Người Ngâm Thơ Giữa Đất Trời Hà-Nội

Tác giả: Nguyễn Xuân Thiên Tường

Mỗi đầu tháng Du mua vé số với ý-định làm việc từ-thiện. Chàng chỉ cần cạo lượt mực in phía ngoài là biết có trúng hay không. Mặc dù số tiền trúng thưởng của loại số này không lớn lắm nhưng nếu may-mắn cũng có thể giúp được một số người nghèo. Tháng trước không ngờ Du đạt mong-ước giữa lúc chàng dự-tính về thăm quê-hương.

Du quyết-định trở lại Hà-Nội một lần nữa. Ba năm trước chàng đi cùng với các du-khách. Họ thường không đúng giờ. Thêm vào đó người hướng-dẫn lại thiếu khả-năng về văn-hóa nên chàng cảm thấy cần đi thăm các di-tích lịch-sử lại.

Chàng ghé qua nhà bà Thu-Cúc, bạn của mẹ chàng, Bà muốn nhờ một số việc trong đó thực-hiện cuốn băng ngâm thơ. Du tránh những nhóm nghệ-sĩ nổi tiếng đặt nặng vào việc kiếm tiền, lỡ ngâm sai cũng không chịu ngâm lại.

Du đã liên-lac được với Hội, người ngâm được giọng cả ba miền. Hội còn kiếm được giọng nữ Bảo Hoàn mà cả bà Thu-Cúc và anh hài lòng.

Tuy nhiên, bà  dặn anh:
–    Nếu có chuyện gì thay đổi thì cứ tùy-tiện quyết-định. Cái gì anh ưng thì bác cũng ưng. Thỉnh-thoảng gọi điện-thoại cho biết về chuyến đi nhé

Khi Du tới Sài-gòn, chàng hẹn Chi, em gái út người bạn thân sẽ gặp nhau tại địa-điểm làm việc thiện. Vốn tính đơn-giản, chàng chỉ mặc cái quần kaki và chiếc áo ngắn  tay. Người chủ nhà tiếp-đãi chàng lạnh nhạt. Ông ta nói ngay là mình bận nên không có giờ tiếp chàng.
Khi Chi đến, ông vui-vẻ mở cửa. Chi nói:
–    Xin lỗi, tôi  đến muộn,
–    Thưa cô không sao đâu. Tôi luôn có giờ tiếp cô

Chi hỏi::
–      Không biết ông anh tôi từ ngoại quốc về trên đường tới đây chưa?
–     Chưa đâu thưa cô

Du từ phía sau Chi trả lời:
–    Anh đây Chi. Em chào ông đi rồi để dịp khác chúng ta ghé lại.

Chi đoán có chuyện không vui xảy ra. Khi lên xe của nàng, Du  nói:
–    Em khỏe không?

Chi mỉm cười:
–    Thưa khỏe. Còn anh?
–     Anh không có duyên với ông này.

Chi từ-tốn nói:
–    Thôi anh, không làm từ-thiện chỗ này thì có chỗ khác, Mai em tới khách-sạn đón anh ra phi trường đi Hà-Nội nhé. Lần này nhớ kiếm môt cô ở đất ngàn năm văn vật về làm bạn đường.

Du cười thành tiếng:
–     Em bảo anh bị điên. Bị điên thì ai thèm lấy anh đây.

Chi thành-công trong thương nghiệp. Càng thành-công nàng lại càng bị cuốn theo. Có vài người theo đuổi nàng nhưng sau cùng thì cũng lộ ra là vì ham tiền. Chỉ có Du là Chi thấy đặt nhẹ vấn-đề của cải. Nhưng Du không muốn người vợ đam-mê việc bên ngoài. Điều quan-trọng với chàng là gia-đình hạnh-phúc, gần-gũi bên nhau.

Chi ngậm-ngùi nhìn Du::
–     Vâng. Anh luôn sống trong mộng. Anh bị điên nặng không bao giờ khỏi được,
–     Anh xin lỗi em!

Chi mỉm cười:
–     Em có trách gì anh đâu? Ngoài việc kiếm tiền, em không có tài gì khác mà hiểu nổi anh.
–     Có chứ!
–     Tài gì?
–      Làm đại-gia giúp người khốn-khổ.

Chi thì-thầm trong lòng:
–    Đại-gia bất-hạnh!

oOo

Qua lời hẹn trước, Hội mời Du tới gặp ban nhạc buổi sáng nay tại một quán ăn Trong phòng có ba người đang chờ đợi. Người đầu tiên Hội giới-thiệu là nghệ-sĩ Tư Lê chơi đàn bầu rồi tới Trường Vy chơi đàn nguyệt và đàn tranh. Trường Vy ngước lên nhìn Du. Tự nhiên, chàng thấy lòng rung-động vì những nét dịu-dàng của người đàn bà. Ánh mắt của hai người không rời nhau vài giây,

Du gật đầu:
–   Chào cô Trường Vy.

Hội đề-nghị:
–   Anh Du thì ai cũng gọi là bà, là chị, là cô, Chúng ta là nghê-sĩ, cứ gọi nhau là anh chị em đi.

Du sửa lại:
–   Chào Trường Vy vậy.

Tiếng trả lời của người con gái êm-đềm:
–   Vâng, chào anh,

Hội quay lại giới-thiệu tiêp.
–   Đây là Bạch Huệ, em họ của tôi. Bạch Huê chơi sáo và đang tập ngâm thơ.

Bạch Huệ khiêm-tốn:
–   Em theo anh Hội học nghề cho vui thôi anh.
–   Bạch Huệ học nhạc từ bao lâu rồi?

Người con gái trả lời:
–   Thưa anh khoảng ba năm. Thời-gian lâu nhưng tài thì chưa đạt.

Hội gợi cho mọi người nói chuyện với nhau. Hình như có ý chờ-đợi nữ nghệ-sĩ Bảo Hoàn tới. Khoảng nửa giờ sau, Hội từ phía ngoài bước vào phòng, tay còn cầm điện-thoại thở dài:
–   Xin lỗi anh Du, Bảo Hoàn không tới được,

Tư Lê buột miệng:
–   Không tới nhiều lần rồi! Mất thời giờ quá.

Hội nhìn Du dò-xét phản-ứng nhưng thấy Du vẫn điềm-nhiên như không có chuyện gì, chàng nói với nhóm:
–   Anh chị em để tôi thu-xếp. Thôi bây giờ chúng ta sinh-hoạt cho anh Du thưởng-thức tài-nghệ của chúng ta.

Tư Lê đã lấy lại được bình-tĩnh… Anh mang đàn ra gẩy. Tiếng đàn ngân vang như rót  vào lòng Du. Ngày xưa mẹ chàng thuộc gia-đình khá-giả. Bố chàng nhờ tiếng đàn điêu-luyện nên lọt được vào mắt mẹ. Bố có trình-độ học vấn nhưng thường hay bị bệnh. Qua bao nhiêu thăng-trầm trong cuộc sống, mẹ vẫn không ân-hận dù đã có lúc nghèo quá phải bán cả đồ-đạc. Du nhớ lại những ngày Sài-Gòn nắng cháy về nhà được mẹ mua một ly nước mía pha đá cho chàng. Nước lạnh, ngọt-ngào thơm mùi quýt và chan-chứa tình mẹ thương con,.Du muốn ứa nước mắt. Bố mẹ ơi! Con tri-ân tiếng đàn của bố ngày xưa. Không có tiếng đàn đó thì cũng không bao giờ có con…

Khi đàn dứt. Tư Lê vẫn ngồi bất-động. Mọi người cũng yên-lặng. Một lúc sau, những ngón tay Tư Lê chuyển sang bài Lòng Mẹ của Y Vân. Âm-thanh tuyệt-vời vọng sâu vào hồn đứa con lưu-lạc…

Rồi Tư Lê có điện thoại.  Anh buồn-bã đứng lên chào mọi người:
–   Con tôi bị tai-nạn. Rất tiếc tôi phải đi.

Nhiều người hỏi Tư-Lê cùng lúc:
–   Có sao không anh?
–   Có lẽ không nặng lắm,

Rồi Du cám ơn:
–   Hy-vọng sẽ gặp lại. Anh đàn hay ngoài sự tưởng-tượng của tôi.

Du dặn nhỏ Hội. Người trưởng ban nói với Tư Lê:
–   Anh Du muốn đãi anh một chai rượu. Mời anh ra quầy chọn.

Hội đưa Tư Lê ra phòng ngoài.

Bạch Huệ nhìn theo không thấy Tư Lê cầm quà ra về, nàng hỏi:
–     Sao anh Tư Lê về tay không?
Trường Vy khẽ nói:
–     Có lẽ anh Tư Lê lấy tiền. Mê rượu mà vẫn biết nghĩ tới vợ con,

Khi Hội quay lại, chàng giục:
–    Bây giờ tới lượt Trường Vy,

Người nghệ-sĩ trả lời:
–   Tới lượt anh chứ.

Hội lắc đầu:
–   Anh Du ở Mỹ đã nghe anh ngâm thơ vài lần qua điện-thoại rồi,

Trường Vy dịu-dàng:
–   Thôi để em hát Trương Chi của Văn Cao.

Những ngón tay nàng chuyển-động trên 16 dây đàn tranh. Tiếng đàn thành những hạt mưa rơi xuống khắp phòng…

Câu chuyện Trương Chi đã được kể lại trong dân-gian rất nhiều lần nhưng sáng nay qua những lời  đẹp như thơ, qua những dấu nhạc tuyệt-diệu của Văn Cao và giọng truyền-cảm của Trường Vy đã làm Duy say đắm cái buổi chiều trăng nước trong mơ.

Trường Vy ngồi trong yên-lặng một lúc trước khi trình-diễn bài thứ hai, Rồi những giọt âm-thanh từ  cao lại đổ xuống trong bài Đêm Không Cùng của Từ Công Phụng làm Du ngạc nhiên, Hình như những sở thích của cả hai có chỗ giống nhau.Từ Công Phụng là nhạc sĩ có nhiều nét đặc-biệt  Những lời trong nhạc của anh ít người theo kịp, Anh tạo ra một khoảng trời âm-thanh đặc-biệt cho mình,

Du thầm hát cùng nàng:

“Tìm nhau

từng đêm mung-lung nên không cùng.

Tại đêm xanh-xao nên đêm gầy..,

Đêm ưu-tư như cuộc đời chúng mình.”

 

Bài hát chấm dứt nhưng Du chậm phản-ứng. Một lúc sau chàng mới cất tiếng:
–    Cám ơn Trường Vy nhiều.

Trường Vy dấu tiếng thở dài. Tài-năng nàng không còn như xưa. hình như đã không thuyết-phục nổi Du. Có lẽ cũng không còn thuyết-phục nổi ai nữa. Chồng nàng bị thương-tích gần ba năm chưa khỏi. Lợi-tức gia-đình hiện nay chỉ nhờ vào nàng.

Nàng cố ngăn giọt nước mắt nói với Bạch Huệ:
–   Tới phiên em.

Bạch Huệ cầm sáo lên giải-thích:
–   Mời các anh chị nghe em trình-bày bài Phụng Vũ, một điệu cung đình. Điệu nhạc này không phổ-thông như Lưu Thủy, Bình Bán Vắn, Nam Ai.

Bạch Huệ đứng thẳng, môi hồng tự nhiên, tóc ngang vai. Tiếng sáo tươi vui diễn tả con chim phượng đang múa. Nghệ-thuật trình-tấu của nàng khá điêu-luyện.

Khi xong, Bạch Huệ hỏi Du:
–   Được không anh?
–   Được lắm.
–   Anh đã nghe bản này lần nào chưa?
–   Vài lần

Bạch Huê tiếp theo:
–   Ai trình-diễn vậy anh?
–   Nguyễn Đình Nghĩa.

Bạch Huệ than:
–   Tới số rồi. Không hiểu sao em lại chọn bàn này!
–   Ngày xưa anh Nguyễn Đình Nghĩa có lần trình-bày tại Tân Gia Ba trên sân khấu tròn. Tiếng vỗ tay kéo dài ba phút nhưng em trình bầy cũng hay lắm.

Du tiếp:
–   Anh thèm nghe thêm điệu ngâm sa-mạc hay điệu oán. Nhớ quá!

Bạch Huệ sốt-sắng:
–   Được chứ anh.

Nàng quay sang Trường Vy:
–   Chị ngâm bài Ngậm-Ngùi của Huy Cận nhé,
–   Chị có bao giờ trình-diễn ngâm thơ đâu. Chỉ ngâm chơi lúc buồn mà thôi. Đừng để anh Du cười cho đấy.

Hội khuyến-khích:
– Cứ thử đi. Anh muốn nghe.

Khi bài thơ dứt, mọi người đều vỗ tay tán-thưởng,

Trường Vy nói:
–   Trong tập giấy của anh Hội gửi em giừ hộ hôm trước có một số bài thơ không phải của bà Thu Cúc. Vợ chồng em rất thích nên ngâm đi ngâm lại không chán. Có bài đã thuộc lòng, Em mời mọi người nghe

Hội ngăn lại:
–   Chết rồi! Đừng.

Bạch Huệ cười để lộ hai má lúm đồng tiền duyên-dáng:
–   Anh Hội sợ người khác ngâm thơ của mình sao?

Hội không trả lời quay sang Du nói nhỏ:
–   Xin lỗi anh.

Trường Vy lấy lại được sự tự-tin. Giọng ngâm của nàng truyền-cảm và mạch-lạc, … Khi kết-thúc, trên má nàng có những giọt nước mắt chảy xuống. Nàng nghẹn-ngào:
– Bài thơ hay quá!

Du ngậm-ngùi nói:
–   Trường Vy thật đa-cảm.

Chàng nhìn mọi người trong nỗi xúc-động.
–   Cám ơn anh Hội, anh Tư Lê, Trường Vy và Bạch Huệ. Hôm nay tôi có một ngày đầy-đủ.

Bạch Huệ cảm thấy gần-gũi Du. Nàng hỏi:
–   Anh có thể vui lòng góp ý với em không?
–   Chuyện gì?

Bạch Huệ nhìn thẳng Duy:
–   Xin cho biết khuyết-điểm của em.
–   Em đã thổi được bài Phụng Vũ như thế thì nghệ-thuật đã là cao rồi!

Bạch Huệ lắc đầu:
–   Em đâu hỏi như vậy. Em hỏi khuyết-điểm của em cơ mà.
–   Khó cho anh rồi! Anh biết nói gì đây.
–   Xin anh cứ nói ra.

Duy chậm lại một chút mới trả lời:
–  Đốt dưới của ngón trỏ bàn tay trái em ấn sáo vào môi vững nên khi chơi những bản nhạc nhanh sáo cũng không lỏng ra. Đó là một ưu-điểm. Tuy nhiên, đốt trên của ngón khi đập xuống huyệt thông hơi chưa nhanh tuyệt-vời. Có người làm nhanh đến nỗi chỉ nhìn thấy vệt ngón tay. Có lẽ họ quen chơi harmonica chăng?
À quên còn ưu-điểm này nữa, sáu ngón tay em đặt song song trên sáo, đẹp lắm.Gì nữa anh?

Du mỉm cười:
–   Chừng nào làm được thì sẽ nói tiếp,

Bạch Huệ than:
–   Có lẽ cả tháng nữa cũng chưa xong!

Trường Vy hỏi:
–   Còn khuyết-điểm của em?
–   Anh không rõ lắm đâu.

Nàng năn-nỉ:
–   Xin anh cứ nói đi mà.

Du trả lời:
–   Anh thường nghe mỗi cuối câu thơ người ngâm “ngân” chứ ít khi “rung” như hát.

Trường Vy hỏi:
–   Thế sao anh Hội không nói?

Hội cười:
–   Anh làm theo thói quen chứ không phân-tích được như anh Du.

Bạch Huệ nói:
–   Anh Du ơi! Anh ngâm một bài thơ cho chúng em nghe nhé?

Du thoáng có nét buồn:
–   Từ lâu lắm rồi anh không còn ngâm thơ nữa. Thông-cảm cho

Hội ngăn mọi người:
–   Đừng ép anh Du.

Du chuyển hướng  câu chuyện:
–   Cám ơn anh Hội. Thôi để đền bù thì tôi mời anh chị em người cùng ăn một bữa cơm được không?

Mọi người ngồi vào bàn. Hội nhớ tới lời bà Thu Cúc cho biết là Du tốt bụng, đâm-ấm nhưng cũng nguyên-tắc. Bà còn nói Du từng có mối tình làm anh tổn-thương nặng-nề nên bà khuyên đừng giới-thiệu những người thiếu đứng-đắn hay phô-trương với Du.

Hội nghĩ về những chuyện xảy ra hôm nay nên quay sang Du:
–   Anh Du ơi! Thật nghĩ-ngợi với anh về chuyện Báo Hoàn không tới mà tôi cũng chưa kiếm được người thấu-triệt văn-hóa đất Thăng Long để đưa anh xem thắng-cảnh. Có lẽ tôi sẽ đưa anh đi.

Du mỉm cười:
–   Còn gì nữa không?
–   Có người bảo tôi rủ anh ra Hồ Gươm kiếm một cô Hà thành đẹp như Thị Lộ nhưng tôi vẫn chưa làm được.

Du nói:
–   Tôi không tài-hoa như vị đệ nhất công-thần của Lê Lợi nên không thể kiếm được cô nào đẹp và có tài đâu. Hình như Bạch Huệ đang cười anh phải không?
–    Đâu có.
–    Có mà. Anh thấy rõ-ràng em cười trong mắt.

Bạch Huệ vui-vẻ:
–   Em xin góp ý một điều. Lê Lợi coi trọng những người xông-pha giữa rừng tên, mũi dáo nên Nguyễn Trãi chỉ được xếp hạng 28.

Du ngạc nhiên:
–   Ai nói với em.

Bạch Huệ chỉ một ngón tay sang phía Trường Vy:
–   Bà chị đây.

Du mỉm cười:
–   Giỏi lắm. Anh không ngờ đấy.

Trường Vy trả lời:
–   Em đọc trong bản ghi công mà thôi.
–  À, chùa Trấn Quốc có lịch-sử khoảng 1500 năm nên chắc có nhiều giai-thoại. Kể cho anh nghe khi có dịp được không?
–   Em vắn-tắt kể một chuyện bây giờ.

Du đồng-ý:
–   Em kể đi.
–   Đây là câu chuyện trên facebook qua lời của bà Tôn Nữ KC. Bà sinh trưởng ở Huế theo gia-đình vào Sài Gòn từ nhỏ. Bà đã được nhà trường đưa đi du-ngoạn ngôi chùa lịch-sử Thiên Mụ của quê-hương minh, từng được nghe tiếng chuông chùa ngân vang và từng nghe nhiều lần câu ca-dao:

“Gió đưa cành trúc la-đà,
Tiếng chuông Thiên-Mụ canh gà Thọ-Xương”.

Rồi theo vận nước nổi trôi, bà xa Việt-Nam đến hai mươi năm sau mới trở lại. Bà ghé thăm chùa Trấn Vũ. Lang-thang giữa những cột trụ bà thấy có một lá phướn vẽ hình cây trúc thanh-nhã treo trên một cột trụ của đền với hai câu thơ:

Gió đưa cành trúc la-đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương…”

Lần đầu tiên thấy hai chữ Trấn Vũ thay  cho chữ Thiên Mụ trong câu ca-dao Huế làm bà vừa ngạc-nhiên vừa tức giận. Trấn Vũ nào đây? Rõ-ràng tiếng chuông Thiên Mụ đã in trong sách đàng-hoàng tại sao lại thành Trấn Vũ?
Bà không phải là người đầu tiên cảm thấy sự bất thường này vì ngay dưới chữ Trấn Vũ đã có người viết lại chữ Thiên Mụ. Rồi hai chữ Thiên Mụ cũng bị người khác gạch bỏ viết lại thành Trấn Vũ. Tiếp-tục như thế trên chục lần.

Bà Tôn Nữ KC không chút ngại-ngùng thắng tay gạch bỏ hai chữ Trấn Vũ và nắn-nót viết lại hai chữ Thiên Mụ.
Về Mỹ bà tìm-tòi thêm và biết được bốn câu:

“Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
 Mịt mù khói tỏa ngàn sương
 Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

là của Dương Khuê viết khoảng năm 1870.

Thật ra, không phải chỉ mình bà từng thắc mắc mà một số các học giả từ trong đến ngoài nước đã qua nhiều lần bàn cãi tiếng chuông Thiên Mụ hay tiếng chuông Trấn Vũ? Rồi đưa đến giả-thuyết đó là tiếng chuông Trấn Vũ, bởi vì cả bốn địa danh Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, và Tây Hồ cùng ở trong một địa phương ở phía tây cố đô Thăng Long.

Tuy nhiên theo nhiều học giả khác thì câu ca-dao Thiên Mụ cũng hay, cũng đúng. Chẳng qua là sự trùng-hợp hiếm-hoi mà thôi.

Trường Vy nhìn Du hỏi:
–    Anh nghĩ sao?
–   Thật là thích-thú. Thích-thú qua giọng em kể. Thích thú về sự khách-quan của bà Tôn Nữ KC. Thích thú về nhà chùa cứ để mọi người phát-biểu không lấy lá phướn xuống.

Du nhìn Trường Vy nói:
–   Cho anh nghe một chuyện nữa được không?

Trường Vy kể chuyện Nữ Thần Tự-Do mà người ta còn gọi là “bà đầm xòe” trên Tháp Rùa. Đó là tượng làm theo mô-hình của bức Nữ Thần Tự-Do tại Mỹ. Bức tượng được mang tới Việt Nam trong dịp Hội Chợ Đấu Xảo tại Hà Nội năm 1887. Sau đó được đặt tại vườn hoa trước Ngân-Hàng Đông Dương rồi lại bị chuyển đặt trên đỉnh Tháp Rùa, nhường chỗ cho tượng Paul Bert. Chỉ một thời gian rất ngắn tượng Đầm Xòe bị đổ…Khoảng năm 1896 tượng chuyển về vườn hoa Quảng Vân đình. Năm 1945 thị-trưởng Hà Nội ra lệnh giật đổ tượng Paul Bert và tượng bà Đầm Xòe.

Cả Duy và Bạch Huệ đều vui dự vào cuộc thảo-luận.

Hội chờ đợi nhưng sau cũng phải nói:
–   Mới gặp nhau nửa ngày mà đã bàn-cãi như thế này rồi! Thôi để anh Du về nghỉ-ngơi. Tôi cũng phải gọi điện thoại kiếm người cho anh ấy.

Chàng quay sang Du:
–   Bảo Hoàn mới gọi đòi tăng giá 25 phần trăm. Anh nghĩ sao?

Du trả lời:
–   Thôi, cám ơn cô ta đi.

Du nhìn thấy nét thất-vọng trên khuôn mặt xanh-xao của Trường Vy và vẻ thoáng buồn của Hội và Bạch Huệ.
–   Tôi đã nghĩ mời người khác nhưng chưa biết họ có nhận lời không?

Hội hỏi:
–   Ai vậy anh?
–   Trường Vy.

Trường Vy giọng hơi run:
–   Em sao? Liệu có được không anh?
–   Anh đã nghe Thái Thanh, Lệ Thu và Ánh Tuyết hát Trương Chi. Họ hát rất hay. Hôm nay lại nghe em hát. Giọng em cũng rất vững và thích-hợp với anh.

Dừng một chút, Du lại nói:
–   Đây là lúc tế-nhị nhưng vẫn cần rõ-ràng. Thay vào chỗ của Bảo Hoàn, Trường Vy muốn bao nhiêu?

Trường Vy khẽ trả lời:
–   Tùy anh Hội quyết-định.
–   Dì-nhiên là có anh Hội quyết-định nhưng phần em là bao nhiêu?

Trường Vy rưng-rưng nước mắt:
–   Em đang ở trong hoàn-cảnh kẹt. Anh trả khoảng 70% của Báo Hoàn được không?

Du xúc-động.  Chàng có người em họ xin tiền sửa nhà. Cậu em than-van đủ chuyện. Vài tháng sau cậu ta nói đã gần sửa xong và yêu-cầu giúp nữa, Khi anh về lần này thì nhà đã bán từ lâu, đâu có sửa chữa gì.

Chàng nghĩ tới sự thành-thật của Trường Vy rồi nỗi khó-khăn của nàng.
Du im-lặng một lúc  mới trả lời:
–   Có lẽ không đồng-ý như vậy được.

Hội có vẻ thất-vọng nhưng Du tiêp theo:
–   Về thù-lao của Trường Vy, anh đề-nghị trả ngang với Bảo Hoàn cộng thêm 50%. Người khác cũng tăng 50% theo vai-trò của mình. Anh Hội trả tiền cho mọi người trước đi, nhỡ có trục-trặc gì ngoài dự-định thì cho tôi biết.

Hội nghĩ tới lời bà Thu Cúc nên thầm nói:
–   Anh Du nguyên-tắc nhưng rộng-rãi thật.

Du nói tiếp:
–   Còn việc nữa. Trường Vy có thể hướng-dẫn anh thăm các thắng-cảnh được không?

Trường Vy ngần-ngại:
–   Cho em xin ý-kiến chồng em rồi trả lời.

Du gật đầu:
–   Dĩ nhiên là phải thế rồi,

Trường Vy cầm điện-thoại ra khỏi phòng, Bạch Huệ nói nhỏ:
–   Chị ấy rất tế-nhị với chồng. Anh ấy tên là Sơn.

Du nghĩ tới bà Thu Cúc. Các con cái vắng nhà suốt ngày nên cô-đơn. Chàng thỉnh-thoảng thăm hỏi nên bà quý anh. Chợt một ý nghĩ thoáng qua, anh hỏi:
–   Bạch Huệ có bận không?
–   Thưa anh, không bận lắm.

Duy hỏi tiếp:
–   Em có thể dành ra mỗi tuần chừng một, hai tiếng đồng hồ giúp anh không?
–   Có lẽ được anh, Mà là việc gì đã.

Du giải-thích:
–   Anh có bà bác ở Mỹ cô-đơn. Em liên-lạc nói chuyện hộ anh cho bà ấy bớt buồn.

Bạch Huệ lắc đầu:
–   Em biết nói chuyện gì đây?
–   Chuyện gì cũng được. Chuyện về em, chuyện về bà ấy, chuyện về anh, chuyện làm CD thơ, chuyện du-ngoạn mỗi ngày, … Chỉ cần thành-thật và biết lắng nghe thôi.

Bạch Huệ vui-vẻ:
– Thế là anh cho em đi thăm thắng cảnh cùng với chị Trường Vy phải không? Đêm nay em hỏi mẹ rồi sẽ cho anh biêt.

Trường Vy trở lại. Bạch Huệ vội hỏi:
–   Được anh Sơn bằng lòng chứ chị?
–   Được.
–   Anh Du cũng cho em đi cùng.
–   Thế thì tốt quá!

oOo

Thành phố Hà Nội do Trường Vy hướng-dẫn Du thăm mãi mà chưa hết. Các hãng du-lịch thường đưa khách đi quan-sát Hà Nội chỉ chừng một, hai ngày. Những câu chuyện văn hóa mà Tường Vy kể đều có sức hấp-dẫn. Chàng đã thăm được gò Đống Đa, chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, nhà Thờ Lớn, làng Vòng, làng gốm Bát Tràng, Cửa Bắc với những giai-thoại phong-phú do hai chị em Tường Vy, Bạch Huệ giải-thích.

Hà Nội có nhiều phố nhưng chỉ có 36 phố phường. Phường đây là chỉ những nhóm cùng làm chung một nghề. Chàng chưa bao giờ có dịp nhìn thấy hết các phường này như trong các sách xưa cũ. Bạch Huệ thuê xích-lô chở mọi người đi một vòng. Buổi tối, trời mát, hai chiếc xích-lô từ từ qua các con đường. Du nhìn thấy một vẻ đẹp khác của Hà-Nội mà hãng du-lịch thường không có trong chương-trình,

Chàng cũng được đưa đi coi Múa Rối Nước, một nghệ-thuật dân-tộc có từ trên ngàn năm trước. Rạp khá lớn, nhiều du-khách ngoại-quốc cũng có mặt. Chàng ngồi giữa hai người con gái. Lúc sau có một thanh-niên đi  ngang qua rồi quay lại ngồi cạnh Bạch Huệ. Anh này gợi chuyện với nàng, Nhờ đó, Du mới biết anh là  kỹ-sư từ Canada về. Anh ta cởi-mở nhưng nói nhiều. Bạch Huệ chỉ ậm-ừ cho qua, thỉnh-thoảng lại ngước nhìn Du cầu-cứu.  Anh gật đầu. Nàng lắc đầu. Rồi Du gật đầu, Rồi Bạch Huệ lại lắc đầu.

Khi đèn tắt, trò vui dưới nước bắt đầu. Du không hiểu sao mà các  “quân rối”  lại chuyển-động khéo-léo như vậy. Chương-trình thật hấp-dẫn, Thỉnh thoảng Bạch Huệ khẽ kéo áo Du cho tới lúc chàng trỏ tay về phía sân khấu. Nàng bắt chước quay sang chàng thanh-niên rồi cũng chỉ lên sân khấu thì anh mới hết nói.

Du mỉm cười, lòng vui vui. Một lúc sau, chàng cảm thấy nằng-nặng một bên vai, Trường Vy ngả đầu sang chàng, hơi thở nhẹ-nhàng. Du ngồi im, ngại nàng tỉnh dậy. Hôm nay họ đi thăm nhiều nơi. Du thì-thầm trong lòng. Em hãy ngủ yên. Anh muốn là điểm tựa cho em được phút nào hay phút đó, được giờ nào hay giờ đó. Cuộc đời em thật tội-nghiệp!

Hội từng kể cho chàng nghe vài năm trước Trường Vy là một ca sĩ đang lên. Gã trưởng ban nhạc ngỏ ý muốn liên-hệ tình-cảm với nàng nhưng bị từ-chối. Tại phòng thu âm vắng người, hắn định giở trò đồi-bại  May mắn là có Sơn can-thiệp kịp thời. Sơn lúc đó chưa là chồng nàng và cũng không là người yêu của nàng. Anh đánh hắn một trận. Vài tháng sau, anh bị trận đòn thù nằm liệt một chỗ. Tiền bạc của anh đến chỗ kiệt quệ, Trường Vy tới thăm, săn-sóc  rồi làm vợ anh.

Đèn trong rạp Múa Rối Nước bật sáng. Buổi trình-diễn kết-thúc,Tiếng ồn của nhiều người đứng lên làm Trường Vy tỉnh dậy. Nàng luống-cuống nhìn Du:
–   Em xin lỗi anh. Sao anh không đánh thức em?
–   Em ngủ ngon chứ? Hôm nay di-chuyển mệt quá phải không?
–   Em …., em …,

Du ôn-tồn an-ủi:
–   Em trong sạch như giọt sương buổi sớm. Có gì đâu mà ngại..
–   Em cám.. ơn anh. Em sơ ý quá. Xin lỗi anh lần nữa

Giọng chàng ân-cần khiến người đàn bà cảm-động:
–  Muộn rồi! Đêm nay anh sẽ đưa các cô về tận-nhà. Mai chúng ta nghỉ một ngày nhé.

Du quay sang Bạch Huệ. Nàng đang chờ mọi người về bớt mới có lối đi. Chàng nói:
–   Anh không biết tại sao “quân rối” lại tài-tình như vậy.
–  Trong cuốn Thiền Học Việt-Nam của học giả Nguyễn Đăng Thục có chổ trích-dẫn là máy-móc. Thật ra là do người khéo-léo điều-khiển trong “buồng trò”, không liên-quan đến máy-móc,
–   Phục em đấy! À, mai chúng ta nghỉ một ngày.

Bạch Huệ lắc-đầu:
–   Đừng anh. Trong chương-trình thì ngày mai không nghỉ? Em muốn đi cùng anh.

Du nhìn nàng, gật đầu:
–   Cũng được. Đi thăm mấy cội lộc vừng bên hồ Gươm nhé. Anh chưa thấy bao giờ. Anh đưa em ăn chả cá Lã-Vọng.

Bạch Huệ cười tươi:
–   Cám ơn anh. Em sẽ kể chuyện cá anh-vũ cho anh nghe.

Chàng thanh-niên từ Canada mỉm cười. Anh vô-tình biết được địa-điểm hôm sau gặp Bạch Huệ.

oOo

Hai người ngồi trên ghế bên hồ Gươm.

Bạch Huệ kể rằng thỉnh-thoảng nàng tới đây nhìn sóng nước nhất là trong mùa cây lộc vừng thay lá, nở hoa. Khoảng tháng hai, tháng ba là mùa xuân cho các loại cây khác nẩy mầm nhưng lại là mùa lộc vừng lá vàng lung-linh đáy nước, sang đầu tháng tư lộc vừng nở hoa trải thảm đỏ trên mặt hồ. Hoa nở vào lúc xế chiều cho đến sáng hôm sau thì rụng.

Bạch Huệ phát-biểu:
–   Đáng lẽ hồ Gươm nên được chọn là biểu-tượng của thành phố Hà Nội. Hình ảnh Rùa đòi lại gươm thiêng sau khi chiến thắng giặc Minh rất có ý nghĩa. Tiếc thay người ta không nhìn thấy vẻ đẹp văn-hóa nơi truyện nhân-gian này. Người của thành phố chọn Văn Miếu Quốc Tử Giám. Rồi khách viếng thăm chỉ nhìn thấy xác rùa ở đền Ngọc Sơn hay trong viện bảo tàng. Họ biết được xác rùa lớn nhất là 2 mét chứ không biết thêm được cái ý-nghĩa rộng lớn của sự vật.

Thật ra, rùa của hồ Gươm có mai mềm nên gọi là con ba ba mới đúng. .

Có tiếng vỗ tay từ phía sau.
–   Hay quá!

Chàng thanh-niên từ Canada hỏi:
–   Loại “ba ba” này còn ở Việt Nam nữa không?
–   Có lẽ còn ở Đồng Mô, Sơn Tây.

Du quay đầu lại đứng lên bắt tay anh ta.
–   Chào anh. Hân-hạnh gặp lại

Rồi Du nhìn thấy Trường Vy đang kiếm-tìm. Chàng dặn Bạch Huê:
–   Trường Vy tới rồi! Em cứ ngồi đây, anh trở lại.

Du bước về phía Trường Vy ân-cần:
–   Sao lại tới đây?
–   Em không biết, hình như có ma-lực thúc-đẩy không tới không được.
–   Em còn mệt không?
–   Không anh. Nếu không thấy anh, em sẽ mệt hơn.

Trường Vy nhìn Du đăm-đăm rồi mỉm cười:
–   Sáng nay em kể với anh Sơn về chuyện ngủ quên trên vai anh.
–   Anh Sơn nói sao?

Anh ấy thích câu nói của anh: “Em tinh-khiết như giọt sương buổi sáng. Việc gì mà sợ”. Anh Sơn muốn hỏi những bài thơ trong tập tài-liệu anh Hội có phải của anh không?

Du chợt nhớ một người bạn có lần nói một khi tác-phẩm đã hoàn-tất thì nó là của chung độc-giả nên trả lời:
–   Thơ đó không là của anh.
–   Đáng tiếc thật. Không hiểu sao em vẫn thấy hình bóng của anh trong đó.

Rồi Trường Vy lại hỏi:

–   Thật ra chồng em hỏi có phải anh là tác-giả không?

Du thấy người đàn bà thông-minh. Anh nói tránh:
–   Thôi, chúng ta ra gặp Bạch Huệ đi

Trường Vy phản-ứng dễ thương như một đứa trẻ. Nàng cương-quyết:
–   Không trả lời thì em không đi đâu hết.

Du đành gật đầu. Trường Vy nhìn thẳng vào mắt Du nói:
–   Anh Sơn rất thích thơ của anh. Còn em thì mê thơ anh.

Khi hai người trở lại thì chàng thanh-niên đang ngồi trên ghế đá cùng Bạch Huệ. Chàng có vẻ nể-phục kiến-thức của người con gái. Bạch Huệ cho biết là sau khi cha mất, nàng hay đọc những cuốn sách của ông, rồi đọc tài-liệu trên Internet và cũng chịu ảnh-hưởng của vợ chồng Sơn.

Chàng thanh-niên nói:
–   Cám ơn cô nhiều. Tôi đã được biết hết góc cạnh của hồ Gươm này.

Bạch Huệ lắc-đầu;
– Chưa hẳn đúng đâu anh. Thăng Long là kinh-đô ngàn năm văn vật mà Hồ Hoàn Kiếm như một tấm gương phản-ánh phần nào những hình bóng đã qua. Làm sao mà ai biết hết được? Anh có biết thân-phụ của người tài sắc Thị Lộ bị giặc Minh giết không? Anh có biết hòn đảo giữa hồ từng được xây “điếu đài` để vua Lê Thánh Tôn câu cá không? Anh có biết cầu Thê Húc với kiến-trúc đơn-sơ nhưng được nhìn như một giải lụa đào trên thành phố cổ-kính này không? Anh có biết mỗi ly tấc của hồ Gươm là một cái neo cho tâm-hồn người xa xứ không?

Vài phút sau, nàng đứng dậy nói:
–   Thôi nhé, xin lỗi anh. Rất tiếc là tôi có việc riêng nên phải từ-giã.

Người thanh-niên ngậm-ngùi:
–   Cô có kiến-thức rộng. Giọng rất êm-ái. Cám ơn cô đã chia sẻ.

Bạch Huệ cười:
–   Tôi có bà chị, kiến-thức rộng gấp mười lần tôi, giọng nói ngọt-ngào gấp trăm lần tôi.
–   Cho tôi số điện thoại được không?
–   Xin lỗi anh. Chị ấy không làm cho hãng du-lịch,.

Bạch Huệ tiến gần tới chỗ đứng của Trường Vy. Nhìn dáng-điệu thanh-thoát của nàng, Trường Vy buột miệng:
–   Thật là khả-ái!

Bạch Huệ hỏi:
–   Chị nói gì?

Trường Vy nhìn Du đứng cách đó vài thước rồi nói khẽ:
–   Hôm nay chị đã nhìn thấy Thị Lộ rồi!

Bạch Huệ liếc sang Du:
–   Chị nói gì? Cẩn-thận không lại có hiểu lầm.
–   Càng tốt chứ sao?

Bạch Huệ mất bình-tĩnh, năn-nỉ:
–   Em xin chị đấy.

Du bước tới nói:
–  Em có muốn nói chuyện thêm với anh ở Canada không? Anh và Tường Vy đi loanh-quanh một lúc nhé!|
–  Không. Không. Em muốn đi với anh.

Ba người vào chùa Trấn Quốc. Bạch Huệ tìm chỗ đứng cho hai người rồi dặn:
–   Anh chị đợi em ở đây. Nhớ đừng rời chỗ này.

Bạch Huệ đi một lúc lâu mới trở lại. Nàng than:
–   Khó quá!

Trường Vy thắc-mắc:
–   Khó cái gì?
–   Em vào mời sư trụ-trì chụp với anh Du một tấm hình kỷ-niệm mà họ không cho.

Trường Vy bật cười:
–   Mọi khi em nhát như thỏ mà sao hôm nay bạo-dạn như vậy.

Bạch Huệ than:
–   Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là anh Du đi rồi!

Trường Vy trêu:
–   Có lẽ anh Du trở lại chỗ cây lộc-vừng 9-gốc bên hồ gươm để chụp ảnh với Thị Lộ thì tốt hơn.

Bạch Huệ cuống-quýt:
–   Chị ơi! Em xin chị.

Ba người đến quán bánh tôm hồ Tây. Đây là loại bánh nổi tiếng dù vật-liệu làm bánh chỉ cần bột mì, khoai lang thái chỉ, tôm đặc-sản hồ Tây, rau thơm làng Láng, đu đủ xanh, nước chấm,.. Ăn bánh tôm hồ Tây là thấy cả sự hòa-hợp của mùi vị cay, chua, mặn, ngọt!

Bạch Huệ nói:
–   Hôm nay em mời anh chị vì có tin vui

Trường Vy hỏi:
–   Mừng Bạch Huệ, Tin gì vậy?

Khi ngồi vào bàn Bạch Huệ mới nói:
–   Bà Thu Cúc muốn em đi học thêm vài năm. Bà ấy chi trả hết mọi thứ. Đây là số tiền lớn hơn cả lương của mẹ em kiếm được.

Trường Vy vui vẻ:
–   Bà Thu Cúc tốt bụng. Bà ấy chắc giàu lắm.

Du lắc đầu:
–   Bà Thu Cúc không giàu, bà chỉ có lương già. Ba người con thì giàu. Bà sống với gia-đình người con trưởng nên gần như không phải tiêu-pha gì. Mỗi người con thỉnh-thoảng cũng biếu mẹ thêm tiền. Tích “tiểu” thành “đại” nên cũng dư.

Bạch Huệ nhìn Du xúc-động:
–   Anh đã nói tốt cho em phải không?
–   Bà Thu Cúc giúp-đỡ vì thực-sự yêu mến em. Anh đã phải nghe đi, nghe lại đầy tai: Huệ lễ-độ, Huệ khôn-ngoan, Huệ lắng nghe, Huệ dịu-dàng, Huệ giản-dị, Huệ thông-minh, Huệ hồn-nhiên. Huệ có lòng, Huệ thẳng-thắn…Ôi nhiều quá! Cho anh nghỉ một chút mới kể hết được. Em có biết sau khi anh rời Mỹ, bà Thu Cúc bị nghiện nặng không?

Bach Huệ sửng-sôt:
–  Trời ơi! Nghiện gì?
–  Nghiện cô nghệ-sĩ đất Hà thành!

Trường Vy cười thành tiếng với Du:
–   Anh thường nghiêm-trang nhưng không ngờ biết đùa đến như vậy,

Du mỉm cười:
–   Anh biết chê nữa.

Bạch Huệ mời gọi:
–   Chê em đi.

Du cười:
–   Anh hỏi điều này. Em may quần áo ở tiệm thời-trang nào?

Lần này Trường Vy cười phá lên:
–   Thấy chưa? Chị nói với em nhiều lần mà không nghe.

Rồi nàng giải-thích cho Du:
–   Bạch Huệ thích mặc quần áo cũ của mẹ nên lùng-thùng và không hợp thời.

Du gật-gù:
–   Đáng phục thât!

Huệ không hề ngượng-ngùng:

–   Em là nghệ-sĩ thổi sáo, không phải nghệ-sĩ trình-diễn. Có ai nhìn em đâu mà sợ.

Ba người chuyện trò vui vẻ như đã sống trong cùng mái nhà.

Đến khi gần xong bữa. Bạch Huệ ngồi im, nước mắt chảy ra. Du ân-cần;
–   Chuyện gì vậy?

Bạch Huệ lắc-đầu.

Du lại hỏi:
–   Anh đã sơ ý điều gì?

Trường Vy trả lời:
–   Có lẽ tại chị chăng? Chị xin lỗi Bạch Huệ,

Bạch Huệ lắc đầu:
–   Anh Du đối với ai cũng tế-nhị. Kể cả đối với em. Em ăn chậm nên tưởng anh ấy cũng vậy. Anh đợi khi em ăn xong, anh ấy mới xong. Bà Thu Cúc nói tại anh ấy lịch-sự. Bình thường anh ấy ăn nhanh. Hôm nay nghiệm lại, đúng như bà giải-thích.
Có ai trên đời để ý tới chúng ta như thế đâu?

Khi nhà hàng tính tiền, Bạch Huệ khăng-khăng nhất định trả:
–   Hôm nay là của em.

Rồi cả ba cùng đi ra đường Cổ Ngư, con đường ngăn giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Trường Vy bỗng hỏi Du:
–    Hôm nay anh Du có ước-muốn gì không?
–    Bố anh suốt đời nhớ về quê cũ. Ông không có ngày trở lại. Nhà nghèo không có máy nghe nên mỗi lần có bài hát hướng về Hà Nội ông phải nghe lỏm của hàng xóm. Giá ông được nghe em hát một lần!

Bạch Huệ tha-thiết nhìn Du:
–   Vâng, thưa anh. Hôm nay là một ngày quan-trọng. Có gió thổi qua mặt nước hồ Tây và hồ Trúc-Bạch. Có Trường Vy– Bạch Huệ. Có thơ của người viễn xứ. Có bài hát đặc-biệt kính tặng ba anh Du. Có giọng ngâm Tao Đàn Hà Nội. Có sân-khấu Đất-Trời. Mời chị Trường Vy bắt đầu,

Trường Vy cất giọng hát bài Hà Nội Ngày Tháng Cũ của Song Ngọc. Tiếng ca như thấm sâu tận đáy hồn Du:

Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường
vi

Du nghẹn-ngào cám ơn Trường Vy:
–   Em hát hay quá. Linh-hồn bố anh hôm nay chắc cũng đã thưởng-thức giọng hát của em.

Trường Vy duyên-dáng giới-thiệu:
–   Sau đây là giọng ngâm thơ chính của chương-trình: cô Bạch Huệ. Cô sẽ ngâm bài thơ của một người lưu-lạc mà chúng tôi yêu mến.

Bạch Huệ mỉm cười với Du.  Chàng bàng-hoàng không ngờ nàng ngâm thơ vững và truyền-cảm đến thế. Nàng diễn-tả được những điều chàng muốn nói và cả những ẩn ý bài thơ không nói ra. Khi nàng dừng lại Du vẫn thấy âm-thanh còn đọng trên khoảng trời xung-quanh.

Chàng nhìn vào đôi mắt đẹp của nàng rồi khen:
–   Cám ơn em, thật không thể tưởng-tượng được!
–   Anh phải coi chừng, em cũng đã yêu thơ anh rồi đó!

Bạch Huệ ra hiệu với Trường Vy. Cả hai cùng nói:
–   Chúng em chúc mừng sinh-nhật anh.

Du chưa hết ngạc-nhiên:
–   Các cô biết là sinh-nhật của anh lúc nào vậy?

Trường Vy nhìn sang Bạch Huệ rồi trả lời:
–   Bà Thu Cúc gọi điện thoại cho hay khi chúng ta còn ở trong chùa.

oOo

Xe tới đón đi Chùa Hương. Sau khi hai người đàn bà đã lên xe thì Du cũng mở cửa trước để ngồi cạnh tài xế.
Du nói:
–   Chào anh Thành. Nghe anh Hội nói anh quen thuộc với Chùa Hương.
–   Em không biết nhiều như anh Hội nghĩ đâu.

Trường Vy nói:
–   Em chỉ thăm chùa có một lần nên anh Hội muốn anh Thành nói chuyện trên đường tới đó.

Thành cười:
–   Đại-khái vùng Chùa Hương ngày nay là quần thể chùa của Phật giáo, một số đền thờ thần- linh, đình thờ tín-ngưỡng nông-nghiệp. Chùa Hương cách Hà Nội khoảng 70 cây số, nằm theo ven bờ phải của sông Đáy. Mỗi năm Lễ Hội Chùa Hương bắt đầu từ ngày 6 tháng giêng đến hạ tuần tháng ba, náo-nhiệt, khói hương nghi-ngút.

Chùa Ngoài gồm các kiến-trúc nhân-tạo. Chùa Trong là nơi khung cảnh thiên-nhiên. Động Hương Tích vần còn lưu-lại năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”  trên vách do Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm viết năm 1770.

Bạch Huệ hỏi:
–   Mùa nào thì Chùa Hương đẹp?

Thành trả lời:
–   Mùa nào cũng đẹp. Mùa này sương khói mơ hồ bên sườn núi. Đẹp hơn trong tranh!

Bạch Huê lại hỏi:
–   Mùa khác thì sao?
–   Khoảng tháng ba hoa gạo nở đỏ hai bên bờ suối Yến, lối vào chùa Thiên Trù và cả nơi động Hương Tích. Màu đỏ của hoa, màu xanh của núi rừng, nét rêu phong của mái chùa. Đẹp lắm! May ra mấy người viết văn, làm thơ mới diễn-tả nổi

Thuở xưa, mùa xuân có hoa mơ nở trắng bên đường lên động. Tôi còn nhớ hai câu thơ:
Rừng mơ ôm lấy núi
Mây trắng đọng thành hoa…

Thành giải-thích thêm về lộ-trình:
–   Tới Bến Đục thì anh chị em lên thuyền. Tôi ở lại bờ chờ mọi người về. Coi chừng mực nước không nông đâu. Có một cụ già xa quê-hương nhiều năm vẫn mơ về thăm Chùa nhưng khi tới đây nghe nói nước sâu, từ Suối Yến đi thuyền mất cả tiếng đồng hồ thì không đi nữa. Cụ không ngờ rằng dù đi thăm nhiều nơi, nếu không nhìn thấy cảnh vùng Chùa Hương thì cũng mất đi gần nửa cái thú-vị rồi.

Trường Vy khen Thành:
–   Anh Thành biết nhiều thật.

Thành cười:
–   Đêm qua tôi vào mạng ôn lại, biết gì nhiều đâu.

Khi mọi người xuống xe sang thuyền, Bạch Huệ loay-hoay cầm một cuộn dây. Thành hỏi:
–   Cô làm gì vậy?
–   Anh Du không biết bơi. Tôi cần cuộn dây này.

Thành cười:
–   Sợi dây một đầu buộc vào anh ấy, một đầu buộc vào cô. Coi chừng chết đuối cả hai.
–   Được chết cùng nhau chẳng là điều tốt sao?

Thành nhìn theo lẩm-bẩm:
–   Anh Du may-mắn thật!

Thuyền rời bến. Bên trái là những ngọn núi nhỏ. Hết ngọn này tiếp ngọn kia. Có những lúc sương trắng mỏng phủ lưng-chừng. Có những lúc là một màn mây tụ lại. Hồn Du như lạc vào cơn mộng bồng-bềnh qua 99 ngọn núi.

Thuyền tới bến Thiên Trù thì đổ khách. Ba người chọn đường đi bộ leo lên động Hương Tích. Thời-gian dự-định là 90 phút.  Đường dốc có các bậc đá không nhẵn-nhụi. Đi được chừng nửa tiếng thì Trường Vy bị ngã lăn xuống nhiều bậc. Quần áo bị rách. Tay chân xây-xước. Du dìu nàng vào gần một quầy hàng bên đường. Một lúc sau nàng nói:
–   Em đã đỡ. Anh Du và Bạch Huệ hãy tiếp-tục. Em đợi ở đây.

Bạch Huệ hỏi lại:
–   Chị nói gì?
–   Đừng để anh Du mất cơ-hội thăm động.

Bạch Huệ lắc đầu:
–   Chị không hiểu anh Du chút nào. Đời nào anh ấy bỏ chị lại.

Một lúc sau, Du quay về với vài người. Họ khiêng Trường Vy ra bến thuyền.

Du đở Trường Vy ngồi xuống rồi dặn Bạch Huệ:
–    Em vui lòng gọi anh tài-xế sẵn-sàng.

Xe về đến Hà Nội, Thành hỏi:
–   Đưa chị ấy về nhà phải không?

Du trả lời:
–   Không. Đi nhà thương Việt-Pháp.

oOo

Khi Du xuống nơi tiếp khách của khách-sạn thì Trường Vy đã ở đó, Du niềm-nở tiến tới hỏi:
– Chào Trường Vy.

Người con gái ngước nhìn anh đăm-đăm buồn-bã không trả lời, Anh hỏi tiếp:
–   Vết thương còn đau lắm không?

Nàng nhẹ-nhàng trả lời.
–   Bác-sĩ cho thuốc giảm đau nên không sao. Anh ngồi xuống cho em thưa chuyện,

Du ngạc-nhiên:
–   Chuyện gì vậy?

Nàng lúng-túng:
–   Em không thể hướng-dẫn anh đi thăm thắng cảnh được nữa. Thu băng với ban nhạc thì được.
–   Có điều gì sơ-sót đã xảy ra?

Trường Vy thở dài:
–   Không có gì. Mọi chuyện anh làm đều trên cả mơ ước của em.
–   Thế thì tại sao phải dừng lại.

Đột nhiên Trường Vy khóc, lúc đầu sụt-sùi sau càng lúc càng to hơn:
–   Tại … Tại … tình cảm của em với anh lớn dần, em không kiểm-soát được nữa. Phải dừng lại. Em không được phản-bội chồng em dù trong tâm-hồn.

Du nghĩ tới người tình cũ của mình ngày trước. Nàng bỏ Du đi theo người khác giàu sang một cách dễ-dàng làm anh đau-khổ một thời-gian dài. Nàng khác hẳn với Trường Vy.

Anh ngậm-ngùi nói:
–   Anh hiểu và cảm-phục em.

Trường Vy thẫn-thờ hỏi:
–   Anh giận em không?
–   Không. Tâm-hồn em rất đẹp. Anh hâm-mộ em.

Hai hôm sau, Hội và Du tới nhà Trường Vy. Cửa vừa mở, Hội đã bước vào với Sơn.

Trường Vy hỏi Du:
–   Có chuyện gì đấy anh?

Du mỉm cười:
–   Em sợ không?
–   Việc gì mà sợ,
–   Lại nói cứng phải không?

Trường Vy êm-ái trả lời:
–   Chúng mình đâu làm gì sai mà sợ.

Có tiếng Sơn từ trong nhà mời Du:
–   Mời anh vào. Hôm nay mới có dịp gặp anh.

Du bắt tay. Bàn tay Sơn siết chặt tay Du.
–   Hân-hạnh được gặp tác-giả những bài thơ mà em rất thích.

Du thành-thật dù trong lời nói xã-giao:
–   Chưa gặp anh nhưng tôi biết khá nhiều về anh.

Sơn khiêm-tốn:
–   Anh gọi Sơn là em đi.

Du mỉm cười:
–   Anh biết Sơn qua những trao-đổi với Trường Vy. Em có kiến-thức rộng và là một người chồng tuyệt-vời.

Hội xen vào:
– Hôm nay chúng tôi tới đây hơi vội. Sau đó còn phải ghé qua anh chị Tư Lê và thăm mẹ con Bạch Huệ nữa nên không ở lâu được. Nếu dự-đinh không trở-ngại thì Sơn tha hồ có giờ với anh Du.

Rồi Hội kể ba người con của bà Thu Cúc muốn chuyển đổi băng ngâm thơ thành video trong dịp mừng lễ thọ 70 tuổi của bà. Anh Du nói với họ có lẽ không còn đủ giờ. Họ đề-nghị mọi người cùng đi nghỉ mát rồi thực-hiện tại đó, Bà Thu Cúc đã nghe Bạch Huệ kể về từng người, đã thưởng-thức một phần băng ngâm thơ nên muốn nhìn thấy nghệ-sĩ trinh-diền và hình-ảnh đẹp của đất Thăng Long. Những người con sẽ chịu hết chi-phí nhưng cần thực-hiện một tác-phẩm nghệ-thuật cao. Họ muốn dùng cuốn Video làm quà tặng cho khách tham-dự lễ chúc thọ, Hội nói việc chuyển đổi CD thành DVD phải nhờ Sơn thực-hiện.

Sơn nói:
–   Chuyện này không khó. Hình-ảnh Hà Nội thì Sơn có sằn và cũng chưa dùng cho ai.

Thế là mọi người cùng gia-đình trong nhóm quyết-định đi Cát Bà. Hội ngần-ngừ vì sự tốn kém nhưng Du gạt ngay:
–   Tôi là đại-diện cho bà Thu Cúc. Thực hiện đi. Chúng ta không có nhiều dịp gần nhau nữa đâu.

Mọi người đều vui-vẻ thoải mái tại nơi nghỉ mát. Ngày cuối cùng mẹ của Bạch Huệ tính dậy lúc 4 giờ sáng. Bà không thấy con gái trong phòng rồi đợi không thấy nàng về. Bà lo-lắng gọi điện thoại cho Hội. Mọi người đổ xô đi tìm.

Mẹ của Bạch Huệ hỏi:
–   Anh Du đâu?

Sơn trả lời:
–   Đêm qua mấy người đàn ông nói chuyện đến 3 giờ sáng. Có lẽ anh ấy còn ngủ.
–   Có uống rượu không?

Trường Vy nghiêm mặt trả lời:
–  Theo lời anh Hội thì anh Du cả đời không uống rượu, không uống bia, không nghiện trà, không nghiện cà phê và cũng không hút thuốc. Chúng ta gọi anh Du dậy cùng tìm-kiếm đi.

Bà mẹ của Bạch Huệ thở dài:
–   Xin lỗi cháu, cô lỡ lời mất rồi.

Hội tìm Bạch Huệ theo con đường xuống phố. Du tìm nàng trên bãi biển phía sau. Từ phía xa, Du thấy nàng đứng im như tượng đá.

Du hỏi:
–   Có chuyện gì vậy em?

Bạch Huệ nghẹn-ngào:
–   Cho em nói với anh sau.

Du gật đầu bảo nàng:

–   Mọi người kiếm em khắp nơi. Ai cũng nóng lòng vì em. Chúng ta phảI về ngay.

Nàng im-lặng, hai dòng nước mắt chẩy xuống trên gò má.

oOo.

Khi Sơn và Trường Vy tới phi-trường thì Bạch Huệ đang ngồi đợi, Du không còn ở đó. Bạch Huệ nói:
–   Anh Du đi từ sáng sớm rồi.

Sơn than:
–   Thay đổi giờ giấc như vậy mà sao không cho anh chị biết?
–   Chắc có lý-do. Anh Du không quên anh chị đâu. Anh ấy dặn-dò anh Hội về anh chị rất lâu. Có lẽ nay, mai anh chị sẽ rõ.

Thấy Bạch Huệ buồn-thảm nhìn vào khoảng không trước mặt. Trường Vy khẽ hỏi:
–   Có chuyện gì vậy em? Hãy nói chị nghe.

Bạch Huệ mếu-máo:
–   Anh Du bị bệnh nặng khó qua khỏi.
–   Ai nói với em?
–   Em tình-cờ nghe chị Chi nói chuyện điện-thoại với anh Hội lúc còn ở chỗ nghỉ mát.

Bạch Huệ òa khóc lớn hơn. Trường Vy cũng khóc theo. Sơn lắc đầu thở dài.

Bạch Huệ kể:
–   Em … xin anh Du ở lại cho em săn-sóc anh ấy. No đói có nhau. Anh ấy chẩy nước mắt nhưng vẫn cứ đi. Anh nói như vậy là không công-bằng với em. Trời ơi! Em khổ quá!

 

Rồi vợ chồng Sơn về trước. Hội đưa Tư Lê về xong sẽ quay lại …

Có giọng nói quen thuộc cất lên:
–   Bạch Huệ! Em vẫn còn ở đây sao?

Người con gái thẫn-thờ:
–   Sao anh chưa đi?

Du nhẹ-nhàng:
–   Anh cần hỏi em thêm vài điều.

Bạch Huệ thở dài:
–  Cái gì em muốn nói thì đã nói hết. Anh suy-nghĩ rồi trả lời em. Nếu anh đồng ý thì em có anh. Nếu anh từ-chối, em vẫn có anh mãi mãi trong tâm-hồn em.

Du hỏi:
–   Ai nói với em là anh đau ốm nặng không còn cách nào chữa được?
–   Em tinh-cờ nghe người ta nói chuyện.

Du kéo tay Bạch Huệ đứng lên nhìn vào mắt nàng:
–  Chi nói anh “điên nặng” vì không chấp-nhận được sự bất-đồng với nàng chứ có nói anh đau yếu gì đâu.

Bạch Huệ nức-nở ôm cổ Du,  áp đầu vào ngực chàng. Một lúc sau mới nói:

– Tạ ơn Trời đã cứu sống chúng con.

 

Nguyễn Xuân Thiên Tường

2 thoughts on “Người Ngâm Thơ Giữa Đất Trời Hà-Nội

  1. Nguyễn Xuân Thiên Tường

    Tôi viết truyên này sau một tai nạn và tong tĩnh trạng chưa hoàn toàn phục hồi nên có nhiều lỗi đánh máy mà không biết
    Chân thành xin lỗi quý độc giả Hương Xưa

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.