Tác giả: Lê Khắc Thanh Hoài
Một niên học sắp chấm dứt, mùa Hè cũng sắp tới, tôi thật bận rộn để chuẩn bị cho đám học trò biểu diễn piano vào dịp cuối năm, thế nhưng cũng cố gắng cặm cụi thức khuya để viết lại một vài kỷ niệm của một thời Jeanne D’ Arc kẻo phụ lòng bạn bè cứ hối thúc.
Như đa số mọi người thường nghĩ, thì ôn lại kỷ niệm là điều không khó, nếu không nói là dễ nhất, vì ai mà chẳng có kỷ niệm, những gì đã xảy ra trong quá khứ thì hầu như rất khó xóa mờ trong trí nhớ, có ai mà không ‘‘ nhai đi nhai lại ’’ những gì mình đã nghe, đã thấy, đã cảm, đã nghĩ, đã sống, đã trải nghiệm, đã nếm mùi, dù vui dù buồn dù khổ dù sướng…Thậm chí có lúc những người chung quanh phải bực mình ‘‘ Thôi biết rồi, khổ lắm, nói mãi nói hoài …Thôi nghe rồi chuyện đó, cứ kể lui kể tới…’’
Hình như cuộc sống là một giòng chảy chỉ đi ngược về quá khứ. Đó là điểm tựa, là cái mốc để con người bám chặt vào, để không thấy mình bị cuốn trôi theo giòng chảy bạo tàn của thời gian ?
Đúng như vậy. Giòng chảy của thời gian thì tàn bạo vì không một ai có thể chận đứng giòng chảy này, không một ai có thể thương lượng với thời gian, dù chúng ta có năn nỉ bao nhiêu đi nữa, thời gian ơi, hãy đứng lại giùm tôi, hãy đi thật chậm, hãy kéo dài, làm ơn cho tôi thêm một giây một phút một ngày hai ngày…Cho tôi xin, cho tôi xin…
Nhưng rồi thời gian vẫn vùn vụt trôi đi như gió. Và chúng ta cũng xiêu theo ngọn gió. Thân xác chúng ta rã rời theo gió. Nhưng kỳ lạ thay, thần thức của chúng ta, hay gọi đó là phần hồn, phần tâm linh thì không lung lay không rã rời theo gió mà lại bám chặt vào những gì vô hình và đã gọi là vô hình thì không thể rã rời như thân xác. Như rễ cây bám chặt vào đất, cũng thế, thần thức bám chặt vào quá khứ, vào kỷ niệm. Điều thật quái gỡ là̀ quá khứ hay kỷ niệm thì lại hiển hiện như thật, mặc dù nó đã mất hút trong hư vô. Không có một thực thể, thực chất nào thế mà quá khứ lại thực hơn cả sự thực mà chúng ta đang sống trước mắt !
Cái khả năng làm sống lại những gì đã chết của trí nhớ con người quả thật là kỳ diệu !
Ngược lại, có một điều mà có lẽ̉ đa số mọi người sẽ đồng ý là cái khả năng ‘‘ thấy và nắm bắt tương lai ’’ dù chỉ có thể tạm mường tượng, tạm hình dung, tạm vẽ vời cũng rất là khó làm được.
Phía trước con người là sương mù dày đặc mà trong khi đó phía đằng sau thì như một tấm gương soi phản ảnh trọn vẹn đầy đủ ngay cả những góc cạnh đường nét mà con người có khi không ngờ tới !
Mấy ai mà biết chuyện tương lai. Nhưng có ai mà không nhớ chuyện đời xưa ? Cho dù có thử tưởng tượng ra hình dáng diện mạo của tương lai xa vời mù mịt con người vẫn phải làm một bước nhảy thụt lùi về quá khứ, ôn lại kỷ niệm, kinh nghiệm đã trải qua rồi mới phác họa ra một bức tranh mới.
Quá khứ dính chặt nơi tâm khảm con người như chiếc áo thì phải móc lên trên móc áo, chiếc nón thì chỉ đội trên đầu, cái bát là để đựng canh, cái chén thì phải có cơm để đơm, cái muỗng thì phải múc…
Ít có khoảnh khắc nào trong đời sống hằng ngày mà con người ‘‘quên’’ không nghĩ tới quá khứ, dù xa dù gần, một khuôn mặt, một nụ cười, một hàm răng, một giọng nói, hay chỉ có thể là một màu vàng của chiếc lá, màu xanh của đám mây, mùi hương của cụm tường vi hay mùi vị của một tô phở, tô bún cũng có thể gợi nhớ muôn vàn kỷ niệm.
Tóm lại, mùi hương của quá khứ ngào ngạt tỏa bay và vây phủ tâm hồn con người như bầu trời thì không thể nào không có những áng mây. Mây đen, mây trắng. Và cả mây đủ màu sắc khi có cầu vồng ửng lên.
Cũng như đờ̀i người. Có vận đỏ vận đen. Có khi lên voi, có khi xuống chó. Có khi lên hương, có khi mạt kiếp ruồi bâu…Có khi nở mày nở mặt, vênh vênh váo váo…Có khi trốn chui trốn nhủi. Có khi bảnh bao, có khi xơ xác…Có khi hồng hào, có khi xanh xao…Có khi tươi tắn, có khi ủ rũ…
Cho dù thế nào đi nữa, con người cũng chỉ muốn nhớ những gì vui những gì đẹp và cố quên những gì làm trĩu nặng tâm hồn, gây khắc khoải u buồn. Nhưng đó là chỉ làm bộ quên, làm lơ, cố ý đẩy lùi thật xa đằng sau những gì không muốn nhớ, chứ thực ra, dĩ vãng hầu như chẳng bao giờ lu mờ, vẫn còn được lưu giữ mãi nơi một góc nào đó, từ năm nầy qua năm nọ, từ đời này sang đời kia, thậm chí cả từ…kiếp này sang kiếp khác ! ( Nếu bạn tin có kiếp sau )
Quá khứ gắn bó với con người như thế, gần gủi với con người như thế nhưng đối với tương lai thì sao ?
Chắc chắn mọi người sẽ trả lời là tương lai chưa đến thì làm sao mà nói gì kể gì được ? Hiển nhiên rồi. Nhưng tôi lại không nghĩ như thế, tôi vẫn thường có cái cảm giác là giòng thời gian không đi theo một con đường thẳng băng, có trước có sau, có quá khứ, hiện tại và tương lai. Mà tôi luôn ‘‘ thấy ’’ trong hiện tại đã bao gồm quá khứ và cả tương lai. Do đó mà tôi thường có trực giác bén nhậy và linh cảm trước những gì có thể xảy ra. Nhưng rồi chỉ dừng ở đó. Chúng ta chỉ có thể ‘‘ chạm ’’ đến tương lai bằng trực giác chứ không thể thấy như chúng ta thấy được quá khứ mà chỉ cần nghĩ đến là những hình ảnh của quá khứ hiện ra như một cuộn phim được quay lại. Có một số người hiếm hoi ‘‘ thấy ’’ được tương lai nhưng chỉ là những lằn chớp xẹt ngang rất nhanh rồi tan biến và cũng không phải muốn thấy lúc nào là cũng thấy được, như khi chúng ta muốn ôn lại quá khứ thì thật là dễ dàng, chỉ cần một niệm nhớ nghĩ tới là có thể thấy lại đoạn phim cũ. Nhân đọc một số kinh Phật tôi mới biết chỉ có đức Phật và các thánh nhân mới thấy được quá khứ và cả tương lai.
Như thế thì quá khứ phải chăng đã mất mà…không mất và tương lai tưởng chừng như chưa đến nhưng thực ra là…đã đến ? Và hiện tại thì không thể nắm giữ vì nó luôn luôn chuyển động không ngừng, chỉ cần một giây, một tíc tắc là hiện tại đã biến thành quá khứ rồi ! Như vậy thì chỉ còn lại quá khứ ? Bởi vì tương lai rồi cũng lùi về quá khứ cơ mà ! Có thể khái niệm về thời gian là không thật và rốt cuộc…đời người cũng…không thật ?!
Xin lỗi các bạn tôi đã làm các bạn rối bời đầu óc và tôi đã rất lạc đề. Vậy tôi xin trở lại…đầu đề câu chuyện của bài viết hôm nay nhé.
Khi các bạn cũ hối thúc tôi phải viết cái gì cho đặc san Jeanne D’Arc thì tôi cũng ừ, ừ…nhưng chưa biết sẽ viết gì. Và như thế, tôi chỉ cần ngồi một đêm khuya thanh vắng thì…bóng ma quá khứ hiện về ! Việc ôn lại quá khứ là một việc làm quá dễ dàng mà, phải không các bạn ? Dễ như các bạn bật nút mở máy vi tính và chỉ cần ‘‘ click ’’ đúng vào tiết mục mà các bạn muốn thì hình ảnh hay chữ nghĩa sẽ tuần tự hiện ra.
Cũng thế, tôi chỉ cần gỏ vào trí nhớ của mình, nơi cất giữ những kỷ niệm có ‘‘ đề mục ’’ Jeanne D’Arc là tôi có thể viết vài ba trang tùy bút cho tờ Đặc San !
Như vậy nhé…
Nhớ lại một thời Jeanne D’Arc là nhớ lại cả một quãng đời niên thiếu. Từ mẫu giáo, bập bẹ chữ i chữ tờ, dấu sắc dấu huyền cho đến thi tú tài phần một, tôi đều trải qua dưới mái trường này, ngoại trú, nội trú gì cũng có. Chỉ trừ một, hai lớp ở tiểu học, tôi có được qua học bên Đồng Khánh nhưng rồi cũng trở lại Jeanne D’Arc và theo chương trình Pháp. Hai Soeur người Pháp đã dạy tôi nhiều nhất là Soeur Henri và Soeur Evelyne. Hai soeur này tính tình hoàn toàn đối nghịch nhau, một soeur thì nóng nảy, hay la lối, một soeur thì đằm thắm, dịu dàng. Và cả hai gương mặt, dáng dấp cũng thế. Một soeur thì cao lớn với khuôn mặt rắn rỏi, một soeur thì nhỏ nhắn với khuôn mặt trái xoan diụ hiền. Một soeur thì nói tiếng Việt rất giỏi, Một soeur thì không hề nói nhưng chắc là cũng hiểu ít nhiều…Việc học với các soeur thì không có gì đặc biệt. Có lẽ bởi vì tôi cũng chỉ là một đứa học trò không có gì…đặc biệt. Nhưng chắc chắn các soeur đều là những bậc thầy tận tâm, yêu nghề, thương học trò. Và tôi thì thương ngôi trường, thương lớp học, thương cái không khí có vẻ như gia đình, gần gủi, bạn bè như chị em vì mỗi lớp học, đặc biệt theo chương trình Pháp thì không nhiều nên thường thường hai lớp phải gom chung lại thành một lớp. Tôi thích những lớp học ít học trò như thế, thêm nữa, lại là một trường công giáo do các soeur đảm nhiệm nên vẫn mang vẻ gì ấm cúng và tâm linh. Tôi không thể nào quên những bài Thánh Ca vang lên cao vút trong những buổi lễ, những trang Kinh Thánh được nghe, được đọc trong không khí trang nghiêm, thánh thiện.
Dù chẳng phải là công giáo nhưng cha mẹ tôi vẫn thích cho con cái học trường của các soeur hay của các cha thầy dòng vì muốn cho con mình được giỏi ngoại ngữ và hấp thụ văn hóa phương Tây. Chế độ thuộc địa chắc chắn là có những điều tiêu cực nhưng không thể phủ nhận những gì tích cực bên cạnh đó, trên các lảnh vực khoa học, y học, giáo dục, kiến trúc…v.v…
Kỷ niệm mà tôi muốn nhắc đến đây là những tháng năm được học piano với các soeur. Đầu tiên là soeur Gisèle sau đó là soeur Marie Thérèse. Vào khoảng bảy tuổi thì tôi đã được theo học piano. Phòng dạy đàn nơi lầu một của trường tuy không lớn lắm nhưng cũng kha khá, chia làm nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng có một cây đàn cho học trò tập dượt, Các cây đàn này khá cũ kỹ, chắc cũng đã có từ đời Pháp thuộc, điều đáng nhớ là phần lớn̉ chúng đều…trật giây cả, nghe rất ‘‘faux’’ và khi đám học trò lên phòng tập thì cùng một lúc mà bốn năm cây đàn trật giây cùng hòa tấu thì thật là khổ cho cái lỗ tai ! Nhưng rồi cũng quen cả, mạnh ai nấy đàn, hay dỡ gì cũng thây kệ.
Trong khi đó phòng ngoài thì rộng hơn, lớn hơn, được đặt hai cây đàn thật tốt mà một cây thì dùng cho học trò trả bài và được soeur dạy cho bài mới. Một cây kia thì chỉ để dành cho các soeur tập dượt hoặc dùng vào các buổi văn nghệ của trường. Tóm lại, chỉ khi nào trả bài cho soeur mới được đánh đàn tốt, còn lại thì rán chịu với cái đàn trật giây.
Phải nói là tôi rất thích những buổi văn nghệ của trường, thường là vào dịp cuối năm học, lúc trường tổ chức kermesse. Trước đó vài tháng, bọn học trò được chọn để tập dượt múa hoặc đàn đều lấy làm xôn xao hãnh diện, được bỏ ngang vài giờ học để đi tập múa là một điều thật thích thú. Hầu như năm nào tôi cũng được chọn để múa và cả biểu diễn piano. Khi còn ở các lớp nhỏ, được xem các chị lớn múa hay đàn những bản thật khó, thật hay thì tôi thèm thuồng, hay tính nhẩm trong đầu, ừ chắc hai năm, ba năm nữa là sẽ tới phiên mình, mình sẽ múa được điệu Valse của Danube Bleu, sẽ đàn được bản Tristesse của Chopin và đó sẽ là dấu hiệu mình đã trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp mơ màng như các chị ! Ôi thích quá…
Các chị ‘‘đàn chị’’ của tôi hồi bấy giờ về piano là mấy bà chị ruột của tôi và các chị Hương, Bội Tiên…về sau thì có Cẩm Tuyết, Huyền Trang…các bạn ̣đồng lứa thì có Kim Vân, Quyên…
Thần tượng của tôi thời đó là ba chị em Bảo Vân, Bảo Nga và Bảo Nguyệt. Khi ba cô ấy lên sân khấu hát bài Au Clair De La Lune với ba bộ ́áo của anh chàng Pierrot thì tôi sững sờ, say mê. Sao mà hay mà dễ thương mà đẹp quá ! Cái bóng dáng những anh chàng Pierrot này ám ảnh lâu dài trong trí óc tôi và giai điệu của bài hát thì cứ vang mãi trong đầu. Hơn ba mươi năm theo nghề dạy piano, tôi vẫn luôn dạy bài hát này cho đám học trò nhỏ và cái hình ảnh đẹp kia vẫn hiện ra trước mắt.
Một hình ảnh khác cũng không hề phai trong trí nhớ là hình ảnh người đàn bà ôm con chờ chồng trong hoạt cảnh Hòn Vọng Phu. Nếu tôi không nhớ sai thì vai nầy do chị Ánh thủ và gương mặt chị vào đoạn cuối, khi người đàn bà hóa đá, bỗng dưng đã gây cho tôi một nỗi xúc động mạnh mẽ.
Trở lại với những cây đàn trật giây mà mỗi ngày tôi đều tập dượt trên đó, suốt nhiều năm dài, lắm lúc cũng bực bội vì phải chống chọi với những âm thanh trái tai, khi bốn năm cây đàn cùng hòa tấu một lúc thì mình chẳng còn nghe được tiếng đàn của mình, thế là phải đánh thật mạnh, cố lắng tai nghe cho được bản đàn của mình không phải là chuyện dễ. Nhưng tựu trung, trong tôi lúc nào cũng lâng lâng một niềm vui vì tôi yêu thích âm nhạc và thường cảm thấy có điều gi kỳ diệu nơi âm nhạc. Như một thứ ngôn ngữ có thể chia xẻ, diễn tả mọi trạng thái, cảm xúc của tâm hồn. Bởi có thể chia xẻ, có thể diễn tả, có thể nói lên, có thể bày tỏ, bộc lộ tâm tư con người nên âm nhạc giải tỏa và đem lại hạnh phúc cho con người.
Mãi về sau, khi trưởng thành, khi bắt đầu thực sự ‘‘ nếm trải mùi đời’’ và khi âm nhạc đã cứu sống tôi, đã nuôi dưỡng tôi thì tôi mới hoàn toàn am hiểu sâu sắc về âm nhạc. Ngày nay thì ai cũng biết âm nhạc đem lại lợi ích như thế nào cho đời sống tâm sinh lý của con người. Âm nhạc chữa trị, đem lại quân bình, gây tự tin, xóa tan sợ hãi…Về mặt tâm linh, âm nhạc chuyển tải đạo lý, luân lý, đưa con người tiến gần đến Chân Thiện Mỹ.
Và khi hồi tưởng lại những năm tháng tập dượt trên những phím đàn trật giây đo,́ mà như tôi đã miêu tả, khi bốn năm cây đàn cùng trỗi lên một lúc thì phải cố gắng hết sức để lắng nghe tiếng đàn của mình, tôi bỗng rút ra bài học của sự kiên trì, sự tập trung và sự nhất định. Kiên trì là không bao giờ thối lui, làm gì thì phải làm cho tới nơi không bỏ nửa chừng, Tập trung là không lăng xăng, không mất thì giờ với những gì không đáng, không cần thiết. Nhất định là biết rõ mình muốn gì, vạch một con đường thẳng trước mắt và cắm đầu đi.
Chắc chắn là đường đời không bằng phẳng và lặng lờ như giòng sông êm ả, nhưng một khi mình đã kiên trì, đã tập trung và đã nhất định thì cho dù bão tố phong ba mình cũng sẽ thắng lướt.
Lê Khắc Thanh Hoài
Tôi vừa đọc xong bài viết của chị LKTH. Rất cảm ơn chị cho biết những tư tưởng của chị trên bài viết…Có một đoạn ấn tượng và tinh hoa tôi khó quên…”Ngày nay thì ai cũng biết âm nhạc đem lại lợi ích như thế nào cho đời sống tâm sinh lý của con người. Âm nhạc chữa trị, đem lại quân bình, gây tự tin, xóa tan sợ hãi…Về mặt tâm linh, âm nhạc chuyển tải đạo lý, luân lý, đưa con người tiến gần đến Chân Thiện Mỹ.(LKTH). Chính vì chân lý đó mà các truyện văn học- giải trí của tôi, tôi có gắng khéo léo đem âm nhạc phần nhiều. Để tác phẩm có lối viết riêng mình: mới lạ và thực tế bổ ích giải trí hơn. Nhưng không phải tp nào cũng đem được hết sẽ bị nhàm, và không thích hợp thì tôi tránh né… Cái kỵ của văn chương là vô lý và dư… Tôi hiểu…
Thanks bài viết có nhiều kỷ niệm nhớ của chị tác dụng…
Hôm nay mới có thì giờ để ghé vào HX và thấy có comment của bạn Thảo. Xin cám ơn bạn chiếu cố đến bài viết và cùng tâm đắc về giá trị của âm nhạc. Cái gì mà con người có thể với tới thì thường nó cũng bị chi phối bởi hai hướng đi đó gọi là hai cực đoan. Rốt cuộc cái gì trên đời cũng có giới hạn của nó cả. Chúc bạn tiếp tục con đường sáng tác và vững chí với những gì mình thực lòng tin tưởng, tôi chắc rằng kết quả sẽ mỹ mãn.
LKTH