Pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế …

Pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế bảo vệ quyền lập hội của Hướng đạo sinh Việt Nam như thế nào ?

Luật sư NGUYỄN LỆNH

Pháp luật quốc gia về quyền lập hội:
Sau khi giành được độc lập từ thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày 2/9/1945, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Hiến pháp đầu tiên vào ngày 9/11/1946. Tại Điều 10 của Hiến pháp này qui định quyền lập hội như sau: “Công dân Việt Nam có quyền: … Tự do tổ chức và hội họp…”.
Đến ngày 20/5/1957, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh/Luật số 102/SL/L004 Quy định quyền lập hội, có tất cả 12 Điều, vắn tắc như sau:
“Điều 1: Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm…
Điều 2: Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội. Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác.
Điều 3: ….Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ qui định.”

Đến ngày 31/12/1959 Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành và quyền lập hội được tiếp tục khẳng định tại Điều 25 của Hiến pháp 1959 như sau: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”
Đến ngày 18/12/1980 Hiến pháp mới được ban hành của nước Việt Nam thống nhất với quốc hiệu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng qui định quyền lập hội tại Điều 67 Hiến pháp 1980 như sau: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân…”
Đến ngày 15/4/1992 Hiến pháp mới được ban hành (và sau đó có sửa đổi, bổ sung năm 2001) cũng qui định quyền lập hội tại Điều 69 Hiến pháp 1992 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.”
Tuy Hiến pháp đầu tiên 1946 và các Hiến pháp tiếp theo qua các thời kỳ đều qui định rõ quyền tự do lập hội; và tuy Sắc lệnh/Luật số 102 ngày 20/5/1957 Quy định quyền lập hội đã qui định tại Điều 3 rằng “Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ qui định” nhưng mãi đến năm 2003 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Như vậy, tính ra phải mất đến 58 năm – từ khi nước Việt Nam độc lập vào năm 1945 cho đến năm 2003, mới có Nghị định của Chính phủ qui định thể lệ chi tiết để công dân VN có đủ căn cứ thực hiện quyền lập hội của mình. Đây là một sự chậm trễ đáng trách trong nhiệm vụ ban hành Nghị định của Chính phủ khiến cho quyền tự do lập hội của công dân được qui định trong các bản Hiến pháp và Sắc lệnh/Luật số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện trong thực tế ! Chính sự chậm trễ trong việc ban hành Nghị định Chính phủ qui định thể lệ lập hội đã tự loại bỏ một quyền cơ bản của người dân Việt Nam sau ngày giành được độc lập từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật. Thiếu sót này không chỉ thuộc trách nhiệm của cơ quan hành pháp là Chính phủ mà còn có trách nhiệm của cơ quan lập pháp là Quốc hội qua nhiều nhiệm kỳ. Nhưng trên hết là trách nhiệm của Đảng Cộng Sản Việt Nam bởi vì ngay tại Điều 4 của Hiến pháp 1980 đã ghi rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội…”; và đến Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) cũng ghi tại Điều 4 rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Sự ra đời của Hội Hướng đạo Việt Nam:
Sự ra đời của Hội Hướng đạo Việt Nam (HĐVN) là một ngoại lệ đặc biệt chưa từng có trước nay ở Việt Nam. Xin tóm lược như sau: Phong trào Hướng đạo do một người Anh là Huân Tước Robert Baden Powell sáng lập vào năm 1907. Vào tháng 7 năm 1922, các đại diện được công nhận chính thức của các Hội Hướng đạo Quốc gia khắp thế giới họp tại Paris, Pháp đã lập ra một Hiến chương và một Tổ chức Thế giới của Phong trào Hướng đạo (WOSM) với tinh thần hợp tác, hữu nghị và anh em trên thế giới. Hoạt động Hướng đạo được du nhập vào Việt Nam và các đơn vị Hướng đạo đầu tiên được thành lập vào năm 1930 bởi các huynh trưởng HĐ là Hoàng Đạo Thúy và Trần Văn Khắc. Dưới chế độ thực dân phong kiến, hoạt động HĐVN được tập họp trong 3 tổ chức là: HĐ Bắc kỳ, HĐ Trung kỳ, HĐ Nam kỳ. Đến khi nước nhà giành được độc lập vào ngày 2/9/1945 và khi chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì một Hội HĐVN thống nhất cũng được thành lập để thay cho ba hội HĐ Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ với mục đích huấn luyện thanh thiếu nhi VN về ba phương diện: đức, thể, thực theo tôn chỉ và phương pháp dẫn giải trong các sách căn bản của Huân Tước Robert Baden Powell như: Sách Sói con, Hướng đạo trẻ con Đường thành công. Trong các tôn chỉ của Hội HĐVN, đặc biệt ghi rõ tại Điều thứ 1 của Quy trình (Điều lệ) là: “không hoạt động và cổ động về mặt chính trị” – tức là Hội HĐVN chỉ đơn thuần là một tổ chức dân sự xã hội mà thôi. Trong bản Quy trình này cũng ghi rõ là “Hội HĐVN không giới hạn trong thời gian” tại Điều thứ 1 – tức là Hội chỉ chấm dứt hoạt động theo qui định của pháp luật mà thôi.
Ngoại lệ được dành cho Hội HĐVN chính là: Sau ngày độc lập 2/9/1945, trong khi Chính phủ mới được thành lập và đến ngày 9/11/1946 Quốc hội mới ban hành Hiến pháp đầu tiên – qui định tại Điều 10 rằng: “Công dân VN có quyền: … Tự do tổ chức và hội họp…” thì trước khi có Hiến pháp, vào ngày 7/2/1946, Bộ Nội vụ đã duyệt y, công nhận sự thành lập Hội HĐVN. Tức là khi nước nhà chưa hình thành hệ thống pháp luật thì Hội HĐVN đã được Chính phủ đặc cách công nhận tư cách pháp nhân của hội. Ngoại lệ này đặc biệt hơn nữa vì sau khi được Bộ Nội vụ duyệt y, công nhận thì hơn 3 tháng sau, ngày 31/5/1946 người đứng đầu Đảng Cộng Sản VN đồng thời là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam – HỒ CHÍ MINH, đã gởi văn bản cho Hội HĐVN chính thức nhận làm Danh Dự Hội Trưởng.
Khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, phân chia nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa làm 2 quốc gia: một quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía bắc vĩ tuyến 17; còn ở phía nam là một quốc gia Việt Nam thứ 2 mới hình thành là Việt Nam Cộng hòa (từ 1955), thì Hội HĐVN cũng bị phân chia làm 2 hội: một Hội HĐVN hoạt động ở miền bắc vẫn giữ nguyên quy trình từ năm 1946 và một Hội HĐVN thành lập và hoạt động ở miền nam, theo qui định tại Nghị định số 326 NĐTN ngày 09/02/1953 của Chính quyền Bảo Đại. Đến năm 1957, Hội HĐVN ở miền nam vẫn lấy quy trình 1946 làm căn cứ nhưng có sửa đổi, bổ sung một vài điểm cho phù hợp với yêu cầu của Hiến chương Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo để được gia nhập làm hội viên của tổ chức này. Hội HĐVN ở miền nam phát triển mạnh là do có Nghị định số 326 NĐTN ngày 09/02/1953 làm căn cứ pháp lý và có điều kiện gia nhập làm hội viên của Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo. Tính đến ngày 31/12/1974 Hội HĐVN ở miền nam có tổng số 14.432 đoàn sinh và huynh trưởng đóng bảo hiểm, trong đó có 2.204 huynh trưởng. Cho đến nay, tư cách pháp nhân của cả 2 Hội HĐVN ở miền nam và miền bắc vẫn chưa chấm dứt theo qui định của pháp luật dân sự. Quyền lập hội của các Hướng đạo sinh Việt Nam vẫn được hệ thống pháp luật quốc gia bảo hộ: từ các Hiến pháp, các Luật và Nghị định. Tuy nhiên, việc hợp nhất 2 Hội HĐVN theo Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 và Nghị định thay thế số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội vẫn chưa thực hiện được trong thực tế.

Công ước quốc tế về quyền lập hội:
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Công ước ngày 24/9/1982. Quyền lập hội của các Hướng đạo sinh Việt Nam được công ước này bảo hộ tại Điều 22 như sau:
Điều 22:
1. Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
2. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật qui định
và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.
3. Không một qui định nào của điều này cho phép các quốc gia thành viên đã tham gia công ước về tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế được tiến hành những biện pháp lập pháp hoặc hành pháp làm phương hại đến những bảo đảm nêu trong Công ước đó.

Quyền lập hội của Hướng đạo sinh Việt Nam được pháp luật quốc gia và công ước quốc tế bảo vệ chặt chẽ như thế nào ?:
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập từ ngày 2/9/1945 và quốc hiệu được đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ Hiến pháp 1980 đến nay. Các bản Hiến pháp và Luật đều có qui định quyền tự do lập hội của công dân và qui định không ai được xâm phạm quyền lập hội (Điều 2 Sắc lệnh/Luật số 102 năm 1957 Quy định quyền lập hội). Tuy nhiên, khoảng trống pháp luật – do việc không ban hành Nghị định Chính phủ về thể lệ lập hội, đã kéo dài đến năm 2003 mới ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Chính sự chậm trễ ban hành thể lệ lập hội của Chính phủ đã triệt tiêu cơ hội thực hiện quyền lập hội của công dân theo Sắc lệnh số 102. Nhưng đến khi Nghị định số 88/2003/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội được Chính phủ ban hành ngày 30/7/2003 khiến cho các Hướng đạo sinh VN hoan hỉ chào đón vì nay đã có căn cứ pháp lý để tái lập, hợp nhất Hội HĐVN và để Hội HĐVN hội nhập với các tổ chức Hướng đạo khu vực và thế giới. Nhưng có một sự kiện xảy ra đã gây chấn động trong toàn thể Hướng đạo sinh VN là: Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (BBT/TW) đã có Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 và Thông báo số 157-TB/TW ngày 20/5/2008 “về hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành”. Nội dung các văn bản này chỉ đạo các cơ quan nhà nước như “Bộ Nội vụ, các ban ngành có liên quan…” thực hiện chủ trương của BBT/TW là: “không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các hội đoàn mới”. Xin trích dẫn nguyên văn lý do chính mà Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 đã nêu để cản trở quyền lập hội của Hướng đạo sinh VN: “Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều hội, đoàn thể với đối tượng bao gồm mọi giới, mọi lứa tuổi đang hoạt động, nếu chính thức cho tái lập thêm tổ chức hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh giành lực lượng, tranh giành quần chúng giữa hướng đạo với các tổ chức đã có và tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng, làm phức tạp thêm tình hình chính trị xã hội. Nếu tổ chức hướng đạo được tái lập, các hội, đoàn khác như Gia đình Phật tử, Tịnh độ cư sĩ … cũng đòi hỏi được công nhận thì sẽ rất phức tạp. Vì vậy không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các hội, đoàn mới”. Thông báo số 143-TB/TW đã gây hậu quả là đơn xin phép cho phục hồi hướng đạo của ông Đặng Văn Việt – một cựu Hướng đạo sinh, bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra văn bản số 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 bác bỏ với lý do: Ban Bí thư Trung ương đã có thông báo về hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố và chỉ rõ “không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như thành lập thêm các hội, đoàn mới”. Như vậy, quyền lập hội của Hướng đạo sinh Việt Nam đã bị các Thông báo của BBT/TW cản trở, xâm phạm. Sự xâm phạm này được hệ thống pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế về quyền lập hội xử lý như thế nào ? Xin lần lược trích dẫn các qui định bảo vệ quyền lập hội trong hệ thống pháp luật quốc gia và trong Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982 như sau:

Pháp luật quốc gia:
Trước hết là Hiến pháp năm 1980 qui định tại Điều 4 rằng: “Các tổ chức của Đảng (CS) hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Tiếp theo là Hiến pháp năm 1992 (2001) qui định tại Điều 4 rằng: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Như vậy, Hiến pháp 1992 còn chặt chẽ hơn Hiến pháp 1980 khi qui định hoạt động của mọi tổ chức Đảng không những phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp mà còn phải trong khuôn khổ pháp luật nữa. Pháp luật ở đây được hiểu là các văn bản trong hệ cấp pháp luật nhà nước từ bộ luật, luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định … trở xuống.
Sắc lệnh/Luật số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 Quy định quyền lập hội. Tại Điều 7 rằng: “Người nào xâm phạm đến quyền lập hội hoặc đến quyền tự do vào hội, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước tòa án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm”.
Như vậy, hành vi xâm phạm đến quyền lập hội theo Sắc lệnh/Luật số 102 ban hành từ năm 1957, bị coi là tội phạm hình sự, bị truy tố trước tòa án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm.
Bộ luật hình sự 1985 cũng đã đưa tội xâm phạm quyền lập hội trong Sắc lệnh/Luật 102 năm 1957 vào Điều 124 của Bộ luật này. Đến Bộ luật hình sự 1999 tội phạm này được sửa đổi, bổ sung và ghi tại Điều 129 như sau:
Điều 129. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân:
1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội:
Điều 36. Xử lý vi phạm:
1. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật.
Luật tố tụng hành chính ngày 24/11/2010 qui định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ:
1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
9. Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

Theo giải thích của Điều 3 thì các Thông báo số 143 và 157 của BBT/TW được coi là những quyết định hành chính theo Luật tố tụng hành chính.
Điều 5. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp:
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo qui định của Luật này.

Công ước quốc tế:
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
-1966, mà Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982 đã qui định như sau:
Điều 2.
1. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.
2. Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác, thì mỗi quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ tiến hành các bước cần thiết, phù hợp với trình tự pháp luật nước mình và những quy định của Công ước này, để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước này.
3.
Các quốc gia thành viên Công ước cam kết:
a/ Bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước này đều nhận được các biện pháp khắc phục hiệu quả, cho dù sự xâm phạm này là do những người thừa hành công vụ gây ra;
b/ Bảo đảm rằng bất kỳ người nào có yêu cầu về các biện pháp khắc phục sẽ được các cơ quan tư pháp, hành pháp hoặc lập pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ cơ quan nào khác có thẩm quyền do hệ thống pháp luật của quốc gia quy định, xác định quyền lợi cho họ và sẽ mở rộng khả năng áp dụng các biện pháp khắc phục mang tính tư pháp;
c/ Đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ thi hành các biện pháp đã được đề ra.
Diễn giải Điều 2 này có thể tóm tắc rằng: Việt Nam đã gia nhập Công ước nên phải bảo đảm cho các Hướng đạo sinh VN quyền lập hội theo pháp luật VN và theo Công ước. Vì các HĐS VN bị các Thông báo của BBT/TW xâm phạm quyền lập hội nên Nhà nước VN phải đảm bảo có các biện pháp khắc phục hiệu quả một khi có bất kỳ một HĐS VN nào yêu cầu. Bất kỳ cơ quan thẩm quyền nào do luật pháp VN qui định khi được bất kỳ HĐS nào đưa ra yêu cầu khắc phục thì trước hết là phải xác định quyền lập hội của HĐS đó bằng một bản án và làm vô hiệu sự xâm phạm bởi các Thông báo của BBT/TW. Nhà nước VN phải đảm bảo các cơ quan thẩm quyền phải thi hành các biện pháp mang tính tư pháp đó. 

Như vậy, qua khảo sát nội dung các qui định về quyền lập hội của công dân VN trong hệ thống pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ các căn cứ pháp lý để khẳng định rằng quyền lập hội của Hướng đạo sinh VN không thể bị cản trở, xâm phạm bởi bất cứ ai. Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nên các Thông báo của BBT/TW không thể có hiệu lực cao hơn Hiến pháp và pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch viện dẫn Thông báo của BBT/TW chớ không căn cứ vào Hiến pháp, Luật, Nghị định quy định về quyền lập hội để bác đơn xin tái lập Hội HĐVN là đã vi phạm pháp luật. Còn xét về hình thức thì có thể thấy rằng toàn bộ các văn bản pháp luật qui định quyền lập hội và bảo vệ quyền lập hội của HĐS VN từ Hiến pháp xuống Bộ luật, Luật, Sắc lệnh, Pháp lệnh, Nghị định … đều sử dụng Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đặt ở vị trí cao nhất của trang đầu – nên mới gọi là khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong khi đó, các Thông báo của BBT/TW đều sử dụng Đảng hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam ở đầu văn bản chớ không sử dụng quốc hiệu Việt Nam nên không có hiệu lực pháp luật đối với công dân VN. Tóm lại, việc xác định xem các Thông báo của BBT/TW ngăn cản việc tái lập Hội HĐVN có xâm phạm đến quyền lập hội của HĐS VN hay không là thuộc về các cơ quan tư pháp (Tòa án) theo thẩm quyền luật định. Cơ quan tư pháp có thể tiếp nhận một trong 2 cách xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành:
– Một là cách xử lý của Luật tố tụng hành chính bằng cách khởi kiện vụ án hành chính đối với các Thông báo của BBT/W mà Luật này xác định là những quyết định hành chính.
– Hai là cách xử lý của Bộ luật hình sự bằng cách khởi tố vụ án hình sự theo qui định tại Điều 129 về hành vi cản trở công dân thực hiện quyền lập hội.
Chỉ có Tòa án mới có đủ thẩm quyền đưa ra câu trả lời chính xác rằng quyền lập hội của HĐS VN có bị các Thông báo của BBT/TW cản trở, xâm phạm hay không. Nếu có vi phạm thì Tòa án phải xử lý, khắc phục như thế nào để trả lại sự công bằng cho Hướng đạo sinh Việt Nam.

Luật sư NGUYỄN LỆNH  ( 9/2011 ){jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.