Bông Hồng Đỏ Của Mạ

Tác giả: Phan Ni Tấn

Mùa có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông thì thời cũng có Sáng Trưa Chiều Tối. Người ta chọn mùa thu là mùa hiu hắt, nhớ nhung thì buổi chiều là buổi biệt ly, sầu nhớ.
Xưa nay hễ thấy cái gì gai gai, lành lạnh, buồn buồn trong bóng chiều thường gợi tôi nhớ tới quê ngoại tôi, Thừa Thiên, Huế. Nhất là phong thổ Huế, vốn cổ kính, trầm mặc, chiều xuống càng gợi biết bao niềm thương nỗi nhớ trông vời.
Huế là kinh đô của nước Việt, là miền đất phong sương, thơ mộng, giàu truyền thống văn hóa với các đền đài, lăng tẩm, nhã nhạc cung đình, chầu văn, ca dao, dân ca và các món ăn đặc sản Huế.


Huế của sông Hương núi Ngự, của hò khoan xứ Huế. Huế của quít giấy Hương Cần, quê hương của ngoại tổ tôi, cũng là nơi của chiếc nón bài thơ, chiếc nón lá một thời xuân sắc Mạ tôi thường hay đội che nắng che mưa. Chiếc nón bài thơ theo Mạ thong thả đi qua sáu vài mười hai nhịp cầu Trường Tiền, hóng gió chiều trước bến Vân Lâu, lênh đênh qua từng câu hò mái đẩy để rồi chiếc nón thủy chung theo Mạ tôi xuống đò Thừa Phủ lìa xa đất tổ Thần kinh. Huế dễ thương của ngày xưa ấy bây chừ đã mù mịt xa. Dù vậy, nước sông Hương vẫn chảy trong hồn tôi, núi Ngự Bình vẫn mọc trên lưng tôi.
Chiều chiều ra ngắm sông sâu
Thấy dòng nước chảy dạ đau từng hồi
Ai về nhắn lại quê tôi
Hương Cần nón quít một thời nổi danh

Ai thả câu nơi Cồn Hến
Ai cất ró bên bến Trà Nhiêu
Hỏi thăm cá ít hay nhiều
Cho mua một mớ nấu riêu cho mẹ già
Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đố ai đếm được có bao nhiêu người Mẹ; từ Mẹ trẻ thắt đáy lưng ong cho tới Mẹ già như chuối chín cây.
Mạ tôi năm nay 94 tuổi như chuối chín cây, nhưng Mạ vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Năm ngoái mấy anh em tôi tổ chức sinh nhật cho bà, vui quá, bà nhảy nhót tưng bừng. Dĩ nhiên nhảy theo kiểu hiền lành, dễ thương như mấy o Huế, mệ Huế, thân mình đong đưa, miệng nhai chút giọng cười Cẩm lệ, tay lờ quờ, chân quèn quẹt, lưng cõng giọng hò đi tới đi lui.
Chiếc áo dài óng ánh màu nâu già lại được dịp uốn lượn thướt tha theo kiểu… mấy mụ o chụp hình làm duyên bên hồ Tịnh Tâm hương sen thơm ngát hay trước cổng Ngọ Môn đèn rồng rực rỡ. Cả một trời hạnh phúc tràn lan trên gương mặt nhăn nheo mà hoan hỉ của Mạ tôi làm mọi người hớn hở vui lây. Sức thổi đèn cầy cắm trên bánh sinh nhật của Mạ không thua gì sức thổi của các o các mợ thanh xuân ở Huế. Chín ngọn nến hồng làm mẫu hí hửng cháy hết mình, chỉ cần Mạ… sửa soạn đôi môi hàm tiếu xong thổi một vòng là tắt ngúm. Khói đèn cầy được dịp nũng nịu, ưỡn ẹo bay lên sao mà đẹp như tranh họa đồ của Tản Đà:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Nhớ hồi vợ chồng tôi ra phi trường đón Mạ tôi từ bên nhà qua, thấy Mạ tay xách túi hành lý nhẹ hều, tay cầm cây Vĩ cầm cũ rích của Ba tôi để lại lững thững đi ra với hai đứa em tôi, chao ôi sao mà đẹp bà già, mà thương quá đỗi. Hồi đó, hơn hai mươi năm trước tóc Mạ tôi đã bạc, nhưng tóc còn dầy, nước da còn thẳng, giọng Huế còn nặng trịch. Còn bây chừ cái chi cũng đổi mới, cũng khác biệt, nhưng đẹp nhất mỗi năm đến ngày lễ Vu Lan báo hiếu trên ngực chúng tôi vẫn rực rỡ một bông hồng đỏ thắm.
Trong bài hát Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ phổ từ thơ thiền sư Nhất Hạnh xưa nay nhiều người hát nhưng hình như ít người để ý đến một câu ví thật lạ, thật hay. Giữa những câu “Mẹ là lọn mía ngọt ngào, là nải chuối buồng cau, là nắng ấm nương dâu” lại chen vào câu ví thật mộc mạc mà hết sức cảm động:
Mẹ là tiếng dế đêm thâu
Tất cả những câu ví von trên gộp lại thành “vốn liếng yêu thương cho cuộc đời“. Ui chao, Mạ ơi! Răng mà dễ thương quá đỗi rứa Mạ hè.
Trong đời sống và trong văn chương “dế” là sinh vật bé nhỏ hiền lành, quen thuộc, gần gũi và vô cùng dễ thương đối với trẻ con, song dế cũng là biểu tượng của sự lương thiện. Đem hình ảnh con dế ra ví với Mẹ già thì tuyệt vời hơn cả tuyệt vời. Nhưng mà đó chỉ là câu hát ví von đầy mỹ ý về Mẹ đó thôi.
Ta thử… hát lại coi: “Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói với Mẹ rằng Mẹ ơi! Mẹ có biết là con thương Mẹ không?”. Anh ta hát rồi ôm Mẹ vào lòng mà đầu óc cắc cớ lại tưởng… ôm con dế. Trời đất ơi! Lúc đó cho dù một ngàn, một tỷ người con có chí hiếu đến đâu cũng phải bật ra tiếng cười ha hả.
Ngày đón Mạ tôi qua định cư tại Canada tôi có mừng Mạ bằng một bài thơ hơi dài. Nhưng thay vì mô tả niềm vui bằng ngôn ngữ “mô tê răng rứa” ngàn đời dễ thương của xứ Huế thì tôi lại dùng ngôn ngữ rặc giọng miền Nam, quê nội tôi trộn với xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu của con dâu Mạ mộc mạc, giản dị, để tặng Mạ . Thơ rằng:
rốt cuộc gì rồi má cũng tới
mừng thôi hết biết để nói ra
má tới như một bài ca mới
nhịp vui cho đời đồng thanh ca

mười mấy năm tình thâm cách biệt
thiệt tình, mới đó mà lẹ ghê
gặp má cứ tưởng như nằm mộng
tim con gia tốc đập hả hê

chèn ơi! má coi già quá ể!
thời gian nhuộm trắng cả mái đầu
mẫu tử trước sau hai thế hệ
tóc xanh con cũng đã phai màu

thưa má, đây là ông bà nhạc
ăn ở hiền như nắng sớm trưa
suốt ngày hết tụng kinh, gõ mõ
ăn chay, niệm Phật lại đi chùa

còn đây là hiền thê con đó
tấm lòng trắng muốt tợ như bông
sẽ là gương con dâu hải ngoại
đảm đương, hiếu thảo với mẹ chồng

bồng trên tay là chàng mít ướt
ấy lại là cháu nội đích tôn
thằng Lân con tánh tình ngộ lắm
có giác quan thứ sáu trong hồn

à má, trước ngày đi có nhớ
gói đem theo chút đất gì không?
lâu lắm con thèm cơn bụi đỏ
hít vô cho đỏ ngực thắm lòng

gặp má, con mừng mừng tủi tủi
nhớ tới ba mà tiếc cho người
phải ba còn sống qua đây, má
đãi ba nhậu một trận đã đời

con nhớ ba những đêm trăng sáng
thường xách đờn ra kéo ò e
bổn vọng cổ nghe rầu thúi ruột
mê mẩn hồn con tới tận giờ

qua đây má khỏi lo gì nữa
vợ chồng con cáng đáng đủ rồi
suốt một đời nắng mưa tần tảo
có bao giờ má được thảnh thơi

già yếu rồi, nghỉ ngơi nghen má
dạ, coi đây là đất dưỡng thân
để tụi con có phen đền đáp
ân dưỡng dục của đấng sinh thành
.
(Bài Ca Đoàn Tụ- Phan Ni Tấn)

Bài Ca Đoàn Tụ
Thơ: Phan Ni Tấn
Lòng Mẹ
Nhạc: Y Vân
Tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.