Hàn Mạc Tử. Mẹ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, cụ bà Nguyễn Thị Duy, là người làng Trà Kiệu, Quảng Nam.  Giọt sữa mẹ và hùng khí Quảng Nam đã góp phần tạo nên một nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ 20. Tuy không nói ra nhưng trong lòng tôi rất lấy làm sung sướng và hãnh diện.

Số lượng văn nghệ sĩ xứ Quảng ngày càng tăng, vì ngoài lý do là một tỉnh lớn, có nhiều nhân tài, Quảng Nam với hai thành phố lịch sử Hội An và Đà Nẵng còn là trạm dừng chân lâu dài của nhiều văn nhân thi sĩ khắp ba miền. Truyền thống Quảng Nam rất trọng văn hóa giáo dục nên tiêu chuẩn để được gọi là nhà thơ, nhà văn xứ Quảng cũng rất là văn nghệ. Nếu một nhà thơ hay nhà văn nào đó lớn lên ở xứ Quảng và tự nguyện chọn xứ Quảng làm quê hương, anh chị sẽ được xem như là nhà văn, nhà thơ Quảng Đà. Cho đến nay chưa một ai phiền trách chuyện này. Giới cầm bút Quảng Đà, dù sinh ra hay lớn lên trên xứ Quảng, đều sinh hoạt với nhau trong chân tình và bình đẳng. Không ai ngạc nhiên khi nghe một nhà thơ xứ Quảng nói giọng Huế, một nhà văn xứ Quảng nói giọng Quảng Bình. Trường hợp của các đàn anh Phan Nhật Nam, Nhật Ngân, Vũ Hữu Định là những thí dụ điển hình. Thời “Bỏ Trường Mà Đi”, “Tôi Đưa Em Sang Sông”, “Còn Một Chút Gì Để  Nhớ” của các anh là ở  Đà Nẵng. Dù hôm nay, các tác phẩm, những bài ca của các anh đã bay ra khỏi những mái nhà tôn nóng nực ở khu Chợ Cồn, vượt qua cả Thái Bình Dương bao la để đến nhiều nơi trên thế giới,  nhưng hơn ai hết, các anh hiểu rằng tiếng chim hót trong vườn cây ở Garden Grove sáng hôm nay đã bắt đầu từ chiếc tổ ước mơ được đan trên những tàn cây Sao của trường Phan Châu Trinh thuở nọ.

Thật vậy, những kỷ niệm đẹp nhất trong một đời người của đa số nhà văn, nhà thơ xứ Quảng mãi mãi còn in dấu trên con đường Hùng Vương nhộn nhịp, bên bờ tường vôi Hồng Đức, Nữ Trung Học, trên lớp vỏ  khô của hàng phượng đỏ trong sân trường Sao Mai, Phan Thanh Giản. Trong ngày họp mặt liên trường ở California cách đây hai năm, nhạc sĩ Nhật Ngân ôm đàn hát nhạc phẩm Cõi Bén Tình Thơ do anh phổ từ bài thơ rất dễ thương của nhà thơ Luân Hoán: “Người yêu tôi ở lầu đèn, cây cao lá rậm ánh trăng khó vào, trèo rào tôi lén dán thơ, mạch tình dẫn những đường thơ đi về ...” Nhìn anh hát, tôi nghe lòng quay quắt nhớ về Đà nẵng nên cũng ôm đàn lên hát với anh: “Người tôi yêu ở bên sông, những hôm trở gió đò không sang bờ, chờ em tôi thả thơ trôi, thơ theo sóng nước bập bềnh lô nhô …” Tôi thích nhất vẫn là hai câu cuối:

Người tôi yêu ở tứ tung
Nhưng sao chẳng thấy một người yêu tôi.

Khi bắt đầu cầm bút viết về thơ Luân Hoán, tôi cảm thấy phân vân nếu không muốn nói là khó khăn, lo ngại. Các anh Thái Tú Hạp, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Phan Xuân Sinh ít ra còn chuyện để nhắc, để kể. Tôi chẳng có gì. Chúng tôi thuộc hai thế hệ với không gian và thời gian xa cách. Tôi định viết cho anh một e-mail thoái thác nhưng sau đó lại đổi ý.  Tôi nghĩ anh không phải là mẫu người chuộng vai vế hay quan tâm đến những lời ca tụng đầy sáo ngữ chúng ta thường đọc thấy ở những trang giới thiệu sách, mà là người biết trân trọng với một kẻ có lòng, dù đó là một người làm thơ thuộc thế hệ nối tiếp như tôi.

Nhưng tôi sẽ bắt đầu từ đâu để viết về anh, một nhà thơ thành danh khi tôi tóc còn để chỏm? Tôi sẽ bắt đầu từ đâu khi đứng trước một công trình đồ sộ của anh với 19 thi phẩm trải dài gần nửa thế kỷ không ngừng sáng tác? Tôi ngồi suốt buổi chiều đọc thơ anh và đọc luôn cả những bài viết của các nhà phê bình thơ viết về thơ anh, để tìm một điểm tương quan nào đó trong quê hương, trong tình yêu hay thân phận để bắt đầu cho bài viết của mình. Thơ anh trải rộng một cách tự nhiên theo cảm xúc vô cùng đa dạng. Thơ anh mênh mông và đầy ắp tình người. Thơ anh đi rất xa nhưng không lạc mất đường về. Thơ anh rất mới ngay cả trong những thể thơ lục bát, bảy chữ, tám chữ phổ thông và quen thuộc từ hàng trăm năm trước. Đọc thơ anh tôi cảm thấy mình nhỏ  bé khi đối diện với một tấm lòng vô cùng nhân bản. Bài thơ Tâm Sự Cùng Em Trai, tuy nhẹ nhàng, đơn giản nhưng nói lên nỗi khát vọng của một người Việt Nam nhìn đất nước đang bị hút sâu trong cuộc phân tranh đẫm máu:

hình như có tổ chim trên mái rạ
anh nghe vui tiếng mẹ rỉa lông con
chao ôi nhớ chiếc lồng tre thơ dại
ôm say mê lên đôi mắt xưa tròn

giờ thì chúng tập nhau bay, có lẽ
cho anh xin viên sỏi nhỏ tay em
anh còn lại chút lương tâm này đó
nỡ lòng nào đem bắn chúng sao em

anh vẫn nhớ trên hoàng hôn bờ cỏ
đôi chim nào đạp mái, ngượng bàn tay
khi giương ná bàng hoàng nghe tuổi lớn
bỏ tình trôi theo đường cánh chim bay

cũng từ đó nguyện yêu đời mãi mãi
sao bây giờ bọt lệ trắng niềm vui
làn chăn mỏng hoang vu vòng ngực nhỏ
nghe gì em trong thăm thẳm môi cười

chắc vang vọng một vài viên đạn nổ
ngang lưng trời, ngang khúc ruột quê hương
người người chết cho tự do vẫn sống
xác thay phân bón cho cỏ xanh đường

anh ngại nói, đã từ lâu anh muốn…
tội cha già bán mệt nhọc nuôi con
may mẹ đã nằm yên trong lòng đất
anh em mình mỗi đứa mỗi cô đơn

em đừng trách anh bỏ nhà bỏ cửa
sống lang thang xao lãng cả học hành
em cũng khóc từng đêm nằm suy nghĩ?
nín đi nào, đừng xé nát lòng anh.
(
Luân Hoán, Tâm Sự Cùng Em Trai)

Và bây giờ thì điều khó khăn không còn là ở chuyện tìm được câu mở đầu cho bài viết nhưng là việc phải dừng lại ở đây. Tôi  muốn viết thêm nhiều nữa về thơ anh. Nếu có thời gian, tôi có thể viết say sưa cả một cuốn sách về thơ Luân Hóan.  Thơ Luân Hoán như cánh bướm vướng trên những mái tóc thề, những tà áo lụa, nhưng thơ anh cũng chảy qua những cánh đồng khô cháy ở Tam Kỳ, Quế Sơn. Thơ Luân Hoán đuổi theo những bóng hồng kiều diễm trên bờ sông Saint-Laurent, trong cơn mưa mùa hạ Montreal, nhưng vẫn không quên ngọn đèn dầu héo hắt chiều cuối năm trong căn nhà nghèo nàn ở Hòa Đa, Tiên Phước. Thơ Luân Hoán, vì thế, mãi mãi là thơ của tình yêu đất và yêu người.

Trần Trung Đạo
Boston, Hoa Kỳ, cuối tháng 5 năm 2004{jcomments on}

0 thoughts on “Luân Hoán, Thơ Yêu Đất Như Yêu Người

  1. TRAN KIM LOAN

    Cám ơn Tran trung Đạo đã viết về Tình yêu đất,quê hương,tình yêu con người trong thơ của LUÂN HOÁN thật sâu sắc & rất hay! Nhờ bài viết của TTĐ đã giúp cho tôi hiểu rõ thêm về thơ … của anh của con người tài hoa này một cách tường tận thật đáng ngưỡng mộ! Một lần nữa cám ơn anh TTĐ,Cám ơn anh LH đã chia xẻ những cảm nhận,những vần thơ hay….

    Reply
  2. nguyentiet

    Thơ Luân Hoán như cánh bướm vướng trên những mái tóc thề, những tà áo lụa, nhưng thơ anh cũng chảy qua những cánh đồng khô cháy ở Tam Kỳ, Quế Sơn. Thơ Luân Hoán đuổi theo những bóng hồng kiều diễm trên bờ sông Saint-Laurent, trong cơn mưa mùa hạ Montreal, nhưng vẫn không quên ngọn đèn dầu héo hắt chiều cuối năm trong căn nhà nghèo nàn ở Hòa Đa, Tiên Phước. Thơ Luân Hoán, vì thế, mãi mãi là thơ của tình yêu đất và yêu người.

    Anh Trần Trung Đạo viết về thơ anh Luân Hoán quá hay.Và câu kết thật tuyệt vời!

    Reply
  3. Dạ Lan

    Thơ anh trải rộng một cách tự nhiên theo cảm xúc vô cùng đa dạng. Thơ anh mênh mông và đầy ắp tình người. Thơ anh đi rất xa nhưng không lạc mất đường về. Thơ anh rất mới ngay cả trong những thể thơ lục bát, bảy chữ, tám chữ phổ thông và quen thuộc từ hàng trăm năm trước. Đọc thơ anh tôi cảm thấy mình nhỏ bé khi đối diện với một tấm lòng vô cùng nhân bản.
    Đây chính là Luân Hoán.

    Reply
  4. Quốc Tuyên

    Bài viết của anh Trần Trung Đạo hay quá, nhờ anh mà QT được biết thêm về nhà thơ Luân Hoán và còn được biết về vùng đất Quãng Đà nơi sản sinh biết bao nhà thơ tài hoa.
    Cám ơn anh Trần Trung Đạo.

    Reply
  5. Bạch Liên

    Anh Trần Trung Đạo ơi ! ở Hương Xưa có nhiều nhà bình thơ hôm nào hội ngộ một lần nghe.

    Reply
    1. Trần Trung Đạo

      Dạ, mong một ngày sẽ nhờ Ban điều hành Huong Xua tổ chức một đêm thơ nhạc, mời anh chị em khắp nơi đến đọc thơ và hát những bài ngợi ca tình quê hương, tình nguoi và tình yêu một lần. Hy vọng như vậy đi. TTDao

      Reply
      1. Lê Mộng Thắng

        [quote name=”Trần Trung Đạo”]Dạ, mong một ngày sẽ nhờ Ban điều hành Huong Xua tổ chức một đêm thơ nhạc, mời anh chị em khắp nơi đến đọc thơ và hát những bài ngợi ca tình quê hương, tình nguoi và tình yêu một lần. Hy vọng như vậy đi. TTDao[/quote]
        Khi nào Hương Xưa tổ chức Đêm thơ nhạc mình xung phong đệm đàn (tranh)LMT

        Reply
  6. Thu Thủy

    anh Luân Hoán gọi tôi tới để chụp với anh một bức hình kỷ niệm. Tôi cảm động lắm, nghĩ thầm, ước chi mấy em trường nữ ngày xưa có mặt để chứng kiến giây phút lịch sử này.

    A! nhà văn nhà thơ lớn cũng đánh giá rất cao các cô em trương Nữ .
    Đọc bài này mới biết rât nhiều nhà thơ nhà văn nhạc sĩ … và ca sĩ đã đươc ” …Giọt sữa mẹ và hùng khí Quảng Nam đã góp phần tạo nên một nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ 20.” không những một nhà thơ mà rất nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của thể kỷ XXI nữa anh ạ .

    Reply
  7. Tùy Anh

    Anh Trần Trung Đạo học lớp 10 Trần Qúy Cáp năm nào hè có biết
    cô giáo Vương Thúy Loan dạy Anh Văn của trường này không ?

    Reply
  8. Lệ Ni

    Đọc thơ anh Luân Hoán và anh Trần Trung Đạo rất ngưỡng mộ tài
    làm thơ của hai anh .” Đất Quãng Nam chưa mưa đã nắng” thật lắm
    nhân tài . Bái phục .

    Reply
  9. Khảo Mai

    Cảm ơn anh TTĐ đã chia sẽ bài viết cảm nhận về thơ của nhà thơ Luân Hoán….giúp tôi hiểu thêm thơ ông nên khi đọc lại thấy thơ đã hay càng hay thêm.

    Reply
  10. Phạm Quy Nhơn

    Tui thích đọc thơ TTĐ, thơ của một người có tâm huyết với quê hương .
    Tui cũng thích những vần thơ trẻ trung yêu đời của LH.
    Và tui cũng tự hỏi bao giở những khắc khoải của TTĐ đạt cái Chân lạc quan của LH.

    Reply
  11. Trần Dư

    Lọa quá ! TTĐ làm thơ bùn mà chụp hình tươi rói .
    LH làm thơ dí dỏm mà chụp hình bùn thiu là seo ???

    Reply
  12. Nhã Lan

    “Năm ngoái, khi nghiên cứu tài liệu để viết về Trà Kiệu, tôi đọc bài biên khảo của Linh mục Trần Quý Thiện dựa vào các khám phá mới nhất về Hàn Mạc Tử. Mẹ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, cụ bà Nguyễn Thị Duy, là người làng Trà Kiệu, Quảng Nam. Giọt sữa mẹ và hùng khí Quảng Nam đã góp phần tạo nên một nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ 20. Tuy không nói ra nhưng trong lòng tôi rất lấy làm sung sướng và hãnh diện.”
    Anh Trần Trung Đạo ơi ! Quãng Nam là quê ngoại của Hàn Mặc Tử, còn Quy Nhơn là nơi yên nghĩ của nhà thơ tài hoa nầy . Cho Nhã Lan chia sẽ niềm sung sướng và hãnh diện với nhé .

    Reply
  13. HOANGKIMCHI

    Cảm ơn anh Trần Trung Đạo đã viết bài cảm nhận về thơ của anh Luân Hóan hay quá, nhờ anh mà HKC đã hiểu thêm về nhà thơ đất Quãng Đà Luân Hóan tài hoa.

    Reply
  14. bagiakhoua

    Phải đọc thật nhiều mới cảm nhận được sự mượt mà trôi chảy như tiếng suối reo trong thơ anh Luân Hoán và những nhận xét vô cùng tinh tế của anh Trần Trung Đạo trong bài viết . Xin cám ơn và chúc sức khỏe .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.