Hãy giữ ngọn lửa, đừng lo giữ tro tàn

 

“Hãy giữ ngọn lửa, đừng lo giữ tro tàn”, tiến tới Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc Hội Hướng đạo Việt Nam.

Luật sư NGUYỄN LỆNH.

Là một cựu Hướng đạo sinh VN ngưng sinh hoạt từ năm 1968 nhưng khi được các bạn Hướng đạo tham vấn về Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 tôi đã tìm hiểu và đưa ra câu trả lời cần thiết qua bài viết “Vì sao chưa tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam ?”. Bài viết sau đó đã được chuyển tải đến các huynh trưởng HĐVN và tôi đã gián tiếp nhận được email của một huynh trưởng ngày 22/9/2010 với câu hỏi được nêu: “Lời hứa HĐVN đã bỏ bớt 1 phần tín ngưỡng tâm linh (là chưa đầy đủ) không hiểu đây có phải là ý đồ của tác giả hay không?”. Tôi đã trả lời câu hỏi của vị huynh trưởng đó, xin trích lại nguyên văn:
“Thông thường, 2 từ “ý đồ” được sử dụng với ý không tốt nên tôi xin đổi lại là “chủ ý của tác giả”. Tôi đã cân nhắc và có “chủ ý” khi viết ra Lời hứa của HĐVN chỉ có “Trung thành với tổ quốc” mà không có “phần tín ngưỡng tâm linh”. Lý do của tác giả như sau:
a/ Năm 1959 khi tôi được vinh dự nhận lễ tuyên hứa tại bờ biển Qui Nhơn lúc rạng đông để chính thức trở thành 1 sói con của HĐVN tôi vẫn nhớ lời tuyên hứa đó như sau:
– Trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với cha mẹ;
– Tuân theo luật sói con;
– Và mỗi ngày làm vui lòng một người.
Tôi đã chọn ký ức của mình khi nêu lên Lời hứa HĐ không có phần tâm linh.
b/ Tôi có biết đã có sự tranh luận giữa những HĐS về phần tâm linh này trong Lời hứa Hướng đạo. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng sự tranh luận là không cần thiết và vô ích cho phong trào Hướng đạo hiện nay. Nguy hiểm hơn là nó đã dẫn tới sự chia rẽ ngay trong phong trào Hướng đạo chúng ta, tự chúng ta đã làm suy yếu chúng ta chớ không cần đến tác động bên ngoài nào hết. Vô ích và không cần thiết vì quyền tự do tín ngưỡng đã được Hiến pháp và pháp luật VN hiện nay công nhận. Hướng đạo Công giáo và Gia đình Phật tử vẫn được hoạt động hợp pháp mà có cần phải chứng minh về một “giáo điều” chưa rõ ràng về mục đích lại tự làm phân hóa nội bộ. Chủ ý của tác giả là: Cái gì chưa rõ ràng, gây chia rẽ nội bộ, làm hại đến cơ hội tái lập Hội HĐVN thì không nêu lên. Vấn đề đó hãy dành cho một tổ chức xã hội được phép hoạt động chính thức là Hội Hướng đạo VN giải quyết”
.
Hôm nay, tôi muốn trình bày thêm về những tìm hiểu của mình đối với quá trình thay đổi nội dung của Lời hứa Hướng đạo VN vốn đã gây nên nhiều tranh luận và đưa tới sự mất đoàn kết ngay trong nội bộ của phong trào HĐVN lâu nay. Xin được bắt đầu bằng “Quy trình Hội Hướng đạo Việt Nam ngày 07/02/1946”. Đây là Quy trình đầu tiên của Hội Hướng đạo Việt Nam đầu tiên mà ngay tại Điều thứ 1 bản Quy trình có nói rõ là “thay và thống nhất ba hội Hướng đạo Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ”. Không ai có thể tranh cãi gì về tính hợp pháp, tính “thủy tổ” của Quy trình 1946 – đã ra đời trong thời điểm sớm nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới giành được độc lập từ ngày 2/9/1945. Nhưng bản Quy trình đầu tiên ra đời cùng với Hội HĐVN chưa được một năm thì đến ngày 19/12/1946 là Ngày toàn quốc kháng chiến, rất nhiều huynh trưởng Hướng đạo tham gia kháng chiến kéo dài trong 9 năm tiếp theo. Khi cuộc chiến kết thúc bằnng Hiệp định đình chiến Genève 1954 thì lãnh thổ Việt Nam lại bị phân chia làm 2 miền với chính thể khác nhau và đều được quốc tế công nhận là 2 “quốc gia”. Ở miền Bắc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì vào “Ngày 15/10/1956 là ngày Hội nghị hợp nhất các tổ chức thanh niên như Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Hướng đạo Việt Nam (miền Bắc) … để thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, một số Trưởng Hướng đạo Việt Nam đã tham gia ngày Hội nghị quan trọng đó… Từ năm 1956 đến 1960, Hội Hướng đạo VN ở miền Bắc chỉ còn 2 Châu: Thăng Long (Hà Nội) và Bắc Hải (Hải Phòng còn hoạt động… Từ năm 1961, các Ấu sinh, Thiếu sinh, Tráng sinh trưởng thành và hòa nhập vào phong trào chung. Năm 1965 tất cả đi di tản …” (1). Hoạt động của Hội HĐVN ở miền Bắc thuộc nước VNDCCH không phát triển được là do hoàn cảnh chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa 2 miền Nam Bắc mà nguyên nhân có thể thấy qua lá thư ngày 5/2/1965 của Trưởng Trần Ngọc Chu, thay mặt cho Bộ Tổng Ủy viên Hội HĐVN (miền Bắc) ký tên và đóng dấu Hội HĐVN “Gởi các anh chị Huynh trưởng và các bạn Tráng, Thiếu, Ấu Hướng đạo sinh Trung, Nam bộ” như sau: “Hơn 10 năm qua các em Thiếu sinh của chúng ta đã trưởng thành, đại bộ phận các em tham gia bộ đội và đã trở thành những chiến sĩ giỏi. Các em Ấu sinh cũng không kém các anh lớn trên đoàn, hàng ngày các em là những trò ngoan, bạn tốt ở nhà và trường học”. Có lẽ do hoạt động của phong trào Hướng đạo ở miền Bắc quá yếu ớt nên Hội Hướng đạo Việt Nam của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến năm 1975 chưa có cơ hội để trở thành hội viên chính thức của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement, viết tắt là WOSM).
Còn phong trào Hướng đạo Việt Nam hoạt động như thế nào từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở các tỉnh thành thuộc chính quyền của Quốc Trưởng Bảo Đại trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cho đến ngày ký Hiệp định Genève năm 1954 ? Xin được tóm tắt một số sự kiện quan trọng:
Trong bài viết ngày 31/5/1996 của Trưởng Lê Duy Thước có tựa đề “Lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam” đã ghi rằng:
“- Từ 17 đến 19/1/1951 tại Sài Gòn, đã diễn ra Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo Ba Miền để tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam thống nhất cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
– Tháng 12/1951, Đại hội đồng đầu tiên Hội Hướng đạo Việt Nam tái lập, họp tại rạp Lửa Hồng, Hà Nội, bầu ra Bộ Tổng Ủy viên. Cụ Trần Văn Thân được bầu làm Hội Trưởng, anh Vũ Văn Hoan làm Tổng Ủy viên trưởng HĐVN. Hội thảo về Quy trình, Nội quy và hoạt động theo tinh thần Dụ số 10, ngày 06/08/1950 của Quốc Trưởng Bảo Đại cho phép các Tổ chức, Hiệp Hội được hoạt động.
– Quy trình, Nội quy được thảo xong tại Hà Nội ngày 07/06/1952 và Hội Hướng đạo Việt Nam được phép chính thức thành lập theo Nghị định số 326/NĐTN, ngày 09/02/1953 của Chính quyền Bảo Đại”.(2)
Trong bài viết ngày 19/12/1998 của Trưởng TVH (tên do tác giả TVH viết tắt) có tựa đề “Lời hứa:Trung thành với Tổ quốc của Hội Hướng đạo Việt Nam-năm 1930″ cũng đã ghi rằng:
“Đến năm 1952, trong vùng bị tạm chiếm Sài Gòn, Hội Trưởng Trần Văn Thân va Tổng Ủy viên Vũ Văn Hoan đã chủ trương sửa lại trong Quy trình Nội lệ, Lời Hứa Thứ Nhất như sau:
Tôi xin đem danh dự mà hứa, sẽ cố gắng hết sức để:
Trung thành với Tổ quốc và làm tròn bổn phận đối với tôn giáo của tôi.
Lời hứa Trung thành với Tổ quốc vẫn được giữ vững cho đến năm 1965, trong Hội nghị Trưởng tại Gia Định, các Trưởng này đã đưa ra ý định bỏ cụm từ “Trung thành với Tổ quốc” để thay vào chữ “Quốc gia tôi” và đem vấn đề tín ngưỡng tâm linh ra trước. Quy trình Nội lệ năm 1965, Lời Hứa Thứ Nhất bị sửa lại như sau:
Tôi xin lấy danh dự hứa cố gắng hết sức để: “Làm tròn bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh và Quốc gia tôi”.
Từ đó, họ đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong phong trào HĐVN ở miền Nam VN… ” (3)
Đến đây, tôi xin được nêu ra câu hỏi như sau: Tại sao trong Quy trình năm 1952 lại sửa đổi một phần Lời hứa Hướng đạo Việt Nam của Quy trình 1946 và có phải Hội trưởng Trần Văn Thân và Tổng Ủy viên Vũ Văn Hoan đã chủ trương sửa lại điều này ?

Trước khi trình bày quan điểm của mình để trả lời cho câu hỏi là nguyên nhân đã “tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong phong trào HĐVN” tôi xin lưu ý về một điều ngộ nhận lâu nay khi có sự diễn đạt về Lời hứa Hướng đạo. Chúng ta hãy xem cách ghi nguyên thủy Lời hứa Hướng đạo Việt Nam trong Điều thứ 5 của Quy trình 1946 là:
Lời hứa Hướng đạo Việt Nam.
Tôi xin đem danh dự hứa rằng:
Trung thành với Tổ quốc,
Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào,
Tuân theo Luật Hướng đạo.”
Căn cứ vào cách ghi Lời hứa Hướng đạo VN trong Quy trình 1946 thì chúng ta chỉ có 1 Lời hứa Hướng đạo Việt Nam bao gồm các nội dung là: -Trung thành với Tổ quốc, -Giúp đỡ… (3 nội dung) chớ không phải chúng ta có 3 Lời Hứa Hướng đạo: Lời hứa thứ 1 là … . Ngay cả cách ghi Lời hứa Hướng đạo trong Hiến chương và Quy chế của Tổ chức thế giới phong trào Hướng đạo năm 1922 – gọi tắt là Hiến chương Tổ chức Thế giới (HCTCTG) cũng thể hiện chỉ có 1 Lời hứa Hướng đạo bao gồm 3 nội dung tương tự như Quy trình 1946. Tôi cũng xin đề nghị được sự thống nhất về ý nghĩa của 2 khái niệm, 2 danh từ tổ quốc quốc gia là: Tổ quốc (tổ: ông cha; quốc: nước), nghĩa đen: nước của ông cha để lại, nghĩa bóng thường được dùng với ý: đất nước được bao đời trước xây dựng và để lại trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó. Còn Quốc gia (quốc: nước; gia: nhà), nghĩa đen: Nước, nước nhà. Quốc gia, ngoài nghĩa đen thông thường còn là một danh từ mang ý nghĩa pháp lý, một thuật ngữ pháp lý trong công pháp quốc tế. Trong công pháp quốc tế, một quốc gia chỉ được công nhận khi hội đủ 3 yếu tố là: lãnh thổ, chính quyền và dân cư. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì “quốc gia” đó chưa được các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế công nhận.
Tôi xin đề nghị chúng ta bắt đầu xem xét đến Hiến chương của Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo (Constitution of WOSM – viết tắt HCTCTG) với phần mở đầu: “Các đại diện được công nhận chính thức của các Hội Hướng đạo Quốc gia, chấp thuận và thực hành Phong trào Hướng đạo được thành lập bởi Robert Baden Powell năm 1907, đã cùng họp tại Paris, Pháp vào tháng 7 năm 1922 và thành lập Hội nghị Hướng đạo Quốc tế để kết hợp Phong trào Hướng đạo khắp thế giới cũng như cử ra một Ban điều hành và một Bộ phận hành chính. Hiến chương này chi phối hoạt động Tổ chức Thế giới của Phong trào Hướng đạo với tinh thần hợp tác, hữu nghị và anh em trên thế giới”. Sau phần Định nghĩa và Mục đích ghi tại Điều I của HCTCTG đến Điều II ghi rõ về những Nguyên lý mà Phong trào HĐ lấy làm căn cứ là:
Duty to God (có thể dịch sang tiếng Việt là Bổn phận đối với tôn giáo hoặc Bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh)
Duty to others (có thể dịch là Bổn phận đối với tha nhân)
– Duty to self
(có thể dịch là Bổn phận đối với bản thân).
Các Nguyên lý trên của Điều II Khoản 1 được chuyển hóa thành Lời hứa Hướng đạo và Luật Hướng đạo ở phần tiếp theo của Điều II là Khoản 2 này cùng với yêu cầu “tôn trọng triệt để” như sau:
Tất cả các thành viên của Phong trào Hướng đạo đòi hỏi phải tôn trọng triệt để Lời hứa và Luật Hướng đạo phản ánh bằng ngôn ngữ thích hợp với văn hóa và văn minh của mỗi Tổ chức Hướng đạo Quốc gia và được phê chuẩn của Tổ chức Thế giới, các nguyên lý Bổn phận đối với Thượng đế (tín ngưỡng, tâm linh), Bổn phận đối với tha nhân, Bổn phận đối với bản thân, được xuất phát từ Lời hứa và Luật hình thành bởi Người sáng lập Phong trào Hướng đạo với các khoản mục sau:
Lời hứa Hướng đạo
“Tôi lấy danh dự hứa rằng sẽ cố gắng hết sức:
Làm bổ phận đối với Thượng đế và Đức vua;
Giúp ích mọi người vào mọi lúc;
Tuân theo Luật Hướng đạo.”

Luật Hướng đạo
1. Danh dự của Hướng đạo sinh là được tin cậy.
2. Hướng đạo sinh trung thành.
3. Hướng đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người.
4. Hướng đạo sinh là bạn với tất cả mọi người và là anh em với các Hướng đạo sinh khác.
5. Hướng đạo sinh lễ độ, nhã nhặn.
6. Hướng đạo sinh là bạn với các sinh vật.
7. Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ, huynh trưởng với không vấn đề.
8. Hướng đạo sinh mỉm cười và huýt gió trước mọi khó khăn.
9. Hướng đạo sinh tằn tiện.
10.Hướng đạo sinh trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm.”

Một Tổ chức Hướng đạo Quốc gia muốn tham gia và được công nhận tư cách hội viên của Tổ chức Thế giới cần phải đáp ứng 8 yêu cầu được qui định tại Khoản 3 Điều V mà 1 trong 8 yêu cầu đó là:
” a/.
b/. Chấp thuận và duy trì liên tục việc tôn trọng triệt để mục đích, nguyên lý và phương pháp được đưa ra ở Chương I của Hiến chương này.
c/. …”

Như vậy, chúng ta thấy rằng HCTCTG từ năm 1922 đã qui định rất chặt chẽ – phải hội đủ 8 yêu cầu, để được tham gia và được công nhận tư cách hội viên của Tổ chức Thề giới; trong đó có yêu cầu về “Lời hứa Hướng đạo” mà HCTCTG đã ghi rất cụ thể. Nhưng trong thực tế kể từ khi có HCTCTG ra đời, việc đáp ứng của các Tổ chức HĐ Quốc gia đối với yêu cầu về Lời hứa như thế nào ? Xin được trích dẫn một tư liệu liên quan đến điều này như sau:
“Những Lời hứa thay thế
Mặc dù Hiến chương của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới nói rằng Lời hứa Hướng đạo phải gồm có phần nói đến “Bổn phận đối với Thượng đế”, sáu quốc gia (Bỉ, Tiệp Khắc, Pháp, Luxembourg, Hà Lan và Phần Lan) được cho phép vào năm 1920 sử dụng “Lời hứa thay thế” mà không có nói về Thượng đế. Hai trong các quốc gia này vẫn còn sử dụng lời hứa thay thế (Hà Lan và Cộng hòa Séc) mà các quốc gia kia đã bỏ hẳn. Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới đã nêu rõ năm 1932 rằng không có ngoại lệ nào được quyết định và bộc lộ mong muốn rằng vài quốc gia còn lại sẽ ngưng sử dụng bất cứ lời hứa nào thiếu nói đến “Bổn phận đối với Thượng đế”.
(4)
Từ những qui định rất cụ thể về Lời hứa Hướng đạo trong Hiến chương của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới và qua thực tiễn áp dụng từ khi Hiến chương ra đời năm 1922 đến năm 1932 về Lời hứa thay thế, chúng ta có thể khẳng định rằng Lời hứa Hướng đạo được sửa đổi vào năm 1952 không phải là “chủ trương” của các Trưởng, của Hội Hướng đạo Việt Nam hay của chính quyền Bảo Đại lúc bấy giờ. Đó là do yêu cầu “tôn trọng triệt để” của HCTCTG nếu Hội Hướng đạo Việt Nam muốn tham gia và để được công nhận là hội viên của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới. Chúng ta đã thấy rằng các Huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam đã liên tục làm việc: Từ 17-19/1/1951 ở Sài Gòn diễn ra Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo Ba Miền để tái lập Hội HĐVN. Tháng 12/1951 ở Hà Nội, Đại hội đồng Hội HĐVN tái lập bầu ra Bộ Tổng Ủy viên và hội thảo về việc sửa đổi một phần Lời hứa Hướng đạo Việt Nam trong Quy trình 1946 cho phù hợp với yêu cầu trong HCTCTG. Rồi phải mất hơn 6 tháng nữa Quy trình mới được thông qua và được Nghị định số 326/NĐTN ngày 09/02/1953 chính thức công nhận. Từ sự làm việc của các Huynh trưởng HĐVN vào những năm 1951, 1952, 1953 và những năm sau đó đã đưa đến kết quả là:
“Năm 1957, Hội Hướng đạo Việt Nam trở thành thành viên chính thúc của Hướng đạo Thế giới (OMMS: Organisation Mondiale du Kouvement Scout)” (5)
Như vậy, ngày hôm nay – sau hơn nửa thế kỷ, chúng ta đánh giá việc sửa đổi một phần Lời hứa Hướng đạo Việt Nam trong Quy trình 1946 của các Huynh trưởng Hội HĐVN vào thời kỳ những năm từ 1951 đến 1957 là thế nào ? Tôi xin đề nghị chúng ta xem xét vấn đề thuộc về lịch sử của phong trào HĐVN này theo 3 tiêu chí là dân chủ, công bằng và trọng pháp như sau:
Dân chủ: Chắc chắn việc sửa đổi một phần Lời hứa HĐVN đã được thông qua với tỷ lệ đa số cử tri có mặt trong Đại hội đồng vào tháng 12/1951 ở Hà Nội như qui định tại Điều thứ 20 của Quy trình 1946: “Một sự thay đổi gì trong quy trình này hoặc có sự giải tán của hội đồng phải do một cuộc đầu phiếu của Đại hội đồng và phải được đa số 2/3 của số cử tri có mặt. Sự đề nghị thay đổi quy trình và giải tán Hội Hướng đạo Việt Nam phải do Hội đồng Trung ương hoặc do sự yêu cầu của ít nữa là 1/4 tổng số hội viên của hội”. Đó là một qui định rất dân chủ của Quy trình 1946 mà Hội nghị Huynh trưởng và Đại hội đồng đã làm theo.
Công bằng: Việc bổ sung cụm từ “và làm tròn bổn phận đối với tôn giáo của tôi” theo sau “Trung thành với Tổ quốc” có công bằng hay không trong một tổ chức xã hội không hoạt động chính trị, không vụ lợi như Hội HĐVN ? Trước hết phải khẳng định rằng cụm từ “làm tròn bổn phận với tôn giáo của tôi” là phù hợp với quyền tự do tín ngưỡng được qui định trong Hiến pháp. Nó cũng không hạn chế hay triệt tiêu quyền tự do không theo một tôn giáo nào. Nó đáp ứng nguyện vọng của đa số mà vẫn tôn trọng quyền của các hội viên thiểu số. Gọi là nguyện vọng của đa số vì căn cứ vào một tài liệu được đăng trên báo An ninh thế giới (Chuyên đề của báo Công an Nhân dân) số 1021 ngày Thứ tư 22/12/2010, trang 26, tác giả Thi Nga viết rằng: “Trong những năm qua, tôn giáo ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ thì, từ năm 2005 đến nay, số tín đồ đã tăng 2 triệu người, số tôn giáo tăng từ 6 tôn giáo với 16 tổ chức lên 12 tôn giáo với 32 tổ chức được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, với 80% người dân có đời sống tín ngưỡng”. Con số 80% người dân có đời sống tín ngưỡng ngày nay và hơn 50 năm trước không cách biệt bao nhiệu. Vậy thì một sự bổ sung bắt buộc lại đáp ứng nguyện vọng 80% hội viên mà không hạn chế những nguyện vọng khác của 20% hội viên còn lại, có thể nói là qui định bổ sung đó rất công bằng.
Trọng pháp: Tôn trọng pháp luật là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với một tổ chức xã hội như Hội HĐVN. Việc sửa đổi một phần Lời hứa HĐVN trong Quy trình 1946 trước hết là đã tuân thủ đúng theo Điều thứ 20 của Quy trình này. Quy trình mới năm 1952 cũng đã thực hiện thủ tục pháp định vào thời điểm bấy giờ là xin được phê chuẩn bằng Nghị định số 326/NĐTN ngày 09/02/1953. Cuối cùng việc sửa đổi cần thiết đó đã đáp ứng được yêu cầu qui định trong Hiến chương Tổ chức Thế giới để Hội HĐVN được công nhận tư cách hội viên trong tổ chức này. Rõ ràng, đó là một quá trình thực hiện các “thủ tục pháp lý” cần thiết từ trong nội bộ của tổ chức Hướng đạo, đến quốc gia và quốc tế. Một việc làm có thể gọi là rất “trọng pháp” theo đúng tinh thần Hướng đạo, tương tự như khi nước Việt Nam muốn gia nhập WTO cũng phải có những sửa đổi trong hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với qui định chung của WTO.

Từ những nghiên cứu thấu đáo quá trình sửa đổi, bổ sung một phần Lời hứa HĐVN về “làm tròn bổn phận đối với tôn giáo tôi” chúng ta còn thấy thêm việc sửa đổi từ “Trung thành với Tổ quốc” sang “Làm tròn bổn phận với Quốc gia tôi” không có gì khác biệt và đều được HCTCTG nhìn nhận có thể thay cho cụm từ “Làm bổn phận đối với Đức vua”. Sở dĩ nói không có gì khác biệt giữa 2 khái niệm “Tổ quốc” và “Quốc gia” là khi mà cả 2 cùng hợp nhất như vào thời điểm hiên nay: “Tồ quốc Việt Nam” và “Quốc gia Cộng hòa XHCN Việt Nam” đều chỉ là một. Trường hơp như ở Mỹ, vì là nước có đặc thù là “Hợp chúng quốc” nên người ta không quan tâm đến “Tổ quốc” mà chỉ qui định là “Quốc gia”; còn ở Israel, từ khi thành lập Hội HĐ vào những năm 1919, 1920 họ vẫn chưa có “Quốc gia” mà chỉ có “Tổ quốc”.
Một khi vấn đề sửa đổi, bổ sung Lời hứa HĐVN được nhận thức một cách đúng đắn như đã trình bày ở trên tôi cho rằng có thể đi đến những kết luận như sau về Hội Hướng đạo Việt Nam ở thời điểm hiện nay:
1/ Hội Hướng đạo Việt Nam đã được thành lập hợp pháp năm 1946 theo đúng pháp luật của “Quốc gia” Việt Nam là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hiện nay là “Quốc gia” Cộng hòa XHCN Việt Nam.
2/ Hội Hướng đạo Việt Nam đã có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết Quy trình (Constitution) của mình và đã được Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo công nhận tư cách hội viên năm 1957.
3/ Về mặt đối nội tức là trong phạm vi quốc gia thì Hội HĐVN vẫn tồn tại hợp pháp nhưng vê mặt quốc tế, từ sau 1975 Hội HĐVN đã bị “tạm thời đình chỉ tư cách hội viên …vì đã không đáp ứng được các yêu cầu của tư cách hội viên” theo qui định tại Khoản 1 Điều VII của HCTCTG. Cụ thể là Hội HĐVN đã không đáp ứng các yêu cầu sau đây trong 8 yêu cầu của Khoản 3 Điều V: “…(d): Duy trì Tổ chức như một tổ chức độc lập, phi chính trị, phong trào tự nguyện đáng tin cậy và hiệu quả. … (f): Thanh toán đều đặn lệ phí đăng ký. …(g)… (h): Trình báo cáo hằng năm đến Văn phòng Thế giới.”
Như vậy, nếu chúng ta chỉ cần củng cố lại về tổ chức trong nội bộ Hội Hướng đạo Việt Nam là Hội có thể chính thức tái nhập làm hội viên chính thức của Tổ chức Thế giới và hoạt động công khai trong phạm vi quốc gia. Việc củng cố về mặt tổ chức Hội trong tình hình hiện nay cần phải được thực hiện thông qua Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc Hội Hướng đạo Việt Nam và phải căn cứ vào Quy trình 1946 với các sửa đổi, bổ sung tiếp theo để thành lập lại Bộ Tổng ủy viên HĐVN, Tổng bộ Hướng đạo, Hội đồng Trung ương, Ban chuyên môn v.v… Việc Hội HĐVN tái nhập làm hội viên chính thức của Tổ chức Thế giới cũng đã được Trưởng Abdullah Rasheed, Đại diện VP HĐTG/ GĐ APR đề cập trong bài phát biểu ngày 01/09/2010 tại trại trường Makiling, Laguna, Philippine như sau: “Đối với vùng Á châu Thái Bình Dương, chúng tôi đều mong Việt Nam sớm tái nhập làm hội viên chính thức của Tổ chức Hướng đạo Thế giới. Tuy nhiên điều này chỉ có thể thành hiện thực một khi đã có được những điều kiện căn bản. Điều đầu tiên là phải có một bản hiến chương (Quy trình) của tổ chức Hướng đạo Việt Nam, được chấp thuận bởi đa số đại diên của các nhóm/đoàn Hướng đạo hiện hữu tại Việt Nam. Sự chấp thuận bản hiến chương ấy sẽ dẫn đến việc thành lập 1 cơ cấu/tổ chức Hướng đạo quốc gia cho Việt Nam, rồi phải có hệ thống nhân sự/Ủy viên được bầu hay chỉ định bởi 1 đại hội/hội nghị tất cả các trưởng đại diện. Không một nhóm/đoàn Hướng đạo hiện hữu nào tại Việt Nam được tự động chấp nhận là cơ cấu/tổ chức Hướng đạo quốc gia của Việt Nam cả. Một khi đã có cơ cấu Hướng đạo quốc gia, cùng với thành phần nhân sự/ủy viên điều hành, các nhóm/đoàn Hướng đạo hiện hữu sẽ được ký danh trong hệ thống Hội HĐVN”. (6)

Tóm lại, tôi cho rằng: Tất cả những khó khăn, những vấn đề còn cản trở hoạt động của phong trào HĐVN, làm cho Hội HĐVN chưa thể tái nhập làm hội viên chính thức Tổ chức HĐTG v.v… đều sẽ được giải quyết trong một Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc Hội Hướng đạo Việt Nam. Trước một Hôi nghị như thế trong những ngày sắp tới tôi xin mượn lời trong thư của ông Jacques Moreillon là Tổng thư ký của Văn phòng Hướng đạo Thế giới đặt tại Thụy Sĩ – gởi cho một huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam vào ngày 06/05/1994, để chuyển đến tất cả các huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc như một niềm tin rằng các huynh trưởng của chúng ta không quên “Điều luật thứ 11”. Xin trích lời của ông Jacques Moreillon như sau:
Thật tiếc là trong HĐVN đã có sự chia rẽ và sinh ra bè phái, dù tôi hiểu – vì đã biết xứ sở của anh – những nguyên nhân dẫn đến các khuynh hướng khác nhau đó.
Tôi khuyên anh, vừa cố gắng “giữ gìn lửa hồng” vừa luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần cởi mở và lo bảo vệ cho tương lai. Đừng bao giờ quên rằng, một ngày nào HĐVN, một cách hoàn toàn độc lập, có thể xin nhập trở lại trong đại gia đình HĐTG. Ngày ấy, HĐVN phải hợp nhất và mở rộng cho tất cả. Chính cái tương lai ấy, mỗi người trong chúng ta phải gìn giữ, khi biết nhìn người anh em mình nơi một người Hướng đạo khác, dù cho người này hay người kia có thứ mẫn cảm khác nhau. Văn hào Zola nói: “Về truyền thống, chúng ta hãy giữ ngọn lửa, đừng lo giữ tro tàn
. (7)

Luật sư NGUYỄN LỆNH  ( 01/2011 )

—————————–
(1) Lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam của Ngô Văn Phương, Tập I, tr.103 & 104, tác giả bài viết: Lê Bằng.
(2) Lịch sử phong trào HĐVN của Ngô Văn Phương, Tập II, trang 255, tác giả bài viết: Lê Duy Thước.
(3) Lịch sử phong trào HĐVN của Ngô Văn Phương, Tập I, tr. 93, tác giả bài viết: TVH.
(4) http://vi.wikipedia.org – Lời hứa Hướng đạo.
(5) Lịch sử phong trào HĐVN của Ngô Văn Phương, Tập II, tr. 216, tác giả bài viết: Các trưởng Trần Hữu Khuê, Nguyễn Thu Duy Lương, Nguyễn Minh Triết, Đinh Hữu Quyến.
(6) Giữ vững mối giây 6, trang 09 & 10, bài viết: Quan điểm của Văn phòng HĐTG về phong trào HĐVN.
(7) Thư ngày 6/5/1994 của Tiến sĩ Jacques Moreillon, Tổng thư ký Văn phòng Hướng đạo Thế giới gởi cho Trưởng Trần Văn Hợp.{jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.