Hướng Đạo Việt Nam Đã Có Tư Cách Pháp Nhân Sau 44 Năm

Tác giả: LS Nguyễn Lệnh

 Phong trào Hướng Đạo Thế giới được du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1926 có mục đích giáo dục thanh thiếu niên thành những người con tốt trong gia đình, những cá nhân tốt của cộng đồng và những công dân tốt cho quốc gia bằng một phương pháp giáo dục tiến bộ. Trước ngày Việt Nam độc lập, các tổ chức xã hội có tên Hướng Đạo đã được thành lập hợp pháp tại 3 miền có thể chế chính trị khác nhau là: Hội Hướng Đạo Bắc kỳ (ngày 28/9/1932), Hội Hướng Đạo An Nam (tức Hội Hướng Đạo Trung kỳ, ngày 15/12/1932) và Tổng cuộc Hướng Đạo Nam kỳ (ngày 24/7/1932). Sau khi Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945, một Hội Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN) được chính thức thành lập trên cơ sở thống nhất 3 hội Hướng Đạo ở 3 miền, được Bộ Nội vụ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa duyệt y bản Quy trình (tức Điều lệ) ngày 7/2/1946.

   Phong trào Hướng Đạo Thế giới được Huân Tước Robert Baden Powell sáng lập năm 1907 tại nước Anh là một tổ chức xã hội “phi chính trị”, chỉ có mục đích giáo dục thanh thiếu niên bằng một phương pháp tiến bộ, đã mang lại những kết quả rẩt tốt đẹp cho hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Do đó, hầu hết các tổ chức Hướng Đạo của mỗi quốc gia đều được các vị lãnh đạo hoặc nguyên thủ quốc gia đó nhận làm “Danh dự hội trưởng” hoặc “Hội viên danh dự”. Ở Việt Nam, mặc dù tổ chức Hướng Đạo Việt Nam có tôn chỉ là “không hoạt động và cổ động chính trị” nhưng cũng được vinh dự có Vua Bảo Đại làm “Hội Viên Danh Dự” của Hội Hướng Đạo An Nam ngày 2/4/1934. Và đến ngày 31/5/1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh nhận làm “Danh Dự Hội Trưởng” Hội Hướng Đạo Việt Nam thống nhất.

   Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản VN hoàn toàn nắm quyền lãnh đạo nước VNDCCH, Nhà nước đã ban hành Sắc Lệnh Luật số 102-SL/L 004 ngày 20/5/1957 quy định Quyền lập Hội và Nghị định số 258-TTg ngày 14/6/1957 Quy định chi tiết thi hành Luật số 102-SL/L 004 ngày 20/5/1957 về quyền lập hội. Khi áp dụng Sắc lệnh Luật này thì hầu hết trên 30 đảng phái chính trị (hội có mục đích chính trị) ở miền Bắc lúc bấy giờ đều không được đăng ký hoạt động lại, ngoại trừ 2 đảng Dân chủ và Xã hội do Đảng CS kiểm soát. Tại Điều 1 của Luật số 102 ngày 20/5/1957 ghi rằng “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”. Điều 10 của Luật này có ghi rõ “Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy định của luật này”. Như vậy, ngay từ năm 1957, Luật về quyền lập hội đã định nghĩa về quyền lập hội của người dân chỉ cần có “mục đích chính đáng”. Trong cách nói phổ thông, căn cứ vào mục đích của hội, nếu tổ chức có mục đích chính trị thì gọi là “đảng”, có mục đích xã hội thì gọi là “hội” và có mục đích kinh tế thì gọi là “công ty”, “hợp tác xã”…. Dưới chính thể VNDCCH không có Công ty trách nhiệm hữu hạn (Cty TNHH). Cho đến nay (2019), Luật quy định quyền lập hội năm 1957 vẫn còn hiệu lực thi hành, Quốc hội chưa thông qua luật mới để thay thế.

   Còn đối với khái niệm pháp lý gọi là “Pháp nhân” thì mãi đến khi có Bộ luật dân sự năm 1995 mới có quy định tại Điều 94 như sau:

Điều 94. Pháp nhân

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

1- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận;

2- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

3- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

4- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Và quy định tại Điều 110 Bộ luật dân sự 1995 về các loại pháp nhân:

Điều 110. Các loại pháp nhân

1/Pháp nhân bao gồm các loại sau đây:

  1. a)  Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang;
  2. b) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội
  3. c) Tổ chức kinh tế;
  4. d)Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

 đ)  Quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

  1. e)  Các tổ chức khác có đủ điều kiện quy định tại Điều 94 của Bộ luật này.

2- Quy chế tổ chức hoạt động của các loại pháp nhân do pháp luật quy định tùy thuộc vào mục đích hoạt động của mỗi loại pháp nhân.

    Hội HĐVN thành lập ngày 7/2/1946 là một tổ chức có mục đích xã hội. Hội HĐVN 1946 không bị buộc phải đăng ký lại theo quy định của Luật số 102-L004 ngày 20/5/1957 vì mới thành lập dưới chính thể VNDCCH; và có Chủ tịch Hồ Chí Minh làm “Danh dự Hội trưởng”. Nhưng theo thời gian, hoạt động của Hội HĐVN 1946 bị ngăn cấm bằng khẩu lệnh của cấp lãnh đạo tối cao trong Đảng CSVN. Chính Thông báo số 143-TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương nói rằng “Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức Hướng Đạo đã ngừng hoạt động” mà không đưa ra được căn cứ và chứng cứ pháp lý gì để chứng minh cho sự kiện pháp lý gọi là “ngừng hoạt động” nên có thể coi đó là những lời quy chụp của Ban Bí thư TW nhằm biện hộ cho việc Đảng CSVN đã có khẩu lệnh ngăn cấm Hội HĐVN 1946 ở miền Bắc hoạt động mà không dựa trên căn cứ pháp luật nào. Hiện nay, Phong trào HĐVN vẫn còn lưu giữ văn bản gốc, ghi ngày 5/2/1965 có đóng dấu đỏ của Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo sinh miền Bắc tổ chức tại Hội quán ở Hàng trống Hà Nội, gởi HĐS Trung, Nam bộ, là chứng cứ cuối cùng về sự tồn tại hợp pháp của một pháp nhân mang tên Hội HĐVN ở miền Bắc VN, chớ không phải “đã ngừng hoạt động” từ sau kháng chiến chống Pháp như lời biện hộ của Ban Bí thư TW. Lời biện hộ vô căn cứ đó chỉ nhằm che đậy chủ trương xoá bỏ Hội HĐVN của lãnh đạo Đảng CSVN, muốn giành độc quyền cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

    Ngày 8/3/1949 Tổng thống Pháp Vincent Auriel và Cựu hoàng Bảo Đại của Việt Nam đã ký kết Hiệp ước Elysée, theo đó công nhận Quốc gia Việt Nam là một nước độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp. Hiệp ước này quy định Quốc gia Việt Nam có cơ quan ngoại giao riêng, có tài chính và quân đội riêng. Sự kiện chính thể Quốc gia Việt Nam được thành lập theo Hiệp ước Elysée khiến các huynh trưởng HĐVN phải đăng ký xin thành lập một Hội HĐVN hợp pháp trong khuôn khổ pháp luật của chính thể Quốc gia Việt Nam. Ngày 9/2/1953, ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao là Vũ Hồng Khanh đã ký Nghị định số 326-NĐ/TN cho phép thành lập Hội HĐVN và ghi rõ tại Điều thứ nhất là “Hội HĐVN được phép hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo bản điều lệ kèm theo nghị định này”. Chính Hội HĐVN thứ hai này đã gia nhập Tổ chức Thể giới Phòng trào Hướng Đạo (WOSM) và được công nhận là một Tổ chức Hội viên của WOSM vào năm 1957. Tính đến ngày 31/12/1974, Hội HĐVN thành lập năm 1953, hoạt động dưới chính thể Quốc gia Việt Nam và sau đổi tên Việt Nam Cộng Hòa năm 1963, có tổng số đoàn sinh và huynh trưởng đóng bảo hiểm là 14.432 người, trong đó có 2.204 huynh trưởng (theo thống kê ngày 31/12/1974). Sau ngày 30/4/1975, Hội HĐVN 1953 này bị chính quyền mới do Đảng CSVN lãnh đạo tịch thu trụ sở hội, ở 18 Bùi Chu, Quận 1, Sài Gòn (Tp. HCM), mà không đưa ra lý do gì nên các HĐS phải tạm ngưng hoạt động một thời gian khoảng 5 năm. Đến năm 1980, các đơn vị và nhóm Hướng Đạo ở Tp. HCM bắt đầu sinh hoạt trở lại dưới dạng Phong trào ở các công viên hay tại những cơ sở tôn giáo vì không còn trụ sở hội. Sau đó, ngày càng có nhiều đơn vị HĐ phục hoạt ở Tp. HCM rồi lan ra các tỉnh thành, vượt qua muôn vàn khó khăn do sự chỉ đạo ngăn cấm và đàn áp hoạt động Hướng đạo của các cấp lãnh đạo Đảng CSVN. Có thể kể ra tên một số nhóm Hướng đạo tự phục hoạt như : nhóm Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa, nhóm Liên Tỉnh Thành, nhóm Quy trình 46, nhóm Liên Ngành, nhóm Truyền Thống…

   Năm 2011, Trưởng Đặng Văn Việt, thuộc nhóm “Quy trình 46”, đã chính thức nộp đơn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin phục hoạt Hội HĐVN (luật sư Nguyễn Lệnh có tham gia góp ý làm đơn). Nhưng ngày 17/5/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bác đơn của Trưởng Đặng Văn Việt. Đến ngày 18/10/2012, Trưởng Phạm Thanh Hiệp, thuộc nhóm “Liên Tỉnh Thành”, đã chính thức nộp đơn cho Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh xin thành lập Hội Hướng Đạo Sinh Tp. Hồ Chí Minh (luật sư Nguyễn Lệnh có tham gia góp ý làm đơn). Nhưng ngày 08/2/2013, Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh đã bác đơn của Trưởng Phạm Thanh Hiệp. Mặc dù, đơn xin thành lập Hội Hướng đạo sinh Tp. Hồ Chí Minh của Tr. Phạm Thanh Hiệp bị Sở Nội vụ bác đơn nhưng khi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội của nước CHXHCNVN tổ chức “Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về hội” tại thành phố Vũng Tàu vào các ngày 06-07/10/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gởi Giấy mời ghi ngày 22/9/2016 cho “Ông Phạm Thanh Hiệp, Hội Hướng đạo sinh Tp. Hồ Chí Minh” là đại diện duy nhất của Phong trào HĐVN tham gia hội thảo. Việc Quốc Hội mời đại diện Hướng đạo Việt Nam tham gia hội thảo là dấu hiệu thay đổi về sự nhìn nhận hoạt động của Phong trào HĐVN trong thực tế của các cấp lãnh đạo Đảng CS và Nhà nước VN.

   Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, có một hoạt động phát triển Phong trào Hướng Đạo ít người biết rõ như sau: Nhóm Liên Tỉnh Thành do Tr. Phạm Thanh Hiệp đứng đầu đã được một tổ chức thiện nguyện ở Mỹ tài trợ cho hoạt động phát triển Hướng đạo ở VN cùng chung với các hoạt động xã hội khác mang tên là “Giúp ích cộng đồng”.. Tổ chức thiện nguyện ở Mỹ có tên là VASF/CESR do gia đình của Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn tự bỏ tiền riêng để hoạt động. Phương thức hoạt động được 2 bên cam kết mang tên là “Thách đố cộng hưởng”. Theo đó, phía TS Phùng Liên Đoàn tài trợ một số tiền hàng năm – ví dụ là 10.000 US$ (gọi là bên thách đố) thì phía đối tác Trưởng Hiệp (gọi là bên cộng hưởng) phải bỏ công sức có giá trị tính thành tiền bằng hoặc nhiều hơn 10.000 US$ để thực hiện những công việc xã hội giúp ích cộng đồng và phát triển Phong trào Hướng đạo theo một kế hoạch do phía Trưởng Hiệp xây dựng, được phía TS Phùng Liên Đoàn phê duyệt và giám sát.

   Để có cơ sở pháp lý nhận tài trợ của tổ chức VASF/CESR cho hoạt động phát triển Phong trào Hướng đạo và giúp ích cộng đồng, Trưởng Hiệp đã thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật và được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số 0310076055 ngày 23/6/2010 cho Công ty TNHH Một thành viên Hướng Nghĩa do chủ sở hữu là ông Phạm Thanh Hiệp làm Giám đốc. Chỗ ở: 10/9 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu: đào tạo về sự sống… Nhờ có sự tài trợ của VASF/CESR từ năm 2011 đến 2018 thông qua pháp nhân là Cty TNHH Hướng Nghĩa mà Trưởng Phạm Thanh Hiệp đã phát triển Phong trào Hướng Đạo, lập được nhiều đơn vi Hướng đạo mới ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh miền Bắc và ngay tại thủ đô Hà Nội. Tôi xin mạn phép trích thư điện tử của Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn khi xét đơn xin tài trợ của công ty Hướng Nghĩa cho năm 2016, đã đánh giá hoạt động phục hưng phong trào Hướng Đạo qua công ty Hướng Nghĩa như sau:

   Vào 13:57 Ngày 04 tháng 11 năm 2015, Doan Phung <dlp.vasfcesr@gmail.com> đã viết: 

Thưa quí vị :

Chúng tôi đã xét đơn của quí vị và có những nhận xét và thách đố sau :

Việc quí vị phục hưng phong trào Hướng Đạo qua công ty Hướng Nghĩa là một việc làm rất hay, rất tốt. Quí vị đã làm được những việc quan trọng phục hưng HĐ đã bị bị mai một ở miền Nam suốt 40 năm và tại miền Bắc suốt 70 năm.

   Nhưng sau khi Trưởng Phạm Thanh Hiệp giải thể Công ty TNHH Hướng Nghĩa vào năm 2018, Tr. Hiệp đã làm thủ tục đăng ký thành lập Công ty TNHH Hướng Đạo Việt Nam, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận ngày 07/01/2019. Mã số doanh nghiệp : 0315462689. Mã số chức năng 410 (005, 071, 189, 102) = Sinh hoạt ngoài trời, thể thao, huấn luyện, hướng nghiệp. Trụ sở chính : 10/9 Đặng Văn Ngữ, P.10, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh. Công ty HĐVN có tên nước ngoài là VIETNAM SCOUT COMPANY LIMITED. Ngày 15/04/2019, Công ty HĐVN đã tổ chức cuộc họp có 30 huynh trưởng là sáng lập viên để thông qua bản Điều lệ Công ty Hướng Đạo Việt Nam (do luật sư Nguyễn Lệnh biên soạn). Tại Điều 1 của bản Điều lệ Công ty HĐVN có ghi rõ ‘’Tôn chỉ ‘’ như sau : ‘’Công ty HĐVN là một doanh nghiệp xã hội theo tiêu chí quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014’’. Xin trích dẫn Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014:

Điều 10. Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

  1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
  2. a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
  3. b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
  4. c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
  5. Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật này, doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
  6. a) Duy trì mục tiêu và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;
  7. b) Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
  8. c) Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;
  9. d) Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

đ) Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

  1. Nhà nước có chính sách khuyến khích,hỗ trợvà thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.
  2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

   Tóm lại, căn cứ vào các quy định của :

1/ Luật số 102 SL/L -004 ngày 20/5/1957 “Quy định quyền lập hội” ; và các Nghị định quy định chi tiết thi hành như : Nghị định số 258-TTg ngày 14/06/1957, Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày  30/7/2003 và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội ;

2/ Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014 về ‘’doanh nghiệp xã hội ‘’ và ‘’công ty TNHH’’;

3/ Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 về ‘’pháp nhân’’,

có thể khẳng định rằng: Hội Hướng Đạo Việt Nam được thành lập lần đầu tiên vào ngày 7/2/1946 và Công ty Hướng Đạo Việt Nam mới được thành lập ngày 7/1/2019 đều có địa vị pháp lý như nhau, đều có tư cách pháp nhân của một tổ chức xã hội có mục đích, tôn chỉ như nhau.. Nếu đem đối chiếu bản Quy trình năm 1946 của Hội HĐVN với bản Điều lệ năm 2019 của Công ty HĐVN sẽ thấy rằng tất cả các quy định trong bản Quy trình năm 1946 đều được đưa vào bản Điều lệ năm 2019 của Cty HĐVN. Tư cách pháp nhân của Cty HĐVN theo thời gian cũng được Nhà nước hiện nay cam kết tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2014: ‘’Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp…’’. Do đó, tất cả các đoàn sinh, các huynh trưởng và các đơn vị Hướng đạo hiện đang sinh hoạt trên khắp cả nước đều có quyền tham gia Công ty HĐVN theo thủ tục ghi trong bản Điều lệ đã được 30 huynh trưởng là sáng lập viên thông qua và được đính kèm theo đây. Xin hãy nghiên cứu kỹ nội dung bản Điều lệ này để hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, điều hành và hoạt động của các đoàn sinh, các huynh trưởng và các đơn vị Hướng đạo được quy định rất dân chủ, tiến bộ. Bản Điều lệ này cũng có đầy đủ các quy định đáp ứng yêu cầu của Hiến chương Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo (WOSM) để Công ty Hướng Đạo Việt Nam 2019 được công nhận là một tổ chức hội viên của Tổ chức Hướng đạo Thế giới.

   Trân trọng.

Luật sư NGUYỄN LỆNH  (Cựu HĐS Đạo Bình Định – Hội HĐVN) (5/7/2019)

Leave a Reply

Your email address will not be published.