Cú Đá Trời Sập

Tác giả: Phan Ni TấnHồi nhỏ ông Phan Văn Tôi đã sớm xa nhà thì em của ông, thằng Lộc, mới chừng 3, 4 tuổi. Tưởng mình đi rồi về ai dè một đi không trở lại. Tới khi hai anh em gặp lại nhau nơi xứ người thì thằng Lộc đã có gia đình con cái đùm đề. Điều ngạc nhiên là nó cũng võ nghệ dàn trời như ông thời trai tráng. Có điều so với nó thì hồi xưa ông chỉ là võ sĩ hạng ruồi muỗi; còn thằng Lộc, thằng Phan Văn Lộc với cú đá thôi, cũng đủ liệt nó vào hạng cao thủ.
Khi biết hồi xưa ông anh mình lẹt quẹt ba ngón võ ruồi võ muỗi, thằng Lộc cười cười chìa ra tấm hình kèm theo cái video clip biểu diễn cú đá thần sầu quỷ khóc (quỷ khốc thần hào) của nó. Phải nói cú đá ác liệt của thằng Phan Văn Lộc, không riêng gì cột gẫy, tường xiêu, mà lỡ nó có đá trúng… Trời thì Trời cũng sập.
Thằng Lộc làm cho ông Tôi nhớ lại ba bốn chục năm trước, cái thời dụng võ của Phan Văn Tôi, tên cha sanh mẹ đẻ đặt cho ông.
* * *
Hồi đó, dưới thời Pháp thuộc, Phan Văn Tôi đã có nghề. Hỏi nghề gì? Tôi thưa, nghề văn và nghề võ. Nghề văn thì chẳng ăn nhậu gì ở đây, ngoài võ nghệ. Chuyện như vầy:
Võ sư Mười Đẹt, bà con bên ngoại của Phan Văn Tôi, một ông thầy võ Bình Định lang thang vô Nam thấy Tôi có căn cơ con nhà võ bèn lôi cổ ra dạy công phu quyền cước. Hồi đó Tôi thấy người ta võ nghệ trùm thiên hạ; còn võ như Tôi học cho có. Ngặt một nỗi tiếng tăm võ sư Mười Đẹt nổi như cồn nên môn đồ Phan Văn Tôi bị vạ lây. Vạ đây là cái vạ trời ơi đất hỡi. Nghĩa là bị võ sinh các lò võ từ Sài Gòn, Chợ Lớn lan ra tới Phan Thiết, Quy Nhơn, Bình Định đều ra chiếu thư khiêu chiến. (Sau này mới biết sư phụ Mười Đẹt chơi khăm lập kế khích tướng võ lâm quần hào thách đấu với môn đồ của ông).
Không biết Phan Văn Tôi sinh ra để thành võ sĩ tay ngang hay chàng họ Phan gặp hên đánh đâu thắng đó. Thật ra chàng võ sĩ bá vơ này chỉ thắng mười một trận, thủ huề một trận, còn thua thì cho tới ngày nay đầu bạc, răng long, mắt mờ, thân mỏi, võ sĩ họ Phan về già vẫn cứ nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ đời.
Một buổi trưa hè, chàng thanh niên lực lưỡng Phan Văn Tôi đang loay hoay sửa tấm vách ván nhà bị đối thủ đá sập trong một trận thách đấu thì một cô gái lạ mặt xuất hiện ngoài cổng, cao tiếng “Ông Tôi! Ông Tôi có nhà không?”. Nghe giọng lảnh lót, lấc xấc mà nẫu nẹt, Tôi đoán là người ngoài Trung vô. Lúc này võ sư Mười Đẹt đã trở về Bình Định.
Ngạc nhiên Tôi ra mở cổng thì thấy một cô gái đôi mươi, xinh xắn trong chiếc áo dài lụa trắng chìa cho Tôi một phong bì rồi chẳng nói chẳng rằng quay lưng bỏ đi ngay. Cầm bì thư mà chàng Phan cứ ngẩn ngơ ra mặt. Đời Tôi chưa từng thấy con nhà võ nào xinh đẹp mà phong độ đến vậy. Trên gương mặt trái soan sáng như trăng rằm, vắt ngang cặp chân mày rậm rịt, mi thanh phủ xuống đôi mắt đen lay láy, to, dài, đầy tự tin và sáng đến lạnh người.
Vô nhà mở thư ra đúng như Tôi đoán, lại là thư thách đấu. Tuy nhiên, từ ngày dụng võ, võ sĩ Phan Văn Tôi chưa từng đấu với bất cứ nữ đối thủ nào. Xưa nay chàng họ Phan không có lệ thượng cẳng tay hạ cẳng chưn với đờn bà, con gái. Đây là lần đầu tiên trong đời Phan Văn Tôi bị phái yếu khiêu chiến đã tỏ ra lúng túng, tiến thoái lưỡng nan. Tiến thì không biết phải vận dụng bao nhiêu thành công lực để ăn thua; còn thoái thì suốt đời sẽ bị thiên hạ cười chê, mang tiếng hèn nhát.
Cuối cùng, Phan Văn Tôi quyết định tới điểm hẹn đúng ngày giờ với lá thư thách đấu để trong túi. Năm giờ sáng, trời còn mờ hơi sương, Tôi lặng lẽ dắt xe đạp ra khỏi cổng, đạp từ từ hướng về huyện Bình Chánh ở ven đô. Đã lâu rồi Tôi mới có dịp trở về miền xuôi thở hít không khí trong lành khiến chàng võ sĩ cảm thấy phấn chấn tinh thần.
Tôi đạp xe dọc theo sông Chợ Đệm tới chỗ có hai ngã rẽ một xuôi về kinh Đôi, một tới cầu kinh A. Dừng xe đạp trên đầu cầu kinh A, theo trong thư chỉ dẫn, Tôi nhìn về phía trái thấy xa xa giữa cánh đồng lau sậy có một cây bần đơn độc nhô lên. Đó là điểm hẹn của nữ đối thủ. Đảo mắt nhìn quanh, Tôi nhíu mày thầm nghĩ có lẽ cô gái vô Nam sống ở vùng quê này đã lâu nên cô mới biết rõ địa hình địa vật ở đây. Khẽ lắc đầu, Tôi nhắm ngọn cây bần men theo lối mòn đi lần tới mà lòng không vui cũng không buồn, không lo lắng cũng chẳng toan tính gì. Băng qua vùng đất thấp, Tôi vừa tới điểm hẹn thì trời lất phất mưa.
Đảo mắt nhìn quanh họ Phan chợt cười thầm. Nữ đối thủ của Tôi quả là khéo chọn địa điểm lý tưởng nằm khuất giữa đầm cỏ lau trắng phếu, có la hét, cầu cứu cách mấy cũng không ai lai vãng mà nghe. Đặc biệt, bông bần trắng đầu hè điểm sắc tím đỏ rưng rưng trên ngọn cây vô tình trở thành “nhân chứng thầm lặng” cho trận quyết đấu.
Trong tiếng mưa rơi rả rích, sau gốc bần già một cô gái lặng lẽ bước ra. Đó là nữ đối thủ của chàng võ sĩ họ Phan. Lần này cô mặc nguyên bồ đồ võ màu đen, tóc chít khăn nhiễu lam, lưng thắt đai trắng viền đỏ của võ phái Bình Định. Lặng nhìn đối thủ, Tôi nhận thấy ngoài vẻ đẹp thần tiên, tuy phong thái khoan hòa song lộ rõ thần uy, vẻ chững chạc chính tông con nhà võ.
Đang ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thoát trần của cô gái lạ mặt, Tôi chợt giựt mình khi nghe cô cất tiếng trong trẻo, ấm mà chắc nịch:
– Chào ông Tôi.
Tôi ấp úng:
– Chào cô.
– Cám ơn ông đã không lỡ hẹn.
– Dà… Không có gì.
Rõ ràng cô gái không muốn nhiều lời, Tôi vừa dứt tiếng cô lạnh lùng tiến tới một cách thận trọng. Có lẽ nữ đối thủ biết Tôi cũng không phải tay vừa nên cô không tỏ ra hấp tấp. Hơn nữa cả hai đều xuất thân cùng môn phái võ thuật Bình Định nên chẳng lạ gì nhau. Tuy nhiên, khi Tôi ra đòn thì cô gái hóa giải dễ dàng. Ngược lại Tôi không cản được những chiêu thức linh hoạt, thần tốc của đối thủ nên Tôi thường phải hứng chịu những đòn thế gây sây sát và loạng choạng mấy phen.
Nhận thấy dùng quyền cước Bình Định trước một võ sĩ Bình Định không mang lại kết quả nên Tôi chuyển qua quyền thái Muay Thái, là môn võ thuật cổ truyền của Thái Lan. Muay Thái tập trung tấn công bằng những cú đá, cùi chỏ, lên gối, nắm đấm nên bộ giò luôn xoay chuyển.
Nhận thấy từ lúc xáp trận, cô gái thường né tránh không cho địch thủ áp sát nên lần này Tôi tìm cách sát cận. Vừa di chuyển vòng tròn Tôi vừa thu hẹp khoảng cách. Khi cách cô gái vừa tầm, Tôi bất thần xoay mình 360 độ đánh tạt ngang vào bả vai nhưng không ngờ lại đánh trúng ngực khiến cô gái loạng choạng lùi lại. Bàn tay không hề cố ý của Phan Văn Tôi vừa chạm phải một vật vừa mềm vừa phập phồng săn chắc khiến Tôi hốt hoảng nhảy dựng lên, thoái bộ năm bước liền.
Nhìn xuống ngực thấy một vết nham nhở vấy bẩn trên áo, sắc mặt cô gái đỏ bừng. Trợn mắt nhìn Tôi, cô khẽ rít lên: “Ông dám…” Nói đoạn cô thủ bộ, vận sức vào tay, không chần chừ, thân hình linh hoạt chớp một cái đã vọt lên, lao tới. Khi cách đối phương khoảng hơn một thước, từ trên không, cô dùng thế liên hoàn cước xoay mình đá thóc vào ngực Tôi, cùng lúc tạt thêm một cú vào mặt như trời giáng. Bị trúng một lúc hai đòn hiểm Tôi hự lên một tiếng, mũi sặc máu cam, ôm mặt lảo đảo té ngửa trên mặt đất bùn. Không đợi địch thủ kịp đứng lên, cô gái sấn tới, dận đầu gối vào bọng đái, cùi chỏ chấn ngang cổ họng địch thủ, móng vuốt giơ cao sẵn sàng chụp xuống mặt nếu Tôi vùng vẫy chống cự.
Nằm thúc thủ dưới đầu gối của cặp đùi săn chắc mà thon dài, Phan Văn Tôi muốn nghẹt thở, song chàng võ sĩ họ Phan vừa đưa mắt nhìn lên đã thất thần trước đôi mắt vời vợi trùng dương từ một sinh thể thiên thần phả xuống khiến Tôi đờ đẫn hết đường cựa quậy.
Kể như địch thủ bị đo ván, nữ võ sĩ Bình Định chớp mắt, lặng lẽ đứng lên phủi áo xoay lưng rời khỏi đấu trường. Nhưng đi chưa được chục bước cô nghe sau lưng mình có tiếng tằng hắng. Ngó lại thì thấy võ sĩ Tôi, mặt mày méo xệch nhưng vẫn đứng ở thế thủ, sẵn sàng tiếp chiến.
Lúc đó, không khí bỗng trở nên yên lặng kỳ lạ. Yên lặng đến nghe cả tiếng thở nặng nề của hai đối thủ và cả tiếng gió thoảng qua. Nghĩ lại ban đầu Tôi có ý nhân nhượng trước đối thủ thuộc phái yếu, nhưng sau những lần thất thế trước uy dũng của đối phương buộc Tôi thay đổi chiến thuật. Nghệ thuật của chiến thuật là ép đối thủ đánh theo ý của mình.
Tuy nhiên, võ sĩ Tôi gặp phải một địch thủ quá lợi hại, dầy dạn chiến đấu, thừa khôn ngoan nên khi tới vừa tầm, Tôi đá tạt ngang đã để hở phần dưới. Chỉ chờ có thế, cô gái ngồi thụp xuống, nhanh nhẹn thọc một cú đấm vào hạ bộ địch thủ. Bị đấm trúng ngay chỗ hiểm Tôi thấy mắt nổ đom đóm, u ớ rên lên, hai tay bụm hạ bộ đau đớn ngã vật xuống đất oằn oại một lúc rồi nhắm nghiền mắt,nằm bất động.
Không biết nằm co quắp dưới đất bao lâu, nhưng khi võ sĩ Phan Văn Tôi tỉnh dậy thì mưa đã tạnh và thấy lờ mờ hình bóng cô gái khoác chiếc áo măng-tô (manteau) trắng chấm gót, đứng cách đó không xa. Thì ra trong lúc võ sĩ Tôi nằm bất động trên cỏ, lòng nhân của cô không nỡ bỏ đi vì lỡ địch thủ có mệnh hệ gì cô sẽ ân hận cả đời. Chờ Tôi chống tay ngồi dậy, cô mới yên tâm quay lưng bỏ đi ngay.
* * *
Thời gian như nước qua cầu vẫn thản nhiên trôi đi. Mái đầu xanh của võ sĩ Phan Văn Tôi nay đã ngả màu, chòm râu đen cũng luốm nhuốm bạc. Thân hình vạm vỡ, bắp thịt săn chắc, gân guốc cuồn cuộn ngày nào nay đã rùn xuống, mềm đi, lụi dần theo tuế nguyệt. Coi lại cái video clip với cú đá trời sập của thằng em, thằng Phan Văn Lộc, ông Tôi lại khẽ thở dài.
Nhướng cặp mắt lờ mờ nhìn sắc thu vàng hoe ngoài cửa sổ, ông Phan Văn Tôi lại nhớ quê nhà xa cách đã hơn nửa đời người. Rồi ông lại nhớ sư phụ Mười Đẹt, nhớ những trận đấu võ năm xưa, nhớ nữ đối thủ thiên thần, không những đã đánh bại ông bằng võ nghệ mà còn bằng cả đôi mắt thăm thẳm màu xanh núi, biêng biếc màu trùng dương. Cứ mỗi lần nhớ ông lại thấm thía mấy câu ca dao đến nao lòng:
Bần gie, bần ngả, bần quỳ
Cảm thương thân phận chia ly thêm buồn.

Bần gie đóm đậu tối hù
Thương nhau đừng để oán thù cho nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published.